6.7.21

Để dứt điểm với thuyết âm mưu

ĐỂ DỨT ĐIỂM VỚI THUYẾT ÂM MƯU

Umberto Eco[*]

Vì năm 2020 cũng đã chứng kiến sự lây lan của một virus khác, nên cần khẩn cấp khởi động một suy nghĩ dài hơi về thuyết âm mưu. Đây là một bài có tính chất kinh điển của Umberto Eco: từ Karl Popper đến Dan Brown, ông đặt nền tảng cho một sự hiểu biết về hiện tượng thuyết âm mưu, đồng thời kể cho chúng ta một câu chuyện một cách tài tình.

Có những âm mưu và luôn luôn đã có, điều đó là hiển nhiên đối với tôi: từ vụ ám sát Jules César đến âm mưu ám sát không thành vua James I của nước Anh (conspiration des Poutres) hay âm mưu của Georges Cadoudal về bộ máy hung bạo[1], cho đến những âm mưu tài chính ngày nay được dàn dựng nhằm mục đích làm tăng giá trị cổ phiếu của một vài công ty. Nhưng đặc điểm chính của những âm mưu thực sự là chúng bị phát hiện ngay lập tức, dù là chúng thành công, như trong trường hợp Jules César, hay thất bại như âm mưu của Orsini chống lại Napoléon III. Những mưu mẹo trong hoàng cung không đến nỗi bí mật như ta nghĩ. Điều mà chúng ta quan tâm hơn là hiện tượng hội chứng thuyết âm mưu được kèm theo sự hiện hữu hoang đường của các âm mưu đôi khi là ảo ảnh tràn ngập trên internet. Những âm mưu này vẫn còn bí ẩn và không thể thăm dò được, vì chúng có chung nét đặc sắc của bí mật mà Simmel đã mô tả rất rõ. Bí mật này lại càng mạnh mẽ và hấp dẫn vì nó rỗng không. Nhưng một bí mật kiểu này tạo thành một sự đe dọa: nó không thể được tiết lộ hay tranh cãi, và chính vì lý do này mà nó trở thành một công cụ của quyền lực.

Umberto Eco (1932-2016)

Các tác giả khác đã bàn đến chủ đề này trước tôi. Về hội chứng thuyết âm mưu, tôi chỉ có thể nêu Karl Popper, ông đã viết về vấn đề này nhiều trang đến nay vẫn không ai sánh kịp, theo ý tôi. Ngay từ những năm 1940 Popper đã viết trong tác phẩm Xã hội mở và những kẻ thù của nó[2] rằng thuyết âm mưu của xã hội nằm trong “niềm tin rằng việc giải thích một hiện tượng xã hội chính là việc phát hiện những người hay những nhóm người quan tâm đến trường hợp xuất hiện của một hiện tượng nhất định nào đó (đôi khi đó là một lợi ích được che giấu cần được tiết lộ trước hết) và họ đã có kế hoạch và mưu tính khuyến khích nó. Quan niệm này về các cứu cánh vốn cần được các khoa học xã hội theo đuổi, tất nhiên, xuất phát từ lý thuyết sai lầm cho rằng tất cả những gì xảy ra trong xã hội – đặc biệt là các biến cố như chiến tranh, thất nghiệp, nghèo khó, nạn đói mà mọi người nói chung đều ghét – là hậu quả của sự can thiệp của một số người hay nhóm người có quyền lực. Lý thuyết này có nhiều người ủng hộ và nó còn xưa hơn thuyết duy lịch sử (mà vì thuộc dạng thuyết hữu thần nguyên thủy, nó là một phái sinh của thuyết âm mưu). Dưới những hình thức hiện đại, như thuyết duy lịch sử hiện đại và như một thái độ hiện đại nào đó đối với các qui luật tự nhiên, nó là kết quả tiêu biểu của sự thế tục hóa một sự mê tín tôn giáo. Niềm tin vào các vị thần tượng trưng cho những sức mạnh tự nhiên mà các âm mưu của họ giải thích lịch sử cuộc chiến thành Troie đã chết. Các vị thần đã bị bỏ rơi. Những vị trí của họ bị chiếm giữ bởi những người hay nhóm người có quyền lực – những nhóm áp lực độc địa mà sự tai ác của họ là nguyên nhân của mọi điều xấu xa mà chúng ta phải chịu đựng – chẳng hạn như những nhà hiền triết nổi tiếng của chủ nghĩa phục quốc Do Thái, hay những người chủ trương độc quyền, những nhà tư bản, thậm chí là những kẻ thực dân đế quốc.

Qua đó tôi không có ý định nói rằng các mưu phản không bao giờ xảy ra. Trái lại, đó là những hiện tượng xã hội tiêu biểu. Chúng trở nên quan trọng chẳng hạn như mỗi khi những người tin vào thuyết âm mưu lên nắm quyền. Và những người thật tâm tin rằng họ biết cách thực hiện thiên đàng ở trần gian chấp nhận thuyết âm mưu dễ dàng hơn những người khác và họ đi vào con đường chống âm mưu đối với nhưng kẻ mưu phản không có thật”.

Vậy là kết thúc sự trích dẫn dài dòng này, nhưng tôi phải thêm một trích dẫn khác từ năm 1963, vẫn do Popper viết ra trong Conjectures et Réfutations - Phỏng đoán và bác bỏ -[3]: “Lý thuyết này, sơ khai hơn nhiều hình thức hữu thần, tương tự như lý thuyết ta tìm thấy ở Homère. Ông đã quan niệm quyền lực của vị thần theo cách mà tất cả những gì diễn ra trong đồng bằng xứ Troie chỉ là phản ánh của nhiều mưu phản được ngầm chuẩn bị trên đỉnh Olympe. Lý thuyết xã hội về âm mưu thực ra là một phiên bản của thuyết hữu thần này, nghĩa là niềm tin vào một vị thần với tính khí thất thường hay có những ý muốn quyết định sự xoay vần của thế giới. Đó là một hậu quả khi việc tham chiếu Thượng Đế biến mất, và của câu hỏi tiếp theo “vậy thì ai thế vào chỗ của Thượng Đế?”. Bây giờ nhiều người và nhóm người quyền lực chiếm chỗ này – những nhóm áp lực độc địa, mà ta có thể trách là đã gây ra đại khủng hoảng và tất cả những điều xấu xa mà chúng ta phải chịu đựng.”

Nhưng sau Popper, nhiều tác giả khác đã nghiên cứu hội chứng thuyết âm mưu. Một thư mục khổng lồ, tôi sẽ nêu ra những tác phẩm mới đây của Kate Tuckett, Conspiracy Theories (Các lý thuyết âm mưu) và La face cachée de l’histoire (Bộ mặt bị che giấu của lịch sử) của Daniel Pipes, được dịch vào năm 2005, nhưng thực ra đã được xuất bản nắm 1997 với một nhan đề rõ hơn: Conspiracy: How the Paranoid Style Flourishes and Where It Comes From (Âm mưu: phong cách cuồng ám phát triển như thế nào và nó từ đâu đến). Quyển sách mở ra với một trích dẫn tuyệt vời của Metternich mà có lẽ ông đã nói khi biết tin về cái chết của đại sứ Nga: “Những điều gì có thể là động cơ của ông ta?”.

Karl Popper (1902-1994)

Nhân loại luôn luôn bị quyến rủ bởi những âm mưu ảo. Popper đã trích dẫn Homère, nhưng gần chúng ta hơn thì ta nhớ có linh mục Barruel, người đã gán cuộc Cách mạng Pháp cho một âm mưu được xúi giục bởi các hiệp sĩ cũ của dòng Đền Thánh còn sống sót và tập hợp lại trong những nhóm hội kín Tam điểm, cho đến khi lý thuyết của ông được hoàn thiện bởi viên đại úy Simonini bí ẩn[4]. Ông này có lẽ đã đưa người Do Thái vào lý thuyết của mình, nhằm thiết lập nền tảng cho những nghi thức tương lai của các nhà hiền triết xưa của chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Nhưng tôi nhắc lại, chỉ cần lướt internet để phát hiện đầy dẫy những tiết lộ về những mánh khóe mới.

Gần đây, tôi cũng đã thấy trên internet một trang web đã gán những điều xấu xa trong hai thế kỷ vừa qua cho những giáo sĩ Dòng Tên, và họ dựa trên cơ sở một văn bản dài: Thế giới bệnh hoạn của những giáo sĩ Dòng Tên[5] của một tên Joël Labruyère nào đó. Như tựa đề đã nêu, đó là sự điểm lại tất cả những biến cố đã xảy ra trên thế giới – điều này không chỉ bao gồm những biến cố đương đại nhất – được cho là do âm mưu phổ quát của những giáo sĩ Dòng Tên. Các giáo sĩ Dòng Tên trong thế kỷ XIX, từ linh mục Barruel đến khi tạp chí La Civiltà cattolica[6] ra đời và đến các tiểu thuyết của cha Bresciani, đều là những người chính khơi dậy lý thuyết hội kín của âm mưu Do Thái. Những người thuộc về các nhóm hội kín tự do, chống giáo quyền và theo Mazzini đã trả đũa lại phe Dòng Tên với lý thuyết của họ về âm mưu của Dòng Tên, lý thuyết này ít được phổ biến bởi những bài đả kích hay những quyển sách nổi tiếng, chẳng hạn như Les ProvincialesNhững phụ nữ tỉnh lẻ – của Pascal, hay Le Jésuite moderne – Người Dòng Tên hiện đại – của Vincenzo Gioberti hay là những bài văn của Michelet và Quinet bằng các tiểu thuyết của Eugène Sue như Le Juif errantNgười Do Thái lang thang - và Les mystères du peupleNhững bí mật của dân chúng –.

Kennedy

Như vậy, không có gì mới lắm, nhưng bài viết của Labruyère đã nâng lên cực điểm mối ám ảnh về những người Dòng Tên mà tôi chỉ tóm lược sơ sài, vì sự tưởng tượng mà Labruyère mưu tính là hoang đường: người Dòng Tên đã luôn có mục tiêu thiết lập một chính phủ cho toàn thế giới, kiểm soát cả Giáo hoàng lẫn các vua chúa ở châu Âu thông qua những người nổi tiếng của một hội kín Đức vào thế kỷ XVIII mang tên Illuminati de Bavière –những người khai sáng vùng Bavière-, do chính những người Dòng Tên tổ chức để rồi sau đó tố cáo họ là cộng sản; những người Dòng Tên đã cố lật đổ các vua chúa đã cấm Dòng Chúa Giê-su (Tiếng Pháp: Compagnie des Jésuites, cũng là Dòng Tên – ND-); chính là những người Dòng Tên đã đánh chìm tàu Titanic, vì từ sau biến cố này, họ đã có thể lập ra Federal Reserve Bank (Ngân hàng Dự trữ Liên Bang) nhờ sự ủng hộ của Chevaliers de Malte – dòng Hiệp sĩ Malta -(do họ kiểm soát), và không phải là điều ngẫu nhiên khi ba người Do Thái giàu nhất thế giới (Astor, Guggenheim và Straus) vốn chống đối việc thiết lập ngân hàng này đã chết trong vụ chìm tàu Titanic. Bằng cách hợp tác với Ngân hàng liên bang, những người Dòng Tên sau đó đã tài trợ cho hai cuộc đại chiến thế giới, tất nhiên điều này chỉ có thể đem lại lợi thế cho Vatican. Về vụ ám sát Kennedy, nếu chúng ta không quên thì CIA (Central Intelligence Agency – Cơ quan tình báo trung ương Mỹ-) cũng đã ra đời như là một chương trình Dòng Tên lấy cảm hừng từ tác phẩm những luyện tập trí tuệ của Ignace de Loyola, và những người Dòng Tên kiểm soát CIA qua trung gian KGB của Liên Xô, thì rõ ràng là Kennedy đã bị giết bởi cùng những người đã đánh đắm tàu Titanic. Tất nhiên, tất cả các nhóm nazi mới và chống Do Thái đều xuất phát từ gợi ý của Dòng Tên, Dòng Tên đứng sau lưng Nixon và Clinton, chính những người Dòng Tên đã gây ra cuộc tàn sát ở Oklahoma City, đã gợi ý cho Hồng y Spellman thúc đẩy chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến này đã đem lại 220 triệu đô la cho Ngân hàng liên bang của Dòng Tên; và tất nhiên Opus Dei (trong tiếng La tinh có nghĩa là Công việc của Thiên Chúa, là một đoàn thể của Giáo hội Công giáo - theo Wikipedia –ND-) mà Dòng Tên kiểm soát qua trung gian của dòng Hiệp sĩ Malta, không thể thiếu trong bối cảnh này.

Dan Brown (1964-)

Và những tình tiết về Opus Dei đưa chúng ta trở lại với Da Vinci CodeMật mã Da Vinci– của Dan Brown, một tiểu thuyết đã dùng hội chứng thuyết âm mưu làm nguyên liệu, thúc đẩy hàng đoàn độc giả cả tin đi viếng những nơi ở Pháp và ở Anh và tất nhiên không tìm thấy ở đó những điều mà Dan Brown mô tả. Có vô vàn những biến thể trong truyện kể của Brown, như khi ông nói rằng tổ chức Tu viện Sion (Tu viện Sion – Prieuré de Sion – là tên được gán cho nhiều nhóm, vừa có thực vừa giả tưởng, đặc biệt là một tổ chức do Pierre Plantard thành lập ở Pháp vào năm 1956 – Theo Wikipedia – ND-) được một ông vua tên là Godefroy de Bouillon thành lập ở Jérusalem, trong khi ta biết rằng Godefroy không bao giờ chấp nhận danh hiệu là vua, hay là chuyện để loại các hiệp sĩ Đền Thánh, Giáo hoàng Clément V đã gửi các lệnh bí mật có niêm phong và sẽ được các chiến sĩ đồng loạt mở ra trên toàn châu Âu ngày thứ sáu 13 tháng 10 năm 1307. Nhưng, về mặt lịch sử, đã xác nhận rằng những thông điệp gửi đến các pháp quan và cận thần của vương triều nước Pháp không phải do Giáo hoàng gửi mà do Philippe Le Bel gửi, và ta không biết rõ Giáo hoàng đã làm thế nào để có được các chiến sĩ trên toàn châu Âu. Còn nữa, khi Brown nhầm lẫn những bản viết tay được tìm thấy ở Qumran năm 1947, hoàn toàn không nói đến câu chuyện thật của Graal (Graal - Chén Thánh là một vật bí ẩn của truyền thuyết về vua Arthur, là đối tượng tìm kiếm của các hiệp sĩ Bàn Tròn – theo Wikipedia -ND-), với những bản viết tay của Nag Hammâdi có chứa vài bài phúc âm của thuyết ngộ đạo. Cuối cùng, khi nói về mặt đồng hồ mặt trời trong nhà thờ Saint-Sulpice ở Paris, ông nói đó là phần còn lại của một ngôi đền tà giáo ở đúng ngay chỗ này, nơi người ta có thể thấy một “đường màu hồng” tương ứng với kinh tuyến Paris, một đường kéo dài từ dưới đất đến tầng hầm của bảo tàng Louvre và dưới kim tự tháp treo ngược có lẽ là nơi trú ngụ cuối cùng của Chén Thánh Graal. Và ngay cả ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu những điều huyền bí vẫn đi hành hương đến nhà thờ Saint-Sulpice để tìm đường kinh tuyến này, đến nỗi những người quản lý nhà thờ phải đặt một bảng thông báo mà hình như họ phải rút lại sau đó, thông báo ghi rằng: Mặt đồng hồ mặt trời bao gồm đường bằng đồng được gắn sát vào nền đất của nhà thờ là một phần của một dụng cụ khoa học được thiết lập vào thế kỷ XVIII. Chính nhờ sự đồng ý của cấp có thẩm quyền của giáo hội mà các nhà thiên văn học của Đài Quan sát Paris đã sử dụng đường này để xác định những thông số khác nhau của quỹ đạo trái đất. Trái với điều đã được nêu ra với rất nhiều tưởng tượng trong một tiểu thuyết rất thành công mới đây, đó không phải là vết tích của một ngôi đền tà giáo vốn không hề tồn tại ở địa điểm này. Kinh tuyến này không hề được gọi là “Đường Hoa Hồng”, nó không trùng hợp với kinh tuyến đi qua trung tâm của Đài Quan sát Paris, và về phần nó được dùng như mốc tham chiếu cho những bản đồ mà kinh tuyến được đo bằng độ về phía đông và phía tây của Paris. Không có một khái niệm huyền bí nào có thể suy ra từ dụng cụ thiên văn này, ngoài niềm tin rằng Đấng Thượng Đế sáng tạo là Đức Chúa trời của thời gian. Xin lưu ý rằng những chữ cái P và S trong các cửa sổ tròn nhỏ ở hai đầu của cánh ngang nhà thờ liên hệ đến Pierre và Sulpice, hai vị thánh là chủ của nhà thờ, chứ không phải Prieuré de Sion như được tưởng tượng ra”.

Massimo Polidoro (1969-)

Massimo Polidoro, một trong những cộng sự tích cực nhất của CICAP, Ủy ban kiểm soát những khẳng định khoa học giả hiệu của Ý, đã phát hành một tác phẩm nhan đề Rivelazioni. Il libro dei segreti e dei complotti (Tiết lộ. Quyển sách về những bí mật và âm mưu), tại nhà xuất bản Piemme, một trong nhiều công bố của ông về các tin giả được lưu hành trong truyền thông và ngay cả trong đầu của những người mà chúng ta thường xem là mực thước. Polidoro nhắc lại rằng âm mưu giả định về nguồn gốc của vụ giết hại Kennedy, những câu chuyện khác nhau về những ngày cuối cùng thực sự của Hitler, những bí ẩn của Rennes-le-Château, Jésus cưới Marie-Madeleine ở đâu, đều là những tin giả. Nhưng tại sao những tin giả này lại thành công như thế? Vì chúng giúp tiếp cận được những tri thức mà những người khác bị từ chối, và vì rất nhiều lý do khác đã khiến Polidoro tham chiếu Popper một cách tự nhiên. Nhưng ông cũng nêu ra những nghiên cứu của Richard Hofstadter trong tác phẩm The Paranoid Style in American Politics (Phong cách cuồng ám trong chính trị Mỹ), trong đó tác giả nhấn mạnh ý tưởng rằng sự yêu thích chủ trương theo thuyết âm mưu phải được diễn giải bằng cách áp dụng những lý thuyết xuất phát từ phân tâm học vào ý tưởng xã hội. Vậy ở đây có thể có hai mô tả khả dĩ về biểu hiện của chứng cuồng ám, gần như là người bị cuồng ám về tâm thần thấy toàn thế giới âm mưu chống lại mình, trong khi người cuồng ám về xã hội tin rằng sự bức hại do các thế lực ngầm hướng đến chính nhóm của mình, quốc gia của mình, tôn giáo của mình. Tôi có thể nói rằng người bị cuồng ám về mặt xã hội là nguy hiểm hơn người bị cuồng ám về tâm thần bởi vì anh ta thấy những ám ảnh của mình được chia sẻ bởi hàng triệu người khác và anh ta có cảm tưởng mình hành động chống lại âm mưu một cách không vụ lợi. Điều này giải thích cho một số sự việc còn diễn ra trong thế giới ngày nay, thêm vào nhiều sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Polidoro cũng dẫn Pasolini, ông này đã từng nói: Những tình tiết mưu đồ làm chúng ta trở nên hoang tưởng vì chúng giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng buộc chúng ta phải đối mặt với sự thật”.

Rennes-le-Château

Mọi thuyết âm mưu đều hướng trí tưởng tượng của công chúng đến những nguy hiểm tưởng tượng bằng cách đánh lạc hướng khỏi những đe dọa thực sự, như Chomsky đã từng gợi ý bằng cách tưởng tượng ra một dạng âm mưu của các thuyết âm mưu.

UMBERTO ECO

Bây giờ thế giới đang bị nhồi nhét đầy những người theo thuyết âm mưu, điều đó có thể không làm chúng ta bận tâm, và nếu có người nào đó tin rằng người Mỹ đã không lên mặt trăng, thì lúc đó ta có thể nói mặc kệ anh ta. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng việc đón nhận những thông tin tán thành thuyết âm mưu đã có hậu quả là một sự dấn thân chính trị của cá nhân kém hơn so với những người đón nhận những thông tin bác bỏ các thuyết âm mưu. Thực ra, nếu các vị tin rằng các hội kín là rất mạnh, dù đó là những người khai sáng Illuminati hay nhóm Bilderberg (Nhóm Bilderberg, còn gọi là hội nghị Bilderberg hay câu lạc bộ Bilderberg, là một sự tập hợp không chính thức hàng năm của chừng 130 người, chủ yếu là người Mỹ và châu Âu, phần lớn là các nhân vật ngoại giao, doanh nghiệp, chính trị và truyền thông – Theo Wikipedia – ND-) đang sắp thiết lập một trật tự thế giới mới, thì có lẽ tôi sẽ không làm được gì. Tôi chỉ có thể từ chối thảo luận với các vị, và trong trường hợp xấu nhất là phản ứng khá bực bội. Như vậy, mọi thuyết âm mưu đều hướng trí tưởng tượng của công chúng đến những nguy hiểm tưởng tượng bằng cách đánh lạc hướng khỏi những đe dọa thực sự, như Chomsky đã từng gợi ý bằng cách tưởng tượng ra một dạng âm mưu của các thuyết âm mưu. Chính các thể chế nằm ngay trong tầm ngắm của các thuyết âm mưu hưởng lợi nhiều nhất từ sự hiện hữu của các lý thuyết này. Điều đó có nghĩa là khi tưởng tượng rằng chính Bush đã làm sập hai tòa tháp World Trade Center để biện hộ cho sự can thiệp vào Irak, ta đi qua một loạt các cảnh tượng huyn hoặc khác nhau và ta ngừng phân tích những lý do thực sự khiến Bush can thiệp vào Irak và ảnh hưởng của những người tân bảo thủ đối với ông và chính sách của ông.

Nhưng điều mà tôi muốn đề cập bây giờ, không phải là sự lan truyền của hội chứng thuyết âm mưu, vốn diễn ra trước mắt mọi người, hay những kỹ thuật ký hiệu học giả hiệu qua đó các âm mưu được chứng minh và biện bạch. Cách đây hai mươi lăm năm, tôi đã dừng lại rất lâu trong quyển sách của tôi Les limites de l’interprétation[7] Những giới hạn của diễn giải – về điều mà tôi gọi là “ung thư của sự diễn giải”, mà tôi nhận diện trong điều mà tôi định nghĩa như là “sự trôi dạt bí hiểm”: thái độ phóng túng quá trớn của những bậc thầy của khoa học huyền bí đã đạt đến việc tìm ra những mối liên hệ giữa những sự kiện không liên quan với nhau, trên cơ sở những điều tương tự nhau đáng ngờ. Lúc đó, tôi quan tâm đến những nhà giả kim và những điều hoang tưởng của René Guénon[8], chưa nói đến người vô địch của chủ nghĩa phát xít bí hiểm Julius Evola[9]. Nhưng dù tôi không thể lp lại tất cả những lập luận này ở đây, tôi vẫn muốn chỉ ra chính những trình tự phóng túng quá trớn này được các nhà lý thuyết về âm mưu áp dụng như thế nào.

E. M. Forster (1879-1970)

Sự hấp dẫn của những điều trùng hợp đủ để chuyển đổi nhiều trùng hợp theo châm ngôn của E. M. Forster: Only connect Chỉ cần kết nối lại–. Để nêu ra vài ví dụ, đây là một loạt trùng hợp rất đẹp, mà nếu chúng không bị thoái hóa thành các thuyết âm mưu, có thể cung cấp nguyên liệu cho những người theo thuyết âm mưu: tôi đã đọc trên internet rằng Lincoln đã được bầu vào Thượng Viện năm 1846, Kennedy năm 1946, Lincoln là tổng thống năm 1860, Kennedy năm 1960, vợ của họ đã mất một đứa con khi họ đang ở Nhà Trắng, cả hai đều bị một viên đạn bắn vào đầu bởi một người Miền Nam vào ngày thứ sáu; thư ký của Lincoln tên là Kennedy và thư ký của Kennedy tên là Lincoln, người kế nhiệm Lincoln là Johnson sinh năm 1808, và Lindon Johnson, người kế nhiệm Kennedy sinh năm 1908. John Wikes Booth, người ám sát Lincoln sinh năm 1839, Lee Harvey Oswald sinh năm 1939; Lincoln bị giết ở nhà hát Ford, Kennedy bị bắn trên một chiếc xe “Lincoln” do hãng Ford sản xuất; Lincoln bị giết trong một nhà hát và người ám sát ông trốn trong một nhà kho, người ám sát Kennedy bị bắn trong một nhà kho và đi trốn trong một nhà hát, cả hai Booth và Oswald đều bị giết trước khi ra tòa. Và để hoàn thiện tất cả (một cách thô thiển), có một trò chơi chữ chỉ thực hiện được bằng tiếng Anh: Một tuần trước khi chết, Lincoln đã ở tại Monroe, Maryland (“in Monroe, Maryland”), một tuần trước khi chết, Kennedy đã ở tại Monroe, Marilyn (“in Monroe, Marilyn”).

Nhưng tôi muốn kết thúc bằng cách dựng lại một âm mưu giả đã ám ảnh và còn luôn luôn ám ảnh trí tưởng tượng của rất nhiều người. Âm mưu này không phải là một sự việc nhỏ, vì nó liên quan đến bản thân Jésus – Christ, và vì nó còn đưa hàng ngàn kẻ hiếu kỳ đến làng Rennes-le-Château. Đó là một âm mưu dựa trên ý tưởng là Chúa Giê-su đã cưới Marie-Madeleine và Ngài đã xây dựng triều đại Mérovingien và bóng ma Tu viện Sion vẫn còn hoạt động ngày nay. Tu viện này gắn với, và chỉ có thể là như vậy, bí ẩn của Chén Thánh Graal, luôn có mối liên hệ với các hiệp sĩ Đền Thánh.

Otto Rahn (1904-1939)

Thánh tích huyền thoại đã đi qua những con đường ngoằn ngoèo, và một trong những truyền thuyết mới nhất nhờ các sách của Otto Rahn, một người theo nazi[10] muốn rằng thánh tích này nằm ở Montségur ở miền Nam nước Pháp, ở biên giới với Tây Ban Nha, gần Saintes-Maries-de-la-Mer thuộc vùng Camargue, ở đó một truyền thuyết nói rằng các Saintes Maries (các thánh Marie) đã đổ bộ từ Palestine (nhưng không có truyền thuyết nào đề cập đến Giê-su như là người đồng hành). Nguyên cớ được sử dụng để sáng tạo ra âm mưu này là câu chuyện của linh mục Bérenger Saunière là cha xứ của Rennes-le-Château từ 1885 đến 1909, đây là một làng nhỏ cách Carcassonne chừng 40 km. Vào thời của ông, người ta nói đến một mối quan hệ có thể có giữa ông và cô người hầu Marie Denamaud, nhưng điều đó không bao giờ được chứng minh. Điều mà người ta biết là Saunière đã cho trùng tu bên ngoài và bên trong nhà thờ của địa phương, đã xây một biệt thự (Villa Bethania) để sống ở đó, và xây một cái tháp trên đồi gọi là Tháp Magdala, gợi nhớ đến Tháp David ở Jérusalem, điều này không phải là không đáng kể. Những công trình vô cùng tốn kém: người ta đã tính là chi phí tương ứng với khoảng hai trăm năm lương của một linh mục ở tỉnh lẻ, và tất nhiên, những tin đồn bắt đầu lan truyền, đến nỗi giám mục của Carcassonne đã mở một cuộc điều tra rồi điều động Saunière đến một giáo phận khác. Saunière đã từ chối và rút lui cho đến khi chết năm 1917. Thật vậy, Saunière (là một tay vô lại) đã tìm thấy một kho báu phi thường: thực ra, ông linh mục mưu mô này, thông qua những thông báo trên các nhật báo và tạp chí tôn giáo, đã thu tiền và hứa sẽ làm lễ cho nhà hảo tâm khi qua đời, điều này giúp ông tích lũy tiền cho hàng trăm lễ mà ông không bao giờ cử hành, và cũng chính vì lý do đó mà ông bị giám mục Carcassonne xét xử.

Nhưng sau khi ông chết, người ta thấy phát sinh một loạt giả thuyết lố bịch: người ta bắt đầu nói rằng khi trùng tu nhà thờ, Saunière đã tìm thấy một ngôi mộ trong tầng hầm của nhà thờ và đã tìm thy một thùng chứa các vật quý (có lẽ là một vật không có giá trị lắm do linh mục giáo phận Rennes để lại trong cách mạng Pháp trước khi chạy trốn sang Tây Ban Nha). Dựa vào những chỉ dấu mơ hồ này, người ta đã bắt đầu tin rằng Saunière đã tìm thấy một kho tàng to lớn phi thường. Khi qua đời, ông đã để lại tất cả những gì ông đã xây dựng cho cô người hầu trẻ của ông, và cô này, để tạo giá trị cho tài sản mà cô thừa kế, đã tiếp tục tăng thêm nhiều câu chuyện về truyền thuyết chung quanh kho tàng. Noël Corbu, người thừa kế gia sản của Marie Denarnaud, đã mở một tiệm ăn trong làng, và phổ biến trên báo chí địa phương về bí ẩn “ông linh mục tỷ phú”, và khiến một vài người săn kho báu đã đến đây lao vào đào bới cổ vật trong vùng.

Gérard de Sède (1921-2004)
Pierre Plantard (1920-2000)

Chính là vào thời điểm này của câu chuyện mà Pierre Plantard đã vào cuộc (và sau đây các vị sẽ nói với tôi là các vị đủ tin tưởng con người này hay không để mua cho ông ta dù chỉ là một chiếc xe hơi cũ). Plantard, sau khi tham gia chính trị vào các nhóm cực hữu, đã xây dựng những nhóm rất nhỏ chống Do Thái, và lúc mười bảy tuổi đã phát động “Alpha Galates”, một phong trào ủng hộ chế độ Vichy (điều này đã không ngăn cản ông ta sau giải phóng đã giới thiệu các tổ chức của ông ta là những nhóm thân kháng chiến). Tháng mười hai năm 1953, sau khi bị tù vì tội lạm dụng tín nhiệm (sau này ông bị kết tội một năm tù vì đã làm hư hỏng trẻ vị thành niên), Plantard khánh thành tu viện Sion của mình, và đăng ký chính thức hội này tại quận St-Julien-en-Genevois. Từ đó ông ta khoe khoang về sự cổ xưa của tu viện, rằng nguồn gốc của nó cách đây gần hai ngàn năm, như đã nêu trong các tài liệu do Saunière phát hiện khi trùng tu nhà thờ. Các tài liệu này có thể đã chứng minh sự trường tồn của dòng các vua Mérovingiens, hơn nữa Plantard còn tự xưng là thuộc dòng dõi vua Dagobert II. Sự lừa đảo của Plantard đã gặp con đường đi của quyển sách của Gérard de Sède, là tác giả vào năm 1962 của một quyển sách về những bí ẩn của lâu đài Gisors ở Normandie. Chính ở đó, sau một vài thất vọng về văn chương, ông rút lui về nuôi heo, và đã gặp Roger Lhomoy, một kẻ lang thang hơi điên điên, ngày xưa là người làm vườn cho lâu đài, rồi bỏ ra hai năm sống trong những tầng hầm để tìm những hành lang ngầm dưới đất ngày xưa. Theo người ta nói, ông ta đi vào một phòng ở đó ông thấy dưới mái vòm kiểu kiến trúc roman (kiến trúc La Mã cổ đại) dài 30 mét một bàn thờ bằng đá, trên tường có nhiều hình Giê-su và 12 tông đồ. Trên nền đất, dọc theo tường là quan tài bằng đá và 30 rương bằng kim loại quý. Chi tiết thú vị là tất cả những tìm kiếm được thực hiện sau đó, với sự thúc đẩy của De Sède, đã không bao giờ đạt đến cái phòng hoang đường này, mặc dù có nhận diện được một vài hành lang. Nhưng trong thời gian đó, Plantard đã tiếp cận De Sède, và khoe là có không những các tài liệu bí mật mà “đáng tiếc” là ông không thể trưng ra (như rất nhiều tài liệu của giáo phái Chữ Thập Đỏ (Rose-Croix), mà cả sơ đồ của căn phòng bí mật đó.

Thực ra, Plantard đã tự vẽ ra sơ đồ theo những chỉ dẫn của Lhomoy. Thế là điều đó đã thúc đy De Sède viết quyển sách và tung ra những giả thuyết về vai trò của các hiệp sĩ Đền Thánh trong câu chuyện. Năm 1967, De Sède công bố L’Or de Rennes (Vàng của Rennes) và nhờ tác phẩm này mà huyền thoại về tu viện Sion có chỗ đứng vĩnh viễn trong truyền thông, và đáng chú ý là nhờ việc sao chép các loại giấy tờ giả mà trong thời gian đó Plantard đã phổ biến được trong nhiều thư viện khác nhau và thực ra chúng đã được Philippe de Chérisey vẽ ra (như chính Plantard sau này đã thú nhận), ông này là một nhà văn hài hước và là diễn viên của đài phát thanh Pháp cuối cùng đã tuyên bố vào năm 1979 ông là tác giả của những tài liệu giả: ông đã sao chép lối viết chữ oncial từ những tài liệu được tìm thấy ở Thư viện Quốc gia. De Sède đã tìm thấy trong những tài liệu này một chi tiết tham khảo gây bối rối về một bức tranh của Poussin trong đó (như điều đã xảy ra trong một bức tranh của Guernico) những người chăn cừu phát hiện ra một ngôi mộ mang dòng chữ “Et in Arcadia ego” (Tôi, sự chết, tôi cũng có mặt ở Arcadie (xứ sở thần tiên - ND). Đó là một tác phẩm phong cách nghệ thuật memento mori cổ điển (momento mori là một cụm từ tiếng Latinh có nghĩa là ‘hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết’, ám chỉ một tác phẩm nghệ thuật được thiết kế để nhắc nhở người xem về cái chết của họ cũng như sự ngắn ngủi và mong manh của cuộc sống con người - Xem https://idesign.vn/art-and-ads/tu-a-z-cac-thuat-ngu-nghe-thuat-co-the-ban-chua-to-tuong-phan-4-447753.html - ND), Sự Chết biểu lộ sự hiện diện của nó cho đến cả xứ sở hạnh phúc Arcadie. Nhưng Plantard khẳng định rằng câu này đã xuất hiện trong các huy hiệu của gia đình ông từ thế kỷ XIII, điều này có vẻ không thật vì Plantard là con của một người bồi bàn. Ông cũng khẳng định là phong cảnh trong các bức tranh gợi lại phong cảnh của Rennes-le-Château, trong khi Poussin sinh ở Normandie và Guernico thì không bao giờ ở Pháp, và những ngôi mộ trong các tranh của Poussin và Guernico giống một ngôi mộ còn trông thấy được cho đến những năm 1980 trên một con đường giữa Rennes-le-Château và Rennes-les-Bains (đáng tiếc là người ta đã chứng minh là ngôi mộ chỉ mới được lập nên vào thế kỷ XX). Dù sao đi nữa, ông ta đã đưa ra chứng cớ là tổ chức Tu viện Sion đã đặt Poussin và Guernico vẽ các bức tranh này. Nhưng việc giải mã tranh của Poussin không dừng lại ở đó: đảo ngữ của “Et in Arcadia ego là mệnh lệnh “I Tego Arcana Dei, nghĩa là “Hãy đi đi, ta đang giấu những bí mật của Thượng Đế”.

Như vậy chứng cớ hiển nhiên đây là ngôi mộ của Giê-su. De Sède còn đưa ra những giả thuyết đáng lo ngại khác về một vài khía cạnh của nhà thờ được trùng tu bởi Saunière. Ví dụ, người ta tìm thấy câu: “Terribilis est locus iste, đã làm run sợ những người ham thích những điều bí ẩn. Thực ra đó là một câu trích dẫn trong Sách Sáng Thế xuất hiện trong nhiều nhà thờ và nó liên hệ đến tầm nhìn của Jacob khi ông mơ được lên trời và khi thức dậy đã nói, theo phiên bản của bản dịch Thánh kinh từ tiếng La tinh La Vulgate: “Nơi này thật là kinh khủng”; nhưng từ La tinh “terribilis” còn có nghĩa là “đáng được tôn thờ”, và có khả năng khơi dậy một sự sợ hãi một cách cung kính: như vậy thành ngữ này không hề mang tính đe dọa. Trong nhà thờ, âu nước thánh được đỡ bởi một con quỷ quì gối mà người ta nhận diện là quỷ Asmodée, nhưng ta có thể nói rằng nhiều nhà thờ Roman biểu hiện hình ảnh những con quỷ. Cuối cùng, Asmodée bị bốn thiên thần vượt lên trên và dưới đó có khắc câu: Par ce signe tu le vaincras”, (“Với dấu hiệu này ngươi sẽ chiến thắng”), có thể liên hệ đến câu bằng tiếng la tinh “In hoc signo vinces, nhưng trong câu tiếng Pháp có thêm từ “le” khiến cho những người săn tìm bí mật đếm các chữ trong câu, là 22 chữ, như số răng của hộp sọ đặt ở cổng vào của nghĩa trang, như số con chim hét ở tháp Magdala, như số bậc thang của hai cầu thang đi lên tháp. Những chữ tạo thành từ “le” nằm ở vị trí thứ 13 và 14 của câu, và 1314 là ngày hành quyết trên giàn thiêu Thánh Jacques de Molay, Giáo chủ của dòng Đền Thánh. Với những con số này, các vị có thể làm bất cứ điều gì các vị muốn. Sau đó, khi chú ý đến các pho tượng khác, và quan sát những chữ bắt đầu tên các thánh tượng trưng cho Germana, Rocco, Antoine l’Ermite, Antoine de Padoue và Luc, ta có được từ “Graal”.

Henry Lincoln (1930-)
Richard H. Leigh (1943-2007)

Truyền thuyết về Rennes-le-Château có lẽ dần dần mất uy tín nếu quyển sách của De Sède không đập vào mắt của một nhà báo, Henry Lincoln, ông này đã dành ba tập phim tài liệu về Rennes-le-Château cho đài BBC (Mitterand cũng có đến dự). Trong quá trình làm việc này, Lincoln đã cộng tác với Richard Leigh, là một người cũng ham thích những bí mật và khoa học huyền bí, và với nhà báo Michael Baigent, và cả ba người đều có ý tưởng xuất bản một quyển sách, The Holy Grail (Chén Thánh), đã rất nhanh chóng thành công rực rỡ. Tóm lại, quyển sách lấy lại tất cả những tin tức do De Sède và Plantard phổ biến, đồng thời làm phong phú thêm với vài câu chuyện bịa đặt, và trình bày tất cả như một sự thật lịch sử không thể tranh cãi. Ông thiết lập một mối liên hệ huyết thống trực tiếp giữa những người sáng lập dòng Tu viện Sion và Giê-su, Ngài không chết trên cây thánh giá, nhưng đã cưới Madeleine trong khi chạy trốn khỏi nước Pháp và đã khai sinh vương triều Mérovingiens. Cái mà Saunière tìm ra hoàn không phải là một kho báu, mà là một loạt các tài liệu phục dựng dòng dõi của Giê-su với những thuật ngữ “sang royal” (dòng máu vua chúa), và cũng là “sang réal”, thuật ngữ sau này bị biến dạng thành “saint graal” (cái chén mà Giê-su và 12 tông đồ đã dùng trong bữa ăn tối cuối cùng và đã hứng máu của Giê-su –ND-). Sự giàu có của Saunière có nguồn gốc từ vàng do Vatican trả để ém nhẹm phát hiện kinh khủng này. Vả lại, Plantard đã khẳng định rằng Sandro Botticelli, Léonard de Vinci, Robert Boyle, Robert Fludd, Isaac Newton, Victor Hugo, Claude Debussy, Jean Cocteau cũng đã tham gia dòng Tu viện Sion qua các thế kỷ. Chỉ còn thiếu Astérix.

Tất cả những tài liệu giả này đã tăng cường bí ẩn của Rennes-le-Château, biến nơi này thành một địa điểm của nhiều cuộc hành hương. Duy nhất những người không bao giờ tin chuyện này là những người khởi xướng ra câu chuyện. Vào lúc câu chuyện đã được thổi phồng một cách giả tạo bởi Baigent và các đồng nghiệp của ông, De Sède đã tố cáo những gian lận khác nhau được lập nên chung quanh ngôi làng của Saunière trong một quyển sách vào năm 1988. Năm 1989, Pierre Plantard cũng đã chối bỏ tất cả những gì ông đã nói trước đây, và đề nghị một phiên bản thứ hai về truyền thuyết theo đó dòng Tu viện Sion chỉ mới ra đời vào năm 1781. Hơn nữa, ông đã xem xét lại một số tài liệu giả của ông và đã thêm Patrice-Pelat vào danh sách những bậc thầy của dòng Tu viện, ông này là bạn của Mitterand, sau này bị kết án vì các tội liên quan đến giao dịch nội gián chứng khoán. Plantard, được nêu ra như là người làm chứng, đã tuyên thệ và nhận là đã bịa ra toàn bộ câu chuyện về dòng Tu viện Sion và trong một cuộc khám xét nhà ông người ta đã tìm thấy nhiều tài liệu giả; không còn ai xem trọng ông nữa.

Tuy nhiên, năm 2003, quyển truyện Mật mã Da Vinci của Dan Brown được phát hành, rõ ràng là lấy nguồn cảm hứng từ De Sède, Baigent, Leigh Lincoln và từ nhiều loại tác phẩm văn chương huyền bí khác. Nhưng Brown đã khẳng định rằng tất cả những thông tin mới mà ông cung cấp là có thực về mặt lịch sử. Điều lý thú nhất là Lincoln, Baigent và Leigh đều kiện Brown ra tòa vì đạo văn. Vậy mà lời mở đầu của Saint Graal (Chén Thánh) trình bày toàn bộ nội dung quyển sách như là một sự thật lịch sử. Nói như vậy rồi, nếu một ai đó thiết lập sự thật của một sự kiện lịch sử, ví dụ như César đã bị ám sát vào ngày 15 tháng ba, chính là từ lúc sự thật lịch sử được công bố mà nó trở thành tài sản tập thể. Người kể lại chuyện César bị đâm 23 nhát dao ở Nghị viện La Mã không thể bị kết tội đạo văn. Nhưng trái lại, Baigent, Leigh và Lincoln trong khi cáo buộc Brown tội đạo văn đã công khai thừa nhận tất cả những gì họ đã bán như sự thật lịch sử đều là giả tưởng, như vậy chỉ tùy thuộc vào sở hữu văn chương của riêng họ. Đúng là muốn nhúng tay vào một phần của chiến lợi phẩm của Brown nay đã trở thành tỷ phú, hẳn là người ta phải tìm ra ai đó sẵn sàng thề rằng ông ta không phải là con trai của người cha hợp pháp của ông mà là của một trong hàng chục thủy thủ đi lại với mẹ ông ta, và Baigent, Leigh và Lincoln phải có thiện cảm sâu sắc nhất của chúng ta. Những điều còn kỳ lạ hơn là trong phiên tòa, Brown đã khẳng định chưa bao giờ đọc quyển sách của Lincoln và đồng nghiệp, một sự tự biện hộ mâu thuẫn đối với một tác giả tự xưng là đã thu thập tất cả những thông tin mới của ông từ những nguồn đáng tin cậy, những lời này giống y điều mà các tác giả của Chén Thánh đã nói trước đây.

Nhưng đó có phải là một âm mưu không? Chắc chắn rằng đối với du khách và những tín đồ tiếp tục đi đến, Rennes-le-Château vẫn luôn luôn là một địa điểm hành hương. Trường hợp của Rennes-le-Château cho ta thấy là tạo ra một truyền thuyết từ không có gì thật dễ biết bao, nhưng làm thế nào nó lại đứng vững được trong khi các sử gia, tòa án và các thể chế khác đã thừa nhận tính chất dối trá của nó, điều này khiến ta nghĩ tới một câu châm ngôn được cho là của Chesterton: Khi con người không còn tin vào Thượng Đế, thì không phải là họ không tin điều gì cả, mà là tin mọi thứ. Nếu các vị còn nhớ, thì đó là một trong những quan sát của Popper, và châm ngôn này có lẽ là một đề từ tốt cho suy nghĩ về hội chứng thuyết âm mưu.

----

Bài này là bản dịch bài Lectio Magistralis của Umberto Eco nhân dịp trao bằng tiến sĩ danh dự cho ông về truyền thông và văn hóa truyền thông tại đại học Turin.

Marta Massini ghi lại bằng tiếng Ý.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Pour en finir avec la théorie du complot”, Le Grand Continent, 24.12.2020.

----

Có thể tham khảo:Sự bùng nổ của thuyết âm mưu. Vẫn chuyện lòng tin trong thời đại số”, Thời báo kinh tế Saigon, 26.02.2021.




Chú thích:

[*] Umberto Eco sinh ngày 5 tháng 1 năm 1932 tại Alexandrie, tỉnh Piémont của nước Ý, từ trần ngày 19 tháng 2 năm 2016 tại Milan (Ý). Ông là giáo sư đại học, học giả và văn sĩ người Ý. Ông nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu về ký hiệu học, mỹ học thời Trung Cổ, truyền thông đại chúng, ngôn ngữ học và triết học. Đặc biệt, ông được công chúng biết nhiều qua các tác phẩm tiếu thuyết lãng mạn.

Ông là giáo sư thực thụ của bộ môn ký hiệu học và giám đốc của Trường cao cấp khoa học nhân văn tại Đại học Bologne, và là giáo sư danh dự từ năm 2008.

Tiểu thuyết đầu tay của ông Le Nom de la rose (Tên của đóa hồng), được xuất bản tại Ý vào năm 1980 mang lại cho ông giải thưởng Premio Strega năm 1981, giải Médicis étranger năm 1982 và được đạo diễn Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành phim năm 1986 với các diễn viên Sean Connery và Christian Skater.

Tiểu thuyết này đã được dịch sang tiếng Việt (Dịch giả: Lê Chu Cầu, Nhà xuất bản Nhã Nam, 2013) (ND).

[1] Georges Cadoudal (Kerléano, Auray, 1771 – Paris 1804): gia nhập vào thuyết chủ nghĩa hiện thực chống cách mạng, ông là một trong những thủ lĩnh của phong trào bảo hoàng chống cách mạng. Sau khi cuộc nổi dậy của phong trào bảo hoàng Chouans (gồm những người trẻ và nông dân - ND) chấm dứt năm 1800, mặc dù Napoléon toan tính lôi kéo ông về phe mình, ông đã xúi giục ám sát đệ nhất tổng tài Napoléon mà ông gọi là “bộ máy hung bạo”, tiếp theo là cuộc mưu phản vào năm 1803 nhắm mục đích bắt cóc Napoléon. Bị bắt ngày 9 tháng ba năm 1804, ông bị kết án tử hình.

[2] K. Popper, La société ouverte et ses ennemis (Xã hội mở và những kẻ thù của nó), Seuil, 1979

[3] K. R. Popper, Conjectures et réfutations (Phỏng đoán và bác bỏ), Payot, 1979

[4] Kẻ giả mạo và mật vụ Simone Simonini là một nhân vật đã thực sự tồn tại, nhưng cũng là một nhân vật chính của một tiểu thuyết của Umberto Eco Le Cimetière de Prague (Nghĩa trang Prague) (Grasset, 2011)

[6] Tạp chí công giáo do các linh mục Dòng Tên thành lập tại Naples vào năm 1850.

[7] U. Eco Les limites de l’interprétation (Những giới hạn của diễn giải), Grasset 1992

[8] René Jean-Marie-Joseph Guénon (Blois, 1886 – Le Caire, 1951): tác giả theo thuyết bí truyền Pháp.

[9] Julius Evola (Roma, 19 /05/ 1898 – Roma, 11 /06/ 1974): triết gia, họa sĩ, thi sĩ, nhà văn theo thuyết bí truyền Ý, được Mussolini ngưỡng mộ vì những ý tưởng của ông về sự trở lại của văn minh La Mã và một lý thuyết tinh thần về chủng tộc.

[10] Otto Rahn (Michelstadt, 1904 – Söll, 1939): sĩ quan SS nhưng cũng là một chuyên gia về lịch sử trung cổ. Ông đã công bố tác phẩm La croisade contre le Graal (Thập tự chinh chống lại Chén Thánh), đã gây ra sự chú ý của một vài thành viên của Đảng Quốc Xã Đức như Heinrich Himmler. Sau đó ông xa rời những ý tưởng của quốc xã sau khi đã từ nhiệm khỏi SS. Năm 1939, người ta tìm thấy ông chết trên một sườn núi gần Söll, trong vùng Tyrol thuộc Áo trong những hoàn cảnh vẫn còn mờ ám nhưng ta có thể nghĩ là tự sát.

Print Friendly and PDF