23.7.21

Thế vận hội Bắc Kinh 2022: Nghị viện châu Âu kêu gọi EU tẩy chay, Trung Quốc bực tức

THẾ VẬN HỘI BẮC KINH 2022: NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU KÊU GỌI EU TẨY CHAY, TRUNG QUỐC BỰC TỨC

Pierre-Antoine Donnet

Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 20 tháng 2 năm 2022. (Nguồn: QZ)

Cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã trở nên trầm trọng thêm vào ngày 8 tháng 7 vừa qua. Nghị viện Brussels đã kêu gọi các quan chức của Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên từ chối lời mời của Bắc Kinh đến tham dự Thế vận hội Mùa đông 2022, nhằm phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.

Trong một văn bản được thông qua với 578 phiếu bầu (29 phiếu chống và 73 phiếu trắng), các dân biểu châu Âu đã kêu gọi Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và các quốc gia thành viên “từ chối lời mời từ các đại diện chính phủ [Trung Quốc] và các nhà ngoại giao [Trung Quốc] đến tham dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, trừ phi chính phủ Trung Quốc thể hiện một cách xác thực việc cải thiện tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, khu vực Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và các nơi khác ở Trung Quốc.”

Nghị viện châu Âu “lên án mạnh mẽ việc cưỡng bức nhật báo Apple Daily đóng cửa, đóng băng tài sản và bắt giữ các nhà báo của họ, Trung Quốc đã vượt qua biết bao nhiêu giai đoạn trong việc xóa bỏ xã hội tự do ở Hồng Kông và chấm dứt vĩnh viễn quyền tự do truyền thông và tự do ngôn luận ở Hồng Kông”, theo một nghị quyết không có hiệu lực ràng buộc.

Chính quyền Hồng Kông đã lập tức chỉ trích cuộc bỏ phiếu này, gọi đây là “hành động mị dân” và “là trở ngại cho sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và EU.”

Sau vụ bắt giữ nhiều quan chức và đóng băng tài sản, tờ Apple Daily, một nhật báo đối lập bằng tiếng Hoa và trong một thời gian dài đã nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh, vì những tuyên bố ủng hộ phong trào dân chủ và thường xuyên chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã bị buộc phải đóng cửa sau 26 năm tồn tại và tờ báo đã phát hành số chót vào ngày 24 tháng 6.

Các dân biểu châu Âu đã kêu gọi Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên “đưa luật an ninh quốc gia [Trung Quốc] thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tất cả các cuộc họp giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc, kể cả ở cấp độ các cuộc tham vấn ngoại giao chuẩn bị cho các cuộc họp đó”.

Luật [an ninh quốc gia] nói trên, có hiệu lực từ ngày 30 tháng 6 năm 2020, đã được Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông để giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ này, sau phong trào phản đối của người dân vào năm 2019. Luật đe dọa những người bị kết tội “thông đồng với thế lực nước ngoài” sẽ bị trừng phạt có thể lên đến mức tù chung thân.

“TRUNG QUỐC trả đũa

Sáng kiến ​​của Nghị viện châu Âu đã lập tức dấy lên làn sóng phẫn nộ của giới truyền thông Trung Quốc. Đây là một minh họa mới về những căng thẳng đang tồn tại giữa Brussels và Bắc Kinh. Nghị viện châu Âu tập hợp những hệ tư tưởng triệt để và cực đoan nhất của xã hội phương Tây, đồng thời kiến tạo một sân khấu [chính trị] cho khán giả thuộc mọi kiểu tệ nạn chính trị để được nói đến và muốn làm nổi bật bản thân”, theo lời tố cáo của bài viết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu [Global Times] chính thức của Trung Quốc. Nhật báo theo chủ nghĩa dân tộc, dưới sự bảo trợ của tờ Nhân dân Nhật báo [People's Daily], đã cáo buộc các nghị sĩ [châu Âu] chỉ tìm cách kích động “một khối lượng và tác động tối đa” trong khi “phớt lờ sự thật, trách nhiệm và hậu quả”.

Theo tờ báo, Nghị viện châu Âu trên thực tế đã thông qua các biện pháp trừng phạt tương tự như các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức ở Hồng Kông. Nhưng họ [Nghị viện châu Âu] còn “đi xa hơn cả Hoa Kỳ về vấn đề Thế vận hội Mùa đông”.

Tuy nhiên, người viết xã luận của tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định rằng lời kêu gọi này sẽ không được chú ý: “Khoảng cách giữa nghị quyết của Nghị viện châu Âu và chính sách thực tế của châu Âu đối với Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn nhiều khoảng cách về thái độ của nghị viện và chính phủ các nước thành viên đối với Trung Quốc […]. Trên cơ sở các mối quan hệ hiện tại giữa các nước châu Âu và Trung Quốc, giải pháp của họ rất khó có thể được thực hiện.

Các mối quan hệ Trung-Âu là “đôi bên cùng có lợi”, người viết xã luận Trung Quốc nói tiếp, và phản đối ý tưởng của các dân biểu châu Âu, theo đó cán cân quyền lực có lợi cho họ [châu Âu]. Ông khẳng định: “Nếu Liên minh châu Âu trừng phạt các quan chức cấp cao của Hồng Kông và Trung Quốc, thì họ chắc chắn sẽ phải đối mặt với các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc.”

Bằng cách nhấn mạnh rằng các vấn đề Tân Cương và Hồng Kông là “vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, người viết xã luận khẳng định “thời kỳ mà Hoa Kỳ và phương Tây [có thể] tự do kích động một cách vô cớ đã qua. Trong bối cảnh đó, nếu Washington và Brussels kiên quyết gây căng thẳng về hai vấn đề nói trên, tờ báo này tuyên bố: “Chúng ta sẵn sàng chấp nhận hậu quả của những xung đột như thế”.

Là một tạp chí tin tức quốc tế chất lượng khi ra mắt vào năm 1993, tờ Thời báo Hoàn cầu sẵn sàng tận dụng làn sóng tự hào dân tộc, từng đồng hành cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường thế giới. Họ tạo nên sự khác biệt bằng những bài xã luận theo phong cách dân tộc chủ nghĩa cay độc, dưới hình thức nửa khổ thông dụng, đại chúng và có số phát hành cao, đi chệch khỏi giọng điệu cứng nhắc của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà họ trực thuộc. Các quan điểm dứt khoát của họ là dấu hiệu cho thấy những khuynh hướng triệt để nhất trong giới lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh. Số lượng phát hành của tờ báo đã tăng lên trong chớp nhoáng và giờ đây tự nhận là tờ báo đứng hàng thứ hai tại Trung Quốc.

TẠM DỪNG THỎA THUẬN ĐẦU TƯ

Cuộc khủng hoảng giữa Brussels và Bắc Kinh không phải là chuyện mới. Nó đã trải qua một giai đoạn mới với việc các dân biểu châu Âu từ chối phê chuẩn hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Một thỏa thuận đã được đàm phán một cách gây go trong bảy năm và được ký kết vào ngày 30 tháng 12 năm 2020.

Lời kêu gọi của các dân biểu châu Âu là một bước lùi lớn đối với chính phủ Trung Quốc, vốn hy vọng có thể dựa vào các mối quan hệ bình yên với Liên minh châu Âu để đối trọng với các mối quan hệ tồi tệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Lời kêu gọi tẩy chay của các dân biểu châu Âu chỉ liên quan đến việc tẩy chay về mặt ngoại giao. Điều này có nghĩa là chỉ những nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao nào của Liên minh châu Âu được mời thì từ chối đến Bắc Kinh tham dự Thế vận hội mùa đông năm 2022, còn các vận động viên thì không có liên quan.

Tuy nhiên, ý tưởng này đã đạt được mục đích, kể cả ở Hoa Kỳ, nơi đang có nhiều tiếng nói yêu cầu chính quyền Biden làm điều tương tự. Tất cả những điều nói trên, trong bối cảnh các tuyên bố về “diệt chủng”, theo quốc hội của nhiều nước, trong đó có Canada, Vương quốc Anh và Bỉ, cáo buộc hành vi phạm tội của chính phủ Trung Quốc chống lại người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Quốc hội Pháp đang xem xét đưa ra một tuyên bố tương tự.

Tác giả Pierre-Antoine Donnet

Giới thiệu tác giả

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Cựu nhcà báo của AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, nhà xuất bản Editions de l'Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, nhà xuất bản Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: JO de Pékin 2022 : le parlement européen appelle l'UE au boycott, la Chine excédée, Asialyst, ngày 13/07/2021.

Print Friendly and PDF