25.7.21

Châu Phi ra rìa


CHÂU PHI RA RÌA

Branko Milanovic

Châu Phi (Nguồn: freepik)

Branko Milanovic cho rằng các quốc gia châu Phi chẳng có chút quyền lực nào trong việc tác động lên các cuộc tranh luận kinh tế toàn cầu, và họ bị ra rìa.

Liệu châu Phi có bị gạt ra rìa trong kinh tế học và chính trị học đương đại, và trong nghiên cứu kinh tế và chính trị đương đại hay không? Những ấn tượng có được trong nhiều năm và một chút chứng cứ (có thể tập hợp nhiều chứng cứ hơn nữa) chỉ ra rằng đúng là vậy.

Tôi sẽ phân biệt ba loại sự ra rìa: gồm sự ra rìa khách quan |objective marginalisation|, sự ra rìa khách quan hóa |objectified marginalisation| và cuối cùng là sự ra rìa chủ quan |subjective marginalisation|.

Do nghèo đói mà ra

Châu Phi không đi đầu trong các vấn đề kinh tế và xã hội mới vốn nảy sinh ở các nền kinh tế tân tiến. Nó cũng không có ngân sách để giữ chân nhiều trí thức, những người tạo ra ‘lý thuyết’ và ‘môi trường trí thức’. Về mặt khách quan, cả hai vấn đề đều do nghèo đói mà ra.

David Ricardo (1772-1823)

Adam Smith (1723-1790)

Chẳng phải ngẫu nhiên mà kinh tế học đã phát triển ở vùng Tây Bắc châu Âu. Chủ nghĩa tư bản hiện đại, các cuộc khủng hoảng tài chính, các vấn đề về dịch chuyển lao động theo tư bản, việc sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để tiến hành chiến tranh, v.v. lần đầu giao thoa ở đó. 

Điều này vẫn tiếp tục diễn ra cho tới ngày nay — mặc dù Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại, việc thuê ngoài, trí tuệ nhân tạo và những thứ tương tự đã thay thế cho sự thảo luận của Adam Smith về ‘bàn tay vô hình’ hay sự trình bày chi tiết của David Ricardo về vai trò của máy móc. Chẳng có vấn đề nào trong số những vấn đề hàng đầu này xuất hiện ở các nước kém phát triển.

Các nước nghèo hơn cũng thiếu nguồn lực để giữ chân tầng lớp trí thức có thể thúc đẩy [việc giải quyết] các vấn đề ‘của họ’ (trong nước) và do đó họ trở thành những người tiêu dùng đơn thuần các ý tưởng được sản sinh ở những nước giàu. Điều đó đã dẫn tới các cáo buộc về sự bá quyền của hệ tư tưởng toàn cầu-phương bắc nhưng điều này phần lớn không phụ thuộc vào ý chí của mỗi người: điều này được xây dựng trong chính hệ thống của kinh tế học và các ngành khoa học xã hội khác. Chúng ta có thể thất vọng về điều này nhưng chẳng thể làm gì được nhiều về nó cả.

Đôi khi điều này lại bị đảo ngược — như khi các chủ đề như công nghiệp hóa, kế hoạch hóa tập trung, cải cách ruộng đất, tiết kiệm và tích lũy đóng một vai trò hệ trọng trong kinh tế học. Nhưng điều này thật đặc biệt và chúng ta đang quay trở lại sự phân công lao động trí óc ‘bình thường’ giữa các nước giàu với các nước nghèo.

Những mối quan tâm về đạo đức

Với sự ra rìa khách quan hóa, tôi cho rằng, ngoài việc châu Phi không tự chủ tạo ra các chủ đề để nghiên cứu, thì nó cũng thường được sử dụng như một ‘lĩnh vực nghiên cứu’ cho các chủ đề nhằm kiểm tra, và các chủ đề này là do các quốc gia phương Bắc xác định. Tuy nhiên, những chủ đề này có thể có hoặc không liên quan nhiều đến các quốc gia châu Phi và có thể có hoặc chẳng có bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào đến công chúng ở châu Phi.

Hãy xem xét các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên |RCT - randomised controlled trials|. Các RCT từ lâu đã bị cản trở bởi những lo ngại về đạo đức (cũng như khả năng tái tạo |replicability| đáng ngờ). Những điều này nảy sinh bởi vì các nước nghèo hơn và những người nghèo liên quan đến các thử nghiệm này không có nhiều quyền lực — hoặc thậm chí họ cũng thường không hiểu tường tận về những gì đang diễn ra và những gì họ phải làm. Họ chẳng thể định hình các dự án hoặc cũng chẳng thể tham gia [vào các dự án] một cách có ý nghĩa. Hơn nữa, sự tham gia [vào các dự án] của người nghèo là rất rẻ vì khi được đền bù, số tiền nhận được chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền cần phải trả ở các nước giàu để có được sự tham gia tương tự (giả sử rằng các dự án như vậy sẽ được chấp nhận về mặt đạo đức). Vì vậy, các nước nghèo trở nên cuốn hút với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu — và chẳng có điều gì hơn thế nữa.

Năm ngoái, một dự án ở Kenya đã ngẫu nhiên cắt nước đối với các hộ gia đình không có tiền trả phí — để tìm hiểu xem họ sẽ phản ứng ra sao và việc thiếu nước ở thời điểm nào sẽ buộc họ phải trả tiền cho thành phố. Người ta không thể tưởng tượng được một dự án tương tự, mà trong đó, các hộ gia đình ở New York hay Paris khi chậm thanh toán một số khoản phí dịch vụ của thành phố, sẽ được đối xử theo cách tương tự.

Thường thì nước sở tại có rất ít quyền làm chủ những dự án như vậy — ngay cả khi trên giấy tờ, điều này có vẻ khác. Các chuyên gia tư vấn [của các nước] phương Bắc (những người cần các dự án như vậy để viết bài nghiên cứu khoa học hoặc biện minh cho các khoản phí của họ) có quyền lực rất lớn đối với giới học giả và cộng đồng địa phương. Họ nắm giữ các nút thắt hầu bao: nếu như một học giả nào đó từ chối tham gia, thì một học giả khác sẽ dễ dàng được tìm thấy [để mời họ tham gia].

Điều này không đòi hỏi phải có sự tham nhũng hoàn toàn, nhưng các ưu đãi (phí, du lịch, đồng-tác giả) được chìa ra trước các đối tác địa phương. Nhà kinh tế học Angus Deaton mới đây đã tuyên bố: ‘Việc sử dụng những người nghèo để xây dựng một bản CV chuyên nghiệp là điều chẳng nên được chấp nhận.’

Tự mình chuốc lấy

Những vấn đề này không phải chỉ có ở châu Phi — mà còn có ở toàn bộ các nước kém phát triển. Tôi đã thấy cách các tổ chức phi chính phủ do nước ngoài tài trợ có thói quen xác định, và vẫn thường xuyên diễn ra, chương trình nghiên cứu ở vùng Đông Âu — cho đến khi một số nước trong khu vực này trở nên giàu có hơn, cộng đồng học thuật của họ mạnh hơn và tự tin hơn.

Nhưng các nước châu Phi đã góp phần khiến cho họ bị gạt ra rìa thông qua việc không phát triển các đối tác chính trị và đối tác học thuật vững mạnh hơn. Sự ra rìa chủ quan như vậy [của các nước châu Phi] là tự mình chuốc lấy.

Chẳng hạn, vào năm 1998, phản ứng của cộng đồng học thuật và các nhà hoạch định chính sách ở Hàn Quốc dành cho chương trình thắt lưng buộc bụng do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) áp đặt cho thấy sự thiếu phản ứng của các cộng đồng trí thức ở nhiều nước châu Phi khi tiếp xúc với các chương trình thậm chí còn khắc nghiệt hơn của IMF. Các học giả Hàn Quốc đã tiến hành cuộc công kích, sử dụng các mối quan hệ rộng rãi với các đối tác của họ ở Hoa Kỳ, và các nước phương Tây nói chung, để đẩy lùi các đề xuất của IMF. Ngoài Nam Phi ra, tôi không biết là có điều gì tương tự như vậy diễn ra trong hơn nửa thế kỷ quan hệ của các nước châu Phi với IMF.

Việc tự mình gạt ra rìa thậm chí còn khó hiểu hơn vì không thể quy điều này cho việc thiếu kiến ​​thc về ngôn ngữ thống trị của thế giới. Giới tinh hoa ở tất cả các quốc gia châu Phi đều thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp — nhiều người còn nói được cả hai thứ tiếng. Ngược lại, nhiều người Đông Âu và một số người châu Á không biết tiếng Anh, điều này khiến họ không cập nhật được những nghiên cứu mới nhất — thậm chí cả việc họ chẳng biết phải liên hệ với người nào và bằng cách nào.

Những thành công ban đầu

Nếu như người ta điểm ba nguyên nhân sản sinh ra sự ra rìa, thì rõ ràng là chúng sẽ chuyển từ sự bất lực cấu trúc sang sự ảnh hưởng tiềm tàng. Chẳng thể làm gì hơn đối với sự ra rìa ‘khách quan’ trừ phi châu Phi tăng trưởng nhanh hơn, giàu hơn và do đó khơi được sự quan tâm hơn — thành công luôn luôn dẫn tới sự quan tâm — và trong quá trình trưởng thành về mặt tài chính sẽkhả năng định hình chương trình nghị sự. Đây là những gì mà Trung Quốc đã làm. Tương tự như vậy, sự ra rìa ‘khách quan hóa’ sẽ [khiến các quốc gia] tự chăm sóc chính mình bằng việc trở nên giàu có hơn, ngay cả khi có thể mất nhiều thời gian hơn để xoay chuyển tình thế.

Chính vì sự ra rìa chủ quan mà các chính phủ có thể gặt hái được một số thành tựu ban đầu: nó đòi hỏi phải dành tỷ lệ tổng sản phẩm quốc dân (GDP) cao hơn cho nghiên cứu, tạo ra những trường đại học và các think-tank tốt hơn nhiều, đồng thời thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài, nếu như họ sống lâu hơn ở các nước châu Phi (không chỉ đến thăm trong hai tuần lễ), thì họ sẽ không còn xem các vấn đề của người châu Phi như là một cách tốt để công bố một bài nghiên cứu mà sẽ tham gia đầy đủ vào đời sống học thuật.

Ngoài ra, việc này đòi hỏi phải xây dựng mối quan hệ mật thiết hơn giữa cộng đồng nghiên cứu trong nước với chính quyền. Sau đó, các nước châu Phi có thể chủ động hơn và thực hiện quyền làm chủ nhiều hơn khi nhận được lời khuyên về chính sách từ các nước phương bắc.

Bài báo này được xuất bản đồng thời trên Social EuropeIPS-Journal.

Branko Milanovic (1953-)

Giới thiệu tác giả

Branko Milanovic

Branko Milanovic là một nhà kinh tế học người Mỹ gốc Serbia. Ngoài là chuyên gia về phát triển và bất bình đẳng, ông còn là giáo sư xuất sắc thỉnh giảng |visiting presidential professor| tại the Graduate Center of City University of New York (CUNY) và là học giả cao cấp cộng tác |affiliated senior scholar tại the Luxembourg Income Study (LIS). Ông trước đây là nhà kinh tế học hàng đầu [làm việc] ở phòng nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB).


Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: The marginalisation of Africa, Social Europe, 24 tháng 5 năm 2021.

Print Friendly and PDF