LIỆU TRUNG QUỐC CÓ THỂ THỰC SỰ TỪ BỎ ĐỒNG ĐÔ LA HAY KHÔNG?
Những chỉ trích ở Trung Quốc đối với các
chính sách tiền tệ của Mỹ và châu Âu đã tiếp thêm sinh lực cho các cuộc tranh
luận về việc “từ bỏ” đồng đô la. (Nguồn: QZ)
Một tính từ chưa đủ mạnh. Trung Quốc cảm thấy không thoải mái với cụm từ “bằng bất cứ giá nào” ở phương Tây để kiềm chế cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra. Từ bài học kinh nghiệm về khoản nợ địa phương khổng lồ, được tạo ra từ các khoản vay thường được chuyển thành nợ khó đòi, Trung Quốc không muốn lâm vào cảnh nợ nần thêm nữa. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng cũng đã tạo ra một động lực mới cho mong muốn của Bắc Kinh trong việc từ bỏ vĩnh viễn đồng đô la. Một máy gia tốc để tách rời khỏi Hoa Kỳ? Không hề đơn giản.
Nền kinh tế thế giới đã bước vào kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ chưa từng có, thậm chí còn làm lu mờ thời kỳ các gói kích thích kinh tế sau cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn toàn cầu năm 2008. Các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Đức, đã bơm hàng tỷ đô la vào hệ thống tài chính quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra. Trung Quốc, giống như những nước khác không thực hành chính sách tiền tệ nói trên, đã cảm thấy những hậu quả từ chính sách nới lỏng tiền tệ với quy mô chưa có tiền lệ này.
Cũng tại cuộc họp báo đó, Guo cũng đề cập đến bong bóng tài sản trên thị trường bất động sản Trung Quốc: “Nếu thị trường bất động sản sụt giảm, thì giá trị tài sản thuộc sở hữu người dân nói chung sẽ bị tổn thất lớn, có thể gây ra một vòng luẩn quẩn các khoản vay thế chấp không có khả năng thanh toán và hỗn loạn kinh tế.” Một bình luận càng mỉa mai hơn khi một ngày trước đó, Guo Shuqing đã tuyên bố rằng “Trung Quốc đã [thành công] trong việc kiềm chế tình trạng bong bóng bất động sản, sau khi mức tăng trưởng các khoản vay thế chấp thấp hơn các khoản vay khác, lần đầu tiên trong tám năm vào năm 2020”.
Điều chắc chắn là những quan ngại của Guo không phải là không có cơ sở, mặc dù hơi phóng đại. Nhưng trông giống như những lời chỉ trích khoác lác của đảng-nhà nước đối với tất cả những thứ mà các nền kinh tế lớn khác đang làm, đặc biệt là của phương Tây. Ngoài ra, việc Guo không tán đồng chính sách kích thích tiền tệ ở Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu là đạo đức giả, vì lý do đơn giản là Đảng-Nhà nước đã làm đúng điều tương tự, nhưng ở mức độ thấp hơn và chậm hơn. Một điều không thể không gây tò mò khi biết rằng chính quyền trung ương Trung Quốc có thể làm được nhiều điều hơn thế trong lĩnh vực nới lỏng tiền tệ trực tiếp. Nhưng chính quyền lại chọn cách can thiệp một cách gián tiếp thông qua việc huy động nguồn vốn dưới danh nghĩa tiền vay của các chính quyền địa phương – thường ở cấp tỉnh thành, quận huyện hoặc làng xã.
Theo một cách nào đó, chính quyền trung ương đang cố gắng tránh đòn trong trường hợp có sự cố xảy ra. Ví dụ, tình trạng vỡ nợ của một chính quyền địa phương trong việc thanh toán các trái phiếu hoặc khoản vay của họ. Khi đó, các nhà chức trách trung ương không chỉ có thể trút bỏ mọi trách nhiệm, mà còn có một vật tế thần sẵn có. Tuy nhiên, đừng quên rằng chính Bắc Kinh đã đưa ra chính sách đề xuất phát hành thêm công phiếu ở cấp địa phương để hỗ trợ các nguồn đầu tư trong lãnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng.
SỰ KÉM PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TRUNG QUỐC
Mặt khác, Guo có vẻ như không hiểu lý do vì sao chính sách nới lỏng tiền tệ ở các nước phát triển lại không có cùng hiệu ứng lên nền kinh tế thực và các thị trường tài chính. Thế mà câu trả lời là khá rõ: Một mặt, các nước phát triển đã “phát triển” bởi vì nền kinh tế thực đã đạt đến độ trưởng thành hoàn toàn. Bên cạnh việc hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng hiện có, các nước phát triển không có nhiều việc phải làm đối với nền kinh tế thực của họ. Chưa kể hệ thống chính trị của họ không giống như ở Trung Quốc. Điều này khiến họ không có những công cụ chính trị cần thiết để thực hiện các biện pháp kích thích tiền tệ – bằng sắc lệnh – một cách trực tiếp vào nền kinh tế thực. Cuối cùng, nếu các biện pháp kích thích tiền tệ hướng đến những thị trường tài chính ở các nước phát triển, thì điều này không chỉ chứng tỏ sự hình thành các bong bóng đầu cơ, mà còn cho thấy là có một hệ thống tài chính được vận hành theo hướng tự do hóa và trưởng thành nhiều hơn – điều mà Trung Quốc đã nỗ lực hướng tới trong nhiều năm qua. Điều mà Guo có vẻ như đã quên là một hệ thống như thế có khả năng phân bổ các nguồn lực, một cách hiệu quả hơn, cho toàn bộ nền kinh tế khi không có sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ.
Và còn trong tình trạng kém phát triển, hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn thiếu khả năng phân biệt những doanh nghiệp hoạt động có lãi với những doanh nghiệp hoạt động kém cỏi, hoặc phân biệt lĩnh vực nào của nền kinh tế cần hoặc không cần nguồn lực. Vì thế, chính quyền trung ương phải đóng vai trò tích cực trong việc phân bổ các nguồn lực, một nhiệm vụ mà chính quyền trung ương phải hoàn thành một cách rất vất vả vào lúc này.
Mặc cho những lo ngại của Guo, điều đáng tiếc đối với Guo, là công việc của ông, trong vai trò nhà điều hành, là điều tiết theo trước mắt và quản lý rủi ro khi phát sinh, chứ không phải là can thiệp vào quá trình ra quyết định[1]. Thế nhưng, Guo chỉ nói lên những quan tâm của những giới bảo thủ nhất và chủ trương “biệt lập” nhiều hơn của Đảng khi mà mối quan hệ giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ đang xấu đi và Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] ngày càng quay sang cánh tả[2].
TIẾNG NÓI CỦA PHE CHỦ TRƯƠNG “BIỆT LẬP”
Hơn nữa, bất luận tính kiên định của những người theo chủ nghĩa biệt lập, các “nhà cải cách” biết rõ rằng không những không thể tách khỏi Hoa Kỳ, mà còn không thể không sử dụng đồng đô la. Thậm chí ngay cả khi điều đó có thể xảy ra, thì nó tương đương với việc đẩy chế độ hiện tại ở Bắc Kinh đến bờ vực thẳm, hoặc hướng tới một tình trạng tương tự như ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, một nước quy mô như Trung Quốc khó mà cưỡng lại áp lực nội tại do tình trạng này gây ra trong dài hạn, giống như vị thế mà chế độ Bắc Triều Tiên có khả năng chịu đựng.
Ngày nay, phe bảo thủ đang hăm hở chỉ trích những hậu quả từ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nhưng họ cũng hưởng lợi từ hệ thống đó và từ những hậu quả đó: Trung Quốc, nước không cần phải chịu gánh nặng phát hành một loại tiền tệ quốc tế được sử dụng cho nguồn dự trữ ngoại hối của đa số các nước, vẫn có khá đủ các biện pháp và công cụ kiểm soát để đối phó với bất kỳ cú sốc tiền tệ toàn cầu lớn nào, ở một chừng mực nào đó.
THEO ĐUỔI CẢI CÁCH, THỬ THÁCH QUYỀN LỰC ĐỐI VỚI ĐẢNG
Phải chăng các bình luận của Guo gợi ý rằng cơ chế điều hành của Trung Quốc, bất luận các chương trình cải cách và hiện đại hóa gần đây, vẫn mang tính mong manh và không có khả năng, một cách tiềm ẩn, chống chọi với những biến động của hệ thống tài chính quốc tế? Câu trả lời ngắn gọn là có. Câu trả lời dài thì phức tạp hơn.
Kể từ khi bắt đầu công cuộc cải cách, Đảng-Nhà nước đã thực hiện liên tục nhiều chính sách tự do hoá lĩnh vực tài chính và thị trường trong nước. Công cuộc đổi mới dần dần này đã phần lớn tránh được những vấn đề lớn cho đến nay. Tuy nhiên, đại dịch, hay nói đúng hơn là những hậu quả của đại dịch lên nền kinh tế Trung Quốc, đã khiến Đảng bị kẹt trong tình thế trên đe dưới búa: Đảng phải tiếp tục công cuộc cải cách, bởi vì bất kỳ sự giảm tốc hay tụt lùi nào cũng có thể khiến dòng vốn nước ngoài rút lui. Điều đó nói lên rằng, mặc dù vẫn có khả năng kiểm soát nhịp độ những cải cách được thực hiện, cũng như tốc độ và mức độ mở cửa thị trường trong nước, nhưng Đảng không thể kiểm soát cách mà các nước khác triển khai các chính sách của họ. Tệ hơn nữa, ĐCSTQ không thể kiểm soát những sự kiện theo kiểu “thiên nga đen”, ví dụ như đại dịch toàn cầu chẳng hạn.
Không có gì bí mật khi Đảng-Nhà nước không được thiết kế để giao quyền kiểm soát các cơ chế, chưa nói đến việc giao quyền và cảm thấy thoải mái khi đưa ra quyết định [giao quyền] này. Theo nghĩa này, môi trường thời kỳ hậu đại dịch ở Trung Quốc đã tạo ra một thời khắc mang tính quyết định đối với Đảng-Nhà nước, mà khi đó họ đã đưa ra quyết định đúng đắn: tiếp tục đẩy mạnh các chương trình cải cách trên hết. Trong khi môi trường chính trị và ngoại giao trở nên bảo thủ hơn, thì môi trường kinh doanh đã trở nên cởi mở hơn một chút. Vào tháng 3, một cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đã cho thấy một nửa trong số họ đánh giá môi trường đầu tư ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “thuận lợi”. Phản ứng này là một thắng lợi của Đảng-Nhà nước, nhất là trong quan hệ Trung-Mỹ vào thời điểm hiện nay.
Không còn nghi ngờ gì nữa khi mà những cải cách gần đây đã mang lợi cho Trung Quốc trên quy mô lớn. Nguồn vốn nước ngoài đã đổ xô vào Trung Quốc và nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã được thành lập ở nước ngoài[4]. Đảng-Nhà nước không dễ bị lừa và thấy rõ những điểm mạnh khi mở cửa nền kinh tế khổng lồ trong nước ra phần còn lại của thế giới. Bắc Kinh biết rõ việc quay lùi [trở lại các chế độ kinh tế trước đây] là điều bất khả. Tuy nhiên, Đảng cũng biết rõ rằng nền kinh tế càng mở cửa thì rủi ro càng lớn đối với toàn bộ hệ thống trong nước. Đảng hiểu rằng càng cải cách nhiều hơn đồng nghĩa với việc càng mất đi nhiều công cụ kiểm soát. Và cùng với sự biến mất dần các công cụ đó, cũng đồng nghĩa với việc Đảng mất đi khả năng kiểm soát toàn bộ và toàn diện xã hội và nền kinh tế Trung Quốc.
Trong chiều hướng trên, thì những nhận xét của Guo rất có ý nghĩa: Đảng-Nhà nước không chắc về tính toàn vẹn cấu trúc của hệ thống tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, Đảng-Nhà nước phải tiếp tục theo đuổi các chương trình cải cách và mở cửa khu vực tài chính và nền kinh tế trong nước. Thế nhưng trên con đường gian nan này, Đảng-Nhà nước cũng thoáng thấy những vấn đề tiềm ẩn không thể ngừa trước hoặc giải quyết được ngay. Vì thế, một mặt, Đảng-Nhà nước kêu gọi giới kinh doanh nói riêng và người dân nói chung cần kiên nhẫn với tốc độ cải cách. Mặt khác, cảnh báo mọi người: sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tình thế bất trắc đột ngột xuất hiện.
Giới thiệu tác giả
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La Chine peut-elle vraiment se passer du dollar?, Asialyst, ngày 17/04/2021.
[1]
Ngay cả các lời “chỉ trích” đó còn khá nhẹ và không kêu gọi từ bỏ đồng đô la Mỹ. [2]
Theo hướng tập trung hóa nhà nước lớn hơn, quay trở lại hệ tư tưởng và chính sách kinh tế chỉ huy đậm nét hơn. [3]
Hãy nhớ rằng những quan ngại của Guo chỉ là những quan ngại. Nhưng Guo đã tự định vị một cách hiệu quả so với đồng đô la. [4]
Người ta thường quên rằng các công ty nước ngoài có trụ sở ở Hồng Kông hiện chọn cách chuyển nhân viên họ đến Thượng Hải, nơi mà nhiều công ty trong số họ nay đã thành lập trụ sở mới. Tất nhiên, đây là một đòn giáng mạnh vào mục tiêu trở nên độc lập của Hồng Kông và chứng minh hòn đảo này đã mất đi ảnh hưởng như thế nào trong lòng Đảng-Nhà nước kể từ khi phe của Giang Trạch Dân đã ra đi.
Chú thích:
