30.5.21

Trung Quốc: Các nghị sĩ châu Âu đóng băng thỏa thuận đầu tư, một cái tát vào mặt Bắc Kinh

TRUNG QUỐC: CÁC NGHỊ SĨ CHÂU ÂU ĐÓNG BĂNG THỎA THUẬN ĐẦU TƯ, MỘT CÁI TÁT VÀO MẶT BẮC KINH

Pierre-Antoine Donnet

Nghị viện châu Âu “gắn việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc với thỏa thuận đầu tư”, theo nghị quyết được thông qua vào ngày 20 tháng 5 năm 2021. (Nguồn: La Croix)

Vào hôm thứ Năm, ngày 20 tháng 5, với đa số 599 phiếu thuận và 30 phiếu chống (58 phiếu trắng), Nghị viện châu Âu đã quyết định đóng băng vô thời hạn việc xem xét hiệp định Trung-Âu về đầu tư đã được ký kết vào ngày 30 tháng 12 năm ngoái, kết thúc các cuộc đàm phán kiên trì kéo dài suốt bảy năm qua. Một thất bại lớn về chính trị và ngoại giao đối với chế độ Trung Quốc.

Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI, Comprehensive Agreement on Investment), được Bắc Kinh và Brussels công bố ầm ĩ, cần phải được Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn để trở thành luật. Nhưng các Nghị sĩ của Nghị viện châu Âu (MEP, Member of the European Parliament) đã bỏ phiếu không xem xét cho đến khi Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên các yếu nhân châu Âu. Nghị viện “gắn việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Trung Quốc với việc Liên minh châu Âu xem xét thỏa thuận về đầu tư”, điều này được chỉ rõ trong nghị quyết.

Trên thực tế, động thái này đã tập hợp được toàn bộ các đảng phái lớn đại diện trong Nghị viện châu Âu, bao gồm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng của nhóm xã hội chủ nghĩa và dân chủ, cũng như Đảng Phục hưng và Đảng Xanh, trong một sự thống nhất hiếm thấy ở Brussels.

LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU) BỊ ĐÁNH GIÁ THẤP

Reinhard Bütikofer (1953-)

“Phía Trung Quốc hết sức hy vọng vào hiệp định CAI này, nhưng họ đã tính sai và thậm chí đến ngày nay còn tiếp tục đánh giá thấp quyết tâm của Nghị viện châu Âu trong việc bảo vệ các lợi ích và giá trị của châu Âu”, theo lời của một nghị sĩ người Đức, Reinhard Bütikofer, một trong những nhân vật mục tiêu của các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, sau cuộc bỏ phiếu.

Vào ngày 22 tháng 3, châu Âu đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức Đảng và một tổ chức của Trung Quốc, do chính quyền Bắc Kinh đàn áp người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nằm ở phía tây bắc Trung Quốc, và do việc áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Đáp trả các biện pháp trừng phạt này, trong cùng ngày, Bắc Kinh cũng đã công bố một lô “các biện pháp trừng phạt đáp trả” mà phạm vi phần lớn vượt quá các biện pháp của châu Âu.

Trong số các nhân vật mục tiêu, có năm thành viên của Nghị viện châu Âu, cũng như toàn bộ Ủy ban Chính trị và An ninh, một định chế có cấp hàm ngang với đại sứ, cũng như các nhà nghiên cứu chuyên về Trung Quốc. Bắc Kinh rõ ràng tìm cách đe dọa Liên minh châu Âu, nhưng điều hoàn toàn ngược lại đã xảy ra.

“KHỦNG BỐ CHÍNH TRỊ”

Dự thảo nghị quyết được thông qua vào hôm thứ Năm không dừng lại ở đó. Nó “lấy làm tiếc sự thiếu thống nhất trong nội bộ Hội đồng châu Âu liên quan đến các biện pháp cần được đưa ra trước sự đàn áp chống lại nền dân chủ ở Hồng Kông”. Nó kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu thông qua kết luận về Hồng Kông và yêu cầu 27 nước thành viên EU “đình chỉ các hiệp ước về dẫn độ với Trung Quốc”.

Ngoài ra nó cũng yêu cầu Brussels triển khai các kế hoạch cấm việc nhập khẩu, vào lãnh thổ châu Âu, những hàng hóa có thể đã được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, một khu vực mà hệ thống trại tập trung do chính quyền Trung Quốc dựng lên có thể giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên khác thuộc các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi.

Trung Quốc kịch liệt phủ nhận những cáo buộc này. Họ khẳng định các trại tập trung đó là các “trung tâm dạy nghề” và tuyên bố cáo buộc diệt chủng là sản phẩm của những “lời bịa đặt có ác ý”.

Thêm nữa Nghị quyết tiếp tục đề xuất “nhiều biện pháp mục tiêu khác” để “đối phó, một cách thích hợp, với các mối đe dọa của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh mạng”.

Vào hôm thứ Năm vừa qua, một nhóm 55 nhà hoạt động chính trị lưu vong nổi tiếng Trung Quốc đã kêu gọi Liên minh châu Âu cần có hành động cứng rắn hơn nữa đối với Trung Quốc. Họ đặc biệt kêu gọi mười nước thành viên EU, những nước vẫn còn hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc hủy bỏ hiệp ước này. “Các thỏa thuận song phương đó với Trung Quốc không chỉ hợp pháp hóa hệ thống tư pháp không đáp ứng các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế, mà còn đóng vai trò thúc đẩy nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xuất khẩu chế độ của họ và chủ nghĩa khủng bố chính trị ra nước ngoài”, theo lời nhấn mạnh trong một lá thư của nhóm này gửi cho các nhà lãnh đạo châu Âu.

TÁCH BIỆT HAI NỀN KINH TẾ

Zhao Lijian (1972-)

Trước cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Nghị viện châu Âu, chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực làm giảm căng thẳng. “Hiệp định mang tính cân bằng, đôi bên cùng có lợi và là một thỏa thuận đôi bên cùng thắng. Đây không phải là một món quà của bên này cho bên kia, mà là một hiệp định đôi bên cùng có lợi. Cả hai bên đều có lợi khi nhanh chóng phê chuẩn hiệp định” theo lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian). Ông nói thêm rằng, Trung Quốc “hy vọng Liên minh châu Âu sẽ suy nghĩ kỹ và tránh không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.” Thật phí công vô ích.

Cho đến ngày 5 tháng 5, bà Thủ tướng Đức Angela Merkel còn bảo vệ thỏa thuận. “Mặc dù tất cả những khó khăn chắc chắn sẽ xuất hiện liên quan đến việc phê chuẩn” thỏa thuận này, đây là “một sáng kiến ​​rất quan trọng, mở ra khả năng có đi có lại to lớn hơn trong việc tiếp cận các thị trường của đôi bên”, theo lời đánh giá của bà Thủ tướng tại một hội nghị do đảng liên minh bảo thủ Đức CDU/CSU tổ chức. Hãy nhớ rằng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức.

Phải mất đến hơn bảy năm đàm phán gay go và hơn ba chục phiên đàm phán để soạn thảo hiệp định nói trên. Chế độ của Tập Cận Bình coi hiệp định đó là một công cụ chính trị chính, với hy vọng làm đối trọng với sức ép của Mỹ. Ngay cả cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu cũng coi đó là một thỏa thuận đáng mong đợi.

Wolfgang Niedermark (1965-)

Theo Wolfgang Niedermark, thành viên ban chấp hành của Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức, “Tất nhiên chúng ta phải thực tế và đây không phải là hiệp định sẽ làm thay đổi thế giới. Nhưng nói rằng chúng tôi thất vọng là một uyển ngữ. Con rồng [Trung Quốc] sẽ tiếp tục thách thức chúng ta, và cuối cùng thì chúng ta cũng buộc phải tìm ra giải pháp: chúng ta không thể tiến hành chia tách hai nền kinh tế. Trung Quốc quá lớn và quá quan trọng để thậm chí có thể tưởng tượng rằng chúng ta có thể rời xa họ.”

Cho dù quyết định của Nghị viện châu Âu là gì vào hôm thứ Năm vừa qua, trên thực tế, hiệp định có rất ít cơ hội để ra đời, bởi vì nó phải được 27 nước thành viên EU phê chuẩn. Một ván cược gần như không thể vượt qua.

Pierre-Antoine Donnet

Giới thiệu tác giả

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của hãng AFP, là tác giả của khoảng 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn ở châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên này đã xuất bản ở Bắc Kinh cuốn “Le leadership mondial en question, l'affrontement entre la Chine et les États-Unis [Lãnh đạo thế giới, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, nhà xuất bản Editions de l'Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, nhà xuất bản Gallimard (năm 1990) và tái bản vào năm 2019 trong một phiên bản cập nhật và mở rộng.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Chine : les eurodéputés gèlent l'accord sur l'investissement, une gifle pour Pékin, Asialyst, ngày 21/05/2021.

Print Friendly and PDF