29.7.22

Sử trắc học

SỬ TRẮC HỌC

Cliometry

è Giải Nobel: FOGEL, 1993 NORTH, 1993

Robert W. Fogel (1926-2013)
Douglass North (1920-2015)

Sử trắc học, thước đo của Clio, nữ thần của Lịch sử, đã trở thành, trong những năm 1960, một trong những cách nắm bắt và nghiên cứu quá khứ. Như thế sử trắc học, được xem như lịch sử kinh tế mới (new economic history) hay như lịch sử kinh trắc hoá (McCloskey, 1987) nhằm phân tích những biến cố và cấu hình lịch sử bằng những phương pháp tiên tiến của thống kê học và những khái niệm rút ra từ lí thuyết kinh tế. Claudia Goldin đã tóm tắt đúng phương pháp này: Sử trắc học đơn giản là việc áp dụng lí thuyết kinh tế và những phương pháp định lượng vào việc nghiên cứu lịch sử (Goldin, 1995). Những chủ đề tạo lập của cách tiếp cận mới này (mà W. R. Fogel, được nhận giải Nobel kinh tế 1993 cùng với D. C. North, là một trong những người đi đầu) chủ yếu được áp dụng vào lịch sử kinh tế Mĩ thế kỉ XVIII và XIX: biện minh kinh tế của cuộc chiến giành độc lập, đánh giá lại vai trò của đường sắt trong sự tăng trưởng của nước Mĩ, phân tích tính hiệu quả của hệ thống đồn điền sử dụng nô lệ, nguyên nhân và chi phí của cuộc chiến Nam-Bắc phân tranh, quá trình xây dựng lại miền Nam Hoa Kì. Phân tích chi phí-lợi thế, việc sử dụng những tương quan nhưng nhất là phương pháp phản sự kiện (mô phỏng những tình thế lịch sử ảo để so sánh chúng, về mặt hiệu quả, với những tình thế đã xảy ra trong lịch sử) sẽ là những công cụ được sử dụng nhiều nhất. Những phương pháp này sẽ là đối tượng của một cuộc tranh luận quyết liệt về mặt phương pháp luận được các nhà sử học truyền thống xem, một cách đúng đắn, là không có khả năng tính đến sự phong phú và tính phức tạp của quá khứ.

Peter Temin (1937-)
Jeffrey Williamson (1935-)

Thật vậy, việc triển khai những khái niệm trực tiếp lấy từ hộp công cụ của lí thuyết tân cổ điển cơ bản, những khái niệm được quan niệm cho cái ngắn hạn, thường dẫn đến việc phát triển những mô hình cân bằng bộ phận ít thích hợp cho lịch sử dài hạn. Ngay từ 1970, Peter Temin gợi ý sử dụng những mô hình cân bằng chung khả dĩ đưa vào được, bằng cách phân tích những sự phụ thuộc qua lại giữa các biến, một động thái so sánh, đặc biệt là qua việc sử dụng mô phỏng. Những mô hình này sẽ được áp dụng vào những quá trình lịch sử của sự phát triển của các xã hội: mô hình lưỡng phân để phân tích sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, nhưng nhất là mô hình vĩ mô về tăng trưởng như mô hình của Jeffrey Williamson ứng dụng vào sự phát triển của Hoa Kì trong cuối thế kỉ XIX (Williamson, 1974).

Nghiên cứu của những nhà sử trắc học, chủ yếu là những tác giả anglo-saxon, cũng sẽ thử xem lại, dựa vào lí thuyết, những chủ đề truyền thống của lịch sử kinh tế. Trước hết là cuộc cách mạng công nghiệp với việc, từ những dữ liệu định lượng mới, nhấn mạnh đến một cách tiếp cận được gọi là xét lại, tập trung nhiều vào tính liên tục của những quá trình hơn là vào những nguyên nhân xã hội-kinh tế của sự gián đoạn, tiếp đến là những phân tích về cuộc đại suy thoái của cuối thế kỉ XIX và cuộc khủng hoảng năm 1929 trong đó người ta tìm cách đổi mới cuộc tranh luận truyền thống giữa các nhà trọng tiền và các nhà keynesian. Thật ra, kể từ 1980, ta chứng kiến một sự phân mảnh của nghiên cứu sử trắc học, một sự sinh sôi nẩy nở của những nghiên cứu từng điểm mà các kết quả đôi lúc quá trực tiếp phụ thuộc vào phương pháp phân tích được vận dụng. Như vậy, mối quan tâm kiến giải lịch sử tổng thể của những tác giả khởi xướng sử trắc học một phần bị triệt tiêu.

Thorstein Veblen (1857-1929)
Karl Polanyi (1886-1964)

Đó là một trong những lí do dẫn đến việc nổi lên của một cách tiếp cận quan tâm đến việc đưa những thể chế vào trong những giải thích tổng thể của lịch sử. Chính trên chủ đề này mà Douglass North, một giải Nobel khác năm 1993, sẽ tạo ra một hình thức li khai nhất định trong chính ngay nội bộ của new economic history. Ngầm lấy lại một vài nguyên lí của học thuyết thể chế Mĩ của cuối thế kỉ XIX, và đặc biệt là những quan niệm của Veblen, ông muốn vượt qua những giả thiết cơ bản lí thuyết tân cổ điển, đặc biệt những giả thiết về các thị trường cạnh tranh hoàn hảo với một chính quyền trung lập nhằm tính đến cấu trúc tiến hoá của các xã hội. North sử dụng những chi phí giao dịch và những quyền sở hữu, hai công cụ bắt nguồn từ kinh tế học tân thể chế để chứng minh bằng cách nào, trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế giả định tính hiệu quả của những thể chế chính trị và xã hội. Nhưng áp dụng những nguyên lí của tính duy lí của thị trường vào cấu trúc thể chế của các nền kinh tế trong quá khứ thường dẫn đến việc đơn giản hoá quá đáng những hình thái của sự phát triển kinh tế. Như vậy North buộc phải xem lại vai trò hai mặt của những thể chế và đặc biệt là của Nhà nước, từ nay có khả năng đảm nhận, qua Lịch sử, sự phát triển cũng như sự suy tàn của các xã hội. Tuy nhiên vấn đề còn đặt ra là mối quan tâm không đổi của ông để nối kết lại với những lí thuyết lớn của lịch sử, hầu tìm ra những giải thích đối chọn cho những giải thích của Marx, Polanyi hay Braudel có còn tương hợp với cách nhìn của ông về thị trường và với những nguyên lí của phương pháp luận cá thể không (Rollinat, 1997).

ANDREANO R. & HEFER J., La nouvelle histoire économique (1970), trad. Andreano, Paris, Gallimard, 1977 BACCINI A. & GIANNETTI Jr., Storia della cliometrria, Florence (trad. espagnole, Cliometria, Barcelona, Grijalbo, 1997). FOGEL R. W. & ELTON G. R., Which Road to the Past? Two Views of History, London, Yale University Press, 1983. GOLDIN C., Cliometrics and the Nobel, Journal of Economic Perpectives, Spring 1995, vol. 9, n0 2, p. 191-208. MCCLELLAND P., Causal Explanations and Model Building in History, Economics, and the New Economic History, Cornell University Press, 1975. MC CLOSKEY D. N., Econometric History, London, Macmillan, 1987. ROLLINAT R., La nouvelle histoire économique, Paris, Liris, 1977. WILLIAMSON J. G., Late Nineteenth-Century American Development. A Generral Equilibrium Economic History, Cambridge, Cambridge University Press, 1974.

 Robert ROLLINAT

Giáo sư đại học Artois (Arras)

Nguyễn Đôn Phước dịch

® Kinh trắc học; Lịch sử kinh tế

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.

Print Friendly and PDF