10.12.14

Becker, nhà đế quốc kinh tế (1930-2014)



BECKER, NHÀ ĐẾ QUỐC KINH TẾ (1930-2014)
Gary Becker, nhà kinh tế Mĩ gốc Canada, qua đời ngày 3.5 vừa qua, được rất ít công chúng Pháp biết đến. Tuy nhiên ảnh hưởng của ông là cực kì to lớn, trên phương diện tri thức lẫn trong thực tiễn. Thế giới bao quanh chúng ta được Gary Becker nhào nặn đến độ ta không hình dung được.

Phương pháp của Baker

Baker được giải Nobel kinh tế năm 1992 nhờ đã “mở rộng lĩnh vực phân tích của kinh tế học vi mô sang một loạt những hành vi và tương tác giữa con người, kể cả những hành vi và tương tác phi thị trường”. Nói bằng ngôn ngữ rõ ràng, ông được tưởng thưởng do đã sử dụng những công cụ kinh tế để phân tích những chủ đề phi kinh tế.
Các công cụ kinh tế được vận dụng là các công cụ sau: người ta cho rằng thiên hạ có tính duy lí, nghĩa là hành động một cách nhất quán từ những thị hiếu và sở thích được xác định trước. Nếu họ thích biển hơn là núi và núi hơn là xe đạp thì con người thích biển hơn là xe đạp (tính “bắc cầu” của sở thích – ND). Và họ tìm cách tối đa hóa sự thỏa mãn của bản thân từ những sở thích này và điều ấy dẫn đến một tình thế cân bằng mà ta sẽ nghiên cứu. Cách tiếp cận này được dùng để mô tả hành vi của một người có ngân sách hạn chế và xác định những mua sắm của mình về khoai tây và hạt đậu, hay của một doanh nghiệp xác định số lượng phải sản xuất nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Becker đã áp dụng cách tiếp cận này vào một loạt những lĩnh vực khác.
Luận án tiến sĩ của ông năm 1955 được dành cho một chủ đề nóng bỏng: sự phân biệt chủng tộc. Ông nhận thấy là những người sử dụng lao động có phân biệt chủng tộc gánh chịu một chi phí: nếu họ chỉ tuyển dụng người da trắng thì họ sẽ đánh mất khả năng tuyển dụng người da đen có năng lực tương tự nhưng với mức lương thấp hơn (vì là nạn nhân của sự phân biệt). Một người sử dụng lao động tuyển dụng nhiều người da đen sẽ có sức cạnh tranh cao hơn và buộc các đối thủ phân biệt chủng tộc khác phải phá sản. Kết luận: sự phân biệt chủng tộc chắc chắn là nặng hơn trong những khu vực được qui định hóa, ít chịu sự cạnh tranh (điều này là đúng). Có thể đây là một cách kì lạ để đề cập chủ đề này, nhưng cũng không đến nỗi phi lí đến vậy. Donald Sterling, tỉ phú sở hữu ê-kíp bóng rổ NBA hiển nhiên là một người cực kì phân biệt chủng tộc nhưng ê-kíp của ông có nhiều cầu thủ da đen được trả lương đặc biệt cao. Nếu ông quyết định áp dụng những định kiến riêng vào ê-kíp của mình thì ông sẽ làm giảm đáng kể cơ may thành công.

Becker và chủ nghĩa đế quốc kinh tế

Tiếp theo sau sự phân biệt chủng tộc, Becker quan tâm đến giáo dục khi phát triển ý niệm vốn con người (Human Capital: A Theoretical and Empirical Anlaysis, with Special Reference to Education); ở đây những cuộc tập huấn được nhìn như mang lại cho sinh viên một lợi tức. Do đó sinh viên sẽ quyết định môn và số năm học tùy theo những mối quan tâm của mình nhưng cùng tùy vào những thu nhập mà điều này mang lại cho sinh viên trong suốt cuộc đời. Cách tiếp cận này là cơ sở của kinh tế học giáo dục. Ông cũng quan tâm đến tội phạm học, khi cho rằng kẻ phạm tội tiềm tàng cân nhắc một cách duy lí bằng cách so sánh phí tổn của bản án và nguy cơ bị bắt với những thu hoạch của việc phạm tội. Điều này đã đặt cơ sở cho trào lưu phân tích kinh tế về luật pháp nhằm nghiên cứu luật pháp dưới góc độ của công dân như là những tác nhân duy lí (ví dụ, vì sao không nên áp dụng án tử hình đối với những kẻ hiếp dâm? Câu trả lời là nếu áp dụng án tử hình trong những trường hợp này thì những kẻ hiếp dâm không có gì để mất khi giết nạn nhân của mình sau khi phạm tội, và do đó được khuyến khích phạm nhân giết người nhằm làm giảm nguy cơ bị nhận diện). Cách tiếp cận của ông dấy lên rất nhiều dè dặt, trước khi được thừa nhận.
Becker cũng quan tâm đến gia đình, được ông trình bày như một tổ chức mà các thành viên có những sở thích vị tha, và nhân đó cung cấp một cách giải thích sự sụt giảm của tỉ suất sinh đẻ trong các nước giàu có (người ta thích đầu tư lớn cho một số ít con hơn là đầu tư ít dàn trải trên nhiều đứa con). Ông quan tâm đến quá trình ra quyết định trong các nền dân chủ và khi tra vấn sở thích của các nhà lãnh đạo chính trị, đã cung cấp một lí thuyết về sự nghiện ma túy.
Ý tưởng cho rằng nhà kinh tế có thể đề cập mọi vấn đề là điển hình cho thế giới đại học Mĩ, trong đó các bộ môn tự xem là cạnh tranh nhau trên “thị trường ý tưởng” và sự thành công được đánh giá trên thị trường này. Theo quan điểm này thì chương trình Becker là một thành công to lớn, dưới ảnh hưởng của ông chủ nghĩa đế quốc của kinh tế học trên các bộ môn khác đạt đến một mức độ khó tin. Xã hội học, tội phạm học, giáo dục, y tế, luật pháp, khoa học chính trị đều bị phương pháp kinh tế xâm nhập. Trong các bộ môn này, có thể phê phán phương pháp kinh tế, nhưng không thể không biết đến nó. Nó còn cung cấp cho kinh tế học những cuốn sách được bán chạy nhất[1].

Những giới hạn của chủ nghĩa đế quốc kinh tế

Cách tiếp cận của Becker bị phê phán kịch liệt, không phải lúc nào cũng một cách đúng đắn. Người ta đã trách ông xem con người là duy lí, và hiển nhiên là không phải bao giờ cũng đúng như thế. Một phê phán phi lí giống như khi nói rằng bản đồ đi đường của tôi là sai vì không chỉ được giống cây nào được trồng hai bên đường đi, quả đúng là như vậy nhưng điều này không phải là đối tượng của bản đồ: mọi mô hình khoa học là một sự đơn giản hóa hiện thực để làm cho hiện thực trở thành hiểu được. Vấn đề là phải biết cách tiếp cận này có thể làm cho hiện thực thật sự là dễ hiểu hơn không. 
Tuy nhiên, có một sự nhập nhằng lớn. Hội đồng Nobel thưởng Baker vì ông đã mở rộng lĩnh vực của phân tích kinh tế, làm như thể tự điều này đủ là một thành tích, và không đâu giải thích là cách tiếp cận này thật sự mang đến điều gì. Đây là trường hợp phổ biến hơn là người ta tưởng. Nhưng có nhiều lĩnh vực trong đó cách tiếp cận này tỏ ra là bông lông, không nghiêm túc. Chẳng hạn, ta tìm thấy một lí thuyết tự tử duy lí, theo đó người ta tự tử khi lợi ích kì vọng của quãng đời còn lại xuống dưới một ngưỡng nhất định; một lí thuyết ám sát-tự tử duy lí; có cả một bài viết “chứng minh” rằng người ta xác định ngày từ giã cuộc đời tùy theo tỉ suất đánh thuế kế thừa hay một phân tích kinh tế về sự cải đạo, v.v… Một số lĩnh vực nhất quyết kháng cự lại cách tiếp cận kinh tế.
Bực mình và phẫn nộ bởi những cơn mê sảng mà cách tiếp cận này dấy lên, cuối cùng Alain Blinder đã viết một bài châm biếm: “kinh tế học của việc đánh răng”.

Duy lí hóa thế giới

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu dừng lại ở những ví dụ bông lông trên, rồi nghĩ rằng tất cả những điều trên không có gì là quan trọng và chỉ cho thấy là các nhà kinh tế hoàn toàn tách biệt với hiện thực. Trước hết vì các công cụ trên đã tăng đáng kể cảm nhận của chúng ta về hiện thực, nhưng nhất là vì việc vận dụng chúng, theo chiều hướng tốt lẫn xấu, đã thay đổi một cách đáng kể diện mạo của thế giới.
Dưới mắt bạn, lí thuyết kinh tế về sự phân biệt đối xử có thể là kì lạ, nhưng lí thuyết này xét mọi người trên một thế bình đẳng, bất kể màu da và giới tính của họ, đó không phải là một điều hiển nhiên hình dung được vào năm 1955. Nhiều nhà nữ quyền đã dựa trên cách tiếp cận của Becker. Quan điểm của ông về vấn đề nhập cư hay việc tự do hóa các chất ma túy sẽ đặt ông bên phía cực tả trên bàn cờ chính trị Pháp (trong mỗi trường hợp trên cơ sở của một tính toán chi phí-lợi thế). Xem một sát nhân như là một tác nhân duy lí chắn chắn là tốt hơn xem hắn như một quái vật phi nhân tính.
Michel Foucault đã nhận diện đúng tiềm năng cách mạng của cách tiếp cận của Becker và nhận xét một cách tinh nghịch rằng trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong việc định nghĩa tội ác, đã từ lâu chúng ta là những nhà beckerian mà không biết. Nguy cơ là bằng cách tiếp cận thế giới chỉ duy nhất dưới góc độ của cách tiếp cận chi phí-lợi ích, với niềm tin rằng cách tiếp cận là khách quan, cuối cùng người ta quên rằng nó hoàn toàn không trung tính. Marx từng nhận xét rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã “dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỉ”[2]. Trong khoa học xã hội, luôn có nguy cơ là một lí thuyết biến đổi hiện thực mà nó nghiên cứu.        
Trong vòng vài thập kỉ vừa qua, điều thu hút sự chú ý là quan hệ giữa Nhà nước và công dân ngày càng hàng hóa hóa; cử tri ứng xử như những khách hàng bực tức với một đường dây nóng (hotline) không hiệu quả hơn là như những cá thể dấn thân vì những chính nghĩa ý thức hệ. Ta có thể lấy làm tiếc cho tình trạng này, đồng thời nhận xét rằng nó cũng góp phần đáng kể làm xã hội yên bình hơn. Không có gì xấu khi xem công dân là một khách hàng, một đôi lứa là hai người hợp tác, kẻ phạm tội như một doanh nhân, với điều kiện đừng quá tin vào mô hình vì mô hình có thể trở thành thực tế. Hiểu theo ý nghĩa ấy, Gary Becker đã góp phần rất nhiều cho thế giới ngày nay được yên bình hóa và có thể định lượng.                   
Alexandre Delaigue
Nguyễn Đôn Phước dịch



[1] Bản dịch tiếng Việt là Kinh tế học hài hước, NXB Tri thức, HN, 2012 (ND).

[2] C. Mác và Ph. Ănghen, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, trang 600 (ND).

Print Friendly and PDF