5.11.23

Câu chuyện tiến hóa của loài người được viết lại nhờ dữ liệu mới và sức mạnh tính toán lớn hơn

CÂU CHUYỆN TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI ĐƯỢC VIẾT LẠI NHỜ DỮ LIỆU MỚISỨC MẠNH TÍNH TOÁN LỚN HƠN

Một nghiên cứu mô hình hóa mạnh mẽ đưa ra giả thuyết con người không xuất hiện từ một khu vực duy nhất ở châu Phi. Đúng hơn, tổ tiên của chúng ta đã di chuyển và lai tạp trong hàng thiên niên kỷ.

Jude Coleman

Ý tưởng phổ biến rộng rãi rằng loài người hiện đại có nguồn gốc từ một khu vực duy nhất ở châu Phi đang bị thách thức. Các mô hình sử dụng một lượng lớn dữ liệu gien cho thấy con người có bắt nguồn từ nhiều quần thể tổ tiên trên khắp lục địa. Những quần thể cổ xưa này – sống cách đây hơn một triệu năm – đều thuộc cùng loài hominin nhưng hơi khác nhau về mặt di truyền.

Các mô hình ủng hộ lý thuyết này dựa trên phần mềm mới và dữ liệu giải trình tự bộ gien từ các quần thể châu Phi và Á-Âu hiện tại, cũng như từ di cốt của người Neanderthal. Các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả vào ngày 17 tháng 5 trên tạp chí Nature.

Eleanor Scerri, nhà khảo cổ học tiến hóa tại Viện Địa nhân học Max Planck ở Jena, Đức, cho biết nghiên cứu này góp thêm bằng chứng cho ý kiến rằng “không tồn tại khởi điểm duy nhất ở châu Phi và sự tiến hóa của loài người là một quá trình có nguồn gốc sâu xa ở lục địa này”.

Một nghiên cứu mới khám phá sự đa dạng của bộ gien con người đã phát hiện rằng loài người hiện đại đã tiến hóa trên khắp châu Phi chứ không phải từ một địa điểm duy nhất. Nguồn ảnh: Andy Selinger/Alamy

Lý thuyết nguồn gốc duy nhất đã phổ biến trong nhiều thập kỷ, một phần là dựa trên các hồ sơ hóa thạch. Nhưng lý thuyết này không khớp với dữ liệu cho lắm, Scerri nói. Tất cả các công cụ và đặc điểm vật lý được cho là của Homo sapiens xuất hiện khắp châu Phi vào khoảng thời gian tương tự, 300.000 đến 100.000 năm trước. Nếu loài người tỏa ra từ một địa điểm duy nhất, các nhà khảo cổ học hẳn sẽ mong đợi thấy nhiều hóa thạch mới nằm xa tâm điểm hơn, và những hóa thạch cổ hơn thì ở gần tâm điểm hơn.

Gốc cây tổ tiên

Các loài hominin cổ đại, hay ‘gốc cây tổ tiên’ [ancestral stem], có các quần thể bản địa được cho là đã lai tạo với nhau qua nhiều thiên niên kỷ, chia sẻ bất kỳ sự khác biệt di truyền nào mà mỗi loài đã tiến hóa ra. Họ cũng di chuyển khắp châu Phi theo thời gian. Scerri nói: “Nguồn gốc của chúng ta nằm ở một quần thể tổng thể rất đa dạng tạo thành từ các quần thể địa phương bị chia cắt. Sự đan xen của những dòng giống này, chỉ tách biệt nhau một cách yếu ớt bởi những khác biệt di truyền, đã dẫn đến một khái niệm về sự tiến hóa của loài người mà các nhà nghiên cứu mô tả là “cây có cấu trúc yếu1” – giống một dây nho rối hơn là một 'cây sự sống'.

Mặc dù ý tưởng về nhiều điểm gốc không mới, nhưng cách giải thích bằng khái niệm cây có cấu trúc yếu thì mới. Đồng tác giả Brenna Henn, một nhà di truyền học con người tại Đại học California, Davis cho biết, các mô hình cũng khám phá nhiều nguồn gốc khác đã không dùng nhiều tham số như mô hình được dùng trong nghiên cứu này.

Nhóm đã sử dụng phần mềm do đồng tác giả Simon Gravel tại Đại học McGill ở Montreal, Canada phát triển, có thể điều phối sức mạnh tính toán ở quy mô lớn như mô hình mở rộng cần. Công việc trước đây thiếu hụt dữ liệu di truyền vì tập trung chủ yếu vào Tây Phi, nghĩa là không phải tất cả sự đa dạng di truyền vô cùng phong phú của lục địa này đều được đưa vào. Điều đó tạo ra một bức tranh không đầy đủ về cách tổ tiên của con người hiện đại có thể đã trộn lẫn và di chuyển khắp vùng, đồng thời đòi hỏi các nhà khoa học đặt ra các giả định để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức.

Dữ liệu gien

Hóa thạch các thành viên đầu tiên của Homo sapiens được tìm thấy ở Maroc có hình dạng hộp sọ thon dài hơn so với người hiện đại. Nguồn ảnh: NHM London

Nghiên cứu này kết hợp dữ liệu giải trình tự bộ gien từ các quần thể hiện có ở phía đông và phía tây châu Phi cũng như người Nama ở miền nam châu Phi. Sự phân bố của dữ liệu gien này đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu và theo vết chuyển động lịch sử của gien qua các thế hệ.

Henn cho biết: “Chúng tôi thực sự muốn ngồi lại và đánh giá các mô hình một cách cực kỳ hệ thống theo cách sáng tạo hơn. Một mô hình cụ thể về sự tiến hóa của loài người.”

Các mô hình này đã sử dụng các biến như sự di cư và hợp nhất quần thể để dự đoán dòng gien trong suốt hàng nghìn năm. Những dự đoán này sau đó được so sánh với biến thể di truyền thấy được ngày nay để xác định xem mô hình nào phù hợp nhất với dữ liệu.

Một lời giải thích2 được đề xuất trước đây cho sự đa dạng của loài người ngày nay là H. sapiens đã hòa trộn với các loài người cổ xưa vốn đã phân nhánh và phát triển biệt lập trước đó. Nhưng Henn và các đồng nghiệp của cô nhận thấy rằng mô hình cây có cấu trúc yếu phù hợp hơn, đưa ra lời giải thích rõ ràng hơn về biến thể (di truyền) ở con người ngày nay.

Cuối cùng, vẫn còn rất nhiều câu hỏi về nguồn gốc loài người. Henn muốn bổ sung thêm ADN từ các khu vực châu Phi khác vào mô hình để xem liệu việc này có làm thay đổi kết quả hay không. Cô cũng hy vọng có thể sử dụng dữ liệu để đưa ra dự đoán về hồ sơ hóa thạch, chẳng hạn như những đặc điểm nào sẽ được tìm thấy trong hóa thạch người ở một khu vực cụ thể.

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-023-01664-z

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Human-evolution story rewritten by fresh data and more computing power, Nature, 18 May 2023


Tham khảo

1. Ragsdale, A. P. et al. Nature https://doi.org/10.1038/s41586-023-06055-y (2023). Article  Google Scholar 

2. Ragsdale, A. P. & Gravel, S. PLoS Genet. 15, e1008204 (2019). Article  PubMed  Google Scholar


Print Friendly and PDF