17.11.23

Giải Goncourt, lịch sử một sự ra đời gian truân

GIẢI GONCOURT, LỊCH SỬ MỘT SỰ RA ĐỜI GIAN TRUÂN

Tác giả: Gabrielle Hirchwald*

Edmond de Goncourt par Nadar. Wikimedia

Nếu cái tên Goncourt được chuyển đến hậu thế nhờ giải thưởng văn học nổi tiếng nhất, tưởng cũng nên nhắc lại là nó được đề ra bởi hai anh em, Jules và Edmond, là những nhà văn đồng thời là nhân chứng và tác nhân của nửa sau thế kỷ XIX. Đàng sau giải Goncourt và Viện Hàn Lâm Goncourt ẩn giấu một câu chuyện đầy sóng gió mà người ta đã quên nguồn gốc của nó.

Nếu ta chỉ có thể chúc mừng người được giải là Hervé Le Tellier về tác phẩm L’Anomalie (Điều bất thường), thì năm nay (năm 2020 – năm đại dịch Covid hoành hành – ND) tác giả này sẽ phải chấp nhận một sự nồng hậu ảo. Thật vậy, giải Goncourt đã được trao trong những điều kiện chưa từng xảy ra: những cuộc thảo luận từ xa, thời gian trao giải bị lùi lại, không có những vui thú tiệc tùng, không có những phóng viên ham muốn thu thập được những tuyên bố đầu tiên của người đạt giải, không có những tập hợp rình rang của đám đông trước tiệm ăn Drouant. Tóm lại là trong sự im lặng cá nhân trước màn hình trực tuyến, của viện sĩ hàn lâm đối diện với sự đơn độc của mình, người hạnh phúc được giải thưởng bị cuốn hút vào một niềm xúc động qua trung gian màn hình, xa, rất xa với sự sôi động truyền thông quen thuộc và với tinh thần hào hiệp như mong muốn của Edmond de Goncourt.

Trận chiến pháp lý

Những hoàn cảnh đặc biệt của việc trao giải văn học uy tín nhất của nước Pháp chỉ có thể liên quan đến sự không vững chắc của chính chúng ta. Đây là dịp để nhắc lại lịch sử đầy sóng gió của Académie des DixViện Hàn lâm Goncourt – và của giải thưởng danh tiếng mà suýt nữa không bao giờ ra đời. Không lâu trước khi qua đời, vào tháng 12 năm 1897, Alphonse Daudet, người giám sát việc thi hành di chúc về sự kế thừa Goncourt đã tuyên bố với một phóng viên đến phỏng vấn ông:

"Vậy là chúng tôi, cả Léon Hennique và tôi, không thể nói gì, dự liệu trước điều gì. Sẽ là rất lâu, đó là điều chắc chắn. Những doanh nhân còn làm chủ di sản kế thừa của người bạn lớn của chúng tôi, họ quản lý tài sản của ông, và trong thời gian đó, lại diễn ra những đòi hỏi vô số thủ tục của trình tự tố tụng…! Rất nhiều lần chúng tôi lo lắng tự hỏi lúc nào thì kết thúc."

Thế mà tất cả đều đã khởi đầu tốt. Ngay từ năm 1874, Edmond de Goncourt đã dự trù trong di chúc của mình những điều kiện hình thành Viện Hàn Lâm tương lai. Khi ông đã đến gần thời khắc "làm vơi đi thế giới" (ý nói từ trần – ND) nói theo thuật ngữ được gán cho Hugo, nhà văn, còn lại một mình sau cái chết của người em Jules, đã mong ước hoàn thành hai việc: xuất bản phần hai của tác phẩm JournalNhật ký – của ông và xây dựng một hiệp hội văn chương. Cái mà ta sẽ gọi là Viện Hàn Lâm Goncourt "phải bao gồm mười văn nhân, không có các quan chức, không có các chính khách", không thuộc về Académie française – Viện Hàn Lâm Pháp –, một Viện Hàn Lâm đối thủ. Họ có một nguồn lợi tức hàng năm, "có một số tiền cần thiết để gây lợi tức cho một bữa ăn hàng tháng từ tháng 11 đến tháng 5" và có nhiệm vụ trao một giải thưởng ít nhất là 5.000 quan và cao nhất là 10.000 quan cho "một tác phẩm hư cấu chỉ bằng văn xuôi mà thôi". Sự vận hành của thiết chế và số tiền của giải thưởng sẽ được tài trợ bởi việc bán các bộ sưu tập của hai anh em Jules và Edmond.

Tất nhiên, Edmond de Goncourt đã thay đổi di chúc của ông nhiều lần tùy theo tâm trạng của ông, xóa tên một thành viên của Viện Hàn Lâm tương lai vì ông này đã tham gia Viện Hàn Lâm Pháp, thay bằng một người khác vốn được lòng ông lúc đó, thêm nhiều phần bổ túc vào bản di chúc nguyên thủy.

Nhưng đó là không nghĩ đến gia đình của nhà văn. Khi nhà văn qua đời vào tháng 7 năm 1896, những người thừa kế tự nhiên của ông – anh em họ xa của ông – đã yêu cầu Tòa án tỉnh Seine hủy bản di chúc vì lý do Viện Hàn Lâm chưa tồn tại nên không thể thừa kế gì cả. Họ đã bị bác đơn ngày 5 tháng 8 năm 1897. Đó là thắng lợi đầu tiên của các tiểu thuyết gia và những người giám sát việc thi hành di chúc là Daudet và Hennique, họ được giúp đỡ rất nhiều nhờ sự khéo léo của Raymond Poincaré, một luật sư trẻ người Lorraine.

Joris-Karl Huysmans (1848-1907)
Getty Images/Hulton Archive

Gia đình của Edmond de Goncourt tiếp tục tấn công bằng cách kháng án. Trong thực tế, đã phải đợi thêm hai năm rưỡi nữa Viện Hàn Lâm mới thực sự có thể hoạt động. Phán quyết được xác nhận ngày 1 tháng ba năm 1900 bởi phòng dân sự của Tòa Phúc thẩm. Cuối cùng, giai đoạn cuối cùng của việc thành lập Viện Hàn Lâm Goncourt đã đến. Cho niềm vui lớn nhất của Huysmans (1848-1907), vị chủ tịch đầu tiên, vốn đã mệt mỏi với những quanh co của vụ án không hồi kết này:

"Bây giờ chúng tôi đã quen với việc di chúc Goncourt gặp trở ngại trên từng bước đi. Ôi ! Edmond tội nghiệp đã có lý khi than phiền về vận may trong nhật ký của ông !Phải chi ông có thể viết một di cảo về vận may, thật là những lời ta thán, và chúng được chứng thực biết bao !...[…] Thôi nào, hồ sơ sẽ đi du lịch, và sẽ lâu. Tôi đã ở trong hành chánh, vậy là các bạn hiểu…".

Đầu năm 1903, Hội đồng Nhà nước đã hợp pháp hóa phương hướng của những quyết định trước đây. Với nghị định ngày 19 tháng 1, Viện Hàn Lâm Goncourt được chính thức thừa nhận. Cuối cùng thì Viện có thể hoàn thành sứ mệnh của mình.

Giây phút biết bao chờ đợi đã đến: đã đến lúc trao giải thưởng Goncourt đầu tiên. John-Antoine Nau với tác phẩm Force ennemie đã được chọn. Thông báo được thực hiện trễ vào ngày 21 tháng 12 trong sự thờ ơ gần như toàn thể, sau hơn 6 năm kiện tụng và 30 năm luận chiến.

Buổi làm việc đầu tiên của BGK viện Hàn lâm Goncourt năm 1903. Từ trái qua phải, ngồi: Rosny lớn, Huysmans và Léon Hennique. Hàng đứng: Elémir Bourges, Rosny bé, Gustave Geffroy, Lucien Descaves và Léon Daudet. Nguồn: tapchisonghuong.com.vn

Trở về nguồn

Sau khi gợi lại ngắn gọn câu chuyện xây dựng Viện Hàn Lâm Goncourt, các bạn sẽ hiều là không thích hợp khi phê phán những điều kiện hiện thời của việc trao giải thưởng năm 2020.

Hãy hy vọng rằng năm tới 2022, vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Edmond ở Nancy, Viện Hàn Lâm (và giải thưởng của Viện) tìm lại được những điều kiện hoạt động bình thường. Dù sao, có thể trong tinh thần khởi thủy của điều mà người nổi loạn là Alphonse Daudet đề nghị, mà ông đã không có được thú vui thấy nó được thực hiện: ông đã hình dung những phiên họp được tổ chức không kiểu cách trong những tiệm ăn khác nhau một khi có cơ hội, "mọi sự đơn giản, không lễ nghi, ngồi thoải mái (có thể đặt cùi chỏ lên bàn)" dưới hình thức những cuộc gặp gỡ không chính thức, thậm chí lưu động, kiểu "các bàn tròn" hay "yến tiệc" nhằm tránh cái khuôn cứng nhắc của những buổi họp hàn lâm. Dị ứng với mọi thứ bậc, bậc trưởng thượng cũng không muốn chủ tọa hiệp hội nhằm bảo đảm tự do của các cuộc phỏng vấn: "Vả lại, điều mà tôi mong muốn trước hết là tránh mọi sự trịnh trọng… Tôi là người chống sự trịnh trọng".

Một cách phát động trở lại hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực.

Không có sự lệ thuộc để tạo thuận lợi cho tính đích thực của các cuộc trao đổi ý kiến.

Những đề nghị làm ấm lòng trong những lúc khó khăn.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: "Le Goncourt, un prix qui aurait pu ne jamais voir le jour", The Conversation, 2.12.2020.

---

Chú thích:

*Giảng sư đại học, đủ tư cách hướng dẫn nghiên cứu – Văn học thế kỷ XIX, Đại học Lorraine

Print Friendly and PDF