25.11.23

Kĩ sư-triết gia: những nhà tư tưởng của tương lai, những người hành động

KỸ SƯ-TRIẾT GIA: NHỮNG NHÀ TƯ TƯỞNG CỦA TƯƠNG LAI, NHỮNG NGƯỜI HÀNH ĐỘNG

Tác giả: François L’Yvonnet

Giáo sư triết học, phụ trách xuất bản

Richard Robert ghi lại

Tóm tắt

  • Nếu sự tư biện triết học truyền thống gặp khó khăn trong việc tìm một chỗ đứng ngày nay, thì nổi lên một gương mặt mới: người kỹ sư-triết gia.
  • Là người quan sát và là tác nhân của những diễn biến công nghệ đang biến đổi thế giới của chúng ta, kỹ sư-triết gia có một cảm nhận sâu sắc về lợi ích chung và tự cảm thấy mang một trách nhiệm.
  • Kỹ sư-triết gia sống trong một thời kỳ bị ám ảnh bởi các cuộc khủng hoảng: vậy là họ dựa vào những lời hứa bị phản bội của quá khứ để soi sáng những biến đổi tương lai.
  • Ngày nay đổi mới sáng tạo hòa hợp cùng tự nhiên, thay vì tìm cách chế ngự nó như trong triết lý cổ điển.
  • Kỹ sư-triết gia đề nghị một cách nhìn nhấn mạnh đến sự hòa nhập hoạt động của con người vào một môi trường, đó là sinh thái theo nghĩa chính xác của thuật ngữ này.

Ngày trước Pascal và Leibniz là hiện thân của hình ảnh triết gia nhà khoa học. Có phải hình ảnh này đã biến mất?

François L’Yvonnet

Thế kỷ XX đã có một biến đổi to lớn, với sự phát triển và lan rộng chưa từng có của các tri thức khoa học và kỹ thuật, sự lan rộng này hạn chế những tham vọng của triết học truyền thống về sự quan tâm của mình đối với tất cả các tri thức, như Bergson vẫn còn làm. Các khoa học trở nên độc lập, và sự tư biện triết học khó tìm được chỗ đứng của mình.

Nhưng cùng lúc ta thấy nổi lên một gương mặt mới: kỹ sư-triết gia. Họ không là hiện thân của một trường phái cụ thể, cho dù số người đại diện của họ xuất thân từ cùng một trường đại học (alma mater), là trường trọng điểm Đại học Bách khoa (École polytechnique). Điều mà họ có chung, và không phải là không có mối liên hệ với việc phục vụ Nhà nước được kết hợp với ngôi trường này, là một sự quan tâm sâu sắc đến lợi ích chung, dựa trên nhận thức về một trách nhiệm. Là những thành viên của tầng lớp tinh hoa được định hướng để điều hành đất nước (hoặc chí ít là điều hành các tổ chức quan trọng), họ thấy mình mang ơn. Họ cũng là những kỹ sư tổng quát, nắm vững một diện rộng các kiến thức thực hành và lý thuyết, và họ quan sát sát sao những diễn biến công nghệ đang biến đổi thế giới: nhiệm vụ của họ là làm sáng tỏ những diễn biến này.

“Các kỹ sư-triết gia là những người hành động – khác hẳn hình ảnh người của văn phòng, người mơ mộng, hay người của đại học.”

Thierry Gaudin (1940-)

Về khía cạnh này, một nhân vật như Thierry Gaudin là mẫu mực. Sinh năm 1940, ông là một nhà quan sát và là một tác nhân của cuộc cách mạng tin học đã phát triển nhanh chóng cùng với thế hệ của ông. Ông khởi đi từ một phân tích chặt chẽ những biến đổi của hệ thống kỹ thuật, và những tương tác giữa kỹ thuật và xã hội, để suy nghĩ về những chuyển biến hiện thời. Dưới mắt ông, những chuyển biến này không phải là một sự biến đổi đơn giản của cách mạng công nghiệp, mà cần được hiểu như một sự thay đổi thực sự của nền văn minh. Việc nắm bắt sự gián đoạn này đã khiến ông vạch ra những viễn cảnh, trong những tác phẩm như: 2100, Récit du prochain siècle (1990) - 2100, câu chuyện của thế kỷ tiếp theo -, hay L’Avenir de l’Esprit (2021) - Tương lai của Tinh thần -.

Những “kỹ sư- triết gia” đầu tiên, vào thế kỷ XIX, có xu hướng thiên về sự tưởng tượng về tiến bộ khiến họ tự phóng chiếu đến tương lai. Những người nối nghiệp họ có còn chia sẻ niềm tin này không?

Jean-Pierre Dupuy (1941-)

Họ sống trong một thời kỳ bị ám ảnh bởi các khủng hoảng và bị kéo lại bởi sự tưởng tượng cổ xưa về tai biến: tương lai đang chạy trốn. Điều đó ngăn cản họ xây dựng các hệ thống – những thế giới trí thức khép kín, vững chắc, được kiểm chứng trước. Họ đối diện với một tương lai mơ hồ, họ tìm cách xây dựng khái niệm về nó mà không thu hẹp nó.

Ở đây, một gương mặt tượng trưng sẽ là Jean-Pierre Dupuy. Là nhà tư tưởng về tai biến, ông không bị thảm họa mê hoặc, ông không đóng vai trò thầy bói hay người nghiên cứu tai biến nhưng nghiêng về phát triển một “thuyết tai biến sáng suốt”. Nói lên tính tất yếu của điều tệ hại nhất là một cách ngăn cản nó xảy ra. Ở đây ta gặp lại một luân lý về trách nhiệm (không né tránh điều có thể xảy ra dù rất đáng sợ), và cử chỉ thật đặc biệt này của người kỹ sư không tìm cách kiểm soát thực tại mà là mô hình hóa nó với mục đích hiểu nó và chuyển hướng nó. Thách thức không phải là thống lĩnh thực tại từ đỉnh cao của các ý tưởng, mà là có một tác động nhất định đối với chúng.

Một cách tiếp cận như vậy là xa với các hệ thống lớn được triển khai bởi các triết học về lịch sử - hãy nghĩ đến Hegel hoặc Marx -, những triết học này nghĩ đến tương lai từ một sự đoạn tuyệt. Các kỹ sư-triết gia là những nhà tư tưởng về tương lai, nhưng họ nhấn mạnh đến sự liên tục. Điều này không loại trừ, mà ngược lại, suy nghĩ về sự đổi mới, nhưng họ không dựng lên hình ảnh sự sống đời sau của một thế giới lý tưởng. Họ quan tâm hơn đến những lời hứa bị phản bội của quá khứ, và chú tâm soi sáng và đồng hành với những biến đổi của thế giới.

Các kỹ sư-triết gia này là những con người hành động - khác hẳn hình ảnh người của văn phòng, người mơ mộng, hay người của đại học. Họ tách mình ra khỏi thời gian, khỏi cả sự nghiệp, để suy nghĩ. Nhưng tư tưởng của họ được nuôi dưỡng bởi thử thách của thực tại.

Triết học hiện đại tập trung vào thế giới của những Con Người. Với Descartes, triết học đã biến tự nhiên thành một “đối tượng” mà một mặt nào đó Con Người đã thoát ra từ đó. Các kỹ sư cũng có động tác trí thức này, họ hành động tích cực để làm cho chúng ta trở thành “như những người chủ và người sở hữu tự nhiên”. Có phải các kỹ sư-triết gia không bị giam hãm trong hệ hình này, ngày nay nó đang bị phá sản bởi sự nhắc nhở ác liệt của sức mạnh của tự nhiên?

Đúng là trong thời hiện đại này với quan niệm Con Người “như là người chủ và người sở hữu thiên nhiên” dường như bị bỏ lại phía sau chúng ta. Nhân loại đã được nhắc nhở gấp bội lần đến hoàn cảnh tự nhiên của nó. Trước tiên do mối liên hệ được kết nối lại với giới động vật, từ Darwin đến linh trưởng học đương đại, và tiếp theo là bởi ý niệm về môi trường đang bắt kịp chúng ta với tốc độ cao. Triết học hiện đại không đặt vấn đề môi trường; trái lại, triết học đã phát triển và né tránh vấn đề môi trường. Nhưng các kỹ sư- triết gia không hề bị kẹt trong ngõ cụt này.

Olivier Donatien Rey (1964-)

Ở đây tôi lấy ví dụ về Olivier Rey, ông thuộc về thế hệ tiếp theo, sinh trong những năm 60. Những công trình của ông đặc trưng cho một sự phê phán tính hiện đại, đặc biệt nêu rõ sự gắn ghép vào các con số và nêu câu hỏi về tầm vóc con người – những giới hạn, những mất cấn đối giữa các sản phẩm của kỹ thuật (các thành phố, doanh nghiệp, hệ thống) và khả năng sống trong xã hội của chúng ta. Ông tấn công vào triết lý siêu nhân học, một hình thức tối hậu của tham vọng hiện đại muốn chế ngự tự nhiên.

Trong tiểu luận Réparer l’eau, ông giải thích rằng khoa học hiện đại đã được thiết lập bằng cách gạt bỏ các cảm giác, các cảm tưởng tức thì, nhường chỗ cho lý tính và các thước đo. Mối tương quan giữa chúng ta và thế giới đã bị đảo lộn từ đó: nó đã được “xác định chính xác trên nhiều khía cạnh, bị nghèo đi ở những khía cạnh khác”. Công thức này nắm bắt được một cách chính xác tư tưởng của người kỹ sư-triết gia, họ vốn không hề gạt bỏ khoa học và công nghệ, nhưng tự vấn về những ngõ cụt của nó, về những gì đã mất mát trong những điều đã đạt được.

“Đổi mới sáng tạo ngày nay hưng thịnh trong những phế tích của tiến bộ: nó hòa hợp với tự nhiên thay vì tìm cách thống trị nó.”

Một suy nghĩ như vậy nằm trong dòng suy tưởng của Günther Anders về “tính không đồng bộ ngày càng tăng giữa con người và thế giới mà con người tạo ra” (décalage prométhéen), suy tưởng gắn liền với sự xuất hiện của thời đại nguyên tử (hạt nhân) và những phương tiện hủy diệt to lớn của nó.

Ta trở lại với những vấn đề của hành động, của trách nhiệm: có không một sự từ bỏ hành động?

Không, càng không phải là một sự từ bỏ mà là một cố gắng thăm dò những con đường khác, đồng thời không từ bỏ tham vọng hành động và có một ảnh hưởng đến thế giới. Với tư cách kép, như là những người lập mô hình và như là những triết gia, các kỹ sư-triết gia chịu ảnh hưởng bởi sự tưởng tượng về thành quốc lý tưởng – một động tác hiện diện trong tư tưởng của người châu Âu từ thời Hy Lạp cổ xưa. Nhưng ngày nay, sự mô hình hóa này là không thể, vì để mô hình hóa thì phải cô lập. Thế nhưng trong thế giới toàn cầu hóa ở đó mọi thứ đều liên thông với nhau, không còn gì có thể cô lập được nữa. Đó là chưa kể người ta không còn tin vào tương lai nữa. Hành động, dưới mắt thế hệ mới kỹ sư-triết gia này, đang thay đổi ý nghĩa: đó không còn là tác động lên, bằng cách thực hiện một quyền lực tối cao đối với tự nhiên hay các sự vật. Nhưng thực ra là làm rạn nứt cái hiện hữu, để mở ra lại những khả thể - ở đây tôi dùng lại thuật ngữ của François Jullien. Làm rạn nứt là một cử chỉ khiêm tốn hơn là biến đổi. Đổi mới sáng tạo ngày nay hưng thịnh trong những phế tích của tiến bộ: nó hòa hợp với tự nhiên thay vì tìm cách thống trị nó.

Tầm nhìn này nhấn mạnh việc hòa nhập hành động của con người vào một môi trường là có tính sinh thái theo nghĩa chính xác của thuật ngữ này. Nhưng đối lại hai cực của sinh thái học triệt để, - một cực xem Con Người là một loài xâm lấn mà thiên nhiên không hề cần đến, và cực kia lại dùng trò đùa bi thảm của chủ nghĩa toàn trị, xâm lấn và đầy những điều cấm kỵ - các kỹ sư-triết gia nêu ra một tầm nhìn về hành động của con người được xác định cùng lúc bởi các giới hạn và trách nhiệm. Một tầm nhìn thận trọng, lịch sự, nâng cao giá trị của năng lực kỹ thuật mà không bao giờ cô lập nó với những hiệu ứng của năng lực này.

Richard Robert ghi

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Ingénieurs-philosophes: penseurs de l’avenir, hommes d’action”, Polytechnique Insights, 26.4.2023.

Print Friendly and PDF