12.11.23

Phát biểu về giáo dục nghề

Phát biểu về giáo dục nghề tại cuộc

HỌP HỘI ĐỒNG HIỆU TRƯỞNG CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP

TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 9/11/2023

Nguyễn Xuân Xanh

Lời nói đầu. Dưới đây tôi xin đăng lại, với sự tu chỉnh và bổ sung đôi chút không đáng kể, bài phát biểu bằng văn bản của tôi cho buổi họp nói trên, được in lại trong TÀI LIỆU HỘI NGHỊ gửi cho 150 vị đại biểu. Tôi chỉ trình bày ngắn gọn bằng lời, để chuyển sang giới thiệu Kỹ sư Phạm Nam Hương trình bày Tủ sách dạy nghề Nhất Nghệ Tinh, với một bộ sách vô cùng hữu ích cho giáo dục nghề, và Kỹ sư Lê Tùng Hiếu, học viên nghề Việt Nam đầu tiên tại CHLB Đức năm 1959, một cây đại thụ của ngành cơ khí Việt Nam trụ vững qua mọi thời đại. Tôi sẽ có bài giới thiệu về anh Hiếu sau chi tiết hơn.

Nguyễn Xuân Xanh

Kính thưa quý vị lãnh đạo Thành phố,
Kính thưa các Anh Chị Hiệu trưởng, Lãnh đạo các trường cao đẳng và trung cấp dạy nghề trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,

Kính thưa Quý vị Đại biểu,

Hôm nay là ngày hết sức trọng đại của giáo dục nghề Thành phố. Quyết định tiến hành giáo dục nghề song hành sẽ hết sức có ý nghĩa cho sự phát triển giáo dục và phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp của TP và cả vùng. Công nghiệp là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế.

Có được đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, điều đó sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đại học Stanford từng đào tạo chuyên gia, nhân sự khoa học, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu kỹ thuật cho những công ty vào thuê đất ở công viên của họ để khởi nghiệp, vì thế, họ đã thu hút được rất nhiều công ty khởi nghiệp để làm hạt nhân của cái sau này gọi là Thung lũng Silicon. Tương tự như thế, nếu có được các trường nghề chuyên nghiệp đào tạo cho ra thường xuyên đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp, Thành phố cũng sẽ là điểm thu hút các nhà đầu tư.

Chúng ta cần phục hồi vai trò của những người thợ chuyên môn trong xã hội. Văn hóa khổng giáo đã xem nhẹ những nghề thủ công, đó là một sự hiểu sai lầm. Châu Âu đã phát triển mạnh mẽ nghề thủ công một nghìn năm nay, từ thời Trung cổ trung kỷ, thế kỷ 10, 11 trở đi, khi xã hội họ ổn định về chính trị và sung túc. Thế kỷ XIII họ đã xây dựng những nhà thờ Gothic vĩ đại, những kỳ quan thế giới, xây dựng bằng bàn tay của những người thợ thủ công và những dụng cụ thô sơ bấy giờ. Họ chỉ áp dụng hình học Euclid và tính toán. Trung cổ là thời gian châu Âu phát triển máy móc, và không ngừng cải tiến. Quý trọng những nghề thủ công, ứng dụng khoa học vào đó, xã hội họ đã nhanh chóng phát triển giàu mạnh. Chúng ta cần những thứ đó.

Mô hình giáo dục nghề Đức, Áo và Thụy Sĩ tỏ ra rất hiệu quả và tốt nhất hiện nay, giảm thiểu tối đa thất nghiệp trong giới thanh niên. Mô hình đó cần đến sự bắt tay chặt chẽ của nhà nước và các công ty tư nhân. Sinh viên phải có nơi học lý thuyết, và thực tập. Công ty chế tạo tư nhân cần phải có tầm nhìn để dấn thân vào sự nghiệp chung, có lợi cho tất cả, lâu dài kể cả cho họ. Sức mạnh tập hợp lại tạo thành sức mạnh của quốc gia. Các thế hệ trẻ phải được đào tạo vì lợi ích của quốc gia.

Công nghiệp muốn phát triển không thể nào không cần những người thợ chuyên ngành, Facharbeiter, như người Đức gọi, được đào tạo chính quy, vừa lãnh hội được lý thuyết, vừa vận hành, điều khiển được máy móc thông thạo.

Điều quan trọng là học viên, khi được nhận vào, được bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tức nhận được đồng lương tối thiểu để đủ sống, có chỗ học lý thuyết, và chỗ thực hành. Họ phải được hướng dẫn bởi thầy cô tốt, về lý thuyết cũng như thực hành. Và cuối cùng họ phải thi để có bằng thể hiện tính chuyên nghiệp của họ. Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức có thể giúp để học viên có được bằng Đức, hay tương đương. Lực lượng những người thợ có kỹ năng công nghiệp (industrial skill), sự thành thạo nghề nghiệp (proficiency), tạo thành tiềm lực công nghiệp quốc gia để tiếp thu, xử lý những công nghệ mới, phức tạp được du nhập từ nước ngoài.

Cạnh tranh kinh tế đòi hỏi cạnh tranh chất lượng và độ tinh xảo của sản phẩm. Muốn có sản phẩm tinh xảo, chúng ta phải có lực lượng lao động kỹ thuật tinh xảo, luôn luôn cải tiến ngày càng tinh xảo hơn. Nhà thờ Gothic cũng như điện thoại thông minh là những biểu tượng của sự tính tinh xảo của bàn tay và trí óc con người.

Một trong những nền tảng của giáo dục nghề là sách giáo khoa. Sách phải chuyên nghiệp và phản ảnh được trình độ công nghiệp thế giới, để học viên ra trường có thể hội nhập vào các Cty hiện đại, kể cả Cty nước ngoài. Từ 13 năm qua, nhóm Tủ sách Nhất nghệ tinh, một sáng kiến tuyệt vời của Ủy Ban Tương Trợ Việt Kiều Đức, và một số cá nhân, đã tập hợp lại để dịch thuật bộ sách giáo khoa rất nổi tiếng của Nhà xuất bản Đức Europa Lehrmittel (Phương tiện giáo dục châu Âu). Bộ sách này bao gồm nhiều chuyên ngành như Cơ khí, Điện-Điện tử, Cơ-Điện tử, Ô tô, Xây dựng v.v., hiện có thể bao phủ 8 chuyên ngành của nền công nghiệp hiện đại. Bộ sách đã tích lũy kinh nghiệm công nghiệp từ gần 80 năm qua của cuộc xây dựng thời hậu chiến ở Đức, và đang được sử dụng rộng rãi trong giáo dục nghề ở đó, và đang được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nhưng hiện Đông Nam Á chưa nơi đâu có bộ sách này bằng bản ngữ, kể cả Trung Quốc. Có lẽ họ thiếu một nhóm người từng học và làm việc ở Đức lâu năm để hiểu đúng chuyên môn. Bộ sách đã được Tổng cục dạy nghề, các trường nghề Việt Nam, và các học viên hoan nghênh nhiệt liệt. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự hoạt động tự nguyện phi-thù lao của mấy chục cựu sinh viên Việt Nam du học tại CHLB Đức những năm 1960-70 giờ đây trở nên rất có ý nghĩa. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là sự gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và nhóm sinh viên chuyên nghiệp Việt Nam du học ở Đức nửa thế kỷ trước. Nhóm này, ngoài sách ra, có thể cung cấp nhiều kiến thức, kinh nghiệm, thông tin và các mối quan hệ hữu ích để hỗ trợ chương trình giáo dục nghề thành công.

Xây dựng đạo đức. Bên cạnh việc học nghề, học viên cũng cần học tác phong và đạo đức công nghiệp. Học viên đang bước vào một xã hội mới. Điều này ông Lê Tùng Hiếu, người học nghề ở Đức lâu năm, sẽ có thể hướng dẫn sau này. Người Phổ, đại diện cho các dân tộc Đức, do điều kiện sống chật vật của họ trong lịch sử, đã hình thành những đức tính quý báu sau đây: Tính đúng giờ (Püntlichkeit, dĩ nhiên đúng hẹn), Tính tiết kiệm (Sparsamkeit), Tính siêng năng (Fleiss), Tính ham thích lao động (Arbeitsamkeit), Tính công bằng (Gerechtigkeit), Tính kiên định (Standhaftigkeit, không lùi bước trước khó khăn), Tính đáng được kính trọng (Ehrenhaftigkeit, Tính tự trọng). Đó là những đạo đức của cả quốc gia, từ nhà nước đến công nhân lao động.

Học kinh doanh. Xa hơn nữa, trường nên dạy thêm những khóa kinh doanh cho những sản phẩm hay dịch vụ các học viên có thể sản xuất và cung cấp cho xã hội. Cần khuyến khích học viên noi theo những tấm gương của nhiều doanh nhân thế giới từng học từ nghề thủ công nhưng có những đóng góp vĩ đại. Thí dụ James Watt ở Scotland, chế tạo máy động cơ hơi nước hoàn chỉnh. Hoặc August Borsig, người chế tạo đầu máy xe lửa, và đã chế tạo hơn vạn cái, góp phần quan trọng công nghiệp hóa và kết nối nước Đức manh mún thành thống nhất địa lý và thị trường.

Lịch sử phát triển nghề thủ công và kỹ thuật, nhất là lịch sử châu Âu, giúp ta hiểu nhiều hơn vai trò của những nghề thủ công và kỹ thuật trong xã hội, và tạo tầm nhìn. Người châu Âu, một mặt chú trọng phát triển học thuật rất mạnh, như sự ra đời của các Đại học Trung cổ minh chứng, mô hình đại học ngày nay của thế giới, nhưng mặt khác, rất yêu và quý trọng nghề thủ công để cải thiện cuộc sống thực tế. Mỗi con người đều có động cơ tự nhiên “ham muốn cải thiện điều kiện sống của mình”, và “ham muốn đó”, nói như nhà kinh tế học Adam Smith, “đã đến với chúng ta từ trong bụng mẹ, và không bao giờ rời bỏ chúng ta cho đến khi chúng ta xuống mồ”. Động cơ đó không những cải thiện lợi ích cá nhân, mà còn làm giàu cho xã hội, cộng đồng. Vì thế, châu Âu đã nhanh chóng trở thành lục địa giàu có. Vô số những phát minh quan trọng đã ra đời, như đòn bẩy, cối xay phổ quát sử dụng sức gió, sức nước và động cơ hơi nước, mắt kính, viễn vọng kính, máy dệt, đóng tàu biển, khai mỏ, máy in, một phát minh gây bức phá cho xã hội học và xã hội thông minh, đồng hồ đo thời gian, một phát minh không có ở các nền văn minh khác, trong số vô số thứ khác. Karl Marx đã có câu nói nổi tiếng mô tả trạng thái xã hội mà chiếc cối xay đại diện: “Chiếc cối xay tay mang lại cho bạn xã hội với lãnh chúa phong kiến; cối xay hơi nước cho bạn xã hội với nhà tư bản công nghiệp.” Các nhà thờ Gothic vĩ đại tiêu biểu cho tài năng thủ công tuyệt vời của họ. Một niềm hãnh diện khác vào thời Phục Hưng là sự dựng lên tháp obelisk năm 1586 ở quảng trường Thánh Peter nặng 327 tấn, cao 23 mét, cần đến 800 nhân công, 140 con ngựa và vô số ròng rọc và mét dây, dưới thiết kế và sự điều khiển của kiến trúc sư người Ý Domenico Fontana, một thành tựu bậc thầy hết sức đáng ngưỡng mộ của ông. Cả thời Trung cổ và Phục Hưng, châu Âu được ví như một c máy, machina mundi, hay nói cách khác và rộng hơn, cả vũ trụ hoạt động như một c máy, như chiếc đồng hồ chẳng hạn, một hình tượng ưa thích của các nhà khoa học và triết học tự nhiên.

Không nói hết vai trò quan trọng xuyên suốt xã hội của thợ thủ công rất được quý trọng ở văn hóa châu Âu. Đến như nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại J.S. Bach thế kỷ 17/18 còn cho rằng, ông không thông minh, ông chỉ là một craftsman, một thợ thủ công, tìm các nốt nhạc và sắp xếp chúng thành một bản nhạc. Nhật Bản thời Minh Trị cũng rất chú trọng giáo dục nghề kỹ thuật. Một trong những người họ thuê là Gottfried Wagener, một nhà khoa học hóa người Đức sang làm cố vấn và tham gia vào việc đào tạo nghề công nghệ. Ông hoạt động ở Trường Thủ công và Nghệ thuật Tokyo, bây giờ là Tokyo Institute of Technology (TIT) với tư cách là giám đốc bộ phận công nghệ gốm sứ và thủy tinh, cho đến khi ông qua đời năm 1892. Nhật Bản cho xây tượng đài để ghi nhớ công ơn ông.

Trình bày câu chuyện lịch sử châu Âu, tôi muốn nói một điều: Họ sống với triết lý rất thực tiễn. triết lý của Francis Bacon, lấy khám phá thực tiễn để phục vụ con người. Họ đi bằng hai chân, luôn bám sát đất, đầu thì luôn ngẩng nhìn trời để khám phá những chân trời nhận thức về lý thuyết xa hơn. Khoa học là sự kết hợp của hai triết lý đó: thực hành và lý thuyết. Giáo dục dạy nghề mà Thành phố sắp triển khai là hoàn toàn nằm trong quỹ đạo các quốc gia phát triển lâu đời của thế giới, và đang tiếp tục cần thiết ở mức độ ngày càng tinh xảo hơn.

Có nhiều điều để nói, để làm. Bên cạnh hoạt động giáo dục nghề, chúng ta cần xây dựng văn hóa của những người thợ thủ công để nuôi dưỡng, và truyền cảm hứng. Một trong những việc làm rất tốt là tái hiện lịch sử của nghề thủ công và kỹ thuật của lục địa châu Âu, cái nôi nuôi dưỡng tích cực của nó, từ thời Trung cổ đến hiện đại. Ở lục địa này, nghề thủ công là một bộ phận không thể tách rời của Lịch sử văn hóaKulturgeschichte. Không có nó, không thể có châu Âu như ta thấy hôm nay. Tôi sẽ trình bày trong một dịp khác. Thời Trung cổ châu Âu đã có khái niệm deus artifex, nghĩa là, “Chúa Trời là một nghệ sĩ”. Ông cầm chiếc compass để xây dựng thế giới. Ông chính là một thợ thủ công, dĩ nhiên mạnh mẽ và vĩ đại. Ý tưởng này có lẽ gián tiếp “thần thánh hóa” vai trò người thợ thủ công? Walter Gropius, người sáng lập ra trường phái kiến trúc và nghệ thuật hiện đại BAUHAUS thời Cộng hòa Weimar Đức cũng từng nói: Người nghệ sĩ (Künstler) là một người thợ thủ công (Handwerker) theo đúng nghĩa của từ này. Vâng, chúng ta học nghề để sáng tạo, trong tinh thần người thợ và người nghệ sĩ, để có những tác phẩm tinh xảo, phục vụ lợi ích vừa cá nhân, vừa của xã hội. “Nếu phải làm phu quét đường, thì bạn hãy quét như Michelangelo vẽ tranh, như Shakespeare làm thơ, và như Beethoven sáng tác nhạc,” như Mục sư Martin Luther King Jr. muốn diễn tả đạo đức lao động ở mức độ tinh xảo nhất của nó.

Xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu, và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Nguyễn Xuân Xanh

(9.11.2023)

Xem thêm:

Nguồn: Phát biểu về Giáo dục nghề, rosetta.vn, 10 Tháng Mười Một, 2023.

Print Friendly and PDF