9.11.23

Tại sao châu Á không ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống Hamas

TẠI SAO CHÂU Á KHÔNG ỦNG HỘ ISRAEL TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG HAMAS

Hubert Testard[*]

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Nguồn: New Straits Times)

Các nước châu Á-Thái Bình Dương đã phải trả một giá đắt về nhân mạng trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel, với số người chết, mất tích hoặc con tin nhiều hơn châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Tuy vậy, những tuyên bố ủng hộ Israel vẫn rất thận trọng/dè dặt và rất ít. Chỉ có Nhật Bản và Australia chính thức coi Hamas là tổ chức khủng bố, trong khi dư luận quần chúng ngày càng công khai đứng về phía chống lại cuộc tấn công của Israel ở Gaza. Có bốn lý do chính dẫn đến sự khác biệt này với các chính phủ phương Tây là tình đoàn kết tôn giáo đối với một số quốc gia nhất định, tình cảm chống thực dân rất sâu sắc, tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và thương mại với các nước Ả Rập, mà những quan hệ kinh tế và thương mại với Israel không thể bù đắp, và tính toán chiến lược của một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Bạo lực vô nhân đạo trong cuộc tấn công do Hamas thực hiện vào ngày 7 tháng 10 không đủ để tạo ra một phong trào đoàn kết với Israel ở châu Á, bất chấp những tội ác đã gây ra đối với người dân thường và những hậu quả trực tiếp về mặt con người đối với một số quốc gia. Ngược lại, cuộc phản công của Israel và thảm họa nhân đạo mà nó tạo ra đang gây ra sự phẫn nộ ngày càng tăng trong người dân và một số chính phủ.

MỘT GIÁ PHẢI TRẢ NẶNG NỀ ĐỐI VỚI CƯ DÂN CHÂU Á TẠI ISRAEL

Một bài báo của RFI (Radio France International) xuất bản ngày 18 tháng 10 đưa ra số liệu thống kê chính xác về số người chết, mất tích hoặc số con tin người nước ngoài có liên quan đến vụ tấn công của Hamas. Thiệt hại nặng nề đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với 50 người chết và 25 người mất tích (có thể chủ yếu là con tin), nhiều hơn châu Âu (39 người chết và 37 người mất tích) hoặc Bắc Mỹ (37 người chết và 15 người mất tích). Hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Thái Lan và Nepal. Thái Lan từ lâu đã gửi hàng chục nghìn công nhân nông nghiệp đến Israel làm việc, đặc biệt là tại các Kibboutz. Thái Lan thương tiếc ba mươi người chết và mười bảy người mất tích. Népal có 15 sinh viên làm việc tại Kibboutz Aloumim, gần biên giới với Gaza. Mười người trong số họ đã chết, bốn người bị thương và một người có lẽ đã bị bắt cóc.

Các nước châu Á khác cũng bị ảnh hưởng. Trung Quốc ghi nhận 4 người chết và 2 người mất tích, Philippines 3 người chết và 3 người mất tích, Sri Lanka 2 người mất tích, Campuchia và Azerbaijan mỗi nước 1 người chết.

CÁC ĐỒNG MINH CHÂU Á CỦA MỸ THẬN TRỌNG/DÈ DẶT TRONG NHỮNG NGÀY SAU CUỘC TẤN CÔNG CỦA HAMAS

Là một quốc gia rất gần gũi với Hoa Kỳ, Nhật Bản không coi cuộc tấn công của Hamas là khủng bố. Thủ tướng Fumio Kishida chỉ đơn giản “lên án các cuộc tấn công gây thiệt hại nặng nề cho người dân thường vô tội” và Nhật Bản đã không tham gia thông cáo chung ngày 9 tháng 10 được ký kết bởi Hoa Kỳ, Pháp, Vương quốc Anh, Đức và Ý với “sự lên án rõ ràng đối với Hamas và những hành động khủng bố kinh hoàng của nó”.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Seok-yeol đã chờ đợi chuyến thăm của phái đoàn Thượng viện Mỹ do Chuck Shumer dẫn đầu để lên án chỉ vào ngày 11/10 “các cuộc tấn công bừa bãi/không phân biệt nhằm vào Israel từ Dải Gaza”, mà không đề cập trực tiếp đến Hamas và không đưa ra bất kỳ cam kết nào về an ninh của Israel.

Ở Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long có thái độ rõ ràng hơn. Trong thư chia buồn gửi tới Benjamin Netanyahu vào ngày 8 tháng 10, ông đề cập đến “các cuộc tấn công khủng bố của Hamas” và nhấn mạnh rằng Singapore “lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công này, cái chết hoặc bắt cóc các thường dân vô tội”, nhấn mạnh rằng những hành động như vậy không thể có bất cứ lý do chính đáng nào.

Tại Philippines, Ferdinand Marcos Jr. xác nhận với Đại sứ Israel hôm 11/10 rằng Philippines đứng về phía Nhà nước Do Thái trong cuộc xung đột ở Gaza, trước khi kêu gọi giảm leo thang căng thẳng trong hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh vào ngày 20/10. Cùng lúc đó, quốc hội đảo Mindanao (mà đa số là người Hồi giáo) đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt “hình phạt tập thể” đối với người dân Palestine ở Gaza với khẩu hiệu “chúng tôi là Palestine, và Palestine là chúng tôi”.

ẤN ĐỘ VÀ TRUNG QUỐC Ở HAI TƯ THẾ ĐẢO NGƯỢC

Sự ủng hộ rõ ràng nhất dành cho Israel cuối cùng không đến từ một đồng minh của Hoa Kỳ. Nó đã được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ trong một dòng tweet ngày 9 tháng 10: “Tôi vô cùng sốc trước tin tức về một cuộc tấn công khủng bố ở Israel. Tâm tư và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về những nạn nhân vô tội và gia đình họ. Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với Israel trong giờ phút khó khăn này.” Tuyên bố nồng nhiệt này sau đó đã nhường chỗ cho những nhận xét trung lập và mang tính ngoại giao hơn. Narendra Modi lấy làm tiếc về vụ đánh bom bệnh viện Gaza mà không quy trách nhiệm cho ai cả, bằng lòng với việc tuyên bố rằng thủ phạm gây thiệt hại cho dân thường trong cuộc xung đột này sẽ phải gánh chịu hậu quả - một tuyên bố có thể ám chỉ cả Hamas và Israel.

Một cách tương phản, Trung Quốc vừa lòng với những lời nói ban đầu vô thưởng vô phạt, kêu gọi các bên trong cuộc xung đột “giữ bình tĩnh, kiềm chế và ngay lập tức chấm dứt hành động thù địch bằng cách bảo vệ dân thường”, mà không bao giờ đề cập đến Hamas hay nói về khủng bố. Giọng điệu can thiệp của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sau đó trở nên cứng rắn hơn đối với Israel: “Hành động của Israel vượt quá khả năng tự vệ và đất nước này nên quan tâm đến lời kêu gọi chấm dứt sự trừng phạt tập thể đối với người dân Gaza của cộng đồng quốc tế và của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc”, ông nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Ngoại trưởng Ả Rập Saudi ngày 15/10.

ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA HỒI GIÁO Ở CHÂU Á, ĐOÀN KẾT VỚI NGƯỜI PALESTIN LÀ TRÊN HẾT, VỚI NHIỀU SẮC THÁI

Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, là người có thái độ rõ ràng nhất. Trước quốc hội vào ngày 16/10, ông tuyên bố rằng “đại diện các nước phương Tây đã nhiều lần yêu cầu tôi lên án vụ tấn công vào Israel. Tôi nói với họ rằng chúng tôi có mối quan hệ lâu dài với Hamas và điều này sẽ tiếp tục”. Ông nói thêm trong một dòng tweet: “Cộng đồng quốc tế duy trì quan điểm không công bằng đối với mọi hình thức tàn ác và áp bức đối với người dân Palestine. Việc tịch thu đất đai và tài sản của người dân Palestine được những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái không ngừng theo đuổi.” Quan điểm được một số lãnh đạo phe đối lập trong quốc hội ở Malaysia coi là “yếu đuối”.

Về phần Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hôm 10/10, ông kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức chiến tranh và bạo lực để tránh thêm thiệt hại về người và sự tàn phá” mà không lên án cuộc tấn công của Hamas. “Jokowi” khẳng định: “Nguồn gốc của cuộc xung đột, cụ thể là việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestine, phải được giải quyết ngay lập tức dựa trên các tiêu chí được các nghị quyết của Liên Hợp Quốc xác định”.

Pakistan cũng phản ứng rất dè dặt, khi tính đến những quan hệ xung đột trong quá khứ với Israel. Thủ tướng Pakistan chỉ bày tỏ trong một dòng tweet rằng ông “đau lòng trước sự bùng nổ bạo lực”, yêu cầu cả hai bên đảm bảo vệ người dân thường. Lãnh đạo đảng Hồi giáo chính ở Pakistan (Jamiat Ulema-e-Islam) đã đi xa hơn hơn khi yêu cầu người Palestine tôn trọng nhân quyền của người Israel.

Giọng điệu bình luận ở ba nước trên đã trở nên cứng rắn hơn sau cuộc phản công của Israel và thảm họa nhân đạo mà nó gây ra. Vụ đánh bom bệnh viện Gaza ngay lập tức được cho là do quân đội Israel.

ISRAËL BỊ COI TRƯỚC HẾT NHƯ LÀ MỘT CƯỜNG QUỐC THỰC DÂN

Ngoài tình đoàn kết Hồi giáo ảnh hưởng đến một phần châu Á, tinh thần chống thực dân của người dân và chính phủ là một yếu tố thù địch mạnh mẽ đối với Israel. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Indonesie, Malaisie và Brunei. Mối đe dọa được nhận thức ngày nay về một “nakba”[1] mới (“thảm họa” về cuộc di dân cưỡng chế người Palestine) cộng hưởng với tình cảm chống thực dân này.

Ở Philippines, một bộ phận người dân cũng có quan điểm tương tự, thể hiện qua sự tham gia tích cực của người Philippines vào một loạt các cuộc biểu tình chống Israel ở Manila và ở Hoa Kỳ.

TÍNH QUYẾT ĐỊNH CỦA CÁC MỐI BẬN TÂM KINH TẾ VÀ THƯƠNG MẠI

Sự phụ thuộc về cơ cấu của châu Á vào nhập khẩu dầu khí từ Trung Đông giải thích mong muốn không xung đột với các nước Ả Rập chính, trong khi mối quan hệ với Israel khiến một số nước rơi vào một trò chơi cân bằng tế nhị. Tham vọng ngoại giao của Nhật Bản ở Trung Đông giải thích sự kiềm chế của Fumio Kishida, trong khi mối quan hệ công nghệ cao giữa Trung Quốc và Israel làm phức tạp thêm sách lược ngoại giao của Bắc Kinh. Hàn Quốc muốn khẳng định vị trí của mình trong dự án thành phố thông minh to lớn của Ả Rập Saudi mang tên NEOM và tìm cách thu hút thêm đầu tư của Ả Rập Saudi và Qatar vào lãnh thổ của mình.

Pakistan không muốn va chạm đến các đồng minh phương Tây của Israel vào thời điểm nước này đang rơi vào tình hình tài chính cực kỳ bấp bênh. Thái Lan tuyên bố “trung lập” trong cuộc xung đột này. Thái Lan là điểm đến đầu tiên của các khách du lịch Israel ở Đông Nam Á và sự hợp tác, đặc biệt là về nông nghiệp, với Israel đã có từ lâu và rất tích cực. Nhưng việc xích lại gần nhau (gần đây) với Ả Rập Saudi cũng tạo thành một trục quan trọng trong đường lối ngoại giao của Thái Lan.

TÍNH TOÁN CHIẾN LƯỢC BỊ XÁO TRỘN

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đặt ra vấn đề đối với chính sách của Trung Quốc về trục chiến lược với Iran và Ả Rập Saudi. Sự hợp tác kinh tế tích cực của Bắc Kinh với Teheran, và đặc biệt là nguồn tài trợ rất lớn của Trung Quốc (với 400 tỷ USD được hứa hẹn vào năm 2021 cho 25 năm tới để phát triển ngành dầu mỏ của Iran) đặt vấn đề khi chúng ta biết rằng Iran là nước ủng hộ chính về tài chính và quân sự cho Hamas. Hơn nữa, việc xích lại gần nhau giữa Teheran và Riyad dưới sự bảo trợ của Trung Quốc sẽ bị tổn hại khi nguy cơ về một cuộc bùng nổ trong khu vực vẫn tồn tại. Cuối cùng, mong muốn của Trung Quốc để đóng vai trò của nhà môi giới trung thực nhằm thúc đẩy giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine lại vấp phải hình ảnh một quốc gia thực hành “sự trung lập thân Palestine”, theo cách diễn đạt được nhà nghiên cứu Tuvia Gering thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Tel Aviv sử dụng, được hãng tin AP trích dẫn. Một thái độ trung lập thiên vị rất giống với thái độ của Trung Quốc trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Ngoài những lo ngại về tài chính, Pakistan còn có một mục tiêu dài hạn được giới tinh hoa chính trị nước này chia sẻ nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Một mục tiêu hiện đã bị hoãn vô thời hạn.

Ấn Độ, Narendra Modi là người kiến ​​tạo nên chính sách thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với Israel, quốc gia đã trở thành một trong những đối tác quốc phòng chính của Ấn Độ. Ông là người đứng đầu chính phủ Ấn Độ đầu tiên đến thăm nhà nước Do Thái vào năm 2017. Đảng của ông, BJP, thực hành hệ tư tưởng chống Hồi giáo dựa trên việc khôi phục chủ quyền của Ấn Độ giáo trước các đế chế thuộc địa cũ, bao gồm cả Đế chế Moghol Hồi giáo đã từng cai trị Ấn Độ trong hơn hai thế kỷ. Do đó, BJP cảm thấy gần gũi với đảng Likud của Israel. Nhưng Ấn Độ cũng có quan hệ chặt chẽ với các nước Trung Đông và sự phụ thuộc của Ấn Độ về dầu mỏ đang tăng lên hàng năm. Do đó, cuộc chiến giữa Israel và Hamas chỉ có thể làm chậm lại chiến lược thân Israel của chính phủ Ấn Độ.

Nhìn chung, sự yếu kém về sự ủng hộ mà Israel được hưởng trong cuộc tấn công ban đầu của Hamas đang dần nhường chỗ cho sự lo lắng của các chính phủ và sự phẫn nộ của dư luận quần chúng ủng hộ người Palestine. Cuộc chiến càng kéo dài, chi phí nhân lực ở Gaza càng lớn và sự cô lập ngoại giao của Israel ở châu Á sẽ càng lan rộng.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Pourquoi l’Asie ne soutient pas Israel dans sa guerre contre le Hamas“, Asialyst, 21.10.2023.




Chú thích:

[1] Khi Nhà nước Israel được thành lập năm 1948 (ND).



[*] Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính cho ASEAN, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay những cuộc đàm phán với các nước châu Á. Từ 4 năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, NXB Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, NXB Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp Trường ENA và Sciences Po.

Print Friendly and PDF