2.11.23

Lý thuyết cú hích: 15 năm nghiên cứu cho chúng ta biết điều gì về những lời hứa hẹn và các hoạt động chính trị của nó

LÝ THUYẾT CÚ HÍCH: 15 NĂM NGHIÊN CỨU CHO CHÚNG TA BIẾT ĐIỀU GÌ VỀ NHỮNG LỜI HỨA HẸN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ CỦA NÓ

Đã xuất bản: ngày 6 tháng 9 năm 2023, 4 giờ 47 phút chiều BST

StunningArt/Shutterstock

Đã 15 năm kể từ khi một khái niệm đặc thù của khoa học hành vi trở thành chính thống. Lý thuyết cú hích” là một ý tưởng cho rằng hành vi của chúng ta, như đã được trù định, có thể chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp can thiệp “mềm”, ý niệm này sau đó đã lôi cuốn rất nhiều người tìm cách thay đổi cách sống của chúng ta.

Cuốn sách được viết năm 2008 khơi nguồn cho ý tưởng trên – Cú hích: Cải thiện các quyết định về Sức khỏe, Sự giàu có và Hạnh phúc – đã bán được hơn 2 triệu bản. Nhưng tầm ảnh hưởng của nó đã vượt khỏi doanh số bán.

Các tác giả của cuốn sách – nhà kinh tế học hành vi Richard Thaler và giáo sư luật Cass Sunstein – đã truyền cảm hứng cho các chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn, trong đó có cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu thủ tướng Anh David Cameron, để thành lập các nhóm chuyên môn thuộc chính phủ với nhiệm vụ được giao cụ thể là đưa lý thuyết cú hích vào chính sách công.

Những “đơn vị ứng dụng cú hích” này đã trở nên phổ biến, nghiên cứu gần đây cho thấy hiện có hơn 200 đơn vị như vậy trên khắp thế giới. Thế nhưng trong khi các nhóm hoạch định chính sách vẫn tỏ ra vui vẻ khi thực hiện “những phương án cú hích” của họ, tạo ra những thay đổi nhỏ đối với quá trình ra quyết định của chúng ta, thì sự thành công của những cú hích được thiết kế cẩn trọng đó lại hoàn toàn không nhận được sự đồng thuận trên diện rộng.

Mặc dù vậy, quay trở lại năm 2008, chuyện những cú hích có thực sự hiệu quả hay không lại hiếm khi được thảo luận. Cuốn sách chứa nhiều nghiên cứu đã qua bình duyệt và đưa ra một ý tưởng đủ rộng để nhiều độc giả có thể liên hệ đến. Nó trông có vẻ trực quan.

Thay vì vậy, những lời phê bình nhắm đến lý thuyết cú hích vào thời điểm đó thường tập trung vào những quan ngại rằng các cú hích của chính phủ sẽ làm suy giảm quyền tự do cá nhân. Điều đáng lo ngại là nếu những cú hích có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong việc ra quyết định của cá nhân và được sử dụng để tác động đến hành vi của công dân, thì điều này sẽ tạo ra rủi ro nhà nước vượt quá giới hạn của mình một cách không chính đáng - thậm chí có thể dẫn đến chủ nghĩa toàn trị.

Ngày nay, mặc dù một số vấn đề về quyền tự do cá nhân vẫn còn đó, chúng lại không còn nổi bật nữa. Có vẻ một lý do cho điều này là sự chấp nhận chung rằng ảnh hưởng của chính phủ đối với công dân và những quyết định mà họ đưa ra là chắc chắn không thể tránh khỏi. Nhưng cũng có một thực tế là có một số lượng lớn bằng chứng dẫn đến việc đặt ra câu hỏi liệu những cú hích có một chút gì đó thực sự hiệu quả hay không.

Sau 15 năm, nhiều nghiên cứu cú hích giờ đây đã có thể được đánh giá để đạt được một cảm quan tốt hơn về việc liệu ý tưởng dường như mang tính cách mạng này có thực sự đem đến sự hiệu quả. Các nhà kinh tế học hành vi thực hiện đánh giá bằng cách sử dụng một phương pháp được gọi là “phân tích tổng hợp”, một phân tích mà kết hợp nhiều nghiên cứu để có được dữ liệu đáng tin cậy nhất. Năm trước, một phân tích tổng hợp quan trọng đã báo cáo rằng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy những cú hích là có hiệu quả.

Đây là một chuyện hệ trọng. Và mặc dù có những người chỉ trích nghiên cứu này, họ nói rằng nó không giải thích đúng bối cảnh, phân tích cũng ủng hộ bằng chứng trước đây về sự thiên lệch trong công bố, cho thấy là trong nhiều năm các nhà nghiên cứu đã chọn những nghiên cứu cú hích “tốt” để công bố.

Lý thuyết cú hích cũng đã suy yếu dần trong các lĩnh vực khác do những nghi ngờ nảy sinh xung quanh tính hữu ích của những phát hiện trong khoa học hành vi và tâm lý học, cũng như những vụ bê bối tầm cỡ liên quan đến các cáo buộc ngụy tạo dữ liệu.

Trì hoãn chuyện phản đối cú hích

Những người chỉ trích lý thuyết cú hích có hai lập luận chính. Một là quan điểm cho rằng những cú hích chỉ có tác động nhỏ (nếu có) đến hành vi của chúng ta và do đó chúng là những công cụ chính sách không hiệu quả.

Lập luận thứ hai của họ là các hành động dựa trên cú hích sẵn sàng được các nhóm có lợi ích nhất định sử dụng để hướng sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và của công chúng khỏi các giải pháp thực sự hiệu quả - khiến họ tập trung vào những thay đổi nhỏ đến từ các cá nhân thay vì một thay đổi hệ thống có ý nghĩa và hiệu quả hơn.

Ví dụ, những cú hích khuyến khích các hộ gia đình giảm mức tiêu thụ năng lượng có thể được xem là một ý tưởng hay. Thế nhưng sẽ như thế nào nếu cú hích này cũng làm giảm ý chí chính trị trong việc theo đuổi các chính sách hiệu quả hơn (và tốn kém hơn), chẳng hạn như cải tiến nhà ở để tiết kiệm năng lượng tiêu thụ hay đầu tư mạnh vào các nguồn năng lượng bền vững?

Ngay cả những người ủng hộ lý thuyết cú hích cũng thừa nhận là có thể trước đây các cú hích đã hứa hẹn qúa nhiều. Một “tuyên bố” trong lĩnh vực khoa học hành vi gần đây đã khẳng định rằng các nhà kinh tế học hành vi nên “khiêm tốn” về những giới hạn của lý thuyết cú hích. Và trong ấn bản cập nhật năm 2021 cho cuốn sách nổi tiếng của mình, Thaler và Sunstein – những người không bao giờ lường trước được phạm vi ảnh hưởng khác thường mà họ đã vươn đến – lập luận rằng những cú hích luôn là một phần của giải pháp, nhưng hiếm khi chúng chính là giải pháp.

Nudge, nudge. Evan El-Amin/Shutterstock

Tuy vậy, trong phạm vi chính trị, lý thuyết cú hích có vẻ sẽ tiếp tục lan rộng, như một cách để thu được vốn chính trị từ những giải pháp không mấy tốn kém để giải quyết những vấn đề khó khăn. Ví dụ, cú hích khiến người lao động Anh tự động đăng ký tham gia các chế độ hưu trí (họ có quyền chọn không tham gia) đã làm gia tăng đáng kể số người tiết kiệm để nghỉ hưu, một tham vọng của cả chính quyền Đảng Lao động lẫn Đảng Bảo thủ.

Chính sách này sử dụng một loại cú hích thông dụng được biết đến với tên gọi tùy chọn mặc định”, vốn dựa vào xu hướng rằng con người thường chấp nhận nguyên trạng. Trước khi người lao động tự động đăng ký tham gia, người sử dụng lao động vẫn có nghĩa vụ cung cấp một chế độ hưu trí cho họ, nhưng với điều kiện người lao động phải yêu cầu được tiếp cận chế độ đó.

Thế mà, ngay cả khi được cú hích tác động theo cách nhẹ nhàng gần như bị động như vậy, người ta có thể vẫn chưa tiết kiệm đủ - chủ yếu là vì họ không thể tiết kiệm. Cải cách căn bản chế độ hưu trí hay một sự thay đổi tận gốc rễ trong phân phối của cải, về mặt chính trị thì mang tính thách thức và tốn kém, trong khi việc thực hiện cú hích để người lao động đăng ký tham gia một cách bị động thì không.

Những cú hích cũng ít gây tranh cãi hơn trong các cử tri so với một lệnh cấm hoặc một chỉ thị mới. Một sự thúc đẩy nhẹ nhàng hướng tới hành vi thân thiện với môi trường hơn có thể sẽ gây ra ít phản ứng dữ dội trong cử tri so với việc chính phủ ra lệnh cho người dân thay đổi cách họ thực hiện những hành vi đó.

Ở khía cạnh này, cú hích vẫn là công cụ chính trị hữu ích. Chúng không tốn kém, không cấm đoán cũng không chỉ thị. Và nếu chúng không hiệu quả thì phải mất một thời gian cử tri mới nhận ra.

Vì vậy, có lẽ chẳng cần phải hiệu quả, những cú hích thậm chí vẫn tiếp tục đóng một vai trò trong xã hội hiện đại, bởi vì các chính trị gia sẽ luôn luôn cần đến một công cụ như chúng cho các mục tiêu chính trị của họ. Đó là một lập luận có thể thúc đẩy việc thực hiện cú hích trong ít nhất 15 năm nữa.

Tác giả

Stuart Mills
Stuart Mills - Trợ lý Giáo sư ngành Kinh tế học, Đại học Leeds

Tuyên bố công khai

Stuart Mills không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào sẽ được hưởng lợi từ bài viết này và không tiết lộ liên kết có liên quan nào ngoài chỉ định học thuật của họ.

Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Nudge theory: what 15 years of research tells us about its promises and politics, The Conversation, ngày 06 tháng 09 năm 2023

Print Friendly and PDF