21.11.23

Ý tưởng về tăng trưởng xanh đang mất dần sức hút với các nhà nghiên cứu chính sách khí hậu

KHẢO SÁT GẦN 800 HỌC GIẢ TIẾT LỘ: Ý TƯỞNG VỀ TĂNG TRƯỞNG XANH ĐANG MẤT DẦN SỨC HÚT VỚI CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH KHÍ HẬU

Ý tưởng “tăng trưởng xanh” rất hấp dẫn nhưng nó đang mất dần sức hút đối với các nhà nghiên cứu chính sách khí hậu. Shutterstock

Khi chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lên phát biểu Thông điệp Liên bang vào ngày 13 tháng 9, bà đã trình bày phần lớn nội dung theo kịch bản sẵn có. Mô tả tầm nhìn của mình về một châu Âu thành công về mặt kinh tế và bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu, bà kêu gọi EU đẩy nhanh sự phát triển của lĩnh vực công nghệ sạch, “từ gió đến thép, từ pin đến xe điện”. “Khi nói đến Thỏa thuận Xanh Châu Âu, chúng tôi bám sát chiến lược tăng trưởng của mình”, von der Leyen cho biết.

Kế hoạch của hầu như không quá khác biệt. Khái niệm tăng trưởng xanh – ý tưởng cho rằng các mục tiêu môi trường có thể tương thích với tăng trưởng kinh tế liên tục – vẫn là quan điểm kinh tế chính thống chung của các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

OECD đã hứa sẽ “tăng cường nỗ lực theo đuổi các chiến lược tăng trưởng xanh […], thừa nhận rằng xanh và tăng trưởng có thể song hành với nhau”, trong khi Ngân hàng Thế giới kêu gọi “tăng trưởng xanh toàn diện” trong đó “tăng trưởng xanh là cần thiết, hiệu quả và chi phí phải chăng”. Trong khi đó, EU đã định nghĩa tăng trưởng xanh là

“cơ sở để duy trì mức độ việc làm và đảm bảo các nguồn lực cần thiết để tăng phúc lợi công […] chuyển đổi sản xuất và tiêu dùng theo cách dung hòa giữa tăng GDP với các giới hạn về môi trường”.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát của chúng tôi với gần 800 nhà nghiên cứu chính sách khí hậu từ khắp nơi trên thế giới cho thấy sự hoài nghi lan rộng đối với khái niệm này ở các nước có thu nhập cao, trong bối cảnh ngày càng có nhiều tài liệu cho rằng nguyên tắc này có thể không khả thi cũng như không đáng mong đợi. Thay vào đó, các mô hình hậu tăng trưởng thay thế bao gồm “giảm tăng trưởng” [degrowth] và “tăng trưởng trung lập” [agrowth] đang được quan tâm.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đã đưa ra nhiều ám chỉ ngầm đến tăng trưởng xanh trong bài phát biểu thường niên của bà trước Nghị viện châu Âu vào ngày 13 tháng 9 năm 2023. Frederick Florin/AFP

Phân biệt tăng trưởng xanh với tăng trưởng trung lập và giảm tăng trưởng

Nhưng những thuật ngữ này có ý nghĩa gì?

Trường phái tư tưởng “giảm tăng trưởng” đề xuất kế hoạch giảm tiêu thụ vật chất ở các quốc gia giàu có để đạt được xã hội bền vững và công bằng hơn. Trong khi đó, những người ủng hộ “tăng trưởng trung lập” có quan điểm trung lập về tăng trưởng kinh tế, tập trung vào việc đạt được sự bền vững bất kể những biến động của GDP. Về cơ bản, cả hai quan điểm đều thể hiện sự hoài nghi đối với hệ ý đang chiếm ưu thế là “tăng trưởng xanh” trong đó quan điểm giảm tăng trưởng thể hiện góc nhìn phê phán mạnh hơn.

Phần lớn cuộc tranh luận xoay quanh khái niệm tách biệt [decoupling] – liệu nền kinh tế có thể phát triển mà không làm gia tăng phá hủy môi trường hoặc phát thải khí nhà kính tương ứng hay không. Về cơ bản, khái niệm này biểu thị sự tách biệt trong mối liên hệ lịch sử giữa tăng trưởng GDP và các tác động tiêu cực đến môi trường. Điều quan trọng là cần phải tách biệt tuyệt đối thay vì tương đối để tăng trưởng xanh thành công. Nói cách khác, lượng khí thải nên giảm bớt trong quá trình tăng trưởng kinh tế chứ không chỉ là tăng chậm hơn.

Những người ủng hộ tăng trưởng xanh khẳng định rằng việc tách rời tuyệt đối có thể đạt được trong dài hạn, dù có sự chia rẽ về việc liệu (tách rời tuyệt đối) có tác động ngắn hạn đến tăng trưởng kinh tế hay không. Quan điểm giảm tăng trưởng tỏ vẻ cẩn trọng trước ý tưởng việc tách rời tuyệt đối có thể thực hiện được ở quy mô toàn cầu và có thể đạt được với tốc độ nhanh chóng như yêu cầu để duy trì các mục tiêu khí hậu của thỏa thuận Paris. Một nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ tách biệt hiện nay ở các nước có thu nhập cao đang thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để giới hạn mức độ nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2°C như Thỏa thuận Paris đã đề ra.

Lập trường tăng trưởng trung lập bao phủ nhiều quan điểm hỗn tạp, nằm trung gian trong cuộc tranh luận về việc tách biệt. Một số người cho rằng việc tách biệt có tiềm năng trở nên hợp lý nếu có các chính sách phù hợp, tuy nhiên, cần tập trung vào các chính sách hơn là các mục tiêu vì điều này gây nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích. Những người khác có lẽ sẽ lập luận rằng cuộc tranh luận này phần lớn là không thích đáng vì GDP là chỉ báo kém về tiến bộ xã hội – ở đây tồn tại một “nghịch lý GDP”, khi mà chỉ báo này tiếp tục thống trị kinh tế và chính trị bất chấp những thất bại đã được thừa nhận rộng rãi của nó.

7 trên 10 chuyên gia về khí hậu hoài nghi về tăng trưởng xanh

Giảm tăng trưởng và tăng trưởng trung lập thịnh hành đến mức nào giữa các chuyên gia? Trong một phần của cuộc khảo sát gần đây, được hoàn thành bởi 789 nhà nghiên cứu toàn cầu từng công bố công trình về các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu, chúng tôi đã đặt câu hỏi để đánh giá các lập trường của người trả lời trong cuộc tranh luận về tăng trưởng. Điều đáng chú ý là 73% trong số tất cả những người được hỏi bày tỏ quan điểm ăn khớp với các lập trường “tăng trưởng trung lập” hoặc “giảm tăng trưởng”, trong đó tăng trưởng trung lập phổ biến nhất. Chúng tôi thấy rằng các ý kiến biến đổi tùy theo quốc gia và chuyên ngành của người trả lời (xem hình bên dưới).

Biểu đồ thể hiện trường phái tư tưởng được 789 nhà nghiên cứu toàn cầu tán thành, dựa theo nguồn gốc địa lý và chuyên ngành khoa học. Ảnh do tác giả cung cấp

Trong khi bản thân OECD ủng hộ mạnh mẽ tăng trưởng xanh thì các nhà nghiên cứu từ EU và các quốc gia OECD khác lại bày tỏ mức độ hoài nghi cao. Ngược lại, hơn một nửa số nhà nghiên cứu từ các quốc gia không thuộc OECD, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi như các quốc gia BRICS, lại ủng hộ tăng trưởng xanh nhiều hơn.

Những rạn nứt về chuyên ngành

Hơn nữa, có sự phân chia về chuyên ngành. Các nhà khoa học môi trường và các nhà khoa học xã hội khác, ngoại trừ các nhà kinh tế học chính thống, là những người hoài nghi bậc nhất về tăng trưởng xanh. Ngược lại, các nhà kinh tế và các kỹ sư lại thể hiện sự ưu ái cao nhất đối với tăng trưởng xanh, có thể là dấu hiệu của lòng tin đối với tiến bộ công nghệ và vào các mô hình kinh tế thông thường vốn cho thấy các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và khí hậu là tương thích với nhau.

Phân tích của chúng tôi cũng kiểm tra mối liên hệ giữa các lập trường về tăng trưởng và GDP bình quân đầu người tùy theo quốc gia của người trả lời. Một xu hướng rõ ràng đã xuất hiện: khi thu nhập quốc gia càng cao, thái độ hoài nghi đối với tăng trưởng xanh càng cao. Ở những mức thu nhập cao hơn, các chuyên gia ủng hộ nhiều hơn cho lập luận hậu tăng trưởng rằng nếu vượt quá một mức nhất định, các chi phí môi trường và xã hội của tăng trưởng có thể lớn hơn những lợi ích thu được.

Kết quả thậm chí còn rõ ràng hơn khi chúng tôi tính đến Chỉ số Phát triển Con người Điều chỉnh theo Bất bình đẳng (Inequality-adjusted Human Development Index – IHDI), cho thấy rằng các khía cạnh ngoài thu nhập, chẳng hạn như bất bình đẳng và phát triển tổng thể, có thể ảnh hưởng đến những quan điểm này.

Trong một thế giới đang vật lộn với biến đổi khí hậu và sự chênh lệch về kinh tế xã hội, những phát hiện này không nên bị bác bỏ một cách đơn giản. Chúng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cuộc đối thoại toàn diện hơn về phát triển bền vững, vượt ra ngoài mô hình tăng trưởng xanh thông thường.

Tư tưởng hậu tăng trưởng không còn là một quan điểm ngoài lề

Mặc dù von der Leyen kiên quyết đứng về phía tăng trưởng xanh, sự chuyển dịch học thuật này ngày càng được phản ánh rõ trong các cuộc tranh luận chính trị. Vào tháng 5 năm 2023, Nghị viện châu Âu đã tổ chức một hội nghị với chủ đề “Vượt ra ngoài Tăng trưởng” như một sáng kiến của 20 thành viên nghị viện châu Âu (MEP) thuộc năm nhóm chính trị khác nhau và được hơn 50 tổ chức đối tác hỗ trợ. Mục tiêu chính của cuộc họp là thảo luận về các đề xuất chính sách nhằm vượt ra ngoài cách tiếp cận coi tăng trưởng GDP quốc gia là thước đo thành công chính.

Sáu chính phủ quốc gia và khu vực – Scotland, New Zealand, Iceland, Wales, Phần Lan và Canada – đã tham gia vào quan hệ đối tác Các Chính phủ Kinh tế Phúc lợi (WEGo). Mục đích chính của phong trào là chuyển đổi sang “một nền kinh tế được thiết kế để phục vụ con người và hành tinh, chứ không phải ngược lại”.

Rõ ràng, tư tưởng hậu tăng trưởng không còn là một quan điểm cực đoan, ngoài lề với những ai nghiên cứu các giải pháp cho biến đổi khí hậu. Cần chú ý nhiều hơn đến lý do tại sao một số chuyên gia lại nghi ngờ khả năng đạt được tăng trưởng xanh cũng như các giải pháp thay thế tiềm năng tập trung vào các khái niệm rộng hơn về phúc lợi xã hội thay vì tư duy hạn hẹp về tăng trưởng GDP.

Tác giả:

Lewis King
Ivan Savin
Ivan Savin

Phó giáo sư phân tích kinh doanh, nghiên cứu viên tại ICTA-UAB, Trường Kinh doanh ESCP

Lewis King

Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về Kinh tế sinh thái, Đại học Tự trị Barcelona

Tuyên bố công khai

Công trình này đóng góp cho Chương trình 'María de Maeztu' dành cho các Đơn vị Xuất sắc của Bộ Khoa học và Đổi mới Tây Ban Nha (CEX2019-000940-M). I.S. nhận nguồn tài trợ từ chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon Europe của Liên minh châu Âu theo thỏa thuận tài trợ số 101056891, khuôn khổ Kinh tế Chấp nhận Chính sách ClimAte (CAPABLE). I.S. và S.D. cũng nhận sự hỗ trợ từ Khoản tài trợ Nâng cao ERC từ Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) theo Chương trình Nghiên cứu và Đổi mới Horizon 2020 của Liên minh châu Âu (thỏa thuận cấp số 741087).

Lewis King không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Idea of green growth losing traction among climate policy researchers, survey of nearly 800 academics reveals, The Conversation, Sep 20, 2023.

Print Friendly and PDF