ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA SỰ CHẾT: LẬP BẢN ĐỒ CUỘC TRANH LUẬN VỀ KẾT THÚC CUỘC SỐNG
Ít có vấn đề phức tạp và đầy sóng gió bằng sự đồng hành cùng người bệnh và kết thúc cuộc sống – một vấn đề mà các nhà lập pháp Pháp đang chú tâm trong những ngày này.
Thay vì nói đến một cách quá trừu tượng hoặc chỉ lập luận từ một số trường hợp đặc biệt, sẽ ích lợi hơn nếu chúng ta bắt đầu từ những gì chúng ta biết: các dữ liệu và tình trạng pháp luật hiện hành ở quy mô toàn cầu.
Louis-Charles Viossat phác hoạ một vòng toàn cầu.
Tác giả: Louis-Charles Viossat[*]
![]() |
Hình ảnh: “Mặt nạ Agamemmon” bảo tồn tại Bảo tàng khảo cổ học Athènes, số NM 624 |
Tại Pháp, những cuộc thảo luận của Quốc hội về dự luật đồng hành cùng người bệnh và hỗ trợ kết thúc cuộc sống – bị đột nhiên ngưng lại do việc giải tán Quốc hội đầy mạo hiểm – đã tiếp diễn trong uỷ ban các vấn đề xã hội vào ngày thứ ba 25 tháng ba (2025).
Thủ tướng Pháp François Bayrou cuối cùng đã chọn bỏ văn bản lúc đầu của chính phủ và chuyển hướng sang hai đề nghị tách biệt về luật – đề nghị thứ nhất là về chăm sóc giảm nhẹ, do nữ dân biểu Annie Vidal (thuộc đảng Ensemble pour la République – Liên minh các đảng phe Cộng Hoà –) nêu ra, và đề nghị thứ hai là hỗ trợ sự chết theo cách đặc thù của Pháp, do Olivier Faloni (Phe Dân chủ), đồng nghiệp của ông nêu ra.
Việc hợp pháp hoá, với một số điều kiện, sự hỗ trợ việc tự tử và an tử theo yêu cầu của người đó[1], - trong trường hợp người yêu cầu không có khả năng về thể chất tự mình sử dụng chất gây chết người – nếu được Quốc hội thông qua và được hợp pháp hoá bởi Hội đồng hiến pháp, sẽ là một thay đổi quan trọng trong tiếp cận việc kết thúc cuộc sống tại Pháp.
Tại Pháp, từ nhiều năm nay việc hợp pháp hoá này đã gây nên những cuộc tranh luận phức tạp và đầy sóng gió trong giới chuyên môn y học và trong xã hội. Đó cũng là trường hợp của nhiều nước khác, nơi mà việc hợp pháp hoá đã được thực hiện hoặc có thể sẽ thực hiện.
Một cái nhìn bao quát địa chính trị của sự chết và các hệ thống của sự chết[2] ở phương Bắc cũng như ở phương Nam[**] giúp làm sáng tỏ một cách hữu ích vấn đề này dưới một góc độ bổ sung cho quan điểm thường được ưa chuộng trong một cuộc thảo luận công khai chỉ dành cho cấp quốc gia.
Nhiều cái chết hơn nhưng có thể tránh được ở phương Nam – một cái chết muộn và bị đẩy lùi vào quên lãng ở phương Bắc
Dân số thế giới đã bùng nổ trong vòng bảy mươi năm nay, nhưng tổng số tử vong đã ổn định một cách đáng ngạc nhiên, khoảng từ 50 triệu đến 60 triệu tử vong mỗi năm. Đó là kết quả của sự gia tăng to lớn của kỳ vọng sống (tuổi thọ) trên thế giới, tăng khoảng ba tháng mỗi năm trong 30 năm gần đây: một người sinh vào năm 1990, trung bình sẽ chết khoảng năm 2054, lúc 64 tuổi, và con của người này sinh năm 2019, trung bình sẽ chết vào năm 2091, lúc 72 tuổi.
80% số tử vong này xảy ra tại các nước phương Nam, nghĩa là một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ dân số của họ trong tổng dân số thế giới. Năm 2019, trước đại dịch Covid-19, trong số 58,4 triệu người chết trên thế giới, có 47,2 triệu thuộc về các nước có thu nhập trung bình và các nước nghèo (ít phát triển nhất). Năm 2019, có 32 triệu người chết ở châu Á và 10,4 triệu người chết ở châu Phi[3] - so với 8,2 triệu người chết ở châu Âu.
Chủ yếu là số tử vong ở phương Bắc, và từ nay là từ phần lớn các nước trên thế giới là do các bệnh không truyền nhiễm – bênh tim mạch, ung thư… – tình trạng vẫn rất khác ở châu Phi nam Sahara, ở đây các bệnh truyền nhiễm vẫn còn chiếm đa số.
Biểu đồ của Le Grand Continent – Nguồn: IHME Global Burden of Disease and Global Terrorism Database
Ở phương Nam, người ta chết trẻ - thậm chí là rất trẻ - ở phương Bắc chủ yếu là tử vong người già: 8 trên 10 tử vong thuộc về những người từ 65 tuổi trở lên tại các nước phương Tây, trong khi tại châu Phi nam Sahara, đó chỉ là trường hợp của một trên 5 tử vong. Phần lớn số tử vong của 4,9 triệu trẻ dưới 5 tuổi, trong đó gần một nửa (2,3 triệu) số trẻ chết dưới một tháng tuổi, xảy ra ở phương Nam (số liệu năm 2022). Hẳn là con số này đã giảm đáng kể từ hội nghị ở Cairo năm 1994 và giảm hai phần ba từ năm 2000[4].
Tuy vậy, 278 triệu trẻ dưới năm tuổi đã chết trong khoảng thời gian từ 1990 và 2022[5]. Đó là một nỗi đau nhân loại và mất mát cơ hội vô cùng lớn và không thể chấp nhận được.
Lại càng không chấp nhận được đối với các gia đình có liên quan và các cộng đồng quốc tế là một phần lớn các tử vong – 80% trong số đó xảy ra ở châu Phi nam Sahara và Nam Á phải chịu thiệt hại nặng nề[6] – có thể tránh được với một chi phí khiêm nhường[7].
Mục tiêu của phát triển bền vững (ODD) nhắm đến hạn chế tử vong trẻ em dưới 25 trẻ trên 1000 trẻ sinh ra sống vào năm 2030 tiếc thay không thể đạt được trong một phần tư số nước trên thế giới vì cộng đồng quốc tế không cung cấp đủ vắc-xin và thực phẩm. Và điều đó đã diễn ra ngay cả trước khi chính phủ Mỹ gần đây đã có những biện pháp tai hại.
278 triệu trẻ dưới năm tuổi đã chết trong khoảng thời gian từ 1990 và 2022.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Ngược lại, từ nay số tử vong của trẻ dưới năm tuổi ở phương Tây là rất ít: 56.000 tử vong ở châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand vào năm 2022, trong đó có 30.000 trẻ chết dưới một tháng tuổi, vậy là chỉ bằng 1,3% của tổng số tử vong của lứa tuổi này trên thế giới. Tóm lại, xác suất chết của trẻ dưới năm tuổi ở châu Phi nam Sahara cao gấp mười lần so với trẻ ở Úc hay New Zealand. Và khoảng cách là rất lớn, từ 1 đến 60, thậm chí là 80, giữa những nước có mức tử vong trẻ em cao nhất và những nước có mức tử vong trẻ em thấp nhất.
Năm 2019 – và nói chung vẫn đúng cho ngày nay – các bệnh tiêu chảy, chủ yếu là có thể tránh được, đã là nguyên nhân của nhiều tử vong (1,2 triệu), cao hơn số tử vong do tự tử (760.000), giết người (415.000), xung đột vũ trang và khủng bố (63.000), nóng và lạnh quá (36.000) hay do thiên tai (9.500), vậy mà những nguyên nhân sau này thường được truyền thông, công luận và các chính phủ nêu lên[8].
Tất nhiên những con số này tương ứng với những khác biệt về kỳ vọng sống (tuổi thọ) trên thế giới khoảng 20 năm giữa các nước phương Tây (khoảng 80 tuổi năm 2019) và châu Phi nam Sahara (khoảng 61 tuổi năm 2019), nhưng những khác biệt này ít hơn nhiều đối với các nước châu Á và Mỹ La tinh[9] như John Roemer rồi Branko Milanovic đã nêu ra về vấn đề thu nhập[10], có một sự tưởng thưởng – hay một hình phạt – về tư cách công dân trước cái chết. Hành tinh này là bất bình đẳng và bị phân mảnh một cách sâu sắc: chỉ riêng việc được sinh ra ở Sydney (Úc) đã cho đứa trẻ được hưởng trung bình là gần 30 năm sống lâu hơn một đứa trẻ được sinh ra ở Maseru (Lesotho) hay ở Bangui (Cộng hoà Trung Phi), hưởng 20 năm sống lâu hơn một đứa trẻ sinh ra ở Antatanarivo (Madagascar) và 10 năm sống lâu hơn một đứa trẻ sinh ra ở Mahé (Seychelles). Thế giới của sự chết không phẳng: đó vẫn là một thế giới của bất bình đẳng gây phẫn nộ.
Những bất bình đẳng trên nuôi dưỡng các nhân tố bất ổn định của trật tự thế giới hiện hữu, càng ngày càng tan rã và mỏng manh. Các nhân tố này cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của các chính sách phát triển được thực hiện bởi các tổ chức song phương, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, các ngân hàng phát triển và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Chúng cũng đặt lại vấn đề về chất lượng của sự quản trị của chính các Nhà Nước có liên quan nhất.
Thế giới của sự chết không phẳng: đó là một thế giới của bất bình đẳng gây phẫn nộ.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Những khác biệt về các điều kiện sống và chết cũng tồn tại ở phương Bắc nhưng ở mức độ ít hơn.
Tuy nhiên những cách biệt về kỳ vọng sống của một mặt là những người trung lưu và có trình độ học vấn và mặt khác là các công nhân hay những người không có bằng cấp vẫn còn rất lớn tại một số nước ở phương Bắc. Trong thập kỷ vừa qua, những khác biệt này thậm chí còn có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, như tại Vương Quốc Anh hay Hoa Kỳ, đặc biệt là vì lý do cơn dịch nghiện thuốc phiện tai hại vẫn tiếp tục hoành hành. Đại dịch Covid-19 cũng có một tác động rất khác nhau đối với tử vong của các nhóm xã hội tại phần lớn các nước, để lộ ra những bất bình đẳng sâu sắc phá vỡ các xã hội.
Cần tính đến một khía cạnh quan trọng khác: ở phương Bắc, cái chết vốn trước đây đã trở nên quen thuộc. Ngày nay, như Philippe Ariès đã chỉ ra, cái chết trở nên hoang dã, là sự sợ hãi và bị đẩy lùi. Từ nay cái chết bỗng xuất hiện rất muộn trong đời sống của chúng ta, trừ một số ngoại lệ, cái chết ngày càng ít quen thuộc với chúng ta và giá trị của nó ngày càng ít được hiểu và thừa nhận.
![]() |
Mặt nạ tang lễ thời kỳ văn minh Mycenae. Bảo tàng khảo cổ học Athènes |
Ngày xưa, sự chết và hấp hối diễn ra với sự hiện diện của gia đình và những người thân. Bây giờ, người ta không nhìn thẳng vào cái chết nữa và không nói hoặc hầu như không còn nói đến cái chết với người sắp chết hay với những người thân của họ nữa. Sự chết trở thành lĩnh vực dành cho các dịch vụ bệnh viện, các viện dưỡng lão và những người chuyên nghiệp về y tế và y tế - xã hội, rồi đến công nghệ mai táng đang phát triển mạnh. Vì lý do những tiến bộ của các phương pháp điều trị phức tạp và đặc biệt là những công nghệ hồi sức, rất nhiều người già và người sắp chết là đối tượng của những phương thức trị liệu thô bạo và gây đau đớn trong những tuần trước khi người bệnh chết, bất chấp những quy tắc về sự kiên trì điều trị bất hợp lý – hoá trị hay liệu pháp miễn dịch trong tháng cuối cùng sống sót của người bệnh ung thư, cho ăn và thở nhân tạo… – đôi lúc gây ra những phản ứng phụ nghiêm trọng. Ngược lại, một số người già bị xem không còn là đối tượng chữa trị nữa và họ bị bỏ mặc.
Các bác sĩ đương đại thường ưa thích kỹ thuật và không quan tâm đến các mối giao tiếp cá nhân và các khía cạnh tinh thần. Rất nhiều bác sĩ nghĩ rằng – hoặc để các gia đình nghĩ như vậy – ta có thể, thậm chí ta phải chăm sóc những người thân sắp chết và cho họ sống sót thêm vài ngày hay vài tuần. Cái chết và tình trạng hấp hối chủ yếu được xem như những vấn đề lâm sàng, với các xét nghiệm và các dấu ấn sinh y là tất yếu. Cái chết chỉ được chấp nhận – khi nó được chấp nhận – vào những giây phút cuối cùng.
Những sai lầm này hiện nay làm mất tính người của những tháng hay những tuần cuối cùng của sự sống, gây ra nhiều đau khổ cho người bệnh và gia đình và cũng làm gia tăng những trường hợp cực đoan, rất đau đớn và rối ren như trường hợp của Vincent Humbert hay của Vincent Lambert ở Pháp. Các bác sĩ cũng nhấn mạnh thêm sự sợ hãi tình trạng hấp hối và cái chết nơi người bệnh và người thân của họ.
Các bác sĩ đương đại thường ưa thích kỹ thuật và không quan tâm đến các mối giao tiếp cá nhân và các khía cạnh tinh thần.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Một lỗ hổng to lớn trong chăm sóc giảm nhẹ
Một lỗ hổng to lớn khác nổi bật trên địa chính trị của sự chết: so với địa chính trị của các trường hợp tử vong, sự đảo chiều về mặt địa lý của việc tiếp cận chăm sóc giảm nhẹ thật là nổi bật[11]. Nói chung là rất thiếu thốn trong chừng mực chỉ có 14% những người cần đến chăm sóc giảm nhẹ trên thế giới là có thể tiếp cận được, theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc cung cấp chăm sóc giảm nhẹ chủ yếu tập trung ở phương Bắc. Theo Uỷ ban Lancet về chăm sóc giảm nhẹ và chiến đấu chống lại sự đau đớn[12], hố ngăn cách giữa các nước giàu và các nước nghèo là vô cùng lớn liên quan đến việc tiếp cận các chất thuộc nhóm opioid, là những thuốc giúp giảm nhẹ đau đớn: 96% khối lượng opioid được gửi đến các nước phát triển và chỉ một tỷ lệ thật lố bịch là 0,03% được chuyển đến các nước ít phát triển nhất. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% những người cần đến chăm sóc giảm nhẹ lại sống ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.
Bảng của Le Grand Continent – Nguồn: Knaul, F. M., Bhadelia, A., Rodriguez, N. M., Arreola-Ornelas, H., & Zimmermann, C. (2018)
Ngoài ra, chính tại các nước phương Nam nhu cầu về chăm sóc giảm nhẹ sẽ gia tăng – đặc biệt là trong những thập kỷ sắp tới nếu ta tính đến những dự báo về số tử vong có bao hàm một giai đoạn đau đớn nghiêm trọng.
Biểu đồ của Le Grand Continent – Nguồn: Sleeman, K. E., De Brito, M., Etkind, S., Nkhoma, K., Guo, P., Higginson, I. J.,... & Harding, R. (2019)
Phân nửa các nước của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) chi ra ít hơn 1% giá trị tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho việc chăm sóc những người già không tự lập được của nước họ, mà số người già này tăng nhanh. Chi phí còn ít hơn rất nhiều tại các nước phương Nam, dù sao những nước này còn có lợi thế là kết cấu gia đình mạnh hơn và đoàn kết gắn bó hơn.
96% khối lượng opioid được gửi đến các nước phát triển và chỉ một tỷ lệ thật lố bịch là 0,03% được chuyển đến các nước ít phát triển nhất.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Hơn nữa, trong OECD, từ một nửa (Bồ Đào Nha) đến 4/5 (Hà Lan) dân cư muốn chết tại nhà. Tuy nhiên trung bình có một nửa chết ở bệnh viện (67% ở Nhật Bản và 23% ở Hà Lan).
Trợ giúp cái chết dành cho một số rất nhỏ người phương Tây
Một tương phản nổi bật khác đối chọi những tranh luận kịch liệt trong công chúng phương Tây về trợ giúp cái chết[***] và tính chất giai thoại của việc tiếp cận hợp pháp một dạng trợ giúp cái chết trên thế giới.
Thật vậy, việc trợ giúp cái chết chỉ công khai hợp pháp cho khoảng 5% dân số trên địa cầu – nghĩa là ít hơn 500 triệu dân cư. Nhất là, khoảng 30.000 tử vong hàng năm xảy ra với sự trợ giúp, chủ yếu là an tử (25.000) và trợ tử chỉ là một phần rất thứ yếu biểu thị một tỷ lệ vô cùng nhỏ trong số khoảng 60 triệu tử vong trên thế giới – nghĩa là chỉ khoảng 0,05%, hay 1 trên 2.000 tử vong trên thế giới.
Bảng của Le Grand Continent – Nguồn: Centre national de la fin de vie et des soins palliatifs, Thượng Viện Pháp
Ở đây cũng vậy, hố ngăn cách giữa phương Bắc và phương Nam là rất lớn[13]. An tử và trợ tử chủ yếu đã được hợp pháp hoá ở Phương Bắc: trong 11 nước – Đức, Áo, Bỉ, Canada, Tây Ban Nha, Ý, Luxembourg, New Zealand, Bồ Đào Nha và Thuỵ Sĩ – và chừng 15 tiểu bang của Mỹ và Úc[14]. Chỉ hai quốc gia phương Nam (Ecuador và Colombia) cho phép trợ tử và an tử[15].
Trợ tử trong luật pháp của các quốc gia: ba làn sóng lớn và sự tăng nhanh trong những năm gần đây
Hai Nhà nước châu Âu và thuộc văn minh Tin lành là Thuỵ Sĩ và Hà Lan đã đóng vai trò tiên phong. Trước tiên là Thuỵ Sĩ vì trợ tử vì một “lý do không ích kỷ” đã không bị xử phạt từ năm 1937, trên cơ sở một dự luật hình sự được soạn thảo từ năm 1918[16]. Việc nhờ đến trợ tử đã gia tăng đáng kể từ thập niên 1980 vì lý do có 5 hiệp hội, được thành lập kể từ năm 1982, vốn đồng hành với những người bệnh và chính họ đã lập ra những “rào chắn bảo vệ”. Tiếp đến là Hà Lan đã thực hành an tử và trợ tử từ những năm 1970, trước tiên là tiếp sau những quyết định pháp luật được hội hoàng gia Hà Lan xem là của họ nhằm phát triển y học, rồi vào năm 1985 được một uỷ ban chính phủ thừa nhận.
Một làn sóng lan rộng thứ hai của hỗ trợ cái chết đã diễn ra sau việc hợp pháp hoá trợ tử từ 1994 đến 1997 của một tiểu bang nhỏ đầu tiên của Miền Tây nước Mỹ là Oregon[17]. Rồi Hà Lan là nước đầu tiên trên thế giới và ở châu Âu đã ghi vào luật quyền được an tử và trợ tử vào năm 2001. Và trong những năm 2000, một số nước láng giềng đã noi theo: Bỉ đã hợp pháp hoá an tử không lâu sau đó, vào năm 2002 – và ngầm bao hàm cả trợ tử – rồi tiếp theo là Luxembourg hợp pháp hoá vào năm 2009.
Một làn sóng thứ ba, đông đảo hơn, đã nổi lên từ cuối thập niên 2000. Làn sóng này cho ta cảm giác có một sự tăng nhanh việc hợp pháp hoá hỗ trợ cái chết trên thế giới và đặc biệt liên quan đến trợ tử trong chừng mươi tiểu bang của Mỹ[18] (Washington, 2008; Vermont, 2013; California, 2015; Colorado, 2016; District of Columbia 2017; Hawai 2018; New Jersey và Maine; 2019), còn an tử vẫn tuyệt đối bị cấm trên đất Mỹ. Canada đã sửa đổi bổ sung luật hình sự vào tháng sáu năm 2016, đồng thời bằng cách tính đến những hậu quả không hay của một quyết định của Toà Án tối cao năm 2015 (nghị định Carter) để phi hình sự hoá cho trợ tử và an tử, và của một đạo luật của Québec tháng sáu 2014. Sáu bang của Úc, mà đầu tiên là bang Victoria từ năm 2017 đã bỏ phiếu thông qua các luật tự do hoá “hỗ trợ cái chết một cách tự nguyện”, bao gồm an tử và trợ tử. Chỉ có lãnh thổ Northern Territory là còn đứng ngoài. Tại New Zealand, một đạo luật về “lựa chọn kết thúc cuộc sống” đã được biểu quyết vào tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực từ tháng 11 năm 2021, sau một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 năm 2020; đạo luật này tự do hoá trợ tử và an tử. Đến lượt Vương Quốc Anh đang sắp sửa thông một dự luật.
Với những quyết định về pháp lý, an tử là hợp pháp từ năm 2016 tại Colombia và trợ tử là hợp pháp tại Ý từ năm 2019[19], cũng như tại Đức sau một quyết định của Toà Án Karlsruhe năm 2020[20]. Tháng ba năm 2021, Tây Ban Nha vốn đã giảm nhẹ các mức hình phạt trong luật hình sự ngay từ năm 1995, đã hợp pháp hoá an tử, cũng bao gồm cả trợ tử. Sau Tây Ban Nha là nước Áo, về phần mình đã hợp pháp hoá và chỉ giám sát trợ tử trong đạo luật “về di chúc kết thúc cuộc sống”, sau một quyết định phi hình sự hoá của Toà Án tối cao. An tử và trợ tử được luật pháp cho phép từ tháng 5 năm 2023 tại Bồ Đào Nha. Năm 2024, đến lượt Toà Án tối cao của Ecuador đã phi hình sự hoá an tử và trợ tử.
Khả năng có một sự trợ giúp cái chết một cách chủ động, cho dù không được yêu cầu, cũng làm an tâm những người sắp chết: sự trợ giúp này là một phương cách khả dĩ trước những tình huống đau đớn được cho là không chịu đựng nổi.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Những lý do của sự trợ giúp cái chết là khá giống nhau giữa các nước.
Trước tiên, cảm xúc nảy sinh trong công luận do những tình huống cực đoan và rất đau đớn của các cá nhân gây ra cho những người đang chịu đau đớn hành hạ thực sự cùng với những người thân của họ có khi khiến họ muốn cái chết đến nhanh, hoặc ngược lại muốn trì hoãn cái chết với bất cứ giá nào, và những người y tế chuyên nghiệp bị kẹt giữa hai áp lực… Để nói riêng về Mỹ, trường hợp của Jack Kervorkian vẫn còn lưu lại trong mọi ký ức: “Bác sĩ Tử Thần” là một bác sĩ đã biện hộ cho trợ tử và lên tiếng mạnh mẽ rằng từ 1990 đến 1998, đặc biệt là nhờ đến “cỗ máy tử thần” (tiếng Hy Lạp là Thanatron”) do ông phát minh ra, ông đã thực hiện hơn 130 trường hợp trợ tử, bắt đầu vào năm 1990 với trường hợp một người 55 tuổi bị bệnh Alzheimer[21].
Tiếp đến, sự sợ hãi những đau đớn dai dẳng về thể chất lẫn tâm lý trong khi hấp hối và khi chết rõ ràng là ngày càng phổ biến trong dân chúng. Từ đó có một ý muốn đẩy nhanh tiến trình. Cũng bị sự sợ hãi ngự trị trước những tình trạng kết thúc sự sống “không thể chịu đựng được”, như là một tiên lượng tử vong đã được nêu ra, bất chấp thời hạn, thậm chí là không thể chữa lành theo một chẩn đoán y khoa, không nhất thiết phải có một tiên lượng tử vong. Khả năng có một sự trợ giúp cái chết, cho dù không được yêu cầu, cũng làm yên lòng những người ở cuối đời: đó là một sự cầu viện khả dĩ đối với những đau đớn được cho là không thể chịu đựng được.
Tất nhiên, việc hợp pháp hoá trợ giúp cái chết không phải là một chủ đề trung lập về mặt chính trị.
Tại một số nước mà việc trợ giúp cái chết đã được hợp pháp hoá, điều đó chủ yếu là công trình của hầu hết những người phe lao động hay xã hội chủ nghĩa đã làm cho chủ đề này thành một lập luận cho bầu cử trong phần lớn trường hợp. Đó là trường hợp các chính phủ của: đảng viên đảng lao động Wim Kok, đảng viên đảng tự do Bỉ Guy Verhofstadt, nữ đảng viên đảng lao động New Zealand Jacinda Arden, đảng viên xã hội chủ nghĩa Tây Ban Nha Pedro Sanchez… Điều này cũng đúng ở Vương Quốc Anh khi chính phủ đảng lao động của Keir Starmer ủng hộ dự luật do Kim Leadbeater đệ trình và chính thủ tướng đã bỏ phiếu ủng hộ tại Quốc hội.
Tuy vậy, đôi lúc nguồn gốc của việc hợp pháp hoá xuất phát từ quyết định của các cấp toà án tối cao của các quốc gia, ví dụ như trường hợp của nước Đức, Colombia hay tại các tiểu bang Montana và New Mexico của Mỹ.
Cũng không nên đánh giá thấp vai trò của mạng lưới toàn cầu những người ủng hộ trợ tử và an tử. Họ tập hợp lại trong những hiệp hội quốc gia và các liên minh quốc tế từ năm 1980, những người tích cực hoạt động này chia sẻ các kinh nghiệm và các trường hợp cụ thể minh chứng cho những ý tưởng của họ, họ viết và phổ biến những ấn phẩm và những lập luận chung, điều chỉnh các chiến lược đã thành công ở những nơi khác với những bối cảnh quốc gia khác nhau, các chiến lược này ảnh hưởng rất tích cực đến các nhà làm luật và chính phủ của nhiều nước khác nhau.
Vòng quanh thế giới, những cuộc tranh luận với những lời lẽ giống nhau
Vậy là không ngạc nhiên lắm, những người ủng hộ an tử và trợ tử đưa ra những lập luận gần giống nhau để hỗ trợ việc hợp pháp hoá các hình thức này dù ở bất cứ nước nào.
Lập luận của những người ủng hộ việc trợ giúp cái chết
Tôn trọng sự tự chủ và tự do của cá nhân và quyền quyết định về những giây phút cuối của mình là lập luận chính để biện minh cho việc cầu viện đến trợ giúp cái chết. Cấm trợ giúp cái chết sẽ là một vi phạm tự do cá nhân và đi ngược lại nguyên tắc không gây hại của John Stuart Mill: quyết định chết sẽ không gây hại cho bất kỳ ai – nghĩa là một tổn thất bất công –.
Nhiều người ủng hộ trợ giúp cái chết nhấn mạnh đến vai trò của sự trợ giúp này như một khả năng chính yếu về làm chủ và kiểm soát sự sống của bản thân – và của cái chết – khi đối diện với nỗi đau đớn, với những quyết định của các bác sĩ… Những bệnh nhân đã quen lấy quyết định về tình trạng sức khoẻ của bản thân trong cuộc đời họ và do đó nói chung là những công dân có trách nhiệm và tự do, theo họ, cũng phải được cho phép kiểm soát những điều kiện chính xác (nơi chốn, thời gian) của cái chết của họ.
Những người ủng hộ an tử và trợ tử đưa ra những lập luận gần giống nhau để hỗ trợ việc hợp pháp hoá các hình thức này dù ở bất cứ nước nào.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Sự trung thực tuyết đối của con người là một lập luận thứ hai.
Trong một số tình huống, bất kỳ người nào cũng có thể nhận định rằng họ không thể tiếp tục sống phù hợp với những giá trị đã tạo cảm hứng cho cuộc sống của họ và do đó họ quyết định kết thúc cuộc sống là chính đáng. Ngăn trở họ làm điều này và bắt họ phải sống bất chấp mọi lẽ sẽ là một sự xúc phạm đến sự trung thực và phẩm giá của họ. Khái niệm phẩm giá, được dùng rộng rãi trong cuộc tranh luận này, là phức tạp – vô ích, thậm chí có hại, theo một số triết gia – dù sao cũng có nghĩa kép vì cả những người ủng hộ lẫn những người chống đối trợ giúp cái chết đều viện dẫn đến khái niệm này. Nhân tiện nói thêm, ngày nay người ta sử dụng khác với Kant trong lập luận của riêng ông bằng cách nhấn mạnh rằng điều làm nên phẩm giá của con người chính là sự tự chủ của họ, vậy thì con người phải có tự do làm điều họ muốn với cuộc đời của họ, kể cả huỷ diệt sự sống.
Những người ủng hộ trợ giúp cái chết cũng khẳng định rằng với những người bị bệnh rất nặng hoặc sắp chết đang trải qua nỗi đau đớn không chịu đựng nổi bất chấp mọi cố gắng cao nhất nhằm giảm nhẹ đau đớn, trợ giúp cái chết có lẽ là giải pháp duy nhất, thậm chí là tốt nhất để chấm dứt sự đau đớn này. Tình cảnh này không phù hợp với những nguyên tắc căn bản của y học vốn luôn luôn có mục tiêu hạn chế đau đớn cho bệnh nhân do bệnh tật. Một cách logic, những bệnh nhân chịu đựng những bệnh lý không thể chữa lành, trong tất cả các nước, là những người ủng hộ một cách thuyết phục nhất việc tự do hoá trợ giúp cái chết. Như vậy, hợp pháp hoá trợ giúp cái chết có thể giảm nhẹ đau đớn nhưng còn là cung cấp một sự “tự tin về măt cảm xúc” đối với nỗi đau đớn thể xác hoặc tâm lý.
Một nhóm lập luận thứ ba hàm ý nói đến việc tranh đấu chống lại một dạng đạo đức giả.
Vì nhiều trường hợp an tử và trợ tử diễn ra bên ngoài khuôn khổ hợp pháp. Cũng như những gì đã xảy ra liên quan đến phá thai tự nguyện, việc hợp pháp hoá cho phép bình thường hoá những tình trạng đã hiện hữu trong thực tế và tránh những cách làm giấu giếm và nguy hiểm cho tình trạng hấp hối và tử vong của người bệnh. Những người khác ủng hộ việc hợp pháp hoá trợ giúp cái chết nhấn mạnh rằng việc ngưng điều trị và sử dụng thuốc an thần mạnh và liên tục thực chất là những hình thức an tử, và suy cho cùng, việc hợp pháp hoá sự trợ giúp cái chết thực ra không khác bao nhiêu.
Một nhóm lập luận cuối cùng được sử dụng tại những nước mà sự trợ giúp cái chết là bất hợp pháp, như nước Pháp, xuất phát từ nhận định về một sự lệch pha.
Đó là khoảng cách chênh lệch giữa tình trạng luật pháp ở những nước không cho phép trợ giúp cái chết và phong trào mở rộng tự do ở những nước được cho là “tiên tiến” như Hà Lan, Canada hay Thuỵ Sĩ, khoảng cách này khiến người bệnh phải ra nước ngoài để đạt được sự trợ giúp cái chết, và như thế làm tăng thêm những hiệu ứng của bất bình đẳng giữa các công dân[22]. Nhưng khoảng cách này cũng liên quan đến khoảng cách giữa luật pháp và ý kiến vượt trội của các công dân khi được hỏi qua các cuộc thăm dò dư luận, họ triệt để ủng hộ sự trợ giúp cái chết.
Những lập luận được huy động chống lại sự trợ giúp cái chết
Về phía những người chống đối trợ giúp cái chết tại nhiều nước khác nhau, họ nêu ra những lập luận cũng tương tự nhau[23].
Họ lập luận rằng có nhiều lựa chọn khác hơn là trợ giúp cái chết: đặc biệt là nhờ đến cả một tập hợp các chăm sóc giảm nhẹ - bao gồm cả biện pháp cuối cùng là dùng thuốc an thần mạnh và liên tục cho đến khi chết – và đối với một vài bệnh nhân kiên quyết nhất, chủ động ngưng truyền thức uống hoặc thức ăn. Họ cũng nhấn mạnh rằng những người bệnh thường hay thay đổi ý kiến một khi họ được thông tin rõ về diễn tiến của bệnh và những biến chứng và khi gần chết. Rốt cuộc, trợ tử và an tử sẽ không cần thiết khi những nhu cầu của người sắp chết được chăm lo. Đó là toàn bộ triết lý của trường phái chăm sóc giảm nhẹ.
Một lập luận khác cho rằng hợp pháp hoá trợ tử và an tử không khác gì đồng tình với một thất bại về đạo đức, xã hội và y tế, cũng như chia sẻ xu hướng cá nhân chủ nghĩa và ham mê khoái lạc của xã hội hiện đại vốn xem sự sống như một gánh nặng không có ý nghĩa gì. Giá trị nội tại của sự sống của con người thường được nhấn mạnh: sự sống của chúng ta có giá trị tự thân, bất chấp mối quan tâm của chúng ta muốn kéo dài hay rút ngắn nó. Duy nhất tôn trọng sự sống mới cho phép làm thành xã hội. Hợp pháp hoá an tử và trợ tử sẽ là một sự vi phạm, hay là “một sự đứt đoạn của nền văn minh”.
Chủ đề con dốc định mệnh hay trơn trượt trở lại rất thường xuyên. Chấp nhận kết thúc cuộc sống theo yêu cầu của những người ở cuối đời tất yếu sẽ dẫn đến việc mở đường đến cái chết mà không có sự đồng ý của những con người khác, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất (trẻ em, người khuyết tật, người bị những rối loạn tâm thần, những người thuộc thiểu số…) hoặc dần dần mở rộng ra, từng tí một, danh sách những lý do trợ giúp cái chết hay còn là tạo ra một hình thức “bổn phận phải chết”, hoặc ít ra là một sự “thúc giục chết” đối với những người dễ bị tổn thương[24].
Các trường hợp của Canada, Hà Lan và Bỉ: những ví dụ về lệch hướng của hợp pháp hoá trợ giúp cái chết?
Tại Canada, trong khi phán quyết Carter của Toà Án tối cao chỉ đề nghị một cách thận trọng Quốc hội hợp pháp hoá trong một số trường hợp một hình thức trợ giúp cái chết bởi các bác sĩ, thì những người ủng hộ sự trợ giúp cái chết có thể đã viện dẫn một “quyền trợ giúp cái chết rộng hơn theo hiến pháp” rồi chính phủ liên bang có thể đã sử dụng một phán quyết khác của toà án (Truchon[****] ở Québec) bằng cách tự khẳng định bị bắt buộc phải hợp pháp hoá sự trợ giúp cái chết, bao gồm đối với cả những bệnh nhân tâm thần. Trường hợp của Canada cũng cho thấy các chuyên viên và cơ quan y tế bình thường hoá nhanh chóng và tự biện minh như thế nào cho những cách thực hành vốn trước đây xa vời đối với các tiêu chuẩn của nghề y[25]. Vẫn tại Canada, cơ quan lập pháp quả thực đã bỏ qua điều kiện chẩn đoán tử vong được thực hiện trong thời gian gần đó để có đủ điều kiện vào năm 2021 và đối với những người bị rối loan tâm thần hầu có đủ điều kiện vào năm 2023. Điều kiện có thời hạn 10 ngày để suy nghĩ cũng đã được bãi bỏ đối với những người mà cái chết tự nhiên có thể dự báo được một cách hợp lý.
Nước Bỉ là một ví dụ khác về xu hướng tự nhiên mở rộng dần dần các tiêu chí về đủ điều kiện, với sự mở rộng đến những người vị thành niên bởi một đạo luật năm 2014 rồi việc bãi bỏ tiên lượng tử vong đã được xác định trong ngắn hạn năm 2021[26].
Ngày nay, cuộc tranh luận tại Hà Lan, Bỉ và Canada tập trung vào vấn đề nên biết là những người cho rằng “cuộc sống của họ đã hoàn tất và không đáng sống nữa” hoặc những người “mệt mỏi vì sự sống” có cần được tiếp cận với sự trợ giúp cái chết không.
Một trường hợp trợ tử đầu tiên cho một tù nhân tại Thuỵ Sĩ đã diễn ra vào tháng hai 2023, người tù ấy đã viện dẫn sự tra tấn tâm lý quá mức chịu đựng do sự cô lập và không có liên hệ với bên ngoài.
Phải thừa nhận rằng không hề có trường hợp một nước quay ngược trở lại một chút nào sau khi đã hợp pháp hoá sự trợ giúp cái chết dù là cấm lại trợ tử hay an tử hoặc hạn chế những đối tượng liên quan hay tiêu chí được tiếp cận trợ tử hay an tử.
Trên thực tế, tỷ lệ những người chết nhờ đến an tử hay trợ tử tại những nước mà luật pháp cho phép là khá thấp – từ dưới 1% đến 4% hoặc 5% số tử vong hàng năm. Tuy nhiên, số an tử gia tăng mạnh ở khắp những nơi được cho phép: 24 an tử năm 2002 và 2.966 an tử năm 2022 tại Bỉ, 1.018 trợ giúp cái chết năm 2016 và 10.064 năm 2021 tại Canada, 1.882 an tử và 7.666 năm 2021 tại Hà Lan… Trường hợp trợ tử thì không phải như vậy – đó là một trình tự ít thành công hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khó biết được sự gia tăng qua các năm ở nhiều cấp pháp lý – có lẽ một phần liên quan đến các vấn đề khai báo thiếu – có tiếp tục hay không, và nếu có ổn định thì ở mức độ nào.
Đối với việc tự tử không được trợ giúp rủi ro của hiệu ứng hòn tuyết lăn có vẻ không được hiện thực hoá, ngoại trừ có thể là với những phụ nữ cao tuổi nhất, cho dù vấn đề này làm bận tâm nhiều nhà chuyên môn về phòng ngừa tự tử.
Số an tử gia tăng mạnh ở khắp những nơi được cho phép.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Trợ giúp cái chết: nhiều tình huống rất đa dạng
Ngoài nhiều tên gọi khác nhau được sử dụng – trợ giúp cái chết, trợ giúp y tế cái chết, trợ tử hay cái chết được một bác sĩ trợ giúp, chết trong phẩm giá, quyền được chết, an tử - trợ giúp cái chết là một khái niệm bao trùm nhiều tình huống rất đa dạng từ nước này sang nước khác. Không có một mô hình thế giới của sự trợ giúp cái chết mà có thể có nhiều hình thái đa dạng đối với luật pháp các quốc gia. Những nhận xét thực tế xen lẫn với các vấn đề đạo đức và những ràng buộc của các quốc gia.
Tất cả các quốc gia đều cấm an tử tích cực trực tiếp và cố ý mà không có sự đồng ý rõ ràng của người liên quan, khắp nơi đều xem là giết người, bị truy tố và trấn áp về mặt luật pháp.
Ba quốc gia (Thuỵ Sĩ, Mỹ và Đức) cho phép duy nhất trợ tử nhưng tuyệt đối cấm an tử chủ động và cố ý[27]. Ở một số nước khác mà trợ giúp cái chết là hợp pháp cho phép cùng lúc cả hai phương thức này. Dường như Ecuador chỉ cho phép an tử.
Một vấn đề chính yếu liên quan đến phạm vi của những người đủ điều kiện. Phần lớn các quốc gia dành sự trợ giúp cái chết chỉ cho người trưởng thành. Chỉ có hai nước chấp nhận trợ giúp cái chết cho người vị thành niên: Hà Lan với những người từ 12 đến 16 tuổi với sự cho phép của cha mẹ, và kể từ năm ngoái, chấp nhận cho “trẻ em dưới 12 tuổi bị một bệnh hay một rối loạn nghiêm trọng đến nỗi không tránh được cái chết (…) trong một tương lai được dự báo trước… khi chỉ còn lại duy nhất một phương án hợp lý đối với một bác sĩ là chấm dứt những đau đớn tuyệt vọng và quá sức chịu đựng của đứa trẻ”[28]; ở Bỉ cũng có khả năng đó từ khi có luật ngày 28 tháng hai năm 2014 cho các trẻ vị thành niên có năng lực suy xét như những người trưởng thành (trẻ có “khả năng và nhận thức vào thời điểm trẻ yêu cầu”) và bao gồm một số điều kiện khác (đau đớn về thể chất, tiên lượng tử vong trong ngắn hạn) với điều kiện có sự cho phép của cha mẹ. Ở Thụỵ Sĩ, trên nguyên tắc, trợ tử là có thể được đối với trẻ vị thành niên nhưng dường như không được áp dụng.
Thuỵ Sĩ là nước duy nhất mà sự trợ giúp cái chết không giới hạn cho công dân hay cho những người cư trú tại Thuỵ Sĩ từ một số tháng hoặc quý[29]. Tuy nhiên, một người ngoại quốc cũng có thể nhờ đến trợ giúp cái chết ở Hà Lan hay Bỉ nhưng phức tạp hơn vì đã phải có mối liên hệ về điều trị với một bác sĩ tại địa phương.
Tại nhiều quốc gia, phải mắc một chứng bệnh vào giai đoạn cuối mới có thể nhờ đến trợ giúp cái chết. Tuy nhiên, những gì mà việc đó bao hàm và những thuật ngữ được sử dụng là khác nhau giữa các nước và có thể có những tiêu chí khác. Tại các tiểu bang của Mỹ, trợ tử chỉ giới hạn cho những người có tiên lượng tử vong là sáu tháng hoặc ngắn hơn[30]. Tại tiểu bang Oregon, phải bị một “bệnh không chữa lành được và không thể đảo ngược được đã được xác nhận về mặt y khoa và sẽ gây ra tử vong trong vòng 6 tháng hay ngắn hơn”. Tương tự như vậy tại New Zealand nhưng người bệnh phải trải qua một sự suy yếu đáng kể các năng lực thể xác và có những cơn đau dai dẳng và quá sức chịu đựng. Tại bang Victoria (Úc), phải bị một bệnh không chữa lành được có thể chết trong 6 tháng sắp tới (12 tháng đối với bệnh suy giảm thần kinh) và gây “đau đớn cho người bệnh, đau đớn không thể dịu đi theo cách mà người bệnh thấy chịu đựng được”.
Tại nhiều quốc gia, phải mắc một chứng bệnh vào giai đoạn cuối mới có thể nhờ đến trợ giúp cái chết.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Một số nước tránh tiêu chí giai đoạn cuối và mở rộng trợ giúp cái chết cho những người phải chịu đau đớn liên tục, dai dẳng và quá sức chịu đựng. Ví dụ đó là trường hợp Thụy Sĩ. Canada cũng không cần giai đoạn cuối. Sự trợ giúp cái chết có thể được dành cho những người chỉ bị những bệnh nghiêm trọng về thể xác (Canada cho đến 2023) và cũng dành cho những người bị các bệnh tâm thần (Bỉ từ năm 2002, Canada từ năm 2023, Hà Lan, Tây Ban Nha). Tại Hà Lan, tiêu chí “nhiều bệnh kinh niên” (polypathologie: ít nhất ba bệnh kinh niên - ND), vốn là một phạm trù thu nạp nhiều bệnh, đã chiếm 16% các trường hợp an tử năm 2022.
Những rào chắn bảo vệ về mặt thủ tục đều có tại các nước khác nhau. Nói chung, yêu cầu phải xuất phát từ chính những người có đủ điều kiện, tự nguyện, chính thức và bằng văn bản, được viết và ký trước sự hiện diện của những người làm chứng. Người bệnh cũng phải đồng ý trên cơ sở biết rõ, nghĩa là sau khi đã được thông báo về những giải pháp điều trị khác nhau có thể có. Bang Victoria yêu cầu cuộc thảo luận về trợ giúp cái chết nhất thiết phải xuất phát từ chính người bệnh.
Tại Bỉ và Hà Lan, một người có thể viết một thông báo trước để yêu cầu được an tử sau này.
Tại Bỉ, điều này là có thể chỉ trong trường hợp hôn mê không thể tỉnh lại hay trong tình trạng sống thực vật kéo dài. Trong thực tế trường hợp này rất hiếm và là đối tượng của những tranh cãi về đạo đức và của những khó khăn thực tế: các bác sĩ thường khó xác định có phải là những người bị suy giảm trí nhớ ở một giai đoạn muộn và hoàn toàn không có nhận thức được nữa đang bị đau đớn dai dẳng mà không có khả năng cải thiện và có cần thực hiện hay không thông báo trước của họ về trợ giúp cái chết. Vào tháng 10 năm 2024, bang Québec cũng đã cho phép “tất cả những người đã được chẩn đoán bệnh nghiêm trọng và không thể chữa lành dẫn đến tình trạng mất khả năng đồng ý với những chăm sóc, như bệnh Alzheimer, được thực hiện một yêu cầu trước về sự trợ giúp y khoa cho cái chết”.
Luật pháp của nhiều nước dự trù trước một thời gian để suy nghĩ hay chờ đợi, thời gian này cũng khác nhau: 10 ngày ở Canada (trừ ngoại lệ), một tháng ở Bỉ (ngoại trừ tiên liệu tử vong đã được xác định là trong một thời hạn rất ngắn).
Tại các bang của Úc (trừ Tây Úc và Queensland), New Zealand và Tây Ban Nha, bác sĩ hỗ trợ yêu cầu của bệnh nhân tiên nghiệm phải có được giấy phép do Bộ Y tế (Úc), một viên chức về hộ tịch (New Zealand) hay một uỷ ban địa phương (Tây Ban Nha) cấp. Tại các nước khác, không có một thủ tục tiên nghiệm nào được dự kiến mặc dù có những hậu quả không sửa chữa được của quyết định trợ giúp cái chết. Đáng chú ý, trong khi chính những cách thức thông thường để phân bổ các dịch vụ và bắt buộc đối với những quyết định đặt dưới sự giám hộ, thì lạ thay, sự can thiệp của một quan toà nhằm tiên nghiệm hợp pháp hoá quyết định việc dùng đến sự trợ giúp cái chết có vẻ không tồn tại ở bất kỳ một nước nào[31].
Về việc quản lý cái chết, hầu hết các nước tự giới hạn vào việc dự báo sự can thiệp của nhiều người, thông thường nhất là hai người: tại Canada, hai bác sĩ phải xác nhận là các tiêu chí đủ điều kiện đã được đáp ứng; tại Thuỵ Sĩ, cần có một bác sĩ trong hai người. Tuy nhiên, ví dụ như tại Hà Lan, nếu cần ý kiến của một bác sĩ thứ hai, thì ý kiến của bác sĩ này không trói buộc quyết định của bác sĩ thứ nhất.
Tại tất cả các nước, chính một một bác sĩ phải tiến hành an tử hoặc có mặt lúc trợ tử. Có hai ngoại lệ. Tại Canada, đó có thể là một “y sĩ” (infirmier praticien) nghĩa là một y tá được đào tạo bổ sung. Tại Thuỵ sĩ, khi người bệnh nhờ đến một hiệp hội gọi là tự quyết, thì một người tình nguyện có thể đem chất gây chết người đến và có mặt khi chính người bệnh sử dụng chất này[32]. Tại bang New South Wales (Úc), một y tá có thể phụ giúp bác sĩ và cho người bệnh dùng chất gây chết người. Tất cả các nước đều dự kiến một sự từ chối vì lương tâm cho những người chuyên môn về sức khoẻ khi họ không muốn tham gia vào việc trợ giúp cái chết.
Luật pháp của bang Victoria ấn định những phương thức chính xác về quản lý dược phẩm liên quan đến trợ giúp cái chết, bao gồm cả vai trò của các dược sĩ. Tại Canada, các dược sĩ có trách nhiệm thông tin cho mọi người. Về phần những chất gây chết người trong thực tế là khá khác nhau tuỳ theo nước.
Các quốc gia khác nhau đều dự kiến nhiệm vụ báo cáo (reporting) và kiểm soát nói chung dường như không được hoàn hảo cho lắm. Nhiều trường hợp an tử và trợ tử đã xảy ra tại nhà của người bệnh và không được báo cáo và kiểm soát. Những trường hợp xử phạt các bác sĩ là vô cùng hiếm mặc dù những trường hợp đáng lo ngại được phản ánh qua báo chí tại những nước có trợ giúp cái chết. Tại Bỉ, từ năm 2002, trong tổng số gần 30 ngàn hồ sơ được uỷ ban kiểm soát liên bang (CFCEE) xem xét, chỉ có một hồ sơ được chuyển cho công tố viên vào năm 2025. Tại Hà Lan, năm 2022, các uỷ ban kiểm soát địa phương đã nhận diện 13 trường hợp không tôn trọng các “tiêu chí tỉ mỉ” để hoàn thành sự an tử, nghĩa là chỉ có 0,15% của tổng số các trường hợp. Từ năm 2002, chỉ duy nhất một trường hợp bị truy tố trước pháp luật liên quan đến một nữ bệnh nhân bị chứng suy giảm trí nhớ đã viết một yêu cầu trước.
Ở khắp nơi có trợ giúp cái chết ngoại trừ Thuỵ Sĩ, việc này được tài trợ như những chăm sóc sức khoẻ khác, qua thuế, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tư và của chính bệnh nhân.
Tất cả các nước đều dự kiến một sự từ chối vì lương tâm cho những người chuyên môn về sức khoẻ khi họ không muốn tham gia vào việc trợ giúp cái chết.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Không phải là điều tất yếu mà là một sự lựa chọn
Liệu sự trợ giúp cái chết sẽ lan rộng dần, một cách hầu như không tránh được, ở các nước châu Âu, các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và cả ở các nước phương Nam? Những người ủng hộ nghĩ như vậy và mong muốn như vậy. Tuy nhiên điều đó không đương nhiên.
Những nhân tố mạnh có tính cấu trúc chắc chắn ủng hộ sự tự do hoá các luật lệ về kết thúc cuộc sống. Điều đó đặc biệt nổi rõ từ các phân tích của Ronald Inglehart, người xây dựng World Values Survey[33] (Điều tra các giá trị thế giới).
Trước tiên là mức sống: thật vậy, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa thu nhập bình quân đầu người và thái độ ủng hộ sự trợ giúp cái chết. Do đó, trong 24 nước có thu nhập cao mà Roanld Unglehart nghiên cứu, có dân cư 18 nước cho rằng sự trợ giúp cái chết là có thể biện minh được. Và mức độ tán thành an tử của tất cả, trừ một nước, đã gia tăng trong khoảng thời gian 15 năm. Ngược lại, trong số 38 nước có thu nhập thấp và trung bình, dân cư của 36 nước cho rằng an tử là không hợp lý. Như vậy, sự gia tăng dần dần của thu nhập bình quân đầu người sẽ ủng hộ việc tự do hoá dần dần các luật lệ, kể cả ở những nước phương Nam. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là các cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ có một tác động đáng kể đến các thái độ đối với an tử.
Tiếp đến là tôn giáo: Tình cảm và thực hành tôn giáo càng ít thì an tử được nhìn nhận tích cực hơn. Tuy nhiên, trong tương lai ta cũng có thể trải qua những những giai đoạn mà tình cảm tôn giáo mạnh trở lại. Và cuối cùng là những chỉ báo về sức khoẻ: tử vong trẻ em càng thấp và kỳ vọng sống cao, thì an tử càng được thấy là hợp lý.
Tại Mỹ, hầu như có một sự đồng thuận của công luận trong viêc chống đối trợ giúp cái chết đã thực sự chuyển thành sự ủng hộ của đa số dân cư và hợp pháp hoá trợ tử tại nhiều tiểu bang. Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump, việc bầu ra một Thượng Viện và Hạ Viện đi theo phong trào MAGA (Make America great again – làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và việc thành lập một Toà Án tối cao từ lâu đã bị thống trị bởi các thẩm phán (cực-) bảo thủ có thể thay đổi triệt để tình hình của nước này, và cũng sẽ dội đến nhiều quốc gia khác.
Ở Tây Âu, sự ủng hộ an tử cũng trở thành đa số trong dân chúng. Nhưng một phong trào ngược lại đã manh nha ở những nước cộng sản cũ sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào cuối thập niên 1980, cũng như tại Hy Lạp sau khủng hoảng tài chính và gần đây là ở Thổ Nhĩ Kỳ[34]. Tại các nước phương Nam, theo Ronald Inglehart, sự ủng hộ an tử thậm chí còn giảm xuống trong dân cư của phần lớn các nước có thu nhập thấp.
Tình cảm và thực hành tôn giáo càng ít thì an tử được nhìn nhận tích cực hơn.
LOUIS-CHARLES VIOSSAT
Phe đa số bảo thủ và dân tuý lên cầm quyền ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể đảo ngược diễn tiến được xác nhận cho đến nay hướng đến việc hợp pháp hoá trợ tử và an tử và ngăn trở phong trào tự do hoá đã được xác nhận trong các thập kỷ gần đây. Có thể ta còn chứng kiến việc hình sự hoá trở lại việc an tử và trợ tử ở một vài nước, như ta thấy ở Mỹ liên quan đến vấn đề phá thai.
Ngoài ra, nếu các quốc gia từ nay thu gọn lại vào việc tự do hoá chỉ trợ tử, mà không thể dùng đến an tử, ví dụ như trường hợp ở Mỹ hoặc ở Thuỵ Sĩ, Đức, an tử đôi khi được một số nhà bình luận nêu ra như một “giải pháp trung gian” giữa tư tưởng “pro-life” - vì sự sống - và trào lưu ”pro-choice” - vì sự lựa chọn -, được giả định là san bằng những khó khăn về đạo đức[35], ít có khả năng số người nhờ đến trợ giúp cái chết gia tăng đáng kể. Duy nhất việc hợp pháp hoá an tử mới thực sự sẽ đem lại một số đáng kể các trường hợp: việc thực hiện trợ tử xem ra phức tạp hơn nhiều…
Trong mọi trường hợp, phải trông chờ rằng việc kết thúc cuộc sống, trợ tử và an tử được thảo luận ở các nước ngày càng nhiều, với những quan điểm chắc chắn là rất phân tán giữa phương Bắc và phương Nam cũng như trong nội bộ khối phương Tây[36].
Trước mắt, ưu tiên của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự phải là tài trợ mạnh các chương trình tiếp cận các chất morphin và các cơ sở chăm sóc giảm nhẹ, tương tự như trong các nước OECD, vào các nước có thu nhập trung bình và thấp. Ưu tiên này cũng phải là và nhất là dành cho việc giảm xuống số tử vong có thể tránh được trên hành tinh, đặc biệt là tử vong trẻ em, hơn là lại lao vào, như hiện nay, cuộc chạy đua vũ khí và chiến tranh chết người.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Géopolitique de la mort: cartographier le débat sur la fin de vie”, Le grand continent, 30.3.2025.
Chú
thích: [1]
Xem ý kiến của đại hội của Hội đồng Nhà nước thảo luận ngày 4 tháng 4 năm 2024. [2]
Nghĩa là toàn bộ các nhân tố xã hội, văn hoá, kinh tế, tôn giáo và chính trị ấn định cách mà cái chết, sự hấp hối kể cả tang lễ được thực hiện và điều hành: xem Lancet Commission on the value of death, tháng 1-2022. [3]
Theo các số liệu của bộ phận dân số Liên Hiệp Quốc. [4]
Năm đó có 12,8 triệu tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. [5]
Nguồn: UNICEF [6]
Tỷ lệ số sinh ở hai vùng này chỉ chiếm khoảng 60% tổng số sinh trên toàn thế giới. [7]
Một bài báo công bố trên Lancet năm 2005 ước tính số tiền này là 5,1 tỷ đô la mỗi năm. Cho dù chấp nhận nhân ba chi phí này trong vòng 20 năm, số tài trợ cần thiết vẫn thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà cộng đồng quốc tế đã bỏ ra chỉ trong cuộc chiến ở Ukraina chẳng hạn, hoặc cho việc trợ giá năng lượng. [8]
Max Roser (2021) – “Causes of death globally: what do people die from?” Published online at OurWorldinData.org. Retrieved from: ‘https://ourworldindata.org/causes-of-death-treemap’ [Online Resource]. Xem thêm: Institute of Health Metrics and Evaluation. [9]
Theo bộ phận dân số Liên Hiêp Quốc. [10]
J. Roemer, Equality of Opportunity, 2000, và B. Milanovic, Global Inequality: A New Approach for the Age of Globalization, 2016. [11]
Theo Tổ chức Y tế Thế gới, chăm sóc giảm nhẹ là những chăm sóc “cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và gia đình họ vì họ đang đối mặt với những vấn đề liên quan đến các bệnh hiểm nghèo, nhờ vào phòng ngừa đau đớn và giảm đau bằng cách nhận diện sớm các triệu chứng và đánh giá chính xác cũng như điều trị sự đau đớn và các vấn đề khác về thể xác, tâm lý và tinh thần”. [12]
Felicia Knaul et alii. The Lancet Commission on Palliative Care and Pain Relief—findings, recommendations, and future directions. March 2018. [13]
Tuy nhiên ta không có những dữ liệu đáng tin cậy về việc áp dụng bất hợp pháp an tử và trợ tử vốn vẫn tồn tại ở tất cả các nước trên thế giới. [14]
Một dự luật vừa được Quốc hội Anh Quốc đưa ra và xem xét. Một khi hoàn tất tiến trình xem xét của Quốc hội, luật sẽ hợp pháp hoá trợ tử ở xứ Anh và xứ Wales. [15]
Các dự luật hoặc đề nghị cũng đang ở những giai đoạn ít nhiều tiến triển ở các nước khác trên thế giới. [16]
“Một người bị thúc đẩy bởi một động cơ ích kỷ, đốc thúc một người đi đến tự tử, hoặc hỗ trợ người khác tự tử, và nếu việc tự tử hoàn thành hay toan được thực hiện, sẽ bị phạt tù nhiều nhất là năm năm hoặc bị phạt tiền (Điều 115, Luật Hình sự Thuỵ Sĩ). [17]
Lãnh thổ Bắc Úc đã hợp pháp hoá an tử và trợ tử ngay từ tháng năm 1995, nhưng đạo luật này đã nhanh chóng bị chính phủ liên bang huỷ bỏ. Và nghịch lý là từ nay vùng này là vùng duy nhất của Úc không có luật về trợ giúp cái chết. [18]
Cũng trong tinh thần như quyết định gần đây liên quan đến quyền phá thai, Toà Án tối cao đã phán quyết (phán quyết Vacco v. Quill) rằng hiến pháp Hoa Kỳ không bảo đảm quyền trợ tử và trợ tử có được phi hình sự hoá hay không thuộc về thẩm quyền của các tiểu bang. [19]
Tuy nhiên vào tháng bảy năm 2024 toà án hiến pháp Ý đã quyết định dù trợ tử không được hợp pháp hoá, rằng các quan toà phải có ý kiến theo từng trường hợp một về mỗi vụ việc và đánh giá một cách độc lập “trên cơ sở các nguyên tắc được mô tả trong một quyết định năm 2019 (quyết định này đòi hỏi người bệnh phải bị một bệnh không chữa lành được và những đau đớn về thể xác hay tâm thần là quá sức chịu đựng) rằng một người có thể bị buộc tội” hay không. [20]
Tại Đức, Toà án hiến pháp đã đưa ra một “đạo luật về quyền tự quyết đối với cái chết” (“Recht auf selbstbestimmtes Sterben”, Toà án hiến pháp liên bang, ngày 6 tháng hai 2020) về phi hình sự hoá việc trợ giúp cái chết. Tại Vương Quốc Anh, công tố viện đã ban hành những chỉ đạo chính trong khuôn khổ một chính sách hình sự khuyến khích cách tiếp cận theo từng trường hợp một dựa trên một danh sách chưa đầy đủ các tiêu chí. [21]
Sau bốn vụ kiện không có kết quả, cuối cùng Jack Kevorkian đã bị buộc tội từ 10 đến 25 năm tù vì đã thực hiện an tử cho một người đàn ông tên là Thomas bằng cách tự quay phim – và lần này là một cách tự nguyện đã không dùng đến trợ tử –. Kevorkian đã được tha nhờ hạnh kiểm tốt sau tám năm ở tù. [22]
Trong thực tế việc di chuyển người bệnh ra nước ngoài để được trợ giúp cái chết là rất ít. Hơn nữa, các quốc gia đã hợp pháp hoá an tử hay trợ tử thường ấn định các điều kiện về quốc tịch, cư trú và có đăng ký bảo hiểm xã hội, hoặc đã liên lạc liên tục với bác sĩ cấp đơn thuốc. Chỉ có Bỉ, Luxembourg và Thuỵ Sĩ tiếp nhận bệnh nhân nước ngoài, với một số điều kiện. Theo Dignitas, một tổ chức của Thuỵ Sĩ, từ 1998 đến 2018, chỉ có chừng 2.600 người từ 53 nước, đến Thuỵ Sĩ để chết. Họ chủ yếu là người Đức (1.240), người Anh (415), Pháp (330) và Ý (130) và Mỹ (100). Tại Bỉ, đã có 61 người trong đó có chừng 50 người Pháp, đã đến Bỉ trong năm 2022 để được hưởng an tử theo luật pháp Bỉ. [23]
Những cuộc tranh cãi vẫn diễn ra tại nhiều nước về vấn đề không có hoặc ngưng các điều trì vào cuối đời và về việc dùng thuốc an thần để giảm nhẹ. [24]
Vào cuối tháng ba 2024, trong số 344 người New Zealand đã yêu cầu được an tử từ một năm qua, có 11,8% có nêu ra một khuyết tật. [25]
Cf. Trudo Lemmens, “When death becomes therapy: Canada’s troubling normalization of healthcare provider ending of life”, The American Journal of Bioethics, 2023. [26]
Những người phản bác lập luận về con dốc trơn trượt không thừa nhận khả năng hay xác suất của lập luận này, và nhấn mạnh rằng đặc trưng của các chuẩn mực là đưa ra những giới hạn. [27]
Đó cũng sẽ là trường hợp của xứ Anh và xứ Wales nếu dự luật nước Anh được Quốc hội thông qua. [28]
Hiếm có các thủ tục liên quan đến người vị thành niên. Năm 2022, chỉ có một trường hợp liên quan đến một người vị thành niên bị bệnh ung thư. [29]
Tuy nhiên, một nữ y tá đã giúp bảy người Ý thực hiện tự tử đã bị buộc tội vào tháng mười 2024 bởi toà hình sự quận Lugano vì đã hành động vì những “động cơ ích kỷ” bằng cách lợi dụng về mặt kinh tế sự khác biệt luật pháp giữa Ý và Thuỵ Sĩ. [30]
Đó cũng sẽ là trường hợp của của xứ Anh và xứ Wales. [31]
Tuy nhiên, một sự can thiệp như thế đã được dự báo trong luật lệ tương lai của Anh Quốc. Cũng như một thời hạn suy nghĩ 14 ngày theo quyết định của quan toà. [32]
Tại Thuỵ Sĩ, có 6 hiệp hội đề nghị từ nay có dịch vụ trợ giúp cái chết nhưng việc kiểm soát các hành động được thực hiện là rất ít, theo một báo cáo của Thượng Viện năm 2023, và không yêu cầu giấy phép cho hoạt động của một hiệp hội như vậy. [33]
Ronald C. Inglehart et alii, “Attitudes toward Euthanasia: a longitudinal analysis of the role of economic, cultural and health-related factors”, Journal of Pain and Symptom Management, vol. 62, no3 septembre 2021. [34]
Xem Raul Tormos et alii, “Patterns of change in the justifiability of euthanasia across OECD countries”, Frontiers in Political Science, June 2023. [35]
P. Le Coz, De l’euthanasie au suicide assisté: aspects éthiques, Bulletin de l’académie nationale de médecine, 2022. [36]
Đối với người châu Âu, xem: “Loek Halman and Erik van Ingen, Secularization and Changing Moral Views: European Trends in Church Attendance and Views on Homosexuality, Divorce, Abortion, and Euthanasia”, European Sociological Review, Vol. 31, No. 5, octobre 2015. [*] Chuyên gia về chính sách xã hội quốc tế. Cựu đại sứ phụ trách đấu tranh chống sida và các bệnh lây nhiễm, cựu phó giám đốc văn phòng của thủ tướng Pháp Dominique de Villepin. [**] phương Bắc: các nước giàu; phương Nam: các nước nghèo hoặc có thu nhập thấp (chú thích của người dịch) [***] Chú thích của người dịch: để phân biệt các thuật ngữ với nghĩa khác nhau được sử dụng trong văn bản tiếng Pháp, người dịch chuyển ngữ như sau: aide à mourir: trợ giúp cái chết; suicide assisté: trợ tử; euthanasie: an tử. [****] Trong vụ án Jean Truchon kiện công tố viên trưởng của Canada năm 2019, Toà Án tối cao của Québec đã tuyên bố vi hiến tiêu chí đủ điều kiện là yêu cầu cái chết tự nhiên của một người phải được “dự báo một cách hợp lý” (ND).
