DURKHEIM, CHỦ NGHĨA MARX, WEBER TRONG TỪ ĐIỂN QUỐC TẾ VỀ BOURDIEU
DURKHEIM, ÉMILE (1858-1917)
![]() |
Émile Durkheim (1858-1917) |
![]() |
Émile Durkheim thường được coi là người sáng lập ra ngành xã hội học Pháp. Đóng góp của ông càng mang tính quyết định hơn nữa vì ngoài việc xuất bản ba tác phẩm chính – De la division du travail social (1893), Le Suicide (1897) và Les Formes élémentaires de la vie religieuse (1912) – ông còn thực sự soạn thảo một bản tuyên ngôn, Les Règles de la méthode sociologique (1895), thành lập một tạp chí, L’Année sociologique (1898-1912), và tập hợp xung quanh mình một nhóm cộng tác viên vô cùng năng động (Marcel Mauss, Henri Hubert, Célestin Bouglé, François Simiand, Maurice Halbwachs, Robert Hertz), những người sau này được biết đến với tên gọi Trường phái xã hội học Pháp.
![]() |
![]() |
Là con trai và cháu trai của một giáo sĩ Do Thái, Durkheim sinh ngày 15 tháng 4 năm 1858 tại Épinal. Tốt nghiệp trường École Normale Supérieure và có chức danh thạc sĩ (agrégé) triết học, ông bắt đầu sự nghiệp với vai trò là giáo viên triết học tại các trường trung học Sens, Saint-Quentin và Troyes, sau đó vào năm 1887, ông được bổ nhiệm làm giảng viên môn “khoa học xã hội và giáo dục” tại Khoa Văn của đại học Bordeaux. Năm 1902, Durkheim được bổ nhiệm làm phó khoa khoa khoa học giáo dục của Ferdinand Buisson tại đại học Sorbonne. Tên của khoa này được đổi thành “khoa học giáo dục và xã hội học” vào năm 1913. Các vấn đề về đạo đức (hay chính xác hơn là khoa học về các phong tục) và giáo dục là trọng tâm trong mối quan tâm của ông. Ông cũng thành lập một khóa học chuyên sâu về “Lịch sử giáo dục trung học ở Pháp”, và sau đó là về chủ nghĩa thực dụng.
Sự nghiệp và hoạt động của Durkheim gắn liền chặt chẽ với đời sống chính trị của chế độ Đệ tam Cộng hòa. Gần gũi với Jean Jaurès, ông quan tâm đến chủ nghĩa xã hội và đã dành một khóa học chính về chủ nghĩa này ở Bordeaux (Le Socialisme). Tuy nhiên, ông đã từ chối tham gia Chi nhánh Pháp của Quốc Tế Công Nhân (Section Francaise de L'Internationale Ouvrière/SFIO). Cam kết của ông là cam kết của một nhà trí thức: ông là một người đã ủng hộ Dreyfus ngay từ đầu và ông đã tham gia vào việc thành lập Liên đoàn Bảo vệ Nhân quyền. Ông đã tăng cường các hoạt động can thiệp công khai của mình, về chủ nghĩa thế tục và sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước, chủ nghĩa công đoàn trong guồng máy công, các cuộc đình công và sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội hay vấn đề Do Thái. Ông mất ngày 15 tháng 11 năm 1917 tại Paris, thọ 59 tuổi.
![]() |
Pierre Bourdieu đã đọc Émile Durkheim một cách chăm chú trong thời gian học triết tại École Normale Supérieure và ông đã giảng dạy về Durkheim trong một khóa học tại Đại học Alger vào năm 1958. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông thường xuyên trích dẫn tác phẩm của Durkheim cũng như của những cộng sự thân cận của nhà xã hội học này, đặc biệt là Mauss và Simiand. Bourdieu không phải là người muốn quên Durkheim giống như Jean Stoetzel sau Thế chiến thứ hai. Ngược lại, đối với ông, Durkheim là nguồn cảm hứng phê phán mà ông dựa vào, như chúng ta thấy trong Le Métier de sociologue, một sự thừa kế ở một số khía cạnh, đặc biệt liên quan đến ý tưởng về sự đoạn tuyệt nhận thức luận (bao hàm việc bác bỏ một cách có hệ thống các tiền ý niệm) và cả đến nguyên tắc vô thức theo đó “đời sống xã hội phải được giải thích không phải bằng quan niệm mà những người tham gia vào xã hội có về nó mà bằng những nguyên nhân sâu xa hơn nằm ngoài ý thức” [Durkheim 1897: 40-43; Le Métier de sociologue: 30 n. 1]. Trong Le Métier de sociologue, Durkheim là người được trích dẫn nhiều nhất trong số các nhà xã hội học cổ điển.
![]() |
Đều tốt nghiệp trường École Normale Supérieure và là thạc sĩ triết học, Durkheim và Bourdieu đều có chung triết lý duy lý về kiến thức – “chủ nghĩa duy lý kinh nghiệm” (theo cách diễn đạt của Halbwachs) –, cùng niềm tin vào khoa học và cùng sự ngờ vực đối với tư duy thông thường. Cả hai đều rẽ sang xã hội học, một ngành mới vào thời Durkheim và khi Bourdieu chuyển sang, thì ít uy tín hơn triết học, mà họ dự định sẽ thực hành một cách nghiêm túc và uyên bác, dựa trên tinh thần liên ngành (kinh tế, lịch sử, nhân học, thống kê) và với nhóm nghiên cứu; họ cảnh giác với thành công trần tục, lên án sự dễ dàng của lời tiên tri và e ngại bất kỳ hình thức can thiệp chính trị hoặc tôn giáo nào vào việc nghiên cứu cái xã hội. Cuối cùng, về mặt chính trị, cả hai đều chia sẻ quan niệm về sự cam kết của giới học thuật: giống như Durkheim trong vụ Dreyfus, Bourdieu, đặc biệt là vào những năm 1990 sau khi xuất bản La Misère du monde (1993), thôi thúc các đồng nghiệp của ông bước ra khỏi tháp ngà của họ, để dấn thân vào các cuộc tranh luận chính trị lớn của thời đại. Cả hai đều cảnh giác với tính đảng phái và tránh xa các đảng phái chính trị. Phương thức can thiệp mà họ ưa chuộng có thể được mô tả là “đặc thù”, nghĩa là trong các lĩnh vực chuyên môn của nhà khoa học và sử dụng các kỹ năng đặc thù của họ.
Nhưng việc theo đuổi sự so sánh như vậy có nguy cơ trở thành một bài tập thuần túy hàn lâm có “tác dụng” là xem Bourdieu như là thuộc trường phái Durkheim. Trong khi chúng ta biết rõ những điều gì phân biệt họ, thậm chí đối lập họ: sự hội nhập của một cộng đồng, theo Bourdieu, không chỉ dựa trên các quá trình xã hội hóa và quy định pháp lý và đạo đức mà còn dựa trên các mối quan hệ thống trị; cam kết của nhà xã hội học đối với xã hội không chỉ là sứ mệnh giáo dục và tư vấn, mà còn là sự phê phán quyền lực và, như chúng ta thấy trong nhiều “sự can thiệp” của Bourdieu, là sự thiên vị đối với những người bị tước đoạt và không có tiếng nói [Contre-feux 1, Interventions].
Do đó, chúng ta không thể nói rằng Bourdieu thực sự là người theo trường phái Durkheim, Marx hay Weber. Bản thân ông đã cảnh báo chúng ta về “chức năng phân loại của tư duy hàn lâm” có xu hướng sử dụng các nhãn lý thuyết như vũ khí để loại bỏ đối thủ: nói rằng X là người theo Durkheim có thể có nghĩa là X chỉ là “người theo Durkheim một cách thô thiển” hoặc rằng (tư tưởng của) X đã “hoàn toàn nằm trong Durkheim” [Choses dites: 38].
Vào thời điểm tác giả của cuốn Le Suicide không chỉ bị lãng quên mà còn bị chỉ trích nặng nề, thậm chí bị khinh miệt vì cái gọi là thuyết chức năng và chủ nghĩa bảo thủ của mình, Bourdieu đã đóng vai trò chính trong việc tái khám phá Durkheim với ấn phẩm năm 1975, trong bộ sưu tập “Le sens commun” mà ông lãnh đạo ở NXB Éditions de Minuit, gồm ba tập của bộ Textes của Durkheim ít được biết đến khi đó, do Victor Karady biên tập. Hơn nữa, giống như ông đã làm với những tác giả khác, tất nhiên là có Marx và Weber, Bourdieu “khai thác” Durkheim không chỉ ở cấp độ nhận thức luận, mà còn trong các nghiên cứu thực nghiệm, từ những nghiên cứu đầu tiên của ông về hệ thống đại học cho đến những bài giảng cuối cùng về Manet tại Collège de France: sử dụng mô hình hình thái học, như là “nền tảng” của các nhóm và các vũ trụ xã hội, quan niệm về văn hóa như là một hệ thống xếp loại và một tập hợp các hình tượng tập thể, vị trí của tính biểu tượng trong mọi đời sống xã hội.
Dự án đầy tham vọng của Bourdieu không phải là bước vào đôi giày của những người tiên phong hay đứng trên vai những người khổng lồ để tự đề cao, mà là đề xuất một cách đọc lại không theo thông lệ về “những người sáng lập” của ngành xã hội học vốn thường bị đối lập với nhau nhằm phát triển một lý thuyết xã hội học tổng quát mới bao gồm cùng lúc lý thuyết về kiến thức xã hội học (như một khoa học), lý thuyết về hành động và lý thuyết về xã hội.
Cách tốt nhất để suy nghĩ về mối quan hệ của Bourdieu với Durkheim, như chính ông đã gợi ý cho bất kỳ phân tích nào về “ảnh hưởng” trí tuệ, là suy nghĩ mối quan hệ này dựa trên sự đồng đẳng: cả hai đều chiếm một vị trí tương đồng trong trường trí tuệ và trong trường quyền lực. Mà không quên một điều: một người, Bourdieu, đã vào Collège de France còn người kia, Durkheim thì không. Không phải ông chú mà là cháu trai, Mauss, là người vào Collège de France năm 1930 với vai trò là trưởng khoa xã hội học.
Marcel Fournier
Giáo sư xã hội học tại Đại học Montréal
DURKHEIM É., 1897, “Compte rendu de A. Labriola. Essai sur la conception matérialiste de l’histoire”, Revue philosophique, vol. XLIV, 22e année, p. 643-655 – FOURNIER M., 2007, Émile Durkheim (1858-1917), Paris, Fayard.
☛ ANNÉE SOCIOLOGIQUE (L’), COLLÈGE DE FRANCE, CONTRE-FEUX, CULTURE, CRITIQUE, DOMINATION, ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE, FONCTIONNALISME, GROUPE(S), HALBWACHS, INTÉGRATION, INTELLECTUEL(S), INTERVENTIONS, MANET, MARXISME, MAUSS, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), MINUIT, MISÈRE DU MONDE (LA), PHILOSOPHIE, RATIONALISME, REPRÉSENTATION(S), RUPTURE ÉPISTÉMOLOGIQUE, “SENS COMMUN (LE)”, SIMIAND, SOCIOLOGIE, STOETZEL, WEBER
Thư mục
1968 [MS] Le Métier de sociologue. Préalables épistémologiques (avec J.-C. Chamboredon et J.-C. Passeron), Paris, La Haye, Mouton, éd. corrigée, 1973.
1987 [CD] Choses dites, Paris, Minuit.
1993 [MM] La Misère du monde (et al.), Paris, Seuil, rééd. “Points”, 1998.
1998 [CF 1] Contre-feux 1. Propos pour servir à la résistance contre l’invasion néolibérale, Paris, Raisons d’agir.
2002 [I] Interventions, 1961-2001. Science sociale et action politique, Marseille, Agone.
------------------------------------------------------------
MARXISME
CHỦ NGHĨA MARX
![]() |
Karl Marx (1818-1883) |
Mối quan hệ của Pierre Bourdieu với chủ nghĩa Marx, như một truyền thống tư tưởng lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Karl Marx và Friedrich Engels, thay đổi từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 2000. Kiến thức về sự nghiệp của Marx, các trào lưu của chủ nghĩa Marx, mức độ công nhận về mặt học thuật, vị trí của chúng trong xã hội, trong khoa học xã hội và trong xã hội học, đã phát triển cùng lúc với sự triển khai sự nghiệp của nhà xã hội học Pháp này. Từ những năm đào tạo cho đến đầu những năm 1980, chủ nghĩa Marx đóng vai trò trung tâm trong không gian công cộng và trường chính trị, nhưng Bourdieu, ngược lại với nhiều đồng môn của mình tại École Normale Supérieure, dù họ cùng thế hệ với ông (như Jean-Claude Passeron) hay thuộc những thế hệ trước đó (như Michel Foucault) hay sau này, chưa bao giờ tham gia các tổ chức chính trị hay nhóm nhỏ tự nhận là theo chủ nghĩa Marx.
Trong khi Bourdieu thể hiện sự chỉ trích mạnh mẽ và gần như liên tục đối với các tư tưởng mác-xít của thời đại ông (và nói chung ông bị đáp trả một cách thẳng thừng), đặc biệt là những người theo chủ nghĩa Marx ở Pháp (trước hết là Louis Althusser và các học trò của ông), thì sự quy chiếu đến Marx hầu như luôn hiện diện trong tác phẩm của ông [Gilles 2014]. Nếu lý thuyết xã hội của Marx, xét về tổng thể, bị nhà xã hội học tranh cãi, thì ngược lại, tác phẩm của Marx, giống như tác phẩm của Weber hay Durkheim, sẽ là điểm tựa gần như thương xuyên cho các nghiên cứu của ông, kể cả và có lẽ trước hết là như là một vũ khí lý thuyết có khả năng làm suy yếu các học thuyết mác-xít chính thống và đôi khi để tranh cãi một số nhận xét của chính Marx. Marx như một sự phê phán chủ nghĩa Marx và Marx vượt ra ngoài Marx: về cơ bản đây là những cách sử dụng phổ biến Marx của Bourdieu.
Divergences
Những sự bất đồng
![]() |
Trong những cuộc điều tra đầu tiên của ông ở Algérie, sự bác bẽ chính mà Bourdieu đưa ra đối với chủ nghĩa mác-xít chính thống của thời đại của ông, trước tiên nhắm vào “chủ nghĩa duy kinh tế” vốn sẽ dẫn đến việc nhấn mạnh tầm quan trọng quá mức của lợi ích kinh tế trong phân tích xã hội học và lịch sử, thậm chí là “sự sùng bái lực lượng sản xuất” [Interventions: 350] gây phương hại đến các lợi ích xã hội khác (tôn giáo, văn hóa, chính trị, v.v.). Cách tiếp cận như vậy sẽ tự giới hạn trong quan điểm duy chủng tộc về các xã hội xa xôi trong không gian hoặc thời gian. Ngay khi họ gợi lên “các phương thức sản xuất” và sự nối tiếp của chúng, những người mác-xít trong giai đoạn này thường tự giới hạn mình trong sự phóng chiếu lại tiền đề về lợi ích kinh tế trung tâm lên các xã hội được gọi là “tiền tư bản”. Trừ khi ngược lại, họ có xu hướng đảo ngược giả định bằng cách gán cho các xã hội khác đặc quyền về cái thiêng liêng và bằng cách cho rằng có một tôn giáo hiện diện ở khắp mọi nơi, nơi mà chỉ có sự vô tư ngự trị [Esquisse d’une théorie de la pratique: 361]. Thách thức của quan điểm nhân học của Bourdieu là xác định vị trí của lợi ích kinh tế trong sự đa dạng của các lợi ích xã hội của một xã hội và xây dựng “lý thuyết về các thực tiễn thực sự kinh tế”, trong đó chủ nghĩa Marx chính thống chỉ là một trong những biểu hiện, thành “một trường hợp đặc biệt của lý thuyết chung về kinh tế học về các thực tiễn” [ETP: 362]. “Về cơ bản”, Bourdieu nói trong một bài giảng của mình tại Collège de France, “mô hình mác-xít [...] là một trường hợp đặc biệt của một mô hình tổng quát hơn nhiều, đó là mô hình về mối quan hệ giữa một cấu trúc được xây dựng trên sự đối lập giữa các vị trí được xác định bởi sự sở hữu không bình đẳng của bất kỳ loại vốn nào và một sự thay đổi theo một cách nào đó được ghi trong cấu trúc đó.” [Sociologie générale 1: 579]
Đối với Bourdieu, thuyết duy kinh tế của Marx thực chất chỉ là một phiên bản đặc biệt của xu hướng chung hơn hướng tới chủ nghĩa khách quan, vốn xuyên suốt cả sự nghiệp của Marx và các truyền thống mác-xít, mà các quan niệm chủ quan về kiến thức và lịch sử đã đáp trả ngay trong lòng của các truyền thống này. Do đó, mọi cố gắng của nhà xã hội học Pháp để tạo ra khoảng cách đối với các tác giả hoặc các chủ đề mác-xít trong thời đại của ông có thể được suy ra từ nguyện vọng của ông, được tuyên bố trong Esquisse d’une théorie de la pratique, là vượt lên trên sự đối lập giữa hai định hướng tư tưởng này, mà theo ông, đã xuyên suốt toàn bộ các khoa học xã hội.
Chẳng hạn, từ đấy nảy sinh những lời chỉ trích nhắm vào Marx và những người kế tục Marx đã che giấu “sự thật chủ quan” của lao động trong sự phân tích sự bóc lột. “[…] Sự đầu tư vào lao động,” Bourdieu tóm tắt, “[…] hướng tới việc tìm thấy trong lao động một lợi nhuận nội tại, không thể quy giản thành thu nhập đơn giản bằng tiền, là một phần của các điều kiện thực tế cho sự thực hiện lao động và cho sự bóc lột.” [ Méditations pascaliennes: 291]
Bourdieu cũng chỉ trích, từ cùng quan điểm này, sự phân tích mác-xít về giai cấp, quá thường xuyên bị xuyên suốt bởi “cám dỗ của tầm nhìn tối hậu” “tự cho mình quyền nêu ra ranh giới giữa các giai cấp” [Leçon sur la leçon: 12], do đó tạo ra một phân tích vẫn còn quá khách quan vốn, chẳng hạn, không “bao gồm trong lý thuyết về giai cấp của mình tác động của lý thuyết mà lý thuyết mác-xít về giai cấp đã tạo ra, và đã góp phần vào thực tế rằng ngày nay có thể tồn tại một cái gì đó giống như giai cấp” [I: 175] và, khi làm như vậy, đã giảm thiểu chức năng tích cực của “các cuộc đấu tranh xếp hạng”, vốn theo Bourdieu, là điều kiện của mọi cuộc đấu tranh giai cấp [PB 1978g; 1984a: 12]. Nói rộng hơn, lý thuyết giai cấp của Bourdieu có xu hướng thừa nhận tính đa dạng của các vốn, ngoài các nguồn lực kinh tế, trong định nghĩa về các bất bình đẳng và sự thống trị.
Trong phân tích về “hệ tư tưởng thống trị” (theo Bourdieu quá tập trung nơi những người mác-xít vào “sự phản ánh” hoặc chức năng mà các hệ thống biểu tượng thực hiện, và ít quan tâm dến “sự hình thành” của chúng) và cả về Nhà nước, trong lý thuyết về Lịch sử (thường là lý thuyết mang tính mục đích luận nơi Marx và những người mác-xít, thế tục hóa, nơi những người thiên về chủ nghĩa khách quan, “cứu cánh luận thần học” của Hegel [SG 1: 363]), sự phê phán của Bourdieu đối với chủ nghĩa Marx thường nhằm mục đích du nhập lại không chỉ “quyền tự chủ tương đối” mà về cơ bản là ưu thế của các hoạt động biểu tượng trong sự phân tích thế giới xã hội và các hiện tượng thống trị xuyên qua chúng. Điều này giải thích tại sao một số người lại sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa duy vật biểu tượng”, phái sinh từ chủ nghĩa duy vật lịch sử, để chỉ khoa học xã hội của Bourdieu.
Và điều này cũng giải thích sự quan tâm của Bourdieu, thể hiện rõ trong bộ sưu tập mà ông biên tập tại Éditions de Minuit cũng như trong Actes de la recherche en sciences sociales, đối với những người mác-xít Anh, được gọi là “văn hóa”, như Raymond Williams, Edward P. Thompson và thậm chí cả Eric Hobsbawm, hoặc đối với những bài viết đầu tiên của Herbert Marcuse về văn hóa; hoặc cách đọc tán thành của ông về Antonio Gramsci khi ông hính thức hóa quan niệm của mình về tính biểu tượng và sau đó là về trường chính trị; và cả lời chỉ trích của ông đối với những người mác-xít khi đó được biết đến nhiều hơn ở Pháp, chẳng hạn như Georg Lukács, bị coi là mang tính học giả hoặc duy trí thức (với các khái niệm của ông về “lợi ích khách quan” hoặc “ý thức ảo”) [MP: 203] hoặc như Theodor W. Adorno và Max Horkheimer, bị tóm gọn trong “chủ nghĩa chức năng của cái tồi tệ nhất” của họ [PB 1980c]. Đối với các nhà xã hội học mác-xít thời ông, như Lucien Goldmann, Bourdieu cũng chỉ trích họ vì đã từ chối các phương pháp thống kê vì chúng là của Mỹ và vì đã bỏ qua công trình và đặc biệt là đóng góp lý thuyết đặc thù của Max Weber [Sciences de la science et réflexivité: 199].
Sự phê phán chủ nghĩa Marx của Bourdieu hầu như luôn gắn liền với sự phê phán mối quan hệ giữa những người mác-xít với các tác phẩm của Marx [Choses dites: 48]. Do đó, nó được khuếch đại trong sự gợi lên một cách mỉa mai về “những người duy vật không có vật liệu” của trường phái Althusser và, về cơ bản hơn, trong sự phân tích về động lực và ngõ cụt của thực tiễn chú giải, của cách đọc mang tính thông thái, của thẩm quyền triết học [PB 1975; Langage et pouvoir symbolique] cũng như, rộng hơn nữa, của các cơ chế xã hội của sự chính thống, mà, đối với nhà xã hội học bất kỳ sự dị giáo nào thường vẫn còn phụ thuộc.
Những điểm hội tụ
Tất cả những lời chỉ trích đôi khi gay gắt này về chủ nghĩa Marx triết học và chủ nghĩa Marx xã hội học có thể khiến chúng ta quên đi cái chủ yếu trong sự đồng thuận giữa Bourdieu và Marx. Ví dụ, nhà xã hội học đã giơ cao khoa học luận của Marx vào những năm 1980 và 1990 để chống lại những thái quá duy tâm của tư tưởng hậu hiện đại. Với những nét được xây dựng lại ngay từ Le Métier de sociologue, khoa học luận của Marx đã tham gia vào việc tách biệt khỏi một số ảo tưởng bị coi là phản khoa học trong khoa học xã hội: chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc chủ nghĩa thực chứng ngây thơ không có mô hình hoặc lý thuyết; giả thuyết về tính “trong suốt” của các mối quan hệ xã hội đối với chính các tác nhân; tiền đề về tính tự nhiên của một thế giới xã hội mà thực chất là sản phẩm của một lịch sử; sự cám dỗ của lời tiên tri, v.v..
Một cách cơ bản hơn nữa, vì Bourdieu, giống như Marx, phát triển một dự án khoa học mà chân trời là sự phê phán xã hội, ông có lẽ đã kế thừa, kể từ những tác phẩm đầu tiên của mình, một phần lớn cách đặt vấn đề và đặc điểm của chủ nghĩa Marx, dù ông đã đổi mới sâu sắc các yếu tố của chúng [Wacquant 2001; Heilbron và Steinmetz 2018]. Sự trung thành ngầm này được chứng thực, dù chỉ là bề ngoài, bởi một số khái niệm của ông (“vốn”, “tái sản sinh”, “thống trị”) hoặc bởi một số vấn đề đã được Bourdieu lặp đi lặp lại một cách thường xuyên trong suốt sự nghiệp của mình (giai cấp xã hội, xã hội học Nhà nước, lý thuyết về lịch sử như một cuộc đấu tranh, mô hình cách mạng, v.v.).
Từ sự gần gũi này, hoàn toàn không mang tính liên hệ, một số nhà bình luận, thường là bảo thủ, muốn suy ra rằng sự nghiệp của Bourdieu chỉ là sự cải biên/aggiornamento của sự nghiệp của Marx. Những người khác, gần gũi hơn với Đảng Cộng sản Pháp, coi đó chủ yếu là bản dịch “tiểu tư sản” của chủ nghĩa Marx [Matonti 2004]. Cái chết của Bourdieu, vị trí quan trọng của ông trong các cuộc thảo luận khoa học và công cộng quốc tế, kết hợp với sự thể chế hóa ngày càng tăng ở đại học, mặc dù vẫn còn rất là thiểu số, của chủ nghĩa Marx trong nhiều ngành, đã làm hồi sinh sự phê phán chủ nghĩa Marx của Bourdieu kể từ những năm 2000 [Burawoy 2019; Desan 2014; [Riley 2017]. Ngay cả khi, vào cuối cuộc đời mình, nhà xã hội học Pháp đã phác thảo một số phân tích về chủ nghĩa tư bản tân tự do [La Misère du monde; Contre-feux 1; Contre-feux 2], một trong những điểm quan trọng nhất của cuộc tranh luận liên quan đến sự vắng mặt, trong tác phẩm của ông, của khái niệm đặc thù về “chủ nghĩa tư bản” được hiểu không phải là một “phương thức sản xuất”, một sự kết hợp của các lực lượng sản xuất, một nguyên tắc cấu trúc của riêng trường kinh tế, mà là một hình thái xã hội và lịch sử tổng quát tiếp nối các hình thái phi tư bản khác và chi phối hơn nhiều một lối sống và một vị trí trong nền kinh tế: một địa lý, những sự chia rẽ nội bộ giữa các hoạt động và giữa các tác nhân trong xã hội, một tập hợp các thực tiễn và các thể chế đặc thù vượt ra ngoài phạm vi kinh tế, v.v..
Vậy thì Bourdieu chỉ nên được đọc để bổ sung cho Marx thôi sao? Hay ngược lại, lý thuyết của Marx đã được bao hàm và bị vượt qua trong lý thuyết của Bourdieu? Khi người đọc không buộc phải lựa chọn giữa hai tác giả, cuộc tranh luận đương đại giữa các nhà xã hội học mác-xít và những ai, nam hay nữ, lấy cảm hứng từ Bourdieu đôi khi có xu hướng dao động giữa hai lập trường cực đoan này. Nhưng vì sự nghiệp của Bourdieu được xây dựng vào thời điểm, hẳn là nhất thời của chiến thắng về mặt trí tuệ của chủ nghĩa Marx, với và đặc biệt là chống lại các nhà tư tưởng và trào lưu mác-xít, nên mối quan hệ giữa Bourdieu và chủ nghĩa Marx vẫn đa dạng và sống động hơn bao giờ hết [Paolucci 2018].
Laurent Jeanpierre
Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne
BURAWOY M., 2019, “Théorie et pratique: Marx rencontre Bourdieu”, in Conversations avec Bourdieu, Paris, Éd. Amsterdam (2011), p. 72-94. – MATONTI F., 2004. “Intellectuels “responsables” et intellectuels “libres”. La réception de Pierre Bourdieu par le PCF”, in L. PINTO, G. SAPIRO, P. CHAMPAGNE (dir.), Pierre Bourdieu, sociologue, Paris, Fayard, p. 351-368.
☛ ACTES DE LA RECHERCHE EN SCIENCES SOCIALES, ALGÉRIE, ALTHUSSER, ANTHROPOLOGIE, AUTONOMIE, CAPITAL, CAPITALISME, CHAMP ÉCONOMIQUE, CHAMP POLITIQUE, CLASSE(S), CLASSE(S) SOCIALE(S), COMMUNISME, CRITIQUE, DOMINATION, DURKHEIM, ÉCOLE DE FRANCFORT, ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE, ÉCONOMIE, ESQUISSE D’UNE THÉORIE DE LA PRATIQUE, ÉTAT, ETHNOCENTRISME, FAUSSE CONSCIENCE, FÉTICHE, FONCTIONNALISME, FOUCAULT, GOLDMANN, HEGEL, HÉTÉRODOXIE, HISTOIRE, IDÉOLOGIE, INSTITUTION(S), INTÉRÊT, LECTURE, LUTTE(S), MATÉRIALISME, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), MINUIT, MODÈLE, NÉOLIBÉRALISME, OBJECTIVISME, ORTHODOXIE, PASSERON, POSITIVISME, PRATIQUE, REFLET, RELIGION, REPRÉSENTATION(S), RÉVOLUTION, SCHÈME(S), SOCIÉTÉ(S), STATISTIQUES, STRUCTURE(S), SUBJECTIVISME, SYSTÈME, THOMPSON, TRAVAIL, VÉRITÉ, WEBER, WILLIAMS
Thư mục
1968 [MS] Le Métier de sociologue. Préalables épistémologiques (avec J.-C. Chamboredon et J.-C. Passeron), Paris, La Haye, Mouton, éd. corrigée, 1973.
1972 [ETP] Esquisse d’une théorie de la pratique. Précédée de trois études d’ethnologie kabyle, Genève, Droz, rééd. Paris, Seuil, “Points”, 2000.
1982 [ETP] Leçon sur la leçon, Paris, Minuit.
1993 [MM] La Misère du monde (et al.), Paris, Seuil, rééd. “Points”, 1998.
1997 [MP] Méditations pascaliennes, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 2003.
2001 [LPS] Langage et pouvoir symbolique, présentation de J. B. Thompson, Paris, Seuil.
2015 [SG 1] Sociologie générale, vol. 1, éd. établie par P. Champagne, J. Duval, F. Poupeau et all., Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.
[PB 1978g] “Classement, déclassement, reclassement”, ARSS, no 24, p. 2-22.
[PB 1980c] “Le mort saisit le vif. Les relations entre l’histoire réifiée et l’histoire incorporée”, ARSS, no 32-33, p. 3-14.
[PB 1984a] “Espace social et genèse des classes”, ARSS, no 52-53, p. 3-15.
----------------------------------------------------------------------
WEBER, MAX (1864-1920)
![]() |
Émile Durkheim (1858-1917) |
Được coi là một trong những người sáng lập ra ngành xã hội học cùng với Émile Durkheim, Max Weber là một trong những tác giả có ảnh hưởng lớn nhất đến Pierre Bourdieu, và là một trong những tác giả được trích dẫn nhiều nhất trong các tác phẩm của ông (ông được trích dẫn nhiều nhất trong các khóa học về Sociologie générale/Xã hội học tổng quát – 116 lần – và Sur l’État/Về Nhà nước, và không có nhà tư tưởng nào được Bourdieu ca tụng thường xuyên như khi ông thường xuyên nói: “Weber đã thể hiện điều đó một cách tuyệt vời”). Đọc Weber đã nuôi dưỡng sự phát triển của hai khái niệm chính của ông: tập tính và trường, và lý thuyết về tính chính đáng của Weber là một trong những nguồn gốc của lý thuyết thống trị biểu tượng như Rogers Brubaker [1985] đã xác định một cách chính xác.
Là con trai của một công chức cao cấp và là cháu của nhà sử học Hermann Baumgarten, người đóng vai trò quyết định trong định hướng trí tuệ của ông, Weber đã học luật tại Heidelberg. Năm 1893, ông được bổ nhiệm làm giáo sư lịch sử luật La Mã và luật thương mại tại Đại học ở Berlin, rồi năm sau ông được bổ nhiệm làm giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Freiburg. Năm 1904, ông thành lập Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik cùng với Edgar Jaffé và Werner Sombart, một tạp chí khoa học xã hội và kinh tế, nơi ông xuất bản hầu hết các tác phẩm xã hội học của mình. Ông cũng là người đồng sáng lập, vào năm 1909, cùng với Ferdinand Tönnies và Georg Simmel, Hiệp hội Xã hội học Đức (Deutsche Gesellschaft für Soziologie). Sự nghiệp của ông rất rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực đa dạng như luật pháp, kinh tế, tôn giáo (Tin Lành, Do Thái giáo cổ đại, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo), chính trị, nhận thức và âm nhạc. Weber đặc biệt nghiên cứu các điều kiện cho sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản, đưa ra một luận đề đối lập với chủ nghĩa duy vật của Marx về sự xác định, lúc ban đầu, hành vi kinh tế bởi tâm thế tôn giáo, mà vẫn không dành ưu thế cho lối giải thích theo kiểu duy tâm (L’Éthique protestante et l’esprit du capitalisme). Nói chung hơn, ông mô tả quá trình hợp lý hóa và đánh mất tính huyền bí của thế giới, định vị lại phép tính hợp lý trong các logic hành động khác, hợp lý đối với các giá trị, truyền thống và cảm tính (Sociologie générale), và xác định các hình thức hợp lý hóa ngay trong chính các tôn giáo. Sự phân biệt mà ông đưa ra giữa ba loại hình lý tưởng về sự thống trị: truyền thống, hợp pháp và tài năng thiên phú (charisme) đã truyền cảm hứng cho nhiều công trình. Tác phẩm này (Sociologie générale), vốn sẽ trở thành chủ đề của các cuộc đấu tranh giành quyền chiếm đoạt cấu thành nên ngành xã hội học sau chiến tranh [Pollak 1988], chỉ bắt đầu được dịch sang tiếng Pháp vào năm 1959, thời điểm ngành này được tái lập, và phần lớn nội dung của nó vẫn không thể tiếp cận được bằng tiếng Pháp trong một thời gian dài, điều mà Bourdieu đã than phiền trong một trong những khóa giảng của ông tại Collège de France [Sociologie générale 2: 18]. Sự tổng hợp mà Bourdieu đề xuất về Durkheim, Marx và Weber sẽ góp phần tách biệt Weber khỏi người giới thiệu đầu tiên của Weber ở Pháp, Raymond Aron, người sử dụng Weber theo hướng chống chủ nghĩa Marx và chống chủ nghĩa thực chứng [Gemperle 2008].
Từ tâm thế đến tập tính
![]() |
Merleau-Ponty (1908-1961) |
Bourdieu có lẽ đã khám phá ra sự nghiệp của Weber trong giáo trình của Maurice Merleau-Ponty về “khoa học nhân văn và hiện tượng học” vào năm 1951, và trong chương đầu tiên của cuốn Aventures de la dialectique (1955), có tựa đề “Cuộc khủng hoảng của sự hiểu biết”. Lúc đó, Xã hội học của Weber là một giải pháp thay thế cho chủ nghĩa Marx vốn coi các kiến trúc thượng tầng (tôn giáo, nghệ thuật, chính trị) chỉ là sự phản ánh của các mối quan hệ sản xuất và là các niềm tin của các ý thức ảo. Nếu Bourdieu giữ lại từ chủ nghĩa duy vật lịch sử tiến trình khách thể hóa các điều kiện tồn tại khác biệt và quan niệm mang tính cấu trúc và biện chứng về mối quan hệ giữa các giai cấp xã hội, thì ông lại đưa trở lại, tiếp nối Weber, quan điểm chủ quan của các tác nhân về thế giới và việc đặt câu hỏi về các logic của hành động. Sự quan tâm của Weber đối với nhóm nhà sản xuất (giáo sĩ, luật sư), mà sự kết hợp trong những đoàn chuyên gia đã tạo nên hiện tượng phân biệt các lĩnh vực hoạt động, đối với Bourdieu cũng có lẽ là phương thuốc giải độc tốt nhất chống lại lý thuyết về sự phản ánh [SG 2: 1005-1007].
![]() |
Bourdieu ban đầu quan tâm đến các công trình của Weber về chủ nghĩa tư bản và xã hội học tôn giáo. Chúng cung cấp cho ông những công cụ để nêu ra vấn đề mà ông gặp phải trong cuộc nghiên cứu về người lao động ở Algérie [Sapiro 2004]. Không giống như thời điểm xuất hiện mà Weber nghiên cứu, ở đây, chủ nghĩa tư bản được áp đặt từ bên ngoài, thông qua chủ nghĩa thực dân. Để chỉ sự nội tâm hóa các điều kiện khách quan và sự trung gian giữa sự tính toán khách quan về xác suất và các kỳ vọng chủ quan, Bourdieu sử dụng, trong Travail et travailleurs en Algérie [338], khái niệm ethos/tâm thế của Weber, mà sau này Bourdieu sẽ thay thế bằng khái niệm “habitus” [PB 1968c: 706 n. 22]. Trong khi phân biệt kỳ vọng chủ quan của cá nhân một tác nhân với các cơ may khách quan của tác nhân đó, trên thực tế, Weber thiết lập mối quan hệ giữa “hiệu lực khách quan trung bình của các cơ may (được ghi nhận một cách hợp lý trong phạm trù “khả năng khách quan”) và các kỳ vọng chủ quan mà một cách trung bình mỗi tác nhân đều nuôi dưỡng” [Weber 1992: 341]. Tuy nhiên, công thức về sự tương hợp này, tính theo trung bình, của kỳ vọng với các cơ may khách quan, vốn là cơ sở của hành động hợp lý theo Weber, đối với Bourdieu lại là sự trừu tượng hóa đặc trưng của thành kiến kinh viện. Sự phê bình này đi kèm với sự phát triển của khái niệm tập tính [PB 1974a: 6-7; Méditations pascaliennes: 315]. Do đó, thuật ngữ habitus (mà Weber đôi khi cũng sử dụng theo một nghĩa khác) được dùng để chỉ hệ thống các sơ đồ nhận thức mà Weber đã chỉ định bằng thuật ngữ ethos và được Bourdieu bổ sung thêm, tiếp theo Marcel Mauss, với các thói quen của cơ thể [Sapiro 2004].
Giáo sĩ và nhà tiên tri: sự hình thành xã hội của khái niệm trường
Xã hội học tôn giáo của Weber cũng đóng một vai trò trong sự hình thành khái niệm trường. Trong giáo trình của ông tại Đại học ở Lille từ năm 1961 đến năm 1964, Bourdieu đã giảng dạy chương về tôn giáo trong Économie et société, trong đó Weber so sánh hình tượng của giáo sĩ, nhà tiên tri và phù thủy. Lưu ý rằng bản dịch tiếng Anh của Talcott Parsons đã bỏ qua “tất cả các chuyển đổi có phần mang tính cấu trúc” [phỏng vấn Pierre Bourdieu, ngày 18 tháng 7 năm 2000], Bourdieu xây dựng một sơ đồ đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa ba hình tượng trên, một sơ đồ sẽ làm cơ sở cho việc xây dựng khái niệm trường [PB 1971f: 6]. Bourdieu gắn tính hệ chuẩn cho sự đối lập giữa giáo sĩ và nhà tiên tri, chuyển sự đối lập này sang các trường sản sinh văn hóa, nơi nó được ghép vào sự đối lập giữa những người thống trị bảo vệ tính chính thống, và những người bị thống trị cố gắng thúc đẩy các hình thức dị giáo [PB 1971d]. Hiện tượng biến tài năng thiên phú thành lề thói được Weber mô tả cũng được áp dụng vào các trường này với mục đích phát hiện.
Sự hình thành “một nhóm chuyên gia quản lý các tài sản cứu rỗi” - các giáo sĩ - đóng góp theo Weber vào quá trình “hợp lý hóa” và “đạo đức hóa” tôn giáo, là một hiện tượng lịch sử mà chúng ta thấy lại trong sự hình thành một nhóm luật gia, và theo Bourdieu, đây là một trong những điều kiện của sự hình thành một trường tương đối tự chủ, dẫn đến “sự phân công lao động thống trị biểu tượng” [PB 1971b: 302, 304; SG 2:801]. Sự độc quyền này về “sự thao túng chính đáng đối với các hàng hóa cứu rỗi”, theo cách diễn đạt của Weber mà Bourdieu rất ưa thích, cũng là nền tảng của điều mà Weber gọi là “sự thuần hóa những người bị thống trị” [PB 1971b: 299; SG 2: 91-92]. Là nguồn gốc của những cuộc đấu tranh cạnh tranh trong nội bộ nhóm chuyên gia, nó cũng đặt vấn đề về mối quan hệ giữa giáo sĩ và giới thế tục, hoặc giữa luật sư và khách hàng của họ; và trong bài giảng ngày 8 tháng 3 năm 1984 của mình, Bourdieu đã đặt thành tiêu đề phân tích của Weber về sự phát minh bồi thẩm đoàn nhân dân đã làm thay đổi cấu trúc của trường pháp lý [SG 2: 75].
Từ sự công nhận đến bạo lực biểu tượng
![]() |
Bourdieu cũng quan tâm đến suy nghĩ của Weber về tính chính đáng, nền tảng cho “Stand” hay “Ständische Lage” - một khái niệm được dịch sang tiếng Anh là “Status group” và được dịch kém cỏi sang tiếng Pháp từ tiếng Anh là “Groupe de statut/nhóm vị thế-địa vị”. Stand được hình thành trên cơ sở “sự kính trọng xã hội” (danh dự, uy tín), chứ không phải trên định nghĩa thuần túy kinh tế về các giai cấp: Bourdieu sử dụng nó trong nghiên cứu của ông về chế độ độc thân của nông dân ở vùng Béarn để hiểu logic xã hội làm nền tảng cho các “cuộc trao đổi hôn nhân” [PB 1962b: 49], và chúng ta có thể nghĩ rằng ý niệm này là một trong những nguồn gốc cho sự suy nghĩ của ông về vốn biểu tượng (dẫn ngược trở lại cho sự suy nghĩ của ông về khái niệm tài năng thiên phú (charisme) của Weber [Raisons pratiques: 187]), sau đó là đến vốn văn hóa. Trong Le Sens pratique, Bourdieu thảo luận về khái niệm “nhóm địa vị” của Weber, giải thích rằng ông không coi đó là một hình thức nhóm khác với các giai cấp, như Weber, mà như là “các giai cấp thống trị bị phủ nhận, hoặc nếu ta muốn, được thăng hoa và do đó được chính đáng hóa” [SP: 241; xem thêm SG 2: 651-652]. Bởi vì vốn văn hóa được công nhận một cách tự phát là chính đáng”, những người sở hữu nó không phải tạo ra cái mà Weber gọi là “thuyết biện thần (théodicée)” về các đặc quyền của riêng họ [SG 2:261]. Sự suy nghĩ này là nguồn gốc của mô hình cấu trúc theo phép đối ngẫu trong không gian xã hội và của sự phân cực của các giai cấp thống trị dựa trên trọng lượng tương đối của vốn kinh tế và vốn văn hóa, mà Bourdieu sẽ phát triển trong La Distinction.
Mặt khác, nếu chống lại khái niệm mác-xít về ý thức ảo, ông giữ lại ý tưởng của Weber về sự công nhận tính chính đáng, Bourdieu sẽ đặt nền tảng của nó, khác với nhà xã hội học Đức, trên bạo lực biểu tượng do sự không hiểu biết về cán cân quyền lực làm cơ sở cho sự công nhận này: “Sự công nhận tính chính đáng không phải là, như Max Weber nghĩ, một hành động tự do của lương tâm sáng suốt” [MP: 255]. Suy nghĩ này cho phép ông hoàn thiện định nghĩa của Weber về Nhà nước như một thế lực độc quyền về bạo lực chính đáng, bằng cách bổ sung định nghĩa này bằng bạo lực biểu tượng chính đáng [SG 1: 184; SG 2: 700; Sur l’État: 14]. Theo Bourdieu, Weber cũng giống như Norbert Elias, “bỏ qua quá trình hình thành của cái vốn của Nhà nước và quá trình mà Quý tộc Nhà nước chiếm độc quyền cái vốn này” [MP: 179].
Chính từ ý niệm về sự không hiểu biết trên mà Bourdieu xem xét mối quan hệ kỳ diệu với thế giới mà Weber gán cho các xã hội truyền thống [SG 1: 61]. Trong bài giảng ngày 15 tháng 3 năm 1984, ông lấy “văn bản rất hay” của Weber về tình hình của công nhân nông nghiệp làm ví dụ, mà ông đã dịch và xuất bản trong Actes de la recherche en sciences sociales (số 65, 1986), tiếp theo là bình luận của Michael Pollak đặt phân tích này vào bối cảnh của nó. Weber phân tích những chuyển đổi do việc thay thế người đầy tớ bằng người công nhân nông nghiệp, mà theo quan điểm hợp lý hóa nền kinh tế, đã thay thế cho mối quan hệ gia trưởng “mê hoặc” [SG 2: 130; Anthropologie économique: 60].
Ngược lại, có lẽ vì sự tiếp thu Weber bởi Parsons và chủ nghĩa chức năng cấu trúc theo hướng bảo thủ, Bourdieu đã không lấy lại sự suy nghĩ của Weber về các giá trị (vốn tạo cơ sở cho một trong các hình thái của hành động hợp lý), mà thích nói về các sơ đồ đạo đức-chính trị và thẩm mỹ được ghi nhận dưới dạng thiên hướng trong tập tính của cá nhân. Hơn nữa, nếu ông mượn từ Weber cũng như từ Marx cách phân tích các chức năng tư tưởng của tôn giáo cũng như các hình thái văn hóa khác, và nếu, giống như Weber, ông liên hệ chúng với các lợi ích đặc thù của nhóm chuyên gia tạo ra chúng, ông cũng dựa vào truyền thống tân Kant để phân tích cấu trúc của các hình thái này như là các hình thái biểu tượng, theo một cách tiếp cận xa lạ với Weber [MP: 256].
Những nguyên tắc của sự cảnh giác khoa học luận
Ở cấp độ khoa học luận, Weber cũng đóng vai trò thiết yếu, bằng chứng là năm đoạn trích của ông được dịch trong Le Métier de sociologue. Chúng liên quan đến bốn khía cạnh: 1) mối quan hệ chủ quan mà các nhà nghiên cứu có với đối tượng nghiên cứu của họ (cũng là chủ đề được đề cập trong cuốn Un art moyen [17]); 2) sự suy nghĩ về tính trung lập về mặt giá trị, mà các tác giả nhắc lại là định hướng, đối với Weber, để chống lại triết lý xã hội của thời đại ông (cần phải chỉ rõ là chống lại các lý thuyết phân biệt chủng tộc, nhưng cũng chống lại chủ nghĩa Marx), và họ lấy làm tiếc cho việc sử dụng nó một cách thông thường mà không đặt câu hỏi về tính không trung lập về mặt khoa học luận và phương pháp luận; 3) sự cảnh báo về sự cám dỗ của lời tiên tri xã hội học; 4) việc sử dụng phương pháp xây dựng các loại hình lý tưởng, mà các tác giả ca ngợi giá trị để phát hiện trong việc xây dựng các giả thuyết, và được Bourdieu và Jean-Claude Passeron sử dụng rõ ràng trong Les Héritiers [MS: 72-75; Weber 1992: 171 sq.].
Hoàn toàn khác biệt so với Aron, rồi so với những người ủng hộ “phương pháp luận cá nhân”, cách Bourdieu đọc tác phẩm của Weber, thông qua các câu hỏi thực nghiệm và lý thuyết mà ông tự đặt ra, đã tạo ra một sự tiếp thu độc đáo và một sự tổng hợp chưa từng có với những thành tựu của xã hội học Durkheim và lý thuyết Marx.
Gisèle Sapiro
Giám đốc nghiên cứu tại CNRS và EHESS
GEMPERLE, M. “La fabrique d’un classique français: le cas de “Weber”“, Revue d’histoire des sciences humaines, vol. 18, no 1, 2008, p. 159-177. – SAPIRO G., 2004, “La formation de la théorie de l’habitus”, suivi d’un “entretien avec Pierre Bourdieu”, in L. PINTO, G. SAPIRO et P. CHAMPAGNE (dir.), Pierre Bourdieu, sociologue, Paris, Fayard, p. 49-91. – POLLAK M., 1988, “La place de Weber dans le champ intellectuel français”, Droit et société, no 9, p. 189-201. – WEBER M., 1992, Essais sur la théorie de la science, Paris, Pocket (1965).
☛ ACTES DE LA RECHERCHE EN SCIENCES SOCIALES, ARON, AUTONOMIE, BÉARN, BIENS DE SALUT, CALCUL, CAPITAL CULTUREL, CAPITAL ÉCONOMIQUE, CAPITAL SYMBOLIQUE, CAPITALISME, CHAMP, CHAMP(S) DE PRODUCTION CULTURELLE, CHAMP JURIDIQUE, CHIASME, CLASSE(S) DOMINANTE(S), CLASSE(S) SOCIALE(S), CROYANCE, DIFFÉRENCIATION, DISTINCTION (LA), DIVISION DU TRAVAIL, DOMESTICATION DES DOMINÉS, DOMINATION, DROIT, DURKHEIM, ELIAS, ESPACE SOCIAL, ESPÉRANCES, ÉTAT, ETHOS, FAUSSE CONSCIENCE, FORME, GROUPE(S), HABITUS, HÉRITIERS (LES), HÉTÉRODOXIE, INTÉRIORISATION, LÉGITIMATION, LUTTE(S), MARXISME, MAUSS, MÉCONNAISSANCE, MERLEAU-PONTY, MÉTHODOLOGIE, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), OBJECTIVATION, ORTHODOXIE, PARSONS, PASSERON, PRÊTRE, PROPHÈTE, RECONNAISSANCE, REFLET, RELIGION, SCHÈME(S), SENS PRATIQUE (LE), SOCIOLOGIE GÉNÉRALE, SOCIOLOGIE HISTORIQUE, SORCIER, STRUCTURE(S), SUR L’ÉTAT, SYSTÈME, TRAVAIL ET TRAVAILLEURS EN ALGÉRIE, TYPE, UN ART MOYEN, VALEUR, VIOLENCE SYMBOLIQUE
Thư mục
1960 [TTA] Travail et travailleurs en Algérie, (avec A. Darbel, J.-P. Rivet et C. Seibel), Paris, La Haye, Mouton.
1964 [H] Les Héritiers. Les étudiants et la culture (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.
1965 [AM] Un art moyen. Essai sur les usages sociaux de la photographie (avec L. Boltanski, R. Castel et J.-C. Chamboredon), Paris, Minuit.
1968 [MS] Le Métier de sociologue. Préalables épistémologiques (avec J.-C. Chamboredon et J.-C. Passeron), Paris, La Haye, Mouton, éd. corrigée, 1973.
1979 [Di] La Distinction. Critique sociale du jugement, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une introduction, 1982.
1980 [SP] Le Sens pratique, Paris, Minuit, rééd. 1989.
1994 [RP] Raisons pratiques. Sur la théorie de l’action, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 1996.
2002 [I] Interventions, 1961-2001. Science sociale et action politique, Marseille, Agone.
2012 [SÉ] Sur l’État. Cours au Collège de France, 1989-1992, Paris, Raisons d’agir/Seuil.2016
2015 [SG 1] Sociologie générale, vol. 1, éd. établie par P. Champagne, J. Duval, F. Poupeau et all., Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.
2016 [SG 2] Sociologie générale, vol. 2, éd. établie par P. Champagne et J. Duval, avec la collaboration de F. Poupeau et M.-C. Rivière, Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.
[PB 1962b] “Célibat et condition paysanne”, Études rurales, no 5-6, p. 32-136.
[PB 1968c] “Structuralism and theory of sociological knowledge” (trad. A. Zanotti-Karp), Social research, vol. 35, no 4, p. 681-706.
[PB 1971d] “Le marché des biens symboliques”, L’Année sociologique, vol. 22, p. 49-126.
[PB 1971f] “Une interprétation de la théorie de la religion selon Max Weber”, Archives européennes de sociologie, vol. 12, no 1, p. 3-21.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, CNRS Éditions, Paris, 2020
