CÁCH HỌC NGÔN NGỮ NHƯ TRẺ THƠ
![]() |
VS. Vladimír Šigut, Đại học Charles , Tác giả cung cấp (không được sử dụng lại) |
Học một ngôn ngữ mới ở tuổi trưởng
thành có thể là một trải nghiệm gây nản lòng, gần như nghịch lý. Trên lý thuyết,
bộ não trưởng thành và giàu kinh nghiệm hơn của người lớn chúng ta lẽ ra nên
giúp ta học tập dễ dàng hơn, nhưng trên thực tế, những em bé chưa biết đọc biết
viết mới là người tiếp thu ngôn ngữ một cách dễ dàng, không phải người lớn.
Trẻ sơ sinh bắt đầu hành trình học
ngôn ngữ từ khi còn trong bụng mẹ. Khi tai và não đã phát triển đủ, trẻ sẽ điều
chỉnh phản ứng theo nhịp điệu và âm điệu của tiếng nói nghe được qua bụng mẹ.
Trong vòng vài tháng sau khi sinh, chúng bắt đầu phân tách âm thanh nói liên tục
thành từng đoạn nhỏ và học cách phát âm của các từ. Đến khi biết bò, trẻ nhận
ra rằng nhiều đoạn âm thanh ngắn là để gán nhãn cho các sự vật xung quanh mình.
Phải mất hơn một năm lắng nghe và quan sát trước khi trẻ nói được những từ đầu
tiên, còn việc đọc và viết thì diễn ra muộn hơn nhiều.
Tuy nhiên, đối với người lớn học ngoại ngữ, quá trình này thường bị đảo ngược. Họ bắt đầu bằng cách học từ vựng, thường là từ sách vở, và cố gắng phát âm chúng trước khi nắm bắt được tổng thể (các yếu tố) âm thanh của ngôn ngữ đó.
Làm quen với một ngôn ngữ mới
Nghiên
cứu mới của chúng tôi cho thấy người lớn có thể nhanh chóng nắm
bắt được các mẫu giai điệu và nhịp điệu của một ngôn ngữ hoàn toàn mới. Điều đó
xác nhận rằng cơ chế tiếp thu ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn còn nguyên vẹn trong bộ não người
trưởng thành.
Trong thí nghiệm của chúng tôi,
174 người Séc trưởng thành đã dành 5 phút để nghe tiếng Māori, một ngôn ngữ mà
họ chưa từng nghe. Sau đó, họ được kiểm tra bằng các đoạn âm thanh mới từ tiếng
Māori hoặc tiếng Mã Lai – một ngôn ngữ họ không quen thuộc khác nhưng tương tự
(về mặt âm thanh với tiếng Māori) – và được yêu cầu cho biết họ có đang nghe
cùng một ngôn ngữ với bài nghe 5 phút trước đó hay không.
Các cụm từ thử nghiệm được lọc âm
thanh để mô phỏng lời nói nghe được trong tử cung. Điều này giữ lại giai điệu
và nhịp điệu, nhưng loại bỏ các tần số cao hơn 900 Hz vốn chứa chi tiết về phụ
âm và nguyên âm.
Người nghe thường phân biệt đúng
các ngôn ngữ, điều này cho thấy ngay cả khi chỉ tiếp xúc trong thời gian rất ngắn,
họ cũng có thể nắm bắt được các giai điệu và nhịp điệu của một ngôn ngữ, tựa
như trẻ sơ sinh vậy.
Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp
xúc, chỉ có một nhóm người tham gia chỉ đơn giản lắng nghe – ba nhóm khác thì lắng
nghe trong khi đọc phụ đề. Phụ đề được hiển thị dưới dạng chính tả tiếng Māori
nguyên bản, trong đó mỗi chữ cái cụ thể chỉ có một cách phát âm tương ứng (tương
tự như tiếng Tây Ban Nha), hoặc được thay đổi để giảm sự tương ứng giữa âm
thanh và chữ cái (như trong tiếng Anh, ví dụ như “sight”, “site”, “cite”), hoặc
chúng được phiên âm hẳn sang một loại chữ viết mà không một người tham gia nào
biết (tiếng Do Thái).
Kết quả cho thấy việc đọc chính tả
theo bảng chữ cái thực sự cản trở sự nhạy cảm của người lớn đối với giai điệu
và nhịp điệu chung của ngôn ngữ mới, làm kết quả kiểm tra của họ kém hơn. Là người
học hoàn toàn mới, những người tham gia có thể học thêm tiếng Māori mà không cần
bất kỳ kiểu hỗ trợ bằng văn bản nào.
Đọc thêm: Tại sao chúng ta có thể đọc tiếng Phần Lan dù
không hiểu gì – hãy xem qua các ngôn ngữ 'trong suốt'
Mù chữ ban đầu giúp ích cho việc
học
Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên
các nghiên cứu trước đây, vốn đã phát hiện ra rằng chính tả có thể ảnh hưởng đến
cách người học phát âm từng nguyên âm và phụ âm của ngôn ngữ không phải tiếng mẹ
đẻ. Ví dụ trong số những người học tiếng Anh thì người
Ý kéo dài các chữ cái đôi hoặc người
Tây Ban Nha nhầm lẫn các từ như "sheep" và "ship" do
cách đọc "i" và "e" trong tiếng Tây Ban Nha.
Nghiên
cứu của chúng tôi cho thấy chính tả thậm chí có thể cản trở khả
năng tự nhiên của chúng ta trong việc lắng nghe giai điệu và nhịp điệu của lời
nói. Do đó, các chuyên gia đang tìm cách đánh thức lại khả năng học ngôn ngữ của
người trưởng thành nên cân nhắc đến tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc tiếp xúc
sớm với việc viết chính tả bảng chữ cái khi học ngoại ngữ.
Các
nghiên cứu ban đầu đã đề xuất rằng “giai đoạn nhạy cảm” giả định để
tiếp thu các mẫu âm thanh của một ngôn ngữ kết thúc vào khoảng 6 tuổi. Không phải
ngẫu nhiên mà đây là độ tuổi mà nhiều trẻ em học đọc. Cũng có nghiên cứu về trẻ sơ sinh cho thấy rằng
việc bắt đầu với các đặc điểm toàn thể của lời nói, chẳng hạn như giai điệu và
nhịp điệu, đóng vai trò như cửa ngõ dẫn đến các cấp độ khác của ngôn ngữ mẹ đẻ.
Một cách tiếp cận ngược lại đối với
việc học ngôn ngữ – bắt đầu bằng các hình thức viết – thực sự có thể làm giảm sự
nhạy cảm của người lớn đối với giai điệu và nhịp điệu của ngoại ngữ. Điều này ảnh
hưởng đến khả năng cảm nhận và nói năng trôi chảy của họ và, mở rộng ra là các
năng lực ngôn ngữ khác như ngữ pháp và cách sử dụng từ vựng.
Một
nghiên cứu với học sinh lớp một và lớp ba xác nhận rằng cách trẻ
em mù chữ học một ngôn ngữ mới khác với trẻ em biết chữ. Những trẻ không biết đọc
giỏi hơn hẳn trong việc học mạo từ nào đi với danh từ nào (như trong tiếng Ý
“ il bambino” hoặc “ la bambina”) so với việc
học từng danh từ riêng lẻ. Ngược lại, cách học của trẻ biết chữ bị ảnh hưởng bởi
hình thức viết, vốn có khoảng cách giữa mạo từ và danh từ.
Học như một đứa trẻ
Nghe mà không đọc chữ cái có thể
giúp chúng ta ngừng tập trung vào từng nguyên âm, phụ âm và từ riêng lẻ, thay
vào đó là tiếp thu toàn bộ dòng chảy của ngôn ngữ giống như trẻ sơ sinh. Nghiên
cứu của chúng tôi cho thấy người học trưởng thành có thể hưởng lợi từ việc áp dụng
phương pháp tiếp cận tập trung nhiều hơn vào thính giác – tương tác với ngôn ngữ
nói trước khi làm quen với đọc và viết.
Những hệ quả này rất quan trọng
trong việc dạy ngôn ngữ. Các phương pháp truyền thống thường chú trọng nhiều
vào việc đọc và viết ngay từ đầu, nhưng việc chuyển sang trải nghiệm việc lắng
nghe có thể đẩy nhanh khả năng nói.
Do đó, người học ngôn ngữ và nhà
giáo dục nên cân nhắc điều chỉnh các phương pháp của mình. Điều này có nghĩa là
lắng nghe các cuộc trò chuyện, podcast và cách nói của người bản xứ ngay từ bước
đầu tiên của việc học ngôn ngữ, chứ không phải trực tiếp đi tìm đọc chữ viết.
Tác giả
Trợ lý giáo sư, Đại học Charles
Trợ lý giáo sư, Đại học Palacky Olomouc
Trợ lý Giáo sư Ngữ âm tiếng Anh,
Đại học Palacky Olomouc
Tuyên bố công khai
Kateřina Chládková đã nhận tài trợ
bên ngoài từ Viện Hàn lâm Khoa học Séc, Quỹ Khoa học Séc và Bộ Giáo dục Séc. Cô
tư vấn và đồng phát triển ứng dụng học ngôn ngữ Mooveez.
Šárka Šimáčková đã nhận tài trợ
bên ngoài từ Quỹ Khoa học Séc.
Václav Jonáš Podlipský đã nhận
tài trợ bên ngoài từ Quỹ Khoa học Séc.
Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: How to learn a language like a baby, The Conversation, March 12, 2025.
