KHI TRUMP NỖ LỰC ĐỂ ĐƯA … TRUNG QUỐC VĨ ĐẠI TRỞ LẠI
Tác giả: Pierre-Antoine Donnet
![]() |
Nhân viên Trung Quốc đang điều chỉnh cờ Hoa Kỳ và Trung Quốc. |
Mục tiêu của Donald Trump là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again), nhưng các quyết định của ông đang gây ra sự khó hiểu trên toàn thế giới. Nhiều nhà phân tích và quan sát tin rằng quyết định sau cùng, bao gồm việc áp đặt mức thuế quan cao ngất ngưởng lên toàn bộ hành tinh, có thể có tác dụng “khiến Trung Quốc vĩ đại trở lại”.
------------------------------------------------------
“Người ta có thể nghĩ rằng đây là thời điểm lo âu ở quốc gia mà Hoa Kỳ coi là đối thủ chính của mình. Trên thực tế, các phóng sự của chúng tôi ở Bắc Kinh cho thấy một tình hình rất khác. Chương trình MAGA gây áp lực trên các nhà lãnh đạo Trung Quốc để buộc họ sửa chữa những sai lầm kinh tế tồi tệ nhất của họ. Nó cũng tạo ra cơ hội để vẽ lại bản đồ địa chính trị của Châu Á theo hướng có lợi cho Trung Quốc”, tuần báo The Economist nhấn mạnh.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc vốn đã yếu kém sẽ phải chịu ảnh hưởng từ mức thuế quan mà Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ áp đặt, “Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên MAGA mới mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump”, tuần báo Anh này giải thích vào ngày 4 tháng 4 trong bài xã luận có tựa đề “Cách nước Mỹ có thể khiến Trung Quốc vĩ đại trở lại bằng một cơ hội lớn và tuyệt vời”.
Có một số lập luận ủng hộ việc Trung Quốc sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau cuộc chiến thương mại mới do chính quyền mới của Mỹ khởi xướng. Đất nước này đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, và chủ tịch nước, Tập Cận Bình, đã chuẩn bị cho thế giới hỗn loạn ngày nay ngay từ khi ông lên nắm quyền lãnh đạo chế độ cộng sản Trung Quốc vào năm 2012.
Trong số những sai lầm mà ông và các lãnh đạo già nua theo chủ nghĩa Lênin xung quanh ông dường như đã sửa chữa có các biện pháp trừng phạt đối với khu vực tư nhân và các doanh nhân lớn. Mặc dù một số quan chức quá sốt sắng vẫn chưa hiểu được thông điệp, nhưng có những dấu hiệu cho thấy bản thân Tập Cận Bình đã hiểu được rằng cần phải khẩn cấp điều chỉnh hướng đi.
Trong bài phát biểu đáng chú ý vào ngày 23 tháng 3, người phụ tá của ông, thủ tướng Lý Cường đã ca ngợi những “con rồng” của Hàng Châu, thủ phủ về sự đổi mới sáng tạo của Trung Quốc. Đã có nhiều tuyên bố chính thức khác đánh dấu sự phục hồi của các công ty tư nhân trong những tuần gần đây.
Trung Quốc sẵn sàng ‘chiến đấu đến cùng’, không chịu khuất phục trước ‘sự dọa nạt’
Ngay từ bây giờ, mà không hề bất ngờ, thay vì nhượng bộ trước lời đe dọa mới nhất của Donald Trump về việc tăng thêm 50% thuế vào mức thuế đã được áp đặt, Trung Quốc đã tuyên bố vào thứ Ba, ngày 8 tháng 4, rằng họ sẵn sàng “chiến đấu đến cùng”. Bộ Thương mại Trung Quốc đã làm rõ rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận “lời hù dọa” của Donald Trump nâng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 104%. Bắc Kinh đáp trả với mức phụ thu 84% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, tổng thống Hoa Kỳ đã đi xa hơn khi tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc lên 125%, đồng thời tuyên bố tạm dừng trong 90 ngày đối với mức tăng thuế đã công bố trước đó đối với tất cả các quốc gia khác.
Minh họa cho quyết tâm mới của Trung Quốc trước Hoa Kỳ, những phản ứng ở Trung Quốc là những phản ứng cứng rắn, điều trái ngược với quá khứ. “Người dân Trung Quốc không kích động sự biến loạn và không sợ sự biến loạn. Áp lực, đe dọa và hù dọa không phải là cách đúng đắn để đối xử với Trung Quốc”, Li Jian, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh vào thứ Ba.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng viết vào cùng ngày rằng Trung Quốc đã tích lũy được “kinh nghiệm to lớn” trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. “Việc lạm dụng áp đặt thuế quan của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi, nhưng bầu trời sẽ không sụp đổ xuống đầu chúng tôi”, tờ báo viết trong bài bình luận. “Nền kinh tế Trung Quốc thật khổng lồ. Chúng tôi có sức mạnh và khả năng chịu đựng cần thiết để đối mặt với sự tàn bạo của thuế quan Hoa Kỳ”, tờ báo này viết thêm trên trang nhất.
Các nhà kinh tế Leah Fahy và Mark Williams của Capital Economics có trụ sở tại London được tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia trích dẫn, phát biểu vào thứ Ba, ngày 8 tháng 4 rằng Chủ tịch Tập Cận Bình “có vẻ nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc đủ mạnh để chống chọi với bất kỳ động thái nào tiếp theo của Trump”. Lập trường cứng rắn của Trung Quốc là kết quả của nhiều năm chuẩn bị cho một cuộc xung đột thương mại mới với Mỹ, với những nỗ lực liên tục nhằm đa dạng hóa các đối tác thương mại để giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Bà Wang Dan, giám đốc về Trung Quốc của công ty tư vấn Eurasia Group tại Singapore, chia sẻ với Nikkei Asia rằng “Trung Quốc đã từ lâu thiết lập khoảng cách với Hoa Kỳ” trong lĩnh vực này. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ hiện chỉ chiếm khoảng 3% GDP của Trung Quốc, so với mức 4% trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Một số chuyên gia Trung Quốc được tờ Financial Times trích dẫn hôm thứ Ba ước tính rằng tuy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chịu thiệt hại từ cuộc chiến thương mại do Donald Trump phát động, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ Mỹ.
Gao Jian, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Thượng Hải và là thành viên của Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết: “Không đời nào Bắc Kinh chịu khuất phục trước sự hăm dọa của Trump”. Shi Yinhong, cố vấn chính phủ và giáo sư tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cũng có cùng quan điểm. Ông tin rằng ngay cả khi hoạt động thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ “bị phá hủy phần lớn”, thì cách tiếp cận không nhân nhượng của Bắc Kinh sẽ không thay đổi. “Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có lập trường đặc biệt cứng rắn và không nhân nhượng để đáp trả cuộc chiến thuế quan của Trump”, Shi Yinhong, người tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành bên chiến thắng trong cuộc xung đột này, bình luận.
Chính sách cô lập của Hoa Kỳ có lợi cho Trung Quốc
Khi nước Mỹ tự giam mình trong một chủ nghĩa cô lập mới thậm chí còn khắc nghiệt hơn chủ nghĩa mà Trump đã thiết lập trong nhiệm kỳ đầu tiên, một trong những rủi ro lớn nhất của chính sách này là đẩy nước Mỹ vào suy thoái trong khi trao cho Trung Quốc một cơ hội bất ngờ để xác định lại quan hệ thương mại toàn cầu của mình bằng cách đề nghị đầu tư vào ngành sản xuất của các nước đối tác thay vì tràn ngập chúng với hàng xuất khẩu.
Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là những cơ hội địa chính trị được trao cho Trung Quốc, với hậu quả thảm khốc đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ tới. “Trung Quốc đang cược rằng diễn ngôn của MAGA về một thỏa thuận ‘Kissinger đảo ngược’, trong đó Mỹ sẽ đẩy Nga ra xa Trung Quốc, là điều ngu ngốc. Chủ nghĩa bảo hộ của Trump, sự khinh thường đối với các đồng minh và sự thờ ơ với nhân quyền là sự phủ nhận các giá trị của Mỹ: ngọn hải đăng của thế giới tự do giờ đây có vẻ thất thường và nguy hiểm”, The Economist nhấn mạnh thêm.
Vào tháng 4 năm 2023, trong một trong nhiều chuyến thăm chính thức tới Moscow, khi ông chào tạm biệt người chủ nhà và “người bạn thân nhất” Vladimir Putin, Tập Cận Bình đã nói với ông này: “Nhiều thay đổi sẽ diễn ra, chưa từng có từ một trăm năm nay, và chúng ta sẽ cùng nhau dẫn dắt những thay đổi này.” Như thường lệ, chủ tịch Trung Quốc thận trọng không nói thêm gì nữa. Nhưng thông điệp tiềm ẩn đã rõ ràng: Trung Quốc và Nga nay sẽ cùng chung mục tiêu chống lại Phương Tây và các giá trị dân chủ và tự do cá nhân mà họ sẽ làm mọi cách để phá hủy và thay thế bằng giá trị của riêng họ, dựa trên sự cưỡng ép, đe dọa và luật của kẻ mạnh nhất.
Tuyên bố này hầu như không được chú ý vào thời điểm đó. Tuy nhiên, gần như là điềm báo trước, nó lại có tiếng vang kỳ lạ vào thời điểm mà nước Mỹ đắm chìm dưới sự kết hợp hành động của tổng thống Donald Trump, phó tổng thống và nhà tư tưởng hàng đầu J.D. Vance và thuộc hạ thân tín của ông, tỷ phú giàu nhất hành tinh Elon Musk.
Tuyên bố này minh họa cho sự vô ích của những nỗ lực của Donald Trump nhằm chia rẽ liên minh trên thực tế giữa Trung Quốc và Nga kể từ cuộc xâm lược của Nga chống Ukraine vào ngày 22 tháng 2 năm 2022. Liên minh này sẽ tồn tại lâu dài và tư thế khuất phục của Donald Trump trước yêu cầu của Vladimir Putin về việc tìm kiếm một nền hòa bình ảo tưởng ở Ukraine sẽ chỉ củng cố thêm liên minh này.
Những sai lầm địa chính trị khác của Donald Trump cũng rất nhiều và thảm hại không kém. Một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất là thái độ coi thường NATO và Ukraine của ông, điều này đã giáng một đòn mạnh vào lòng tin của các đồng minh Châu Á và cam kết bảo vệ Đài Loan của ông. Tạp chí The Economist chỉ ra rằng tất cả những điều này “là một món quà dành cho ông Tập”.
Bắc Kinh đã không chần chừ để tận dụng sự rối loạn của các đồng minh của Hoa Kỳ. Wang Huiyao, một cựu quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện là cố vấn cho tổ chức nghiên cứu gần với chính quyền Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cách đây vài ngày đã thúc giục các nước Châu Á “cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn này và chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Cuối cùng, Hoa Kỳ có thể mất hết ảnh hưởng và bị cô lập”, ông nói thêm, được BBC trích dẫn.
Làm thế nào để tàn phá một đất nước và trao nó cho Trung Quốc
Vào ngày 7 tháng 4, Stephen M. Walt, một nhà báo chuyên viết xã luận cho tạp chí Foreign Policy xuất bản hai tháng một lần của Mỹ và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard, đã công bố một bản cáo trạng cứng rắn đối với Donald Trump, có tựa đề “Cách hủy hoại một đất nước”, cáo buộc Trump đã phá hủy toàn bộ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ có lợi cho Trung Quốc.
“Trong vòng chưa đầy ba tháng, chính quyền Trump đã nhiều lần xúc phạm các đồng minh Châu Âu của chúng ta, đe dọa sẽ chiếm giữ lãnh thổ thuộc về một trong số họ (Đan Mạch) và gây ra những cuộc cãi vã không cần thiết với Colombia, Mexico, Canada và một số quốc gia khác. “Trump và Phó Tổng thống J.D. Vance đã công khai ngược đãi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục và, giống như những tên mafia, tiếp tục cố gắng ép buộc Ukraine nhượng lại quyền khai thác khoáng sản để tiếp tục được Mỹ viện trợ”, ông viết.
“Với sự phô trương rầm rộ, chính quyền Mỹ đã giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ [USAID], rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] và nêu rõ rằng chính phủ của nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn quan tâm đến việc giúp đỡ những xã hội ít giàu có hơn. Bạn có thể tưởng tượng có cách nào tốt hơn để khiến Trung Quốc trông có vẻ tốt đẹp hơn khi so sánh không?” ông nói thêm.
“Trump và những kẻ tay sai của ông ta không hiểu bất kỳ điều gì về vấn đề này. Họ tin rằng các thể chế và các chuẩn mực quốc tế chỉ là những ràng buộc bất tiện đối với quyền lực của Hoa Kỳ, và họ tin rằng việc không thể đoán trước sẽ làm các quốc gia khác mất phương hướng và tối đa hóa ảnh hưởng của Hoa Kỳ”, ông nhấn mạnh.
“Trong thế giới hiện đại, thành tích kinh tế, khả năng quân sự và phúc lợi của người dân phụ thuộc trước hết vào kiến thức. Sự lãnh đạo về khoa học và công nghệ của Hoa Kỳ là lý do chính khiến nước này trở thành nền kinh tế mạnh nhất thế giới trong nhiều thập kỷ và tại sao sức mạnh quân sự của nước này lại đáng gờm đến vậy”, chuyên gia địa chính trị này tiếp tục.
“Thay vào đó Trump đang làm gì? Ngoài việc bổ nhiệm những người không có hiểu biết khoa học vào các vị trí then chốt của chính phủ […] ông ta đã tuyên bố mở một chiến dịch chống lại các thể chế đã nuôi dưỡng việc tạo ra kiến thức và tiến bộ khoa học tại Hoa Kỳ kể từ Thế chiến II […] Ông Trump đang phá hủy một thành tố quan trọng của quyền lực, uy tín và ảnh hưởng của Hoa Kỳ,” Stephen M. Walt tiếp tục.
“Tóm lại, chế độ Trump vi phạm hầu hết những gì chúng ta biết về cách thức mà các quyết định phải được lấy và phần lớn những gì chúng ta biết về chính trị toàn cầu […] Thay vì làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, những sai lầm này sẽ khiến nước Mỹ trở nên nghèo nàn hơn, ít quyền lực hơn, ít được tôn trọng hơn và ít ảnh hưởng hơn trên thế giới. Và đó, thưa quý ông, quý bà, chính là cách mà chính sách đối ngoại của một quốc gia bị phá hủy”, ông kết luận.
Đối với Bắc Kinh, mối đe dọa là nước Mỹ
“Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, mới là quốc gia đáng sợ”, nhà xã luận Alex Lo giải thích trên tờ South China Morning Post ngày 6 tháng 4, trong một bài chỉ trích cay độc về nước Mỹ, một thói quen của ông. “Nếu Mỹ muốn thuyết phục Đông Nam Á thành lập mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc, thì mức thuế “phổ quát” của Donald Trump vừa bắn vào chính chân mình”, ông giải thích trong mục báo tiếng Anh của tờ báo Hong Kong này, nay đã phục tùng Bắc Kinh.
“Nếu ý tưởng là quân sự hóa Nam Thái Bình Dương - bằng cách gây sức ép lên các quốc đảo nhỏ bé này - với sự giúp đỡ của Úc trong khuôn khổ của liên minh quân sự Aukus, thì nước Mỹ đã tự bắn vào chân kia của mình”, Alex Lo nói một cách mỉa mai, ám chỉ đến thỏa thuận ba bên giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc về việc cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho quốc gia này cũng như lời chỉ trích của Phương Tây về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
“Tôi tưởng tượng là Tập Cận Bình đang trích dẫn Napoleon, người đã bảo các tướng lĩnh của mình không nên quá hưng phấn trong một chiến dịch lớn. “Quý ông,” ông nói, “chúng ta hãy đợi một chút; khi kẻ thù của ta có động thái sai lầm, đừng bao giờ ngắt họ”, nhà xã luận nói thêm, với giọng điệu cay độc thường thấy, ông gợi ý rằng ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc nên đợi thêm một thời gian nữa cho đến khi Mỹ bị chìm đắm hoàn toàn trước khi hành động.
Hệ quả xác thực đầu tiên của sự bất ổn do các biện pháp bảo hộ của Hoa Kỳ gây ra là việc tổ chức các cuộc thảo luận ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, mà một trong những mục tiêu là ký kết một hiệp định thương mại tự do giữa ba nước, một ý tưởng đã được nêu ra cách đây hơn mười năm nhưng đã bị đóng băng do cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Dù có chuyện gì xảy ra trong những tháng tới thì những thiệt hại đã bị gây ra là không thể khắc phục được. Thật vậy, một động năng của chính sách đối ngoại, ngay cả khi có thể bị triệt hạ nhanh chóng như hiện nay, cũng rất khó để được thiết lập lại vì để có hiệu quả, nó đòi hỏi phải lấy lại lòng tin đã mất với các đối tác bên ngoài.
Thiệt hại địa chính trị đối với Hoa Kỳ sẽ lâu dài
Nhiều khả năng sẽ có những quyết định tồi tệ khác được đưa ra. Bóng ma về một cuộc nội chiến cũng đang lờ mờ xuất hiện ở đất nước này, nơi mà những sự đối kháng và sự phân cực chính trị chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế từ lâu và nơi mà bạo lực thường là quy tắc. Khi đó, sự đắm tàu có thể sẽ là hoàn toàn.
Sau một thời gian im lặng cho thấy sự kinh ngạc trước quy mô của thảm họa do Nhà Trắng gây ra, chính quyền Trung Quốc đang bắt đầu tự tổ chức lại. Tất nhiên, Trung Quốc sẽ phải đối mặt thêm với những khó khăn kinh tế do lệnh áp thuế của Hoa Kỳ gây ra.
Nhưng cũng không còn nghi ngờ gì nữa rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ nổi lên là bên chiến thắng lớn trong cuộc đối đầu đã bắt đầu từ lâu giữa Bắc Kinh và Washington. Bởi vì nếu giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc vẫn thận trọng và chín chắn trong các quyết định địa chính trị của mình trước chủ nghĩa phiêu lưu ở Washington, họ sẽ biết cách tận dụng mọi lỗ hổng do các quyết định của Donald Trump để lại.
Những gì có vẻ như là một sự tự sát địa chính trị toàn diện của nước Mỹ dưới thời Trump, bắt đầu vào ngày 20 tháng 1 năm 2025, mang đến (cho giới lãnh đạo) Trung Quốc một cơ hội duy nhất để tận dụng sự khinh suất của đối thủ lớn Mỹ đang mở rộng cánh cửa để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình. Ưu tiên của Bắc Kinh sẽ là Châu Á, nhưng có lẽ Trung Quốc sẽ không dừng lại ở đó.
Ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là chiếm Đài Loan
Bất kể những lời hứa mà Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth đã đưa gần đây trong chuyến công du Philippines và Nhật Bản về sự cam kết kiên trì của Hoa Kỳ đối với Đông Á, và bất kể lời hứa nào mà chính quyền Hoa Kỳ có thể đưa ra ở Châu Á trong tương lai, thì lòng tin đã phần nào bị tổn hại với một đồng minh khó đoán hơn bao giờ hết. Do đó, điều cấp bách là phải chuẩn bị cho tương lai, với sự quan tâm đến sự tiền hậu bất nhất của nước Mỹ dưới thời Trump và trước tiên là với việc buộc phải tìm tiếng nói chung bằng mọi giá với người hàng xóm Trung Quốc hiếu động.
Những nhượng bộ mà Bắc Kinh yêu cầu sẽ rất nhiều. Một trong số đó là trội nhất: không làm gì cho Đài Loan trong tương lai nếu giới lãnh đạo Trung Quốc thực hiện kế hoạch chiếm hòn đảo này, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Do đó, sự bất trắc cấp bách nhất trong khu vực có lẽ là tương lai của Đài Loan. Để đổi lấy sự trung lập hoàn toàn về vấn đề này, Bắc Kinh sẽ hứa với các nước láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á về nền hòa bình lâu dài. Thêm một lời hứa khác mà các quốc gia này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tin hoặc giả vờ tin.
Việc biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine như Donald Trump đang làm ngày hôm nay cũng giống như việc biện minh cho cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc vào ngày mai. Trung Quốc hiện đang tăng cường các mối đe dọa đối với hòn đảo này, một thành trì của nền dân chủ. Bài học lịch sử là nếu ta đầu hàng những kẻ độc tài như Donald Trump đang làm, ta sẽ không bao giờ chiến thắng.
Phạm Như Hồ dịch
Về tác giả Pierre-Antoine Donnet
![]() |
![]() |
Pierre-Antoine Donnet (1953-) |
Cựu nhà báo của AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng mười lăm tác phẩm tập trung vào Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của Châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên này tại Bắc Kinh đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis/Vấn đề lãnh đạo toàn cầu, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ” tại NXB Éditions de l’Aube. Ông cũng là tác giả của tác phẩm “Tibet mort ou vif/ Tây Tạng chết hay sống”, do Gallimard xuất bản. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur/Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại”, xuất bản năm 2021 (l’Aube), ông chủ biên tác phẩm tập thể “Le Dossier chinois/Hồ sơ Trung Hoa” (Cherche Midi) vào cuối năm 2022. Đầu năm 2023, ông xuất bản cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste/Khổng Tử ngày nay, di sản phổ quát” (l’Aube) rồi năm 2024 “Chine, l’empire des illusions/Trung Quốc, đế chế ảo tưởng” (Saint-Simon) và “Japon, l’envol vers la modernité/Nhật Bản, sự bay lên thời hiện đại” (l’Aube).
Nguồn: “Quand Trump s’emploie à rendre sa grandeur à … la Chine”, Asialyst, 10.4.2025.
----
Bài có liên quan: Tại sao Trung Quốc lại tận hưởng sự suy sụp của nước Mỹ dưới thời Donald Trump
