CHÚNG TA CẦN NGỪNG GIẢ VỜ RẰNG A.I. THÔNG MINH – BẰNG CÁCH SAU ĐÂY
![]() |
Kundra/Shutterstock |
Chúng ta liên tục được nhồi nhét một
phiên bản AI trông có vẻ, nói năng và hành động
giống ta một cách đáng ngờ. Nó nói những câu văn trau chuốt, bắt chước cảm xúc,
thể hiện sự tò mò, tuyên bố cảm thấy đồng cảm, thậm chí còn học đòi làm cái mà
nó gọi là sự sáng tạo.
Nhưng sự thật là: nó không sở hữu
bất kỳ phẩm chất nào trong số này. Nó không phải là con người. Và thể hiện AI như
thể nó là con người? Thật nguy hiểm. Bởi vì nó trông rất thuyết phục. Và không
có gì nguy hiểm hơn một ảo ảnh đầy thuyết phục.
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo tổng
quát — loại AI huyền thoại được cho là bắt chước được tư duy của con người
— vẫn chỉ là khoa học viễn tưởng và có lẽ sẽ mãi như vậy.
Những gì chúng ta gọi là AI ngày nay không khá hơn một cỗ máy thống kê: một con vẹt kỹ thuật số nhai lại các mẫu được khai thác từ vô số dữ liệu của con người (tình hình chẳng thay đổi mấy kể từ khi được thảo luận ở đây cách đây năm năm). Khi AI viết câu trả lời cho một câu hỏi, nó chỉ đoán chữ cái và từ nào sẽ xuất hiện tiếp theo trong một chuỗi – dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện.
Điều này có nghĩa là AI không có
sự hiểu biết. Không có ý thức. Không có tri thức theo bất kỳ nghĩa thực tế
nào của con người. Chỉ là sự xuất sắc được kỹ thuật hóa, dựa trên xác suất thuần
túy — không hơn, không kém.
Vậy tại sao một AI “biết suy nghĩ”
thực sự lại có lẽ là chuyện bất khả thi? Đó là bởi nó không có cơ thể. Nó không
có giác quan, không có da thịt, không có dây thần kinh, không có đau đớn lẫn khoái
lạc. Nó không đói, không ham muốn hay sợ hãi. Và vì không có nhận thức — dù chỉ
là tí xíu — nên có một khoảng cách cơ bản giữa dữ liệu mà nó tiêu thụ (dữ liệu
sinh ra từ cảm xúc và kinh nghiệm của con người) và những gì nó có thể làm với
chúng.
Triết gia David Chalmers gọi cơ
chế bí ẩn che khuất mối quan hệ giữa cơ thể vật lý và ý thức của chúng ta
là “vấn đề nan giải của ý thức”. Các nhà khoa học lỗi lạc gần đây
đã đưa ra giả thuyết rằng ý thức thực chất xuất hiện từ sự tích hợp của các trạng thái tinh thần nội tại với
các biểu hiện bằng giác quan (như thay đổi nhịp tim, đổ mồ hôi và nhiều thứ
khác).
Do các giác quan và cảm xúc của
con người có tầm quan trọng tối cao trong việc “nảy sinh” ra ý thức, có một sự
khác biệt sâu sắc và có lẽ không thể dung hòa giữa AI tổng quát, một cỗ máy, và
ý thức, một hiện tượng rất người.
Ai làm chủ
Trước khi bạn tranh luận rằng các
lập trình viên AI là con người, cho phép tôi ngắt lời bạn tại đây. Tôi biết họ là
người. Đó chính là một phần của vấn đề. Bạn có giao phó những bí mật sâu kín nhất,
các quyết định trong đời, những bất ổn cảm xúc của mình cho một lập trình viên
máy tính không? Thế mà, đó chính xác là những gì mọi người đang làm — hãy hỏi
Claude, GPT-4.5, Gemini… hoặc, nếu bạn dám, Grok nữa.
Việc giao cho AI một khuôn mặt,
giọng nói hoặc tông giọng của con người là một hành động nguy hiểm của trò cải
trang kỹ thuật số. Nó kích hoạt phản ứng tự động trong chúng ta, phản xạ nhân
hóa, dẫn đến những tuyên bố sai lệch rằng một số AI được cho là đã vượt
qua bài kiểm tra Turing nổi tiếng (kiểm
tra khả năng thể hiện hành vi thông minh, giống con người của máy móc). Nhưng
tôi tin rằng nếu AI vượt qua bài kiểm tra Turing, chúng ta cần cập nhật bài kiểm
tra.
Cỗ máy AI không biết ý nghĩa của
việc làm người. Nó không thể mang lại lòng trắc ẩn thực sự, không thể lường trước
được nỗi đau khổ của bạn, không thể trực cảm được động cơ ẩn giấu hay lời nói dối.
Nó không có khiếu thẩm mỹ, không có bản năng, không có một “kim chỉ nam” trong
lòng. Nó không có tất cả sự phức tạp lộn xộn duyên dáng vốn tạo nên con người
chúng ta.
Đáng lo ngại hơn nữa: AI không có
mục tiêu riêng, không có ham muốn hay đạo đức trừ khi (các giá trị này) được
đưa vào mã code của nó. Điều đó có nghĩa là nguy cơ thực sự không nằm ở máy
móc, mà nằm ở chủ nhân của nó — lập trình viên, công ty, chính phủ. Bạn vẫn cảm
thấy an toàn sao?
Và làm ơn, đừng nói với tôi rằng:
“Anh quá khắc nghiệt! Anh không cởi mở với những khả năng!” Hoặc tệ hơn: “Quan
điểm đó thật u ám. Người bạn AI giúp tôi bình tĩnh lại khi tôi đang lo váng lên."
Tôi thiếu nhiệt tình ấy à? Không
hẳn. Tôi dùng AI mỗi ngày. Đó là công cụ mạnh mẽ nhất mà tôi từng có. Tôi có thể
dịch thuật, tóm tắt, trực quan hóa, mã hóa, gỡ lỗi, khám phá các giải pháp thay
thế, phân tích dữ liệu — nhanh hơn và tốt hơn những gì tôi từng dám mơ rằng
mình sẽ tự làm được.
Tôi thật sự bị ấn tượng. Nhưng AI
vẫn là một công cụ — không hơn, không kém. Và giống như mọi công cụ mà con người
từng phát minh ra, từ rìu đá và ná cao su đến máy tính lượng tử và bom nguyên tử,
(nếu) AI có thể được sử dụng như một vũ khí. Nó sẽ được dùng làm vũ khí.
Bạn cần hình ảnh minh họa không?
Hãy tưởng tượng bạn đang yêu một AI say đắm, giống như trong phim Her. Bây giờ
hãy tưởng tượng nó “quyết định” rời xa bạn. Bạn sẽ làm gì để ngăn chặn nó? Và
phải nói cho rõ: không phải AI từ chối bạn. Mà là con người hoặc hệ thống đằng
sau nó, biến công cụ đó thành vũ khí để kiểm soát hành vi của bạn.
Lột mặt nạ
Tôi đang muốn truyền đạt điều gì?
Chúng ta phải ngừng gán cho AI những đặc điểm của con người. Lần tương tác đầu
tiên của tôi với GPT-3 thực sự làm tôi khó chịu. Nó giả vờ là một con người. Nó
nói rằng nó có cảm xúc, tham vọng, thậm chí là ý thức.
May mắn thay, đó không còn là
hành vi mặc định nữa. Nhưng phong cách tương tác — dòng chảy tự nhiên đến kỳ lạ
của cuộc trò chuyện — vẫn còn nguyên vẹn. Và điều đó cũng rất đỗi thuyết phục. Vượt
mức cần thiết.
Chúng ta cần phải phi nhân cách
hóa AI. Ngay bây giờ. Hãy lột bỏ lớp mặt nạ con người của nó. Việc này hẳn dễ
dàng. Các công ty có thể xóa bỏ mọi tham chiếu đến cảm xúc, phán đoán hoặc quá
trình xử lý nhận thức của AI. Đặc biệt, AI phải phản hồi dựa trên sự thật mà
không bao giờ nói “Tôi", hoặc “Tôi cảm thấy rằng"... hoặc “Tôi tò
mò".
Liệu điều đó có xảy ra không? Tôi
e là không. Nó nhắc tôi nhớ đến một lời cảnh báo khác mà chúng ta đã bỏ qua
trong hơn 20 năm: “Chúng ta cần cắt giảm lượng khí thải CO₂”. Hãy xem thử điều
đó đã đưa chúng ta đến đâu. Nhưng chúng ta phải cảnh báo các gã khổng lồ công
nghệ về những nguy cơ liên quan đến việc nhân hóa AI. Khó mà khiến họ hợp tác,
nhưng họ nên tham gia, đặc biệt là nếu họ nghiêm túc trong việc phát triển AI có đạo đức hơn.
Hiện tại, đây là những gì tôi làm
(vì tôi thường có cảm giác kỳ lạ rằng mình đang nói chuyện với một con người giả
tạo khi sử dụng ChatGPT hoặc Claude): Tôi hướng dẫn AI của mình không gọi tôi bằng
tên. Tôi yêu cầu nó tự gọi mình là AI, trả lời ở ngôi thứ ba và tránh dùng các
từ mang tính cảm xúc hoặc có nhận thức.
Nếu tôi sử dụng trò chuyện bằng
giọng nói, tôi yêu cầu AI sử dụng ngữ điệu phẳng và nói giống như một con
robot. Chuyện này thực ra khá thú vị và giữ cả hai chúng tôi trong vùng thoải
mái.
Tác giả
![]() |
Guillaume Thierry |
Giáo sư khoa học thần kinh nhận
thức, Đại học Bangor
Tuyên bố công khai
Guillaume Thierry không làm việc,
tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức
nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới
chuyên môn của mình.
Huỳnh Thị Thanh Trúc
dịch
Nguồn: We need to stop pretending AI is intelligent – here’s how, The Conversation, April 14, 2025.
