XÂY DỰNG ĐỐI TƯỢNG (NGHIÊN CỨU)
![]() |
![]() |
Gaston Bachelard (1884-1962) |
Xây dựng đối tượng khoa học không chỉ là trọng tâm của phương pháp luận của Pierre Bourdieu mà còn là của khoa học luận và lý thuyết của ông về thế giới xã hội. Mặc dù tập thứ hai của Le Métier de sociologue được dành cho việc xây dựng đối tượng xã hội học đã không bao giờ được xuất bản [MS: 5], Bourdieu sẽ không ngừng quay trở lại, trong những công trình này, tầm quan trọng của giai đoạn này [Invitation à la sociologie réflexive: 285]. Chủ đề này là di sản của trường phái khoa học luận lịch sử Pháp, trong đó Bourdieu được đào tạo khi theo học những khóa triết học của Georges Canguilhem, người thừa kế Gaston Bachelard, người đã viết, ngay trong chương đầu tiên của cuốn La Formation de l’esprit scientifique: “Khoa học, về nguyên tắc cũng như về yêu cầu hoàn thiện của nó, tuyệt đối chống lại những ý kiến thô” [a]. […] Ý kiến thô là suy nghĩ sai lầm, là không có suy nghĩ, là sự diễn tả các nhu cầu thành ra hiểu biết. Khi chỉ định sự vật qua tính hữu ích của chúng, thật ra các ý kiến thô đã tự cấm mình hiểu biết sự vật. Không thể xây dựng cái gì trên ý kiến thô được, trước hết phải phá bỏ nó đi. Nó là chướng ngại đầu tiên phải vượt qua […] Với một đầu óc khoa học thì hiểu biết nào cũng là một câu trả lời cho một câu hỏi. Nếu đã không có câu hỏi thì cũng không thể có hiểu biết khoa học. Không có gì tự nhiên thành. Không có gì cho sẵn, tất cả phải được xây dựng nên.
![]() |
![]() |
[a] Ý kiến thô: dịch chữ opinion, bản thân nó là tiếng Pháp hay tiếng Anh để dịch chữ Hy Lạp doxa. Opinion/doxa ở đây không có nghĩa dư luận, cũng không mang sắc thái xã giao như trong “ý tôi là thế này …” (telle est mon opinion). Opinion trong nghĩa từ nguyên và triết học là điều tin rằng, nói cách khác, một ý kiến thông thường, không có cơ sở, được một (nhóm) người chấp nhận vì thấy thuận tiện, nhưng cũng không biết tại sao. Các triết gia thường dùng chữ opinion để chỉ một mệnh đề ít có giá trị chân lý nhất. Trong khuôn khổ triết học Hegel, Bùi Văn Nam sơn dịch là “tư kiến” (Xem Hiện tượng học tinh thần, NXB Văn học, 2006, đoạn 90, trang 229).
(Trích dẫn Sự hình thành tinh thần khoa học của Gaston Bachelard, 2009. do Hà Dương Tuấn dịch và chú thích, Nguyễn Van Khoa hiệu đính) [Bachelard 1938].
Sự kiện được xây dựng
![]() |
![]() |
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi tìm thấy tiếng vang của khoa học luận này ngay từ những nghiên cứu đầu tiên của Bourdieu ở Algérie, khi đó là một triết gia trẻ chuyển sang nghiên cứu xã hội học. Trong cuốn Travail et travailleurs en Algérie, Bourdieu đã kết luận “Lời nói đầu” của mình như sau: “Sự hiểu biết chỉ tiến triển trong sự trao đổi qua lại không gián đoạn giữa những điều hiển nhiên bắt nguồn từ sự quen thuộc, những điều hiển nhiên làm lóa mắt, theo cả hai nghĩa của từ này và những điều hiển nhiên từ thống kê, những điều hiển nhiên mù quáng cần được giải mã. Sự quen thuộc nảy sinh từ việc tham gia vào môi trường, từ đối thoại và quan sát, không thể miễn cho chúng ta khỏi việc phải đi vòng quanh đầy gian khổ thông qua con số, đường cong và tính toán.” Và có điều này trong cuốn sách trên ảnh hưởng của Max Weber được cảm nhận nhiều hơn ảnh hưởng của Émile Durkheim, người xem các tiền ý niệm như là bấy nhiêu chướng ngại cho sự hiểu biết trong Les Règles de la méthode sociologique. Nhưng trong mọi trường hợp, đó là cùng một logic khám phá khoa học: “Tôi cố gắng xây dựng những định nghĩa chặt chẽ, không phải chỉ là những khái niệm mô tả mà còn là những công cụ xây dựng, giúp tạo ra những thứ chưa từng thấy được trước đó” [Questions de sociologie: 55].
Như vậy, điểm khởi đầu của khoa học xã hội là sự phê phán “ảo tưởng về kiến thức tức thời”, tạo nên thời điểm của sự “đoạn tuyệt nhận thức luận”, như được minh họa trong phần trình bày của cuốn Le Métier de sociologue: “Sự quen thuộc với thế giới xã hội là chướng ngại nhận thức luận tiêu biểu nhất đối với nhà xã hội học” [MS: 27 ff.]. Tuy nhiên, xã hội học tự phát có xu hướng gây nhầm lẫn giữa tri giác và khoa học, có thể được tránh xa với một số “kỹ thuật đoạn tuyệt” nhất định, chẳng hạn như sự phê phán đơn giản về các ý niệm thông thường hoặc các số liệu thống kê, vốn tiết lộ những mối tương quan ít rõ ràng; mà còn thông qua điều mà sau này Bourdieu gọi là “sự khách thể hóa (có) tham gia”, cụ thể là sự phản ánh mang tính phản tư có tính đến quan điểm của người quan sát trong chính sự quan sát [PB 2003a: 43-58]. Trong Le Métier de sociologue, chính các nguyên tắc của vô thức và tính áp đảo của các hệ thống quan hệ khách quan được viện dẫn để hỗ trợ sự phê phán xã hội học tự phát về thế giới xã hội, và để hiểu logic của các mối quan hệ giữa trải nghiệm ngây thơ và thực nghiệm khoa học, thường bị gây nhiễu bởi những ý niệm chung, những sơ đồ ẩn dụ hoặc sự cám dỗ của lời tiên tri. Bên cạnh Marx (“tính cụ thể trong tư duy”) và Durkheim (“xử lý các sự kiện xã hội như là sự vật”), cấu trúc luận được viện dẫn để giải thích các thách thức của sự xây dựng đối tượng [MS: 51 sq.], và đặc biệt là bởi Ferdinand de Saussure, theo đó “quan điểm tạo ra đối tượng” [Saussure 2016].
Một trong những hệ quả thiết yếu của một khoa học luận như trên là thách thức ý tưởng theo đó những “quan sát” các “sự kiện” là nhằm hợp thức hóa các “giả thuyết”. Lấy lại ý tưởng của Pierre Duhem, theo đó lý thuyết đóng khung ngay cả các thao tác đo lường, theo quan điểm tân Kant về một thực tại được “kiến tạo (in-formé)” bởi các phạm trù của lý tính, Le Métier de sociologue khẳng định rằng không có “dữ liệu” có trước sự phân tích: và trích dẫn trường hợp tín ngưỡng vật tổ mà Claude Lévi-Strauss đã chỉ ra rằng hiện tượng này chỉ có ý nghĩa trong một khung lý thuyết nhất định, mà nếu không có thì những quan sát rải rác sẽ không mang một ý nghĩa nào [MS: 55]. Bourdieu và Jean-Claude Passeron trong “La comparabilité des systèmes d’enseignement/Khả năng so sánh được của các hệ thống giáo dục” viết: ”Trong xã hội học, ngay ca những dữ liệu được coi là khách quan nhất cũng được thu thập bởi sự áp dụng những cái khung (lớp tuổi, nhóm tuổi, nhóm thu nhập) gắn liền với những giả định lý thuyết có trước và do đó bỏ qua một thông tin có thể được thu thập thông qua một cách khác để xây dựng các sự kiện” [PB 1967b: 20-58]. Do đó, bất kỳ thực tiễn khoa học nào cũng bao gồm các tiền giả định về mặt lý thuyết phải được vạch rõ để thoát khỏi niềm tin vào khả năng tiếp cận ngay lập tức với “thực tại”. Ngay cả kỹ thuật có vẻ trung lập nhất, chẳng hạn như lấy mẫu ngẫu nhiên, bao hàm một lý thuyết ngầm về thế giới xã hội, một lý thuyết không phải lúc nào cũng phù hợp với cách mà các nhóm xã hội đang nghiên cứu được cấu trúc. Tương tự như vậy, việc sử dụng các kỹ thuật khảo sát truyền thống nhất có thể tạo ra “các tình huống thực nghiệm hư cấu” [MS: 64] rất xa vời với đời sống xã hội thông thường mà nhà xã hội học muốn nghiên cứu.
Tuy nhiên, sự phê phán giáo điều về sự “phục tùng các sự kiện”, lấy cảm hứng từ quan điểm thực chứng luận của các khoa học tự nhiên, không dẫn đến một chủ nghĩa tương đối về khoa học theo đó các “chân lý” chỉ là sản phẩm của những phóng chiếu của nhà khoa học. Và nếu đôi khi Bourdieu có nói rằng “chân lý là sự được mất của những cuộc đấu tranh”, ông muốn ám chỉ rằng chân lý chỉ được coi là chân lý khi nó được xác thực bởi một quy trình tập thể, một thỏa thuận về các thủ tục và các phương pháp để hợp thức hóa các phát biểu và các nghi thức của các thử nghiệm. Chủ đề của khoa học khi đó là trường khoa học tập hợp các nhà khoa học xung quanh các vấn đề chung được chia sẻ: “Nếu phân tích xã hội học về sự vận hành của trường khoa học hoàn toàn không buộc phải chấp nhận một chủ nghĩa tương đối triệt để, nếu chúng ta có thể và phải thừa nhận rằng khoa học là một sự kiện xã hội mang tính lịch sử xuyên suốt mà không kết luận rằng các sản phẩm của khoa học có liên quan đến các điều kiện lịch sử và xã hội của sự xuất hiện của các sản phẩm này, điều đó có nghĩa là “chủ thể” của khoa học không phải là một tập thể thống nhất (như Durkheim và theo truyền thống của Merton đã nghĩ), nhưng là một trường và một trường hoàn toàn đặc biệt, trong đó các cán cân quyền lực và các cuộc đấu tranh giữa các tác nhân và thể chế phải phục tùng các quy luật đặc thù (đối thoại và tranh luận) phát sinh từ hai đặc tính cơ bản, liên kết chặt chẽ với nhau, sự khép kín (hoặc cạnh tranh giữa các đồng nghiệp) và sự phân xử của thực tại” [Science de la science et réflexivité: 138].
Vả lại, phân tích sự đóng góp của chính mình cho xã hội học về các khoa học, Bourdieu đặt sự phân tích về trường khoa học bên cạnh những phê bình về hệ hình Mỹ do David Bloor, Barry Barnes hay Harry M. Collins đưa ra [SSR: 41], vốn một phần dựa trên ý tưởng mà Pierre Duhem và Willard Van Orman Quine trình bày về “sự xác định thấp của lý thuyết bởi các sự kiện” (“các lý thuyết không bao giờ được xác định hoàn toàn bởi các sự kiện mà chúng viện dẫn và vẫn có thể có nhiều lý thuyết có thể được khẳng định dựa trên cùng những sự kiện giống nhau”) và “cũng nhấn mạnh vào thực tế rằng sự quan sát được định hướng bởi lý thuyết” (vốn là điều tầm thường đối với truyền thống nhận thức luận của lục địa/Châu Âu) [SSR: 43]. Không có cách nào rõ ràng hơn để chỉ ra rằng, ngay cả trước các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, việc xây dựng đối tượng khoa học cấu thành điểm khởi đầu của quá trình tri thức. Nhận định được thiết lập bởi Bruno Latour hoặc Steve Woolgar theo đó thực tại mà khoa học nghiên cứu được xây dựng, không có gì đáng kinh ngạc đối với một người quen thuộc với Bachelard [SSR: 56] – chiều kích “nhân tạo” của nó (theo nghĩa “được chế tạo”) không có nghĩa là các sự kiện là “hư cấu”, như một quan điểm triệt để chỉ dựa trên các văn bản có thể khiến cho người ta nghĩ: “Nếu chúng có công trong việc nhấn mạnh sự đóng góp mà quá trình lưu thông, bị khoa học luận truyền thống lãng quên, mang lại cho sự xây dựng sự kiện khoa học, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã quên hoặc đánh giá thấp rất nhiều logic xã hội và trí tuệ không thể tách rời của sự lưu thông này cũng như các tác động của sự kiểm tra logic và thực nghiệm, và do đó, tính phổ quát hóa mà sự lưu thông tạo ra” [SSR: 147].
Trường khoa học và lý thuyết về chân lý
Một số bài học có thể được rút ra từ những phân tích này về sự xây dựng đối tượng, từ quan điểm của trường khoa học và lý thuyết về chân lý mà nó bao hàm. Trước hết, quá trình xây dựng đối tượng không phải là một “hành động khai mào” mang tính cá nhân, tương tự như sự hoài nghi của Descartes hay l’epoche (tư thế tạm định chỉ sự phán đoán về sự tồn tại trong không gian và thời gian của nhà triết học, nhà khoa học - ND) của Husserl: chiều kích tập thể của nó khiến nó trở thành sản phẩm của quá trình học tập, của sự sáp nhập quá khứ của ngành học hoặc trường khoa học bởi các nhà nghiên cứu. – “khoa học là một bộ máy xây dựng tập thể to lớn được sử dụng một cách tập thể” [SSR: 139]. Do đó, đây là một quá trình chậm rãi và tuần tự. Hệ quả của điểm đầu tiên này là, như Bourdieu giải thích trong Invitation à la sociologie réflexive [ISR: 282], những nguyên tắc trừu tượng của Le Métier de sociologue về sự xây dựng đối tượng “không giúp ích nhiều”: cần phải tiếp thu các nguyên tắc cơ bản của thực tiễn khoa học trên thực địa, trong khuôn khổ tập thể của một nghiên cứu bằng hành động đang được triển khai, từ một “người hướng dẫn” hoặc một “người huấn luyện” thực hiện “cùng với” người học và truyền đạt cho anh ta một “modus operandi/phương thức thao tác” hơn là một loạt những lời dạy chung chung. Rốt cuộc, việc xây dựng một đối tượng phụ thuộc vào một tập tính khoa học được sở đắc trong quá trình truyền tải một nghề nghiệp, và tức là trong một cái khung tập thể và liên chủ quan: “Thay thế mối quan hệ giữa một chủ thể (nhà khoa học) và một đối tượng bằng mối quan hệ giữa các chủ thể (tất cả các nhà khoa học tham gia vào trường này) về mối quan hệ giữa chủ thể (nhà khoa học) và đối tượng của anh ta, dẫn đến việc bác bỏ cả tầm nhìn hiện thực luận ngây thơ theo đó diễn ngôn khoa học là sự phản ánh trực tiếp của thực tại, một sự ghi nhận đơn thuần, và cả tầm nhìn của kiến tạo luận mang tính tương đối, theo đó diễn ngôn khoa học là sản phẩm của một sự xây dựng, được định hướng bởi lợi ích và cấu trúc nhận thức vốn có thể tạo ra nhiều quan điểm, ít được xác định bởi thế giới, và của thế giới này […]. Khoa học là một tiến trình xây dựng đưa ra ánh sáng một khám phá không thể quy giản vào sự xây dựng và vào những điều kiện xã hội đã khiến khoa học trở thành khả dĩ” [SSR: 151].
Do đó, chân lý là chân lý được trường công nhận, hợp thức hóa các thủ tục phân xử bằng “phán quyết của thử nghiệm” và các quy tắc xác định việc tạo ra sự thật – “các nguyên tắc xác minh” và “các phương pháp chung để hợp thức hóa giả thuyết” [SSR: 142]. Nói cho cùng, những hệ luận của lý thuyết về sự xây dựng đối tượng vượt lên trên nhu cầu đơn thuần về việc đoạn tuyệt với các tiền ý niệm và sự trải nghiệm tức thì, chúng liên quan đến các điều kiện xã hội sản sinh ra cái phổ quát: “Tri thức không dựa trên bằng chứng chủ quan của một cá nhân biệt lập mà dựa trên trải nghiệm tập thể được quy định bởi các chuẩn mực về sự truyền đạt và sự biện luận. Do đó, tầm nhìn của Bachelard về sự lao động khoa học, mà tôi đã tóm tắt trong công thức, sự thật khoa học được chinh phục, xây dựng, xác nhận, phải được mở rộng và hoàn thiện. Chúng ta ngầm nghĩ rằng việc xây dựng phải được hợp thức hóa bằng kinh nghiệm trong mối quan hệ giữa người thực nghiệm và đối tượng của anh ta. Thật ra, quá trình hợp thức hóa là quá trình chính đáng hóa (đảm bảo sự độc quyền của quan điểm khoa học chính đáng) không chỉ liên quan đến mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể mà cả đến mối quan hệ giữa các chủ thể và nhất là mối quan hệ giữa các chủ thể về đối tượng […]. Sự kiện được chinh phục, xây dựng, nhận định trong và thông qua sự truyền đạt biện chứng giữa các chủ thể, nghĩa là thông qua quá trình kiểm chứng, sản sinh ra chân lý tập thể, trong và thông qua đàm phán, giao dịch và cả sự công nhận chính thức, sự phê chuẩn bằng sự đồng thuận được biểu đạt rõ ràng […]. Sự kiện chỉ thực sự trở thành sự kiện khoa học nếu nó được công nhận. Việc xây dựng được quy định hai lần về mặt xã hội: một mặt, bởi vị trí của phòng thí nghiệm hoặc nhà khoa học trong trường; mặt khác, bởi các phạm trù nhận thức gắn liền với vị trí của người tiếp nhận” [SSR: 143].
Franck Poupeau
Giám đốc nghiên cứu tại EHESS (CESSP)
BACHELARD G., 1996, La Formation de l’esprit scientifique, Paris, Vrin (1938). – SAUSSURE F. (de), 1985, Cours de linguistique générale, Paris, Payot (1972).
☛ ALGÉRIE, BACHELARD, CANGUILHEM, CATÉGORIE(S), CHAMP, CHAMP SCIENTIFIQUE, CIRCULATION, COMMUNICATION, CONSTRUCTIVISME, CRITIQUE, DURKHEIM, ENQUÊTE(S), ÉPISTÉMOLOGIE, HABITUS, HUSSERL, INCORPORATION, INVITATION À LA SOCIOLOGIE RÉFLEXIVE, LÉGITIMATION, LÉVI-STRAUSS, MERTON, M, MÉTHODOLOGIE, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), MODUS OPERANDI, NAÏF, NORME(S), OBJECTIVATION, OBSERVATION(S), OPINION(S), PASSERON, PERCEPTION, POSITION(S), POSITIVISME, QUINE, RÉFLEXIVITÉ, RELATION(S) OBJECTIVE(S), RELATIVISME, RUPTURE ÉPISTÉMOLOGIQUE, SAUSSURE SCHÈME(S), SCIENCE, SCIENCE DE LA SCIENCE ET RÉFLEXIVITÉ, SOCIOLOGIE, STRUCTURALISME, SUJET, TRAVAIL ET TRAVAILLEURS EN ALGÉRIE, UNIVERSEL, VÉRITÉ, WEBER
Thư mục
1960 [TTA] Travail et travailleurs en Algérie, (avec A. Darbel, J.-P. Rivet et C. Seibel), Paris, La Haye, Mouton.
1968 [MS] Le Métier de sociologue. Préalables épistémologiques (avec J.-C. Chamboredon et J.-C. Passeron), Paris, La Haye, Mouton, éd. corrigée, 1973.
1980 [QS] Questions de sociologie, Paris, Minuit, rééd. 2002.
2001 [SSR] Science de la science et réflexivité. Cours du Collège de France 2000-2001, Paris, Raisons d’agir.
2014 [ISR] Invitation à la sociologie réflexive (avec L. Wacquant), Paris, Seuil.
[PB 1967b] “La comparabilité des systèmes d’enseignement” (avec J.-C. Passeron), in R. CASTEL et J.-C. PASSERON (éd.), Éducation, démocratie et développement, Paris/La Haye, Mouton, “Cahiers du Centre de Sociologie Européenne”, no 4, p. 21-58.
* * *
KIẾN TẠO LUẬN
![]() |
Peter Berger và Thomas Luckmann đã phổ biến ý niệm kiến tạo xã hội về thực tại vào năm 1966. Cuốn sách của họ, The Social construction of reality, ngày nay vẫn là một trong mười tác phẩm được coi là có tầm quan trọng nhất đối với xã hội học trong bảng xếp hạng của Hiệp hội xã hội học quốc tế. Luận thuyết của họ, phần lớn lấy cảm hứng từ cách tiếp cận hiện tượng học của Alfred Schütz, không biện hộ cho một chủ nghĩa kiến tạo xã hội tổng quát, nhưng khẳng định rằng nhận thức của chúng ta về thực tại là kết quả của một tập hợp các quá trình tương tác mà quá trình chính là dạng quan hệ mặt đối mặt. Pierre Bourdieu, người có các tác phẩm xã hội học đầu tiên dựa trên kiến thức trực tiếp và sự thảo luận kỹ lưỡng về các luận đề hiện tượng học, đặc biệt là các luận đề của Edmund Husserl, Schütz và phương pháp luận dân tộc học, từng đã được đề cập trong Esquisse d’une théorie de la pratique năm 1972, chưa bao giờ tán thành cách đặt vấn đề của sự kiến tạo xã hội về thực tại, trong chừng mực thuyết này là một hình thức có phần mờ nhạt của nỗ lự màc Schütz đã làm để hòa giải Max Weber và Husserl. Ngược lại, Bourdieu có ý định tích hợp cả hai tác giả này vào một mô hình giúp có thể vượt qua sự đối lập giữa chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa khách quan: tập tính, sức lôi cuốn và sự thống trị do đó được cấu hình lại trong một chủ nghĩa cấu trúc mà Bourdieu sẽ xác định sau này là mang tính phái sinh.
![]() |
Peter Berger (1929-2017) |
![]() |
Thomas Luckmann (1927-2016) |
Từ những năm 1980, ý niệm kiến tạo xã hội, đề cập đến ý tưởng rằng không có gì tồn tại ngoài các phạm trù của tri giác chúng ta, đã nhận được thành công to lớn về mặt khoa học luận cũng như về mặt ý thức hệ. Đối với duy văn hóa luận toàn diện này, kẻ thù là thuyết duy tự nhiên vốn cho rằng các hiện tượng tồn tại độc lập với việc phân loại chúng. Cặp đối lập này đã làm nảy sinh những cuộc xung đột gay gắt mà Ian Hacking đã cố gắng đưa ra một sự đánh giá thoát khỏi chiều kích đam mê mà chúng chứa đựng, đặc biệt là trong các cuộc tranh luận về chủ nghĩa nữ quyền triệt để hoặc trong các hình thái khiêu khích nhất của tương đối luận khoa học. Bourdieu chưa bao giờ tham gia vào kiểu thảo luận này: ông không xuất hiện trong mục lục của tác phẩm của Hacking, The Social Construction of what? Trong những trang cuối của cuốn La Distinction, ông đã đề xuất giải quyết sự tương phản trên bằng cách từ chối lựa chọn giữa một vật lý học xã hội biến các giai cấp xã hội thành các nhóm kín đáo và một ký hiệu học duy tâm đồng hóa thế giới xã hội với một cấu trúc tinh thần đơn thuần: biểu tượng mà các cá nhân cung cấp về thực tiễn của họ cũng là một phần không thể thiếu của thực tại xã hội [Di: 563-564]. Ý niệm kiến tạo xuất hiện vào một thời điểm chính xác trong sự nghiệp của ông, trong bài diễn thuyết nổi tiếng ở San Diego, diễn ra năm 1986 và được xuất bản với tựa đề “Không gian xã hội và quyền lực biểu tượng” [Choses dites: 147-166]. Vào thời điểm này, sự nghiệp của Bourdieu đã được biết đến nhiều ở Hoa Kỳ, nơi nó là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận: La Distinction được dịch vào năm 1984 sau một số cuốn sách đầu tiên của ông. Vào thời điểm đó, Bourdieu đang đi lưu diễn từ bờ biển phía đông đến bờ biển phía tây, qua Chicago, ông cảm thấy cần phải làm rõ các quan niệm và lập trường của mình. Ông thấy được những hiểu lầm có thể nảy sinh trong quá trình dịch thuật, mà ông đã luôn cố gắng ngăn ngừa trong những lời nói đầu gốc mà ông đã thảo cho bản dịch sang tiếng Anh của các tác phẩm của mình, và đưa ra một tài liệu làm sáng tỏ rất hay về mặt sư phạm. “Nếu tôi phải mô tả công việc của mình một cách ngắn gọn […], tôi sẽ nói về constructivist structuralism hoặc structuralist constructivism, nhưng dùng thuật ngữ cấu trúc luận theo một nghĩa rất khác với nghĩa mà truyền thống Saussure hoặc Lévi-Strauss đã xác định cho nó. Với thuật ngữ cấu trúc luận hay mang tính cấu trúc luận, tôi muốn nói rằng, trong chính thế giới xã hội, và không chỉ trong các hệ thống biểu tượng, ngôn ngữ, huyền thoại, v.v., tồn tại những cấu trúc khách quan, độc lập với ý thức và ý chí của các tác nhân, có khả năng định hướng hoặc ràng buộc các thực tiễn hoặc các biểu tượng của họ. Khi nói đến chủ nghĩa kiến tạo, tôi muốn nói rằng có một nguồn gốc xã hội, một mặt của các sơ đồ tri giác, tư duy và hành động cấu thành nên cái mà tôi gọi là tập tính, mặt khác là của các cấu trúc xã hội, và đặc biệt là của điều mà tôi gọi là trường, và các nhóm, đặc biệt là những gì chúng ta thường gọi là các giai cấp xã hội” [CD: 147].
Như vậy, ở đây chúng ta thấy rằng thuật ngữ “(người) theo chủ nghĩa kiến tạo” được bổ sung bằng tính từ “phái sinh” để giải thích cho loại cấu trúc luận rất đặc biệt mà Bourdieu bảo vệ đến cùng, bất chấp những khó khăn nảy sinh trong việc hiểu thuật ngữ này, đặc biệt là do sự thịnh hành của khái niệm không chính xác về chủ nghĩa hậu cấu trúc. Phải nói rằng thuật ngữ “genetic structuralism” thường được dùng để dịch cấu trúc luận phái sinh là không rõ ràng: nó thực sự gắn liền với từ genesis/sự hình thành chứ không phải từ gene/gen; đây là lý do tại sao đôi khi chúng ta thích, và đúng như vậy, khái niệm “generative structuralism” gần hơn với ý tưởng về một sơ đồ phát sinh các thực tiễn mà Bourdieu coi là một trong những động lực thúc đẩy lý thuyết của mình. Như chúng ta có thể thấy, lý thuyết của ông đã không trải qua biến động nào từ hội nghị San Diego: “sự cấu trúc hóa kép” mà ông gợi lên đại thể lấy lại sự xây dựng được đưa ra trong cuốn Le Sens Pratique, nhưng nó tiếp nhận những tham chiếu rất chính xác về các công trình của Mỹ đã không xuất hiện trong các bài thuyết trình trước đây về lý thuyết này: Bennett Berger, Aaron Cicourel, và cả, về mặt triết học, John Dewey và Nelson Goodman. Chúng ta không nên coi sự cởi mở này như một hình thức ngoại giao khoa học luận đơn giản để thích ứng với hoàn cảnh. Bourdieu tìm cách làm cho mô hình của mình tinh tế hơn và dành nhiều chỗ hơn cho chiều kích không chắc chắn tương đối của các cuộc đấu tranh mang tính biểu tượng, mà ông đề cập với ý niệm Worldmaking, được phát triển bởi Goodman. Tuy nhiên, ông không từ bỏ chương trình của mình: bài diễn thuyết mang tính “kiến tạo luận” của ông kết thúc bằng việc đề cập đến Gaston Bachelard.
Jean-Louis Fabiani
Giám đốc nghiên cứu tại EHESS (CESPRA)
BERGER P. et T. LUCKMANN, 2012, La Construction sociale de la réalité, trad. fr., Paris, Armand Colin (1966). – HACKING I., 2008, Entre science et réalité. La construction sociale de quoi?, trad. fr., Paris, La Découverte (1999).
☛ BACHELARD, CATÉGORIE(S), CHAMP, CICOUREL, CLASSE(S) SOCIALE(S), DISTINCTION (LA), DOMINATION, ÉTATS-UNIS, ETHNOMÉTHODOLOGIE, ESQUISSE D’UNE THÉORIE DE LA PRATIQUE, GOODMAN, GROUPE(S), HABITUS, HUSSERL, INTERACTION(S), LÉVI-STRAUSS, OBJECTIVISME, PERCEPTION, PRATIQUE, RELATIVISME, REPRÉSENTATION(S), SAUSSURE, SCHÈME(S), SCHÜTZ, SENS PRATIQUE (LE), STRUCTURALISME, STRUCTURALISME GÉNÉTIQUE, STRUCTURE(S), SUBJECTIVISME, WEBER
Thư mục
1979 [Di] La Distinction. Critique sociale du jugement, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une introduction, 1982.
1980 [SP] Le Sens pratique, Paris, Minuit, rééd. 1989.
1987 [CD] Choses dites, Paris, Minuit.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, CNRS Éditions, Paris, 2020
