CUỘC TIẾN QUÂN NÀO SẮP TỚI
Để chiến thắng vòng kim cô của nghèo khó lạc hậu kéo dài dai dẳng?
Nguyễn Xuân Xanh
* * *
Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại / Nghèo khổ thì độc lập không ý nghĩa gì.
—Tô Lâm, Tổng Bí thư
Chính sách quốc gia của Nhật Bản “mở cửa đất nước” không chỉ là một hành động mở cửa đất nước để có quan hệ với nước ngoài. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như trong việc tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh.
—Itō Hirobumi, Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị
Nghèo khó không chỉ là sự thiếu tiền; mà là sự mất khả năng phát huy hết tiềm năng của mình như một con người.
—Amartya Sen, Nhà kinh học tế Ấn độ Giải Nobel
![]() |
Hai trang của bài báo của tôi trên Số đặc biệt 30-4 |
Lời nói đầu
Xin chia sẻ với anh chị bài viết của tôi trên báo Tuổi Trẻ Số đặc biệt 30-4. Sau 50 năm đất nước hòa bình độc lập thống nhất tôi băn khoăn hơn bao giờ hết làm sao phát triển nhanh chóng đất nước một cách đột phá, Không thể nào nói hết làm sao để khát vọng của người Việt được thực hiện trong một bài báo. Chúng ta còn thiếu những đòn bẩy để bẩy đất nước lên cao nguyên giàu có. Chúng ta phải lấy nhân dân làm gốc, và học hỏi con đường các dân tộc xung quanh đã đi. Chúng ta đã từng vượt qua những khó khăn cao như núi tưởng chừng không vượt qua được. Lịch sử đất nước đã bao lần có tiếng trống hào hùng như thế của dân tộc. Thì chúng ta cũng nhất quyết vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, để tiến vào sân chơi của các quốc gia tiên tiến. Chúng ta đang lạc hậu, và khoảng cách với các quốc gia phát triển càng lớn hơn nếu chúng ta không có biện pháp phát triển bứt phá như tốc độ các quốc gia đi trước. Chúng ta đã chiến thắng chiến tranh bứt phá, thì cũng phải có năng lực chiến thắng hòa bình bứt phá. Chúng ta phải có lòng tự trọng nhiều hơn, và thức tỉnh nhiều hơn như người Nhật trước đây hơn 150 năm, người Hàn và Đài Loan nửa thế kỷ trước, và Trung Quốc gần đây. Chúng ta cần hiểu hiện trạng quốc gia, và sự thua kém sâu sắc, và phải tự vấn để tìm lối ra nhanh chóng.
Nước Mỹ có một văn hóa kết thúc chiến tranh hết sức đặc biệt, với tinh thần nhân ái, xóa bỏ quá khứ, đoàn kết dân tộc, tỏa ra trong Diễn văn Gettysburg 152 năm trước của Abraham Lincoln đọc tại nghĩa trang Gettysburg, Pennsylvania, năm 1863, địa điểm của trận đánh ác liệt và gây tổn thất lớn nhất về sinh mạng cho hai bên:
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/dien-van-gettysburg/
“Tám mươi bảy năm trước ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.
Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này.
Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải hiến dâng mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý. Chính chúng ta mới là những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt – rằng từ những người chết được vinh danh này chúng ta sẽ tự nhận lấy sự tận tụy nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng – rằng chúng ta ở đây sẽ có quyết tâm cao để cho những người đã ngã xuống sẽ không hy sinh một cách phí hoài – rằng quốc gia này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng kiến một cuộc sinh nở mới của Tự do – và rằng chính quyền của dân, do dân và vì dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này.”
—Abraham Lincoln trong Diễn văn Gettysburg
Xin trích từ Lời nói đầu:
Bài diễn văn có ý nghĩa hết sức trọng đại trong đời sống tinh thần của Hoa Kỳ. Trong cuộc nội chiến Nam Bắc (1861–1865), trận chiến xung quanh thành phố Gettysburg thuộc bang Pennsylvania vào tháng 7 năm 1863 là đẫm máu và khốc liệt nhất, cũng là khúc quanh lịch sử cho cuộc chiến. Diễn văn khánh thành Nghĩa trang diễn ra trong lúc đất nước vẫn còn ngụt trời khói lửa. “Lincoln đã làm cách mạng cuộc Cách mạng, đem lại cho nhân dân một quá khứ mới để sống trong đó, và quá khứ này sẽ thay đổi tương lai một cách vĩnh cửu” như nhà sử học Garry Wills viết.
Bài diễn văn có sức tái tạo lại đất nước sau cuộc nội chiến tàn phá nhất trong lịch sử Mỹ. Nó toát lên tinh thần trách nhiệm cao cả nhất của tất cả những người còn sống đối với sự nghiệp tự do của dân tộc mà vì nó biết bao chiến sĩ đã ngã xuống. Nó khẳng định lại lý tưởng Tự do, Bình đẳng đã được khắc ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, của tinh thần Jefferson, như những chân lý bất di bất dịch, và khẳng định tinh thần Trách nhiệm của mọi công dân bảo vệ và vun đắp lý tưởng đó.
Lincoln hiểu động lực nội tại của chiến tranh, sự leo thang tất yếu của thù hận (Hass) như Clausewitz nói, ở đó những khao khát cao cả có thể biến thành hoang dã. Cho nên ông không muốn khoét sâu thêm vết thương của dân tộc, mà muốn hàn gắn, băng bó nhiều hơn. Lincoln không phân biệt chiến sĩ nào, bên này hay bên kia chiến hào, Nam hay Bắc, chính nghĩa hay không chính nghĩa, vân vân.
Ông muốn nói tiếng nói của cả dân tộc Hoa Kỳ. Dân tộc này đã có chung lý tưởng Tự do, Bình đẳng mà các người Cha lập quốc đã đặt thành nền tảng, và Tự do, Bình đẳng đã trở thành những nguyên lý bất di bất dịch cho muôn đời sau. Hễ là một người Mỹ sinh ra là thừa hưởng những giá trị thiêng liêng đó, và có nhiệm vụ chiến đấu cho những giá trị đó, họ đều là con của những người cha lập quốc, không phân biệt chính kiến.
Lincoln đã hiểu được nỗi đau của dân tộc, vượt lên tất cả những gì đã khiến họ đã đánh nhau thảm khốc. Giờ ông muốn hàn gắn lại, băng bó lại vết thương, quên đi quá khứ và nhìn về tương lai, phát biểu với tư cách tổng thống của tất cả mọi người, kêu gọi trách nhiệm và lương tâm của những người còn sống hãy sống sao cho xứng đáng với những người nằm xuống và với tinh thần các người cha lập quốc: mọi người sinh ra đều bình đẳng.
Vào ngày 3 tháng 7 năm 1938, trong lễ kỷ niệm 75 năm trận chiến, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã khánh thành Đài tưởng niệm Ánh sáng Hòa bình Vĩnh cửu với bài phát biểu cảm động nhằm tiếp tục hòa bình giữa miền Bắc và miền Nam. Bài phát biểu của ông kết thúc vào lúc hoàng hôn, sau đó là lễ khánh thành đài tưởng niệm của một người lính từ mỗi bên và thắp sáng để biểu thị sự tiếp nối của hòa bình.
Đài tưởng niệm này tỏa ra ấn tượng mạnh mẽ đến mức nó chính là nguồn cảm hứng cho ngôi mộ của Tổng thống John F. Kennedy tại Nghĩa trang quốc gia Arlington. Bà Jackie Kennedy đã nảy ra ý tưởng sau chuyến thăm Gettysburg của bà, cũng như sự ngưỡng mộ của Tổng thống Kennedy đối với đài tưởng niệm.
Nhiều đời tổng thống Mỹ đã đến viếng nghĩa trang, Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy, Franklin D. Roosevelt, Trận chiến Gettysburg và bài diễn văn huyền thoại của Abraham Lincoln luôn là điểm thu hút của nhiều vị khách quốc tế; từ châu Á có Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Ngay còn trong chiến tranh, Abraham Lincoln đã ký đạo luật cấp đất (Morrill Acts of 1862) cho những đại học đồng ý dạy những ngành hữu dụng như kỹ thuật, khoa học ứng dụng và thương mại, để chuẩn bị cho cuộc công nghiệp hóa sẽ diễn ra khi đất nước hòa bình. Họ có tầm nhìn. Những thập niên sau đó các college hàng đầu của Mỹ đã phát triển thành những đại học nghiên cứu khi tiếp thu mô hình đại học nghiên cứu Humboldt của Đức. Cuối thế kỷ XIX, nhiều college Mỹ biến thành Đại học nghiên cứu. Đó là cơ sở hết sức quan trọng để đại học Hoa Kỳ một trăm năm sau, với đạo luật GI Bills khuyến khích và hỗ trợ những thanh niên tham gia chiến đấu trong Thế chiến II đi vào đại học, trở thành ngọn hải đăng học thuật của thế giới.
Nhà văn nữ Hàn Quốc Han Kang, giải Nobel văn chương 2024, đã từng đặt ra hai câu hỏi bà cảm thấy phải trả lời:
Hiện tại có thể giúp ích cho quá khứ không?
Người sống có thể cứu người chết không?
Tôi nghĩ có, nếu người sống có thể sống làm sao để thực hiện giấc mơ của những người đã chết: một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và phồn vinh, tiếp nối truyền thống đạo đức nhân ái của dân tộc.
Han Kang cũng dằn vặt đặt lại hai câu hỏi khác:
Quá khứ có thể giúp ích cho hiện tại không?
Người chết có thể cứu người sống không?
Cũng có chứ, quá khứ và người chết hãy nói vào lương tâm của người sống, hay người sống tự nhắc nhở người chết, để tự nhủ họ nên sống xứng đáng hơn với bao nhiêu xương máu đã đổ ra cho Độc lập, Tự do, và giấc mơ một nước Việt Nam thịnh vượng và bình an lâu dài cho giống nòi.
Sau này, khi viết Human Acts, Han Kang “cảm thấy thỉnh thoảng tôi lại đến thăm nghĩa trang”, có lẽ để muốn nói với người chết điều gì, một lời hứa chăng? “Tôi phải sống cho xứng đáng”? Có lẽ những tác phẩm của bà có ý nghĩa chống lại bạo lực là công trình bà muốn viết ra để xoa dịu đi nỗi đau của người đã chết, và với những tác phẩm đó, bà đã nhận được vinh dự cao nhất dành cho một nhà văn: bước lên diễn đàn Nobel để nhận phần thưởng cao quý dành cho bà.
Để có giấc ngủ yên, dân tộc Việt Nam còn phải làm nhiều điều quan trọng sắp tới, về tinh thần lẫn vật chất.
Vài lời xin chia sẻ với anh chị. Chúc anh chị những ngày lễ vui.
Nguyễn Xuân Xanh, 29-30/4/2025
Gần bốn mươi năm trước tôi quyết định trở về Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, tức “Sài gòn xưa” thân yêu, nơi tôi đã lớn lên phần lớn tuổi thơ cho đến khi đi du học tại Tây Đức, và sống, làm việc hai mươi năm ở đó. Tôi cảm thấy mình trở về một thành phố “hoang sơ”, im lìm, sinh hoạt xã hội – kinh tế bị giảm xuống mức tối thiểu, xã hội gần như một cơ thể đang “thoi thóp”. Đi tìm một quán phở, hay quán cơm bình dân để ăn, là một điều không dễ. Hiếm có tà áo dài, nụ cười. Toàn bộ xe honda đều rất cũ. Xe đạp là chính. Mỗi lần từ phố trở về khu tôi ở vào buổi tối, cả Cư Xá Ngân Hàng chìm trong bóng đen như mực, đưa bàn tay lên không thấy, đèn đường không có, người dân thì ăn tối xong tắt đèn đi ngủ sớm. Nhà nào cũng rào dây kẽm gai, song sắt. Khối lượng sắt được sử dụng có lẽ lớn lắm. Trộm cắp có thể diễn ra khắp nơi. Xe chở hàng từ các cảng về trung tâm thành phố thường có nguy cơ bị cướp giữa ban ngày. Đường Nguyễn Tất Thành đêm về thường hay có tai nạn chết người. Người say rượu rất nhiều. Không phải vì họ giàu có, mà đúng hơn, vì người nghèo dễ uống rượu nhiều hơn. Đối với họ, cuộc đời có gì đáng quý hơn để sống đàng hoàng mà nâng niu? Xe đi bất cần luật lệ. Thành phố giống như một làng quê.
Khi người dân không được phép tham gia vào “kinh tế thị trường”, không được phép buôn bán, sản xuất, kinh doanh, nghĩa là phải sống “khổ hạnh” như thầy tu, thì lấy đâu có hàng hóa để “bàn tay vô hình” của Adam Smith hoạt động phân phối cho xã hội? Khi lợi ích của bản thân chết, thì lợi ích của xã hội cũng chết theo. Quốc gia chỉ có tăng trưởng GDP khi cá nhân tự có tăng trưởng GDP của họ. GDP, hay của cải của xã hội là do công sức của nhân dân làm ra, không phải do ai ban bố. Hai trăm năm mươi năm trước, Adam Smith đã tháo gỡ nghịch lý mà tôn giáo và đạo đức khắc kỷ đã để lại: Con người tuy có những tính chất như ngã ái (self-love), tư lợi (self-interest), nhưng nếu không thực hiện những “bản năng” đó thì xã hội sẽ tiêu vong. Chính nhờ những lợi ích cá nhân mà xã hội mới tồn tại và phát triển. “Chúng ta mong đợi bữa tối của mình không phải từ lòng nhân từ của người bán thịt, người nấu bia hay người làm bánh mì, mà là từ sự quan tâm của họ đến lợi ích riêng của họ” như Smith nói trong tác phẩm nổi tiếng Sự phồn vinh của các quốc gia xuất bản năm 1776. Không có lợi ích cá nhân, thì cũng không có lợi ích xã hội, không có cái gì để phân phối, trao đổi. Con người ai cũng có “mong muốn cải thiện tình trạng của chúng ta, một mong muốn… đến với chúng ta từ trong bụng mẹ, và không bao giờ rời bỏ chúng ta cho đến khi chúng ta xuống mồ” như nhận định trong Phồn vinh. Theo ông, “Không cần điều gì khác để đưa một nhà nước lên mức độ giàu có cao nhất từ tình trạng man di thấp nhất, ngoài hòa bình, thuế khóa nhẹ nhàng (easy taxes) và một nền quản lý công lý có thể chấp nhận được; tất cả những thứ còn lại đều do quy luật tự nhiên của mọi sự việc mang lại.” Nghĩa là trong những điều kiện phù hợp như thế, khi không có gì kềm hãm, thì con người sẽ tự cải thiện tình trạng làm cho xã hội tiến lên.
ĐỔI MỚI được ban hành năm 1986 đã đem lại khúc quanh lịch sử, đem lại sức sống người dân khao khát. Xã hội nhanh chóng thay da đổi thịt. Đất nước không những đủ ăn mà còn xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Bàn tay vô hình của Adam Smith bắt đầu hoạt động tốt. Đó cũng là khúc quanh ở các quốc gia khác khi con người được giải phóng để tham gia vào thị trường tự do. Ở Đức đầu thế kỷ XIX, hay ở Nhật thời Minh Trị. Con người bắt đầu tự cải thiện điều kiện sống của mình đúng theo bản năng, và đóng góp cho xã hội. Sau bốn mươi năm đổi mới, xã hội đã thay đổi một cách thần kỳ, từ xuất phát điểm âm tiến lên sự phồn vinh tương đối, bước vào xã hội thu nhập trung bình, tuy còn thấp. Hiện tượng kẹt xe trên đường phố là mặt trái của sự phồn vinh. Xe đạp đã được thay thế bằng ô tô và xe gắn máy sang trọng. Cuộc sống trở nên dễ dàng không thể so sánh với những năm 80 của thế kỷ trước. Người Việt ở nước ngoài lâu ngày trở lại thăm quê hương không khỏi ngạc nhiên về sự phát triển vượt bậc mà Đổi mới đã đem lại. Được như thế là nhờ sự đóng góp của biết bao nhiêu bàn tay cần cù chịu khó vượt mọi khó khăn.
Nhưng đó chưa phải là độ cao mà một dân tộc có tham vọng mong muốn. Con đường từ đây đến một quốc gia công nghiệp hóa để ra khỏi bẫy thu nhập trung bình còn dài. Có thể dễ mà cũng có thể khó, tùy vào chúng ta. Dễ là khi nào chúng ta có một nền tảng công nghiệp tương đối phát triển đồng đều, tích lũy được kinh nghiệm chế tạo (manufacturing) hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu, có nền giáo dục tiên tiến, có đại học và các viện nghiên cứu khoa học công nghệ để có thể phát triển startup có giá trị cao, có một tầng lớp doanh nhân có hoài bão lớn, khát vọng trở nên những “tay chơi” tầm cỡ về công nghệ, có nhà nước khai sáng, đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển, luôn đồng hành với doanh nhân và nhân dân, có ý chí học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, nhưng đồng thời phải có văn hóa học (learning culture), văn hóa đọc, những cái không thể thiếu cho sự vươn lên cấp bậc cao. Lao động chân tay, hay bán chân tay, sẽ phải được thay thế bằng lao động trí óc và máy móc ngày càng có kỹ thuật cao. Không có đầy đủ những thứ đó, thì con đường tiến lên đỉnh cao sẽ khó.
Tuy đã có sự phát triển “thần kỳ”, xã hội hôm nay vẫn còn là xã hội “sơ chế”, gia công, lắp ráp, nông nghiệp, hải sản và bán một phần tài nguyên. Việt Nam chỉ hơn một quốc gia nông nghiệp một chút. Một quốc gia chỉ có thể thay đổi căn bản và cất cánh khỏi xã hội nông nghiệp khi nào nó tiến hành thành công cuộc cách mạng công nghiệp, hay công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cái đầu tiên đã diễn ra ở Anh trong những thập niên sau của thế kỷ XVIII. Đó là quy luật chung của sự phát triển cho các quốc gia khắp châu lục.
KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
Tri thức là định mệnh của chúng ta. Nếu chúng ta không thực hiện bước tiếp theo trong sự thăng tiến của con người, nó sẽ được thực hiện bởi những người khác ở đâu đó.
—Jacob Bronowski, nhà khoa học Anh-Ba lan, nổi tiếng với chuỗi truyền hình The Ascent of Man
Làm sao để một quốc gia bứt khỏi “vòng kim cô nghèo khó” kéo dài hàng nghìn năm do các nền kinh tế nông nghiệp để lại? Các quốc gia phát triển lâu đời ở châu Âu cũng từng trải qua những giai đoạn trì trệ kéo dài như thế, không thể khác hơn. Cho đến năm 1800, mức sống giữa các quốc gia lớn của cả hai châu lục Âu, Á là khá giống nhau, mặc dù vào khoảng năm 1600 sau Công nguyên, các xã hội châu Á có thể đã dẫn đầu một chút. Nhưng từ năm 1800 đến năm 1950, một sự phân kỳ lớn (great divergence) đã diễn ra quyết liệt giữa hai nền văn minh. Các khu vực dẫn đầu ở Bắc Âu đã tăng thu nhập rất đáng kể so với các khu vực bị tụt lại của châu lục, và đến năm 1900, các khu vực giàu có nhất của châu Âu (Anh, Bỉ và Hà Lan) giàu hơn khoảng ba hoặc bốn lần so với các khu vực nghèo hơn ở Nam Âu. Tương tự, các nền văn minh lớn của châu Á – Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc – cũng đã trì trệ hoặc suy giảm thu nhập sau năm 1800, và đến năm 1900, các khu vực giàu có nhất của châu Âu cũng đã vượt xa các xã hội châu Á lớn. Làm thế nào mà Anh, và sau đó là phần còn lại của châu Âu, đã chuyển dịch từ xã hội tiền công nghiệp sang xã hội công nghiệp? Chiếc đũa thần đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra từ nửa sau thế kỷ 18 đầu tiên ở Anh, chỉ một thời gian ngắn sau khi Adam Smith mất. Vào cuối thế kỷ XVIII và XIX, các vùng phía bắc và vùng trung du của Anh là nơi có các nhà máy dệt và gia công kim loại mới đang bùng nổ. Việc kéo sợi bông, dệt vải và sản xuất sắt thép cùng các sản phẩm của chúng tăng trưởng mạnh mẽ ở những khu vực này từ năm 1750 trở đi. Đặc biệt Birmingham và Manchester là những thị trấn công nghiệp mới phát triển cực kỳ mạnh mẽ, làm cho thị trường địa phương bùng nổ cho các sản phẩm nông trại, và do đó là lao động nông trại. Chính ngành công nghiệp đã thúc đẩy sự gia tăng tiền lương sau năm 1750, trong khi các khu vực và toàn bộ các quốc gia chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì lại tụt hậu.
Nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi nhận xét: “Nếu người ta nhìn vào thương mại giữa Nhật Bản và các nước ngoài, thì sẽ thấy rằng các quốc gia phương Tây là những nhà sản xuất, trong khi Nhật Bản là nước trồng trọt … Trong kinh tế, của cải của một quốc gia tùy thuộc rất ít vào sự thặng dư của sản phẩm tự nhiên (tài nguyên) so với kỹ năng của kỹ thuật con người. Chẳng hạn như Ấn Độ, một mặt, nơi đất màu mỡ nhưng người thì lại nghèo, và mặt khác, Hòa Lan, nơi hầu như không có sản phẩm tự nhiên, nhưng lại giàu có. Do đó, trong thương mại giữa một nước sản xuất và một nước trồng trọt, nước đầu sử dụng năng lực con người không giới hạn, và nước sau sản phẩm giới hạn của đất đai… Đó chính xác là trường hợp thương mại giữa Nhật Bản và các nước ngoài. Chúng ta chỉ có thể đứng về phía thua cuộc mà thôi.” Chính xác, và phù hợp với kinh nghiệm châu Âu nói trên, và với Adam Smith khi ông đề cao sự phân công lao động, tượng trưng cho sản xuất công nghiệp là nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho sự phồn vinh, khác với quan điểm trọng nông của Pháp.
Vì thế tiếng gọi cấp bách cho Việt Nam là cần tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp, hay công nghiệp hóa, trên quy mô cả nước, phát triển công nghiệp, tăng cường sản xuất và xuất khẩu, xây dựng nền tảng cho công nghệ cao. Cuộc cách mạng công nghiệp luôn đi đôi với cuộc cách mạng học (learning revolution). Điều đó dễ hiểu. Không học thì làm sao cất cánh? TBT Tô Lâm mới đây kêu gọi toàn dân, toàn đảng hãy “học tập suốt đời”. Cái thiếu nhất hiện nay là học tập khoa học, công nghệ, kinh nghiệm các quốc gia nghèo đã vươn lên đẳng cấp thế giới. Cần phải học để lấy nguồn cảm hứng và kinh nghiệm để xây dựng đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Nghèo khổ thì độc lập không ý nghĩa gì.” Một trăm năm mươi năm trước, Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Itō Hirobumi cũng từng nói tương tự: “Chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi.” Nghèo khó và lạc hậu là sự bó tay, là gánh nặng, là sự thiệt hại lớn cho xã hội. Chắc chắn, người Việt Nam nào trong sâu thẳm trái tim cũng có lòng tự trọng và danh dự, muốn thấy đất nước vươn lên ngang bằng với các dân tộc khác. Chúng ta không thiếu nhân tài. Ông Lý Quang Diệu nhìn thấy tiềm năng của người Việt Nam qua cuộc chiến tranh gian khổ, và sự thành đạt của Việt Kiều ở hải ngoại, thì cớ gì lại quốc gia lại bị nghèo khổ và lạc hậu dai dẳng?
Mặt khác, để thay đổi số phận đã được hằn sâu hàng nghìn năm bởi nền kinh tế nông nghiệp và tiểu thương, động cơ phát triển của con người có yếu tố quyết định. Đó là cái vốn tinh thần và ý chí — Geist-und Willens-Kapital — như nhà triết học Friedrich Nietzsche gọi. Adam Smith cũng từng nói, mỗi con người đều có khuynh hướng thay đổi cuộc sống của mình tốt hơn từ trong bụng mẹ trong khi đó, nhà kinh tế Đức Friedrich List cũng nhận định tương tự, rằng quốc gia cũng có khuynh hướng thay đổi tốt hơn số mệnh của mình. Hãy dẹp bỏ mọi rào cản làm cho dân chúng “chùn chân”, và thờ ơ với số mệnh của quốc gia. Văn hóa làm ăn nông nghiệp vốn đã làm cho con người thiếu ý chí, tầm nhìn về sự vươn lên. Luật pháp và chính sách kiến tạo của nhà nước cần phải giúp họ xung phong lên mạnh mẽ.
Yếu tố đạo đức cũng không thể bỏ qua trong mọi cuộc chấn hưng nếu muốn thành công. Adam Smith, trong quyển Lý thuyết những tình cảm đạo đức, cho rằng đạo đức là nền tảng để phát triển kinh tế, và giữ cho xã hội bền vững. Nhật Bản Minh Trị cũng đã từng đặt đạo đức lên làm một quốc sách ngay từ những ngày đầu của duy tân. Khẩu hiệu của họ là “Khoa học phương Tây, Đạo đức phương Đông”, tức đạo đức Khổng giáo mà họ đã thấm nhuần. Không có đạo đức, xã hội sẽ hỗn loạn, con người sẽ hoang dã, không có tích lũy, người dân không an tâm sống và đem hết nguồn lực đầu tư, không buồn đổi mới sáng tạo, và những người có tài sản và tri thức có thể bỏ nước ra đi.
Chúng ta cần làm một cuộc đổi mới thông minh, với tất cả ý chí vươn lên bất khuất của một dân tộc đã chiến đấu oai hùng vượt qua bao hy sinh, thử thách để tồn tại như hôm nay. Chúng ta cần tăng tốc, tạo nên sự thay đổi bứt phá bằng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, để có thể tiến vào kỷ nguyên phát triển cao, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, an ninh và văn minh, được thế giới công nhận và kính trọng.
Nguyễn Xuân Xanh
Xin xem bài trước: Cảm nghĩ đầu Xuân (Ất Tỵ 2025) – Năm mươi năm nhìn về phía trước.
Nguồn: “Cảm nghĩ tháng Tư: Cuộc tiến quân nào sắp tới?”, Rosetta.vn, 30 Tháng Tư, 2025
* * *
ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI XÂY DỰNG TINH THẦN KHỞI NGHIỆP QUỐC GIA
Nguyễn Trung Dân
![]() |
Bài của Nguyễn Trung Dân trên Số đặc biệt 30-4-2025 của báo Tuổi Trẻ |
Lời nói đầu
Anh chị thân mến,
Báo Tuổi Trẻ có nhã ý ra Số đặc biệt 30-4 để kỷ niệm 50 năm hòa bình độc lập, một quãng thời gian nửa thế kỷ, tương đối có ý nghĩa, không dài lắm nhưng cũng không quá ngắn. Năm mươi năm, một dân tộc có thể đổi đời, như nhiều quốc gia Đông Tây đã cho thấy. Vâng, ai cũng vui mừng, chiến tranh đã chấm dứt, đất nước lại liền một dãy như giấc mơ bao đời của các thế hệ. Hòa bình, độc lập không phải là free lunch. Mất mát vô vàn. Dân tộc đã phải hy sinh bao thế hệ. Cái giá mà nhân dân phải trả trong thời hiện đại, nằm ở chỗ quốc gia quá yếu ớt, với nền kinh tế con trâu cái cày, sản xuất bằng tay chân, quốc gia cô lập, thương mại không phát triển, công nghiệp không có, nhận thức của giai tầng tinh hoa hoàn toàn lỗi thời và chệch hướng.
Chiến tranh đã thắng, nhưng hòa bình thì vẫn chưa, theo nghĩa, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vẫn còn bị đe dọa tiềm tàng thường xuyên, vẫn chưa tạo được nền tảng công nghiệp và công nghệ để có thể nhanh chóng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Công nghiệp hóa và công nghệ cao vẫn là mantra, câu thần chú vẫn đáng lập đi lập lại vào ý thức dân tộc, cần thiết cho mọi quốc gia muốn trở thành thành viên của đàn sếu bay cao.
Mỗi quốc gia muốn trở nên phồn vinh cần lực lượng gì? Lực lượng doanh nhân, entrepreneurs tài giỏi. Cứ xem trong lịch sử từ Tây sang Đông, từ các đại công ty Đức trong thời gian Đại cải cách thế kỷ XIX, hay những đại công ty của Mỹ trong giai đoạn sau cuộc Nội chiến, đến các đại công ty zaibatsu của Nhật Bản Minh Trị, hay Chaebols của Hàn Quốc thời công nghiệp hóa 1961-1979 của Park Chung Hee, hay TSMC hay nhiều công ty công nghệ khác của Đài Loan thời cất cánh những năm 1970-80. Đó là những đỉnh cao của các hệ sinh thái doanh nghiệp phủ đầy quốc gia, tạo nên cái quốc gia trở thành. Việt Nam sẽ không thể thoát khỏi quy luật đó để trở nên giàu mạnh. Và phải làm sao để có một hệ thống sinh thái các startup có giá trị, đó là vấn đề rất đáng bàn. Không phải ai muốn làm khởi nghiệp có giá trị lớn là làm. Quốc gia muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp phải có hệ thống đại học nghiên cứu, viện nghiên cứu tân tiến làm nơi “ấp trứng”, “nuôi cấy”. Không có những tiến bộ công nghệ thì không thể có hệ thống sinh thái khởi nghiệp đàng kể. Khởi nghiệp là vấn đề ý tưởng mới nhưng phải được xây dựng trên khoa học, công nghệ tiên tiến. Thế giới bây giờ có thêm giai đoạn kinh tế lượng tử, nghĩa là rất cao cấp, giá trị cực kỳ cao. Thế giới đã tạo ra nhiều “sputnik” mà chúng ta phải biết lắng nghe, hiểu chúng và phản ứng tức thì cho phù hợp. Tháng Năm, 2017, một sự kiện lịch sử đã xảy ra, khi mấy trăm triệu người Trung Quốc chứng kiến trên màng hình TV vị anh hùng trẻ tuổi của môn cờ vây của họ – Ke Jie – chưa đầy 20 tuổi nhưng thuộc đẳng thứ 9, nghĩa là cao nhất, và vô địch thế giới, đã bị chiếc máy AlphaGo của Google đánh cho tơi tả sau 3 ván cờ marathon mỗi ván kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Người Trung Quốc bị rúng động, bị tổn thương vì cờ vây là sản phẩm mấy ngàn năm của họ. Họ thức tỉnh. Họ đã nhận ra một sputnik không phải trên trời mà trên bàn cờ vây về sức mạnh phi thường của Trí tuệ nhân tạo. Sức mạnh ấy là hệ quả của những gì đã phát triển ở Thung lũng Silicon trước đó. Từ giờ phút đó trở đi, nhà nước Trung Quốc đã đầu tư vô số tiền của, nhân lực để phát triển AI. Chỉ sau 8 năm thôi họ đã thành công phi thường! Đó là sức mạnh của ý thức và hành động phù hợp. Giống như Hoa Kỳ từng chạy đua moonshot với Nga thời chiến tranh lạnh thế kỷ trước.
Bài dưới đây của Nguyễn Trung Dân nói về các startup có tác dụng đột biến, hay bức phá cho tầm cỡ quốc gia mà Việt Nam đang rất cần. Rất đáng để tham khảo.
Xin xem thêm:
Startup – Nhìn từ Thung lũng Silicon đến Việt Nam
Cần một văn hóa khoa học để phát triển
Thân mến,
Nguyễn Xuân Xanh, 27. 4. 2025
Sau 50 năm thống nhất, từ chỗ phải nhập khẩu lương thực ngày nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới, là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng công nghệ như smartphone, TV, máy tính xách tay, v.v., điều mà cách đây 20 năm không ai dám mơ tới. Tuy nhiên, như tổng bí thư Tô Lâm đã nói, mặc dù có những thành tựu to lớn như thế, hàm lượng và giá trị sản phẩm của Việt Nam trong các mặt hàng xuất khẩu đó là rất thấp. Trên thực tế, nền kinh tế vẫn dựa vào gia công lắp ráp, đóng góp chủ yếu là sức lao động, trong khi phải chịu nhiều ảnh hưởng về ô nhiễm môi trường, rác thải công nghiệp, áp lực quá tải về hạ tầng cơ sở. Nhìn rộng hơn, Việt Nam đang thiếu một hệ thống các công ty công nghệ phát triển hài hòa mà thiếu nó thì tình trạng nói trên sẽ không bao giờ giải quyết được. Có thể nói, Việt Nam đang thiếu một hệ sinh thái (ecosystem) bao gồm từ hệ thống pháp lý đến chính sách hỗ trợ các công ty công nghệ đặc biệt các công ty khởi nghiệp, cũng như một hệ thống đào tạo thích ứng. Đặc biệt quan trọng, Việt Nam đang thiếu các quỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Nói một cách đơn giản, chúng ta đang thiếu một nền kinh tế có ‘tinh thần khởi nghiệp’ vốn là động lực cho nhiều nền kinh tế năng động nhất trên thế giới.
![]() |
Trái: Gara căn nhà mà Steve Jobs đã sáng lập ra công ty Apple năm 1976. Phải, trên: toàn cảnh khuôn viên công ty Apple ngày nay cho 12 ngàn nhân viên, ảnh dưới: một góc nhìn cận cảnh của khuôn viên. |
Nói đến nền kinh tế khởi nghiệp có lẽ chúng ta nên biết rằng rất nhiều đại công ty công nghệ cao như Apple, Nvidia, Microsoft, Google, Amazon, FaceBook … bắt đầu là các công ty khởi nghiệp với vài người với số vốn ít ỏi, nhưng đã thành công và trở thành các trung tâm đổi mới sáng tạo làm thay đổi sâu sắc mọi mặt trong đời sống xã hội trên toàn thế giới. Câu chuyện về Steve Jobs bỏ học và thành lập công ty Apple ở tuổi 21 trong nhà xe của bố mẹ năm 1976 và đến năm 1985 đã trở thành công ty có trị giá 2 tỷ đô la với hơn 4000 nhân viên. Ngày nay, Apple là công ty lớn nhất toàn cầu với giá trị hơn 3 ngàn tỷ đô la. Trong khoảng thời gian từ 1976 cho đến lúc ông mất năm 2011, Steve Jobs đã giúp làm biến đổi một cách căn bản bảy ngành công nghiệp khác nhau như máy tính cá nhân, phim hoạt hình, âm nhạc, điện thoại, máy tính bảng, cửa hàng bán lẻ và xuất bản kỹ thuật số. Đóng góp của ông với cuộc các mạng tin học cũng hết sức quan trọng, góp phần làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của mọi người dân trên hành tinh.
Có thể nói tinh thần khởi nghiệp đã có ở Châu Âu từ rất sớm, đặc biệt ở ở Anh từ thế kỷ 18 và ở Đức từ thế kỷ 19. Tinh thần đó đã trở thành lối sống và suy nghĩ của nhiều thế hệ ở Mỹ, điển hình nhất phải kể đến thần đồng phát minh Thomas Edison, Alexander Bell (phát minh ra điện thoại), Henry Ford (dây chuyền sản xuất xe hơi), hay gần đây hơn là các công ty khởi nghiệp với các ông trùm công nghệ cao ở lứa tuổi 20-30, có người bỏ học giữa chừng như Bill Gates (Microsoft), Steve Jobs (Apple) hay từ khi chưa ra trường như Zuckerberg (Facebook), Larry Page, Sergey Brin (Google)…. Theo nghiên cứu của nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Robert Solow, thì đổi mới công nghệ, đặc biệt là các đổi mới do các công ty khởi nghiệp tạo ra, là nguồn tăng trưởng năng suất cao nhất ở Mỹ. Dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy hầu hết mức tăng trưởng việc làm ở Mỹ từ năm 1980 đến năm 2005 đều đến từ các công ty khởi nghiệp dưới 5 năm. Nếu không có các công ty khởi nghiệp, việc làm hàng năm ở Mỹ trong thời gian đó thực sự là tăng trưởng âm.
Israel cũng là một tấm gương về tinh thần khởi nghiệp. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc: GDP năm 1950 là gần 13 tỷ Shekel (tiền Israel) lên đến 1,3 nghìn tỷ Shekel năm 2020. Đó không chỉ là câu chuyện về đặc tính dân tộc hay do địa chính trị, mà thực ra là tổng hòa của nhiều điều bao gồm tác động từ các chính sách của chính phủ, cũng như tinh thần khởi nghiệp của người dân đã góp phần làm nên kỳ tích như thế.
Chẳng hạn năm 2008, các quĩ đầu tư mạo hiểm vốn chủ yếu đầu tư cho các công ty khởi nghiệp, tính bình quân đầu người ở Israel lớn gấp 2,5 lần so với Hoa Kỳ, hơn 30 lần so với Châu Âu, 80 lần so với Trung Quốc và 350 lần so với Ấn Độ. Nếu so sánh với các con số tuyệt đối thì Israel – một quốc gia chỉ có 7,1 triệu dân (2008) – đã thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, bằng với lượng vốn chảy vào Vương quốc Anh có 61 triệu công dân, bằng tổng số của cả hai nước Đức và Pháp với 145 triệu người dân. Rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã mua lại các công ty khởi nghiệp của Israel để lập ra các trung tâm R&D ở Israel …
Tinh thần khởi nghiệp cũng là một đặc điểm quan trọng đưa nước Nhật bại trận sau thế chiến thứ 2 trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới. Câu chuyện về SONY từ một công ty nhỏ đã nhạy bén trước công nghệ bán dẫn nhanh chóng mua bản quyền transistor của Bell Labs (Mỹ), sản xuất rồi chiếm lĩnh thị trường điện tử dân dụng ở Mỹ, để rồi trở thành gã khổng lồ lớn nhất thế giới về điện tử dân dụng trong một thời gian dài. Hay như câu chuyện về Soichiro Honda thành lập công ty chỉ với số vốn 450.000 Yen (khoảng 2200 đô la thời đó). Trong một phân xưởng rộng 16 m2, 12 nhân viên của ông gắn các động cơ nhỏ vào các xe đạp biến chúng thành các xe máy rất được ưa chuộng do vừa có sức chở lớn vừa có thể luồn lách vào các ngõ ngách chật hẹp ở các thành phố. Thành công của các chiếc xe đạp gắn máy đó đã mở đường cho Honda trở thành công ty sản xuất xe động cơ hai bánh lớn nhất thế giới vào năm 1959 với 400 triệu sản phẩm. Xe động cơ hai bánh của Honda nổi tiếng đến mức người Việt thường đồng nghĩa Honda với xe máy.
Tại sao có các quốc gia xây dựng thành công nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp như thế dù các công ty khởi nghiệp thường có tỷ lệ thất bại cao. Như trường hợp Israel, văn hóa và các luật lệ phản ánh một thái độ đặc biệt, đó là thái độ tìm cách đưa các doanh nhân thất bại quay trở lại hệ thống để sử dụng kinh nghiệm của họ, cho họ cơ hội làm lại, thay vì kỳ thị và gạt họ ra ngoài lề. Israel là một trong những nơi dễ dàng nhất trên thế giới để thành lập một công ty mới, ngay cả sau khi bị phá sản. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi một doanh nhân thành công, họ có thể sẽ làm thay đổi thị trường. Nhưng ngay cả khi họ thất bại, họ vẫn tạo ra áp lực cạnh tranh với những công ty đang hoạt động và do đó kích thích sự thay đổi tích cực.
![]() |
Buổi gặp gỡ giữa thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Liang Wenfeng nhà sáng lập DeepSeek hôm 21/1/2025 |
Để vươn lên trở thành một quốc gia có nền kinh tế có hàm lượng chất xám cao, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải xây dựng một nền kinh tế với ‘tinh thần khởi nghiệp quốc gia’ trong đó các công ty khởi nghiệp là một thành phần quan trọng. Việc đầu tiên là phải xây dựng một hệ hệ sinh thái cho một nền kinh tế như thế, bắt đầu bằng ban hành luật lệ phù hợp và hình thành các quĩ đầu tư của nhà nước cũng như của tư nhân hỗ trợ R&D cho các doanh nghiệp, ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ. Bài học kinh nghiệm của nước Mỹ về quĩ ‘Đổi Mới Sáng Tạo cho Doanh Ngiệm Nhỏ’ (Tuổi Trẻ Cuối Tuần – 4/3 và 7/3 năm 2025), chỉ với 2% quĩ R&D của Liên Bang nhưng đã đóng góp tới 20% các phát minh quan trọng của cả thế giới với số bằng sáng chế lớn hơn tất cả các đại học cộng lại; giúp hàng chục ngàn công ty khởi nghiệp thành công tạo ra hàng triệu việc làm có lương cao đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề của quốc gia. Hay như quĩ ‘Big Fund’ của chính phủ Trung Quốc từ 2014 đến nay đã đầu tư cho các công ty công nghệ với số tiền hàng chục tỷ đô la (Phase 1, 2014-2019: 21.8 tỷ đô la, Phase 2, 2019-2024: 29.08 tỷ, và mới đây thông qua Phase 3, 2025-2029: 47.5 tỷ). Không có các quỹ này sẽ không có được các thành công gây chấn động gần đây của các công ty khởi nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, bài học của Israel là các công ty khởi nghiệp có thể thu hút và hợp tác hữu hiệu nhất với các đại công ty công nghệ cao của thế giới… . Cuối cùng, một nền kinh tế công nghệ không thể hoạt đông được nếu không có nguồn nhân lực được đào tạo một cách chuẩn mực. Tất cả điều đó đều cần đến vai trò quan trong của nhà nước, từ hoạch định chính sách cho đến diều hành và thúc đẩy phát triển các nhân tố của hệ sinh thái cho nền kinh tế đó.
Một ví dụ cụ thể rất gần với chúng ta. Từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu đạt được những đột phá lớn về “các công nghệ và ứng dụng AI đạt trình độ dẫn đầu thế giới vào năm 2025”. Bộ giáo dục Trung Quốc đã phê duyệt 440 trường đại học đào tạo sinh viên chuyên về AI nhằm phát triển nguồn ‘tài năng AI’ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái cho công nghệ AI. Đến năm 2022 Trung Quốc đã cung cấp gần một nửa số các nhà nghiên cứu AI của cả thế giới. Ngày 20/1/2025, công ty DeepSeek của Trung Quốc đã cho ra mắt mô hình AI làm chấn động thế giới. DeepSeek tuyên bố các mô hình AI của họ sử dụng chip đơn giản có năng lực tính toán thấp hơn, rẻ hơn hàng chục lần so với các mô hình tương đương của Mỹ. Chỉ trong ngày 21/1/2025 thị trường tài chính của Trung Quốc đã thu hút được 1,3 nghìn tỉ đô la, trong đó có đến 700 tỷ là do các quĩ đầu tư quốc tế chuyển vốn từ thị trường Ấn độ. Rõ ràng rằng, tinh thần khởi nghiệp đã bén rễ và phát triển ở Trung Quốc, đem lại vố số lợi ích cho quốc gia và dân tộc của họ.
Nhìn lại những thành tựu đã đạt được và những điều chưa làm được sau 50 năm, đã đến lúc không thể chậm trễ hơn nữa Việt Nam cần phải xây dựng một tinh thần khởi nghiệp quốc gia sao cho chỉ sau một thời gian 10-15 năm nữa Việt Nam sẽ có một nền kinh tế năng động, phát triển với tốc độ cao trên thế giới.
Nguyễn Trung Dân
07/3/2025
Nguồn: “Đã đến lúc phải xây dựng tinh thần khởi nghiệp quốc gia (Nguyễn Trung Dân)”, Rosetta.vn, 27 Tháng Tư, 2025
