TẠI SAO TRUNG QUỐC LẠI TẬN HƯỞNG SỰ SUY SỤP CỦA NƯỚC MỸ DƯỚI THỜI DONALD TRUMP
Tác giả: Pierre-Antoine Donnet
![]() |
Tập Cận Bình vỗ tay sau một trong những bài phát biểu của ông trước Bộ Chính trị ĐCSTQ. Nguồn: Saudi Gazette. |
Trung Quốc và đồng minh Nga có mọi lý do để hoan nghênh lập trường mà Donald Trump đưa ra kể từ ngày 20 tháng 1, ngày này qua ngày khác, dường như báo hiệu sự kết thúc của vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới.
--------------------------------------------------------
Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, những tuyên bố gần như hàng ngày của Donald Trump có nghĩa là đã đến lúc đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Châu Á và có lẽ cùng là dịp để chiếm lấy Đài Loan.
Hầu như không có ngày nào trôi qua mà Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ không công bố các biện pháp mới phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, bao gồm: hủy bỏ chương trình chủ yếu là nhân đạo của USAID, vốn là công cụ chính của quyền lực mềm của Mỹ, và chấm dứt viện trợ tài chính cho VOA (Voice of America) và RFE (Radio Free Europe), những chương trình phát sóng dựa trên các giá trị dân chủ được nghe rộng rãi ở Châu Á. Hàng trăm nhân viên của hai đài phát thanh này, bị Donald Trump và Elon Musk người được ông che chở, gọi là “những kẻ cực tả điên rồ”, đã bị ban lãnh đạo của hai đài phát thanh này sa thải chỉ trong một ngày, hai đài phát thanh mà các chương trình được phát bằng sáu mươi ngôn ngữ và được hơn 420 triệu người ở hơn một trăm quốc gia lắng nghe.
Những nước đầu tiên vui mừng là Nga, Trung Quốc và Iran. “Đây là một quyết định ngoạn mục của Trump”, Margarita Simonyan, người viết xã luận của kênh truyền thông RT của Nga, thốt lên. “Chúng tôi không thể đóng cửa chúng, nhưng chính Mỹ đã tự gánh vác việc này”, lời giải thích của bà được kênh truyền hình Pháp FR24 trích dẫn. Trong một bài xã luận, tờ Global Times, một tờ nhật báo tiếng Anh với giọng điệu dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ và là một chi nhánh của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cáo buộc VOA là “một cơ quan sản xuất ra những lời dối trá và được biết đến rộng rãi là cỗ máy tuyên truyền của Washington”. Tại Iran, một số cơ quan truyền thông đã hoan nghênh quyết định của Donald Trump khi ngừng “lãng phí tiền trả cho các nhà báo tham nhũng” mà mục tiêu là lật đổ chế độ giáo sĩ.
Đối với Martin Scott, giáo sư và chuyên gia truyền thông tại Đại học East Anglia ở Vương quốc Anh, việc buộc VOA và FRE phải im tiếng “không giống như đóng cửa bất kỳ cơ quan truyền thông nào khác” vì cả hai đều “thể hiện các giá trị của Mỹ về tự do và dân chủ”. “Tác động của sự mất mát này sẽ rất lớn”, Alu Kurmasheva, nữ nhà báo của RFE, người vừa được thả khỏi nhà tù ở Nga trong một cuộc trao đổi tù nhân giữa Washington và Moscow, dự đoán. “Nước Mỹ sẽ kể câu chuyện của mình như thế nào từ bây giờ?” bà nói. Vì thiên nhiên ghét sự trống rỗng, nên không còn nghi ngờ gì nữa, khoảng trống do việc từ bỏ hai đài phát thanh này để lại sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi các đài phát thanh Nga và Trung Quốc, vốn từ lâu đã quen với việc phát tán hàng ngày thông tin sai lệch về Phương Tây và hệ thống dân chủ nói chung.
Một quyết định tai hại khác: đó là việc đóng cửa văn phòng chuyên chống thông tin sai lệch của nước ngoài, GEC, một đơn vị của Bộ Ngoại giao nhưng lại đóng vai trò cốt yếu trong việc đánh bật các nỗ lực can thiệp từ Trung Quốc hoặc Nga, mà Elon Musk đã so sánh với mối đe dọa đối với nền dân chủ vì nó phạm cái tội là “sự kiểm duyệt của chính phủ” chống lại những người bảo thủ ở Mỹ.
Sau Ukraine, đến Đài Loan?
Nhưng hiển nhiên là việc Donald Trump chấp nhận theo những đòi hỏi của Tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm kiếm hòa bình ở Ukraine, sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất, đặc biệt là ở Châu Á, nơi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan ngày càng lo ngại rằng Mỹ sẽ bỏ rơi họ để ủng hộ một thỏa hiệp giao dịch toàn cầu với Moscow và Bắc Kinh nhằm mục đích phân chia vùng ảnh hưởng trên hành tinh giữa ba quốc gia này.
“Đài Loan, giống như Ukraine, có một nước láng giềng lớn thù địch có tham vọng lãnh thổ đối với họ. Nga biện minh cho các yêu sách của mình đối với Ukraine giống như Trung Quốc làm với Đài Loan, tuyên bố rằng nước láng giềng nhỏ bé của họ không có nền văn hóa, lịch sử hoặc ngôn ngữ riêng biệt”, người viết xã luận Brian Hoe hoạt động tại Đài Bắc đã viết trên tờ Nikkei Asia của Nhật Bản vào ngày 24 tháng 3. “Động thái của các lập luận của Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho thấy rằng các nguyên tắc cơ bản, dựa trên sự chia sẻ các giá trị dân chủ hoặc nhân quyền, không còn giá trị nào đối với chính quyền mới của Hoa Kỳ tại Nhà Trắng. “Điều quan trọng hơn trong hoạt động hằng ngày là việc chốt được các thỏa thuận”, ông viết. “Hôm nay là Ukraine, ngày mai là Đài Loan” vẫn đúng sau thảm họa tại Nhà Trắng, khi Đài Loan lo lắng theo dõi số phận của Ukraine và những gì sẽ xảy ra với nước này”. Brian Hoe nói thêm: “Mối đe dọa lần này không chỉ là sự xâm lược bởi một nước láng giềng thù địch, mà còn bị chính đồng minh của mình bỏ rơi”.
Liên quan đến Nhật Bản, cũng tờ báo này đưa tin vào ngày 20 tháng 3 rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc chấm dứt việc tăng cường lực lượng Mỹ tại quần đảo Nhật Bản, tất cả trong khuôn khổ của nỗ lực cắt giảm chi phí mà Donald Trump mong muốn. Ken Moriyasu, một người viết xã luận của tờ báo này, nhấn mạnh: “Nếu được thực hiện, việc hủy bỏ việc tăng cường [lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản] sẽ tạo nên sự đảo ngược lớn” trong học thuyết quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản và Châu Á.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan đang trở nên gay gắt hơn
Trong những tuần gần đây, quan hệ giữa Trung Hoa đại lục và Đài Loan đã trở nên căng thẳng đáng kể, khi giọng điệu của Bắc Kinh ngày càng hiếu chiến và giọng điệu của Đài Loan thì quả quyết hơn, phản ánh sự lo âu ngày càng tăng. Trong bài phát biểu đặc biệt mạnh mẽ vào ngày 13 tháng 3, Tổng thống Đài Loan Lại Thành Đức đã gọi Trung Quốc đại lục là “thế lực thù địch nước ngoài”, một thuật ngữ mà ông chưa bao giờ sử dụng trước đây. Đồng thời, ông công bố 17 biện pháp, một số trong đó có thể cho phép chính quyền Trung Quốc coi đó là ví dụ để chứng minh rằng mục tiêu của ông là giành độc lập cho Đài Loan. Lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh thường xuyên nhấn mạnh là nó sẽ dẫn đến hậu quả tức thời là nổ ra xung đột quân sự. Lại Thành Đức nói thêm rằng Đài Loan “không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp chủ động hơn”, công bố một số biện pháp trong số đó có việc tái lập tòa án quân sự và sự áp đặt các hạn chế về yêu cầu cư trú đối với công dân Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao cũng như về các cuộc giao dịch xuyên eo biển Đài Loan.
Phát biểu với các nhà báo sau cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia sau bài phát biểu của mình, tổng thống Đài Loan cũng đưa ra lời cảnh báo long trọng về sự gia tăng các hoạt động gián điệp do Bắc Kinh thực hiện trên lãnh thổ Đài Loan. Ông giải thích rằng Trung Quốc “lợi dụng sự tự do ở Đài Loan” để tuyển dụng các điệp viên từ xã hội của hòn đảo này, kể cả các thành viên đang tại ngũ và đã nghỉ hưu của lực lượng vũ trang, các nhóm tội phạm có tổ chức và các phương tiện truyền thông “để chia rẽ, phá hoại và lật đổ chúng ta từ bên trong”. Ông cho biết, có 64 người bị truy tố về tội gián điệp ở Đài Loan vào năm 2024, gấp ba lần so với năm 2021, đồng thời nói thêm rằng phần lớn trong số họ là quan chức đang tại ngũ hoặc đã nghỉ hưu của quân đội Đài Loan. Để chống lại các nỗ lực xâm nhập và gián điệp của Bắc Kinh, hiện nay đang có kế hoạch khôi phục lại các tòa án quân sự đã bị bãi bỏ vào năm 2013, “để cho phép các thẩm phán quân sự quay trở lại tuyến đầu [...] để xử lý các vụ án hình sự liên quan đến quân nhân đang tại ngũ”, ông cho biết.
Tổng thống Đài Loan còn thúc giục chính quyền “áp đặt các quy tắc ứng xử đối với những người có sức ảnh hưởng và các nghệ sĩ giải trí liên quan đến công việc của họ khi làm việc tại Trung Quốc” để ngăn Trung Quốc gây sức ép buộc họ phải hành xử theo cách “gây nguy hiểm cho phẩm cách dân tộc”. Phản ứng của Bắc Kinh rất nhanh chóng, các quan chức so sánh Lại Thành Đức là “kẻ phá hoại hòa bình giữa hai bờ eo biển (Đài Loan)” và là “kẻ gây ra khủng hoảng”. Người phát ngôn của Văn phòng Sự vụ Đài Loan Chen Binhua cho biết Trung Quốc “sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra quyết định mang tính quyết định [nếu] các lực lượng ly khai đòi độc lập cho Đài Loan dám vượt qua lằn ranh đỏ” - tức là tuyên bố sự độc lập của Đài Loan.
Hơn bao giờ hết, Đài Loan nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh
Trong bài xã luận đăng ngày thứ Hai, 24 tháng 3, trên chuyên mục của tờ báo tiếng Anh South China Morning Post của Hồng Kông, Alex Lo, nổi tiếng với những bài đả trích mang tính dân tộc chủ nghĩa, đã chế giễu phát biểu của Lại Thành Đức, lưu ý rằng có lẽ ông này đã “vô cùng tức giận” trước chuỗi sự kiện lịch sử tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, cho thấy tổng thống Ukraine bị làm nhục trực tiếp trước hàng trăm triệu người xem trong đoạn được phát sóng trên toàn thế giới. “Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất đối với những người Đài Loan ly khai [những người ủng hộ độc lập] là Washington sẽ đẩy Đài Loan dưới gầm xe bus như đã từng làm với Ukraine”, ông viết trên tờ nhật báo này, hiện phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Nhưng những gì ông ấy [tổng thống Đài Loan] đã làm [trong bài phát biểu ngày 13 tháng 3] là mạo hiểm vượt qua lằn ranh đỏ cuối cùng của Bắc Kinh”, ông nói thêm, ám chỉ đến thực tế rằng tuyên bố độc lập chính thức của Đài Loan chắc chắn sẽ dẫn đến việc Bắc Kinh khởi đầu các hoạt động quân sự thù địch chống lại Đài Loan.
Điều nghiêm trọng nhất không hẳn là phản ứng của Bắc Kinh, khi mà những lời lẽ hiếu chiến, ngay cả khi đang ngày càng mạnh mẽ, cũng không khiến chính quyền Đài Loan ngạc nhiên. Điều nghiêm trọng nhất phải được tìm kiếm trong các sự chia rẽ và các rạn nứt đã trở nên đặc biệt nổi bật trong những tháng gần đây trong giới chính trị Đài Loan, nơi Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền đã mất đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 1 năm 2024. Cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, một thành viên nổi bật của Quốc dân đảng (KMT), lực lượng đối lập chính trong quốc hội Đài Loan và là người ủng hộ đàm phán với Bắc Kinh, đã ngay lập tức lên án bài phát biểu của người đứng đầu Nhà nước Đài Loan, tin rằng bài phát biểu này có khả năng “gây ra một cuộc khủng hoảng lớn và tác động đến quan hệ giữa hai bờ [eo biển Đài Loan] cũng như sự ổn định ở eo biển Đài Loan”.
Những rạn nứt chính trị này ở Đài Loan đã bị đào sâu hơn đáng kể kể từ khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20 tháng 1 và đưa ra những tuyên bố vang dội cho thấy ông ủng hộ đòi hỏi của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm áp đặt lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một nền hòa bình mang tính chất của một sự đầu hàng. Trong khi các hoạt động xâm nhập của Trung Quốc tại Đài Loan cũng như vô số hoạt động đe dọa quân sự gần bờ biển của nước này đã được biết đến từ lâu, thì việc Bắc Kinh lợi dụng những sự chia rẽ này và các hoạt động bí mật để khuyến khích chúng mới là điều khiến chính phủ Đài Loan lo lắng nhất. Kể từ ngày 20 tháng 1, phe đối lập ngày càng phản đối rõ ràng mọi sự gia tăng ngân sách quân sự. Trong khi đây chính là yêu cầu kiên quyết của chính quyền Trump và gần đây được nhắc lại bởi nhân vật số hai của Lầu Năm Góc, Elbridge Colby, người đã yêu cầu Đài Loan tăng chi tiêu quân sự lên 10% GDP trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ. Một yêu cầu như vậy hiện nay hoàn toàn không thể đáp ứng được. Vào tháng 2, tổng thống Đài Loan đã tuyên bố tăng ngân sách quân sự lên 3% GDP từ mức 2,45% vào năm 2024.
Đối với Washington, vấn đề Đài Loan không còn mang tính sống còn nữa
Đáng lo ngại hơn nữa, cũng chính Colby giải thích rằng trong khi sự sụp đổ của Đài Loan “sẽ là một thảm họa đối với lợi ích của Mỹ”, “cán cân bằng quyền lực [Trung-Mỹ] đã xấu đi một cách sâu sắc” trong khu vực gây bất lợi cho Hoa Kỳ, và Đài Loan không phải là “vấn đề sống còn” đối với Mỹ. Đối mặt với những bất ổn lớn này, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải dàn xếp với Trung Quốc, quốc gia mà họ đang rất cần tìm kiếm sự xoa dịu. Đây là lý do mà người đứng đầu ngành ngoại giao của hai nước, theo thứ tự là Takeshi Iwaya và Cho Tae-yul, đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào thứ Bảy, ngày 22 tháng 3, tại Tokyo, với mục đích tìm kiếm một cơ sở thỏa thuận để đảm bảo an ninh khu vực.
“Do tình hình quốc tế ngày càng nghiêm trọng, tôi tin rằng chúng ta có lẽ đang ở một bước ngoặc của lịch sử”, Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản phát biểu khi bắt đầu cuộc họp. Trong cuộc họp ba bên đầu tiên ở cấp độ này kể từ năm 2023, ba nhà lãnh đạo đã nhất trí đẩy nhanh việc chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa ba nước. Nhưng thực tế vẫn là trong viễn cảnh này, Trung Quốc đang ở vị thế mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong nhiều thập kỷ qua, và cả Seoul và Tokyo đều nhận thức rõ điều này. Trong một bài xã luận khác được xuất bản vào ngày 21 tháng 3, Alex Lo một lần nữa sử dụng giọng điệu mỉa mai cay độc về tình hình hiện tại: “Đơn giản là Phương Tây không còn như trước nữa, và tất cả chúng ta nên vui mừng về điều đó.”
Về tác giả:
![]() |
Pierre-Antoine Donnet (1953-) |
![]() |
Cựu nhà báo của AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng mười lăm tác phẩm tập trung vào Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của Châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên này tại Bắc Kinh đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis/Vấn đề lãnh đạo toàn cầu, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ” tại NXB Éditions de l’Aube. Ông cũng là tác giả của tác phẩm “Tibet mort ou vif/ Tây Tạng chết hay sống”, do Gallimard xuất bản. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur/Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại”, xuất bản năm 2021 (l’Aube), ông chủ biên tác phẩm tập thể “Le Dossier chinois/Hồ sơ Trung Hoa” (Cherche Midi) vào cuối năm 2022. Đầu năm 2023, ông xuất bản cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste/Khổng Tử ngày nay, di sản phổ quát” (l’Aube) rồi năm 2024 “Chine, l’empire des illusions/Trung Quốc, đế chế ảo tưởng” (Saint-Simon) và “Japon, l’envol vers la modernité/Nhật Bản, sự bay lên thời hiện đại” (l’Aube).
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Pourquoi la Chine savoure le naufrage de l’Amerique de Donald Trump”, Asialyst, 25.3.2025
----
Bài có liên quan
