1.3.17

Tìm hiểu Claude Lévi-Strauss


Claude Lévi-Strauss (1908-2009)
TÌM HIỂU CLAUDE LÉVI-STRAUSS
                                                                Nguyễn Tùng
PTKT: Chúng tôi cho đăng sau đây bài “Lời giới thiệu” của Nguyễn Tùng cho cuốn “Định chế tôtem[1] hiện nay”[2] của Claude Lévi-Strauss (Nguyễn Tùng dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2017) với sự đồng ý của tác giả bài viết sau khi đã sửa đổi nhiều chi tiết.

Claude Lévi-Strauss là một nhà nhân học Pháp có ảnh hưởng lớn lên các ngành khoa học xã hội và nhân văn thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20 với phương pháp phân tích cấu trúc mà ông đã chủ yếu dựa vào âm vị học cấu trúc (phonologie structurale) để lập ra rồi áp dụng vào nghiên cứu nhân học. Do sự nghiệp khoa học đồ sộ của ông (với hơn hai mươi cuốn sách và hơn hai trăm bài viết!), do sự đa dạng của các chủ đề nghiên cứu, do các giả thuyết và các phương pháp vô cùng mới lạ mà ông đề xuất, từ cuối những năm 1940, Lévi-Strauss đã không ngừng làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận và nhiều phê phán ở nhiều c trên thế giới, đc biệt ở Pháp và Mỹ. Các công trình của ông đã được mổ xẻ, phân tích trong vô vàn cuốn sách và bài viết của nhiều nhà nhân học, xã hội học, triết học, ngữ học, sử học… nghiêm túc trên thế giới.
Tiểu sử
Sinh ngày 20.11.1908 ở Bruxelles, nhưng chỉ ít lâu sau đó cha mẹ ông quay về sống ở Paris. Tên khai sinh của ông là Gustave Claude Lévi. Cha mẹ ông đều là người Do Thái ở vùng Alsace (Pháp). Cha ông là hoạ sĩ vẽ chân dung có tên thật là Raymond Lévi, nhưng lại ký tên là Lévi-Strauss, vì ông ta là cháu ngoại của Isaac Strauss, một nhạc trưởng kiêm nhà soạn nhạc khá nổi tiếng ở Paris vào giữa thế kỷ 19. Phải đợi đến năm 1961 Claude Lévi-Strauss mới chính thức mang họ Lévi-Strauss.
Vào cuối các năm trung học, ông quen một đảng viên trẻ của Đảng Xã hội Bỉ và nhờ thế biết đến tư tưởng của Marx rất sớm. Ông hoạt động trong Đảng Xã hội SFIO và trở thành Tổng bí thư của Đoàn Sinh viên Xã hội Pháp. Năm 1928, ông làm thư ký cho đại biểu quốc hội Georges Monnet[3] thuộc Đảng SFIO, nhưng vẫn tiếp tục học ở khoa luật của Đại học Paris.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ông chuyển sang học triết ở đại học Sorbonne, và đậu thạc sĩ[4] triết học (được xếp thứ ba) năm 1931.
Năm 1932, ông kết hôn với Dina Dreyfus, trẻ hơn ông 3 tuổi (sinh năm 1911); đậu thạc sĩ triết học năm 1934, vợ ông cũng sẽ chuyển sang nghiên cứu dân tộc học.
Célestin Bouglé (1870-1940)
Sau hai năm dạy triết ở trường trung học phổ thông, ông chấp nhận đề nghị của nhà xã hội học Pháp Célestin Bouglé[5] cùng vợ sang Brazil dạy xã hội học ở Đại học São Paulo. Ở đây, ông tổ chức và chỉ đạo nhiều cuộc điền dã ở Mato Grosso và vùng Amazonia, với sự tham gia của vợ.
Trong chuyến điền dã đầu tiên (1935-1936), Claude Lévi-Strauss nghiên cứu hai bộ tộc Mỹ-Ấn (amérindien) Caduveo và Bororo. Trong chuyến thứ hai (năm 1938), ông nghiên cứu tộc người Mỹ-Ấn Nambikwara.
Trở về Pháp trước khi thế chiến II bùng nổ, ông bị động viên vào quân đội với vai trò liên lạc viên ở chiến lũy Maginot trong hai năm 1939 và 1940, rồi được bổ dạy trung học phổ thông ở Montpellier. Năm 1940, ông bị chính quyền Vichy cách chức vì có gốc Do thái.
Năm 1941, ông ly thân với vợ, rồi rời Pháp sang tị nạn ở New York. Vào khoảng tháng 9.1941, ông được mời dạy xã hội học đương đại về Nam Mỹ ở Trường Nghiên cứu Xã hội mới (New School for Social Research).
Alexandre Koyré (1892-1964)
Năm 1942, ông tham gia tổ chức Nước Pháp tự do (France libre) của tướng de Gaulle và làm xướng ngôn viên cho Cơ quan thông tin chiến tranh (Office of War Information). Ông được nhà triết học Pháp Alexandre Koyré[6] giới thiệu với nhà ngữ học Roman Jakobson[7]. Nhờ ông này, Claude Lévi-Strauss nắm vững phương pháp phân tích của ngữ học cấu trúc mà ông sẽ áp dụng vào việc nghiên cứu các hệ thống thân tộc và huyền thoại.
Tham gia phái bộ khoa học của Các lực lượng tự do Pháp (Forces françaises libres) ở Mỹ, ông cùng với Henri Focillon[8]Jacques Maritain[9]Jean Perrin[10]… thành lập Trường Cao học tự do (École libre des hautes études) ở New York vào tháng 2.1942.
Henri Focillon (1881-1943)
Jacques Maritain (1882-1973)
Năm 1945, ông được Bộ Ngoại giao Pháp bổ nhiệm làm tham tán văn hoá ở đại sứ quán Pháp tại Mỹ, nhưng vẫn dành nhiều thời giờ để tham khảo ở các thư viện lớn của Mỹ. Sau khi ly dị với bà Dina, ông kết hôn với bà Rose-Marie Ullmo và có được một người con trai.
Năm 1945, trong bài lý thuyết quan trọng đầu tiên của mình[11], Lévi-Strauss đã tuyên bố phương pháp phân tích cấu trúc, cũng giống như đối với ngôn ngữ học, sẽ mau chóng đổi mới sâu sắc cách nghiên cứu thân tộc, huyền thoại, nghệ thuật, tổ chức xã hội, v.v..
J. B. Perrin (1870-1942)

Năm 1947, ông hoàn thành cuốn Structures élémentaires de la parenté (Các cấu trúc cơ bản của thân tộc).
Năm 1948, ông cùng gia đình về Paris.
Năm 1949, ông xuất bản cuốn Các cấu trúc cơ bản của thân tộc[12] mà ông dùng làm luận án tiến sĩ chính (còn luận án phụ là bài “La vie familiale et sociale des Indiens Nambikwara” (Đời sống gia đình và xã hội của người Mĩ-Ấn Nambikwara)[13]; sau đó được bổ làm Phó Giám đốc Bảo tàng Con người.

Năm 1951, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư ở Trường Cao học thực hành (l'École pratique des hautes études).
Năm 1952: xuất bản cuốn Race et histoire [Chủng tộc và lịch sử]. Trong cuốn sách này do UNESCO xuất bản, tuy mỏng nhưng gây nhiều tranh luận, Lévi-Strauss chứng minh là không có các tiêu chuẩn khách quan cho phép so sánh và đánh giá tất cả các xã hội của mọi thời đại. Theo ông, nếu người phương Tây cho rằng văn hoá của nhiều dân tộc khác là “cố định” (stationnaire), chính là vì chúng không đi cùng hướng với văn hoá của họ; và sự tiến bộ là không thiết yếu và cũng không liên tục.
Năm 1954, ông kết hôn với bà Monique Roman và có với bà người con trai thứ hai.

Raymond Aron (1905-1983)
Năm 1955, ông xuất bản cuốn Tristes tropiques [Nhiệt đới buồn] được nhiều nhà trí thức lớn (như Raymond Aron[14]) cũng như độc giả đón nhận rất nồng nhiệt. Còn ban giám khảo của giải Goncourt thì xin lỗi đã không thể trao giải cho cuốn sách này, vì nó không phải là một cuốn tiểu thuyết, mà là một cuốn du ký kể lại các chuyến du hành và các cuộc điền dã của ông (chủ yếu ở Brazil). cuối cuốn Nhiệt đới buồn, Lévi-Strauss đã viết những trang rất sâu sắc về các “sự thật” (vérité) mà Đức Phật đã chứng ngộ cách đây 25 thế kỷ khi trầm tư dưới gốc cây bồ đề. Ông bái phục Đức Phật như là một nhà tư tưởng lớn mà, theo ông, cho đến nay chưa ai vượt qua được[15]!
1958: xuất bản cuốn Anthropologie structurale [Nhân học cấu trúc] gồm nhiều bài viết quan trọng đã đăng trong các tạp chí. Cuốn sách này góp phần đáng kể trong việc nâng cao uy tín của Lévi-Strauss.
Émile Benveniste (1902-1976)
Pierre Gourou (1900-1999)
1959: ông được bầu làm giáo sư nhân học xã hội ở Collège de France (Học viện Pháp quốc), sau hai lần thất bại. Dù không cấp học vị nào cả, học viện này rất có uy tín, vì các giáo sư của nó (được hội đồng giáo sư bầu) thường được xem như là những nhà khoa học, triết gia, sử gia,… hàng đầu. Uy tín của Lévi- Strauss ngày càng tăng đến mức, sau khi ông về hưu (1982), ghế  giáo sư nhân học vẫn được Học viện Pháp quốc duy trì và, thậm chí, còn do hai môn đệ của ông (Francoise Héritier[16] và Philippe Descola[17]) kế tiếp nhau đảm nhận.

1960: ông thành lập Phòng nghiên cứu nhân học xã hội thuộc Học viện Pháp quốc và Trường Cao học thực hành. Cho đến nay, phòng nghiên cứu quan trọng này vẫn hoạt động.
1961: cùng với Émile Benveniste và Pierre Gourou, ông thành lập tạp chí L'Homme (Con người), tạp chí rất có uy tín chuyên đăng những bài nghiên cứu về nhân học và dân tộc học.
1962: xuất bản cuốn Le Totémisme aujourd’hui [Định chế tôtem hiện nay] và La Pensée sauvage [Tư duy hoang dại]. Trong chương cuối của cuốn sau (Lịch sử và biện chứng), Lévi-Strauss đã tấn cống chính diện vào chủ nghĩa hiện sinh của Jean-Paul Sartre, nên tạo ra một chấn động trong báo chí cũng như trong giới trí thức.
1964: xuất bản cuốn Le Cru et le Cuit [Cái sống và cái chín], cuốn đầu của bộ Mythologiques [Huyền thoại] gồm bốn tập dày cả thảy khoảng 2000 trang.


1967: xuất bản cuốn Du miel aux cendres [Từ mật đến tro], Huyền thoại II.
1968: xuất bản cuốn L’Origine des manières de table [Nguồn gốc các cách ăn uống], Huyền thoại III.
1971: xuất bản cuốn L’Homme nu [Con người trần truồng], Huyền thoại IV.
1973: ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp (việc ông ứng cử vào viện này gây không ít ngạc nhiên trong giới trí thức Pháp thuộc cánh tả). Ông xuất bản cuốn Antropologie structurale deux [Nhân học cấu trúc II]: giới phê bình đón nhận nó không mấy nồng nhiệt, vì từ sau phong trào tháng 5.1968, thuyết cấu trúc nói chung ngày càng bị chỉ trích.
1975: xuất bản cuốn La Voie des masques [Con đường của mặt nạ].
1982: nghỉ hưu.


1983: xuất bản cuốn Le Regard éloigné [Nhìn từ xa]. Trong lời tựa, tác giả cho biết cuốn sách này đáng ra có tên là Anthropologie structurale trois [Nhân học cấu trúc III][18]. Cuốn này được đón nhận khá tốt.
1984: xuất bản cuốn Paroles données [Những lời đã nói] ghi tóm tắt các bài giảng của ông ở Học viện Pháp quốc.
1985: xuất bản cuốn La Potière jalouse [Bà làm gốm ghen ghét].


1991: xuất bản cuốn Histoire de Lynx [Chuyện Mèo Rừng].
1993: xuất bản cuốn Regarder, écouter, lire [Nhìn, nghe, đọc].
Từ năm 1994 trở đi, Lévi-Strauss ít xuất bản sách, nhưng ông vẫn tiếp tục điểm sách đều đặn cho tạp chi l’Homme.
- 5.2008: Gallimard xuất bản, trong sưu tập La Pléiade, cuốn Œuvres [Tác phẩm] gồm một số cuốn sách do chính ông tuyển chọn.
- 30.10.2009: ông qua đời ở Paris.


Ba cuốn sách xuất bản sau khi ông mất: L’Anthropologie face aux problèmes du monde moderne [Nhân học đối diện với các vấn đề thế giới hiện đại, 2011], L’Autre face de la lune [Mặt kia của trăng, 2011], Nous sommes tous des cannibales [Chúng ta đều là những kẻ ăn thịt người, 2013].
Ngoài Hàn lâm viện Pháp, ông còn là thành viên của Hàn lâm viện Anh, Hàn lâm viện Nghệ thuật và Khoa học hoàng gia Hà Lan, Hàn lâm viện Khoa học và Văn học Na Uy, thành viên người nước ngoài của Hàn lâm viện Quốc gia Mỹ…
Ông cũng là tiến sĩ danh dự (honoris causa) của các trường đại học Bruxelles (Bỉ), Chicago, Columbia, Harvard, Johns-Hopkins, Yale (Mỹ), Montréal, Laval (Canada), Oxford (Anh), São Paulo (Brazil), Uppsala (Thụy Điển),…

Trong số các giải thưởng và huy chương mà ông được trao có huy chương vàng của CNRS[19] (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học, Pháp, 1967), giải Erasmus[20] (1973) và Giải quốc tế của vùng Catalunya[21] (Tây Ban Nha, 2005).
Ảnh hưởng
Như đã nói trên, ngay khi còn học trung học phổ thông, Lévi-Strauss đã đọc Marx. Trả lời phỏng vấn của tuần báo L’Express số ra ngày 17.10.1986, ông tuyên bố đã học “phương pháp mô hình” của Marx và ông vẫn “trung thành với Marx […], nhưng không trên bình diện ý tưởng chính trị”. Trong  cuốn De près et de loin [Gần xa, 1988][22], ông cho rằng chính “ba tình nhân” của thời trẻ (chủ nghĩa Marx, phân tâm học của Freud và địa chất học) đã khiến ông quan tâm đến những chiều cạnh (dimension) ẩn tàng của thực tại.
E. Husserl (1859-1938)
M. Heidegger (1889-1976)
Chính trong cuốn Tristes Tropiques [Nhiệt đới buồn, 1955] Lévi-Strauss đã cho biết tại sao ông đã chuyển từ triết học sang dân tộc học. Khi còn là giáo sư dạy triết trẻ, ông đã không thoải mái với môn triết học, bởi vì trong những năm 1930, triết học Pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc của hiện tượng học Đức (Husserl[23]Heidegger[24]) chủ trương nắm bắt thực tại chủ yếu xuyên qua trải nghiệm chủ quan; ông cảm thấy buồn chán khi dạy triết học mà ông cho là quá “tư biện” (spéculatif), tách rời khỏi khoa học và các hiện tượng cụ thể[25].
Vào khoảng năm 1933 hay 1934, ông tình cờ đọc cuốn Primitive Society [Xã hội nguyên thủy] của Robert H. Lowie[26]: chính cuốn sách này đã dẫn dắt ông vào môn dân tộc học[27].
Franz Boas (1858-1942)

Giữa hai năm 1941 và 1944, chính nhờ các công trình của những nhà nhân học Mỹ chịu ảnh hưởng của trường phái lịch sử Đức và Áo (Franz Boas[28], Robert LowieAlfred Kroeber[29]) mà Lévi-Strauss đã nghĩ đến một cấu trúc vô thức của các hiện tượng tập thể như là thân tộc (parenté). Theo ông, Franz Boas là “một trong những người đầu tiên đã nhấn mạnh đến sự kiện chính yếu sau đây đối cới các khoa học về con người: các quy luật của ngữ ngôn vận hành ở mức độ vô thức[30]”.
Vào năm 1942, sự phát hiện các công trình nghiên cúu của hai nhà âm vị học gốc Nga Roman Jakobson và N. S. Troubetskoï[31] trong đó họ triển khai và hệ thống hoá các thành quả của Ferdinand de Chaussure[32] là một sự “thán phục hết mức” (éblouisement) về trí thức đối với Lévi-Strauss: nó cung cấp cho ông các công cụ mà ông còn đi tìm.
Troubetzkoï (1890-1938)
Alfred Kroeber (1876-1960)
Sự độc đáo của lối tiếp cận cấu trúc của Lévi-Strauss là đã đưa phương pháp lý luận của âm vị học vào trong nhân học miêu tả và theo thuyết chức năng của Đức, Anh và Mỹ. Theo ông, đối với các ngành khoa học xã hội, âm vị học cấu trúc đã đóng “vai trò cách tân mà vật lý nguyên tử, chẳng hạn, đã đóng đối với toàn bộ các khoa học chính xác”[33]. Trong một bài[34] đăng vào năm 1933, Troubetskoï đề ra bốn tiếp cận cơ bản mà nhân học cấu trúc sẽ tiếp thu như là nền tảng: nghiên cứu hạ tầng cơ sở vô thức của các hiện tượng khả tri, ưu tiên xử lý các quan hệ giữa các yếu tố hơn là xử lý bản thân các yếu tố, làm rõ các hệ thống và phát hiện các quy luật tổng quát nhờ quy nạp và suy diễn.
W. Thompson (1860-1848)

Lévi-Strauss cũng chịu ảnh hưởng của các khoa học tự nhiên (đặc biệt của động vật học, sinh học và địa chất học). Vào đầu những năm 1940, ông phát hiện ở New York cuốn On Growth and Forms[35] [Về tăng trưởng và hình thái] của D'Arcy Wentworth Thompson[36]; cuốn sách này đã giúp ông tạo ra khái nhiệm “biến đổi” (transformation) đóng vai trò quan trọng trong phương pháp phân tích cấu trúc huyền thoại của ông.
Ngay từ đầu những năm 1940, để chuẩn bị làm luận án tiến sĩ, Lévi-Strauss đã nhờ nhà toán học André Weil (thành viên sáng lập của nhóm Bourbaki nổi tiếng) giúp giải quyết các quy tắc hôn nhân rất phức tạp bằng lý thuyết nhóm Klein.
J. J. Rousseau (1712-1778)
Marcel Granet (1884-1940)
Lévi-Strauss còn cho biết là ông đã chịu ảnh hưởng của nhà Hán học Pháp Marcel Granet[37] mà ông đã sử dụng các công trình nghiên cứu trong cuốn  Các cấu trúc cơ bản của thân tộc; của Georges Dumézil[38] mà ông xem như là “người khởi xướng (initiateur) của phương pháp cấu trúc”[39]; của Marcel Mauss[40] mà trong bài “Introduction à l’œuvre de Marcel Mauss” (Dẫn nhập vào sự nghiệp của Marcel Mauss)[41] ông đã đánh giá rất cao; và của Jean-Jacques Rousseau[42] mà ông xem như là “người sáng lập ra các khoa học về con người”.
Từ đầu những năm 1970 trở đi, dù lớn tuổi, Lévi-Strauss đã theo dõi và  tiếp thu các thành quả của di truyền học và của các khoa học nhận thức (sciences cognitives)[43].
Sự nghiệp nghiên cứu

Vì sự nghiệp nghiên cứu của Lévi-Strauss rất đồ sộ và rất khó đọc (do thường “quá” kỹ thuật và lý thuyết), nên chúng tôi chỉ tiếp cận trực tiếp được một phần thôi. Do đó, chúng tôi đã dựa nhiều vào các sách nghiên cứu[44] về Lévi-Strauss để giới thiệu sơ lược phương pháp phân tích cấu trúc và các chủ đề nghiên cứu chính của ông, cũng như về cuốn Định chế tôtem hiện nay.
Phân tích cấu trúc
Khái niệm mô hình đóng một vai trò quan trọng trong nhân học cấu trúc. Lévi-Strauss định nghĩa nó như là một công cụ của trí tuệ cho phép hình dung và nhờ thế nắm bắt một cấu trúc trừu tượng tiềm ẩn bên dưới thực tại được nghiên cứu.
Ở Lévi-Strauss, chiều cạnh không gian - thường được gọi là “đồng đại” (synchronique) - đóng một vai trò quan trọng, nhưng không phải vì vậy mà ông coi thường chiều cạnh “lịch đại” (diachronique), nhưng nó chỉ là một chiều cạnh của môi trường trong đó các biến đổi (transformation) của cấu trúc xã hội xảy ra.
Theo Lévi-Strauss, các cấu trúc của tinh thần con người chính là các cấu trúc của bộ não. Và, bởi vì chúng là phổ biến, nên toàn thể nhân loại đều chia sẻ chúng, dù ở thời đại và xã hội nào.
Ông xem xã hội như là một hệ thống phức hợp có những đặc tính tự trị bất biến xuất phát từ các quan hệ giữa các yếu tố tạo thành nó; do đó, xã hội không thể được suy diễn từ việc nghiên cứu các yếu tố không thôi. Ông chủ trương phải nghiên cứu các sự kiện:
-          ở mức độ vô thức, khách quan, chứ không phải ở mức độ trải nghiệm chủ quan và thông qua tri giác có ý thức của các cá nhân (người bản địa hay người cung cấp thông tin);
-          bằng sự quan tâm đặc biệt đến các quan hệ giữa các yếu tố, chứ không chỉ nghiên cứu bản thân các yếu tố;
-          thông qua sự trung gian của các quy luật chung có tính phổ biến mà ta phải xây dựng bằng phương pháp quy nạp và suy diễn.
Lévi-Strauss phân biệt rõ ràng khái niệm hệ thống với khái niệm cấu trúc gắn liền với khái niệm biến đổi. Nếu hệ thống là một tổng thể gồm các yếu tố có với nhau một số quan hệ, thì trái lại cấu trúc - chỉ được phát hiện nhờ lý luận - là một cấu hình (configuration) của các quan hệ giữa các yếu tố nằm bên trong hệ thống: cấu hình này có thể biến đổi tùy theo một số lượng hạn chế các khả năng logic. Còn sự biến đổi chỉ các biến thiên (variation) của cấu trúc do tác dụng của môi trường, tạo ra một cấu hình mới của hệ thống.
Theo ông, “cấu trúc không thể giản quy (réductible) vào hệ thống: tổng thể bao gồm các yếu tố và các quan hệ kết hợp chúng lại với nhau. Để ta có thể nói đến cấu trúc, giữa các yếu tố và các liên hệ của nhiều tổng thể phải xuất hiện những quan hệ bất biến (invariant), và nhờ thế ta có thể chuyển từ tổng thể này sang tổng thể kia thông qua một sự biến đổi”[45]. Do đó, ông xem khái niệm “biến đổi” là “gắn liền với phân tích cấu trúc”[46].
Năm 1988, nhìn về quá khứ của chính mình, Lévi-Strauss nhận định: “người ta đã hiểu sai bản chất và tầm quan trọng của những điều mà tôi vay mượn của ngữ học. Ngoài cảm hứng tổng quát - tôi đồng ý, cái đó là rất lớn -, chúng giản quy vào vai trò của sự hoạt động vô thức của tinh thần trong việc tạo ra các cấu trúc logic […] và vào nguyên tắc cơ bản này là các yếu tố cấu thành không có ý nghĩa nội tại…”[47].
Tư duy biểu tượng và tư duy hoang dại
Marcel Mauss (1872-1950)
Maurice Godelier (1934-)
Trong bài “Dẫn nhập vào sự nghiệp nghiên cứu của Marcel Mauss”[48], Lévi-Strauss đã xác định vai trò của “tư duy biểu tượng” (pensée symbolique) trong sự phát sinh của xã hội và trong đời sống xã hội. Theo ông, nguồn gốc của xã hội gắn liền với sự đột hiện (émergence) của tư duy biểu tượng. Nhưng Maurice Godelier[49] cho rằng giả thuyết về sự đột hiện này như là một thứ “big bang” là không có cơ sở khoa học[50].
Cũng theo Lévi-Strauss, tư duy biểu tượng bám rễ sâu vào vô thức, nhưng vô thức này không phải là vô thức cảm xúc (affectif) của các ham muốn bị dồn nén (désir refoulé) theo quan niệm của Freud, mà là vô thức nhận thức (inconscient cognitif).
Sigmund Freud (1856-1939)
Sau khi đã nói lướt qua trong cuốn Định chế tôtem hiện nay, Lévi-Strauss đã trình bày cặn kẽ “tư duy hoang dại” (pensée sauvage) trong một cuốn sách nổi tiếng cùng tên[51] (cả hai cuốn sách này đều được xuất bản trong năm 1962, cách nhau vài tháng). Theo ông, tư duy hoang dại là một thao tác biểu tượng của tinh thần con người nhằm tổ chức thực tại như là một tổng thể, không thông qua giai đoạn cắt xén và phân tích; nó bổ sung hơn là đối lập với tư duy bị thuần hoá (domestiqué) (tức là tư duy khoa học hay “tư duy kỹ sư”): tư duy sau tiến hành chậm chạp, bằng quy nạp hay suy diễn, để đạt đến những kết quả từng phần (partiel) nhưng có thể làm lại được. Như vậy tư duy hoang dại là một phương thức tư duy phổ biến và phi thời gian (intemporel), bên cạnh tư duy khoa học và “tranh đua” với nó.
Hai tư duy hoang dại và khoa học khác nhau “không phải về thao tác trí tuệ và về bản chất mà là do chúng được áp dụng vào các loại hình hiện tượng khác nhau”. Do đó, tư duy hoang dại tiếp tục hoạt động trong mọi thời đại và trong mọi xã hội, kể cả ở phương Tây đương đại.
Tư duy hoang dại là một tư duy xếp loại (classificatoire). Nó nắm bắt các hình thái của thực tại trong tổng thể của chúng để phân loại (catégoriser) và đặt tên các hiện tượng văn hoá thông qua sự tương tự với tự nhiên.
Thân tộc
Trước Lévi-Strauss, khi nghiên cứu thân tộc, nhân học truyền thống chủ yếu chỉ quan tâm đến gia đình như là đơn vị tự trị gồm chồng, vợ và con cái, trong chiều cạnh thời gian, và không mấy quan tâm đến các người cháu họ (neveux), anh chị em họ (cousins), chú bác cô dì và ông bà nội ngoại. Ông đặc biệt quan tâm đến những sự kiện xã hội trước đó ít được nghiên cứu: trao đổi qua lại (réciprocité) và sự liên minh (alliance) giữa các nhóm thân tộc, ngoại hôn, sự cấm loạn luân.
Như ta biết, sự cấm loạn luân là một sự kiện phổ biến. Lévi-Strauss cho rằng nó là nơi và là điều kiện của sự chuyển từ tự nhiên sang văn hoá.
Sự cấm loạn luân bắt buộc phải trao đổi những phụ nữ không được lấy làm vợ với những phụ nữ được lấy làm vợ. Chính đàn ông trao đổi đàn bà, chứ không phải ngược lại, vì trong mọi xã hội đàn ông đều độc chiếm quyền lực chính trị. Tư tưởng biểu tượng (pensée symbolique) làm cho đàn ông xem đàn bà như là giá trị và ký hiệu (signe), như là của cải quý nhất để biếu tặng, để trao đổi. Cho đến cuối đời, Lévi-Strauss vẫn bảo vệ lập trường “đàn ông trao đổi đàn bà”, dù nó luôn bị chỉ trích lắm khi kịch liệt, nhất là bởi những người đòi nam nữ bình quyền (féministe).
Theo Maurice Godelier[52], nghiên cứu thân tộc của Lévi-Strauss gồm bốn “thời đoạn” (moment):
Thời đoạn đầu (từ 1943 đến 1956): đề tài này thu hút ông hầu như toàn bộ. Trong bài “L’analyse structrale en linguistique et en anthropologie”[53] (Phân tích cấu trúc trong ngữ học và trong nhân học, 1945), ông trình bày lần đầu tiên khái niệm “nguyên tử thân tộc” (atome de parenté) gồm các cá nhân thuộc hai thế hệ; giữa các cá nhân này có bốn hoại hình quan hệ có thể là thân tình, thoải mái (+) hay đối kháng (-):
-          giữa chồng với vợ;
-          giữa anh hay em trai với chị hay em gái;
-          giữa cậu với con trai của chị hay em gái;
-          giữa cha với con trai.
Chẳng hạn ở quần đảo Trobriand (Melanesia) - theo mẫu hệ -, quan hệ giữa chồng và vợ là thân mật và âu yếm (+), quan hệ giữa cha và con trai là tự do và không gò bó (+), quan hệ giữa cậu (anh hay em của mẹ) và cháu trai (con của chị hay em gái) là kính trọng và đối kháng (-), và quan hệ giữa anh hay em trai và chị hay em gái là có sự cấm kị (tabou) (-).
Để viết cuốn Các cấu trúc cơ bản của thân tộc, Lévi-Strauss đã khai thác kho tri thức khổng lồ mà các nhà nhân học Anh, Mỹ, Úc và New Zealand đã tích lũy được trong nửa đầu của thế kỷ 20: ông đã tham khảo đến hơn 7000 cuốn sách và bài viết!
L. H. Morgan (1818–1881)
Theo Maurice Godelier, với kiệt tác này, Lévi-Strauss đã xây dựng lại, một thế kỷ sau Morgan[54], “sự nhận thức về thân tộc”, thế mà thân tộc lại là chủ đề quan trọng hàng đầu của nhân học.
Dựa trên nguyên tắc liên minh và sự cấm loạn luân, Lévi-Strauss xếp tất cả các hệ thống thân tộc vào hai loại: các hệ thống cơ bản (chúng chia các người bà con thành những người được phép hay bị cấm lấy làm vợ hay làm chồng: các anh chị em họ chéo[55] (cousin croisé) có thể lấy nhau, trong khi các anh chị em họ song song[56] (cousin parallèle) thì bị cấm); các hệ thống phức hợp trong đó việc chọn vợ hay chồng không được quy định trước trong danh mục thân tộc, mà tuân theo các tiêu chuẩn chính trị, kinh tế, tôn giáo, v.v..
Lévi-Strauss cho thấy có hai cấu trúc trao đổi hôn nhân khác nhau: ông gọi là trao đổi hạn hẹp (échange restreint), khi A cung cấp vợ cho B và B cung cấp vợ cho A; và gọi là trao đổi tổng quát (échange généralisé), khi A cung cấp vợ cho B và B cho C, rồi cho đến n, và n sẽ cung cấp vợ cho A.
Để bổ sung cho cuốn Các cấu trúc cơ bản của thân tộc, năm 1956, ông đã viết một bài[57] rất quan trọng phân tích vai trò của gia đình trong sự vận hành của các hệ thống thân tộc.
Edmund Leach (1910-1989)
Thời đoạn thứ hai (1965-1966): trong bài “The Future of Kinship Studies” (Tương lai của nghiên cứu thân tộc)[58], Lévi-Strauss đề nghị các nhà nhân học nghiên cứu các cấu trúc bán-phức hợp (structure semi-complexe) - tức là các hình thức quá độ từ các cấu trúc cơ bản (structure élémentaire) sang các cấu trúc phức hợp (structure complexe) - mà ông xác định các nguyên tắc vận hành và minh hoạ bằng các hệ thống thân tộc gọi là “Crow-Omaha”[59]. Ông nhắc lại đề nghị này trong lời nói đầu của cuốn Các cấu trúc cơ bản của thân tộc, được tái bản năm 1967, với vài chương liên quan đến hệ thống thân tộc của người Kachin được viết lại do bị nhà nhân nhọc Anh Edmund Leach[60] chỉ trích kịch liệt.

Thời đoạn thứ ba (1973-1976): trong cuốn La voie des masques [“Con đường” của mặt nạ][61], Lévi-Strauss tạo ra khái niệm “nhà” (maison) như là cấu trúc thân tộc để soi sáng bản chất của các hệ thống thân tộc của các tộc người Mỹ-Ấn Kwakiutl, Tlingit, …, ở vùng duyên hải tây-bắc Mỹ và Canada. Ông định nghĩa khái niệm này như là “pháp nhân nắm giữ một cơ nghiệp (domaine) gồm các của cải vật chất cũng như phi vật chất được duy trì nhờ sự truyền lại tên, tài sản và các chức tước của mình theo dòng dõi có thực hay giả tưởng, được xem là chính đáng với điều kiện duy nhất là sự liên tục đó có thể được thể hiện trong ngữ ngôn thân tộc hay liên minh, và, thông thường nhất, trong ngôn ngữ của cả hai[62]”.
Từ năm 1976 đến năm 1982, trong các bài giảng, ông đã liên tục phân tích các công trình nghiên cứu về hệ thống “nhà” ở nhiều nơi (Indonesia, Melanesia, Polynesia, New Zealand, Madagascar, Micronesia và châu Phi). Các tóm tắt của các bài giảng này được đăng trong cuốn Paroles données[63] (1984).
Năm 1983, trong bài giảng[64] để kỷ niệm sử gia Marc Bloch, ông không những xác định rõ quan niệm của mình về sử học và kêu gọi các sử gia và các nhà nhân học nên hợp tác với nhau, mà còn trình bày các tâm đắc của ông về hệ thống “nhà” đã được các sử gia nghiên cứu từ thế kỷ 19.
Quan niệm của Lévi-Strauss về “nhà” đã có ảnh hưởng khá rõ nét trên một số nhà dân tộc học (như Cécile Barraud, Jean-Pierre Digard, …) và sử gia (Philippe Maurice, Christiane Klapisch-Zuber).
Thời điểm thứ tư (1996-2000): dù đã rất cao tuổi, Lévi-Strauss theo sát các hình thái thân tộc mới xuất hiện trong xã hội phương Tây và đặt ra những vấn đề pháp lý, chính trị, đạo đức phức tạp: vấn đề mẹ mang thai hộ (mère porteuse), gia đình cha mẹ đồng tính (famille homoparentale). Đối với chúng, Lévi-Strauss tỏ ra rất phóng khoáng[65].
Theo Maurice Godelier, trong lĩnh vực nghiên cứu thân tộc, trong nửa sau của thế kỷ 20, không một nhà nhân học nào có nhiều cách tân về lý thuyết như Lévi-Strauss[66]. Chẳng những thế, ông lại vô cùng uyên bác, có lối viết trong sáng và chính xác, lối lập luận chặt chẽ.
Maurice Godelier[67] cho rằng Lévi-Strauss đã kiên trì không công nhận vai trò của “dòng dõi” (filiation, descendance), thực ra cũng quan trọng không kém vai trò của liên minh trong việc tạo ra và cấu trúc hoá các quan hệ thân tộc trong xã hội loài người. Ông luôn kéo dòng dõi về phía tự nhiên (như là quá trình sinh học) và kéo liên minh về phía văn hoá. Thế mà, theo Maurice Godelier, các nguyên tắc về dòng dõi - chỉ bốn thôi: đơn tuyến (unilinéaire), “tự chọn” (ambilinéaire), lưỡng tuyến (bilinéaire) và không phân biệt (indifférencié) - cũng có tính văn hoá và “giả tạo” (artificiel) như các quy tắc liên minh: chúng chỉ là những kiến tạo, những biểu trưng về các quá trình của cuộc sống. Chúng độc lập với các nguyên tắc liên minh.
Từ vài thập kỷ nay, ở phương Tây, trục dòng dõi ổn định hơn trục liên minh: hôn nhân ngày càng giảm trong khi sự chung sống tự do (union libre) và chung sống như vợ chồng nhưng không cưới xin (concubinage)[68] ngày càng tăng.
Huyền thoại
Robert Hertz (1881-1915)
Lévi-Strauss đã có những đóng góp rất lớn cho việc phân tích huyền thoại và tư duy huyền thoại. So với những những người đi trước ông (như Marcel Mauss, Robert Hertz[69], Marcel Granet, Louis Gernet[70] và Georges Dumézil), ông đã tạo ra một xuất phát điểm mới với hai khái niệm cấu trúc và biến đổi.
Ngoài ra ông còn bổ sung phân tích cấu trúc bằng mô hình âm nhạc. Nhưng theo nhà âm nhạc học Jean-Jacques Nattiez, sự “tương đồng” (homologie) mà Lévi-Strauss tưởng đã tìm ra giữa âm nhạc nghệ thuật (musique savante) phương Tây và huyền thoại là không có cơ sở[71].
Theo Maurice Godelier, bài viết “The Structural Study of Myth”[72] (Phân tích cấu trúc huyền thoại) (1955) đúng là “tuyên ngôn của phân tích cấu trúc về các huyền thoại”[73]. Theo Lévi-Strauss, một huyền thoại là tổng thể của tất cả các biến thể (variante) của nó; cái quan trọng của một huyền thoại “không nằm trong phong cách, trong lối kể chuyện cũng như trong cú pháp, mà là trong câu chuyện được kể”[74]; một huyền thoại gồm các đơn vị cấu thành, tức là các “huyền thoại tố” (mythème) được định nghĩa như là các “gói quan hệ” (paquet de relations). Cũng trong bài viết quan trọng này, Lévi-Strauss cho rằng mọi huyền thoại phải được xét trong toàn bộ các biến thể của nó có thể được giản quy (réductible) vào một công thức thuộc loại hình toán học mà ông gọi là “công thức chính tắc của huyền thoại” (formule canonique des mythes). Công thức này bị nhiều nhà nhân học cho là không hiểu được và không có ích gì cho việc tiếp cận các huyền thoại. Nhưng, ngược lại, cũng có vài người (như Lucien Scubla[75] và J. Petitot[76]) xem nó như là chìa khoá để hiểu chúng thật sâu[77].

Theo ông, tư duy huyền thoại không khác (hoặc khác rất ít) tư duy thực chứng (tức tư duy khoa học).
Từ năm 1951 đến năm 2002, Lévi-Strauss đã dùng hai khái niệm cấu trúc và biến đổi để phân tích khoảng 2000 huyền thoại chủ yếu của người Mỹ-Ấn ở cả Nam lẫn Bắc Mỹ (hơn 350 tộc người!).
Ông đã trình bày các kết quả quan trọng mà ông thu được trong chín cuốn sách sau đây:
1962: Le Totémisme aujourd’hui [Định chế tôtem hiện nay] và La Pensée sauvage [Tư duy hoang dại].

1964: Le Cru et le cuit (Cái sống và cái chín).
1967: Du miel aux cendres (Từ mật đến tro).
1968: L’Origine des manières de table (Nguồn gốc các cách ăn uống).
1971: L’Homme nu (Con người trần truồng).
1975: La Voie des masques [“Con đường” của mặt nạ].
1985: La Potière jalouse [Bà làm gốm ghen ghét].

1991: Histoire de Lynx [Chuyện Mèo Rừng].
Ngoài ra ông còn có đến 44 bài liên quan đến huyền thoại đăng trong bốn cuốn sách sau đây:
1958: Anthropologie structurale [Nhân nhọc cấu trúc].
1973: Anthropologie structurale II.
1983: Le Regard éloigné [Nhìn từ xa].
1984: Paroles données [Những lời đã nói].

Chỉ riêng bốn tập Mythologiques không thôi đã chứa nhiều kết quả quan trọng của một công trình nghiên cứu mà trước đó chưa một nhà dân tộc học hay nhà huyền thoại học nào tiến hành, nhằm kiểm kê các loài thú vật và thực vật, các kỹ thuật, các dữ kiện sinh thái, thiên văn và khí tượng hiện diện trong các huyền thoại: Lévi-Strauss đã bỏ ra rất nhiều công sức để đọc hàng mấy trăm tư liệu nhằm tái lập những hiểu biết cụ thể của người Mĩ-Ấn về tự nhiên và văn hoá.
Lévi-Strauss nghiên cứu cứu huyền thoại cũng giống như khi ông nghiên cứu cấu trúc thân tộc: ông muốn tìm các thao tác của tư duy liên quan đến việc tạo ra các quan hệ và các sự kiện xã hội, nhưng đồng thời ông luôn bám sát các dữ kiện dân tộc chí (ethnographique) và lịch sử. Chính nhờ thế mà ông đã làm cho nhân học tiến được một bước rất dài trong việc nghiên cứu và thấu hiểu vài khía cạnh cơ bản của đời sống con người.
Định chế tôtem
A. A. Goldenweiser (1880-1940)
J. G. Frazer (1854-1941)
Năm 1910, J. G. Frazer[78] đã xuất bản ở London cuốn Totemism and exogamy [Định chế tôtem và ngoại hôn], gồm bốn tập và dày khoảng 2200 trang[79]. Trong cuốn sách này, tác giả khẳng định đã tập hợp tất cả những gì mà người ta biết được về định chế tôtem mà ông ta xem như là một hệ thống. Cũng trong năm đó, A. A. Goldenweiser[80], trong một bài viết[81] dày hơn 100 trang, cho rằng trong định chế tôtem người ta đã lẫn lộn ba hiện tượng xã hội có bản chất khác nhau: sự phân chia xã hội thành các thị tộc (clan); sự quy cho các thị tộc tên gọi hoặc biểu tượng thú vật hay thực vật; sự tin rằng có quan hệ thân tộc và quan hệ dòng dõi giữa các thành viên của một thị tộc và tôtem của họ.
Năm 1913, trong cuốn Totem und Tabu [Tôtem và tabu], S. Freud thử tìm câu trả lời cho câu hỏi mà nhiều nhà nhân học đặt ra về sự hiện diện của sự cấm loạn luân trong tất cả các xã hội loài người. Ông dùng hai khái niệm “bầy lũ nguyên thủy” (horde primitive) và mặc cảm Oedipe[82] để tìm hiểu sự hình thành của tabu cũng như vai trò của tôtem trong các xã hội “nguyên thủy”.
G. P. Murdock (1897-1985)

Năm 1916, trong một bài viết[83], F. Boas cho rằng trong định chế tôtem người ta thường lẫn lộn hai vấn đề: một mặt, đó là sự đặt tên cho các nhóm người được xây dựng trên thân tộc (sự đặt tên này được tiến hành bằng nhiều cách trong đó có việc dùng đến tên thú vật và thực vật); mặt khác, đó là vấn đề đồng nhất hoá con người với thực vật hay thú vật. Từ Boas trở đi, khái niệm “định chế tôtem” ngày càng ít được các nhà nhân học quan tâm, đến mức nó không được cuốn Social Structure [Cấu trúc xã hội, 1949] rất nổi tiếng của G. P. Murdock[84] nhắc đến.
Riêng ở Pháp, năm 1920, A. Van Gennep[85] xuất bản cuốn sách mà Claude Lévi-Strauss cho là “tuyệt tác cuối cùng” (chant du signe) về định chế tôtem.
Adolphus Elkin (1891-1979)
A.van Gennep (1873-1957)
Sau khi đã lập lại các giai đoạn của các cuộc thảo luận xung quanh khái niệm tôtem từ Frazer, Lévi-Strauss xem lại rất kỹ hồ sơ về định chế tôtem ở Úc, chủ yếu dựa trên bài nghiên cứu[86] (1933-1934) của A. P. Elkin[87]. Ông này đã phân tích các định chế tôtem của các nhóm xã hội, tức của các “nửa” (moitié), toán (section) và tiểu toán (sous-section) cũng như các định chế tôtem cá nhân (giới tính, thụ thai, địa phương, nơi sinh của đứa con) và trong mơ (của người mẹ trong khi thai nghén). Elkin đi đến kết luận là ta không thể tìm ra được một sự thống nhất giữa tất cả các hiện tượng tôtem này, và vì vậy không có một, mà là nhiều định chế tôtem không thuần nhất (hétérogène) và không thể giản quy (irréductible). Nhưng Lévi-Strauss lại rút ra từ đó một kết luận triệt để hơn nhiều: nếu các định chế tôtem là không thuần nhất và không thể giản quy, chính là vì cái gọi là định chế tôtem không tồn tại, mà chỉ là một “ảo tưởng”. Thực ra, ngay từ đầu đã có một ngộ nhân về từ “tôtem”. Vào cuối thế kỷ 18, J. K. Long[88], một thương gia người Anh đã tạo ra từ tôtem từ ngôn ngữ của người Ojibwa (ở phía bắc vùng Đại Hồ Bắc Mỹ) mà các thị tộc mang tên thú vật. Theo Lévi-Strauss, các nghiên cứu sau đó về người Ojibwa đã chứng tỏ là J. K. Long đã lẫn lộn hệ thống gọi tên thị tộc này (không gắn liền với một cấm đoán nào cả) và một hệ thống các thần giám hộ (esprit gardien) mà người Ojibwa cầu khẩn đến bảo vệ cá nhân họ.
Tại sao định chế tôtem lại dùng tên thú vật và thực vật để gắn chúng với những nhóm người hay với các cá nhân? Malinowski[89] cho rằng chính là vì người nguyên thủy rút ra từ thực vật và thú vật phương tiện sống của họ và nghĩ rằng họ có thể kiểm soát bằng nghi thức và ma thuật sự tăng trưởng và sự sinh sôi của chúng[90]. Nhưng Lévi-Strauss cho thấy là nhiều thực vật, thú vật hay nhiều thứ khác được chọn làm tôtem, nhưng hoàn toàn không có ích lợi nào về thực tiễn, về kinh tế hay về mặt nào khác. Như vậy lý giải có tính chức năng của Malinowski không đứng vững!
Radcliffe-Brown (1881-1955)
B. Malinowski (1884-1942)
Lévi-Strauss cũng xét đến cái mà ông gọi là hai lý thuyết mà Radcliffe-Brown[91] đã đưa ra về định chế tôtem. Trong lý thuyết thứ nhất (1929)[92] theo đường lối duy chức năng (fonctionnaliste) của Malinowski, Radcliffe-Brown cho rằng, đối với “đa số” các tộc người mà ta gọi là nguyên thủy, mọi sự và mọi sự biến có ảnh hưởng quan trọng đến an sinh (bien-être) của một xã hội, đều có xu hướng làm đối tượng cho các thực tiễn nghi thức, và định chế tôtem chỉ là một khía cạnh của thái độ tổng quát này. Nhưng Lévi-Strauss bác bỏ ý kiến này vì nhiều tộc người - như người Eskimo, người dân đảo Andaman, người Mĩ-Ấn ở California, v.v. - ứng xử một cách nghi thức đối với nhiều loài vật nhưng lại không biến chúng thành tôtem. Mặt khác, như Raymond Firth[93] đã nhấn mạnh trong một bài viết[94], “phần lớn các loài thú làm tôtem không đem lại lợi ích kinh tế rõ nét nào”. Như vậy phải tìm ở nơi khác các lý do làm phát sinh định chế tôtem.
Raymond Firth (1901-2002)

Năm 1951, trong bài giảng[95] để kỷ niệm Huxley[96], Radcliffe-Brown đã đặt ra vấn đề sau đây: “Do nguyên tắc nào mà những cặp như chim ưng và quạ khoang, chim ó và quạ, chó sói coyote và mèo hoang, được chọn để biểu thị các “nửa“ của một tổ chức nhị nguyên?[97].
Theo ông ta, cặp chim ưng-quạ khoang có cùng một nét chung cho phép so sánh chúng với nhau: đó là hai loại chim ăn thịt; nhưng cũng có một nét đối lập chúng với nhau: chim ưng là loài săn mồi, còn quạ khoang là loài ăn xác thối (charognard). Do đó, hiện tượng tôtem có lẽ là một cách thiết lập những sự tương liên (corrélation) và những sự đối lập nhờ nhiều mã (code) thú vật và thực vật khác nhau. Trên thế giới, có nhiều xã hội dùng sự đối lập của hai màu sắc như đỏ/trắng, hay hai chiều của không gian như cao/thấp, trời/đất, v.v.. Mô hình đối lập có hệ thống nhất và rộng nhất là lý thuyết của Trung Quốc về âm và dương.
Theo Lévi-Strauss, định chế tôtem thực ra chỉ là một ảo tưởng của dân tộc chí do lầm lẫn về mức độ: ở đâu mà ta tưởng thấy nó, nhất thiết không nên xét một cách biệt lập mỗi sự giống nhau giữa nhóm và tôtem, mà nên xét những sự “khác biệt giống nhau”, tức là cái sai biệt (différentiel) giữa bình diện tự nhiên (các tôtem) và bình diện văn hoá (các nhóm) bằng cách tự đặt mình vào mức độ tổng thể của tộc người được xét đến, thậm chí của nhiều tộc người lân cận.
Theo ông, “cái gọi là định chế tôtem tùy thuộc vào giác tính (entendement), và những yêu cầu mà nó đáp ứng […] thuộc trình tự trí tuệ. Do đó, nó chẳng có gì là cổ sơ hay xa xôi. Hình ảnh của nó được phóng ra, chứ không được nhận vào; nó không lấy bản chất của nó từ bên ngoài. Bởi vì, nếu ảo tưởng che giấu một phần sự thật, thì sự thật này không phải ở bên ngoài chúng ta, mà ở bên trong chúng ta”[98].
Khái niệm định chế tôtem tập hợp một cách giả tạo nhiều hiện tượng thực ra không đồng nhất (hétérogène), chẳng những thế chúng còn bị cắt xén và khu biệt một cách tùy tiện. Theo Lévi-Strauss, thực ra, khái niệm này giúp ta biết rõ được tâm thái (mentalité) của những người đã tưởng là phát hiện ra nó, hơn là về các xã hội cổ sơ. Ảo tưởng về tôtem dường như đã là một phương tiện cho phép người da trắng phương Tây của thế kỷ 20 tự cảm thấy họ hoàn toàn khác với những người “hoang sơ” (sauvage)!

Philippe Descola (1949-)
Cũng xin nói thêm rằng, trong cuốn Par-delà nature et culture[99] [Bên kia tự nhiên và văn hoá], Philippe Descola[100] đã dùng từ “totémisme” (phương thức tôtem) để chỉ một trong bốn “phương thức nhận biết và quan hệ” (mode d’identification et de relation) được xác định bởi sự giống nhau và khác nhau giữa nội tính (intériorité) (bao gồm cảm xúc, ý thức, ham muốn, ký ức, khả năng giao tiếp…) cũng như giữa vật tính (physicalité) (thịt, máu, xương, da… và hình thái sinh hoạt) của nhân loại và các thứ “phi-nhân loại” (non-humain) bao gồm thú vật, thực vật, thần linh và ngay cả đồ vật[101]. Đối với “phương thức tôtem”, các thứ “phi nhân loại” có cùng “nội tính” và “vật tính” như loài người.
 Sự thăng trầm của thuyết cấu trúc và Lévi-Strauss
R. O. Jakobson (1896-1982)
Cho đến hiện nay, thế đứng của Lévi-Strauss so với thuyết cấu trúc vẫn còn được bàn cãi. Nhờ tiếp xúc với Roman Jakobson, ông biết đến khái niệm cấu trúc dùng trong ngữ học và đã dựa trên nó để lập ra phương pháp luận cấu trúc. Nhưng khi áp dụng nó vào nhân học, ông không bao giờ quên các dữ kiện dân tộc chí cụ thể. Hoạ hoằn lắm ông mới dùng đến các công cụ toán học, nhưng cũng rất giới hạn.
Ngay vào năm 1945, Lévi-Strauss đã nhấn mạnh đến một “khó khăn cản trở việc áp dụng phương pháp âm vị học vào các nghiên cứu xã hội học nguyên thủy. Sự giống nhau bề ngoài giữa các hệ thống âm vị học và các hệ thống thân tộc lớn đến nỗi nó lập tức đưa ta đi sai đường”[102].
Sự nghi ngờ của ông đối với sự trừu tượng của truyền thống duy hình thức (formaliste) hiện rõ trong bài Structure et dialectique[103] [Cấu trúc và biện chứng, 1956] và nhất là trong bài La structure et la forme[104] [Cấu trúc và hình thức].
Cũng nên nói thêm rằng, Lévi-Strauss dùng các từ “structure”, “structural” nhiều hơn xa so với từ “structuralisme”, mà thực ra ông cũng ít dùng. Trong lời tựa của cuốn Regard éloigné (1983), ông cho biết là đáng ra cuốn sách này phải có tên là Anthropologie Structurale Trois [Nhân học cấu trúc 3].
Thế nhưng, do danh tiếng rất lớn của ông ở Pháp cũng như ở Anh và Mỹ, Lévi-Strauss đã trở thành, từ khoảng 1959 trở đi, thần thành hoàng của thuyết cấu trúc.
A. J. Greimas (1917-1992)

Như ta biết, trong những năm 1950, song song với sự ngày càng nổi tiếng của Lévi-Strauss, cũng hình thành ở Pháp một khuynh hướng duy cấu trúc chủ yếu dựa vào cuốn Cours de linguistique générale [Giáo trình ngữ học đại cương] của Ferdinand de Saussure như Roland Barthes[105] trong phê bình văn học, Martial Guéroult[106] trong lịch sử triết học, Algirdas Julien Greimas[107] trong ký hiệu học (sémiotique) và Jacques Lacan[108] trong phân tâm học. Họ chủ trương chỉ quan tâm đến chiều cạnh đồng đại và hoàn toàn quên đi chiều cạnh lịch đại và thực tại khách quan.
Cho đến khoảng năm 1966, Lévi-Strauss có quan hệ mật thiết với Lacan và nhóm tác giả làm tạp chí Communications (Truyền thông) gồm Roland Barthes, A. J. Greimas, Tzvetan Todorov,…

Jacques Lacan (1901-1981)
Vào khoảng nửa sau thập niên 1960, thuyết cấu trúc theo nghĩa rộng được báo chí nói đến rất nhiều với sự xuất bản của các cuốn sách như Théorie de la littérature (Lý thuyết văn học, 1965) của Tzvetan Todorov[109], Sémantique structurale (Ngữ nghĩa học cấu trúc, 1966) của Greimas, và nhất là cuốn Écrits (Các bài viết, 1966) của Jacques Lacan, và cuốn S/Z (1970) của Roland Barthes. Trong nhiều bài báo và bài phỏng vấn[110], Lévi-Strauss phê phán kịch liệt chủ nghĩa hình thức quá cường điệu của các cuốn sách đó mà ông xem như là “biểu hiện đặc thù huyền thoại của thời đại chúng ta” và như là “những lời mê sảng có lớp lang” (délires cohérents)[111]. Và từ đó, ông lánh xa Lacan và Barthes[112].
Emmanuel Terray (1935-)
P. Clastres (1934-1977)
Sau phong trào tháng 5.1968, nhất là vào đầu những năm 1970, nhiều nhà nhân học (ít nhiều trẻ hơn Lévi-Strauss), mà một số vốn là môn đệ của ông, nhưng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx và thuộc cánh tả (thậm chí cực tả!), bắt đầu phê phán Lévi-Strauss: Bernard Delfendahl[113]Robert Jaulin[114]Pierre Clastres[115], Maurice Godelier, Emmanuel Terray[116]… Phải nói thêm rằng, dù tất cả đều khâm phục Lévi-Strauss, họ không chia sẻ quan niệm của ông về chính trị cũng như về cuộc sống: chẳng hạn, ông cho rằng người “quân tử” (honnête homme[117]) không phải là trí thức dấn thân”, ông tự nhận là người “gắn chặt với quá khứ” (passéiste), “bảo thủ”, “vô chính phủ hữu khuynh”!

Pierre Bourdieu (1930-2002)
Lúc đầu chịu ảnh hưởng Lévi-Strauss khá rõ nét, Pierre Bourdieu[118] đã đưa vào lý thuyết của mình vai trò của các tác nhân: trong cuốn Le Sens pratique[119] [Tinh thần thực tiễn, 1980], ông tấn công chính diện vào phương pháp của Lévi-Strauss mà ông cho là chỉ tập trung vào các quy tắc tập thể của các xã hội loài người và quên đi các chiến lược cá nhân và sức nặng của khía cạnh kinh tế.
Trong suốt đời mình, Lévi-Strauss luôn kiên nhẫn đối thoại với rất nhiều nhà nhân học dù họ ủng hộ hay chống lại ông: Marshall Sahlins[120]Rodney Needham[121]Edmund LeachDan Sperber[122], Françoise HéritierMaurice Godelier. Trong những năm 1960 và 1970, ông đã thảo luận với Françoise Héritier về các hệ thống thân tộc “Crow” và “Omaha”, với Maurice GodelierMarc Augé[123] về sử tính (historicité) và tư tưởng Marxít, với Dan SperberLucien Scubla[124] về khái niệm “đột hiện”  (émergence) và “cấu trúc nhận thức” (structure cognitive)…
Dan Sperber (1942-)
Françoise Héritier (1933-)
Từ năm 1980 trở đi, trong các khoa học xã hội, các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều hơn trước đến các khái niệm như sử tính (historicité), tính chủ thể (subjectivité), thuyết kinh nghiệm (empirisme), thuyết cá nhân về phương pháp (individualisme méthodologique).
Thay vì ước mơ thực hiện những tổng hợp hoành tráng theo kiểu Lévi-Strauss, các nhà nhân học trẻ thích tiến hành các cuộc điều tra trên thực địa hạn hẹp; họ trao lời cho các tác nhân (acteur) xã hội và tiếp thu các cảm nhận chủ quan của những người này. Họ thường quan tâm đến các bộ môn nhỏ mới xuất hiện như nhân học về trẻ em, về giáo dục, về sức khoẻ, v.v..
Chính vì thế mà ảnh hưởng của Lévi-Strauss trong các ngành khoa học xã hội ngày càng giảm, nhất là ở Mỹ, sau hai thập kỷ hâm mộ French Theory" (lý thuyết Pháp) và “post-modernisme" (thuyết hậu hiện đại).
Tuy nhiên, hiện nay ở Pháp vẫn có một số nhà nhân học kế thừa phương pháp cấu trúc của Lévi-Strauss, nhưng với tinh thần sáng tạo.
E. Désveaux (1956-)
Marc Augé (1935-)
Phòng nghiên cứu nhân học xã hội, do ông lập ra vào năm 1960, vẫn tiếp tục nghiên cứu các cấu trúc phức hợp của thân tộc và tiếp cận các hiện tượng thân tộc bằng xử lý tin học. Đáng chú ý nhất là các công trình nghiên cứu của Emmanuel Désveaux[125] về các “xã tố” (socième) (tức các hình thái cơ bản phổ biến của liên kết xã hội) và nhất là của Philippe Descola về các “nhận thức về bản thể” (ontologie) hay các “phương thức nhận biết” đã được trình bày sơ lược trên đây trong phần về định chế tôtem.
Để kết luận, chúng tôi xin nhấn mạnh thêm vài câu về sự nghiệp và nhân cách của Lévi-Strauss.
Marshall Sahlins (1930-)

Dù thuyết cấu trúc từ lâu đã rơi vào thời kỳ thoái trào, cho đến hiện nay giới trí thức Pháp nói chung vẫn khâm phục sự nghiệp khoa học đồ sộ và nghiêm túc của ông. Dựa vào Thư mục 3 ở cuối cuốn sách này, ta có thể khẳng định rằng Lévi-Strauss là nhà khoa học xã hội của nửa sau thế kỷ 20 được nghiên cứu nhiều nhất: có đến hơn năm mươi cuốn sách và hàng trăm bài viết về ông. Chẳng những thế, từ năm 1963 đến sau khi ông qua đời, có khoảng hai mươi tuần báo, tạp chí (trong đó có những tờ nổi tiếng như Annales ESC, Critique, Esprit, L’Homme, Nouvel Observateur, La Pensée, Les Temps modernes…) đã ra số đặc biệt về ông; riêng tạp chí Esprit đã đạt kỷ lục: ra đến bốn số!
Về nhân cách, Lévi-Strauss thường bị chỉ trích là lấy tư thế của một bậc “hiền minh” (sage) hoài nghi, bi quan và thậm chí yếm thế vì không những ông tuyên bố sự thống trị của phương Tây đã cáo chung, mà còn cho rằng sẽ không còn gì hết[126] sau khi nhân loại biến mất cùng với trái đất này trong vài tỉ năm nữa[127]. Thế nhưng, trong mức độ nào đó, ta có thể xem Lévi-Strauss như là người báo trước cho phong trào sinh thái: trong những 1960, trước khi trào lưu tư tưởng và chính trị này hình thành, do có nhân sinh quan tôn trọng tự nhiên và mọi sinh vật[128] (rất gần với Phật) và do có cái “nhìn từ xa” và bao quát, ông đã đưa ra được những ý tưởng sáng suốt và triệt để nhất về sinh thái, dù ông biết là khó cứu được nhân loại và hành tinh này!
Tư liệu tham khảo
Denis Raymond Bertholet, Claude Lévi-Strauss, Paris, Plon, 2003.
Maurice Godelier, Lévi-Strauss,  Paris, Éditions du Seuil, 1913.
Marcel Hénaff, Claude Lévi-Strauss et l'anthropologie structurale (Claude Lévi-Strauss và nhân học cấu trúc), Paris, Belfond,  1991.
Frédéric Kerk, Claude Lévi-Strauss, introduction (Claude Lévi-Strauss, dẫn nhập),  Paris, Pocket/ la Découverte, 2005, 2011.
Claude Lévi-Strauss và Didier Eribon, De près et de loin (Gần xa), Paris, Odile Jacob, 1988.
Emmanuelle Loyer, Claude Lévi-Strauss, Paris, Éditions Flammarion, coll. “Grandes biographies”, 2015.




[1] Phát xuất từ tiếng của người Mỹ-Ấn Ojibwe ở Bắc Mỹ và thường được dịch thành “vật tổ”, tôtem là vật huyền thoại (thú vật, thực vật hay đồ vật) được xem như là tổ tiên của một thị tộc mang tên của nó. Nó cũng chỉ các cột gỗ điêu khắc (được trồng trong đất) biểu trưng cho tôtem của người Mỹ Ấn ở Bắc Mỹ. Trung Quốc phiên âm “tôtem” thành 圖騰=túténg=đồ đằng.

[2] Claude Lévi-Strauss, Định chế tôtem hiện nay, Hà Nội, NXB Tri thức, 2017, 352 tr.

[3] G. Monnet (1898-1980) được bầu vào Quốc hội Pháp năm 1928 và từng làm Bộ trưởng Nông nghiệp cho thủ tướng Léon Blum trong thời Mặt trận Bình dân (Front populaire).

[4] Trước 1975, từ “thạc sĩ” được dùng để dịch từ “agrégé” và “agrégation” của Pháp. “Agrégation” là một kỳ thi tuyển giáo sư hoặc cho trung học, hoặc cho đại học (riêng cho các môn luật, y, kinh tế, chính trị và quản lý). Đây là một kỳ thi rất khó, nên ở Pháp những người đậu thạc sĩ thường được đánh giá cao. Không hiểu tại sao, sau 1975, từ “thạc sĩ” lại được dùng để dịch học vị “master” của Mỹ hay học vị “maîtrise” của Pháp, và như thế tạo ra sự lẫn lộn giữa “thạc sĩ=agrégé” và “thạc sĩ=master”.

[5] Célestin Charles Alfred Bouglé (1870-1940) là một nhà xã hội học kiêm triết gia Pháp. Ông trung thành với lập trường của Auguste Comte coi xã hội học như là một khoa học thực chứng (positif).

[6] Alexandre Koyré (1892-1964) là một triết gia kiêm sử gia về khoa học người Pháp gốc Nga. Ông chuyên về nhận thức luận (épistémologie) và vũ trụ học (cosmologie) vào hai thế kỷ 16 và 17 (Galilée, Newton,…).

[7] Roman Ossipovitch Jakobson (1896-1982) là một nhà ngữ học Mỹ gốc Nga. Ông đã có những đóng góp rất lớn vào việc nghiên cứu cấu trúc ngữ ngôn, thi ca và nghệ thuật.

[8] Henri Focillon (1881-1943) là một sử gia Pháp chuyên về nghệ thuật Pháp thời Trung cổ.

[9] Jacques Maritain (1882-1973) là một triết gia Pháp thuộc trào lưu triết học chịu ảnh hưởng của nhà thần học Thomas d’Aquin.

[10] Jean Baptiste Perrin (1870-1942) là một nhà khoa học (vật lý và hoá học) kiêm chính trị gia người Pháp. Ông được giải Nobel Vật lý năm 1926.

[11] “L’analyse structurale en linguistique et en anthropologie” [Phân tích cấu trúc trong ngôn ngữ học và trong nhân học], Word, Jounal of the Linguistic Circle, tập I, số 2, 8.1945, tr. 1-21. Đăng lại trong Anthropologie structurale, Paris, 1968, tr. 37-62.

[12] Paris, PUF, 1949.

[13] Đăng trong Journal de la Société des américanistes, tập 37, số 37, tr. 1-132.

[14] Raymond Aron (1905-1983) là một nhân vật có uy tín và có ảnh hưởng ở Pháp trong hai thập niên 1960 và 1970. Ông vừa là nhà triết học kiêm xã hội học vừa là nhà báo nổi tiếng.

[15] Claude Lévi-Strauss, Tristes tropiques, 1955, Plon, tr.366-375.

[16] Françoise Héritier (1933-), nhà nhân học Pháp, kế tục Claude Lévi-Strauss làm giáo sư nhân học ở Học viện Pháp quốc (từ 1982 đến 2000). Bà nghiên cứu sâu thêm lý thuyết về liên minh cũng như lý thuyết về cấm loạn luân, và đặc biệt quan tâm đến những sự khác biệt nam/nữ.

[17] Philippe Descola (1949-) chuyên nghiên cứu tộc người Jivaros Achuar ở vùng Amazonia thuộc Ecuador. Năm 2000, ông được bầu làm giáo sư nhân học về tự nhiên ở Học viện Pháp quốc (từ 2000 đến nay), kế tục Françoise Héritier. Năm 2012, ông được huy chương vàng của CNRS.

[18] Le Regard Eloigné, Paris, Plon, 1983, tr.11.

[19] Đây là giải thưởng khoa học cao quý nhất của Pháp được Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) trao mỗi năm cho “một nhân vật đã có những đóng góp xuất sắc vào sự năng động và ảnh hưởng của nghiên cứu”.

[20] Được Hà Lan lập ra năm 1958, giải thưởng mang tên triết gia Hà Lan Erasmus rất có uy tín; mỗi năm nó được trao cho những nhân vật hay định chế có nhiều đóng góp vào việc quảng bá văn hoá và các giá trị của châu Âu như triết gia Đức Karl Jaspers (1959), hoạ sĩ Pháp gốc Nga Marc Chagall...

[21] Từ 1989, giải thưởng này được trao cho những nhân vật đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển văn hoá, khoa học kinh tế…, như triết gia Anh Karl Popper (1989), nhà văn Nhật Haruki Murakami…

[22] Claude Lévi-Strauss và Didier Eribon, De près et de loin, Paris, Odile Jacob, 1988.

[23] Edmund Husserl (1859 - 1938), triết gia lớn người Đức, là người sáng lập ra hiện tượng học. Ông đã có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ ngành triết học trong thế kỷ 20. Tác phẩm chính: Prolegomena zur reinen Logik [Các khái niệm mở đầu của môn logic thuần túy], Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologischen Philosophie [Ý tưởng chủ đạo cho một môn hiện tượng học thuần túy và một môn triết học hiện tượng học], Cartesianische Meditationen und Pariser Vorträge [Trầm tư về Descartes và các bài giảng ở Paris]…

[24] Martin Heidegger (1889-1976) là một triết gia lớn người Đức. Từng là môn đệ của Husserl, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề “ý nghĩa của hữu thể” mà ông đưa ra trả lời chủ yếu trong cuốn Sein und Zeit [Hữu thể và thời gian], xuất bản năm 1927. Heidegger đã có ảnh hưởng rất lớn đến triết học châu Âu hiện đại, đặc biệt ở Pháp, dù bị phê phán gắt gao vì đã gia nhập Đảng Quốc Xã từ năm 1933 đến năm 1944.

[25] Alice Lamy, Lévi-Strauss, nature, culture et société [Lévi-Strauss, tự nhiên, văn hoá và xã hội] , Paris, Flammarion, 2008.

[26] Robert Harry Lowie (1883-1957), là một nhà nhân học người Mĩ gốc Áo nổi tiếng. Học trò của Franz Boas, ông chuyên nghiên cứu về người Mĩ-Ấn ở Bắc Mĩ.

[27] Tristes Tropiques, sđd, tr. 62.

[28] Franz Boas (1858-1942) là một nhà nhân học Mĩ gốc Đức. Ông thường được xem là người sáng lập ngành nhân học Mĩ, thầy của nhiều nhà nhân học lớn của Mĩ như Alfred Louis Kroeber, Robert Harry Lowie, Edward Sapir, Ralph Linton, Margaret Mead, Ruth Benedict...

[29] Alfred Louis Kroeber (1876-1960) là học trò của Boas. Ngoài các nghiên cứu nhân học về người Mỹ-Ấn, đặc biệt ở California, ông còn có những đóng góp đáng kể về khảo cổ học, nhân học thể chất (anthropologie physique) và dân tộc ngữ học (ethnolingluistique).

[30] Claude Lévi-Strauss và Didier Eribon, sđd, tr. 59.

[31] Hoàng thân Nikolaï Sergueïevitch Troubetzkoï (1890-1938) là nhà ngữ học lớn người Nga, thành viên của Nhóm ngữ học Praha. Cùng với Roman Jakobson, ông đã có những đóng góp quan trọng trong lãnh vực âm vị học.

[32] Ferdinand de Saussure (1857-1913) là nhà ngữ học người Thụy Sĩ. Ông được xem như là người mở đường cho thuyết cấu trúc trong ngữ học. Trong cuốn Cours de linguistique générale [Giáo trình ngữ học đại cương, 1914], ông đã định nghĩa một số khái niệm cơ bản như “ngữ ngôn” (langage), “ngôn ngữ” (langue), “lời nói” (parole), “đồng đại” (synchronie), “lịch đại” (diachronie),…

[33] Claude Lévi-Strauss, Anthropologie structurale, Paris, Plon, 1958, tr. 45.

[34] Nicolaï Troubetskoï, “La phonologie actuelle” [Âm vị học hiện nay], Psychologie du langage, Paris, 1933.

[35] Do Cambridge University Press xuất bản năm 1917 và tái bản năm 1942 với nhiều sửa đổi.

[36] D'Arcy Wentworth Thompson (1860-1848), thường được gọi là D'Arcy Thompson, là một nhà sinh học kiêm toán học người Scotland. Trong cuốn On Growth and Form [về hình thái và tăng trưởng], ông cho thấy là có thể chuyển từ hình thái của một chủng loại sang hình thái của một chủng loại kế cận bằng vài biến đổi hình học.

[37] Marcel Granet (1884-1940) là một chuyên gia người Pháp về Trung Quốc cổ đại. Vài tác phẩm chính: Danses et légendes de la Chine ancienne [Các điệu múa và truyền thuyết của Trung Quốc cổ đại, 1926], La Civilisation chinoise. La vie publique et la vie privée [Văn minh Trung Quốc. Đời sống công và đời sống tư, 1929], La Pensée chinoise [Tư tưởng Trung Quốc, 1934], Catégories matrimoniales et relations de proximité dans la Chine ancienne [Các loại hôn nhân và quan hệ gần gũi ở Trung Quốc cổ đại, 1939]…

[38] Georges Dumézil (1998-1986) là một nhà ngữ học, sử học và nhân học người Pháp. Sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ của ông về các xã hội và tôn giáo Ấn-Âu (indo-européen) đã mở ra nhiều viễn tượng mới cho các ngành xã hội nhân văn. Tác phẩm chính: Naissance d'archanges [Sự ra đời của các thiên thần lớn, 1945], L'Héritage indo-européen à Rome [Di sản Ấn-Âu ở Roma, 1949],…

[39] François Dosse, Histoire du Structuralisme. Tome I: le champ du signe, 1945-1966 [Lịch sử của thuyết cấu trúc. Tập I: lãnh trường của ký hiệu, 1945-1966], Paris, La découverte, 1991, tr. 50.

[40] Marcel Mauss (1872-1950) thường được xem là cha đẻ của ngành nhân học Pháp. Ông gọi nhà xã hội học Émile Durkheim bằng cậu. Xin xem Marcel Mauss, Luận về biếu tặng: hình thức và lí do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ, Nguyễn Tùng dịch, Nhà xuất bản Tri thức, 2011.

[41] Bài này đăng trong cuốn Marcel Mauss, Sociologie et anthropologie [Xã hội học và nhân học], Paris, Presses universitaires de France, 1950 và đã được Nguyễn Tùng dịch sang tiếng Việt, xem chú thích 38.

[42] Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) là một nhà văn và nhà triết học người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp. Ông đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc cách mạng Pháp 1789 cũng như đến văn học và tư tưởng thế giới, đặc biệt ở Pháp, Đức, Anh và Nga. Tác phẩm liên quan đến nhân học: Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes [Luận văn về nguồn gốc và nền tảng của sự bất bình đẳng giữa người và người, 1977], Essai sur l’origine des langues [Luận về nguồn gốc của các ngôn ngữ, 1783].

[43] Claude Lévi-Strauss và Didier Eribon, sđd, tr. 149.

[44] Xem “Tư liệu tham khảo” ở cuối bài này.

[45] C. Lévi-Strauss và D. Eribon, sđd, tr. 159.

[46] Sách vừa dẫn, tr. 159.

[47] Sách vừa dẫn, tr. 158.

[48] Xem Marcel Mauss, Luận về biếu tặng: hình thức và lí do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ, Nguyễn Tùng dịch, Nhà xuất bản Tri thức, 2011, tr. 27-93.

[49] Maurice Godelier (1934-) từng là giảng sư phụ tá cho Lévi-Strauss ở Học viện Pháp quốc. Ông đã kết hợp phương pháp cấu trúc của Lévi-Strauss với lối tiếp cận của Marx rồi áp dụng vào nghiên cứu nhân học. Ông được huy chương vàng của CNRS năm 2001.

[50] Maurice Godelier, Lévi-Strauss, Paris, Éditions du Seuil, 2013, tr. 135-136.

[51] Paris, Plon, 1962.

[52] Maurice Godelier, sđd, tr. 24-28.

[53] Đăng trong Word, 1945, I (2), tr. 1-12.

[54] Lewis Henry Morgan (1818 –1881) là một nhà nhân học người Mỹ. Ông là người đầu tiên đã nghiên cứu các hệ thống thân tộc trong tác phẩm Systems of Consanguinity and Affinity of the Human Family [Các hệ thống cùng dòng máu và liên minh của loài người, 1871].

[55] Anh chị em họ song song là những người có cha hay mẹ cùng giới tính: chẳng hạn, con gái của anh hay em trai của cha Ego, hoặc con gái của chị hay em gái của mẹ Ego.

[56] Anh chị em họ chéo có cha hay mẹ khác giới tính: chẳng hạn, con trai của anh hay em trai của mẹ Ego.

[57] Claude Lévi-Strauss, “The Family”, trong H. L. Shapiro (chủ biên), Man, Culture and Society [Con người, văn hoá và xã hội], New York, Oxford University Press, 1956, tr. 261-285.

[58] Bài này được trình bày trong dịp tưởng niệm Huxley năm 1965 và được đăng trong Procxeedings of Royal Anthropological Institute of Great Britain and Ireland, 1965, tr. 13-20.

[59] Bộ tộc Mỹ-Ấn Crow sống chủ yếu ở bang Montana, còn bộ tộc Mỹ-Ấn Omaha sống ở hai bang Nebraska và Iowa (Mỹ).

[60] Edmund Leach (1910-1989), nhà nhân học Anh, tác giả của cuốn Political Systems of Highland Burma [Các hệ thống chính trị ở cao nguyên Myanmar, 1954]. Cuốn Claude Lévi-Strauss (1970) của ông được dịch từ tiếng Anh sang nhiều thứ tiếng khác.

[61] Claude Lévi-Strauss, La Voie des masques, Paris, Plon, 1975.

[62] Claude Lévi-Strauss, sách vừa dẫn (tái bản năm 1979 với nhiều bổ sung), tr. 177.

[63] Claude Lévi-Strauss, Paroles données [Những lời đã nói], Paris, Plon, 1984.

[64] Được đăng lại với tên là “Histoire et ethnologie” [Sử học và dân tộc học] trong tạp chí Annales. Économies, Sociétés, Civilisations, số 6,‎ 1983, tr. 1217-1231.

[65] Xem Claude Lévi-Strauss, L’Anthropologie face aux problèmes du monde moderne [Nhân học đối diện với thế giới hiện đại], Paris, Seuil, 2011; Maurice Godelier, sđd, tr. 233-237.

[66] Maurice Godelier, sđd, tr.255.

[67] Maurice Godelier, sđd, tr. 262-265.

[68] Ở Pháp, khác với “union libre”, “concubinage” được pháp luật quy định nên có hiệu lực pháp lý (đôi khi có ngay cả hiệu lực xã hội, hiệu lực về thuế má).

[69] Robert Hertz (1881-1915) là một nhà nhân học Pháp được Marcel Mauss, Émile Durkheim đánh giá rất cao, nhưng không may chết trận trong Thế chiến I, khi mới 34 tuổi.

[70] Louis Gernet (1882-1962), sử gia Pháp, chuyên về Hy Lạp cổ đại.

[71] J.J. Nattiez, Lévi-Strauss musicien. Essai sur la tentation homologique [Lévi-Strauss. Luận về cám dỗ tương đồng]. Paris, Actes Sud, 2008.

[72] Đăng trong Journal of American Folklore, tập 78, số 270, 10-11.1955, tr. 428-444. Bản dịch có bổ sung trong Anthropologie structurale, Paris, Plon, 1958, tr. 227-255.

[73] Maurice Godelier, sđd, tr. 281.

[74] Claude Lévi-Strauss, Anthropologie structurale, sđd, tr. 240.

[75] L. Scubla, “Histoire de la formule canonique du mythe et ses modélisations” [Lịch sử của công thức chính tắc về huyền thoại và các cách mô hình hoá nó], luận án tiến sĩ Trường Cao học về Khoa học xã hội (EHESS), Paris, 1996. L. Scubla, Lire Lévi-Strauss, Le déploiement d’une intuition [Đọc Lévi-Strauss, Sự triển khai một trực giác], Paris, Odile Jacob, 1998.

[76] J. Petitot, “Approche morphodynamique de la formule canonique du mythe” [Tiếp cận hình động năng công thức chính tắc về huyền thoại]. L'Homme, 1988, tập 28, số 106-107, tr. 24-50. J. Petitot, “Note complémentaire sur l'approche morphodynamique de la formule canonique du mythe” [Ghi chú bổ sung về tiếp cận hình động năng công thức chính tắc về huyền thoại]. L'Homme, 1995, tập 35, số 135, tr. 1723.

[77] Xem Maurice Godelier, sđd, đặc biệt các trang 411-436.

[78] James George Frazer (1854-1941), nhà nhân học người Scotland, là người đầu tiên đã kiểm kê các huyền thoại và nghi thức trên toàn thế giới. Thông qua cuốn The Golden Bough: A Study in Magic and Religion [Cành vàng: một nghiên cứu về ma thuật và tôn giáo], gồm 12 tập, được xuất bản từ năm 1911 đến năm 1915, Frazer đã lập ra môn nhân học tôn giáo và môn huyền thoại học so sánh.

[79] James George Frazer, Totemism and exogamy [Định chế tôtem và ngoại hôn], London, Macmillan, 1910, 4 tập.

[80] Alexander Alexandrovich Goldenweiser (1880-1940), nhà nhân học Mỹ gốc Ukraina, học trò của Franz Boas.

[81] A. A. Goldenweiser, “Totemism, an Analytical Study” [Định chế tôtem, một nghiên cứu phân tích], Jounal of American Folklore, tập 23, 1910.

[82] Theo Freud, đó là ham muốn vô thức có quan hệ tính dục với cha hay mẹ và, do đó, muốn giết cha hay mẹ như là tình địch.

[83] F. Boas, “The Origin of Totemism” [Nguồn gốc định chế tôtem], American Anthropology, tập 18, 1916, tr. 319-326.

[84] George Peter Murdock (1897-1985) là nhà nhân học Mĩ có nhiều đóng góp vào việc xây dựng phương pháp so sánh và vào việc dùng các dữ liệu định lượng.

[85] Arnold van Gennep (1873-1957) là nhà dân tộc học người Pháp nổi tiếng chủ yếu nhờ công trình nghiên cứu đồ sộ (nhưng còn dở dang) về văn hóa dân gian (folklore): Manuel de folklore français contemporain [Giáo trình văn hóa dân gian Pháp đương đại].

[86] A. P. Elkin, “Studies in Australian Totemism. The Nature of Australian Totemism” [Các nghiên cứu về định chế tôtem ở Úc. Bản chất của định chế tôtem ở Úc], Oceania, tập 4, số 2, 1933-1934.

[87] Tu sĩ Anh giáo Adolphus Peter Elkin (1891-1979) là một nhà nhân học Úc chuyên nghiên cứu người bản địa ở Úc.

[88] J. K. Long, Voyages and travels of an Indian Interpreter and Trader (1791) [Các cuộc du hành và du lịch của một thông dịch viên kiêm thương gia người Mĩ-Ấn năm 1791], Chicago, 1922.

[89] Bronisław Kasper Malinowski (1884-1942) là một nhà nhân học nổi tiếng người Ba Lan. Ông là người đầu tiên áp dụng phương pháp nghiên cứu điền dã gọi là “vừa quan sát vừa tham gia” (observation participative) của nhân học, hoàn toàn khác với các nhà nhân học cùng thời với ông như James George Frazer, Émile Durkheim hay Marcel Mauss chủ yếu chỉ làm việc trong văn phòng và chỉ dựa trên tư liệu. Ông chủ trương thuyết chức năng, chống lại thuyết tiến hóa (évolutionnisme) và thuyết lan toả (diffusionnisme).

[90] B. Malinowski, Magic, Science and Religion [Ma thuật, khoa học và tôn giáo], Boston, 1948.

[91] Alfred Reginald Radcliffe-Brown (1881-1955) là một nhà nhân học và dân tộc chí lớn người Anh. Ông đã tham gia vào việc lập ra trường phái nhân học xã hội và phát triển thuyết cấu trúc-chức năng (structuro-fonctionnaliste) chống lại thuyết chức năng của Bronislaw Malinowski.

[92] Radcliffe-Brown (A. R.), [2], “The Sociological Theory of Totemism” [Lí thuyết xã hội học về định chế tôtem] (1929), trong Structure and Function in Primitive Society [Cấu trúc và chức năng trong xã hội nguyên thủy], Glencoe, IlI., 1952.

[93] Raymond Firth (1901-2002) là một nhà nhân học người New-Zealand. Theo trường phái chức năng của Bronislaw Malinowski, ông được xem là một trong những người lập ra môn nhân học kinh tế. Ông nổi tiếng nhờ chuyên luận về xã hội Polynesia truyền thống ở đảo Tikopia (thuộc quần đảo Solomon).

[94] “Totemism in Polynesia” [Định chế tôtem ở Polynesia], Oceania, tập I, số 3 và 4, 1930-1931.

[95] A. R. Radcliffe-Brown, “The comparative Method in Social Anthropology. Huxley Memorial Lecture for 1951” [Phương pháp so sánh trong nhân học xã hội. Bài giảng để kỉ niệm Huxley cho năm 1951], Journal of the Royal Anthropological Institute, tập 81, phần I và II, 1951 (xuất bản năm 1952).

[96] Thomas Henry Huxley (1825-1895) là một nhà sinh vật học kiêm cổ sinh vật học và triết học người Anh.

[97] Xem bản dịch này, tr. 210-211.

[98] Xem bản dịch này, tr. 258.

[99] Philippe Descola, Par-delà nature et culture, Paris, Gallimard, 2005

[100] Xem tiểu sử ở chú thích 15.

[101] Philippe Descola, sđd, tr. 217.

[102] Xem chú thích 9 về bài “L'analyse structurale en linguistique et en anthropologie”, tr. 48.

[103] Claude Lévi-Strauss, Anthropologie structurale, sđd, tr.275.

[104] Claude Lévi-Strauss, Anthropologie structurale deux, Paris, Plon, tr. 157-159.

[105] Roland Barthes (1915-1980), nhà phê bình văn học kiêm ký hiệu học (sémiologue) nổi tiếng, giáo sư ở Học viện Pháp quốc (Collège de France, 1976-1980). Ông nổi tiếng nhờ các cuốn như Le Degré zéro de l'écriture [Độ không của viết lách], Mythologies [Huyền thoại]…

[106] Martial Gueroult (1891-1976) là một sử gia Pháp về triết học (chủ yếu vào thế kỷ 17).

[107] Algirdas Julien Greimas (1917-1992) là một nhà ngữ học và ký hiệu học Pháp gốc Lithuania. Vài tác phẩm chính của ông: Sémantique structurale [Ngữ nghĩa học cấu trúc, 1966], Du sens [Về ngữ nghĩa, 1970] và Du sens II [Về ngữ nghĩa II, 1983).

[108] Jacques Lacan (1901-1981) là một bác sĩ tâm thần người Pháp, nhưng ông lại nổi tiếng như là nhà phân tâm học. Ông giải thích Freud theo hướng tách rời khỏi sinh học và dựa vào ngữ học và thuyết cấu trúc, nên gây ra nhiều tranh cãi.

[109] Tzvetan Todorov (1939-) là một nhà phê bình văn học, ký hiệu học… Pháp gốc Bungari.

[110] Emmanuelle Loyer, Lévi-Strauss, Paris, Gallimard, 2015, tr. 579-584.

[111] Claude Lévi-Strauss, Anthropologie structurale deux, Paris, Plon, 1973, tr. 324.

[112] Emmanuelle Loyer, sđd, tr. 582-583.

[113] Bernard Delfendahl (1928-) là một nhà nhân học Pháp: trong cuốn Le Clair et l'obscur: critique de l'anthropologie savante, défense de l'anthropologie amateur [Cái sáng sủa và cái tối tăm: phê phán nhân học bác học, bảo vệ nhân học tài tử], Paris, Éditions Anthropos, 1973), ông chống lại các nhà nhân học theo thuyết cấu trúc và theo chủ nghĩa Marx.

[114] Robert Jaulin (1928-1996) là một nhà dân tộc học Pháp. Trong cuốn La Paix blanche, Introduction à l'ethnocide [Hoà bình của người da trắng, dẫn nhập vào nạn diệt chủng, Paris, Éditions du Seuil, 1970], và cuốn La Décivilisation [Phi văn minh hoá, Bruxelles, Éditions Complexe, 1974], ông chống lại chính sách và thực tiễn của người da trắng mà ông gọi là “ethnocide” (diệt văn hoá tộc người).

[115] Pierre Clastres (1934-1977) là một nhà nhân học Pháp. Trong cuốn La Société contre l’État. Recherches d’anthropologie politique [Xã hội chống nhà nước. Nghiên cứu nhân học chính trị, Paris, Minuit, 1974], ông cho rằng các xã hội nguyên thủy được xây dựng nhằm chống lại sự hình thành của nhà nước.

[116] Emmanuel Terray (1935-) là một nhà nhân học Pháp. Chịu ảnh hưởng của Louis Althusser, Georges Balandier và Claude Lévi-Strauss, ông kết hợp phân tích cấu trúc với chủ nghĩa Marx, đặc biệt trong cuốn Le Marxisme devant les sociétés “primitives” . [Chủ nghĩa Marx trước các xã hội “nguyên thủy”, Paris, Éditions Maspero, 1969).

[117] “Honnête homme” là mẫu người lý tưởng ở Pháp vào thế kỷ 17: có văn hoá cao nhưng khiêm tốn, lịch thiệp, biết hoà mình với mọi người.

[118] Pierre Bourdieu (1930-2002) được xem như là một trong những nhà xã hội học Pháp quan trọng nhất của nửa sau thế kỳ 20. Năm 1981, ông được bầu làm giáo sư Xã hội học Học viện Pháp quốc. Năm 1993, ông được huy chương vàng của CNRS.

[119] Pierre Bourdieu, Le sens pratique, Paris, Les Éditions de minuit, 1980.

[120] Marshall Sahlins (1930-) là một nhà nhân học Mỹ nổi tiếng chuyên nghiên cứu các tộc người ở Thái Bình Dương, chủ yếu ở Fidji et Hawaii. Ông rất khâm phục Claude Lévi-Strauss. Nhiều cuốn sách của ông được dịch sang tiếng Pháp.

[121] Rodney Needham (1923-2006), nhà nhân học Anh; ông thường bảo vệ các lập trường cấu trúc của Lévi-Strauss ở Anh, Mỹ, Úc... Nhưng rốt cuộc, ông đặt lại vấn đề về thân tộc. Theo ông, các từ như “dòng dõi” hay “hôn nhân” là không thích hợp vì chúng mang nặng tinh thần “tộc người-trung tâm” (ethnocentrisme).

[122] Dan Sperber (1942-), nhà nhân học Pháp, là một trong những người phê phán nghiêm túc nhất thuyết cấu trúc trong nhân học. Năm 2009, ông là người đầu tiên được giải thưởng Claude Lévi-Strauss.

[123] Marc Augé (1935-), nhà nhân học Pháp, từng làm chủ tịch Trường Cao học về các Khoa học xã hội (EHESS) ở Paris từ 1985 đến 1995.

[124] Lucien Scubla (1942-), triết gia và nhà nhân học, chuyên nghiên cứu các mô hình hình thức của nhân học và, nhất là, “công thức chính tắc của huyền thoại” (formule canonique des mythes) của Lévi-Strauss.

[125] Emmanuel Désveaux (1956-), nhà nhân học Pháp, chuyên nghiên cứu về người Ojibwa ở Bắc Canada. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của Lévi-Strauss mà ông là một trong những chuyên gia.

[126] Ông kết thúc cuốn L’Homme nu [Paris, Plon, 1971, tr. 621] bằng độc một từ: “Rien” (“không”, tức “không còn gì cả!”).

[127] Xem Maurice Godelier, sđd, tr. 521-522.

[128] Theo ông, “một thuyết nhân bản có lớp lang (bien ordonné) không bắt đầu bởi chính loài người, mà đặt trái đất trước sự sống, sự sống trước loài người, sự tôn trọng các sinh vật khác trước sự tự tôn (amour-propre)”, trong Claude Lévi-Strauss, Nguồn gốc các cách ăn uống, Paris, Plon, 1968, tr. 422.

Print Friendly and PDF