6.11.14

Hệ chuẩn (Paradigm)



Hệ chuẩn

Paradigm
Giải Nobel: SAMUELSON, 1970
Sự đột nhập của khái niệm hệ chuẩn vào lịch sử và triết học các khoa học diễn ra tiếp theo sau thành công lạ lùng của tác phẩm tạo lập của Thomas Kuhn, Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, xuất bản năm 1962. Trước khi tác phẩm của Kuhn ra đời, có một sự phân công lao động giữa triết học các khoa học mà mục đích là xác định những tiêu chí của khoa học tốt, xã hội học về các khoa học, nghiên cứu việc các nhà khoa học vận dụng một cách ít nhiều tốt đẹp những tiêu chí này và lịch sử các khoa học mô tả sử thi của tiến bộ liên tục của tri thức trong những bộ môn khác nhau. Lí thuyết của Kuhn về khoa học chuẩn định đã đảo lộn sự sắp xếp êm thấm này.
Tính đặc thù của cách tiếp cận của Kuhn nằm ở sự tầm thường của cách tiếp cận này. Để hiểu sức bật của động thái khoa học, Kuhn tìm cách trừu tượng hóa bằng cách tách biệt những phương thức cụ thể của lao động của các nhà khoa học trong những bộ môn khác nhau để khôi phục những đặc điểm chung và thiết yếu của lao động này. Điều này đã dẫn ông đến kết luận về tính quyết định của những phản xạ mà nhà khoa học đã thụ đắc, một cách có ý thức hay không, trong quá trình tập huấn chuyên nghiệp. Những phản xạ này được thể hiện dưới dạng một số những cách làm và cách suy nghĩ trong thực tiễn hằng ngày tạo thành hệ thống. Kuhn gọi bằng hệ chuẩn hệ thống những thực hành đã được tự nhiên hoá và đồng xác định công việc thông thường của nhà khoa học. Có thể coi là chính hệ chuẩn công cụ hoá nhà khoa học chứ không phải ngược lại. Nói cách khác, một nhà khoa học không làm việc với một hệ chuẩn mà sống trong hệ chuẩn ấy.

Một cách sơ lược, có thể phân biệt năm thành tố chính của một hệ chuẩn. Thành tố thứ nhất là cách nhìn tổng hợp tiên nghiệm về lĩnh vực được bộ môn nghiên cứu. Đó là một biểu trưng tổng quát của trường điều tra mà ảnh hưởng tinh thần là chủ yếu. Cách nhìn tiên nghiệm này sàng lọc những đối tượng của điều tra khoa học trong thực tế và tạo một tính chặt chẽ cho những phần tử được chọn. Trong nghĩa này, cách nhìn tạo lập của một hệ chuẩn vừa là một máy phát hiện vừa là một máy loại bỏ vả lại đây là một tính đối ngẫu đặc trưng cho tất cả những thành tố của một hệ chuẩn. Duy chỉ những yếu tố được chọn lọc mới có mặt trong ý thức của nhà khoa học.
Cách nhìn tổng hợp tiên nghiệm được củng cố bằng một tập ít nhiều rộng rãi những phát biểu rõ ràng, được xem như những thu hoạch khoa học. Tập hợp này bao gồm những khái niệm, những lí thuyết, những kết quả thực nghiệm. Đó chính là bộ công cụ khái niệm của nhà nghiên cứu và là thành tố cơ bản thứ hai của mọi hệ chuẩn.
Thành tố cơ bản thứ ba của một hệ chuẩn là hệ thống đánh giá các công trình nghiên cứu. Hệ thống này vận dụng một số tiêu chí, rõ ràng hay ngầm ẩn, dựa trên đấy thành tựu của các nhà chuyên nghiệp một bộ môn được đánh giá. Để được hợp thức hoá như là một đóng góp có ý nghĩa, một nghiên cứu phải thoả mãn những tiêu chí này. Bản chất của những tiêu chí thay đổi với mỗi bộ môn.
Thành tố cơ bản thứ tư của một hệ chuẩn là một bí quyết nghề nghiệp rất đặc thù: việc nhận diện những vấn đề khoa học có thể giải quyết được. Kuhn đã quan sát là nhà nghiên cứu khoa học đại chúng không bao giờ đề nghị khám phá một điều gì triệt để mới mà chỉ khao khát tranh thủ được sự thừa nhận của các đồng nghiệp. Để làm việc này nhà nghiên cứu tiến hành một hoạt động đặc biệt, khá mang tính chất của một trò chơi, việc phát hiện-giải quyết những điều được Kuhn gọi là những bài toán đố. Một bài toán đố là một vấn đề lí thuyết hay thực tiễn nhỏ mà trước đó chưa có ai đặt ra nhưng được nhà nghiên cứu, nhờ bí quyết nghề nghiệp của mình, nhận diện là dễ dàng giải được với bộ công cụ khái niệm của hệ chuẩn. Bài toán đố một khi được phát hiện và giải quyết xong được đề xuất, thông qua việc công bố kết quả, để các đồng nghiệp tán đồng. Hiển nhiên là hoạt động không ngừng nghỉ tìm kiếm và giải quyết những bài toán đố không bao giờ nhắm đến việc xét lại hệ chuẩn mà quả thật nhằm xác thực hệ chuẩn.
Thành tố cơ bản thứ năm và cuối cùng của một hệ chuẩn là hệ thống phức tạp những mối quan hệ của hệ chuẩn được nó nuôi dưỡng với những điều kiện hội nhập xã hội của các nhà khoa học. Hệ quả của những quan hệ này là hệ chuẩn có thể chuyển tải những giá trị thẩm mỹ hay đạo đức, những lợi ích xã hội và ngay cả những lựa chọn chính trị (đặc biệt là về ngân sách). Có thể tìm thấy tác động của những ảnh hưởng xã hội này trong mỗi một trong bốn thành tố cơ bản vừa được điểm qua trên đây: cách nhìn tổng quát, bộ công cụ khái niệm, hệ thống đánh giá và bí quyết. Thường là hầu như không có sự ý thức về những tác động này và việc làm rõ chúng thường phức tạp hơn ta nghĩ.
Kuhn gọi bằng khoa học chuẩn định quá trình nghiên cứu, giải quyết và công bố những bài toán đố do một số lớn những nhà khoa học tiến hành. Những thành tựu của mỗi nhà khoa học không có gì là anh hùng cả: khoa học chuẩn định tiến từng bước ngắn. Cho dù sự chuyển động này là hầu như không cảm nhận được song nó có hai đặc điểm chủ yếu: đó là một chuyển động thường xuyên và có phương pháp. Dần dần những bài toán đố được giải quyết làm phong phú các lí thuyết, và tất cả tiềm năng của những lí thuyết này đuợc khai thác một cách có hệ thống do sự cạnh tranh giữa những chuyên gia để công bố những bài toán đố đã được giải xong. Do đó khoa học chuẩn định có hiệu quả vì là một khoa học cần cù. Tuy nhiên có hai tình thế có thể gây trở ngại cho tiến trình êm ấm này. Tình thế thứ nhất là việc vấp phải những điều dị thường có sức đề kháng lớn, nghĩa là những mâu thuẫn mà hệ chuẩn không có khả năng tiêu hoá. Tình thế thứ hai là sự cạn kiệt dần trữ lượng những bài toán đố của hệ chuẩn. Những điều dị thường trở thành những điều quái đản và đáng nghi ngờ. Trong cả hai tình thế này, cộng đồng các nhà khoa học sống trong hệ chuẩn bước vào một cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng, được Kuhn mô tả, ngày càng trở nên sâu sắc. Giải pháp cho cuộc khủng hoảng sẽ đến từ sự trồi lên một cách khó khăn của một hệ chuẩn mới, sau những buổi đầu gian khó sẽ quét đi hệ chuẩn cũ; điều này được Kuhn gọi là một cuộc cách mạng khoa học. 
Cách nhìn tầm thường do Kuhn đề xuất về công việc khoa học là có tính lật đổ sâu sắc đối với triết học các khoa học của những năm 1960 và đối với xã hội học về các khoa học của Merton, một âm vang của triết học này. Cách nhìn này cũng có tính lật đổ đối với tất cả những cộng đồng khoa học trong chừng mực mà, tuy không cố ý, nó giáng một đòn mạnh vào vốn xã hội của những cộng đồng này. Cách nhìn này thay thế hình ảnh lạc quan quá đáng và quá đơn giản về nhà khoa học đam mê và vô vị lợi, người có thiên hướng khám phá thế giới, một hình ảnh đáng ngưỡng vọng về mặt xã hội, bằng một thực tế của một khoa học đại chúng gồm những nhà tìm kiếm khiêm tốn những bài toán đố, quan tâm đến việc công bố các công trình hơn là đến việc khám phá.
Khi cho xuất bản tác phẩm của mình, Kuhn hoàn toàn không có ý đồ lật đổ nào cả. Ông không ý thức rõ tất cả những hệ quả của lí thuyết ông đã xây dựng trên cương vị một sử gia các khoa học, lí thuyết này được ông đơn giản quan niệm như là chặt chẽ với những quan sát của ông và với lịch sử. Chiều hướng của cuộc tranh luận, thường là gay gắt, mà sự đột nhập của phân tích của ông vào trong động thái khoa học khơi lên, dường như đã tác động đến ông nhiều. Nhạy cảm với những phê phán mạnh mẽ của các nhà triết học và của các đồng nghiệp chuyên gia về lịch sử các khoa học, bối rối trước sự nổi lên không được dự báo trước và sự thành công của một xã hội học về các khoa học tự nhận là bắt nguồn từ tác phẩm của ông, trước tiên ông đã tìm cách giảm bớt tầm quan trọng của khái niệm hệ chuẩn, và qui nó về tầm quan trọng của một mô hình qui chiếu. Sau đó, Kuhn đã rõ ràng từ bỏ việc sử dụng khái niệm này. Ngay từ cuối những năm 1970, trong những công trình quan trọng của ông ở cương vị nhà sử học các khoa học, ông thận trọng tránh mọi qui chiếu về những phạm trù của Cấu trúc.
Mặc dù bị người sáng tạo ra nó chối bỏ, và trong lúc các nhà triết học và các nhà sử học về các khoa học tỏ ra không những dè dặt đối với chính ngay khái niệm này thì hiển nhiên là khái niệm hệ chuẩn được sự hưởng ứng của những nhà nghiên cứu thực tiễn trong nhiều bộ môn khoa học. Ta gặp lại nghịch lí này trong kinh tế học. Ta thường gặp việc qui chiếu về hệ chuẩn này hay hệ chuẩn khác trong kinh văn tổng quát bàn về những động thái được vận dụng trong kinh tế học một kinh văn có sự đóng góp của những tên tuổi lớn nhất , nhưng việc qui chiếu này là hiếm thấy hơn nhiều trong những chuyên khảo về phương pháp luận kinh tế, vốn rất gắn bó với màu sắc triết học và do đó vô cùng dè dặt đối với lí thuyết về khoa học chuẩn định. Sự đối lập này, giữa một cách sử dụng có ý nghĩa khoa học chung và sự chống đối của những nhà sản xuất ra diễn ngôn về cách thực hành tốt khoa học kinh tế, tất nhiên đáng để suy ngẫm hầu làm nổi lên tầm quan trọng của khái niệm. 
Cùng với việc tầm thường hoá việc sử dụng thuật ngữ này, rõ ràng là khái niệm hệ chuẩn đã trở thành một khái niệm linh hoạt, được thích ứng vào nhiều hoàn cảnh khác nhau và đánh mất đi tầm quan trọng khoa học luận của nó. Trong nghĩa hẹp nhất của thuật ngữ, và cũng là nghĩa ít thông dụng nhất, việc thông thường nhắc đến sự tồn tại của một hệ chuẩn kinh tế đơn giản chỉ một thiết kế gốc, một mô hình cơ bản. Ví dụ, trong kinh tế học, theo nghĩa hạn hẹp này, ta có thể gọi bằng hệ chuẩn mô hình xác định giá của một sản phẩm bằng cung và cầu trên một thị trường cạnh tranh, mô hình IS-LM xác định tổng sản phẩm và lãi suất, hay đường cung theo kiểu Lucas. Trong nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này, nghĩa được sử dụng nhiều nhất, việc thông thường nhắc đến sự tồn tại của một hệ chuẩn bao phủ một tập những sản xuất khoa học đặc biệt ở cách nhìn tạo lập làm chỗ dựa cho những sản xuất này và bởi công cụ khái niệm được vận dụng, thậm chí ở những chuẩn đánh giá ngầm của các công trình. Khi các tác giả nói đến những hệ chuẩn cổ điển, Áo, tân cổ điển, keynesian, marxist, thể chế, tổng hợp, cambridgian, cấp tiến, điều tiết, cổ điển mới, hậu keynesian, tân Áo, tân thể chế, kinh tế qui ước và hệ chuẩn tiến hoá thì chính là trong nghĩa này. Tuy nhiên, ngay cả trong hàm nghĩa rộng nhất này, cách dùng thông dụng của khái niệm chỉ bao phủ có hai hay ba thành tố cơ bản đầu trong số năm thành tố cơ bản của một hệ chuẩn như được khoa học luận của Kuhn liệt kê. Kết quả là bề ngoài ta có một sự nhân bội của những hệ chuẩn kinh tế, một điều mâu thuẫn với lí thuyết của Kuhn về khoa học chuẩn định.
Là sử gia về các khoa học, Kuhn đã nghiên cứu các khoa học cứng, đặc biệt là vật lí học bộ môn xuất thân ban đầu của ông. Trong lí thuyết của Kuhn về động thái khoa học, một hệ chuẩn đuổi một hệ chuẩn khác để thế chỗ. Theo trình tự thời gian, có sự tiếp nối của những hệ chuẩn, chứ không có những hệ chuẩn đồng thời. Nói cách khác, cộng đồng khoa học của khoa học chuẩn định chỉ có thể sống trong một hệ chuẩn độc nhất thôi. Chỉ có trong thời kì cách mạng khoa học, thời kì khoa học khác thường, thì ta mới thấy có sự cạnh tranh giữa hai hệ chuẩn, hệ cũ và hệ mới. Do đó, so với những bộ môn khoa học khác, các khoa học xã hội dường như có một đặc điểm: đó là tính cạnh tranh lâu dài giữa nhiều hệ chuẩn. Hiện tượng này thường được giải thích bằng thành tố cơ bản thứ năm của một hệ chuẩn, nghĩa là ảnh hưởng của những nhân tố xã hội có tính quyết định, một tác động vô cùng nhạy cảm trong các khoa học xã hội, và đặc biệt là trong khoa học kinh tế. Trong kinh tế học, tính liên thông giữa trường chính trị, trường ý thức hệ và trường khoa học là khá mạnh để cho tính đa dạng của các quan điểm trong hai trường đầu kéo theo tính cạnh tranh thường xuyên giữa các hệ chuẩn. Cách kiến giải này dường như phù hợp với bối cảnh đa nguyên được nhiều nhà kinh tế mô tả.
Nếu ta qui chiếu về việc sử dụng thông thường của hệ chuẩn”, thì tính đa nguyên này là một điều hiển nhiên. Tuy nhiên sự tồn tại của sự cạnh tranh giữa các hệ chuẩn trong kinh tế học trở thành một điều ít hiển nhiên hơn một khi ta xét nghĩa khoa học luận, nghĩa theo Kuhn và nghĩa khởi thuỷ, của khái niệm. Thật vậy, điều quan trọng cần ghi nhận là hệ chuẩn và khoa học chuẩn định, trong cách tiếp cận của Kuhn, gắn chặt với nhau không thể tách rời được. Điều này có nghĩa là có một cách nhìn đặc thù về sự hoạt động của nền kinh tế, cho dù đi kèm với một bộ công cụ khái niệm độc đáo không đủ để cách nhìn này có được một cương vị khoa học luận về hệ chuẩn. Cách nhìn này còn phải, và nhất là, sản sinh ra việc khai thác được qui trình hoá một trữ lượng những bài toán đố, sản sinh được một nguyên lí cho một động thái khoa học thật sự. Một hệ chuẩn đang hoạt động là một cỗ máy nhằm tích luỹ một hình thái đặc biệt về tri thức. Sự tồn tại lâu dài của của hệ chuẩn phụ thuộc vào năng suất của nó, nghĩa là vào việc duy trì một chuyển động, không cảm nhận được nhưng liên tục, của đường biên giới của nghiên cứu khoa học. Khi cỗ máy bắt đầu hụt hơi thì cuộc cách mạng khoa học đang rình rập.
Việc khởi động và duy trì một quá trình tích luỹ như thế không phải là một điều hiển nhiên. Trên điểm này, bằng cách chọn việc mô hình hoá hình thức và kiểm định kinh trắc như là một cặp phương pháp luận chính đáng, kinh tế học thống trị đã tự trang bị một động cơ tích luỹ đã từng chứng minh những khả năng ứng dụng vào mọi lĩnh vực. Không thể chối cãi là trào lưu chính trong kinh tế học (mainstream economics) hợp thành một hệ chuẩn cung cấp được một khuôn khổ hợp thức hoá khoa học cho những nhà kinh tế có những cảm nhận rất khác nhau. Trong trung và dài hạn, những tiềm năng của hệ chuẩn này có vẻ là to lớn hơn rất nhiều những tiềm năng của các thuyết phi chính thống, chính xác hơn những thuyết phi chính thống này không trở thành những hệ chuẩn thật sự được, do không tạo nên những điều kiện của một sự tích luỹ khoa học không thể phủ nhận.
Do đó, nếu ta trao cho khái niệm này ý nghĩa khoa học luận đầy đủ chứ không phải ý nghĩa thông thường của nó, thì có lẽ không phải là cường điệu hoá khi cho rằng ngày nay chỉ có một hệ chuẩn duy nhất trong khoa học kinh tế. Một hệ chuẩn mà ta không thể gọi bằng cách nào khác hơn là trào lưu thống trị do khả năng của nó trong việc dung nạp những cảm nhận lí thuyết khác nhau. Một chẩn đoán như thế có nghĩa là, ví dụ, trong nội bộ trào lưu thống trị, những tác giả thừa kế các nhà tân cổ điển và các nhà keynesian của sự tổng hợp sống chung khá yên bình với nhau, rằng các nhà cổ điển mới có chỗ của họ và những nhà tân thể chế đầy tham vọng sinh sôi nẩy nở khá, mỗi trường phái chuyên môn hoá vào những chương trình nghiên cứu khác nhau, và do đó tất yếu cạnh tranh với nhau. Điểm chung của tất cả những trường phái này là có một cách nhìn bám rễ trong phương pháp luận cá thể về những hiện tượng kinh tế, và, ngược lại với những điều mà các cuộc tranh luận có thể khiến ta lầm tưởng, những trường phái này đều có những quan điểm giống nhau hơn là khác nhau đối với những thành tố khác của hệ chuẩn. 
Nói đến trào lưu thống trị để chỉ hệ chuẩn của khoa học kinh tế dường như là thích hợp hơn việc đơn giản qui chiếu về trào lưu chính anglo-saxon. Trào lưu chính không chảy bên cạnh những trào lưu phụ hoàn toàn độc lập với trào lưu chính, nhưng trào lưu chính thống trị những trào lưu phụ. Điều này có nghĩa là, trong hiện trường của khoa học kinh tế, trào lưu thống trị thực hiện quyền uy của mình dưới một hình thức đặc biệt lên các thuyết phi chính thống trong nghĩa là tất cả những thuyết phi chính thống đều phải tự xác định vị trí của mình đối với trào lưu thống trị. Do đó, có nguy cơ lớn đối với một thuyết phi chính thống là tự nhốt mình trong cái bẫy của việc khẳng định liên tục điều được thuyết này xem là tính đặc trưng của cách nhìn sáng lập của mình mà không tạo ra một động thái khoa học thật sự.
Chỉ có thể tránh được việc biệt lập hoá (ghettoisation) này bằng cách chấp nhận cuộc đấu tranh khoa học với kinh tế học thống trị. Nhưng như thế thì sẽ không tránh khỏi một cuộc chiến không cân sức. Thật vậy, các nhà kinh tế phi chính thống mạo hiểm dấn thân vào trận địa này phải giáp mặt với một đối chọn chiến lược tế nhị. Lựa chọn thứ nhất là tìm cách áp đặt cách nhìn của mình bằng cách sử dụng ít nhiều những khái niệm và công cụ của hệ chuẩn. Tuỳ chọn này thường có hậu quả là hệ chuẩn nuốt và tiêu hoá dần dần điều mà lúc ban đầu muốn trở thành một vật thể xa lạ với hệ chuẩn. Những trách cứ mà những cựu binh của học thuyết thể chế phê phán các nhà thể chế mới do họ đã đi tìm trong lí thuyết trò chơi những cách duy lí hoá các thể chế là đặc trưng cho sự cảm nhận của việc hoà tan cách nhìn ban đầu. Tuỳ chọn chiến lược kia, tức từ bỏ hộp những công cụ hệ chuẩn để tránh nguy cơ mất đi bản sắc của mình, là tự mình du vào thế bất lực: không có bất kì khoa học kinh tế nào có thể nhịn không vận dụng đến một vài công đoạn lí thuyết không thể chối cãi được là đã hoàn chỉnh mà ta tìm thấy được trong hộp công cụ này.
Theo đúng luật chơi, đối với một thuyết phi chính thống sẽ là một điều khôn khéo và được coi là chính đáng khi chẩn đoán một cuộc khủng hoảng của trào lưu thống trị và sự đăng quang của một cuộc cách mạng khoa học do thuyết này chuyển tải. Các nhà kinh tế đã học cách sống chung với những tuyên bố không ngừng nghỉ về khủng hoảng và không mấy nao núng. Cuộc cách mạng thật sự duy nhất có thể hình dung là việc từ bỏ phương pháp luận cá thể để theo phương pháp luận tổng thể. Một số ngày càng lớn những chuyên gia về khoa học luận kinh tế đồng ý với nhau trên điểm này. Sự phá sản hoàn toàn của kinh tế học marxist và lịch sử nhập nhằng của những nhà kinh tế cấp tiến Bắc Mĩ không khuyến khích ta nghĩ rằng sự đe dọa cách mạng là một đe dọa nghiêm trọng. Ngược lại, quả thật là cuộc khủng hoảng của một hệ thống kinh tế thế giới đang lung lay do thiếu một sự điều tiết toàn cầu thích hợp là một yếu tố thách thức lật đổ hệ chuẩn. Những thành tố cơ bản của hệ chuẩn, và đặc biệt là hệ thống phức tạp những mối tương quan với những điều kiện của sự hội nhập xã hội của các nhà khoa học có đủ mạnh chăng để ngăn cản điều dị thường, theo nghĩa của Kuhn, này lớn mạnh nhanh chóng trong tâm tư họ theo kiểu một xác chết Amédée[*]? Có thể cho rằng suy nghĩ này là một điều hợp lí.

AUTUME A. D &  CARTELIER J., chủ biên, Léconomie devient-elle une science dure?, Paris, Economica, 1995. BLAUGH M., The Methodology of Economics: or How Economists Explain, Cambridge, Cambridge University Press, 1980. CARRO J. Y., Réflexions sur quelques caractéristiques de la production en sciences économiques, Revue économique, 1996, 47, p. 5-32. HODGSON G. M., The Approach of Institutional Economics, Journal of Economic Literature, 1998, 36(1), p. 166-192. HURIOT J. M., chủ biên, Économie, mathématique et méthodologie, Paris, Economica, 1994. KUHN T., The Structure of Scientific Revolutions, Chicago, University of Chicago Press, 1962. LAKATOS I. & MUSGRAVE A., chủ biên, Criticism and the Growth of Knowledge, Cambridge, Cambridge University Press, 1970. MOUCHOT C., Méthodologie économique, Paris, Hachette, 1996. REBITZER J. B., Radical Political Economy and the Economics of Labor Markets, Journal of Economic Literature, 31 (3), p. 1394-1434. SAMUELSON P. A., Credo of A Lucky Textbook Author, Journal of Economic Perspective, 1997, 11 (2), p. 153-160.
Jean Yves CARRO
Giáo sư đại học Panthéon-Assas (Paris 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001





[*] tên một vở kịch (1954) của Eugène Ionesco (1912-1994), một tác giả hàng đầu của trào lưu “sân khấu mới” (xuất hiện ít lâu sau trào lưu “tiểu thuyết mới” trong những năm 1950 ở Tây Âu) trong đó xác chết của tình yêu của một cặp tình nhân đã sát hại chính tình yêu của mình lớn dần và xâm chiếm đường phố … (ND).

Print Friendly and PDF