26.1.25

Durkheim Émile David, (1858-1914)

Durkheim Émile David, (1858-1914)

Cuộc đời và sự nghiệp

Emile Durkheim (1858-1917)

Durkheim là nhà xã hội học đầu tiên, theo nghĩa ông là người đầu tiên tự nhận mình là nhà xã hội học và như là người sáng lập một bộ môn mới. Như vậy vị trí của ông là độc đáo so với những tác giả khác cùng thế hệ ngày nay được xem là những nhà sáng lập bộ môn, M. Weber, V. Pareto hay F. Simmel. Ông cũng là nhà xã hội học đầu tiên vì dự án của ông đặt nền móng cho một môn học mới ở đại học và cho một khoa học mới. Xã hội học phải tồn tại cả về mặt nhận thức lẫn về mặt thể chế.

Tiểu sử

Durkheim sinh ở Épinal, là con và cháu của hai pháp sư Do thái. Đây là một gia đình quan tâm đến sự hòa nhập, như được minh chứng bằng việc chọn cho con cái những cái tên thông dụng không có nguồn gốc Hê-brơ: người anh cả của Émile là Félix, và hai người chị là Céline và Rosine; người chị thứ hai sẽ là mẹ của M. Mauss, cộng tác viên tương lai, mà trên một số mặt là người con nuôi của Durkheim. Trái với một truyền thuyết dai dẳng, Émile lúc trẻ chưa từng hay có dự định là pháp sư Do thái.

Auguste Comte (1798-1857)

Sau khi tốt nghiệp xuất sắc trung học ở Épinal, năm 1879 Durkheim trúng tuyển vào Trường sư phạm cao cấp (ENS) sau ba năm theo học lớp dự bị thi tuyển. Tại ENS, ông gặp một số bạn đồng môn mà sau này sẽ trở nên nổi tiếng, như J. Jaurès hay H. Bergson. Hai vị giáo sư có ảnh hưởng đáng kể đến ông là Fustel de Coulanges, người có lẽ đã làm cho ông thích nghiên cứu các xã hội xưa để tái hiện sự hình thành các thể chế xã hội, và É. Boutroux, người truyền lại cho ông tư tưởng của A. Comte về tính không đồng nhất về mặt nhận thức của những khoa học khác nhau. Durkheim cũng nghiên cứu sâu tư tưởng của nhà tân Kant là Renouvier. Trúng tuyển chức danh thạc sĩ triết học ông giảng dạy tại các trường trung học ở Sens và Saint-Quentin trước khi có được một học bổng mà ông dành để nghiên cứu ở Đức trong niên khóa 1885-1886. Tại Đức, ông khám phá những toan tính thiết lập một khoa học thực chứng về đạo đức của các nhà luật học, kinh tế học, đặc biệt là của các nhà xã hội chủ nghĩa là giáo sư đại học (socialisme de la chaire) như G. Schmoller và A. Wagner. Nhất là ở Leipzig, ông chịu ấn tượng mạnh của W. Wundt và viện nghiên cứu tâm lí của vị giáo sư này, phòng thí nghiệm tâm lí học đầu tiên và Wundt có tham vọng sáng tạo một khoa học đạo đức bằng việc nghiên cứu thực nghiệm các ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo và luật pháp.

Trở về Pháp ông được bổ nhiệm về trường trung học Troyes vào tháng mười 1886 và được chú ý nhờ các bài viết của ông về triết học và các khoa học đạo đức ở Đức. Giám đốc phụ trách đại học của Bộ giáo dục, L. Liard, người ngưỡng mộ Renouvier tạo áp lực để bổ nhiệm ông vào đầu niên khóa 1887 giảng dạy môn “khoa học xã hội và giáo dục” tại phân khoa Văn của đại học Bordeaux (nơi Liard từng dạy) thay thế A. Espinas, người từng dạy môn giáo dục từ năm 1892 và nay được phân công làm trưởng khoa. Sự phát triển của các khoa học giáo dục trong đại học Pháp cũng phục vụ cho xã hội học vốn được phát triển dưới nhãn hiệu này.

Cũng năm 1887 này, Durkheim kết hôn với Louise Dreyfus, con gái của một nhà công nghiệp, cuộc hôn nhân này giúp ông có cuộc sống sung túc nhất định. Theo mọi vẻ bên ngoài đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc với hai người con là Marie sinh năm 1888 và André sinh năm 1892. Chắc chắn rằng sự khắc khổ là phong cách sống của gia đình nhỏ này. Cả cuộc đời mình Durkheim đều cống hiến cho công việc, và bà vợ dường như được huy động để phụ tá ông. Tính khí của Durkheim cũng như sự thiếu vắng quan tâm của ông đối với các nghệ thuật đã gạt sang một bên mọi quyến rũ rơi vào sự phù phiếm của các thú tiêu khiển. Durkheim cũng tự cho mình bị chứng suy nhược thần kinh (một ý niệm đang trở thành thời thượng) và trải qua nhiều cơn trầm cảm nghiêm trọng, đặc biệt vào tháng bảy 1900 và sau khi dọn nhà về Paris vào mùa thu-đông 1902-1903.

Trong suốt mười lăm năm sự nghiệp ở Bordeaux Durkheim làm việc với cường độ cao. Ngoài những bài giảng liên quan đến sư phạm (lịch sử giáo dục, các lí thuyết sư phạm, giáo dục đạo đức, tâm lí học sư phạm, v.v.), ông còn giảng những chủ đề đa dạng: gia đình, tự tử, xã hội học tội phạm, tôn giáo, lịch sử của chủ nghĩa xã hội, “vật lí học các phong tục và luật pháp, và chuẩn bị sinh viên ở Bordeaux thi tuyển chức danh thạc sĩ triết học. Ông có quan hệ với nhà luật học L. Duguit, nhà sử học C. Jullian và nhất là với triết gia O. Hamelin.

Tháng ba 1893 Durkheim bảo vệ ở đại học Sorbonne luận án triết học văn chương, De la division du travail social, luận án bổ sung tiếng latin dành cho Montesquieu như là người mở đường cho xã hội học. Năm sau ông công bố Les règles de la méthode sociologique dưới dạng các bài viết được tập hợp thành sách năm 1895. Tác phẩm thứ ba của ông, Le Suicide, ra mắt tháng sáu 1897 vào thời điểm ông lao vào công cuộc xây dựng nhóm L’Année sociologique, một trường phái chiếm nhiều thì giờ của ông.

Durkheim không phải là một nhà hoạt động chính trị. Nhân danh những nguyên tắc đạo đức mà năm 1898 ông tích cực dấn thân nhân vụ án Dreyfus[*] bằng cách trở thành thư kí của phân bộ Liên minh bảo vệ nhân quyền ở Bordeaux và công bố bài viết: “L’individualisme et les intellectuels/Chủ nghĩa cá nhân và các nhà trí thức” phản pháo nhà phê bình văn học F. Brunetière khi tác giả này tố cáo các “nhà trí thức” chủ trương chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vô chính phủ. Durkheim đáp trả bằng cách phân biệt sự ích kỉ bệnh hoạn với một chủ nghĩa cá nhân cần thiết, “sự kính trọng cá nhân” là giá trị tột đỉnh của các xã hội hiện đại.

Năm 1902, F. Buison đắc cử vào Hạ viện và tạm thời để trống ghế Khoa học sư phạm ở Sorbonne. Durkheim từng nhiều lần tìm cách về thủ đô Paris nên ứng cử thế chỗ và trở thành phụ tá của Buison. Bốn năm sau ông được chính thức bổ nhiệm nhưng tên gọi của ghế đến năm 1913 mới trở thành “khoa học giáo dục và xã hội học”. Như vậy Durkheim vẫn chưa dứt ra khỏi các bộ môn giáo dục. Những bài về sự đào tạo và phát triển của giáo dục trung học ở Pháp được viết trong các năm 1904-1905 và được liên tục giảng đến năm 1912 sẽ được xuất bản dưới tựa L’évolution pédagogique en France/Diễn tiến giáo dục ở Pháp (1938) sau khi ông mất. Còn việc soạn thảo giáo trình L’éducation morale/Giáo dục đạo đức được công bố năm 1925 ngược lại với lời giới thiệu tác phẩm này, là từ năm 1898-1900, chứ không phải thời kì ông ở Paris. 

Marcel Mauss (1872-1950)

Năm 1907, việc từ bỏ ra định kì hàng năm của L’Année sociologique cho phép Durkheim hoàn thành tác phẩm quan trọng của mình Les formes élémentaires de la vie religieuse/Những hình thái sơ đẳng của đời sống tôn giáo công bố năm 1912.

Ngay khi Thế chiến thứ nhất khởi đầu, công dân Durkheim tham gia tích cực những hoạt động yêu nước: viết và phổ biến tài liệu về nguồn gốc cuộc chiến, tâm lí Đức, v.v., tham gia nhiều ủy ban trong số đó có “Ủy ban người nước ngoài” vào năm 1916 để phụ trách tình hình những người Nga (hầu hết gốc Do thái) sống tại Paris. Chắc chắn các hoạt động này xuất phát từ một nghĩa vụ đạo đức; đó cũng có lẽ là cách để gạt bỏ nỗi lo lắng về kết cục của chiến tranh và số phận của những người thân: cháu ông, M. Mauss, tình nguyện đầu quân, rể ông là J. Halphen và cuối cùng là con ông André bị động viên ngay sau khi đỗ chức danh thạc sĩ triết học. Ngày 2 tháng giêng 1916, Durkheim nhận tin con ông mất tích và được xác định tử vong ngày 24 tháng hai. Ông không vượt qua được cú sốc không thể nguôi ngoai này. Sức khỏe ông suy giảm và sau nhiều lần báo động nghiêm trọng (tháng 12 1916, tháng năm 1917), ông qua đời ngày 15 tháng 11 năm 1917, thọ 59 tuổi.

Hành trình trí thức: liên tục, chuyển hướng, đoạn tuyệt?

Durkheim đã không thể viết những cuốn sách ông từng dự tính về đạo đức và gia đình, hai chủ đề ông bỏ thời gian nghiên cứu từ buổi đầu sự nghiệp của mình, dấu hiệu của tính liên tục trong những mối quan tâm của ông. Chẳng hạn, đối tượng của một trong những bài giảng xã hội học đầu tiên của ông là về gia đình, và trong tạp chí L’Année sociologique, ông dành phần phụ trách việc phân tích các công trình về gia đình, hôn nhân và quan hệ thân thuộc, đặc biệt là các nghiên cứu nhân học đang nhân bội lúc bấy giờ. Trong thư từ trao đổi của ông, Durkheim nhiều lần ám chỉ đến cuốn sách tương lai của ông, bắt nguồn từ những bài giảng đã mất. Tính không đổi của những mối quan tâm đi cùng với sự bận tâm lí thuyết thường xuyên, đặc biệt trên chủ đề sự hội nhập xã hội.

Vấn đề tính liên tục hay sự tiến hóa hoặc đoạn tuyệt trong hành trình tri thức của Durkheim đã làm tốn nhiều bút mực. Ngay G. Davy, cộng tác viên của Durkheim rồi T. Parsons (1937) nhận thấy ông tiến từ những quan điểm ngày càng ít có tính thực chứng luận đến những quan điểm ngày càng duy tâm hơn. Bài “Représentations individuelles et représentations collectives” nhấn mạnh đến một sự tự trị nhất định của các biểu tượng đối với những sự kiện hình thái học xã hội minh chứng cho diễn tiến trên. Parsons nhìn thấy việc triển khai sự thay đổi này ngay trong tác phẩm Le suicide: các nghiên cứu sau này củng cố cho giả thuyết tác phẩm được viết trong hai thời kì (Besnard, 1973, 1987).

Các năm 1895 và nhất là 1896 là những thời điểm chuyển tiếp, thậm chí là khủng hoảng, trong tiểu sử cá nhân và tri thức của Durkheim. Trước tiên có một sự thay đổi trong vị trí nghề nghiệp: năm 1896, cuối cùng ông được vào biên chế giáo sư “khoa học xã hội”. Tiếp đó có những thay đổi trong đời sống riêng tư và vị trí trong gia đình ông: 1896 là năm bố ông và người anh rể, người bố của Mauss, qua đời. Durkheim trở thành trưởng tộc (anh ông là Félix mất năm 1889). Ông đã là người giám hộ Henri, đứa con của Félix và sống trong gia đình ông ở Bordeaux: ông vẫn là người đỡ đầu về mặt tri thức và đạo đức cho đứa cháu khác là Marcel vừa trúng tuyển chức danh thạc sĩ triết học. Thêm vào đó còn có những biến cố đảo lộn hành trình tri thức của vị giáo sư ở Bordeaux: một mặt là cuộc tranh luận với Tarde ngày càng cay độc hơn vào các năm 1895 và 1896, mặt khác tác phẩm Règles de la méthode sociologique/Các quy tắc của phương pháp xã hội học được tiếp nhận một cách dè dặt, thậm chí là chống đối, từ phía các những triết gia mà Durkheim muốn thuyết phục.

Nhưng còn hơn thế nữa: đó là việc khám phá những đối tượng và cách tiếp cận mới. Trong một tiểu sử tự thuật duy nhất ông để lại, Durkheim đã viết “đường ranh phân biệt trong sự phát triển tư duy [của ông]” là bài năm 1895 ông giảng về tôn giáo và việc phát hiện W. Robertson Smith. Ông nói rõ đó là sự “mặc khải” cung cấp cho ông “phương tiện đề cập một cách xã hội học việc nghiên cứu tôn giáo” (Durkheim, 1975).

Nếu mối quan tâm đến tôn giáo không phải là điều mới lạ với Durkheim thì chỉ sau thời kì khủng hoảng, năm 1892, ông mới khẳng định một cách mạnh mẽ và trong nhiều dịp rằng tôn giáo là nơi thai nghén tất cả những sự kiện xã hội và đó chính là sự kiện xã hội nguyên thủy và cơ bản.

Người ta đã tư biện nhiều về bản chất của sự “mặc khải” này liên quan đến tôn giáo: phải chăng nó đụng đến ý niệm cái thiêng, nghi lễ, totem? Trừ phi nó liên quan đến vấn đề “phương tiện đề cập một cách xã hội học việc nghiên cứu tôn giáo”, một điều có thể có quan hệ với một sự chuyển biến ngoạn mục trong định nghĩa những vật liệu của nhà xã hội học. Cho đến năm 1895, Durkheim ưu tiên cho các tư liệu lịch sử hơn là cho các dữ liệu dân tộc học, được xem là không đáng tin cậy, và do đó đặt ưu tiên cho việc nghiên cứu các xã hội cổ xưa. Sự ưu tiên này được khẳng định trong tác phẩm Règles de la méthode sociologique, nhưng còn một cách mạnh mẽ hơn trong hai bài viết năm 1895. Kể từ năm 1897 là một sự chuyển hướng hoàn toàn: Durkheim gần như chỉ làm việc trên các xã hội nguyên thủy. Lời tựa cuốn Suicide, nhiều khả năng được thảo vào tháng hai 1897 vẫn còn còn xác lập một kiểu cân bằng giữa ba “bộ môn phụ trợ” cho xã hội học: thống kê học cho việc nghiên cứu các xã hội công nghiệp, sử học cho việc nghiên cứu các xã hội cổ xưa, dân tộc học cho việc nghiên cứu các xã hội nguyên thủy. Vài tháng sau, lời tựa cho tập đầu của tạp chí L’Année sociologique, một kiểu cương lĩnh có tính chương trình, phê duyệt sự chuyển hướng hoàn toàn về lợi ích lần lượt của những dữ liệu xuất phát từ những tư liệu viết (sử học) sang những vật liệu xuất phát từ việc quan sát các xã hội nguyên thủy (dân tộc học). Durkheim lấy ví dụ từ người thầy cũ là Fustel để Coulanges, người phạm sai lầm về bản chất của gens La Mã (họ tộc - ND) do đã không biết đến những trường hợp tương tự về mặt dân tộc học với kiểu gia đình này.

Do đó chính trong năm 1896 mà thời kì quan trọng của hành trình tri thức của Durkheim lên đến đỉnh điểm. Bên cạnh những biến cố cá nhân và nghề nghiệp, cần ghi nhận sự không xác định đối tượng mà Durkheim sẽ dành cho cuộc sống lao động của ông, sự choáng ngợp trước cánh cửa mới mở ra cho chân trời khoa học của ông. Đây là những nét đặc trưng cho anomie mà như được Durkheim quan niệm vào thời điểm này trong tác phẩm Suicide cũng như trong khóa giảng về Socialisme. Chủ đề anomie sẽ được lặp lại hai năm sau đó trong khóa giảng về Éducation morale nhưng rồi sẽ không được nhắc tới nữa.

Thời kì chuyển tiếp, ngờ vực và không chắc chắn kết thúc vào mùa xuân 1897, khi Durkheim hoàn thành bản thảo Suicide cuối cùng quyết định lao mình vào cuộc phiêu lưu của tạp chí L’Année sociologique, sau khi đã lưỡng lự gần cả một năm. Có thể ghi nhận một biến cố thứ yêu như là biểu tượng của việc khép lại trang này và thiết lập một chương trình nghiên cứu mới: ngày 11 tháng tư 1897, gia đình Durkheim dọn nhà từ số 179 sang số 218 đại lộ Talence, một khoảng cách dọn nhà ngắn nhưng là một việc lớn đối với một nhà trí thức. Có thể giả định là Durkheim theo dõi sát một mặt, những ghi chép đầu tiên của ông cho tiểu luận về việc cấm loạn luận sẽ đăng trên tạp chí L’Année sociologique, một tiểu luận khai trương công trường nghiên cứu của ông, và mặt khác những bản in thử về cuốn Suicide, một nghiên cứu thuộc về lĩnh vực thống kê đạo đức mà sau này ông sẽ không bao giờ quay lại nữa.

Giải thích các sự kiện xã hội

Sẽ là sai khi tin rằng Durkheim đã quan niệm một hệ thống ý tưởng nhất quán có khả năng giải thích những hiện tượng xã hội đa dạng nhất. Diễn tiến tư duy cũng như những chuyển hướng của ông, việc chỉnh sửa dần dần những khái niệm do ông tạo ra cũng như nhiều lí thuyết được ông đề xuất và đào sâu là những dấu hiệu của một công trường đang xây dựng hơn là của một tượng đài nguyên khối. Tuy không có tham vọng phác họa một toàn cảnh song ta có thể nhắc lại những yếu tố cơ bản của sự nghiệp này. Đó là trường hợp về tính đặc thù của đối tượng của xã hội học, về bản chất của sự giải thích các sự kiện xã hội hay của cái lõi của một vài lí thuyết trung tâm của cái khoa học xã hội mà nhà xã hội học nghĩ rằng mình đã sáng lập.

Tính đặc thù của sự kiện xã hội

Đối với Durkheim, các sự kiện xã hội có thể: 1) có tính cấu trúc hay hình thái, như con số, bản chất hay sự sắp xếp của những yếu tố cấu thành một nhóm hay một xã hội; 2) là những thực tiễn được định chế hóa như các quy tắc pháp lí, đạo đức, kinh tế hay niềm tin, đặc biệt là những niềm tin tôn giáo; cuối cùng là những sự kiện, những “trào lưu xã hội” không được định chế hóa, tức là không được kết tính trong bất kì hình thức nào: chẳng hạn những hành vi của các đám đông hay của những trào lưu suy luận mà thống kê nắm bắt dưới dạng những tỉ suất kết hôn, tỉ suất mắn đẻ hay tỉ suất tự tử. Giữa các sự kiện này, chỉ có những khác biệt về mức độ chứ không có khác biệt về bản chất. Chúng nằm trên một continuum mà hai đối cực là những sự kiện theo hình thái và các dòng dư luận. Bằng một công thức cô đọng, Durkheim định nghĩa sự kiện xã hội là “mọi cách làm được ấn định hay không, có khả năng tác động đến cá nhân thông qua một sự ràng buộc bên ngoài; hay còn là một cách làm phổ biến trong một xã hội nhất định mà vẫn có một sự tồn tại riêng biệt, độc lập, với những biểu hiện cá thể” ([1895] 1988, 14).

Ta biết là định nghĩa này đã được tu chính và bổ sung đặc biệt trong lần xuất bản thứ hai (1901) của cuốn Règles de la méthode sociologique, tiếp theo sau những hiểu lầm và thậm chí những kiến giải sai trái. Sự kiện xã hội được khoác lên một sự ràng buộc bên ngoài hay một tính phổ biến độc lập với những hình thức cá nhân là sự biểu hiện của cùng một thực tế. Trước tiên hãy xét sự ràng buộc bên ngoài vốn là đối tượng của nhiều phê phán.

Thứ nhất, sự tồn tại của một ngôn ngữ, tiền tệ hay những nghi lễ độc lập với cá nhân nhưng không độc lập với những nhóm xã hội làm nền cho chúng. Ta hiểu nhóm hay xã hội là một tập hợp những cá nhân không thể quy giản về tổng của những cá nhân này. Định nghĩa về tính bên ngoài này không có mục đích gì khác hơn là nhấn mạnh tính đặc thù của nhóm tuy không cho đó là thực chất của sự kiện xã hội. Thứ hai, khả năng ràng buộc hay tác động của sự kiện xã hội trên các cá thể được chứng thực bằng các trừng phạt hay hệ quả tích cực hoặc tiêu cực trên cá nhân nào có phục tùng hay không sự kiện này. Tuy nhiên cần nói rõ là sự ràng buộc gắn với nghĩa vụ chỉ là dấu hiệu bên ngoài và cảm nhận được và cần bổ sung đối lập của nghĩa vụ là điều thiện vốn là chỉ báo của ý tưởng giá trị mà các chỉ báo của ý tưởng này là khó nhận diện hơn. Do đó tính bên ngoài và áp lực chỉ là những biểu hiện bề ngoài của tính xã hội. Chúng không phải là bằng chứng rằng so với tính cá nhân thì tính xã hội là một khái niệm không có thực. Và ngay cả khi Durkheim sử dụng cụm từ ý thức tập thể ông không bao giờ gán cho thuật ngữ này điểm tựa nào khác hơn là các ý thức cá nhân. Trên điểm này quan điểm của Durkheim không thay đổi từ Division du travail social/Phân công lao động xã hội ([1893] 1960) đến Les formes élémentaires de la vie religieuse ([1912] 1960).

Biểu hiện thứ hai quy chiếu về ý tưởng cho rằng sự kiện xã hội là một hiện tượng đang nổi lên. Một sự kiện tập thể khác với một sự kiện tổng quát. Tất nhiên một sự kiện tổng quát được một số lớn cá nhân cấu thành một nhóm hay một xã hội chia sẻ. Do đó nó có tính tổng quát. Nhưng tính tổng quát này không gì khác hơn là tính cá thể được nhân bội. Đó là một kiểu “bên dưới xã hội” (“infra-social”) được suy ra từ tổng của những hành vi cá thể. Hiện tượng tập thể, tất nhiên tuy có cơ sở là cá nhân, lại là kết quả của một sự tổng hợp có đặc thù riêng (sui generis). Nếu tính tổng quát là một sự kiện “có tính kết quả” thì tính tập thể hay tính xã hội làm một sự kiện nổi bật. Tự tử là một hành động thuần túy cá nhân; tỉ suất tự tử là một hiện tượng tổng quát dễ dàng suy ra từ một phép tính số học những cuộc tự tử cá nhân trong chừng mực là chúng độc lập với nhau. Còn li hôn vừa là một sự kiện có tính kết quả vừa là một sự kiện nổi bật. Một tỉ suất li hôn không gì khác hơn là tổng số những li hôn cá nhân chia cho qui mô của nhóm được xem xét. Theo nghĩa này tỉ suất li hôn tính tổng quát. Ngược lại nếu ta xem tỉ suất li hôn trong một xã hội như là chỉ báo suy yếu của thể chế hôn nhân thì cần phải xem tỉ suất này không như một đặc tính cá thể nữa mà như một đặc điểm của hệ thống xã hội. Vả lại các cuộc li hôn phụ thuộc lẫn nhau trong chừng mực là một gia tăng của tỉ suất li hôn trong một nhóm nhất định làm tăng xác suất li hôn của cá thể.

Sự nổi bật là hệ quả của sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các phần tử của một tập. Sự phụ thuộc lẫn nhau thể hiện hệ thống tương tác cấu trúc giữa các cá nhân. Người tự tử có hành động chết người không biết những ai khác tự tử làm gì. Do đó những hành động tự tử được tiến hành độc lập với nhau. Ngược lại phân công lao động hay hôn nhân giả định có một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các tác nhân. Độc lập với việc hôn nhân là một thể chế, chính vì hôn nhân là một quyết định được lấy trên một thị trường cạnh tranh nên có sự phụ thuộc lẫn nhau; nói cách khác, quyết định của một tác nhân tác động đến quyết định của những tác nhân khác.

Durkheim thường vận dụng sự tương đương để giải thích cách ông hiểu sự nổi bật. Đặc tính của nước không nằm ở oxy hay hydro hợp thành nước. Do đó sự nổi bật được định nghĩa bằng sự mới mẻ. Trong lời tựa cho lần xuất bản thứ hai cuốn Règles, ông viết: “Mỗi khi bất kì những phần tử nào bằng sự kết hợp với nhau làm nổi lên những hiện tượng mới, cần quan niệm là các hiện tượng này không nằm trong các phần tử hợp thành sự kết hợp này nhưng trong cái tổng thể hợp thành bởi sự kết hợp ấy. Chẳng hạn, đó là trường hợp của hành vi đám đông. Chính sự phụ thuộc lẫn nhau hay cách mà các tác nhân được kết hợp và tác động lẫn nhau giải thích sự hội tụ của những nhà tư sản ôn hòa biến thành những quá trình ít nhiều ngắn dài đám đông nổi loạn. Không thể dự đoán hay suy ra từ những hành vi cá thể một hành vi tập thể như thế. Sự nổi bật có thể khoác ba hình thức sự kiện xã hội: ta hiểu rằng đó là những hiện tượng hình thái, thể chế và “sự kiện xã hội”. Các hiện tượng vĩ mô này là kết quả của những quá trình ít nhiều ngắn hay dài. Chuyển động của một đám đông có thể nhanh; sự nổi bật của một chuẩn, việc thể chế hóa một quy tắc pháp lí, sự kết tinh chậm của những hành vi thành một sự phân bổ của dân chúng trong không gian đôi lúc đòi hỏi những thời kì lịch sử lâu dài.

Diễn ngôn của phương pháp xã hội học

Durkheim ([1912] 1998, XII) viết: “Đối với phương pháp, ta chỉ có thể tạm thời xây dựng: vì các phương pháp thay đổi cùng với sự tiến triển của khoa học”. Một sự thú nhận như thế cho thấy rõ là nhà xã hội học Pháp ý thức những giới hạn của phương pháp luận bập bẹ của ông và nhất là cũng ý thức rằng phương pháp không bao giờ độc lập với lí thuyết. Phương pháp của ông đặt cơ sở trên những nguyên tắc sau:

1/ Nguyên tắc phát hiện của sự tự nhiên hóa các hiện tượng xã hội theo đó có thể áp dụng cùng những phương pháp quan sát và giải thích các hiện tượng này cho các hiện tượng này giống như đối với các hiện tượng trong các khoa học tự nhiên. Châm ngôn nổi tiếng của ông là nên “xem xét các sự kiện xã hội như những sự vật” không có ý nghĩa nào khác. Chắc chắn điều này không có nghĩa là sự kiện xã hội giống hệt sự kiện tự nhiên: sự kiện xã hội vừa có ý nghĩa vừa có tính ý đồ trong lúc sự kiện tự nhiên thì không. Để làm điều trên, cần lấy những sự kiện thực tế được định nghĩa tạm thời bằng những tiêu chí bên ngoài làm điểm xuất phát. Do đó không thể bắt đầu từ những tiền ý niệm hay hệ tưởng, tức là từ những ý tưởng chung ta có về xã hội vì hệ thống biểu tượng này là một đối tượng của xã hội học chứ không phải là một kho dự trữ những khái niệm khoa học. Là sản phẩm của trải nghiệm xã hội, các tiền ý niệm chắc chắn có ích về mặt xã hội tuy nhiên không thể áp dụng những tiêu chí chân lí cho chúng.

Sự đặc thù của xã hội nghiêm cấm sự nội quan như tâm lí học cá nhân. Trong chừng mực sự kiện xã hội là một biểu tượng cá thể, kết tinh hay không, không thể dùng cá nhân làm điểm khởi đầu mà nó chỉ có thể là điểm đến thôi. Do đó cần xuất phát từ những hiện tượng xã hội vĩ mô.

2/ Mục tiêu cơ bản của chương trình khoa học của Durkheim chắc chắn là giải thích xã hội bằng chính xã hội. Điều này có nghĩa là làm rõ tính chất tập thể của những hiện tượng được nghiên cứu, những qui luật, tương quan và, cuối cùng việc xác lập một lí thuyết trình bày mục tiêu trên. Phân công lao động như là một hiện tượng xã hội vĩ mô trước tiên được phát hiện bằng những chỉ báo. Tiếp đó sự phân công này được trình bày trong trường hợp của vài xã hội nhất định. Sau đó thiết lập những tương quan với những hiện tượng xã hội vĩ mô khác như mật độ động, hệ thống tương tác giữa những cá thể có cùng một chức năng xã hội mà một số, trên một thị trường lao động hữu hạn, buộc phải thay đổi hoạt động. Rồi làm rõ mô hình động về những quan hệ giữa các biến này. Cuối cùng giải thích xã hội bằng cách viện đến một lí thuyết trong đó sự phân công lao động là hệ quả không cố ý của một tập những hành động phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội.

3/ Hơn nữa, giải thích xã hội bằng chính xã hội không loại trừ các phương pháp tiến hành khác. Không gì cấm cản tính đến hành vi cá thể bằng một hiện tượng xã hội vĩ mô. Vả lại đây cũng là khía cạnh chuẩn tắc điển hình của lí thuyết của Durkheim mà truyền thống xã hội học thường giữ lại. Nhưng cũng không gì ngăn cấm giải thích một đặc tính có hệ thống bằng cấp độ cá thể với điều kiện Durkheim nói rõ là đặc tính này được xem như là kết quả của một tập những hành động cá thể phụ thuộc lẫn nhau hay của một tập những biểu trưng cá thể độc lập: không bao giờ một giá trị, chuẩn mực, quy tắc pháp lí ra đời trong sự cô độc nhưng là được sự hợp nhất của các ý thức tạo điều kiện thuận lợi vào những thời điểm được ưu tiên.

Các nguyên tắc tổng quát trên trong chương trình của Durkheim được áp dụng vào những nghiên cứu thực nghiệm, dù đó là nghiên cứu về phân công lao động, tự tử, tôn giáo, hay về diễn tiến của luật pháp, gia đình. Người ta nói Durkheim là một nhà thực chứng luận và quy nạp luận. Chắc chắn ông là người thừa kế A. Comte, trong chừng mực mà ông lấy lại ý tưởng theo đó mục đích của nghiên cứu là xác lập những quy luật bằng sự quan sát và so sánh. Tuy nhiên Durkheim rời xa A. Comte ở mức độ là không ngần ngại vi phạm những cấm kị thực chứng. Trái ngược với những kết án luận tội của A. Comte, ông không từ bỏ triệt để việc sử dụng có hệ thống thống kê và không bao giờ ngưng tìm kiếm các quy luật.

Trên điểm này cuốn Le Suicide là một mẫu mực. Ngoài việc làm rõ những quan hệ phụ thuộc giữa hai hay nhiều biến sau khi tính thực tế của chúng được kiểm tra bằng cách xem xét một hay nhiều biến kiểm tra theo những quy tắc của phân tích đa biến sau này được P. Lazarsfeld chuẩn hóa, Durkheim giải thích các quan hệ này bằng cách suy chúng ra từ một lí thuyết hay bằng cách xây dựng những mô hình sản sinh ra chúng. Những đề xuất cuốn Le Suicide được suy từ lí thuyết hòa nhập và điều tiết. Lí thuyết này không phải là một sự khái quát hóa những kết quả thực chứng: trước hết, nó – ít ra là một phần – có trước cuốn Le Suicide; tiếp đó nó trừu tượng đến độ dường như khó suy luận nó ra từ những quan sát, dù có nhiều quan sát bao nhiêu chăng nữa; cuối cùng nó được ứng dụng vào những hiện tượng khác hơn là sự tự tử tự nguyện. Durkheim cũng tiến hành suy luận khi tìm cách phân loại các vụ tự tử và các hình thái bình thường và bất thường của sự phân công xã hội. Sự đoạn tuyệt dường như hoàn tất khi Durkheim đề nghị làm rõ những cơ chế sản sinh hiện tượng hay như ông gọi chúng là “phương thức sản sinh”. Cụm từ này được mượn từ A. Comte, người bác bỏ như là một cách tiến hành siêu hình “mọi tham vọng trình bày nguyên nhân sản sinh các hiện tượng”. Cơ chế trên gồm những giả thuyết về hành vi các cá thể trong tình thế tương thuộc lẫn nhau. Cơ chế này sản sinh những hiện tượng quan sát và làm cho các kiến giải các quan sát là khả thi. Ví dụ sự ích kỉ và anomie cần được hiểu như những cơ chế sản sinh như R. Boudon (1979, 23-27) và M Cherkaoui (1998) đã cho thấy.

Những quá trình xã hội hóa

Không nghi ngờ gì xã hội hóa là một trong những trục quan trọng nhất trong lí thuyết của Durkheim. Xã hội hóa là chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của ông. Ta thấy các chủ đề này trong các nghiên cứu giáo dục, gia đình, đạo đức, tự tử và sự phân công lao động. Những cơ chế sơ đẳng của lí thuyết, các cơ chế hòa nhập và điều tiết là hoàn toàn nhận diện được và thậm chí hình thức hóa được. Xã hội hóa là biến một thực thể từ không đến có tính xã hội. Là dạy cho thực thể này tham gia một cách hiệu quả vào các nhóm mà nó thuộc về. Cá thể học những năng lực xã hội và nhận thức chung trong những nhóm hay bối cảnh xã hội khác nhau. Những năng lực này bao gồm từ việc học một ngoại ngữ, chuẩn mực niềm tin chung đến ứng xử ở bàn ăn. Việc học các quy tắc xã hội được tiến hành một cách chính thức trong các định chế chuyên môn như học đường hay bán chính thức hoặc mọi lúc mọi nơi. Sự phù hợp của hành vi với các quy tắc được chứng thực bằng những trừng phạt hay tưởng thưởng. Đến lượt cường độ và sự đều đặn của việc chứng thực củng cố chuẩn mực và góp phần, cùng với những cơ chế khác, nội tâm hóa hành vi. Hệ quả của các quá trình nội tâm hóa khiến hành vi cá thể trở thành độc lập với sự điều tiết xã hội từ bên ngoài. Nói cách khác, nếu quy tắc ở bên ngoài được nội tâm hóa thì hành vi có khả năng tự điều tiết và những tố chất sở đắc sẽ tự ổn định.

Điều này không có nghĩa là các mô hình được nội tâm hóa một cách máy móc và thụ động cũng như không có nghĩa là các hành vi không bao giờ bị chệch. Durkheim biết là các quy tắc bị vi phạm hằng ngày, tội ác tồn tại và thậm chí còn có chức năng xã hội. Nhưng ông nhấn mạnh rằng một lí thuyết tốt trên nguyên tắc phải giải thích cái “bình thường” lẫn cái “bệnh hoạn”. Lí thuyết xã hội hóa giải thích tính ổn định và phù hợp của các hành vi với các chuẩn mực vốn giữ vai trò những biến độc lập, cũng giống như cách nó tính đến những biến thiên giữa các nhóm và các xã hội. Tuy nhiên lí thuyết của Durkheim khác với các lí thuyết chuẩn tắc thuần túy trong mức độ là lí thuyết này đặt ra vấn đề các cơ chế sản sinh các chuẩn mực. Các chuẩn mực và giá trị từ đâu đến?

Durkheim trả lời: “Chúng không đến từ bất kì hoạt động nào cả, chúng chỉ đơn giản là những hiệu ứng của một hoạt động tâm lí dễ dàng phân tích được, nhưng đặc biệt có tính sáng tạo và phong phú mà người ta gọi là sự hợp nhất, hiệp thông của những ý thức cá thể đa dạng thành một ý thức chung […] Những quan niệm lớn này về tôn giáo, đạo đức, tri thức mà các xã hội rút ra từ bản thân trong các thời kì sáng tạo sôi động được các cá nhân mang theo trong người một khi nhóm đã tan rã, khi sự hiệp thông xã hội đã phát huy tác dụng […] Tuy nhiên sự hiệp thông này không tàn lụi vì hành động của nhóm không ngưng hẳn hoàn toàn nhưng liên tục mang lại một chút sức mạnh cho các lí tưởng lớn này mà các nỗi đam mê ích kỉ và quan tâm cá nhân hằng ngày có xu hướng rút tỉa: đó là chức năng của đủ loại lễ hội công cộng, nghi thức” ([1885-1914] 1970, 328-329). Chuẩn mực không phải là kết quả thương thảo giữa các bên tham gia vào một sự tương tác xã hội, như trong trường hợp của hợp đồng. Nó cũng không phải sản phẩm của quyết định của một ai nắm giữ quyền lực tuyệt đối hay sáng kiến khôn ngoan của một nhà tiên tri đơn độc. Cuối cùng sự giải thích ở rất xa với một lí thuyết đặt nền tảng trên tính duy lí của các tác nhân. Thật vậy, đối với Durkheim, sự ổn định của đời sống xã hội không giải thích được bằng giả thuyết tính duy lí tính. Sự sôi động là phi duy lí và là một hình thái điều tiết tự phát thuộc khuôn khổ của lí thuyết hòa nhập và điều tiết mà những thành tố được nhắc lại dưới đây.

Những cơ chế xã hội

“Xã hội không chỉ là một đối tượng thu hút về phía mình, với một cường độ không bằng nhau, những tình cảm và hoạt động của các cá thể. Xã hội cũng là một quyền lực quy định các tình cảm và hoạt động này” Durkheim viết như thế ([1897] 1960, 264). Hai câu này cung cấp điểm cốt yếu của lí thuyết hòa nhập và điều tiết. Câu đầu xác định rất chính xác hòa nhập như là một cơ chế xã hội mà, một mặt, các yếu tố là những tình cảm và hành động cá thể và, mặt khác, hệ thống tương tác giữa các cá thể. Durkheim cũng hiểu là xã hội bao gồm những tình cảm và hành động đang nổi lên. Với tư cách là một hệ thống động, xã hội có thể trải qua nhiều trạng thái mà một trong số đó là khi hệ thống trở thành một lực có sức thu hút. Nếu xã hội thu hút về phía mình các cá thể với một cường độ không bằng nhau, đó là vì cường độ này biến đổi. Khi cường độ này rất yếu, ta ở trong tình thế của tính ích kỉ với đặc trưng là gần như không có sự tương tác và sự ưu thế của những mục đích và tình cảm cá nhân. Ngược lại, một cường độ cao chuyển ta sang một tình thế thiếu sự cá biệt hóa, một sự thống trị gần như độc tôn của nhóm trên những mục đích và tình cảm chung. Một ví dụ về một nhóm chỉ dành cho cá thể một biên độ tự do hẹp là trường hợp được Durkheim gọi là xã hội của sự đoàn kết có tính máy móc (solidarité mécanique). 

Nếu xã hội là một lực thu hút thì xã hội cũng có thể, với một số điều kiện, trở thành một lực xua đuổi. Thế mà ta biết, như chắc chắn Durkheim cũng biết rằng, trạng thái của hệ thống động có đặc tính thu hút về phía mình là một cân bằng ổn định. Một trong những đặc điểm của điểm cân bằng ổn định là khi hệ thống cách xa hay cách chút ít khỏi điểm này thì hệ thống sẽ tiến về điểm đó. Ngược lại, mọi khoảng cách với một điểm cân bằng không ổn định sẽ đưa hệ thống rời khỏi điểm này.

Câu thứ hai trong trích dẫn trên, còn ngắn gọn hơn câu đầu, định nghĩa sự điều tiết. Đó là một quyền lực qui định những tình cảm và hoạt động của các cá thể. Chắc chắn ở đây quyền lực được hiểu theo nghĩa rộng của một tác động cố ý và không cố ý, có được trang bị hay không một định chế chuyên kiểm tra sự phù hợp của hành vi với một quy tắc hay một chuẩn mực. Quy tắc áp đặt hay khuyến cáo điều phải làm; và nghiêm cấm điều không được làm. Quy tắc xác định giới hạn cho những đam mê và hoạt động. Nó nằm bên ngoài cá thể và do đó khác với những lí do hành động hay không của tác nhân. Phần tiếp theo của đoạn trên trong cuốn Le Suicide nói rõ là xác suất để hành động phù hợp với quy tắc phụ thuộc vào cảm nhận của cá thể về tính chính đáng của quy tắc. Do đó mức độ định chế hóa các chuẩn mực và tính chính đáng là hai chiều kích của sự điều tiết. Một sự điều tiết quá yếu tương ứng với sự hỗn loạn (anomie). Sự hỗn loạn kinh tế tương ứng với các cuộc khủng hoảng; anomie tình dục của nam giới có vợ hiện diện trong những xã hội có tỉ tuất li hôn rất cao. Một sự điều tiết quá cứng rắn dẫn đến sự nhẫn nhục: trường hợp này xảy ra khi các quy tắc xã hội là không thể lay chuyển, “những đam mê bị dồn nén”, và định mệnh các cá nhân bị bịt kín”. Phân công lao động bắt buộc hay sự cam chịu tự tử của những người trẻ mới lập gia đình là những ví dụ. Một kiến giải văn bản sát từng chữ như vậy có thể dễ dàng dẫn tới những hình thức hóa. Một cách kiến giải như vậy cho phép không chỉ gặp lại các đề xuất của Durkheim và từ đó xác định những điều kiện hiệu lực mà còn cho phép suy ra những hệ quả khác của mô hình hình thức, điều mà sự phát biểu bằng từ ngữ không làm được. 

Những cơ chế chúng tôi vừa mô tả sơ lược là một phần của một họ những mô hình vốn thuộc về lí thuyết tổng quát. Mô hình của sự biến đổi mà sự khác biệt hóa của các chức năng xã hội ngày càng tăng chỉ là một biến thể, tương tự về mặt hình thức, với những mô hình hòa nhập và điều tiết. Thật vậy sự phân công lao động được giải thích một cách gián tiếp bởi cái nền của đời sống xã hội, khối lượng và mật độ động, hệ thống những tương tác chức năng và một cách trực tiếp bởi hành động của các tác nhân có cùng chức năng (sản xuất cùng một sản phẩm) trong một thị trường hữu hạn có ít nhiều sự cạnh tranh. Khi khối lượng và mật độ tăng thì các cá thể quan hệ với nhau nhiều hơn và các xung đột càng xuất hiện, cuối cùng các chức năng xã hội càng khác biệt như là kết cuộc ổn thỏa của một cuộc đấu tranh. Như vậy phân công lao động hiện ra như một hiệu ứng nổi lên từ những hành động cá thể phụ thuộc lẫn nhau. Bằng hiệu ứng phản hồi, khi các chức năng càng khác biệt thì mật độ động của nhóm hay của xã hội càng dày. Một phân tích mô hình động này cũng làm nổi lên những điểm cân bằng ổn định và không ổn định, và cả những hiện tượng khác, tựa như sự suy thoái có thể của phân công lao động mà một phân tích bằng trực giác không cho phép dự đoán. Sự khác biệt hóa ngày càng tăng của các chức năng không chỉ giới hạn ở các chức năng kinh tế, mà còn liên quan đến gia đình và tôn giáo, lẫn khoa học và nghệ thuật.

Ví dụ, hãy xem tôn giáo. Tôn giáo chứa đựng trong bản thân những yếu tố của những biểu hiện khác nhau của đời sống tập thể. Các học thuyết tôn giáo báo trước các lí thuyết khoa học trong mức độ là những học thuyết tôn giáo là những cách kiến giải thế giới và sự đều đặn của những hiện tượng tự nhiên. Còn hơn thế nữa: trong tiểu luận về “De quelques formes primitives de classification/Về vài hình thức phân loại nguyên thủy” công bố năm 1903 cùng bởi M. Mauss, Durkheim (1969, 395-461) cho thấy một tính đồng nhất về mặt hình thức giữa những nhóm tôn giáo, những quan hệ hôn nhân và những quan hệ logic giữa các sự vật. Những quan hệ logic trước hết là những phạm trù xã hội và tôn giáo. Tuy nhiên sự tự trị hóa dần dần của những biểu trưng xã hội đối với hình thái đi cùng với sự tự trị hóa của những nguyên tắc logic và đến lượt các nguyên tắc này tự thanh lọc dần và tự tổ chức theo lối riêng để cuối cùng dẫn đến sự hình thành của khoa học.

Ngoài chức năng nhận thức này, cần thêm nhiều chức năng khác, đặc biệt là chức năng tính lí tưởng. Tôn giáo là cội nguồn của mọi lí tưởng xã hội, đặc biệt là lí tưởng đạo đức vốn giống với sự thiêng liêng và có được sức mạnh từ đó. Tôn giáo là một hệ thống những niềm tin và thực tiễn liên quan đến những điều thiêng liêng, nghĩa là tách biệt và cấm kị. Sự phân đôi cái thiêng và cái phàm có tính phổ cập và chung cho mọi tôn giáo, cho dù sự phân đôi này là tuyệt đối hay tương đối thì, đối với Durkheim, thế giới thiêng liêng là cội nguồn của những giá trị và là mô hình. Lí tưởng đạo đức đối lập với những hành vi ích kỉ như cái thiêng với cái phàm và như nhóm xã hội với cá thể. Đối với nhà xã hội học, sự tự trị hóa tương đối và dần dần các lĩnh vực của hoạt động con người và của những biểu trưng là một trong những hướng đi có thể của lịch sử.

Philippe BESNARD (†) (Cuộc đời và sự nghiệp)

Trung tâm khoa học quốc gia (Pháp) CNRS, Paris

Mohamed CHERKAOUI (Giải thích các hiện tượng xã hội)

Trung tâm khoa học quốc gia (Pháp) CNRS, Paris

Nguyễn Đôn Phước dịch

• (1893) De la division du travail social, Paris, PUF, 1960; (1895) Les règles de la méthode sociologique, Paris, PUF, 1998; (1897) Le suicide. Étude de sociologie, Paris, PUF, 1998; (1912) Les formes élémentaires de la vie religieuse, PUF, 1960; (1925) Éducation et sociologie, Paris, PUF, 1966; (1924) Sociologie et philosophie Paris, PUF, 1951; (1925) L’éducation morale, Paris, PUF, 1963; (1928) Le socialisme, Paris, PUF, 1971; (1938) L’évolution pédagogique en France, PUF, 1963; (1950) Leçon de sociologie, Paris, PUF, 1969; Pragmatisme et sociologie, Paris, Vrin, 1955; (1892-1918) Montesquieu et Rousseau, précurseurs de la sociologie, Paris, Rivière, 1953; (1898-1913) Journal sociologique, Paris, PUF, 1969; (1885-1914) La science morale et l’action, Paris, PUF, 1970; (1883-1919) Textes, Paris, Minuit, 1973. 3 vol.; Lettres à Marcel Mauss, Paris, PUF, 1998.

 ALPERT H. Émile Durkheim and his sociology, New York, Columbia Univ. Press, 1939. – BESNARD Ph., L’anomie, Paris, PUF, 1987; Études durkheimiennes, Genève, Droz, 2003. – BESNARD Ph., M. VOGT P. (éd.) Division du travail et lien social. La thèse de Durkheim un siècle après, Paris, PUF, 1993. – BORLAND M., MUCCHIELLI M. (éd.), La sociologie et sa méthode, Les règles de Durkheim un siècle après, Paris, L’Harmattan, 1995. – BORLAND M., CHERKAOUI M. (éd.), Le suicide un siècle après Durkheim, Paris, PUF, 2000. – BOUDON R., La logique du social, Paris, Hachette, 1979. – CHERKAOUI M., Naissance d’une science sociale. La sociologie selon Durkheim, Genève, Droz, 1998. – CUIN C.H. (éd.), Durkheim d’un siècle à un autre. Lectures actuelles des Règles de la méthode sociologique, Paris, PUF, 19970. – LACAPRA D., Émile Durkheim, sociologist and philosopher, Ithaca-London, Cornell Univ. Press, 1972.

Anomie, Hòa nhập, Khoa học luận của các khoa học xã hội, Phân công lao động, Thống kê đạo đức, Tôn giáo.

Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), 2005, Paris, PUF.




Chúthích:

[*] Dreyfus là một sĩ quan Pháp gốc Do thái bị kết án oan tội phản quốc và chỉ được phục hồi hoàn toàn danh dự sau mười hai năm. Vụ án đã chia rẻ sâu sắc nước Pháp (https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_Dreyfus) – ND.

Print Friendly and PDF