26.8.14

Là ông Thiện hay ông Ác?

Tác giả: Alain Desrosières

Là ông Thiện hay ông Ác?: Vai trò của con số trong việc cai quản của Nhà nước tân tự do

Một cố vấn [thuộc cơ quan đăng kí và hỗ trợ người thất nghiệp - ND] cuối cùng giải thích cho họ một “chỉ đạo” họ nhận được, ở đây và các nơi khác, và đã từ lâu: các con số về thất nghiệp phải được cải thiện, bất luận điều gì xảy ra. Buổi họp này là một trong những phương tiện để đạt mục đích trên. Người ta triệu tập một lớp người thất nghiệp, cán bộ hay những ai nhận lương tối thiểu để hội nhập (RMI), điều đó không quan trọng. Một số sẽ không đến, mà không có lí do, đó là thống kê. Số này sẽ bị loại khỏi danh sách. “Không có gì nghiêm trọng”, nhà cố vấn cố làm dịu vấn đề. Sau này họ có thể đăng kí lại, nếu họ muốn, song điều này cho phép làm giảm con số thất nghiệp, cho dù chỉ trong vài ngày. Nhà cố vấn bắt đầu miễn cưỡng nói, phơi bày tất tần tật, những tiểu xảo để ngụy trang con số, các hợp đồng với các địa phương nhằm giảm chi phí, những phương thức dối trá đối với người trẻ, hay những trợ giúp bán thời gian để khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng hai người làm việc bán thời gian thay vì một người toàn thời gian. Ông ta nói lấy làm tiếc nhưng rằng đó không phải lỗi của các cố vấn. Không phải ông ta man trá, mà cả hệ thống muốn thế [chúng tôi nhấn mạnh].  
Florence Aubenas, Le quai de Ouistreham,
L’Olivier, Paris, 2010, trang 251-252
Trích dẫn trên từ quyển sách hay của Florence Aubenas cho thấy rõ cách mà những chính sách chỉ báo thống kê chiếm lĩnh xã hội. Chính sách này tác động ngược (rétroagit) đến các hành vi, độc lập với mong muốn của những người có liên quan. Bài viết dưới đây nhằm phác họa diễn tiến lịch sử thống kê, mới đây còn là một công cụ giải phóng, nay lại đưa nó đảm nhận một vai trò hắc ám đến thế.

Mùa xuân 2009: các nhà thống kê Pháp âu lo cho tương lai hoạt động của mình. Trước đó hai năm, một cuộc khủng hoảng trầm trọng nổ ra giữa chính phủ và những người có trách nhiệm theo dõi thống kê thất nghiệp. Viện trưởng Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE, tức Tổng cục thống kê Pháp - ND) bị bãi nhiệm vì đã “xử lí không tốt” cuộc khủng hoảng này. Rồi vào mùa thu 2008, quyết định di dời một số bộ phận của Viện về Metz, ở miền tây nước Pháp được công bố. Cuối cùng một số cắt giảm mạnh tay ngân sách được thông báo. Thế mà thống kê công cộng này vẫn được những người sử dụng nó là các tác nhân kinh tế, nhà báo, nhà hoạt động nghiệp đoàn, nhà giáo, nhà nghiên cứu đánh giá cao. Báo chí đăng tải nhiều tiếng nói lấy làm tiếc cho điều được cảm nhận như là một đe dọa giải thể INSEE. Ẩn dụ thông dụng là “sự cám dỗ đập phá nhiệt kế để không nhìn thấy gia tăng của nhiệt độ”.
Tuy nhiên một sự cố có ý nghĩa bộc lộ làm sửng sốt một nhà thống kê nữ hoạt động trong “Ủy ban bảo vệ thống kê công cộng” vừa mới thành lập. Tham gia một cuộc biểu tình của các nghiệp đoàn chống chính sách của chính phủ, cô yêu cầu những người biểu tình ủng hộ một kiến nghị. Cô ấy ngạc nhiên được nghe trả lời: “Thống kê của cô chỉ được dùng để kiểm soát, theo dõi chúng tôi, làm tồi tệ hơn điều kiện lao động của chúng tôi”. Mặt khác, cũng trong năm 2009, những nhà nghiên cứu, giáo viên đại học, nhân viên y tế chống đối mạnh mẽ các cuộc “cải cách” hoạt động nghề nghiệp của họ, những “cải cách” kéo theo việc đánh giá lượng hóa “thành tích” của họ mà, theo những người chống đối này là sự khơi mào cho việc tước đoạt những năng lực đặc thù của họ để nhường chỗ cho những phương pháp bắt nguồn từ “New Public Management” (NPM - Quản lí công cộng mới) dựa trên việc sử dụng rộng rãi những chỉ báo định lượng. Trong giới giảng viên đại học và bác sĩ, một luồng gió nổi loạn nổi lên chống sự lượng hóa đại trà này. Phong trào L’Appel des appels hợp nhất sự phản đối này. Một trong những khẩu hiệu chính của phong trào là sự kháng cự những đánh giá định lượng.
Cũng mùa xuân 2009 nữa: một số yêu sách khác, theo một phong cách khác. Chính phủ Pháp mời ba nhà kinh tế lỗi lạc là Amartya Sen, Joseph Stiglitz và Jean-Paul Fitoussi đề xuất cải cách phương thức tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bị đánh giá là không đủ để lượng hóa sự “giàu có” thuần do đất nước tạo ra trong một năm. Từ lâu trước đó một số nhà nghiên cứu hoạt động tích cực đã đi trước yêu sách rất được truyền thông đại chúng quảng bá. Họ đã tập hợp nhau lại để đòi hỏi một thống kê khác, được gọi là “những chỉ báo mới về sự thịnh vượng”, nhằm ước lượng, ví dụ, những tác hại đến môi trường, lao động được trả thù lao của phụ nữ hay những hiệu ứng xã hội của những bất bình đẳng (Gadrey và Jany-Catrice, 2005). Phong trào này đòi hỏi nhiều lượng hóa hơn khi lập luận rằng “Điều gì không được cân đo đong đếm là không quan trọng”. 
Làm thế nào tư duy đồng thời hai yêu sách trên, khi cả hai nhằm vào những cách sử dụng rất khác nhau việc lượng hóa? Làm thế nào giữ một khoảng lùi đối với điều hiện ra, trong cả hai trường hợp, như một sự khủng hoảng niềm tin vào một công cụ là thống kê, trước đây được cảm nhận như là một vũ khí phục vụ dân chủ, do những người bị thống trị vận dụng, cho phép họ tố cáo những đặc quyền và bất bình đẳng, phê phán những chính sách bất công, và đấu tranh để duy trì sức mua? Trong tác phẩm Trust in Numbers, nhà sử học Ted Porter (1995) đã phân tích khía cạnh “công cụ phục vụ kẻ yếu để đấu tranh chống kẻ mạnh”. Ý tưởng về một thống kê “tiến bộ” được chia sẻ rộng rãi, đặc biệt bởi các nhà thống kê công cộng Pháp, vốn gắn bó với tính từ “công cộng”, đồng nghĩa với “dịch vụ công”, người gìn giữ lợi ích chung, khác với thuật ngữ “official statistics” (thống kê chính thức) được các đồng nghiệp nói tiếng Anh sử dụng.

Các chỉ báo định lượng tác động ngược đến các tác nhân được lượng hóa

  Khủng hoảng niềm tin này là triệu chứng của một diễn tiến lịch sử dài hạn trong những quan hệ giữa những kiểu cai quản của nhà nước và những cách sử dụng sự lượng hóa. Các công cụ định lượng không chỉ là những công cụ chứng cứ, được các nhà khoa học vận dụng để hỗ trợ luận chứng của mình mà cũng còn là những công cụ phối hợp hay công cụ cai quản. Hơn ba mươi năm trước, Michel Foucault (2004 a và b) với ý tưởng tính cai quản (gouvernementalité) đã gợi ý này, rồi tiếp đến là Ted Porter và cả Pierre Lascoumes và Patrick Le Galles (2004) với tựa sách là “Cai quản bằng công cụ”. Theo quan điểm này, chủ đề lượng hóa không chỉ bao gồm bản thân thống kê mà còn bao gồm cả kế toán, các chỉ báo thành tích, bảng xếp hạng (hay ranking) và tất cả các công cụ định lượng của NPM ngày nay được các nhà nghiên cứu chính trị học biết rõ. Phân tích của Ted Porter về nguyên nhân và hệ quả của sự tin tưởng vào con số có sức thuyết phục nhưng việc NPM mới đây mở rộng diện sử dụng các chỉ báo định lượng đặt ra những vấn đề mới. Điều này đưa vào một kiểu đứt đoạn trong cách sử dụng thống kê đã xưa và truyền thống của các chính phủ. Cách sử dụng này bắt đầu từ thế kỉ 18, và được phát triển rộng rãi trong thế kỉ 19 và 20.

Nói gắn ngọn, có sự gián đoạn này là do trong lúc các nhà thống kê công cộng yêu cầu tính khách quan và độc lập trong hoạt động của họ (cho dù có thể bàn cãi về mặt xã hội học tính thực tế của các nguyên tắc này), ngược lại các chỉ báo của NPM, vốn sinh ra những tác động ngược lên những tình thế và hành vi của các tác nhân, lại thuộc về những logic nhận thức, chính trị và xã hội học vô cùng khác. Trong trường hợp của kế toán, điều này đã được các nhà nghiên cứu người Anh (Hopwood và Miller, 1994; Hood, 1995) phân tích từ lâu. Song không có nghĩa rằng thống kê công cộng không ảnh hưởng đến các tác nhân nhưng (1) tập tính của các nhà thống kê chuyên nghiệp trên nguyên tắc loại trừ họ tính đến tập tính này và (2) nếu có những tác động ấy thì chúng mang tính xã hội vĩ mô hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân. Chúng tôi không gợi ý rằng các nhà thống kê công cộng là “trung lập” hay “khách quan” hơn các nhà kế toán nhưng, về mặt xã hội học, sẽ xác đáng hơn khi phân biệt những cách sử dụng khác nhau các ý niệm tính “khách quan” và tính “hiện thực” can dự vào những trường hợp khác nhau, như sử gia các khoa học Lorraine Daston (1992) từng làm trong phân tích của bà về lịch sử ý niệm “tính khách quan khoa học”.

Có thể lồng diễn tiến của vai trò các chỉ báo định lượng trong những cách thức cai quản vào một phân kì các hình thái Nhà nước từ thế kỉ 18, bằng một phân loại gợi ý bằng cách nào được xây dựng đồng thời những cách quan niệm hóa xã hội và kinh tế, những phương thức hành động công, và những hình thức lượng hóa và mô hình hóa. Sau khi gợi ý một sự phân biệt về mặt phương pháp giữa hai vị từ (động từ) lượng hóađo đạc, chúng tôi sẽ nhắc lại logic của năm hình thái Nhà nước này[1], rồi chỉ ra bằng cách nào các chỉ báo của NPM xuất hiện trong hình thái thứ năm, tức là hình thái Nhà nước tân tự do (trong những năm 1980 ở Anh và những năm 2000 ở Pháp). Điều này gieo hoang mang cho cương vị của các thống kê công cộng, và đặc biệt cho “cương vị hiện thực” của chúng. Bằng cách làm nổi lên một tác động ngược của sự lượng hóa trên ứng xử của các tác nhân, ta xa rời phương pháp luận hiện thực làm chỗ dựa cho khoa học đo lường của thống kê công cộng. Làm như vậy chúng tôi không nhằm tố cáo bất kì dạng đánh lừa, thao tác man trá, lạm dụng hay gian trá nào, cho dù điều này có thật[2], mà đúng hơn nhằm làm rõ vai trò của sự lượng hóa tùy theo những bối cảnh lập luận và chính trị.
Chúng tôi sẽ mô tả những chỉ báo mới được sử dụng trong việc theo dõi các chính sách công và việc lèo lái một số chính sách của Liên minh châu Âu, cũng như những tranh luận về tính linh hoạt và những thay đổi các chuẩn kế toán doanh nghiệp. Thật vậy, nếu ý tưởng về sự tác động ngược vắng bóng trong văn hóa và tâm tính của nhà thống kê thì ngược lại nó có mặt mọi nơi trong cách thực hành của nhà quản lí và nhà kế toán và do đó đã là đối tượng của nhiều nghiên cứu lí thuyết và ứng dụng. Cuối cùng chúng tôi sẽ tra vấn chính ngay tính xác đáng của ý tưởng tác động ngược. Phải chăng nó là kết quả của sự phân công lao động, ngẫu nhiền về mặt lịch sử, giữa các ngành nghề và bộ môn?

Quy ước, đo đạc, lượng hóa

Cách tiếp cận của chúng tôi mang tính xã hội học chứ không có tính khoa học luận. Nó kéo theo một định nghĩa không mang tính quy phạm của vị từ lượng hóa. Chẳng hạn, các chỉ báo định lượng của New Public Management thường bị phê phán. Vậy “đo đạc một thành tích có nghĩa là gì ?” Sự tác động ngược của các chỉ báo kéo theo những hiệu ứng không phù hợp với mong đợi: các tác nhân tập trung vào chỉ báo chứ không vào bản thân hành động. Thế mà việc đơn giản sử dụng vị từ đo đạc đã ngầm quy chiếu về khoa học đo lường của các khoa học tự nhiên. Bởi thế sẽ là có ích khi phân biệt hai ý tưởng, thường bị lẫn lộn, ý lượng hóa và ý đo đạc. Vị từ lượng hóa được dùng ở đây có tính trung lập và theo nghĩa rộng: biểu hiện và để tồn tại dưới dạng số điều trước đó được biểu hiện bằng con chữ chứ không phải bằng số. (Đây là một phát biểu có tính mô tả chứ không có tính quy phạm). Ngược lại, ý đo đạc, lấy cảm hứng từ các khoa học tự nhiên, kéo theo rằng một điều gì đó đã có trước dưới một dạng đo lường được theo một khoa học đo đạc hiện thực, như một đại lượng vật lí. Trong trường hợp của các khoa học xã hội hay của việc đánh giá các hành động công cộng, việc sử dụng vô độ từ đo đạc là đánh lừa khi để trong bóng tối những quy ước lượng hóa (conventions de quantification). Vị từ lượng hóa, dưới thể chủ động (làm ra con số), giả định rằng đã thiết lập và làm rõ trước một loạt những quy ước tương đương (conventions d’équivalence)[3], kéo theo những so sánh, thương thảo, thỏa hiệp, diễn giải, mã hóa, thủ tục được pháp điển hóa có tính lặp lại y nguyên, và những tính toán dẫn đến việc định hình con số. Sau đó mới tới việc đo đạc, theo nghĩa chính xác của từ này, như sự triển khai có tổ chức các qui ước ấy. Theo quan niệm này, lượng hóa được tách thành hai thời điểm: quy ước đo đạc. Thường người sử dụng (đặc biệt là nhà kinh tế) không biết đến thời điểm đầu, vốn cũng quan trọng không kém thời điểm sau.
Sử dụng vị từ lượng hóa thu hút sự chú ý đến chiều kích sáng tạo, về mặt xã hội và nhận thức, của hoạt động này. Hoạt động ấy không chỉ cung cấp một phản ảnh của thế giới (quan điểm thông thường) mà còn biến đổi thế giới, bằng cách cấu hình nó theo cách khác. Sự phân biệt giữa lượng hóađo đạc không có tính “tương đối” theo nghĩa xấu đôi lúc được gán cho từ này. Nó tách bạch về mặt phân tích hai thời điểm khác nhau về mặt lịch sử và xã hội, giống như ví dụ trường hợp của “thông minh” khi chỉ số IQ được sáng tạo, của “dư luận” khi xuất hiện những cuộc điều tra chọn mẫu kiểu “Gallup”, hay của những cuộc tranh luận gần đây hơn về việc lượng hóa những hệ quả của hành động công. Việc sáng tạo, vào thế kỉ 17, ý niệm xác suất để lượng hóa tính không chắc chắn bằng một con số nằm giữa 0 và 1 là một tiền lệ nổi tiếng.
Có nỗi hoài nghi về tính tương đối là do một số người nghi ngờ sự tồn tại trong thực tế của đối tượng, trước khi nó được đo đạc, vì đối với họ chính độ đo tạo nên đối tượng. Thông minh là “điều chỉ số IQ đo được”. Dư luận là “điều các cuộc điều tra đo được”. Lượng hóa, nhìn như toàn bộ những quy ước được xã hội chấp nhận và những thao tác đo đạc, tạo nên một cách tư duy mới để biểu trưng, thể hiện thế giới và tác động vào thế giới. Vấn đề lặp đi lặp lại là “liệu thống kê có phản ảnh ít nhiều chính xác hiện thực không” là một câu hỏi vắn tắt đánh lừa, bị nhiễm phải tính thực tế của khoa học đo đạc trong các khoa học tự nhiên. Thống kê, và chung hơn, tất cả những hình thức lượng hóa (xác suất, kế toán) biến đổi thế giới bằng chính sự tồn tại, phổ biến và sử dụng mang tính luận chứng, khoa học, chính trị hay báo chí của nó. Một khi các thủ tục lượng hóa được điển hóa và thành lề thói, sản phẩm của các thủ tục này bị bái vật hóa. Chúng có xu hướng trở thành “hiện thực”, một cách có vẻ không đảo ngược được. Những quy ước ban đầu bị lãng quên, đối tượng lượng hóa được tự nhiên hóa và việc sử dụng vị từ “đo đạc” tự động đến trong suy nghĩ và dưới ngòi bút.
Điều này đúng cho đến khi những “hộp đen” này được mở ra lại, trong những cuộc tranh luận, ví dụ những cuộc tranh luận về “thước đo” thất nghiệp, về “phân chia khối lượng-giá” các tỉ suất tăng trưởng của nền kinh tế, khi “thước đo” sự gia tăng giá cả bị phê phán do gia tăng của “chất lượng” sản phẩm (trường hợp của máy tính). Trong trường hợp này, thước đo tỉ suất tăng trưởng bằng khối lượng (theo giá cố định) của GDP, tỉ số giữa tăng trưởng bằng giá trị (theo giá hiện hành) và tỉ suất lạm phát, trực tiếp là đối tượng của các phê phán trên. Năm 1996, một báo cáo của Michael Boskin cho Thượng viện Hoa Kì phát triển phê phán trên đối với chỉ số giá tiêu dùng và tỉ suất tăng trưởng của nền kinh tế. Báo cào này tạo nên một xì-căng-đan vì cả hai chỉ báo trên tự động chỉ số hóa nhiều quyết định kinh tế: tiền hưu, lương, dự báo ngân sách (Boskin et alii, 1996).
Lượng hóa cung cấp một ngôn ngữ đặc thù, cho phép những chuyển đổi, so sánh, thao tác chuẩn hóa bằng tính toán và những cách kiến giải thông tục hóa (Desrosières, 2008, a và b). Nó cung cấp cho các tác nhân xã hội hay cho nhà nghiên cứu những “đối tượng đứng vững” theo ba nghĩa của tính vững chắc (đề kháng với phê phán), khả năng kết hợp giữa các đối tượng này với nhau, và cuối cùng là khả năng liên kết con người với nhau bằng cách khuyến khích hay ràng buộc họ sử dụng ngôn ngữ có tham vọng phổ cập này thay vì một ngôn ngữ khác. Cách nhìn ấy khác với quan điểm được các khoa học xã hội định lượng, và chung hơn là các cách sử dụng những công cụ thống kê và kế toán đảm nhận. Bản thân những quy ước lượng hóa là sản phẩm của lịch sử Nhà nước và những cách cai quản. Lịch sử này có thể được cách điệu hóa, tất nhiên theo một cách quy giản, nhưng cho phép nêu sự tương phản của cách cai quản tân tự do với những cách cai quản trước đó, do cách cai quản mới này kéo theo việc sử dụng đại trà những chỉ báo thành tích và hệ thống benchmarking.

Sự tác động ngược của các chỉ báo khác nhau tùy theo hình thái Nhà nước

Năm hình thái cai quản không tương ứng với một sự tiếp nối nhau trong thời gian nhưng đúng hơn ứng với một sự phân tầng lần lượt, mỗi tầng bảo tồn, bao gồm nhưng cũng biến đổi những tầng trước đó. Trong các hình thái này, hiện tượng tác động ngược đều có mặt nhưng không giữ một vai trò như trong trường hợp của chủ nghĩa tân tự do.
Sự can thiệp của Nhà nước kĩ sư bao gồm những bối cảnh đa dạng, từ chủ nghĩa trọng thương đến học thuyết Colbert (thế kỉ 17) cho đến những “dự án lớn” của nước Pháp dưới thời De Gaulle và những nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa. Có thể so sánh thống kê của hình thái Nhà nước này với thống kê của một doanh nghiệp lớn kế hoạch hóa các phân xưởng hay với thống kê của một quân đội quản lí hậu cần của mình. Các cuộc tổng điều tra dân số, các luồng sản phẩm tính bằng số lượng vật chất, các bảng đầu vào-đầu ra (hay ma trận Leontief) và hệ thống tài khoản quốc gia là những thống kê thiết yếu[4]. Đặc biệt, Nhà nước kĩ sư dược triển khai trong những thời kì chiến tranh vốn đòi hỏi một sự tập trung hóa tổ chức các lực lượng sản xuất (Dahan và Pestre, 2004). Trong một thời gian dài, các kĩ sư Pháp xuất thân từ trường Bách Khoa (một đại học quân sự) là những đại diện tiêu biểu cho cái văn hóa kĩ thuật và chính trị này, khác hẳn với văn hóa thị trường của thế giới Anh-Mĩ[5].
Trong trường hợp của kế hoạch hóa xô viết, có hai hình thức lượng hóa cực kì khác nhau đã nối tiếp nhau (Blum và Mespoulet, 2003). Trong những năm 1920, các cuộc điều tra chọn mẫu ngẫu nhiên về lối sống các hộ gia đình đã tiếp nối truyền thống thống kê toán học vô cùng sống động trước Cách mạng. Các cuộc điều tra này nhằm lượng hóa nhu cầu của dân chúng. Rồi sau 1930, hệ thống tài khoản gắn với Kế hoạch độc đoán stalinian đã thế chỗ cho nền thống kê tinh vi này. Nhiều nhà thống kê bị xử bắn. Như thế phong trào Stakhanov[6] là một tiền thân thô bạo của những chỉ báo thành tích của NPM. Ở phương Tây, sau những năm 1960, thống kê Xô viết nổi tiếng có chất lượng tồi, nếu không nói là hoàn toàn sai, vì gắn liền với những dự báo và hoàn thành Kế hoạch, và do đó chịu đủ kiểu thao tác man trá. Thế mà phê phán này lại rất giống với những phê phán đối với các chỉ báo của NPM được các nhà nghiên cứu người Anh (Hood, 2002) đánh giá là “gaming and cheating” (trò chơi và gian lận).
Điểm chung của hai tình thế trên, tất nhiên rất khác nhau này, là những tác động ngược không phù hợp với mong đợi của các chỉ báo trên các tác nhân được lượng hóa.
Ở cực đối lập, Nhà nước tự do cổ điển (ra đời vào cuối thế kỉ 18) giảm tới mức tối thiểu sự can thiệp của Nhà nước. Nhà nước này chủ trương giải phóng các lực của thị trường. Giấc mơ về một xã hội “tự do triệt để” (libéral-libertaire) không có Nhà nước, chỉ dựa duy nhất trên các cơ chế thị trường, với giá cả hợp nhất tất cả thông tin cần thiết là đối xứng với giấc mơ trước đó của một Nhà nước kĩ sư thuần túy. Thống kê, nếu có, nhằm đưa các thị trường thực tế đến gần với những thị trường trong lí thuyết (thông tin đầy đủ và giống nhau cho mọi tác nhân), đặc biệt là về mặt giá cả. Tuy nhiên các cuộc điều tra nông nghiệp ở Hoa Kì từ hơn một thế kỉ qua cho thấy rằng xã hội thị trường không có Nhà nước này là một không tưởng. Thật vậy các cuộc điều tra này nhằm đảm bảo cung cấp cho các chủ trang trại thông tin bình đẳng về các dự báo thu hoạch mùa màng và để tránh sự đầu cơ của những tay thu mua lớn. Chúng đòi hỏi một bộ máy hành chính phức tạp và một Nhà nước liên bang được tổ chức tốt (Didier, 2009). Trong trường hợp này, sự tác động ngược có tính tổng thể: nó nhằm vào việc xây dựng một thị trường đảm bảo sự công bằng trong các quan hệ giữa người cung người cầu.
Nhà nước phúc lợi tìm cách bảo vệ người làm công ăn lương khỏi những hệ quả của việc mở rộng logic thị trường sang chính bản thân lao động (Polanyi, 1944). Nhà nước này tổ chức những hệ thống an sinh chống thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh tật và vì gia đình. Nó hình thành sau cuộc khủng hoảng lớn về xã hội và kinh tế cuối thế kỉ 19. Những dụng cụ thống kê của nó tập trung vào lao động ăn lương: đặc biệt là các cuộc điều tra chọn mẫu về việc làm, nhu cầu, thu nhập và ngân sách các gia đình lao động cũng như các chỉ số giá tiêu dùng của những người lao động này. Đó là chủ đề của những thống kê chính thức thời bấy giờ. Trong bối cảnh đó các cuộc điều tra chọn mẫu về điều kiện sống của các gia đình công nhân được tiến hành. Để làm việc này, các nhà thống kê Anders Kaier, người Na Uy, vào năm 1895 (Lie, 2000) và Corrado Gini, người Italia vào năm 1921 (Prevost, 2010) sử dụng phương pháp “lựa chọn thích đáng” (purposive selection). Năm 1905, nhà thống kê người Anh Arthur Bowley công thức hóa phương pháp “lựa chọn ngẫu nhiên” (random selection) và định nghĩa “khoảng tin cậy” xác suất. Ở đây, một lần nữa, sự tác động ngược có tính tổng thể do liên quan đến toàn bộ giai cấp công nhân, ví dụ trong trường hợp của chỉ số giá tiêu dùng được sử dụng để chỉ số hóa lương trong khuôn khổ của những thương thảo giữa các nghiệp đoàn và giới chủ. Nhưng chỉ số này chỉ bao phủ tiêu dùng của người lao động ăn lương (Desrosiẻres, 2003).
Về phần mình, Nhà nước keynesian nhận trách nhiệm điều khiển vĩ mô một xã hội mà tính chất thị trường không bị phủ nhận. Nhà nước này xuất hiện trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng lớn của những năm 1930, và thống trị từ 1945 đến 1975. Hệ thống tài khoản quốc gia là công cụ chính của nó (Fourquet, 1980; Vanoli, 2002). Các hệ thống thống kê công cộng được tổ chức lại để phục vụ những nhu cầu của hệ thống tài khoản quốc gia. Từ nay, tiêu dùng và chỉ số giá cả lượng hóa lạm phát liên quan đến toàn thể dân chúng chứ không chỉ người lao động ăn lương. Các mô hình kinh trắc vĩ mô định hướng các chính sách nhằm vào các đại lượng tổng gộp, bằng cách đối chiếu tổng cung và tổng cầu (Armatte, 1995; Armatte và Dahan 2004). Sự tác động ngược mang tính tổng thể liên quan đến các chính sách kinh tế vĩ mô này chứ không tác động đến các tác nhân ở cấp độ kinh tế vi mô. Trong cả hai trường hợp của Nhà nước phúc lợi và Nhà nước keynesian, sự tác động ngược thường là kết quả của những chỉ số hóa, đặc biệt là chỉ số hóa trên chỉ số giá hay trên GDP (ví dụ của những quy định châu Âu).
Cuối cùng Nhà nước tân tự do dựa trên những cơ năng kinh tế vi mô thị trường, có thể được định hướng bằng những hệ thống động viên và chấp nhận các giả thiết chính của lí thuyết dự kiến duy lí[7]. Nhà nước này phát triển tiếp theo sau cuộc khủng hoảng lớn những năm 1970. Đặc biệt sự tác động ngược là dưới dạng benchmarking, nghĩa là việc đánh giá, xếp hạng và tưởng thưởng thành tích (Bruno, 2008). Các mô hình kinh trắc vi mô cho phép tách biệt và cô lập các “hiệu ứng riêng” của những biến hay công cụ của hành động công trên các biến hay công cụ này, nhằm cải thiện các “biến mục tiêu” của các chính sách được tư duy bằng các khái niệm động viên (đặc biệt trong lĩnh vực thuế) và hành vi cá thể. Sự tranh đua giữa các công cụ hành động công cho phép làm nổi lên những cách “thực hành tốt”.
Việc đánh giá những thủ tục động viên là kết quả của những nghiên cứu trên những dữ liệu cá thể, hay trên những tựa thử nghiệm (hay mô phỏng vi mô) nhằm mô hình hóa hành vi của các tác nhân, kể cả hành vi của quyền lực công cộng. Đây là một điểm khác biệt quan trọng giữa Nhà nước tân tự do và các Nhà nước trước kia. Nó là kết quả của lí thuyết dự kiến duy lí, theo đó các chính sách công thất bại một khi các tác nhân hợp nhất trong các thông tin định hướng cho hành vi của mình những hiệu ứng được dự kiến của các quyết định công cộng. Theo cách nhìn này, không có bất kì tác nhân nào, đặc biệt là Nhà nước, nằm ngoài cuộc chơi. Nhà nước được phân nhỏ thành nhiều trung tâm hoạch định ít nhiều độc lập, hay “cơ quan” được quản lí như các doanh nghiệp. Các cơ quan này là những tác nhân trong số những tác nhân khác, chịu cùng những mô hình hóa giống như bất kì tác nhân kinh tế vi mô nào khác.

Công nhận hiệu lực, so sánh, đánh giá, phân loại: chính sách những chỉ báo thống kê

Khác với những hoạt động thị trường, các chính sách công không có những tiêu chí kế toán như “thị phần” hay khả năng sinh lời để đánh giá năng lực thỏa mãn nhu cầu người sử dụng hay hiệu quả của các chính sách ấy. Ý niệm truyền thống về dịch vụ công giả định một sự cam kết mạnh mẽ của các thành viên, được kiểm soát bởi logic phục tùng theo thứ bậc, mà ví dụ trong một thời gian dài là Nhà nước Pháp. Nhưng kể từ 1980, ý thức công chức về dịch vụ công được đánh giá là không đủ để kiểm soát một cách hiệu quả các hoạt động được tài trợ bằng nguồn lực công cộng. Nhiều chỉ báo được tìm kiếm để giữ một vai trò so sánh được với kế toán phân tích, các tài khoản khai thác và các bảng tổng kết tài sản trong các doanh nghiệp thị trường. Hệ thống tài khoản quốc gia không giữ vai trò này vì nó nằm ở cấp độ kinh tế vĩ mô, trong một cách nhìn về chính sách keynesian hay kế hoạch hóa định hướng mà không đi vào chi tiết của các hành động công. Theo cách nhìn mới này, các chỉ báo không chỉ có duy nhất tính tiền tệ vì điều xảy ra là thường không thể thể hiện hiệu ứng của các hành động này (trường học, y tế, an ninh, ngoại giao, quốc phòng) trong không gian tương đương quen thuộc do tiền tệ cung cấp. Những nỗ lực trong chiều hướng này, của Nhà nước Pháp cũng như của Liên minh châu Âu, là những thử nghiệm to lớn và dò dẫm để kiến tạo và thương thảo những không gian tương đương mới, bằng cách quy ước những thủ tục lượng hóa các mục tiêu và phương tiện của hành động, trong những đơn vị khác nhau, có thể với sự tham gia của tiền tệ nhưng tiền tệ không phải là yếu tố duy nhất. Hai ví dụ được đề cập ở đây là Luật tổ chức liên quan đến các luật ngân sách (LOLF), được quốc hội Pháp gần như nhất trí thông qua năm 2001 và Phương pháp phối hợp mở của Liên minh châu Âu (MOC)[8]. Tuy bối cảnh lịch sử và chính trị của hai công cụ (một của Pháp, một của châu Âu) chính sách công là khác nhau song điểm chung của chúng là giao một vai trò trung tâm cho các chỉ báo thống kê, nghĩa là những công cụ ít được đề cập trong các cuộc tranh luận của công chúng, trong khi chúng hợp thành không gian và ngôn ngữ giới hạn và cấu trúc nên các cuộc tranh luận này.
LOLF tổ chức lại cách trình bày ngân sách Nhà nước, theo những mục tiêu phải đạt đến chứ không chỉ theo các phương tiện được giao. Các mục tiêu này phải được làm rõ và lượng hóa, để cho Quốc hội không chỉ cam lòng bỏ phiếu các chi tiêu mà còn có thể giám sát việc thực hiện các mục tiêu và thành tích của các cơ quan công quyền. Ý tưởng lượng hóa mục tiêu và phương tiện là đương nhiên nếu Quốc hội muốn thực thi vai trò hiến định bỏ phiếu và theo dõi việc thi hành ngân sách. Tuy nhiên điều này đòi hỏi một công việc quan trọng là khách thể hóa và đặt trong những trường tương đương các hoạt động không thuần nhất. Các hoạt động này phải được nói đến, bàn luận, định danh, so sánh, xếp hạng, đánh giá. Không bao giờ việc chọn một chỉ báo là điều hiển nhiên. Trật tự xã hội và thể chế cũ, thường là ngầm ẩn, đột nhiên được mô tả, khách thể hóa. Trên nguyên tắc, điều này chỉ có thể tiến hành với sự can dự của các bên liên quan. Nhưng thường là chính ngay ý niệm chỉ báo định lượng tạo nên sự dè dặt. Các thủ tục này dẫn đến việc “so sánh những điều không so sánh được”. Đôi lúc chúng có vẻ vô lí, nhất là đối với các tác nhân trực tiếp can dự vào công việc. Việc tạo ra những phạm trù, trên nguyên tắc nhằm làm đơn giản thế giới và để thế giới trở thành dễ giải mã hơn đồng thời lại thay đổi và biến nó thành một thế giới khác. Các tác nhân, khi thay đổi hệ quy chiếu của mình, không còn là những tác nhân như trước nữa, do từ nay hành động của họ được các chỉ báo và phân loại này định hướng, chúng trở thành những tiêu chí hành động và tiêu chí đánh giá hành động ấy.
LOLF được giả định là cho phép biết rõ hơn và đánh giá hành động của các cơ quan công quyền trong viễn cảnh cân bằng lại quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nhưng hệ quả của điều này là việc sáng tạo và triển khai một số lớn chỉ báo được lượng hóa đã không được các nhà bình luận, ít ra là từ năm 2000 đến 2004, chú ý nhiều. Đây dường như là một vấn đề kĩ thuật, để cho các chuyên gia kĩ thuật giải quyết. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận, ngày càng chính xác hơn kể từ 2005, cho thấy rằng thời khắc của sự lượng hóa (trong nghĩa hành động lượng hóa) có tính quyết định cho phần tiếp theo của diễn biến các sự kiện. Những hiệu ứng của sự tác động ngược, nếu được nhận ra, được nhìn như những “hiệu ứng không phù hợp với mong đợi” và không được nghiên cứu với tầm khái quát. Các hiệu ứng này xuất hiện trong từng trường hợp một. Chúng là đối tượng của những tố cáo hay cười đùa. Một ví dụ: cảnh sát và hiến binh[9], chịu trách nhiệm về an toàn giao thông, đều chọn một chỉ báo về tỉ phần phát hiện dùng nước có cồn khi cầm lái trong số các kiểm định đối với người lái xe. Nhưng cơ quan đầu muốn đánh giá hành động của mình bằng một gia tăng của tỉ phần này trong lúc cơ quan sau ngược lại nhắm vào việc hạ thấp tỉ phần ấy. Mỗi một lựa chọn đều có logic riêng của nó. Trường hợp này cho thấy những gì một xã hội học chính trị về sự lượng hóa có thể xử lí để nghiên cứu những hệ quả của “chính sách những chỉ báo” mà LOLF hay MOC, ở cấp độ châu Âu, đòi hỏi.
Những hiệu ứng như thế từng được quan sát trong những bối cảnh khác. Kế hoạch hóa tập trung của các nước xã hội chủ nghĩa đã thất bại do không thể ấn định những chỉ báo đáng tin cho việc hoàn thành kế hoạch vì những hiệu ứng không phù hợp với mong đợi do các chỉ báo này gây nên bằng cách tác động ngược lên hành vi của các tác nhân. Trong bối cảnh Mĩ, việc thiết lập một danh mục các ngành nghề trong bệnh viện và việc hình thức hóa những hoạt động trước đó là ẩn ngầm đã biến đổi các hoạt động ấy (Bowker và Star, 1999). Những chỉ báo và danh mục vừa là những ràng buộc vừa là những nguồn lực, mà bằng chính sự tồn tại của chúng, làm thay đổi thế giới.
Phương pháp phối hợp mở (MOC) được Liên minh châu Âu sử dụng để điều hòa những chính sách xã hội (việc làm, giáo dục, hỗ trợ) không thuộc các lĩnh vực kinh tế và tài chính vốn thuộc thẩm quyền của Liên minh. Một ví dụ là Chính sách châu Âu về việc làm (SEE) được đề xuất năm 1997. Nguyên lí là, thông qua cơ chế liên chính phủ, các Nhà nước tự ấn định những mục tiêu chung, thể hiện bằng những chỉ báo được lượng hóa, và sau đấy các Nhà nước được đánh giá và xếp hạng theo các chỉ báo ấy như trong một bảng thành tích. Trên nguyên tắc kết quả của thao tác benchmarking này có tính định hướng, nhưng chỉ việc công bố chúng đã là một sự khuyến khích để hướng các chính sách quốc gia theo chiều được vạch ra trong các cuộc gặp thượng đỉnh (Dehousse, 2004; Salais, 2004). Chẳng hạn, mục tiêu tỉ suất việc làm là 70 % đã được ấn định. LOLF và MOC trao một vai trò then chốt cho các chỉ báo kinh tế, công cụ đầu dành cho việc theo dõi ngân sách Nhà nước và công cụ sau cho việc lèo lái gián tiếp các chính sách xã hội của châu Âu.
Cách mà các Nhà nước trong Liên minh quy ước với nhau về những phương pháp lượng hóa là thiết yếu mặc dù chúng không được biết rõ. Về mặt kĩ thuật, công việc này được chia thành hai phần. Các giới thẩm quyền chính trị quyết định việc lựa chọn các chỉ báo và định nghĩa cô đọng chúng bằng lời văn. Tiếp đến họ đặt hàng cho những nhà thống kê thuộc Eurostat (cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu) và các tổng cục thống kê quốc gia để lượng hóa các chỉ báo trên. Do đó bản thân công đoạn “quy ước” cũng được chia sẻ vì các nhà trách nhiệm chính trị để cho các nhà thống kê giải quyết các “chi tiết”, ví dụ như việc định nghĩa chính xác các ý niệm tỉ suất việc làm (Salais, 1994), thu nhập sử dụng của hộ gia đình (Nivière, 2005), không nhà ở (Brousse, 2005). Các nghiên cứu này cho thấy là các nhà thống kê, khi tính đến những khác biệt thể chế giữa các quốc gia, không thể tránh những chỉ định mù mờ, đôi lúc quan trọng, về những qui trình đo đạc và không thể phối hợp chúng một cách hoàn toàn hài hòa. Phương pháp được gọi là mở vì không có tính bắt buộc và để các Nhà nước tự do thích nghi nó với những đặc điểm thể chế, đặc biệt trong việc lựa chọn nguồn gốc của thống kê là những cuộc điều tra trực tiếp hay là những sổ sách hành chính (Desrosières, 2005).
Các chỉ báo này có tính mờ, không được định nghĩa đầy đủ. Điều này cho phép chúng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mà trước đó không biết đến nhau và, từ nay có thể so sánh với nhau, như một ngôn ngữ chung. Tiếng nói tự nhiên có những đặc tính tương tự: chính vì những người phát biểu không mất thì giờ làm rõ ý nghĩa và nội dung của các từ được phát ngôn nên mới có thể giao tiếp với nhau. Những đối tượng của thống kê công cộng, như tỉ suất thất nghiệp, chỉ số giá cả, GDP cũng ở trong trường hợp này. Làm rõ cách thiết kế và nội dung của chúng có nguy cơ làm yếu đi hiệu quả của tính luận chứng của chúng, không chỉ vì điều này sẽ bộc lộ những quy ước hay xấp xỉ không được người sử dụng ngờ đến mà còn vì đơn giản để tiết kiệm thời gian trao đổi, tranh luận, chứng minh qua đó các luận chứng này được viện đến. Thường điều này là ngầm ẩn, trừ trường hợp có tranh luận. Tuy nhiên, một cách chính đáng, ý tưởng về tính mù mờ này có thể gây khó chịu cho những nhà thống kê chuyên nghiệp quan tâm đến việc định nghĩa và chuẩn hóa đối tượng được mình xử lí. Một mặt, họ mong muốn, như những nhà kĩ sử giỏi, chỉ định các quy trình và thủ tục được họ sử dụng. Mặt khác, những cuộc thương thảo khuyến khích họ dung thứ những thỏa hiệp mà nếu không có chúng thì không thể cung cấp những chỉ báo được yêu cầu. Cân bằng mà trong thực tế họ tìm cách duy trì giữa hai đòi hỏi này ít khi được làm rõ và hình thức hóa[10].

Vì một xã hội học của sự tác động ngược: trường hợp của kế toán

Khi một độ đo trở thành mục tiêu thì nó không còn là một độ đo tốt nữa.
(“Qui luật Goodhart, dẫn theo Bird, 2004)
Nếu các nhà thống kê ít quen thuộc với vấn đề tác động ngược thì trái lại vấn đề này rất hiện diện trong suy nghĩ của các nhà kế toán, và ngày nay, nói rộng hơn, trong các cuộc tranh luận về việc sử dụng các chỉ báo lượng hóa trong quản lí. Dưới đây chúng tôi nêu vài ví dụ, xuất phát từ những truyền thống lí thuyết vô cùng khác nhau, từ kinh tế học vi mô tân cổ điển cho đến xã hội học và chính trị học lấy cảm hứng từ Michel Foucault. “Qui luật Goodhart” là một biểu trưng của vấn đề phản ứng ngược. Charles Goodhart từng là một cố vấn của Ngân hàng (trung ương – ND) Anh. “Qui luật” của ông được phát biểu năm 1995 và trở nên nổi tiếng khi chính phủ của thủ tướng Margaret Thatcher tiến hành điều khiển chính sách tiền tệ trên cơ sở những “mục tiêu” về cung tiền. “Quy luật” này đã ngầm ẩn trong ý tưởng dự kiến duy lí và trong phê phán của Lucas[11] chống các chính sách keynesian (Chrystal và Mizen, 2001). Đầu tiên quy luật được phát biểu dưới dạng: “Mọi quy luật thống kê quan trắc được trở thành sai khi có một áp lực nhằm vào nó vì mục đích kiểm tra”. Sau đó quy luật được mở rộng ra cho mọi chỉ báo được dùng làm mục tiêu. Công thức dẫn ở trên được nêu năm 2004 trong một xã luận của Journal of the Royal Statistic Society với tựa là “Performance monitoring in the public services”. Ý tưởng “biện pháp động viên có hiệu ứng không phù hợp với mong đợi”, một ý cổ điển trong tư liệu về quản lí, bắt nguồn từ đây. Câu hỏi hiện sinh là “Một thước đo những công việc của con người có thể nào hoàn toàn độc lập với việc sử dụng thước đo ấy không?”. Tâm thế trung tính có tính khoa học đo đạc của nhà thống kê không mấy thoải mái với câu hỏi này. Chính vì thế mà Nhà nước tân tự do, dựa trên những chỉ tiêu thành tích, có nhiều khó khăn với thống kê của mình, tương tự như những khó khăn thống kê xô viết từng gặp phải.
Kế toán doanh nghiệp là một lĩnh vực trong đó một xã hội học về tác động ngược có thể được triển khai, khi tính đến tính đa dạng của những cách sử dụng và tính dễ uốn nắn của những chuẩn mực của kế toán này, nhất là trong thế giới Anh-Mĩ, nơi mà người ta nói một cách mỉa mai đến creative accounting (kế toán sáng tạo) và window dressing (sơn phết cửa hiệu) hay cooking the book (xào nấu sổ sách). Ví dụ, có thể sử dụng ba quy ước để “định giá” tài sản trong bảng tổng kết tài sản: 1) theo chi phí nguyên thủy (hay giá trị lịch sử) được nhà quản lí dùng khi tìm cách phân bổ tiền khấu hao hằng năm; 2) giá trị bán lại được chủ nợ doanh nghiệp quan tâm để biết giá trị còn lại của tài sản mình là bao nhiêu; cuối cùng nhà đầu tư quan tâm đến tổng những thu nhập tương lai được hiện tại hóa nhằm phân bổ các nguồn lực tài chính sẵn có[12]. Liên minh châu Âu, các chuẩn mới của kế toán quốc tế IFRS (International Financial Reporting Standards) chọn quy ước thứ ba (gọi là Fair value)[13] thay vì quy ước thứ nhất (Chapiello và Medjad, 2007). Cũng có một sự đa dạng như thế cho những cách tính khác nhau lợi nhuận của một doanh nghiệp, tùy theo mục đích của phép tính này. Việc các nhà kế toán sử dụng dạng động của vị từ “định giá” (valoriser) mang ý nghĩa ngầm của một phương pháp có tính kiến tạo hơn là của một phương pháp có tính hiện thực. Khi nhà kinh tế tranh luận về những “cơ sở của giá trị” thì nhà kế toán “định giá”, nghĩa là chế tạo một giá trị thể theo những quy ước. Ngay chính trong những quy tắc và qui ước pháp lí thiết lập các tài khoản, các doanh nghiệp có những biên độ tự do cho phép làm hiện lên một số tiền lời ít nhiều to lớn, tùy theo thông điệp mà họ muốn gởi đến cho các cổ đông, các đối tác khả dĩ mua lại doanh nghiệp, Nhà nước hay các tác nhân khác trong nền kinh tế[14].

Tính linh hoạt của những chuẩn kế toán nằm ở cội nguồn của “Positive accounting theory” (PAT), một lí thuyết rất lạ nhưng có ảnh hưởng (Watt và Zimmerman, 1978)[15]. Nhánh nghiên cứu hàn lâm này về kế toán tìm cách giải thíchdự báo những cách thực hành kế toán trong thực tế. Nó đối lập với kế toán chuẩn tắc. Kế toán chuẩn tắc nhằm xác định và khuyến cáo những chuẩn tối ưu về mặt lí thuyết như là sự “phản ảnh hiện thực”, bằng cách trả lời những câu hỏi như: “thế nào là thu nhập?”, “tài sản là gì?” từ những lập luận suy diễn mà không quy chiếu về những gì các nhà kế toán làm trong thực tế. Trái lại, các nhà “thực chứng”, đặc biệt lấy cảm hứng từ lí thuyết “người ủy quyền-người đại diện”, khẳng định phải phân tích những lựa chọn và cách thực hành thật sự của các nhà kế toán trước khi nói cho họ biết phải làm gì. Các tác giả này không quan tâm đến những khái niệm đo đạc của các nhà kế toán nhưng lại quan tâm đến hành vi chiến lược bộc lộ qua các hành xử của họ. Để làm điều này họ huy động những tương quan thống kê và những công cụ kinh trắc để mô hình hóa những cách thực hành kế toán đi kèm với những mục tiêu chiến lược. Như vậy mục đích đo đạc của sự lượng hóa kế toán dường như biến mất, nhường chỗ cho phân tích tinh vi về hiệu ứng tác động ngược. Và đây là nghịch lí: một phương pháp “thực chứng” được đem phục vụ cho một quan niệm hoàn toàn tương đối về sự lượng hóa nền kinh tế, rất xa với ý tưởng về “giá trị cơ bản”[16]. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã cung cấp nhiều ví dụ về hậu quả của kiểu lí thuyết này, đặc biệt với việc sử dụng của từ nay quá nổi tiếng là Fair value.
Một xã hội học hoàn toàn khác về sự phản ứng ngược được triển khai trong những công trình của các nhà nghiên cứu Anh thuộc nhiều bộ môn khác nhau, tập hợp chung quanh Anthony Hopwood trong tạp chí Accounting, Organizations and Society (AOS) hay của Christopher Hood ở Oxford. Nước Anh trải qua đợt sóng của chủ nghĩa tân tự do trước nước Pháp khá lâu, ngay từ những năm 1980, sau khi Margaret Thatcher thắng cử (Le Galès, 2004). Điều này giải thích việc vấn đề tác động ngược, và chung hơn vấn đề những nét đặc thù của tính cai quản tân tự do, được đặt ra từ thời điểm ấy, đặc biệt bởi các nhà nghiên cứu này (Miller và O’Leary, 1987; Miller, 1992; Hopwood và Miller, 1994; Hood, 1995 và 2002; Power 1999 và 2004). Về vấn đề phản ứng ngược, tạp chí AOS đặt những vấn đề tương tự như PAT, nhưng lại xử lí khác một cách triệt để với cách xử lí của PAT. Tạp chí này đặt kế toán trong bối cảnh lịch sử, xã hội và chính trị trong lúc PAT chỉ vận dụng những công cụ của kinh tế học vi mô, lí thuyết người ủy quyền-người đại diện và kinh trắc học. AOS huy động rộng rãi nhiều bộ môn khoa học xã hội[17]. Ngay từ 1969, các nhà nghiên cứu này đã tham chiếu những bài viết của Michel Foucault về sự cai quản để phân tích cách quản lí tân tự do (Burchel, Gordon và Miller, 1991), lâu trước khi những bài giảng của ông được xuất bản bằng tiếng Pháp (2004) về chủ đề này và cách đọc văn bản ấy trở thành phổ biến trong các nhà nghiên cứu về quản lí (Eric Pezet, 2007) và xã hội (Dardot và Laval, 2009). Đó là do New Public Management được phổ biến ở Anh từ đầu những năm 1980[18].
Các nhà nghiên cứu Anh giữ lại của Foucault các ý hành động từ xa (action à distance), hướng dẫn cách hành xử (conduite des conduites) và doanh nhân của chính mình (entrepreneur de soi-même) Ở đây chủ đề accountability (giải trình) giữ vị trí trung tâm. Từ này, khó dịch sang tiếng Pháp, phản ảnh trách nhiệm lẫn nghĩa vụ phải báo cáo và đánh giá những kết quả và thành tích. Eric Pezet (2007) diễn giải rõ sự kết hợp có tính đạo đức lẫn kĩ thuật này: “Việc đưa các cá thể vào kế toán không chỉ khiến họ có tinh thần trách nhiệm mà họ còn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo những thước đo do phòng quản trị nhân lực và các nhà quản lí cung cấp”. Thay thế cho việc quản lí bằng mệnh lệnh trực tiếp là một cách quản lí gián tiếp, đặt cơ sở trên việc hướng dẫn cách hành xử của người khác, và bởi việc chủ thể nội hiện hóa các ràng buộc, qua đó trở thành “doanh nhân của bản thân”[19]. Từ đó sự phản ứng ngược của các chỉ báo định lượng nhằm vào cá thể mọi lúc trong cuộc sống. Ta biết là cách quản lí này có thể có những hệ quả nghiêm trọng đến cân bằng tâm trí của các cá thể, đôi lúc dẫn họ đến tự tử.
Trong một văn bản năm 1992, Peter Miller đưa vào hai ý niệm nối kết tốt với ý tưởng của chúng tôi về sự tác động ngược: các calculating selves (cái tôi tính toán) và calculable spaces (không gian khả tính). Như vậy việc lượng hóa và sự tính toán qua lại ngược xuôi giữa cá thể, một cá thể tự đánh giá và tự tính toán một mình (self) và môi trường (space), một môi trường áp đặt cho cá thể những cách tính toán thông qua việc siết vòng kim cô được trang điểm bằng sự tự do. Miller chỉ ra năm nét đặc thù của cách sử dụng những chỉ báo thành tích được lượng hóa.

1. Những “cái tôi tính toán” và “không gian khả tính” cho phép tác động đến hành động của người khác. Nhưng các chỉ báo được nối kết lỏng lẻo với nhau (loosely linked to each other). [Đó là nét đặc trưng cho cách huy động thống kê trong NPM, dưới dạng “hàng loạt chỉ báo” được tích lũy và thiếu chặt chẽ, khác với những đại lượng tổng gộp trong hệ thống tài khoản quốc gia, được nối kết chặt chẽ với nhau bằng những ràng buộc cân đối kế toán và những mô hình kinh tế].
2. Thẩm định tính toán thay thế cho uy quyền của giới chuyên môn. Chính trị và đạo đức trở thành sự kiện mang tính khả tính. Tranh luận xã hội với ý kiến trái ngược nhau bị làm suy yếu, nhường chỗ cho thao tác kĩ năng được xem như là khách quan và trung tính.
3. Cách làm không đáng tin, nhưng không phải là điều gì nghiêm trọng. Các chỉ báo định lượng bị phê phán, nhưng không làm cho toàn bộ hệ thống, vốn luôn sẵn sàng biến đổi, bị mất tín nhiệm. Chúng được giả định là “thường xuyên được cải thiện trên cơ sở kinh nghiệm” [Ví dụ: các bảng xếp hạng những trường đại học, kể từ bảng xếp hạng Thượng Hải].
4. Có sự kháng cự từ phía các giới chuyên môn bị sự thẩm định tính toán, đến từ bên ngoài và độc lập với lĩnh vực mà thẩm định này được triển khai, tước đoạt tính đặc thù và lãnh địa của giới mình [Ví dụ: các phong trào phản đối mùa đông năm 2009 ở Pháp, trong các đại học, trường trung học, bệnh viện, hay của giới tâm bệnh học đều thuộc kiểu kháng cự này].
5. Tương lai trở thành khả tri, khả tính và kiểm soát được bằng việc lựa chọn một tỉ suất hiện tại hóa[20], một qui ước tương đương giữa hiện tại và tương lai.    

Những điều kiện hữu hiệu của luận chứng thống kê

Các phân tích trên, ít ra là cho đến bây giờ, dường như còn xa với những vấn đề mà các nhà thống kê, với những cách thực hành và tâm thế khác với những cách thực hành và tâm thế của các nhà kế toán, tự đặt cho mình. Phần lớn các nhà thống kê và các nhà kinh tế không biết đến tư liệu dồi dào, bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, về kế toán và quản lí, cho dù thống kê của họ thường có nguồn gốc từ đây. Hay đúng hơn, nếu họ nghi ngại rằng thống kê không phản ảnh “hiện thực” một cách thích hợp nhất như họ mong muốn, thì chỉ là để lấy làm tiếc cho điều ấy, như quyển sách nổi tiếng, đã xưa, của Oskar Morgenstern (1944/1963) cho thấy[21]. Giả định rằng các nhà thống kê có tâm thế khác với các nhà kế toán không có nghĩa là các nhà thống kê trung thực hơn, nhưng hàm ý là sự hội nhập xã hội và hành chánh, cũng như lí do hành động của hai giới là không giống nhau. Một cách cụ thể, điều này có thể được thể hiện bằng những “quy tắc đạo đức” hay những “điều lệ hành xử”, nhưng sâu sắc hơn, tâm thế nay kéo theo một văn hóa nghề nghiệp đặc biệt. Văn hóa này (một cách lí tưởng) kết hợp một cách độc đáo vị thế khoa học với ý thức phục vụ Nhà nước[22].
Thật khó để đặc trưng một nền thống kê công cộng và xem đó là một thống kê đặc biệt của Nhà nước tân tự do, như ta đã làm đối với các hình thái Nhà nước trước đó. Tuy nhiên nhiều phát triển mới đây cho thấy là những hiện tượng tác động ngược vẫn có mặt trong hình thái Nhà nước này. Chẳng hạn, các nhà thống kê đã được mời xác định và lượng hóa những chỉ báo trong Phương pháp phối hợp mở (MOC) của Liên minh châu Âu, đặt cơ sở trên việc benchmarking thành tích của các nước, một công cụ điển hình của tính cai quản mới này. Việc áp dụng những tiêu chí của hiệp ước Maastricht (thâm hụt tài chính công, nợ của các cơ quan Nhà nước) đã đặt ra những vấn đề tác động ngược của các chỉ báo định lượng, như trường hợp của Hi Lạp cho thấy.
Một ví dụ khác: một xung đột gay gắt liên quan đến thống kê thất nghiệp đã nổ ra ở Pháp năm 2007. Hiển nhiên là các tệp tin của Cơ quan việc làm (và đăng kí thất nghiệp – ND) về thất nghiệp là đối tượng của những thao tác trí trá (và được Florence Aubenas mô tả rõ ràng trong đoạn văn được trích làm đề từ cho bài viết này). Các thao tác này làm cho chuỗi thống kê thất nghiệp, rất được các nhà chính trị và giới báo chí chờ đón, mất tính bền vững. Các nhà thống kê đã chống đối những sự can thiệp này, vốn rất xa lạ với tâm thế nghề nghiệp của họ[23]. Có thể là những phân tích về hiện tượng phản ứng ngược của các nhà xã hội học về kế toán và quản lí trở thành xác đáng đối với các nhà thống kê, cho dù đến hôm nay sự cần thiết của tính độc lập của các nhà thống kê còn được các định chế chủ quản họ khẳng định. Trong trường hợp này những cuộc đấu tranh (nêu ở điểm 4 của Peter Miller) vì tính đặc thù và độc lập nghề nghiệp liên quan đến chính ngay bản thân các nhà lượng hóa. Các nhà thống kê trong một số nước hiện đang trong tình thế này.
Tại sao lại nêu bật ý niệm tác động ngược kì lạ này? Chung quy lại, mọi công tác lượng hóa há chẳng có một cách sử dụng và những hiệu ứng? Nếu không tại sao lại có công việc, bao giờ cũng tốn kém, thiết kế các quy ước rồi đo đạc? Quả thật là đúng như thế. Ý tưởng này chỉ nổi lên do sự phân công xã hội những hoạt động sản xuất và sử dụng tri thức, giữa các ngành hay các bộ môn khoa học, được trang bị bằng những văn hóa nghề nghiệp khác nhau. Tính độc lập của nghề thống kê, được biện minh bằng tầm quan trọng của việc sử dụng một ngôn ngữ chung, đặc thù cho một hình thái cai quản, đã có những hệ quả mâu thuẫn nhau. Một mặt, hiệu quả của luận chứng thống kê kéo theo là những hiệu ứng có thể của hiện tượng tác động ngược bị xem nhẹ, nếu không phải là bị phủ nhận, vào lúc phát biểu luận chứng ấy. Tán rộng theo các nhà ngôn ngữ học, có thể nói đến điều kiện hữu hiệu (conditions de félicité) của luận chứng thống kê. Nhưng mặt khác, các hiệu ứng ấy đã thật sự xảy ra, làm thế nào nhà thống kê có thể ý thức và đảm nhận chúng? Lí thuyết những hành động ngôn ngữ (Austin, 1962) đã từ lâu phân biệt những phát ngôn nhận định (constatif) với phát ngôn ngôn hành (performatif) trong tác phẩm How to do things with words?, mà ở đây ta có thể chuyển dịch thành How to do things with numbers? Sự phân biệt nhận định/ngôn hành, rồi chính ngay ý niệm ngôn hành đã được bàn luận và phê phán trong một số tư liệu dồi dào, trước hết trong ngôn ngữ học, rồi trong xã hội học và kinh tế học (Callon, 2007). Có thể nối kết ý niệm tác động ngược của chúng tôi, mặc dù là khác, vào trong tư liệu trên. Có thể đọc lại theo quan điểm này những phê phán đối với sự lượng hóa được nêu trong phần mở đầu bài này, bằng cách nhấn mạnh đến những nguyên nhân và hiệu ứng của sự phân công lao động trong việc sản xuất và lưu truyền những phát ngôn được lượng hóa.
Kể từ những năm 1990, hai phê phán về sự lượng hóa, đến từ những tác nhân khác nhau, đã nổi lên. Một mặt, như đã thấy, nhiều người trong các ngành nghề đã phản bác mạnh mẽ những qui ước tương đương do NPM sản sinh ra để “đánh giá thành tích”. Mặt khác, ở cấp độ kinh tế vĩ mô hơn, “thước đo sự thịnh vượng” một đất nước bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bị phản bác, và có một yêu cầu lượng hóa khác, tuy những quy ước tương đương mới cần thiết để đáp ứng yêu cầu này không được làm rõ. Cả hai phê phán này dường như không có liên quan với nhau, được phát biểu trong những bối cảnh rất xa nhau. Thế thì tại sao đặt chúng gần nhau? Chỉ có thể hiểu hai phê phán trên nếu hợp nhất chúng, trong mỗi trường hợp, vào bộ ba hợp thành bởi: 1) một cách tư duy xã hội, 2) những cách tác động đến xã hội, và 3) một sự lượng hóa thích hợp (Desrosières, 2009). Làm rõ bộ ba này không chỉ soi sáng một hình thái cai quản mà ngay cả những cách thức phê phán sự cai quản ấy.
Phê phán các chỉ báo của NPM dựa trên việc tạo sự tương đương (hay trang bị tính khả ước– commensurer), đánh giá và sắp xếp các tác nhân và hành động được xem là không thể so sánh với nhau được, và tác động vào các tác nhân và hành động này bằng những cơ chế động viên. Các chỉ báo nhằm làm công cụ cho sự benchmarking (Bruno, 2008). Tạo sự tương đương là một hành động xã hội làm biến đổi thế giới, đặc biệt làm cho nó trở thành có thể tính toán được và sắp xếp được theo những ranking (bảng xếp thứ hạng)[24]. Phê phán về tính khả ước (commensuration) đặc biệt nhằm vào những hiệu ứng không phù hợp với mong đợi của sự phản ứng ngược. Nó không dựa trên một hình thức lượng hóa khác. Ngược lại, nó đặt thành yêu sách sự tôn trọng tính đơn nhất và đặc thù của mỗi tác nhân và hành động. Hành động kháng cự này có chỗ đứng trong cuộc tranh luận về vai trò xã hội của con số.
Phê phán thứ hai, được biểu trưng bằng cuộc tranh luận về “sự vượt qua tất yếu GDP” nằm ở cực đối lập, trong một viễn cảnh một tính khả ước phổ cập, vì chỉ báo mong muốn nhằm tổng gộp, hay ít nhất “có tính đến”, một số tối đa những yếu tố mà GDP cổ điển đã không biết đến: môi trường (khí hậu, đa dạng sinh học), lao động không được trả thù lao, những bất bình đẳng, v.v… theo nguyên tắc: “Bên kia GDP: hòa giải điều quan trọng và điều được đếm” (Casiers và Thiry, 2009). Do đó dự án này nằm trong một cách nhìn ngầm (và chưa được hình thức hóa nhiều) về một kiểu Nhà nước “hậu phúc lợi” và “hậu keynesian”, dành một chỗ lớn cho thống kê thuộc một loại mới, còn phải hình dung[25]. Nhà nước này sẽ dành một vị trí lớn cho việc bảo vệ thiên nhiên, vượt lên chủ nghĩa tư bản săn mồi và bất bình đẳng.
Sự căng thẳng biểu kiến giữa hai phê phán này, một phê phán chống lại mọi tính khả ước, và một phê phán khác kêu gọi một tính khả ước phù hợp với một cách cai quản khác có thể được kiến giải bằng những phạm trù của triết học đạo đức, như một sự đối lập giữa một nguyên lí đạo đức và một nguyên lí mục đích luận, như chúng đã được diễn giải trong kinh tế học y tế, nhân bàn về những vấn đề phân bổ các nguồn lực khan hiếm (Fagot-Largeault, 1991). Theo một phân tích (đạo đức), mỗi người có một giá trị độc nhất, không so sánh với bất kì giá trị nào khác. Không thể đặt trên bàn cân mạng sống của một cụ già và mạng sống của một chàng trai trẻ. Theo cách phân tích khác (mục đích luận, hay công lợi), có một điều tốt chung, cao hơn các cá thể, biện minh cho việc cộng đồng có những đánh đổi, đặc biệt trong việc phân bổ các nguồn lực kinh tế giới hạn cho những nhu cầu vô giới hạn của y tế công cộng. Nếu duy kinh tế luận của chủ nghĩa tân tự do đẩy một cách không gì cưỡng lại được về hướng nguyên lí thứ nhì, mà sự biện minh là hiển nhiên, thì tính hoàn toàn chính đáng của nguyên lí thứ nhất phải không ngừng được tái khẳng định.
Làm thế nào giải quyết sự mâu thuẫn giữa tâm thế của nhà thống kê và việc tính đến những hiện tượng tác động ngược, cho dù dưới mắt nhà thống kê các hiện tượng này chỉ là những trở ngại gây lúng túng cho điều mà chuyên gia này nghĩ rằng đó là nhiệm vụ của mình, tức là “cung cấp những phản ảnh không thiên lệch về hiện thực”? Không thể nào cách li thời điểm của đo đạc, được cho là độc lập với những cách sử dụng sự đo đạc này, và đặc biệt các quy ước vốn nằm ở công đoạn đầu của sự lượng hóa. Phải tháo bỏ sự cô lập việc đào tạo các nhà thống kê bằng việc bổ sung những kiến thức lịch sử, khoa học chính trị, xã hội học về thống kê, kinh trắc học, phép tính xác suất, kế toán và quản lí. Chương trình này, lấy cảm hứng từ những thành tựu của các Sciences Studies (Pestre, 2006), có thể tạo dễ dàng cho việc tính đến các công cụ định lượng trong những cuộc tranh luận xã hội, để tránh rơi vào việc bác bỏ một cách tiên nghiệm lẫn sự tôn trọng vô điều kiện và ngây thơ trước những “sự kiện không thể chối cãi bởi vì được lượng hóa”. 

Tài liệu tham khảo

Armatte M., 1995, Histoire du modèle linéaire. Formes et usages en statistique et en économétrie jusqu’en 1945, thèse EHES (à paraitre aux Presses de l’École des Mines en 2010).
Armatte M., Dahan A., 2004, “Modèles et modélisations (1950-2000): nouvelles pratiques, nouveaux enjeux”, Revue d’Histoire des sciences, 57, 2, 243-303.
Aubenas S., 2010, Le quai de Ouistrebam, L’Olivier, Paris.
Austin, J. L., 1962, How to do Things with Words ?, Clarendon, Oxford, bản dịch tiếng Pháp: Quand dire c’est faire, Seuil, Paris, 1970.
Bird S.M., 2004, “Editorial: Performances Monitoring in the Public Service, Journal of the Royal Statistical Society A, 167, Part. 3, pp. 381-383.
Blum A., Mespoulet M., 2003, L’anarchie bureaucratique. Statistique et pouvoir sous Staline, La Découverte, Paris.
Boltanski L., Chiapello E., 1999, Le nouvel esprit du capitalisme, Gallimard, Paris.
Boskin M. et alii, 1996, Toward a More Accurate Measure of the Cost of Living: Final Report to the Senate Finance Committee, U.S Government Printing Office, Washington D.C.
Bowker G., Star S.L., 1999, Sorting Things Out. Classification and Its Consequences, MIT Press, Cambridge (Mass.).
Brousse C., 2005, “Définir et compter les sans-abris en Europe: enjeux et controverses”, Genèse, 58, pp.48-71.
Bruno I., 2008, À vos marques, prêts … cherchez! La stratégie européenne de Lisonne, vers un marché de la recherche, Editions du Croquant, Paris.
Burchell G., Gordon C. Miller P. (1991), The Foucault Effect. Studies on Governmentality, University of Chicago Press, Chicago.
Caldwell B. (1997), “Hayek and Socialism”, Journal of Economic Literature, XXXV, pp. 1856-1890.
Callon M., 2007, “What does it Mean to say that Economics is Performative?”, in McKenzie D., Muniesa F., Siu L. (eds.), Do Economists Make Markets? On the Performativity of Economics, Princeton University Press, pp. 311-357.
Capron M. (éd), 2005, Les normes comptables internationales, instruments du capitalisme financier, La Découverte, Paris.
Cassiers I., Thiry G., 2009, “Au delà du PIB, réconcilier ce qui compte et ce que l’on compte”, Regards économiques, 75, décembre 2009, Institut de Recherches Économiques et Sociales (Ires).
Chiapello E., Desrosières A., 2006, “La quantification de l’économie et la recherche en sciences sociales: paradoxes, contradictions et omissions, le cas exemplaire de la Positive Accounting Theory”, in L’économie des conventions. Méthodes et résultats, Tome 1, Débats, La Découverte, Paris, 207-310.
Chiapello E., Medjad K., 2007, “Une privatisation inédite de la norme: le cas de la politique comptable européenne”, Sociologie du travail, 49, pp. 46-64. 
Chrystal K. A., Mizen P. D., 2001, “Goodhart’s Law: Its Origin, Meaning and Implications for Monetary Policy”, Fetschrift in honour of Charles Goodhart, 15-16 November 2001, Bank of England.
Colasse B. (éd), 2009, Encyclopédie de comptabilité, de gestion et audit, Economica, Paris.
Dahan A., Pestre D., (2007), Les sciences pour la guerre, 1940-1960, Éditions de l’EHESS, Paris.
Dardot P., Laval C., 2009, La nouvelle raison du monde. Essai sur la société néolibérale, La Découverte, Paris.
Daston L., (1992), “Objectivity and the Escape from Perspective”, Social Studies of Science, 22, 4, pp. 597-618.
Dehousse R. (2001), “La méthode ouverte de coordination. Quand l’instrument tient lieu de politique”, in Lascoume P., Le Gallès (éds), Presses de Sciences Po, pp.331-356.
Desrosières A., 2003, “Du travail à la consommation: l’évolution des usages des enquêtes sur le budget des familles”, Journal de la société franVaise de statistique, 1-2, pp. 75-111.
Desrosières A., 2005, “Décrire l’État ou explorer la société: les deux sources de la statistique”, Genèse, 58, pp. 4-27, (sous un titre différent: http://www.insee.fr/fr/ffc/docs_ffc/cs11a.pdf)
Desrosières A., 2008a, Pour une sociologie historique de la quantification, Presses de l’École des Mines, Paris.
Desrosières A., 2008b, Gouverner par les nombres, Presses de l’École des Mines, Paris.
Desrosières A., 2009, “Stato, mercato et statistiche. Storicizzare l’aziome publica”, La Rivista delle Politiche Sociali, lugglio-settembre, pp.245-263.
Didier E., 2009, En quoi consiste l’Amérique? Les statistiques, le New Deal et la démocratie, La Découverte, Paris.
Espeland W., Stevens M., 1998, “Commensuration as a Social Proces”, Annual Review of Sociology, 24, pp.313-343.
Espeland W., Sauder M., 2007, “Rankings and Reactivity: How Public Measues Recreate Social Worlds”, American Journal of Sociology, 113, pp. 1-40.
Fagot-Largeault A., 1991, “Réflexions sur la notion de la qualité de la vie”, Archives de philosophie du droit, tome 36, volume “Droit et Science”, pp.135-153.
Foucault M., 2004a, Sécurité, territoire, population, Cours du Collège de France (1977/1978), Gallimard/Seuil, Paris.
Foucault M., 2004b, Naissance de la biopolitique, Cours du Collège de France (1978/1979), Gallimard/Seuil, Paris.
Fourquet F., 1980, Les comptes de la puissance. Histoire de la comptabilité et du Plan, Encres-Recherches, Paris.
Gadrey J, Jany-Catrice F., 2005, Les nouveaux indicateurs de richesse, La Découverte/Repères, Paris.
Hood C., 1995, “Contemporary Public Management: A New Paradigm?”, Public Policy and Administration, 10(2), pp.104-117.
Hood C., 2002, “Control, Bargains and Cheating: The Politics of Public Service Reform”, Journal of Public Administration Research and Theory, Vol. 12, N0 3, pp. 309-332.
Hopwood A., Miller P., (eds), 1994, Accounting as Social and Institutional Practice, Cambridge University Press, Cambridge (UK).
Lascoumes P., Le Galès P., (eds), 2004, Gouverner par les instruments, Presse de
Sciences-Po, Paris.
Latour B., 1984, Les microbes. Guerre et paix, suivi de Irréductions, Métailié, Paris.
Lefrancq S., 2004, “Recherche et action: la comptabilité dans son contexte. Une étude de la politique éditoriale d’Accounting, Organizations and Society”, Comptabilité-Contrôle-Audit, numéro thématique, juin 2008, pp.297-315.
Le Galès P., 2004, “Contrôle et surveillance. La restructuration de l’État en Grande Bretagne”, in Lascoumes P., Le Galès P., (eds), 2004, Gouverner par les instruments, Presse de Sciences-Po, Paris, pp. 237-271.
Lie E., 2002, “The Rise and Fall of Sampling Methods in Norway, 1875-1906”, Science in Context, 3, pp.385-409.
Miller P., 1992, “Accounting and Objectivity: The Invention of Calculating Selves and Calculable Spaces”, Annals of Scholarship, 9, 1/2, pp. 61-86. 
Miller P., O’Leary T., 1987, “Accounting and the Construction of the Governable Person”, Accounting, Organization and Society, vol. 12, n.3, pp.235-265.
Morgenstern O., 1944 (in lại 1963), On the Accuracy of Economic Observations, Princeton University Press, Princeton (bản dịch tiếng Pháp: L’illusion statistique: précision et incertitude des données économiques, Dunod, Paris).
Nivière D., 2005, “Négocier une statistique européenne: le cas de la pauvreté”, Genèses, 58, pp. 28-47.
Pestre D., 2006, Introduction aux Science Studies, La Découverte/Repères, Paris.
Pezet E. (éd), 2007, Management et conduite de soi. Enquête sur les ascèses de la performance, Vuibert, Paris.
Polanyi K., 1944, The Great Transformation. The Political and Economic Origins of Our Time, Beacon Hill, Boston. 
Porter, T., 1995, Trust in Numbers. The Pursuit of Objectivity and Public Life, Princeton University Press, Princeton.
Power M., 1999, The Audit Society. Rituals of Verìication, Oxford University Press, Oxford (bản dịch tiếng Pháp: La société de l’audit. L’obssesion du contrôle, La Découverte, Paris, 2005).
Power M., 2004, “Counting, Control and Calculation: Reflections on Measuring and Management, Human Relation, 57 (6), pp 765-783.
Prevost J. G., 2009, A Total Science: Statistics in Liberal and Fascist Italy, McGill Queen’s University Press.
Salais R., 2004, “La politique des indicateurs. Du taux de chômage au taux d’emploi dans la stratégie européenne pour l’emploi (SEE)” in Zimmerman B. (éd), Action publique et sciences sociales, MSH, Paris, pp. 287-331.
Supiot A., 2010, L’esprit de Philadelpie: la justice sociale face au marché total, Seuil, Paris.
Thévenot L., 1984, “Rules and Implements: Investments in Forms”, Social Science Information, 23(1), pp. 1-45 (phiên bản tiếng Pháp: “Les investissements de formes”, Cahier du Centre d’Etudes de l’emploi, 29, PUF, Paris, 1986, pp. 21-71).
Vanoli A., 2002, Une histoire de la comptabilité nationale, La Découverte, Paris (bản dịch tiếng Anh: A History of National Accounting, IOS Press, Amsterdam, 2005.
Watts R., Zimmerman J., 1978, “Towards a Positive Theory of the Determination of  Accounting Standards”, The Accounting Review, 53(1), pp. 112-134. 

Alain Desrosières[26]
Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Tham luận “Est-il bon, est-il méchant ? Le rôle du nombre dans le gouvernement de la cité néolibérale” của Alain Desrosières tại hội thảo L’ìnformazione prima dell’informazione. Conoscenzae Scelt Pubbliche, đại học Milan Bicora, 27 tháng năm 2010, in lại trong Nouvelles perspectives en sciences sociales, vol. 7, n02, mai 2012.




[1] Việc phân loại năm hình thức cai quản này và các thống kê tương ứng được trình bày chi tiết (bằng tiếng Italia) trong Desrosières 2009. [Có thể tham khảo bài “Lịch sử hóa hành động công cộng: Nhà nước, thị trường và thống kê - ND].

[2] Từ lâu các nhà kinh tế sử dụng thống kê đã mô tả (để bày tỏ sự không hài lòng) những độ chệch mà theo họ là hậu quả của những tác động ngược này (Morgenstern, 1944, bản dịch tiếng Pháp 1950). Nhưng khái niệm này về độ chệch, bắt nguồn từ khoa học đo lường hiện thực, chỉ xem độ chệch như một cản trở gây lấn cấn cho các “giá trị thật”. Nó ngăn cản việc nghiên cứu, về mặt xã hội học, cơ chế của sự lượng hóa vì chính sự lượng hóa ấy.

[3] Ý niệm, có tính xã hội và logic, quy ước tương đương do Bruno Latour (1984), trong phần bổ sung Irréductions của quyển sách về Pasteur, và Laurent Thévénot (1984) đề xuất.

[4] Có thể kiến giải cuộc tranh luận trong những năm 1930 về “hạch toán xã hội chủ nghĩa” và về khả năng kế hoạch hóa không cần đến giá cả thị trường như một sự tham gia vào giấc mơ về một Nhà nước kĩ sư như trên (Caldwell, 1997).

[5] Một nhận xét của Jacques Lesourne, cựu sinh viên trường Bách Khoa, kĩ sư mỏ và sáng lập viên Công ti nghiên cứu và toán ứng dụng (SEMA) làm việc cho Nhà nước trong những năm 1960, phản ảnh sự gần nhau đáng ngạc nhiên giữa nước Pháp thời đó và Liên Xô: “Trong thực tế, nước Pháp thời De Gaulle là một Liên Xô đã thành công”.

[6] Theo tên của Aleksei Stakhavov (1905-1977), người thợ mỏ được bộ máy tuyên truyền xô viết dưới thời Staline dựng làm khuôn mẫu cho thanh niên và công nhân học tập thi đua, do lập kỉ lục năng suất lao động vượt mức kế hoạch (ND).

[7] Xem các mục “Người ủy quyền- người đại diện (lí thuyết)” và “Dự kiến duy lí” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, nxb Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[8] Theo cách nhìn này, có thể nghiên cứu những tiền lệ lịch sử, tất nhiên khác nhau: các thử nghiệm kế hoạch hóa kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa, hay việc “hợp lí hóa những lựa chọn ngân sách” (RCB) được tiến hành ở Pháp trong những năm 1970 và được tiếp tục dưới tên gọi “đánh giá các chính sách công”. Trong các trường hợp khác nhau này, nhiều chỉ báo lượng hóa phi tiền tệ đã được triển khai.

[9] Tại Pháp, cảnh sát (police) trực thuộc Bộ nội vụ và hiến binh (gendarmerie) trực thuộc Bộ quốc phòng (ND).

[10] Tuy nhiên có thể nhận thấy sự nhập nhằng này trong trường hợp các siêu dữ liệu (những dữ liệu về dữ liệu). Chúng được yêu cầu và cung cấp, nhưng cho quá nhiều chi tiết có thể tạo nên một nỗi nghi ngờ âm ỉ bị đánh lừa. Luận chứng thống kê có hiệu quả hơn khi được viện dẫn trần trụi, không có chú thích cuối trang.

[11] Xem mục “Lucas (phê phán của)” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, nxb Tri Thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[12] Theo lí thuyết tân cổ điển về những “thị trường hữu hiệu” (xem mục ““thị trường hữu hiệu (lí thuyết)” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, nxb Tri Thức, Hà Nội, 2007 – ND), các qui ước 2 (giá trị bán lại) và 3 (tổng những thu nhập tương lai hiện tại hóa) là tương đương.

[13] Qui ước Fair value khiến cho giá trị các tài sản rất thất thường và bất trắc trong trường hợp khủng hoảng. Đây là một nguyên nhân của sự lan truyền cuộc khủng hoảng năm 2008.

[14] Trên tất cả các vấn đề này, quyển Encyclopédie de comptabilité, contrôle de gestion et audit do Bernard Colasse (2009) chủ biên là một tổng hợp rất có ích.

[15] Đoạn về Positive Accounting Theory này dựa nhiều vào công trình nghiên chung với Eve Chiapello, giáo sư tại Hautes Etudes Commerciales Paris (HEC) [Chiapello và Desrosières, 2006].

[16] Xem mục “Bong bóng” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, nxb Tri Thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[17] Stephane Lefrancq (2004) đã phân tích chủ trương biên tập của AOS kể từ 1975 qua những bài xã luận của Anthony Hopwood, người sáng lập tạp chí này.

[18] Bằng những phạm trù phân tích và một từ vựng khác (họ nói đến chủ nghĩa tư bản chứ không phải là chủ nghĩa tân tự do), Boltanski và Chiapello (1999) đã đề cập những thay đổi triệt để của cách thức quản lí của NPM. Hai tác giả này phân tích một kiểu phản ứng ngược khác, phản ứng ngược của sự phê phán, dưới những dạng khác nhau, trên chủ nghĩa tư bản. Trên quan điểm này, những công trình về những tranh luận và phê phán đối với các chuẩn IFRS và vai trò của chúng trong chủ nghĩa tư bản tài chính là quý báu cho dự án của chúng tôi về một xã hội học về sự phản ứng ngược (Capron et alii, 2005).

[19] Tại Pháp, về mặt pháp luật, một cương vị mới cho doanh nhân, có tên gọi là auto-entrepreneur là một minh họa sống động.

[20] Xem mục “Giá trị hiện tại” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, nxb Tri Thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[21] Một cách có ý nghĩa, tựa của bản dịch tiếng Pháp là Ảo tưởng thống kê. Tính chính xác và bất trắc của những dữ liệu kinh tế.

[22] Điều này kéo theo một yêu sách độc lập được lặp đi lặp lại đối với chính quyền. Từ nay tính độc lập này được ghi nhận trong “Quy định những cách thực hành tốt thống kê châu Âu”, được thông qua năm 2005 sau cuộc “khủng hoảng Hi Lạp” đầu tiên, nhằm kìm hãm, nếu không phải là cấm đoán, các hiệu ứng ngược (http://www.insee.fr/fr/insee-statistique-publique/default.asp?page=connaitre/code-bonnes-pratiques.htm) [được cập nhật ở đây http://epp.eurostat.ec.europa.eu/cache/ITY_OFFPUB/KS-32-11-955/FR/KS-32-11-955-FR.PDF – ND]).

[23] Một hội thảo của nghiệp đoàn CGT tổ chức năm 2007 với chủ đề Etats généraux des chiffres du chômage et de la précarité là một minh họa tốt cho yêu sách này

[24] Hai khía cạnh này đã được Wendy Espeland phân tích trong hai bài viết với tựa đầy ý nghĩa: “Commensuration as a Social Process” (Espeland và Stevens, 1998), “Rankings and Reactivity: How Public Measures Recreate Social Worlds (Espeland và Saunder, 2007). Ta tìm thấy một phê phán tương tự trong tác phẩm của Alain Supiot (2009) về sự biến mất của “tinh thần Philadelphia” đặc trưng cho triết lí tiến bộ của ba thập kỉ đầu sau 1945.

[25] Gadrey và Jany-Catrice (2005) so sánh rõ ràng giai đoạn hiện nay vói thời kì những năm 1950, thời kì nước Pháp chứng kiến sự ra đời của hệ thống tài khoản quốc gia và dự án chính trị keynesian và kế hoạch hóa đi cùng được Fourquet (1980) mô tả một cách sống động.

[26] Alain Desrosières (1940-2013), cựu sinh viên Trường Bách Khoa Paris, chuyên gia của Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE / Tổng cục thống kê Pháp), nhà xã hội học và sử gia thống kê học, thành viên của Trung tâm Alexandre Koyré (CNRS-EHESS / Trung tâm nghiên cứu khoa học - Trường Cao học các khoa học xã hội) về lịch sử các khoa học, nổi danh trong cộng đồng khoa học với tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng: Chính sách các số lớn. Lịch sử lí tính thống kê (1993) [sắp xuất bản]

Print Friendly and PDF