|
Tác giả: Alain Desrosières |
Thống kê, công cụ giải phóng hay công cụ quyền lực?[1]
Sự phê phán xã hội thường dựa trên những luận chứng thống kê. Các luận chứng này nhằm thể hiện và làm hiển lộ những yêu sách về tính bình đẳng và công bằng. Tuy nhiên trong thời kì gần đây, sự tin tưởng dành cho kiểu công cụ này bị làn sóng lớn mạnh của các chính sách tân tự do làm xói mòn. Thật vậy, các chính sách này sử dụng rộng rãi những “chỉ báo” định lượng để kiểm soát những tác nhân xã hội và du họ vào thế cạnh tranh lẫn nhau thông qua những kĩ thuật như benchmarking (Bruno, 2008). Thống kê là một công cụ giải phóng hay là một công cụ quyền lực? Câu hỏi có thể có vẻ kì lạ đối với ai từng biết thời kì lạc quan của những năm từ 1950 đến 1970, khi mà thông tin do thống kê công cộng cung cấp được xem như một trong những thành tố chủ yếu của một xã hội dân chủ.
Ngày nay sự lạc quan trên có thể được tra hỏi trở lại do những cách thực hành quản lí tân tự do cách sử dụng việc định lượng hóa, cũng như do tính đến đóng góp của những nghiên cứu lịch sử và xã hội học, được tiến hành từ ba thập niên qua, về việc định lượng hóa. Đôi lúc các công trình này, một cách sai lầm, có thể gieo cảm tưởng tương đối hóa, thậm chí tước bỏ giá trị, của những luận chứng thống kê, ví dụ thông qua sự nở rộ những bài viết về sự “kiến tạo xã hội điều này hay điều khác” như được Ian Hacking (1999) phân tích một cách tinh tế. Khi lịch sử hóa và xã hội hóa những sản phẩm thống kê, các nghiên cứu đó dường như làm yếu đi tầm quan trọng của các luận chứng thống kê, bằng cách tước đi tính hiệu quả gắn liền với hình ảnh khách quan và không thiên vị của những luận chứng ấy. Những cuộc tranh luận thường xuyên về thước đo thất nghiệp hay lạm phát chỉ có thể củng cố sự nghi ngờ đối với những gì thường được giới thiệu như là những “con số không thể bàn cãi”. Tuy nhiên, các công trình này đã cho phép giữ một khoảng cách đối với những sản phẩm thống kê mà việc bàn luận, do tính kĩ thuật biểu kiến của chúng, có vẻ như chỉ dành cho các chuyên gia, và đã tạo nên những không gian tranh luận công cộng về các sản phẩm ấy, mà ví dụ tốt là những cuộc hội thảo thường xuyên được các nghiệp đoàn của thống kê công cộng tổ chức.
Thống kê như “công cụ của sự yếu thế” trong tay những người bị áp bức
Điểm chung của dân chủ và thống kê là ý tưởng cho rằng có thể so sánh các công dân. Nguyên lí bình đẳng bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Pháp trước tiên có tính pháp lí: một người, một lá phiếu. Nhưng phụ nữ bị loại ra khỏi cuộc bầu phiếu và là vô ước. Thời bấy giờ, những cuộc điều tra về ngân sách và các hoàn cảnh sống, do Frédéric Le Play tiến hành chỉ nhằm vào các tầng lớp bình dân. Còn không thể tưởng tượng được là hỏi các nhà tư sản để so sánh họ với người công nhân (Desrosières, 2003b). Rồi vào thế kỉ XX, yêu sách bình đẳng trở thành đòi hỏi xã hội, những cuộc điều tra dân số so sánh các nhóm xã hội, nữ giới và nam giới. Việc mở rộng các quyền xã hội và các hệ thống an sinh xã hội gắn liền với việc mở rộng lĩnh vực những vấn đề có thể là đối tượng của những cuộc điều tra thống kê.
Nhà sử học Mĩ Ted Porter đã phân tích việc cầu viện luận chứng thống kê này khi nói, một cách nghịch lí, đến “công cụ của sự yếu thế” (Porter, 1995). Thật vậy, thống kê thường được trình bày như một công cụ của quyền lực, bằng cách gợi ý, theo một lập luận cổ điển, rằng các giai cấp thống trị định hướng việc sản xuất thống kê tùy theo quyền lợi của mình. Trái lại, Porter gợi ý là sự bá quyền của các giai cấp truyền thống thường đặt cơ sở trên điều ngầm ẩn, sự hiển nhiên không được tra vấn, và được trải nghiệm như là một điều “tự nhiên”. Như vậy luận chứng thống kê được các nhóm bị thống trị nêu bật để bẻ gãy trật tự cũ và làm hiển lộ sự bất công. Một cách tinh tế hơn, việc viện dẫn này thường (nhưng không phải bao giờ cũng) do các nhóm bị thống trị thuộc các giai cấp thống trị, giai cấp trung lưu có học hơn và được trang bị nguồn lực tốt hơn để xây dựng lập luận.
Làn sóng đầu xây dựng những văn phòng thống kê công cộng diễn ra trong những năm 1830 đến 1860, dưới sự thúc đẩy của Adolphe Quetelet. Thống kê này được cấu thành, một mặt bởi những cuộc tổng điều tra dân số và, mặt khác, bởi việc tập hợp những sổ sách hành chính về hộ tịch (sinh đẻ, hôn nhân, tử vong, bệnh tật, tự tử) và tư pháp (tội phạm, vi phạm). Kiểu thống kê đầu tiên này được Quetelet diễn giải bằng khái niệm “con người trung bình” và bằng những qui luật về các hiện tượng xã hội như tội phạm và tự tử. Nó góp phần phổ biến ý cho rằng có thể phân tích xã hội bằng những khái niệm tổng quát, có tính xã hội vĩ mô, tương đối độc lập với những hành vi ứng xử của các cá thể. Có thể sử dụng ý tưởng này theo một cách nhìn bảo thủ (ta không thể thay đổi gì cả), nhưng cũng có thể theo một cách nhìn phê phán: nếu những quan hệ xã hội là độc lập với thiện ý cá nhân có thể của những người có quyền lực thì điều cần phải thay đổi là cả hệ thống. Chính theo cách này mà Marx, và sau này là các nhà xã hội chủ nghĩa, đã lập luận: vấn đề không phải là phải thay đổi các nhà tư bản nhưng phải thay đổi chính ngay chủ nghĩa tư bản. Trong thực tế, Marx và Engels sử dụng rộng rãi thống kê của các công trường thủ công thời họ để phân tích và phê phán chủ nghĩa tư bản.
Làn sóng lớn thứ hai của sự phát triển thống kê gắn liền với cuộc đại khủng hoảng kinh tế và xã hội trong những năm 1870 đến 1890. Tại Anh lúc bấy giờ có hai cách kiến giải rất khác, đối lập nhau về cách kiến giải cuộc khủng hoảng này. Cách kiến giải thứ nhất, có tính sinh học, dựa trên những luận chứng thống kê về tính di truyền được giả định của những năng khiếu để chủ trương những chính sách ưu sinh[2]. Cách kiến giải thứ hai, có tính xã hội học hơn, mô tả hoàn cảnh sống của những giai cấp bình dân từ những cuộc điều tra thống kê sẽ nuôi dưỡng các dự án của những nhà cải cách và của phong trào lao động (Beatrice và Sydney Webb, Lord Beveridge). Tại Đức, các nghiệp đoàn công nhân tổ chức những cuộc điều tra lớn về lương và việc làm[3]. Tại Pháp, một truyền thống lâu đời hơn về những cuộc điều tra ngân sách công nhân đã được một kĩ sư công giáo bảo thủ là Frédéric Le Play khởi xướng. Tác giải này khiển trách chế độ làm thuê tư bản chủ nghĩa đã cắt đứt công nhân ra khỏi gốc rễ của những mối đoàn kết xa xưa, có tính truyền thống và gia đình. Phê phán này, tuy bắt nguồn từ giới bảo thủ dị ứng với Cách mạng Pháp, sẽ làm nảy sinh một phong trào điều tra và cải cách xã hội mà Bảo tàng xã hội ở Paris[4] là một biểu tượng.
Vào đầu thế kỉ XX, lao động nằm ở trung tâm của các hoạt động thống kê
Cuộc khủng hoảng ở cuối thế kỉ XIX là cội nguồn của việc chuyển hướng thống kê công cộng sang những vấn đề lao động, việc làm, thất nghiệp. Tại Pháp, một cơ quan lao động (tiền thân của Bộ lao động ngày nay) được thành lập năm 1891, cơ quan này bao gồm cả Văn phòng thống kê Pháp cũ (SGF). Những nhà hoạt động trong các nghiệp đoàn công nhân, như Ferdinand Pelloutier[5], cộng tác với cơ quan này. Ông này nhấn mạnh đến “việc sử dụng công cụ thống kê sẽ cho phép công nhân trong xã hội hậu tư bản chủ nghĩa không những nắm bắt các nhu cầu mà còn giám sát và tổ chức việc trao đổi sản phẩm”. Thống kê thường được cảm nhận như là không thể tách rời với Nhà nước (cho dù chỉ vì theo từ nguyên học đó là một khoa học của Nhà nước). Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng thống kê có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc tổ chức một xã hội hậu tư bản chủ nghĩa được nêu lên nhiều lần trong các văn bản của các nhà tự do vô chính phủ liên bang (vốn, một cách tiên nghiệm, chống một Nhà nước tập quyền), đặc biệt như một cương lĩnh chi tiết của Liên đoàn vô chính phủ công bố năm 1934 và được tái bản nhiều lần (Besnard, 1934) cho thấy[6]. Điều này gợi ý rằng thống kê có thể can thiệp theo hai cách rất khác nhau trong các hoạt động và dự án của trào lưu xã hội: nếu thống kê cung cấp những luận chứng để phản bác những bất công trong xã hội thì thống kê cũng được nhìn như một công cụ tổ chức việc sản xuất và trao đổi trong một xã hội hậu tư bản chủ nghĩa có thể[7], tham gia vào khả năng, được Michel Foucault hình dung, về một tính “cai quản xã hội chủ nghĩa”.
Trong các nước công nghiệp lớn, những phản ứng với cuộc khủng hoảng cuối thế kỉ XIX chủ yếu nhắm vào việc tổ chức và bảo vệ thị trường lao động và việc thiết lập những yếu tố đầu tiên của điều sau này sẽ trở thành Nhà nước phúc lợi: lương hưu cho người lao động lớn tuổi, bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội. Như vậy các văn phòng thống kê được tổ chức chung quanh những vấn đề lao động. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) được thành lập tại Genève năm 1920. Các nghiệp đoàn của người làm công ăn lương có một vai trò quan trọng trong tổ chức này. Những cuộc điều tra về ngân sách gia đình công nhân và giá sản phẩm do các hộ này tiêu dùng được phát triển. Việc định hình thống kê những quan hệ xã hội cung cấp một ngôn ngữ cho việc thể hiện các yêu sách và cho những cuộc thương thảo, kết quả của các xung đột giai cấp. Sau 1945, việc định hình này được trình bày như một biểu tượng của những quan hệ xã hội “đã lắng dịu”, dựa trên lí tính và những “ghi nhận được chia sẻ” từ các thống kê, chứ không trên những đam mê và bạo lực nữa.
Nhưng sự thành công của việc viện dẫn luận chứng thống kê phụ thuộc nhiều vào tính chính đáng của những định chế cung cấp các dữ liệu làm chỗ dựa cho luận chứng ấy. Hoặc các dữ liệu này là “không thể bác bỏ” và sẽ có sự đồng thuận về trên cả những điểm bất đồng, ví dụ như trong trường hợp của những yêu sách tăng lương để bù vào gia tăng của giá cả. Hoặc, ngược lại, bản thân công cụ bị đặt thành vấn đề, ví dụ việc quyền số hóa các sản phẩm tiêu dùng hay cách tính đến những thay đổi chất lượng của các sản phẩm này. Trong các ví dụ trên ta thấy là sự phê phán có thể mang tính “cải lương” khi dựa trên những “con số không thể bác bỏ”, hay ngược lại, mang tính ít nhiều “cấp tiến” khi bác bỏ những phương thức tính toán của công cụ hay, còn hơn thế nữa, từ chối ngay chính việc viện đến cách thức này để thể hiện các quan hệ giai cấp. Một xã hội học về những cách sử dụng có phê phán thống kê phải tính đến cả một phổ những việc viện dẫn hay không kiểu luận chứng này cũng như ứng xử của các tác nhân, trong thực tiễn, giữa việc cầu viện và từ chối luận chứng thống kê[8].
Để một thống kê giữ được vai trò xã hội của nó như một điểm quy chiếu được giả định là trung lập, đứng trên những bên tham gia trong một cuộc xung đột và những nhóm xã hội, thì thống kê ấy phải được thiết chế, được những thủ tục dân chủ đảm bảo, bản thân những thủ tục này cũng phải là chính đáng. Như thế thống kê ấy mới làm nên hiện thực mà không chỉ đơn giản là “phản ánh” hiện thực như thường được nói. Ý tưởng này không có tính tương đối, theo nghĩa là nó không phủ nhận sự tồn tại của lạm phát hay thất nghiệp. Nhưng ý tưởng đó lưu ý rằng lạm phát và thất nghiệp có thể được tư duy, thể hiện, định nghĩa và lượng hóa bằng vô số cách; và những khác biệt trong các cách làm này không chỉ đơn giản là những chi tiết kĩ thuật nhưng chúng bao giờ cũng mang một ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội. Những thời điểm sáng tạo là những thời điểm mà các tác nhân xã hội phê phán những cách cầu viện đến những cách định hình cũ và đề xuất những cách định hình mới, và qua đó khơi lên những nỗi hoài nghi và tranh luận. Nhưng sự thành công của những cách tân này không được đảm bảo vì không chỉ phụ thuộc vào tính đúng đắn nội tại của sự phê phán mà còn vào sức mạnh của những mạng xã hội hỗ trợ hay không các cách tân ấy.
Dưới đây chúng tôi sẽ xét năm trường hợp từng diễn ra những cuộc tranh luận: lạm phát, thất nghiệp, nghèo khó, tổng sản phẩm trong nước, khí hậu. Trong mỗi trường hợp, việc lượng hóa và cách làm việc này được những phong trào phê phán gắn với những cách tư duy mới về các quan hệ xã hội thức đẩy, bàn luận và đặt lại vấn đề. Nhưng, nếu những đổi mới do các phong trào phê phán này có hệ quả là khơi gợi những suy tưởng và tranh luận khi đặt thành vấn đề tính hiển nhiên của những chỉ báo thống kê thì cũng hiếm khi những đề xuất ấy được nhận thấy rộng rãi so với các chỉ báo ấy. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nêu lên hai trường hợp mà những đổi mới, có ý nghĩa chính trị vô cùng khác nhau (nếu không nói là đối lập nhau) đã có một tác động quan trọng: sự bùng nổ của những bất bình đẳng về thu nhập, sự thành công về mặt truyền thông của những bảng xếp hạng đại học.
Những phê phán lặp đi lặp lại đối với chỉ số giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng là một trong những thống kê gây nhiều tranh luận nhất. Nguyên lí của chỉ số này là theo dõi tiến hóa trong thời gian của một số sản phẩm và dịch vụ, rồi tính một “trung bình gia quyền” của các tiến hóa này. Trung bình này được dùng để chỉ số hóa lương hay, ít ra cung cấp những luận chứng cho người làm công ăn lương mong muốn tự bảo vệ trước lạm phát. Vâng, nhưng các sản phẩm tiêu dùng trong diện theo dõi được chọn lựa thế nào? Do ai tiêu dùng? Công nhân, người nghèo, tất cả người làm công ăn lương hay tất cả mọi người? Làm thế nào tính trung bình? Chọn hệ thống quyền số nào? Với thời gian có thật là những sản phẩm được theo dõi là giống nhau hoàn toàn và so sánh được với nhau không? Tất cả các câu hỏi này được nêu lên trong các cuộc tranh luận kĩ thuật và chính trị.
Ví dụ thứ hai: cho đến đầu những năm 1950, cơ cấu của “rổ sản phẩm” trong diện theo dõi được thương thảo giữa các nghiệp đoàn người làm công ăn lương và giới chủ. Các nghiệp đoàn lập luận bằng khái niệm nhu cầu, lên danh sách và số lượng những sản phẩm tối thiểu mà theo họ là cần thiết cho việc tái sản xuất sức lao động của một công nhân và của gia đình ấy. Chỉ số này được gọi là chỉ số chuẩn tắc, vì có vẻ nó ngầm kéo theo những lựa chọn giá trị: nên chăng tính đến thuốc lá và rượu? Các cuộc tranh luận này một phần đã bị vượt qua khi thống kê công cộng sản xuất được những cuộc “điều tra ngân sách” mà đối tượng là những tiêu dùng thật sự, hoặc của công nhân và viên chức, hoặc là của toàn thể dân chúng. Chỉ số này được gọi là chỉ số mô tả. Tuy nhiên vẫn còn đó câu hỏi: tổng thể thống kê nào? Trong một thời gian dài, được công bố là chỉ số chỉ của công nhân và viên chức. Kể từ những năm 1980, chỉ số này mất đi một phần tính chất “giai cấp” để rồi nổi lên trở lại kể từ những năm 2000 khi một lần nữa chỉ số bị phê phán và tố cáo là không còn “phản ánh hiện thực” nữa, đặc biệt khi chuyển sang dùng đồng euro. Một lần nữa lại có những đề xuất chỉ số khác nhau tùy theo chủng loại xã hội-nghề nghiệp.
Tuy nhiên sự đồng thuận của những năm 1950 về phương pháp chỉ số mô tả là không đầy đủ do công đoàn CGT tiếp tục công bố trong một thời gian dài một chỉ số khác, ít ra cho đến khi lạm phát không còn cao nữa, nghĩa là trong những năm 1980. Lúc ấy vấn đề nóng bỏng nhất là thất nghiệp. Mặt khác, vấn đề chỉ số chuẩn tắc không hoàn toàn biến hẳn vì, vào khoảng 1990, cuộc chiến chống thuốc lá dự trù gia tăng mạnh giá thuốc, gợi ý đưa thuốc lá ra khỏi chỉ số giá để tránh một hiệu ứng lạm phát. Trước những phản đối, quyết định thận trọng là công bố hai chỉ số, một có bao gồm thuốc lá và một không có thuốc lá, và để cho các “đối tác xã hội” tự xoay xở.
Ngay từ những năm 1970, các nghiệp đoàn của người làm công ăn lương đã nêu một phê phán khác đối với “hiệu ứng chất lượng”. Một trong những động cơ của cơ năng cạnh tranh trong chủ nghĩa tư bản là tạo ra những sản phẩm mới, mang lại hay không những dịch vụ “thật sự” mới mà giá cả tất nhiên là khác với giá của những sản phẩm trước đó. Trong một số trường hợp, những sản phẩm cũ này biến mất hoàn toàn. Điều này đánh sập nguyên lí của chỉ số, được giả định là theo dõi trong thời gian những sản phẩm giống nhau. Một cách sâu sắc hơn, điều này cũng đặt ra vấn đề các “nhu cầu”. Ai quyết định những nhu cầu này? Phong trào sinh thái, quan tâm đến sự sống còn của hành tinh, đặt các vấn đề trên theo một cách triệt để mới, khi đặt lên bàn cân sự cạn kiệt của tài nguyên và việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Như vậy làn song phê phán mới này khơi gợi lên một hình thái thống kê hoàn toàn mới.
Thất nghiệp và nghèo khó: khó khăn khi thay đổi cách nhìn đã được thiết chế
Kể từ cuối những năm 1970, thất nghiệp trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Tại Pháp, từ lâu việc lượng hóa thất nghiệp, dựa trên hai nguồn khác nhau. Một cuộc điều tra chọn mẫu về việc làm vận dụng định nghĩa của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) gồm có ba “điều kiện”: được xem là thất nghiệp “người không có việc làm, “tích cực” tìm việc làm và sẵn sàng làm việc”. Tùy theo thời kì, định kì của cuộc điều tra này là hằng năm, rồi hằng quý. Nguồn thứ hai, có định kì hằng tháng, là số người đăng kí ở Cơ quan quốc gia vì việc làm (ANPE), sau trở thành Cực việc làm (Pôle Emploi) năm 2008. Thống kê về việc làm được giới chính trị, các tác nhân kinh tế và xã hội và báo giới theo dõi và chờ đón. Cho dù “chất lượng” của nguồn ANPE (rồi Pôle Emploi) bị đánh giá là tồi nhưng định kì hằng tháng khiến cho chỉ số này có một lợi thế quyết định. Một trong những được mất của những cuộc tranh luận lặp đi lặp lại – mà diễn biến không được chi tiết hóa ở đây[9] – của thống kê thất nghiệp này nhằm vào những cách nối khớp hai nguồn trên, để tận hưởng chất lượng và tính thích đáng của nguồn đầu cũng như định kì hằng tháng của nguồn sau.
Nhìn từ góc độ để phê phán, cả hai nguồn cung cấp nhiều điểm vào, do ý niệm thất nghiệp và việc lượng hóa nó có tính quy ước – tất nhiên điều này không có nghĩa rằng thất nghiệp không tồn tại. Chẳng hạn về “ba điều kiện của ILO”: 1) thế nào là việc làm rất ít thời gian (một giờ mỗi tuần)?; 2) đăng kí ở ANPE/Pôle Emploi phải chăng là “tích cực tìm việc làm (điều gây tranh luận); 3) người bị bệnh hay đang thực tập phải chăng là “sẵn sàng làm việc”? (có thể bàn luận). Tương tự như thế, những tệp tin của ANPE/Pôle Emploi ghi nhận ít nhất tám loại thất nghiệp toàn thời gian hay ít hơn; nên chọn loại nào? (có thể bàn luận). Phương pháp được chọn để tính “con số chính thức” do các phương tiện truyền thông công bố mỗi tháng bị các nghiệp đoàn của người làm công ăn lương phê phán gay gắt. Tính dễ nhào nặn của định nghĩa thất nghiệp nuôi dưỡng nỗi nghi ngờ, luôn có mặt, là chính phủ diễn trò xảo thuật với con số.
Nhưng điều quan trọng đối với chủ ý của chúng tôi là, trong một cuộc tranh luận đặc biệt gay gắt vào mùa xuân 2007, một nhóm nghiên cứu và nhà hoạt động tích cực đã thử thoát ra khỏi cuộc tranh luận có tính lặp lại này để đề xuất một cách sử dụng khác hơn các nguồn dữ liệu. Nhóm này chủ trương đặt lên hàng đầu “những con số khác về thất nghiệp” (viết tắt là ACDC trong tiếng Pháp)[10]. Trang web của nhóm này viết rằng: “Vượt xa hơn những cuộc tranh cãi hiện nay, việc tìm kiếm “con số thất nghiệp thật sự” là vô vọng, vì những tình thế thất nghiệp, thiếu việc, việc làm bấp bênh là đa dạng và quan trọng là phải soi rọi các tình thế ấy bằng một số ít những chỉ báo xác đáng. Trong cách nhìn này, chúng tôi trình bày ở đây ước lượng đầu tiên, trong trường hợp của Pháp, số người làm công ăn lương bị thất nghiệp hay có việc làm không thích đáng theo nghĩa của ILO”[11].
Như vậy, ACDC phản bác ý niệm “con số thất nghiệp thật sự” và đề xuất lượng hóa một đại lượng khác, có ý nghĩa rộng hơn. Đây là một ý tưởng táo bạo, nhưng quá táo bạo đối với cuộc tranh luận khi nó được đề xuất. Thật vậy, ý niệm thất nghiệp để dấu ấn sâu đậm trong cuộc tranh luận xã hội ít ra là từ những năm 1930 (Salais et alii, 1986), trong mối liên kết với việc thể chế hóa lao động làm công ăn lương trong thế kỉ XX. Điều ACDC đòi hỏi quy lại là tính đến việc giải thể chế chế độ làm công ăn lương, được tăng tốc kể từ 1980 và rút ra hệ quả là đề xuất một chỉ báo thống kê khác. Nhưng để công cuộc đầy tham vọng này thành công, ACDC phải có một mạng đồng minh, khoa học, chính trị và hành chính quan trọng hơn. Thật vậy, bước nhảy vọt mà nhóm này đề nghị có bản chất hơn là việc tố cáo quá quen thuộc những thao túng tầm thường của các chính khách.
Lượng hóa sự nghèo khó cũng làm dấy lên tranh luận cùng kiểu và những đề xuất đối chọn. Thông thường, trong các nước châu Âu, tỉ suất nghèo khó gọi là “tương đối” được ước tính bằng tỉ phần các hộ có thu nhập thấp hơn một nửa trung vị của phân phối thu nhập. Trong nhiều nước khác, tỉ suất nghèo khó gọi là “tuyệt đối” được ấn định từ một ngưỡng thu nhập danh nghĩa (ví dụ, một đôla mỗi ngày). Không trở lại những cuộc tranh luận về ý nghĩa rất khác nhau của hai cách đo đạc trên, nhiều phê phán nhận xét rằng các chỉ số ấy không đủ để thể hiện tính phức tạp của những hiện tượng nghèo khó. Đặc biệt, tại Pháp, các vấn đề này được tranh luận trong khuôn khổ của Trung tâm quốc gia thông tin thống kê (CNIS), một định chế gồm các tác nhân xã hội có số đại diện bằng nhau và có tính tham khảo, nơi mà các chương trình làm việc của các bộ phận của thống kê công cộng được trình bày và thảo luận.
Từ 2004 đến 2007, thể theo yêu cầu của nhiều nhà hoạt động mà một số tham gia vào Mạng cảnh báo chống các bất bình đẳng (RAI) (Sujobert, 2012) nhiều suy tưởng đã được nêu lên ở CNIS. Năm 2002, nhóm này đã đề xuất một chỉ báo hằng năm, “phong vũ biểu những bất bình đẳng và nghèo khó”, gọi tắt là BIP40, một tổng hợp năm mươi tám chuỗi thống kê liên quan đến sáu chiều kích: việc làm, thu nhập, nhà ở, giáo dục, y tế và tư pháp. Chỉ báo này chịu cùng số phận như những đề xuất của ACDC, vì những lí do tương tự: mặc dù công sức quan trọng bỏ ra để xây dựng và giới thiệu nó nhưng các nhà trách nhiệm chính trị và các phương tiện truyền thông ít sử dụng nó và việc công bố nó dường như đã ngưng lại từ 2005.
Tuy nhiên, hai nửa thất bại này đồng thời cũng là hai nửa thành công. Chúng đã khơi lên nhiều cuộc thảo luận có ích, bắt nguồn từ sự dấn thân vô vị lợi, và đã hụt hơi vì đã không có bất kì định chế hàn lâm hay hành chính nào tiếp sức để đều đặn sản xuất những chỉ báo mới[12]. Nhưng các thử nghiệm này cho thấy, a contrario, đến độ nào những thống kê công cộng thiết chế nên hiện thực và rằng, ở cương vị ấy, có thể so sánh chúng với một Hiến pháp. Chúng là sản phẩm của công việc của một xã hội về bản thân xã hội đó và bao hàm trạng thái của những quan hệ xã hội ở một thời kì nhất định. Điều này không có nghĩa là các thống kê này đơn giản và thuần túy là biểu hiện của những nhóm thống trị (như người ta đã từng nói như thế) nhưng đúng hơn là chúng định hình một cấu hình lịch sử của những quan hệ xã hội bằng cách quy giản, đơn giản hóa và cách điệu hóa các quan hệ ấy bằng những trung giới dài và phức tạp theo những hình thái rất khó giải thể và thay đổi, như các dự án của ACDC và BIP40 cho thấy, cũng như là, như sẽ thấy dưới đây, định hình các phê phán sinh thái về tổng sản phẩm trong nước (GDP) và những đề xuất đối chọn những cách định lượng hóa khác về trạng thái kinh tế, xã hội và môi trường của xã hội, bằng cách xây dựng những “chỉ báo khác về sự giàu có”.
Những đề xuất đối chọn: thử nghiệm và thành công
Những điều kiện thành công của một sự đổi mới thống kê là gì? Chỉ có đổi mới về mặt kĩ thuật là không đủ. Đổi mới phải tương ứng với những cách tư duy và tổ chức mới các quan hệ xã hội và góp phần vào sự tồn tại của các quan hệ mới này; đồng thời mạng những nhà sáng tạo phải có đủ đồng minh để phổ biến sự đổi mới này. Lăng kính đọc thứ nhất có tính lịch sử vĩ mô, lăng kính đọc thứ hai có tính xã hội vi mô hơn. Nhưng cả hai cách đọc này không loại trừ nhau. Có thể xem xét bốn ví dụ vô cùng tương phản nhau, có ảnh hưởng và hệ quả xã hội và chính trị rất khác nhau: sự phổ biến hệ thống tài khoản quốc gia ở Pháp trong những năm 1950 và 1960, những toan tính phê phán GDP trong những năm 2000, việc theo dõi diễn biến tương đối của 1% các hộ giàu nhất, “bảng xếp hạng Thượng Hải” các đại học.
Trong những năm 1950, GDP được quan niệm như một mảnh của một thiết kế rộng lớn và phức tạp, thiết kế của những cân đối trong hệ thống tài khoản quốc gia. Hệ thống này nhằm cung cấp công cụ cho các chính sách keynesian. Lịch sử của sự sáng tạo này được ba tường thuật bổ sung nhau trình bày đầy đủ, như một trường hợp điển hình, theo cả hai chiều kích lịch sử vĩ mô và xã hội vi mô. FranVois Fourquet (1980) trình bày dự án hiện đại hóa thời hậu chiến dưới một dạng tiểu thuyết lịch sử, tập trung vào những cuộc trò chuyện với các nhân vật chính của thời ấy. Aude Terray (2002) mô tả bối cảnh thể chế của sự sáng tạo này. André Vanoli (2002), một trong những tác nhân chính, phân tích vào chi tiết sự hình thành và nội dung kĩ thuật của hệ thống tài khoản quốc gia. Người sáng lập hệ thống này, Claude Gruson, đã lãnh đạo Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE - Pháp) từ 1961 đến 1967. Kể từ những năm 1960, hệ thống tài khoản quốc gia trở thành khuôn khổ tổ chức của phần lớn hệ thống công cộng Pháp. Sự thành công này là do nó phù hợp với phương thức quản lí nền kinh tế thời bấy giờ. Được quan niệm vào lúc mà kế hoạch Marshall đã góp phần tái kiến thiết nước Pháp sau thế chiến, thống kê công cộng cung cấp một ngôn ngữ ad hoc cho việc kế hoạch hóa định hướng do Jean Monnet hình dung cũng như cho việc điều khiển các cân bằng kinh tế vĩ mô được tư duy bằng những khái niệm keynesian. Ba quyển sách nói trên giới thiệu những mặt bổ sung cho nhau của cái success story (câu chuyện thành công), đặc biệt là mạng nhỏ những nhân vật tập hợp xung quanh Jean Monnet, Pierre Massé, Claude Gruson và André Vanoli vốn ở đầu nguồn của câu chuyện thành công này.
Giữa những năm 1970, sự hài hòa tương đối này bước vào khủng hoảng. Lúc bấy giờ, tăng trưởng chậm lại, lạm phát và thất nghiệp đồng thời tăng lên, một điều mà các mô hình trước đó đã không dự báo. Lí thuyết keynesian bị một lí thuyết mới, lí thuyết những “dự kiến duy lí”, phế truất. Đặc biệt, lí thuyết mới khẳng định rằng mọi nỗ lực nhằm làm thay đổi diễn tiến của những cân bằng kinh tế vĩ mô bằng những hành động công cộng tất sẽ thất bại, trong chừng mực mà các tác nhân kinh tế dự kiến được các hiệu ứng của những hành động này và sẽ có những quyết định làm triệt tiêu chúng. Sự đổi mới lí thuyết này góp phần vào bước ngoặt lớn hướng về những chính sách tân tự do, và các chính sách mới thắng thế kể từ những năm 1980 (Jobert et alii, 1994). Từ đó, công cụ hệ thống quốc gia mất đi hào quang trước đó, nhưng lại có một vai trò mới vì, kể từ những năm 1980, GDP sẽ được sử dụng trước tiên để án định mức đóng góp của mỗi nước vào ngân sách của Liên minh châu Âu, rồi nhất là như cơ sở để tính các tỉ số do những “tiêu chí của hiệp định Maastricht” năm 1992 định ngưỡng. Điều này biến đổi sâu sắc bản chất của đại lượng này, nay không còn là một mảnh của một tập hợp phức tạp được xây dựng chung quanh “phương trình keynesian” của những cân bằng kinh tế vĩ mô tổng thể.
Rồi tiếp đó, trong những năm 2000, GDP lại thay đổi cương vị. Trong khuôn khổ của những cuộc tranh luận, đặc biệt do sự phê phán sinh thái học khởi xướng, về những nguy cơ của duy sản xuất luận (productivisme), và sự chuyển đổi tất yếu về mặt năng lượng và hiện tượng trái đất nóng lên, GDP trở thành một “chỉ báo về sự giàu có”, lần này tách biệt với bối cảnh nguyên thủy của nó là “bảng kinh tế tổng thể” (TEE), một bảng chặt chẽ và cân đối của hệ thống tài khoản quốc gia. Từ nay, người ta đòi hỏi GDP phải nói lên sức khỏe xã hội và môi trường của một đất nước. Sự phê phán GDP gắn liền với cương vị và vai trò mới của nó (Cassiers và Thiry, 2009). Trong phần kết luận quyển sách Những chỉ báo mới về sự giàu có, Jean Gadrey và Florence Jany-Catrice (2005) rõ ràng đặt song song giai đoạn những năm 1950 từng thấy sự thành công của hệ thống tài khoản quốc gia của Gruson với thời kì hiện nay. Họ cầu mong một sự đổi mới quan trong không kém của hệ thống thông tin kinh tế, mà đầu tàu là một dự án sinh thái rộng lớn có tầm vóc so sánh được với dự án hiện đại hóa của các nhà kế hoạch hóa thời hậu chiến. Sự so sánh này là lí thú vì nó đặt ra vấn đề mạng lưới những liên minh đủ loại khả dĩ biến dự án thành khả thi. Cho dù đánh giá nó là rất xác đáng thì so sánh này gợi ý rằng dự án có thể này còn xa mới tạo được sự đồng thuận tương tự như sự đồng thuận trong những năm 1950 (đặc biệt do cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 2008). So sánh sơ sài những thời kì vô cùng khác nhau cho thấy là thành công của phê phán xã hội thể hiện bằng ngôn ngữ thống kê không thể chỉ dựa trên tính đúng đắn của các luận chứng mà còn phụ thuộc rất lớn vào mạng lưới chính trị và xã hội trong đó phê phán này được lồng vào.
Ngược lại, có thể hình dung trường hợp của hai sáng tạo, tuy về bản chất và tầm quan trọng chính trị rất khác nhau nhưng lại có tầm ảnh hưởng quan trọng trong những năm 2000. Một là sự phổ biến cực nhanh của những quy chiếu về các “bảng xếp hạng đại học”, kể từ bảng xếp hạng của đại học Thượng Hải năm 2003. Sự mở rộng việc quản lí dựa trên benchmarking, nghĩa là sự tranh đua thường xuyên từ những chỉ báo định lượng, đã thay đổi sâu sắc các cách thực hành trong đại học, thống nhất các cách này chung quanh một mục tiêu duy nhất: leo cao trên bảng xếp hạng Thượng Hải (Espeland và Saunder, 2007; Bruno, 2008). Một phân tích xã hội học của sự biến đổi nhanh chóng này sẽ gồm hai mặt. Một mặt xã hội học vi mô theo dõi quỹ đạo của sự đổi mới, từ Trung Quốc, các tác nhân, các kênh chuyển tải, các cách diễn dịch lại từ lục địa này sang những lục địa khác. Mặt thứ hai, mang tính xã hội học vĩ mô hơn, sẽ phân tích là sự đổi mới này trên những điểm nào nhất quán với bước ngoặt tân tự do được tượng trưng bởi “đồng thuận Washington”, đặt cơ sở trên tự do thương mại và sự cạnh tranh toàn diện ở cấp độ toàn cầu.
Sáng tạo khác mà sự thành công có thể xem như mặt trái của việc toàn cầu hóa tân tự do, nghĩa là sự bùng nổ của những bất bình đẳng, với sự giàu lên đến chóng mặt của bộ phận giàu nhất trong các giai cấp thống trị. Gần như cùng lúc, ý tưởng của Thomas Piketty và một số nhà nghiên cứu Mĩ là đơn giản và độc đáo. Thay vì mô tả các phân phối thu nhập, như người ta thường làm trước đây, từ những thập phân vị (từng khoanh 10% một) các tác giả này “phóng to” vào bách phân vị (1%) giàu nhất, và ngay cả thiên phân vị (1 trên 1000) và vạn phân vị (1/10000) (Landais, 2007). Như vậy, họ cho thấy rõ là một phần cực nhỏ của dân chúng, tham gia vào việc toàn cầu hóa các trao đổi, đã giành lấy độc quyền lợi nhuận và như vậy tự tách mình hoàn toàn ra khỏi phần còn lại của thế giới. Điều này được thể hiện thành khẩu hiệu của “những người phẫn nộ” trong phong trào Occupy Wall Street (Contretemps, 2012). Trong một cận cảnh xã hội học vi mô, có thể tái hiện lại quỹ đạo đi từ những công trình của nhóm Piketty đến khẩu hiệu ở New York[13]. Thành công của sáng tạo này, bề ngoài có vẻ đơn giản, tiêu biểu cho những căng thẳng ngày càng có tính bùng nổ do toàn cầu hóa sinh ra.
Tài liệu tham khảo
Besnard P., 1934, Le Monde nouveau. Organisation d’une société anarchiste, Fédération anarchiste, Paris.
Bruno L., 2008, À vos marques, prêts … cherchez! La stratégie européenne de Lisbonne, vers un marché de la recherche, Édition du Croquant, Bellecombe-en-Bauges.
Cassiers I và Thiry G., 2009, “Au-delà du PIB, réconcilier ce qui compte et ce que l’on compte”, Regards économiques, n075, décembre 2009, Institut de recherches économiques et sociales (IRES)
Contretemps, 2012, Indignés, d’Athènes à Wall Street, échos d’une insurrection des consciences, La Découverte/Zones, Paris.
Desrosières A., 2003b, “Du travail à la consummation: l’évolution des usages des enquêtes sur le budget des familles”, Journal de la Société franVaise de statistique, vol. 144, n01-2, p. 75-111.
Espeland W. và Saunder M., 2007, “Rankings and Reactivity, How Public Measures Recreate Social World”, American Journal of Sociology, n0113, p. 1-40.
Fourquet F., 1980, Les comptes de la puissance. Histoire de la comptabilité nationale et du Plan, Recherches, Paris.
Gadrey J. và F. Jany-Catrice, 2005, Les nouveaux indicateurs de richesse, La Découverte, coll. Repères, Paris.
Hacking I., 1999, The Social Construction of What?, Harvard University Press, Cambridge (traduction franVaise: Entre science et réalité. La construction sociale de quoi?, La Découverte, Paris, 2001).
Halbwachs H., 1913, La classe ouvrière et les niveaux de vie, Alcan, Paris.
Horne J., 2004, Le musée social. Aux origines de l’État-providence, préface de P. Rosanvallon, Belin, Paris.
Jobert J. et alii, 1994, Le tournant néoliberal en Europe. Idées et recettes dans les pratiques gouvernementales, L’Harmattan, Paris.
Kevles D. J., 1995, Au nom de l’eugénisme. Génétique et politique dans le monde anglo-saxon, PUF, Paris.
Landais L., 2007, “Les hauts revenus en France (1998-2006). Une explosion des inégalités?”, École d’économie de Paris.
Mespoulet M., 2001, Statistique et révolution en Russie. Un compromis impossible (1880-1930), Presses universitaires de Rennes, Rennes.
Porter T., 1995, Trust in Numbers. The Pursuit of Objectivity in Science and Public Life, Princeton University Press, Princeton.
Salais R., Baverez N. và Reynaud B., 1986, L’invention du chômage, PUF, Paris.
Samuel B., 2012, La crise de 2009 en Guadeloupe. Le rôle des statistiques dans le dialogue social, Agence franVaise de développement, collection Focales, n011, Paris.
Sujobert B., 2012, “La société peut-elle intervenir sur le programme de la statistique publique? Le CNIS en tant que lieu et outil d’élaboration et de confrontation des attentes sociales et des projets de la statistique publique”, communication au séminaire EHESS “Politique des statistiques, 6 mars.
Terray A., 2002, Des francs-tireurs aux experts. L’organisation de la prévision économique au ministère des Finances, 1948-1968, Ministère de l’Économie, des Finances et de l’Industrie, Comité pour l’histoire économique et financière de la France, Paris.
Vanoli A., 2002, Une histoire de la comptabilité nationale, La Découverte, Paris (traduction anglaise: A History of National Accounting, IOS Press, Amsterdam, 2005).
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “La statistique, outil de libération ou de pouvoir?” của Alain Desrosières trong Prouver et gouverner. Une analyse politique des statistiques publiques, Paris, La Découverte, 2014, trang 70-84.
[1] Chương này bắt nguồn từ bài thuyết trình tại ngày “Statactivisme” tại Maison de l’architecture, Paris, 15 tháng 5 năm 2012↩
[2] Điều ngày nay gây gạc nhiên là lăng kính đọc “duy khoa học” này được nhiều nhà xã hội chủ nghĩa thời ấy ủng hộ, và còn có tiếng vang ngay cả ở Liên Xô trong những năm 1920 và 1940 (Kevies, 1995).↩
[3] Maurice Halbwachs (1913) sẽ sử dụng rộng rãi (và ca ngợi) các cuộc điều tra này trong luận án của ông về Giai cấp công nhân và các mức sống. ↩
[4] Bảo tàng ít người biết này là nơi lưu trữ và gìn giữ kí ức của phong trào công nhân và các cuộc điều tra của phong trào này, dưới sự thúc đẩy của Colette Chambelland và Francoise Blum (Horne, 2004). Xem lịch sử của nó: “Histoire et présentation de la bibliothèque”↩
[5] Xem tiểu sử của Pelloutier tại trạm tự do vô chính phủ (libertaire)↩
[6] Vai trò này của thống kê trong một tổ chức tự do vô chính phủ liên bang cũng được Pierre Besnard trình bày trong “Le fédéralisme libertaire”, 2 tháng 9 năm 1946 ↩
[7] Bước chuyển (bi thảm) của một nền thống kê được quan niệm trong một xã hội tư bản chủ nghĩa sang việc triển khai nó trong một xã hội kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa được Martine Mespoulet (2001) phân tích một cách tinh tế cho trường hợp của Liên Xô trong những năm 1920 và 1930.↩
[8] Boris Samuel (2012) cung cấp một nghiên cứu chi tiết về một tình thế xung đột như vậy khi mà luận chứng thống kê vừa được nêu bật vừa bị phản bác trong cuộc xung đột về “pwofitasyon” ở Guadeloupe năm 2009.↩
[9] Một tóm tắt sáng sủa và dễ tiếp cận được Centre national de documentation pédagogique cung cấp: “Mesures du chômage”↩
[10] Hoạt động của nhóm ACDC được Juliette Raynal mô tả trong “Le collectif ACDC décortique à nouveau les chiffres du chômage”, Institut pour le développement de l’information économique et sociale (IDIES), 5 tháng 4 2011.↩
[11] (http://acdc2007.free.fr)↩
[12] Trái lại, song song với sáng kiến Mạng lưới cảnh báo những bất bình đẳng kinh tế, một Trạm quan sát những bất bình đẳng được thành lập năm 2003 và vẫn còn hoạt động mười năm sau.↩
[13] Cảm ơn Cécille Brousse đã tái hiện lại lộ trình từ những công trình hàn lâm đến khẩu hiệu chính trị.↩
[14] Alain Desrosières (1940-2013), cựu sinh viên Trường Bách Khoa Paris, chuyên gia của Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE / Tổng cục thống kê Pháp), nhà xã hội học và sử gia thống kê học, thành viên của Trung tâm Alexandre Koyré (CNRS-EHESS / Trung tâm nghiên cứu khoa học - Trường Cao học các khoa học xã hội) về lịch sử các khoa học, nổi danh trong cộng đồng khoa học với tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng: Chính sách các số lớn. Lịch sử lí tính thống kê (1993) [sắp xuất bản].↩