13.9.19

Di sản của Friedrich List


DI SẢN CỦA FRIEDRICH LIST: HỆ THỐNG TÁI SẢN XUẤT MỞ RỘNG VÀ LỊCH SỬ CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA HÀN QUỐC

Bogang Jun (Đại học Hohenheim, Đức)
Alexander Gerybadze (Đại học Hohenheim, Đức)
Tai-Yoo Kim (Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc)
ISSN 2364-2076 (bản in)
ISSN 2364-2084 (bản Internet)
Các bài tham luận của Đại học Hohenheim về Kinh doanh, Kinh tế và Khoa học Xã hội nhằm cung cấp kết quả nghiên cứu của Khoa Kinh doanh, Kinh tế và Khoa học Xã hội Xã hội cho công chúng để khuyến khích thảo luận khoa học và khuyến nghị sửa đổi. Các tác giả chỉ chịu trách nhiệm về các nội dung không nhất thiết phải đại diện cho ý kiến của Khoa Kinh doanh, Kinh tế và Khoa học Xã hội [Đại học Hohenheim, Đức].
---
Di sản của Friedrich List: Hệ thống Tái Sản xuất Mở rộng và Lịch sử Công nghiệp hóa của Hàn Quốc
Bogang Jun, Alexander Gerybadze, Tai-Yoo Kim
Tóm tắt
Friedrich List (1789-1846)

Nghiên cứu này xem xét lại lý thuyết của Friedrich List từ quan điểm toàn diện và hiện đại hơn cũng như áp dụng nó vào lịch sử công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Mặc dù List nổi tiếng là học giả kiên định việc bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ, nhưng lập luận của ông về chủ nghĩa bảo hộ là một phần của bức tranh rộng lớn hơn được mô tả trong cuốn Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia [The National System of Political Economy] (1841). Nghiên cứu này dựa trên di sản về lý thuyết của ông trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Mặc dù chúng ta có thể thấy rằng lý thuyết của ông có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu như hệ thống đổi mới quốc gia (national innovation system), khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia (national competitiveness) và lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state), nhưng các nghiên cứu này đã không lĩnh hội được tất cả các lập luận của List. Ngoài ra, các mô hình nghiên cứu [chịu ảnh hưởng từ lý thuyết của List] chú trọng việc giải thích các hiện tượng phát triển có tính lịch sử và khu vực mà không cung cấp các nguyên tắc chung của sự phát triển kinh tế đằng sau các hiện tượng đó. Vì thế, nghiên cứu này nhằm mục đích khuyến nghị hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) như là một phiên bản tổng quát và hiện đại của lý thuyết của List cũng như đưa ra ví dụ minh họa về nó thông qua lịch sử công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Vì thế, chúng tôi cho rằng Hàn Quốc đã đạt được sự phát triển kinh tế thông qua việc áp dụng lý thuyết của List vào thực tiễn.
Từ khóa: Friedrich List, Phát triển Kinh tế, Lịch sử Kinh tế Hàn Quốc, Chính sách Kinh tế
Bogang Jun: Viện Kinh tế, Đại học Hohenheim, D-70593 Stuttgart, Đức. Email: Bogang_Jun@uni-hohenheim.de
Alexander Gerybadze: Viện Marketing & Quản trị, Đại học Hohenheim, D-70593 Stuttgart, Đức.
Tai-Yoo Kim: Chương trình Quản lý Công nghệ, Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Seoul, Seoul 151746, Hàn Quốc.
1. Dẫn nhập
Friedrich List nổi tiếng với những ý tưởng bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ. Tuy nhiên, lập luận của ông về bảo hộ chỉ là một phần của một loạt các ý tưởng rộng lớn hơn của ông liên quan đến hệ thống kinh tế quốc gia. Thật vậy, Henderson (1983) đã đúng khi chỉ ra rằng việc mô tả List chỉ đơn giản như một “người theo chủ nghĩa bảo hộ” không thể bao quát đầy đủ phạm vi đóng góp rộng lớn của ông.
Công trình chính của List với tư cách là một nhà kinh tế chính là cuốn Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia (1841). Chính trong chuyên khảo này, List đã nêu rõ những ý tưởng quan trọng về học thuyết kinh tế quốc gia, giới thiệu sức mạnh sản xuất và lý thuyết về các giai đoạn phát triển. Từ các lý thuyết này, ông đã khuyến nghị hàm ý chính sách cho đất nước của ông - nước Đức - đang ở giai đoạn đầu của tiến trình công nghiệp hóa vốn tụt hậu so với nước Anh đương thời. Chính sách khuyến nghị của ông cho nước Đức bao gồm bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ vừa như một phương cách thúc đẩy sức mạnh sản xuất của quốc gia vừa như một phần của chương trình hành động khác trong bối cảnh lịch sử [đương thời] của nước Đức để giúp kích thích giai đoạn phát triển của đất nước. Vì thế, điều quan trọng đối với các độc giả [thời nay] là việc nghiên cứu lý thuyết của ông với quan điểm toàn diện hơn, thay vì tập trung hạn hẹp vào các khuyến nghị của ông cho kế hoạch hành động của nước Đức.
Ngoài ra, các điều kiện chính trị và kinh tế hiện tại không tính đến việc áp dụng đơn giản hàm ý chính sách do ông khuyến nghị, cụ thể là về bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ. Bởi vì đặc trưng của thế kỷ 21 là các xã hội công nghiệp tiên tiến cùng với xu hướng toàn cầu hóa, nên chính sách công nghiệp chủ trương bảo hộ của ông - đã phát triển trong kỷ nguyên công nghiệp hóa đầu tiên - không thể được áp dụng giản đơn mà không có sự hiểu biết toàn diện hơn về lý thuyết của ông (Soete, Verspagen và Weel 2010). Hơn nữa, do mức độ phức tạp cao về công nghệ và khoa học của thế kỷ 21, việc bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ – chính sách được xem là đóng góp đặc trưng của List – không còn đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, và cũng không làm cho một quốc gia [theo sau] “bắt kịp” với các quốc gia dẫn đầu về công nghiệp.
Vì thế, việc nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện hơn về lý thuyết của List, thay vì chỉ là kế hoạch hành động chính sách của ông được thiết kế dành riêng cho nước Đức vào giữa thế kỷ 19, sẽ cung cấp một bức tranh hữu ích hơn nhiều có thể áp dụng cho nền kinh tế hiện tại. Nghiên cứu này giới thiệu lý thuyết của ông với quan điểm toàn diện và hiện đại hơn và sau đó cố gắng nắm bắt bức tranh rộng lớn của lý thuyết đó. Chúng tôi khảo sát di sản lý thuyết của ông trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Mặc dù chúng ta có thể tìm thấy ảnh hưởng về mặt lý thuyết của ông trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như hệ thống đổi mới quốc gia, khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia và lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển, nhưng các nghiên cứu này đều không lĩnh hội được tất cả các lập luận của List. Ngoài ra, các mô hình nghiên cứu [chịu ảnh hưởng từ lý thuyết của List] chú trọng việc giải thích các hiện tượng phát triển có tính lịch sử và khu vực mà không cung cấp các nguyên tắc chung của sự phát triển kinh tế đằng sau các hiện tượng này. Vì thế, nghiên cứu này nhằm mục đích khuyến nghị hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS - expansive reproduction system) là một phiên bản tổng quát và hiện đại của lý thuyết của List cũng như để đưa ra ví dụ minh họa của nó thông qua lịch sử công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Cuối cùng, chúng tôi cho rằng Hàn Quốc đã đạt được sự phát triển kinh tế thông qua việc áp dụng lý thuyết của List vào thực tiễn.
Phần còn lại của bài nghiên cứu này được trình bày như sau. Trong phần 2, chúng tôi tóm tắt và diễn giải lại lý thuyết của List từ góc độ toàn diện. Phần 3 trình bày các cơ sở lý thuyết liên quan chịu ảnh hưởng của List. Phần 4 giới thiệu một mô hình mới bao trùm toàn bộ bức tranh của List và Phần 5 cung cấp một ví dụ về mô hình thông qua lịch sử phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Phần 6 rút ra nhận xét kết luận.
2. Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia
a) Phương pháp Hệ thống Động
Adam Smith (1723-1790)
Như tiêu đề cuốn sách của ông chỉ ra, lập luận và lý thuyết của List dựa trên cách tiếp cận hệ thống động. Hàm mục tiêu của ông là sự phát triển của hệ thống, thay vì tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng hay lợi nhuận ngắn hạn của công ty. Trong chương đầu tiên của cuốn Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia (1841), List đã xác định phạm vi của hệ thống là nền kinh tế quốc gia, chỉ trích phạm vi của hệ thống của Adam Smith là nền kinh tế thế giới. Vì thế, hàm mục tiêu của ông là sự phát triển của hệ thống kinh tế chính trị của “quốc gia”. Mục tiêu này một lần nữa được khẳng định rõ ràng khi List giải thích khái niệm sức mạnh sản xuất, nhấn mạnh rằng quốc gia hay cá nhân nên hy sinh, hay thậm chí từ bỏ, tài sản vật chất trước mắt của họ để nền kinh tế quốc gia phát triển hơn trong tương lai. (List 1885, trang 370)
List cũng giải thích rằng sức mạnh sản xuất - một khái niệm trọng yếu trong lý thuyết của ông sẽ được giải thích chi tiết hơn nữa trong bài viết này - là có tính động. Đối với câu hỏi, “sức mạnh [sản xuất] quan trọng hơn của cải. Và tại sao?”. List đã trả lời, “chỉ đơn giản là vì sức mạnh quốc gia là một NGUỒN LỰC CÓ TÍNH ĐỘNG (DYNAMIC FORCE) mà nhờ đó các nguồn lực sản xuất mới được mở ra, và vì nguồn lực sản xuất là thân cây mà trên nó sinh ra của cải và vì cây sinh trái có giá trị hơn chính bản thân trái” (List 1885, trang 46).
Theo quan điểm động này, việc nghiên cứu về lịch sử - vốn xem xét tiến trình phát triển của một quốc gia - vì thế trở nên quan trọng. List tin rằng tri ​​thc - đóng vai trò quan trọng đối với của cải quốc gia - đã được tích lũy theo thời gian và rằng “tình trạng hiện tại của các quốc gia là kết quả của sự tích lũy của tất cả các phát minh, cải tiến, hoàn thiện và nỗ lực phát triển của tất cả các thế hệ đi trước.” (List 1885, trang 140) Theo nghĩa này, việc hiểu được sự phát triển của các quốc gia cũng đòi hỏi một nghiên cứu về lịch sử. Theo đó, List đã cố gắng kết hợp nghiên cứu lịch sử vào công trình của mình.
Khi trình bày cách tiếp cận hệ thống, List cho rằng của cải của một quốc gia không được quyết định bởi một yếu tố đơn lẻ. Thay vào đó, sự phát triển quốc gia là kết quả của các tương tác phức tạp giữa các yếu tố kinh tế, thể chế và chính trị. List nhấn mạnh chu kỳ phản hồi giữa các cá nhân, thể chế xã hội và môi trường kinh tế. “Các cá nhân có được phần lớn sức mạnh sản xuất từ các thể chế xã hội và các hoàn cảnh mà họ được đặt vào đó”, ông viết, thêm vào đó “các sức mạnh sản xuất - và vì thế của cải của các cá nhân - tăng theo tỷ lệ với các quyền tự do do mức độ hoàn hảo của thể chế chính trị và xã hội mang lại, trong khi đó, mặt khác, các quyền tự do này mang lại vật chất và tác nhân kích thích để các cá nhân cải thiện hơn nữa từ sự gia tăng của cải vật chất và sức mạnh sản xuất của các cá nhân.” (List 1885, trang 107)
Phương pháp tiếp cận hệ thống động của List được thể hiện rõ trong lý thuyết về các giai đoạn phát triển của ông. Quan điểm động và có hệ thống của ông chắc chắn đã giới thiệu đặc điểm phân cấp của các cấp độ phát triển giữa các quốc gia. Điều này rất quan trọng, bởi nếu các nhà hoạch định chính sách hay các nhà kinh tế không xem xét sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các quốc gia, thì chính sách của họ vốn phù hợp với các quốc gia công nghiệp hóa hoàn toàn cũng có thể bị xem như một giải pháp cho một quốc gia nông nghiệp. Vì thế, lý thuyết của List có một thành phần dọc, hay ngầm chứa biến nhà nước biểu thị trình độ phát triển của nền kinh tế quốc gia. List cho rằng biến nhà nước này nên được xem xét khi một chính sách được thực thi, đặc biệt là so sánh trường hợp của nước Anh và của nước Đức. Hơn nữa, List nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia đều hướng đến việc leo lên các giai đoạn phát triển cao hơn, thay vì giữ nguyên hiện trạng của cải hiện tại.
b) Sức mạnh sản xuất
List khẳng định rằng để một quốc gia đạt được trình độ phát triển cao hơn, thì quốc gia ấy cần phải tăng cường sức mạnh sản xuất. Mặc dù List không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ “sức mạnh sản xuất” (productive power), nhưng khái niệm này có thể được hiểu thông qua các giải thích mô tả của ông. Thuật ngữ này, về sau, cho phép chúng ta hiểu toàn diện hơn về ý tưởng của ông.
Theo Henderson (1983), sức mạnh sản xuất, theo nghĩa rộng, “bao gồm các thể chế chính trị, hành chính và xã hội, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực, cơ sở kinh tế công nghiệp và các công trình công cộng” (Henderson 1983, trang 160). Levi-faur (1997) cũng tóm tắt khái niệm sức mạnh sản xuất, giải thích rằng sức mạnh sản xuất bao gồm ba loại vốn: vốn thiên nhiên, vốn vật chất và vốn tinh thần. Tương tác giữa ba loại vốn này tạo nên của cải của các quốc gia.
List tin rằng sức mạnh sản xuất không chỉ chịu tác động bởi một yếu tố, như các lý thuyết tăng trưởng hiện nay nhấn mạnh, mà là kết quả của [yếu tố] hệ thống hoạt động tốt và [yếu tố] động lực phát triển hệ thống hơn nữa. Theo hiểu biết của ông, miễn là hệ thống tiếp tục kích thích sức mạnh sản xuất và các chính sách đã giúp hệ thống tiếp tục làm như vậy, thì “sức mạnh làm gia tăng sức mạnh và nguồn lực sản xuất làm gia tăng nguồn lực sản xuất.” (List 1885, trang 46). Đây là cách ông giải thích cho sự thành công của nền kinh tế Anh. Ông còn cho rằng một khi một quốc gia mất đi sức mạnh sản xuất, nó trở nên nghèo nàn và khốn khổ. Lấy ví dụ về sự suy yếu trong lịch sử của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các thành phố Hanseatic và các quốc gia-thành phố (city-state) của Ý, ông kết luận rằng “sức mạnh của việc sản xuất ra của cải vì thế chắc chắn quan trọng hơn so với chính bản thân của cải.” (List 1885, trang 133)
Vậy thì, làm thế nào mà một quốc gia có thể xây dựng sức mạnh sản xuất của nó? List đã đưa ra không chỉ một, mà là một số yếu tố có thể xây dựng nên sức mạnh này, từ việc phát triển văn hóa cho đến việc thực thi các chính sách phù hợp. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính phủ/chính sách trong việc mang lại các yếu tố này và khuyến nghị rằng việc bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ, và nhiều yếu tố bao gồm hệ thống có thể phát triển trong tương tác với nhau. Khi thúc đẩy sự tương tác tích cực giữa các thành phần, các ý tưởng của ông liên quan đến tiến bộ công nghệ, giáo dục và tái đầu tư của cải là nổi bật nhất, đặc biệt là trong mắt của một nhà kinh tế thời nay.
c) Tiến bộ công nghệ và giáo dục
Jean Baptiste Say (1767−1832)
List là một trong những học giả đầu tiên nhận ra năng suất của công trình trí tuệ, mối liên hệ giữa công trình hữu hình với công trình vô hình cũng như “sự tương tác có hệ thống giữa khoa học, công nghệ và kỹ năng trong tiến trình tăng trưởng [kinh tế] của quốc gia” (Wendler 2014; Soete, Verspagen và Weel 2010). Ông đã chỉ trích Adam Smith và Jean Baptiste Say vì không phân biệt vốn tinh thần - bao gồm kỹ năng, quá trình đào tạo và chí tiến thủ - ra khỏi vốn vật chất, mà ông hiểu đây chỉ là máy móc, nguyên liệu thô và dụng cụ. Theo thuật ngữ hiện đại, chúng ta có thể nói rằng List đã tập trung chú ý đến vai trò quan trọng của công nghệ, khoa học và thể chế trong việc thúc đẩy sức mạnh sản xuất của một quốc gia và cuối cùng là sự phát triển kinh tế.
Hơn nữa, theo Soete, Verspagen và Weel (2010), List có thể là nhà kinh tế đầu tiên khẳng định rằng có tồn tại mối tương quan giữa khoa học/công nghệ, giáo dục với công nghiệp. Nếu không có mối liên hệ cụ thể giữa khoa học và công nghệ - ông tin như thế - thì ngành công nghiệp không thể hưởng lợi được từ các cải tiến trong quá trình sản xuất và từ các sản phẩm do quá trình sản xuất đó tạo ra. Vì thế, sức mạnh về khoa học và công nghệ là điều kiện cần thiết để thiết lập các ngành công nghiệp hùng mạnh trong một quốc gia.
Để xây dựng sức mạnh về khoa học và công nghệ, List cũng lập luận về tầm quan trọng của giáo dục và vốn con người. Levi-faur (1997) chỉ ra rằng List là một trong những nhà kinh tế đầu tiên tập trung vào vốn con người và chính sách nhằm tăng cường vốn con người. List xem giáo dục như một yếu tố sản sinh ra những con người tạo ra vốn tinh thần. List chỉ trích mạnh mẽ Adam Smith và Jean Baptiste Say vì họ xem một người nuôi lợn là người có ích lợi, trong khi xem những người như giáo viên, quản trị viên, luật sư hay thậm chí là những người trí thức như Newton hay Watt chẳng có ích lợi bằng một con lừa về giá trị trao đổi. List cho rằng mặc dù những người này không thể tạo ra giá trị trao đổi ngay lập tức, nhưng họ đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sức mạnh sản xuất của một quốc gia. Thật vậy, một trục quan trọng trong lý thuyết của List về sức mạnh sản xuất chính là vốn con người và sự đầu tư vào giáo dục nhằm khuyến khích và tăng cường hơn nữa vốn con người. Ông giải thích: “Tất cả các khoản chi tiêu dành cho việc đào tạo thế hệ trẻ, thúc đẩy công lý, tăng cường quốc phòng đều là một sự tiêu thụ giá trị hiện tại vì lợi ích của sức mạnh sản xuất”. “Phần lớn nhất trong tiêu dùng quốc gia được sử dụng cho giáo dục thế hệ tương lai, nhằm thúc đẩy và nuôi dưỡng sức mạnh sản xuất quốc gia trong tương lai.” (List 1885, trang 139)
Justus von Liebig (1803-1873)
Robert Fulton (1765-1815)
Các kỹ sư - những người có kỹ năng và công nghệ - cùng với các thương nhân, đều là những chủ thể quan trọng trong lý thuyết của List. Khi nghiên cứu sự suy yếu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, ông chỉ ra rằng sự kiện trục xuất những người Do Thái và người Moors ra khỏi bán đảo Iberia là một trong những lý do khiến Tây Ban Nha suy yếu vào cuối thế kỷ 15 và 16. List xem sự kiện trục xuất này như một sự tống cổ sức mạnh sản xuất ra khỏi ​​Tây Ban Nha. Ông cũng gii thích rng quá trình công nghip hóa ca nước Anh gn lin vi phong trào lao động có kỹ năng và tư bản. Vào thế kỷ 15, List giải thích, nước Anh đã mời lao động có kỹ năng trong ngành sợi len để thúc đẩy khu vực sản xuất chế tạo của họ. Đồng thời, vì cuộc Cải cách ở châu Âu lục địa, nhiều người lao động có kỹ năng và người có tư bản tích lũy cũng chuyển đến nước Anh. Những người này cùng nhau trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của nước Anh. Theo Wendler (2014), các kỹ sư, nhà khoa học và lao động có kỹ năng, như Robert Fulton và Justus von Liebig, là “những người hùng của kỉ nguyên mới” (trang 188) đối với Friedrich List. List cảnh báo rằng quốc gia nào bỏ bê việc giáo dục thế hệ trẻ, hay không thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy mới thì không có hy vọng phát triển. List nhấn mạnh rằng trong tiến trình phát triển của một quốc gia, vai trò của những người có học và kỹ sư là rất cần thiết.
d) Hình thành thị trường vững chắc: xây dựng đường sắt và nền tảng của Zollverein
Trong cuốn Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia (1841), List nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng là nền tảng cho sự phát triển quốc gia, và một thị trường vững chắc được phát triển trên nền tảng đó. Thậm chí ông đã nỗ lực áp dụng lý thuyết của mình vào thực tiễn bằng việc trở thành ‘người tiên phong trong lĩnh vực đường sắt’, chủ động tham gia vào chiến dịch thành lập Zollverein [Liên minh Thuế quan Đức]. List đã hỗ trợ không ngừng cho sự hình thành của Zollverein. Ông nhấn mạnh rằng, “Zollverein phải áp dụng mức thuế bảo hộ để đảm bảo thị trường nội địa cho các nhà sản xuất Đức.” (Henderson 1983, trang 100)
Theo Henderson (1983), List nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng đường sắt khi ông đến thăm các bang New England và Pennsylvania [Hoa Kỳ] vào năm 1824. Ở bang New England, ông đã thấy việc xây dựng đường sắt có tác động lớn đến sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương. Ông cũng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt ở một vùng khai thác than của bang Pennsylvania.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, List đã xuất bản một bài báo trên tờ tuần báo của Đức Reading Adler, nói rằng cơ sở hạ tầng giao thông như kênh đào và đường sắt dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Một lần nữa trong cuốn Hệ thống [Kinh tế Chính trị] Quốc gia của ông, List chỉ ra rằng cơ sở hạ tầng giao thông được thiết lập tốt là gốc rễ của sự thành công của nền kinh tế của người Anh. Ông lập luận rằng, vai trò của giao thông là rất quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh sản xuất (Henderson 1983).
Do đó, trong lý thuyết của List về sự phát triển của quốc gia, một thị trường vững chắc là do cơ sở hạ tầng giao thông được trang bị tốt, vì thế chúng chiếm một vị trí quan trọng, bằng chứng là sự tham gia tích cực và ủng hộ nhiệt tình của ông dành cho các công trình đường sắt và Zollverein.
e) Tái đầu tư của cải
List đã làm rõ trong lý thuyết phát triển quốc gia của ông rằng hướng của dòng tư bản là một thành phần quan trọng. Bằng cách này, ông không nói đến tích lũy của cải ngay lập tức, mà là nói đến việc tăng cường sức mạnh sản xuất thông qua việc tái đầu tư tư bản tích lũy. Trong nghiên cứu về sự suy yếu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, List giải thích rằng việc một lượng lớn kim loại quý hiếm được nhập khẩu vào các quốc gia này đã được chi tiêu ngay lập tức để mua các hàng hóa do nước ngoài sản xuất chế tạo hay mua các mặt hàng xa xỉ, thay vì được sử dụng để xây dựng sức mạnh sản xuất. List không tập trung vào của cải tích lũy, mà vào nơi mà của cải tích lũy được đổ vào. List tin rằng để hướng đến một quốc gia phát triển, thì của cải và các nguồn lực phải được tái đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và các yếu tố khác có thể góp phần tăng cường sức mạnh sản xuất quốc gia.
g) Vai trò của chính sách
Chủ đề chung luôn có mặt trong các lập luận của List là vai trò cơ bản của chính phủ trong việc tăng cường sức mạnh sản xuất của một quốc gia và phát triển hệ thống [kinh tế chính trị] quốc gia. Cụ thể hơn, List khẳng định rằng sự kích thích từ chính phủ là rất quan trọng trong việc chuyển đổi một quốc gia tiến lên một giai đoạn phát triển cao hơn, ví dụ từ nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, ông tuyên bố, chính phủ phải cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, khuyến khích nhà đầu tư, tìm thấy các trường đào tạo và các trường đại học, thực hiện trợ cấp cho ngoại thương, và tạo ra những cơ sở tín dụng cho các doanh nhân để giúp chuyển đổi quốc gia sang giai đoạn phát triển hơn.
Khi xem xét trường hợp của nước Đức về các hàm ý chính sách cụ thể, List chỉ ra rằng vì Đức chưa được công nghiệp hóa hoàn toàn và bị tụt hậu so với nước Anh, nên phải thực thi các công cụ đặc biệt và thích đáng nhằm phát triển và cạnh tranh với nền kinh tế của nước Anh. Những công cụ được hiểu là các chính sách. Bởi vì nước Anh ở giai đoạn phát triển cao nhất, nó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà không cần sự bảo hộ của chính phủ. Trên thực tế, người Anh được hưởng lợi từ thương mại tự do. Để bắt kịp “uy quyền tối cao” của người Anh, List cho rằng, các quốc gia theo sau như Đức nên áp dụng các chính sách nhằm bù đắp cho tình trạng lạc hậu của mình trong cuộc cạnh tranh. Tóm lại, do trình độ phát triển khác nhau giữa các quốc gia, nên List đã nhìn thấy vai trò bắt buộc của chính phủ trong phát triển quốc gia.
3. Tổng quan Tài liệu: Di sản lý thuyết của Friedrich List
Lĩnh vực nghiên cứu đầu tiên kế thừa Di sản List là dòng chảy nghiên cứu về Hệ thống Đổi mới Quốc gia (NIS). Mặc dù NIS không có nguồn gốc trực tiếp từ lý thuyết của List (B.-Å. Lundvall và cộng sự, 2002), các nhà kinh tế đã nhận xét rằng “cuốn sách của List có tiêu đề The National System of Political Economy [Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia] cũng có thể gọi là The National System of Innovation [Hệ thống Đổi mới Quốc gia], bởi vì hệ thống đổi mới quốc gia của List nhấn mạnh vai trò của nhà nước như một tác nhân điều phối trong sự tương tác có hệ thống giữa sự phát minh, nghiên cứu, công nghệ, học tập và đổi mới (Soete, Verspagen và Weel 2010).
Các nghiên cứu theo quan điểm của Hệ thống Đổi mới Quốc gia (NIS) thống nhất với lý thuyết của List về ranh giới hệ thống, đó là nền kinh tế quốc gia. Niosi và cộng sự (1993) chỉ ra rằng khái niệm NIS hoàn toàn chấp nhận tầm quan trọng của thành phần có tính hệ thống bên trong quốc gia hơn các thành phần có tính hệ thống của quốc tế, bởi vì trong phạm vi quốc gia, có sự chia sẻ chung thị trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; có sự tương tác thường xuyên hơn giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất; có sự độc lập về kỹ thuật; có sự liên kết và yếu tố quyết định phụ thuộc vào chính trị, tức là chính sách công nghệ.
Một lý do khác để xem Hệ thống Đổi mới Quốc gia (NIS) là hệ thống kế thừa lý thuyết từ lý thuyết của List là cách NIS cung cấp khung nghiên cứu vai trò của chính phủ trong việc tạo ra tri ​​thc mi và dn dt phát trin/tăng trưởng kinh tế. (B.-Å. Lundvall và cộng sự, 2002; B. Å. Lundvall 2007; Soete, Verspagen và Weel 2010). Tuy nhiên, như Lundvall (2007) đã chỉ ra, nếu không có định nghĩa rộng về NIS, thì thật khó để tìm thấy liên kết giữa sự đổi mới và sự phát triển kinh tế, đó là một trong những ý tưởng chính của List. Mặc dù Freeman (1987) lần đầu tiên đưa ra khái niệm NIS theo nghĩa rộng, nhằm giải thích về quá trình bắt kịp cũng như về sự phát triển kinh tế, nhưng trong nghiên cứu hiện tại tôi tập trung nhiều hơn vào một “định nghĩa hẹp về Hệ thống Đổi mới Quốc gia (NIS)”. Định nghĩa hẹp về NIS này không nắm bắt được toàn bộ lập luận của List, bởi vì chức năng mục tiêu của NIS không phải là sự phát triển kinh tế của một quốc gia, mà là tối đa hóa việc tạo ra tri ​​thc mi. Hơn na, mc dù vic to ra tri ​​thc mi là cn thiết để mt quc gia tr thành quc gia dn đầu công ngh, chc năng khách quan này không phù hp vi nhiu quc gia vn còn mc kt trong by Malthusian[*] (B. Å. Lundvall 2007; B.-Å. Lundvall và cộng sự, 2002). Để nắm bắt các ý tưởng về phát triển [kinh tế] của List, bao gồm cả quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, vì thế cần phải tiến hành nghiên cứu dựa trên việc sử dụng định nghĩa rộng về NIS làm khung nghiên cứu.
Chúng ta cũng có thể tìm thấy di sản của Friedrich List trong khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia, tương tự như khái niệm sức mạnh sản xuất. Khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia cũng được phát triển để tìm hiểu quá trình bắt kịp của các quốc gia theo sau ở những năm 1980 và xây dựng các chiến lược để trở nên cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Nghiên cứu của Porter (1998) được xem là một trong những nghiên cứu được thực hiện tốt nhất về năng lực cạnh tranh quốc gia với một quan điểm có tính hệ thống. Mô hình của Porter đã trình bày một khung phân tích mới, bao gồm mô thức phát triển năng động khi phân tích tình hình thực tế của thị trường thế giới và kinh nghiệm của những quốc gia theo sau vừa mới công nghiệp hóa. Mô hình kim cương của Porter tập trung vào quốc gia như một phạm vi phân tích, nhưng đơn vị phân tích của nó là ở cấp độ ngành. Điều này có nghĩa là năng lực của một nền kinh tế quốc gia bắt nguồn từ các ngành công nghiệp, được xác định bởi các điều kiện về nhân tố; các điều kiện về cầu; các ngành liên quan và ngành hỗ trợ; chiến lược, cấu trúc và sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra và đáng chú ý, có hai biến số ảnh hưởng gián tiếp đến năng lực cạnh tranh: chính phủ và cơ hội. Một đặc điểm đáng chú ý của mô hình này là khung phân tích kim cương nắm bắt sự tiến hóa của một hệ thống theo thời gian.
Mục tiêu của khái niệm năng lực cạnh tranh của Porter - sự gia tăng bền vững mức sống - tương thích với ý tưởng của List ở chỗ nhấn mạnh nguồn của cải nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững, phân biệt nguồn gốc của cải với bản thân của cải. Hơn nữa, năng lực cạnh tranh của một quốc gia bắt nguồn từ các yếu tố của mô hình kim cương có thể được xem là một phiên bản hiện đại của sức mạnh sản xuất, vì theo List, sức mạnh sản xuất - tức nguồn của cải - không chỉ dựa vào một yếu tố mà còn dựa vào sự tương tác của nhiều yếu tố trong hệ thống, như chính trị, hành chính, thể chế xã hội, nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn con người và trình độ công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt. Mô hình kim cương của Porter cho thấy vai trò của chính phủ bị hạn chế trong tầm ảnh hưởng của nó đối với năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Porter cho rằng một “chính phủ không thể tạo ra các ngành công nghiệp cạnh tranh”, cũng như cho rằng một “vai trò của chính phủ góp phần cho sự cạnh tranh” (Porter 1990, trang 640). Trong mô hình của Porter, chính phủ không phải là yếu tố quyết định để đạt được năng lực cạnh tranh, mà chỉ là một tác nhân có sức ảnh hưởng. Như vậy, chính sách không thể là nguồn gốc của năng lực cạnh tranh của quốc gia. Theo nghĩa này, mô hình cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là mô hình kim cương, không thể được xem là hoàn toàn tương thích với di sản của List.
Albert Hirschman (1915-2012)
Gunnar Myrdal (1898-1987)
Lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển cũng được kết nối với List theo nghĩa nó nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính phủ đối với sự phát triển của quốc gia. Lý thuyết này được đưa ra để giải thích các quốc gia công nghiệp hóa muộn, đặc biệt là sự trỗi dậy của các quốc gia Đông Á từ những năm 1980 (Johnson 1982; Amsden 1992; Evans 1995). Leftwich (1995) định nghĩa các nhà nước kiến tạo phát triển như là “các nhà nước có nền chính trị tập trung đủ sức mạnh, quyền tự chủ và năng lực ở trung tâm để định hình, theo đuổi và khuyến khích đạt được các mục tiêu phát triển rõ ràng, cho dù bằng cách thiết lập và thúc đẩy các điều kiện và đường hướng tăng trưởng kinh tế, hay bằng cách tổ chức nó trực tiếp, hay kết hợp cả hai cách này theo những mức độ khác nhau”. Vào những ngày đầu của lý thuyết này, Gerschenkron (1962) đã chỉ ra rằng trong lịch sử, sự phát triển của những quốc gia [công nghiệp hóa] muộn luôn gắn chặt với vai trò của nhà nước, mặc dù ông không cung cấp lý thuyết nền tảng về các hiện tượng này. Hirschman (1958) và Myrdal (1968) cũng chỉ ra rằng sự can thiệp của nhà nước là một yếu tố quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, các nhà kinh tế tân cổ điển dòng chính xem sự phát triển [kinh tế] chính là sự mở rộng của hệ thống thị trường tự do, khi giải thích sự phát triển của các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, người ta đã chấp nhận rộng rãi rằng quan điểm kinh tế tân cổ điển bị hạn chế và/hay thiếu sót trong việc tìm hiểu trường hợp Đông Á. Ở các quốc gia Đông Á, hiện tượng của những năm 1980 là không thể giải thích nếu không tính đến sự can thiệp của nhà nước (World Bank 1993).
Johnson (1982) đã giải thích quá trình bắt kịp của Nhật Bản bằng cách phân tích vai trò của MITI [Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế], một cơ quan chính phủ quyền lực của Nhật Bản. Bằng cách này, ông đã thiết lập khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển. Nghiên cứu chuyên đề của Johnson cho thấy nhà nước kiến tạo phát triển chủ yếu hướng đến việc đạt được tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất và phát triển kinh tế dựa trên năng lực [quốc gia]. Theo Johnson, các nhà nước kiến tạo phát triển như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc luôn định hướng thị trường bằng bộ máy công quyền tinh hoa, cũng như thông qua việc thúc đẩy quyền sở hữu tư nhân về của cải và sự cạnh tranh giữa các tác nhân kinh tế.
Amsden (1992) đã phát triển hơn nữa khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển bằng cách phân tích trường hợp phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Bà định nghĩa về nền kinh tế Hàn Quốc với bốn đặc điểm sau: a. Chính phủ đóng vai trò trung tâm trong tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc; b. Chính phủ thiết chế các công ty tư nhân để đạt được hiệu quả kinh tế; c. động lực tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đến từ năng lực sản xuất công nghiệp của các tập đoàn; d. việc học tập các kỹ năng và công nghệ từ nước ngoài là rất quan trọng trong tiến trình phát triển của Hàn Quốc.
Wade (2003) tiếp tục phát triển lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển thành “lý thuyết thị trường được điều tiết”. Theo Wade (2003), thành công kinh tế của các quốc gia Đông Á luôn đi kèm với nhiều sự can thiệp của chính phủ. Đầu tiên, chính phủ kiểm soát thị trường bằng các khoản đầu tư tập trung và phân bổ nguồn lực to lớn cho các ngành công nghiệp ưa thích. Thứ hai, sự hỗ trợ, thiết chế và hướng dẫn của chính phủ đối với các ngành công nghiệp chiến lược là rất quan trọng trong “phép màu Đông Á”. Cuối cùng, chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế bằng cách hỗ trợ đầy đủ cho ngành công nghiệp trong nước để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính sách công nghiệp do chính phủ điều hành này khác với chính sách thị trường tự do, ở chỗ chính phủ kiểm soát tiến trình của thị trường trong việc phân bổ các nguồn lực nhằm tối đa hóa tỷ suất sinh lợi cho đầu tư. Tuy nhiên, bất chấp sự hữu ích của lý thuyết về các nhà nước kiến tạo phát triển trong việc giải thích kinh nghiệm Đông Á sau Thế chiến II, và cho thấy vai trò quan trọng của các chính phủ trong tiến trình này, lý thuyết này không đưa ra một mô hình tổng quát hơn ngoài những trường hợp đặc biệt này. Xem xét rằng vẫn còn tồn tại nhiều quốc gia bị mắc kẹt trong nền kinh tế nông nghiệp, cần phải xây dựng một mô hình [phát triển kinh tế] có thể được áp dụng rộng rãi hơn. Điều này có thể đạt được bằng cách thúc đẩy ý tưởng của List hơn nữa.
4. Hệ thống Tái sản xuất Mở rộng
Công trình của Kim và Heshmati (2013) và công trình của Jun và Kim (2015) tiếp tục cuộc thảo luận về di sản List trong công trình nghiên cứu xây dựng khung phân tích tiến trình phát triển kinh tế rộng hơn của họ. Mặc dù phạm vi của List bị giới hạn trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Nhất [1760 - 1840] và tập trung một cách hạn hẹp vào quá trình chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, một góc nhìn rộng hơn về lịch sử đòi hỏi một mô hình hay khung phân tích toàn diện hơn có thể nắm bắt và giải thích các hiện tượng vượt ngoài thời đại của List – đó là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Hai [1870 - 1914], cuộc Cách mạng Công nghệ Thông tin (IT) [cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba (1969 - 2000)] và sự chuyển đổi sang một xã hội dựa trên tri thức, và sự biến đổi của các hệ thống kinh tế trên khắp thế giới sau thiên niên kỷ thứ hai. Theo Kim và Heshmati (2013), mỗi xã hội, các ngành nông nghiệp và công nghiệp đều có một hệ thống kinh tế riêng biệt thay vì xác định cách thức phát triển, như mô tả trong Hình 1 và 2. Ngoài ra, Kim và Heshmati cũng chỉ ra rằng có sự khác biệt về trình độ phát triển ngay cả trong các quốc gia công nghiệp hóa, như mô tả trong Hình 3.
Hình 1. Hệ thống kinh tế công nghiệp tái sản xuất mở rộng
Nguồn: (Kim và Heshmati 2013; Jun và Kim 2015)
Hệ thống kinh tế của xã hội công nghiệp là hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS), như mô tả trong Hình 1. Hệ thống này bao gồm bốn giai đoạn, đó là các giai đoạn tích lũy tư bản, mở rộng nguồn cung và nguồn cầu, và điều chỉnh thị trường. Khi tư bản được tích lũy, nó được điều hướng vào cả giai đoạn mở rộng nguồn cung như một hình thức tái đầu tư lẫn giai đoạn mở rộng nguồn cầu, dẫn đến tình trạng tăng thu nhập của người tiêu dùng. Trong giai đoạn mở rộng nguồn cung, đầu tư vào công nghệ ảnh hưởng đến nguồn cung và nguồn cầu theo hai hướng. Một mặt là tạo ra các hàng hóa mới, dẫn đến việc tạo ra nguồn cầu mới. Mặt khác là tăng năng suất. Hai dòng chảy về tiến bộ công nghệ này khuyến khích sự phát triển nền kinh tế về chất và lượng thông qua quá trình điều chỉnh thị trường (Kim và Heshmati 2013; Jun và Kim 2015).
Hình 2. Hệ thống tái sản xuất đơn giản của xã hội nông nghiệp
Nguồn: (Kim và Heshmati 2013)
Hình 2 mô tả hệ thống kinh tế của nền kinh tế nông nghiệp. Mặc dù nó cũng bao gồm bốn giai đoạn như nền kinh tế công nghiệp hóa, như mô tả trong Hình 3, nền kinh tế nông nghiệp thiếu một số dòng [tư bản]. Cái thiếu từ hình này là dòng từ tư bản tích lũy sang đổi mới công nghệ - mà từ đó tạo ra dòng từ đổi mới công nghệ sang việc tạo ra nguồn cầu mới. Chính sự khác biệt này đã giam nền kinh tế nông nghiệp trong bẫy Malthusian về phát triển và tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nông nghiệp thì chậm chạp hay trì trệ, trong khi nền kinh tế công nghiệp tăng trưởng và thậm chí tăng trưởng nhanh theo thời gian về mức độ tăng trưởng/phát triển, bao gồm cả mức sống (Kim và Heshmati 2013; Jun và Kim 2015).
Sự khác biệt về mô thức và tốc độ tăng trưởng giữa nền kinh tế nông nghiệp và nền kinh tế công nghiệp bắt nguồn từ sự khác biệt về đầu vào của hàm sản xuất: lao động và đất đai trong trường hợp nền kinh tế nông nghiệp; và lao động, tư bản và công nghệ trong trường hợp nền kinh tế công nghiệp (Galor 2011). Những đầu vào khác nhau của hàm sản xuất trong nền kinh tế công nghiệp dẫn đến những kích thích khác nhau dành cho tiến bộ công nghệ và tăng cường vốn con người theo nghĩa là đầu vào tư bản hình thành nên chu kỳ tốt, bao gồm những người có học, tiến bộ công nghệ và tư bản, bởi vì tư bản có mức độ bổ trợ cao với công nghệ và những người có học (Jun và Kim 2015; Jun và Lee 2014; Galor 2011).
Hình 3. Sự phát triển kinh tế theo thời gian trong các trường hợp nền kinh tế nông nghiệp và nền kinh tế công nghiệp
Ferdnand Braudel (1902-1985)
Friedrich List nói rằng sự chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp phải được phân tích từ góc độ của một hệ thống động. List liệt kê sự khác biệt giữa quá trình chuyển đổi mà một quốc gia dẫn đầu - như nước Anh - đã trải qua, và của một quốc gia theo sau - chẳng hạn như nước Đức. Mượn các khung phân tích của Braudel (1982) và Kim và Heshmati (2013) để diễn giải lập luận của ông về sự khác biệt, thay vì chuyển thẳng sang xã hội công nghiệp từ xã hội nông nghiệp, nước Anh chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp thông qua một xã hội thương nghiệp. Trong khi xã hội công nghiệp có một hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS), xã hội thương nghiệp có một hệ thống tái đầu tư mở rộng. Điều này có nghĩa là nước Anh công nghiệp hóa thông qua tư bản tích lũy và qua một hệ thống lưu thông tốt sẵn có, như mô tả trong Hình 4. Nói cách khác, nước Anh chỉ bổ sung thành phần đổi mới công nghệ vào hệ thống tư bản đang lưu thông tốt, trong khi các quốc gia theo sau như Đức phải bắt đầu từ vạch xuất phát trong việc tự trang bị tất cả các thành phần của hệ thống để tạo ra sự lưu thông [trong hệ thống]. Bởi vì các quốc gia theo sau cần chuẩn bị cho mình nhiều phương thức hơn để thiết lập hệ thống và cũng để bắt đầu lưu thông, vai trò của chính phủ trở nên quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang công nghiệp hóa đối các quốc gia theo sau.
Hình 4. Chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp của các quốc gia lãnh đạo và theo sau: Chuyển đổi A cho quốc gia theo sau và B cho quốc gia lãnh đạo
Các đặc điểm của một nền kinh tế như một hệ thống động trong các lập luận của List có thể được mô tả bằng cách sử dụng khung phân tích của mô hình hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS), như mô tả trong Hình 5. Mô hình ERS không duy trì trình độ phát triển nhất định [của một quốc gia]. Một khi nền kinh tế bắt đầu vận hành tốt, mà không gặp phải tình trạng tắc nghẽn hay có tình trạng để cho tư bản chảy ra khỏi hệ thống, thì hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) sẽ tiến lên nấc thang phát triển cả về chất lẫn về lượng (Jun và Kim 2015). Ngoài ra, theo Kim và Heshmati (2013), tốc độ phát triển của nền kinh tế không theo dạng tuyến tính mà gia tăng với tốc độ ngày càng nhanh. Đây là điểm đầu tiên mà chúng ta có thể nhìn ra sự cần thiết của chính sách. Do bản chất của sự tăng tốc này, nên khoảng cách phát triển giữa quốc gia dẫn đầu và quốc gia theo sau chắc chắn sẽ bị phân hóa mà không cần chính sách theo giả định khắt khe rằng nền kinh tế của quốc gia dẫn đầu và quốc gia theo sau đều giống nhau nhưng khác nhau về trình độ phát triển kinh tế. Vì thế, chính sách cho phép hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) vận hành nhanh hơn là điều cần thiết để quốc gia theo sau bắt kịp quốc gia dẫn đầu.
Hình 5. Gia tăng trình độ phát triển theo thời gian
Nguồn: (Jun và Kim 2015)
Như đã đề cập ở trên, sự đổi mới công nghệ dẫn đến việc sản xuất ra các hàng hóa mới và gia tăng năng suất, như được chỉ ra trong Dòng D của Hình 1, chính là động cơ phát triển chính trong mô hình ERS nhằm nâng cao trình độ phát triển. Điều này cũng đúng với khái niệm sức mạnh sản xuất, vì sức mạnh sản xuất cũng nâng cao hệ thống kinh tế quốc gia. Ngoài ra, điểm quan trọng là vai trò của tiến bộ công nghệ được hiểu trong bối cảnh của hệ thống dưới góc nhìn động. Vì thế, giả định cơ bản của mô hình ERS trùng khớp với ý tưởng của List về sức mạnh sản xuất. Hơn nữa, hãy xem xét thực tế rằng việc tạo ra và mở rộng nguồn cầu cũng là một phần quan trọng của tiến trình phát triển theo mô hình ERS, ngoài ra cũng cần xem xét việc các đặc điểm/lịch sử của người tiêu dùng/thị trường cũng là một phần quan trọng, như List đã khẳng định. Chẳng hạn, ở khía cạnh này, mối quan hệ giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất đã được nghiên cứu (Von Hippel 1978), cùng với sự gia tăng mức thu nhập của người tiêu dùng, vốn là lãnh địa truyền thống của những nhà kinh tế học theo trường phái Keynesian. Mặc dù List xem thị trường là rất quan trọng, nhưng sự thật là ông tập trung nhiều hơn vào mặt lượng của nó. List nhấn mạnh vào quá trình và tác động của việc mở rộng một mặt hàng - chẳng hạn như đường sắt hay Zollverein - trong khi bỏ qua việc xem xét sự đa dạng hóa hàng hóa, hay sự xuất hiện của các hàng hóa mới - vốn có thể được xem là mở rộng về chất. Tuy nhiên, có thể hiểu được mục tiêu tập trung hẹp của ông trong một bối cảnh lịch sử. Trong những ngày đầu của nền kinh tế công nghiệp hóa, việc mở rộng nguồn cầu thường đạt được về lượng, thay vì về chất. Sau khi thị trường toàn cầu mở rộng thông qua sự phát triển của các hệ thống [cơ sở hạ tầng] giao thông và truyền thông, kết quả là dẫn đến tình trạng bão hòa thị trường hàng hóa sản xuất hàng loạt vào đầu thế kỷ 20, giờ đây việc mở rộng nguồn cầu có thể đạt được bằng cách tạo ra nguồn cầu mới, một kết quả của sự đổi mới và việc tăng cường sức mua của người tiêu dùng.
Nhớ lại các lập luận của List cho rằng của cải tự nó không quan trọng bằng sức mạnh sản xuất của một quốc gia khi ông nghiên cứu về sự suy yếu của Tây Ban Nha. Ông đã nhấn mạnh rằng việc Tây Ban Nha đi xuống là vì họ không thể gia tăng của cải của họ theo hướng tăng cường sức mạnh sản xuất, và cũng vì họ đã trục xuất những người Moors và người Do Thái có trình độ và có vốn. Tương tự như quan điểm của List, tái đầu tư giúp tái tăng cường hệ thống và giáo dục giúp tạo ra lao động có kỹ năng và có học vấn cũng rất quan trọng trong mô hình ERS. Hơn nữa, trong số các nền kinh tế cá nhân, quốc gia và quốc tế trong phân loại của List, nền kinh tế cá nhân và quốc tế đôi khi nên được kiểm soát để duy trì sự vận hành tốt của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS), bởi vì nền kinh tế cá nhân và quốc tế - như ông đã chỉ ra - đôi khi có thể hoạt động chống lại lợi ích của nền kinh tế quốc gia.
Sự khác biệt giữa tư bản tài chính và tư bản sản xuất trong mô hình ERS là một ví dụ điển hình cho việc này. Theo Perez (2003), tư bản tài chính và tư bản sản xuất được xác định bởi các chủ sở hữu của tư bản và cụ thể, tư bản tài chính liên quan đến hành vi của những người sở hữu của cải như tiền tệ hay tài sản thể hiện trên giấy tờ (paper asset) trong bảng cân đối kế toán của họ. Mục đích của họ là tích lũy của cải của họ dưới dạng tiền và mở rộng số của cải này. Mặt khác, tư bản sản xuất bao gồm mục đích và động lực của tác nhân kinh tế, những người tạo ra giá trị mới bằng cách sản xuất các loại hàng hóa và dịch vụ. Theo tiêu chuẩn của mô hình ERS, tư bản sản xuất là tư bản giúp tăng cường sự vận hành của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS). Mặt khác, tư bản tài chính là tư bản chảy ra khỏi hệ thống, thu hẹp quy mô hệ thống.
Đến đây, chúng ta có thể tìm thấy một lý do nữa cho sự cần thiết của chính sách. Một hệ thống được lưu thông tốt không phải lúc nào cũng được đảm bảo bởi bản chất của chính nó. Trước đó, List đã giới thiệu các cấp độ của nền kinh tế khác nhau, tức là các ranh giới hệ thống khác nhau, đó là các nền kinh tế cá nhân, quốc tế và quốc gia. Do có quá nhiều mối quan tâm tai hại, nên các nguồn lực trong lưu thông - đáng lẽ nên được tái đầu tư để mở rộng và phát triển hệ thống - lại có thể dễ dàng rò rỉ khỏi hệ thống. Bên cạnh việc chuẩn bị và thiết lập các thành phần của hệ thống, chính phủ cũng phải định hướng tư bản tích lũy theo hướng tái đầu tư vào tiến bộ công nghệ và hướng tới việc nâng cao sức mua của người tiêu dùng. Nói cách khác, vai trò của chính sách là đảm bảo các Dòng B và C trong nền kinh tế quốc gia.
5. Lịch sử công nghiệp hóa Hàn Quốc như là một di sản của Friedrich List
Việc đạt được công nghiệp hóa chẳng phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Chỉ có một vài quốc gia bên ngoài châu Âu và các lãnh thổ chịu ảnh hưởng của người Âu châu thực sự thành công trong quá trình công nghiệp hóa (Wade 2003). Cho đến nay, rất ít quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, ngoại trừ các quốc gia-thành phố như Singapore và Hồng Kông, đã thành công trong việc đạt được các quá trình tăng trưởng lâu dài và bền vững, có khả năng chuyển đổi nền kinh tế của họ từ giai đoạn lạc hậu sang một quốc gia công nghiệp tiên tiến (Gerybadze 2016). Nghiên cứu này tập trung vào trường hợp công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Chúng tôi sử dụng mô hình ERS với sự hiểu biết toàn diện về di sản của Friedrich List nhằm mục tiêu giải thích tiến trình phát triển của Hàn Quốc vào cuối thế kỷ 20. Dựa trên lý thuyết của ông và khung phân tích của mô hình ERS, chúng tôi hướng đến việc chứng minh rằng khung phân tích của List có thể giải thích tiến trình công nghiệp hóa thành công của Hàn Quốc.
Hình 6. GDP bình quân đầu người (1990 IntGK $)
Nguồn: Angus Maddison, có sẵn tại http://www.ggdc.net/Maddison/
Rhee Seung Man (1875-1965)
Park Chung Hee (1917-1979)
Hình 6 cho thấy GDP [Tổng Sản phẩm Quốc nội] của Hàn Quốc gia tăng nhanh chóng. Bối cảnh lịch sử đằng sau hiện tượng này là như sau. Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 đến năm 1945. Sau khi giành được độc lập vào năm 1945, Hàn Quốc bị chia cắt thành hai quốc gia, Bắc Triều Tiên do Liên Xô chống lưng và Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, Hàn Quốc tự nhận thấy đất nước của họ vào giữa những năm 1950 có sự mâu thuẫn về cấu trúc [kinh tế-xã hội] do tàn dư của sự chiếm đóng của Nhật Bản, cùng với sự tàn phá của Chiến tranh và sự chia cắt lãnh thổ. GDP bình quân đầu người vào năm 1953 là 1.072 đô la Mỹ (1.990 IntGK$ [Geary–Khamis dollar - đô la quốc tế]). Đương nhiên, chính phủ Hàn Quốc đã tìm cách ổn định quốc gia về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, Tổng thống Rhee Seung Man [이승만 Lý Thừa Vãn] là người ủng hộ chủ nghĩa tự do, và không thể hiện thái độ thân thiện đối với chủ trương công nghiệp hóa do nhà nước lãnh đạo. Với chính quyền mới của Tổng thống Park Chung Hee [박정희 Phác Chính Hy] cuối cùng đã bắt đầu Kế hoạch Phát triển 5 Năm đầu tiên (1962-1966). Ban đầu, mục tiêu chính không phải là công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu, mà là công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, vào năm 1964, kế hoạch đã chuyển sang hướng công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu. Theo chương trình nghị sự về công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu, kế hoạch phát triển lần thứ nhất (1962-1966) và lần thứ hai (1967-1971) tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ, tạo ra cán cân thương mại bất lợi do [nhập khẩu] tư liệu sản xuất. Kế hoạch phát triển lần thứ ba (1972-1976) nhằm thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa bằng cách phát triển các ngành công nghiệp nặng để tăng trưởng cân bằng hơn về thương mại. Đến khi thực hiện xong kế hoạch lần thứ tư, kinh tế Hàn Quốc đã bắt đầu tăng vọt, như đã thấy trong Hình 7. Mặc dù cho đến những năm 1980, các quốc gia Mỹ La-tinh vượt hơn Hàn Quốc về GNI [Tổng Thu nhập Quốc dân] bình quân đầu người, nhưng Hàn Quốc đã sớm vượt xa họ.
Hình 7. GNI bình quân đầu người (phương pháp Atlas, tính theo đồng đô la Mỹ hiện tại) của Hàn Quốc (đường màu đen); Các quốc gia Mỹ Latinh như Brazil, Chile, Mexico (đường màu đỏ); Các quốc gia châu Phi như Nigeria, khu vực châu Phi cận Sahara (đường màu vàng); và các quốc gia châu Á khác như Philippines (đường màu xanh)
Nguồn: OECD, có sẵn tại: https://data.oecd.org/
Tiến trình phát triển của Hàn Quốc có thể được chia thành bốn thời kỳ: a. Thời kỳ đầu tiên từ năm 1945 đến năm 1960, trong thời kỳ này Hàn Quốc thể hiện hệ thống tái sản xuất đơn giản của một nền kinh tế nông nghiệp; b. Thời kỳ thứ hai từ năm 1961 đến năm 1971, khi các yếu tố của mô hình ERS được hình thành; c. Thời kỳ thứ ba từ năm 1972 đến năm 1981, khi hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) bắt đầu vận hành; và d. [Thời kỳ thứ tư] từ năm 1982 đến nay, khi hệ thống tái sản xuất mở rộng được thiết lập vững chắc và vận hành tốt. Hệ thống kinh tế Hàn Quốc thời kỳ đầu tiên - từ độc lập năm 1945 đến khi ông Park nhậm chức Tổng thống - khác xa với một xã hội công nghiệp. Không có sẵn hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS), cũng không có bất kỳ kế hoạch chính sách nào như những kế hoạch được List khuyến nghị được thực thi để thoát khỏi xã hội nông nghiệp. Thời kỳ này tuy đã cho phép phục hồi từ sự méo mó về cấu trúc [kinh tế-xã hội] do cấu trúc kinh tế thuộc địa làm biến dạng để bóc lột thuộc địa, nhưng sự rút lui đột ngột của người Nhật - một lực lượng từng là tác nhân chính trong hệ thống kinh tế thuộc địa - đã thực sự dẫn đến sự thu hẹp về kinh tế và những sự thay đổi không mong muốn một cách đột ngột. Chẳng hạn như, vào năm 1946, sản lượng sản xuất lúa gạo đã giảm xuống còn 86% sản lượng trung bình trong thời kỳ 1940-1944, và sản lượng thủy hải sản giảm xuống còn 45,4% so với tỷ lệ sản xuất trước đó trong thời kỳ 1940-1944. Giá trị sản xuất chế tạo cũng giảm mạnh, chỉ 25% vào năm 1946 so với tình hình sản xuất vào năm 1939. Sự thu hẹp của khu vực thương mại là đặc biệt nghiêm trọng, vì trong thời kỳ thuộc địa, nền kinh tế Hàn Quốc đã bị chuyên môn hóa thành bộ phận ngoại vi của nền kinh tế Nhật Bản. Hàn Quốc đã bị [mẫu quốc] ép sản xuất thực phẩm và hoạt động như một thị trường cho các hàng hóa sản xuất chế tạo, phụ thuộc nặng nề vào sự giao thương với Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng này trong thương mại và sản xuất chế tạo gây ra sự thiếu hụt nhu yếu phẩm và nguyên liệu thô cho sản xuất chế tạo. Trong tình hình bi thảm như vậy, nền kinh tế Hàn Quốc phải nỗ lực hết sức để ổn định nền kinh tế và phục hồi sau những khó khăn. Trên thực tế, mục tiêu chính sách hàng đầu của chính phủ tại thời điểm này là ổn định nền kinh tế và xây dựng nền tảng cho sự độc lập kinh tế. Yếu tố quan trọng nhất để đạt được mục tiêu này là viện trợ nước ngoài và Hoa Kỳ đã đóng một vai trò nổi bật, điều này sẽ được giải thích ngay sau đây.
Những nền tảng về thể chế và văn hóa cũng đã được xây dựng cho các bước phục hồi tiếp theo. Quan trọng trong khía cạnh này là cải cách ruộng đất, xóa bỏ khế ước thuê đất thuộc địa (colonial tenancy) vào năm 1951, cũng như bản dự thảo Kế hoạch 3 Năm về phát triển công nghiệp được soạn thảo vào năm 1959. Cải cách ruộng đất được thúc đẩy bởi nhiều lợi ích khác nhau, cả bên trong lẫn bên ngoài. Chẳng hạn như, Tổng thống Rhee muốn kiềm chế đảng chính trị của giới chủ đất, trong khi Hoa Kỳ tìm cách sử dụng nó như một cách để giải quyết vấn đề thặng dư nông nghiệp ở chính đất nước mình. Nó cũng phục vụ mục tiêu của Hoa Kỳ là xây dựng một bức tường thành chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, cải cách ruộng đất cuối cùng đã dẫn đến việc bãi bỏ khế ước thuê đất, đánh sập một chướng ngại vật trên con đường phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và sự ra đời của một giai cấp tư bản mới (Lee 2009). Cải cách này cũng thúc đẩy tích lũy tư bản con người bằng cách làm suy yếu sức mạnh của những người chủ đất, vốn là những người chống lại nền giáo dục hiện đại và chuẩn bị cho con đường công nghiệp hóa (Jun và Kim 2014).
Kế hoạch 3 Năm là kế hoạch đầu tiên của chính phủ Hàn Quốc có liên quan đến việc thành lập tổ chức đặc biệt và sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, tuy không được thực hiện nhưng nó đã được lên kế hoạch. Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch chiến lược phát triển trước đó vào năm 1954 và năm 1956, nhưng chúng đã được soạn thảo một cách vội vàng, với mục đích nhận thêm viện trợ từ Hoa Kỳ. Vì thế, kinh nghiệm xây dựng Kế hoạch 3 Năm - vốn được chuẩn bị kỹ lưỡng và được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn - đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho việc hoạch định và thực thi các kế hoạch kinh tế trong những năm 1960 (Park 2007; Satterwhite 1994). Khi thiết kế Kế hoạch 3 Năm, có thể quan sát thấy những ảnh hưởng gián tiếp của Friedrich List [lên bản kế hoạch này]. Trong số những người trí thức và quan chức chủ động tham gia diễn ngôn kế hoạch phát triển quốc gia, có những người đã nghiên cứu lý thuyết Friedrich List khi họ ở Nhật Bản trong thời kỳ thuộc địa (Park 2004). Tất nhiên, chúng ta không thể nói rằng các chính sách kinh tế của Hàn Quốc trước năm 1964 thực sự tuân theo lập luận của List, vì mục đích của các chính sách trong những năm 1950 là thay thế nhập khẩu và tăng trưởng cân bằng dưới ảnh hưởng của Ragner Nurkse. Tuy nhiên, sự thật là trong thời kỳ này, mức thuế trung bình tăng từ 26% lên 30,86% và vào năm 1958, luật thương mại sửa đổi đã đưa ra mức thuế cao hơn nữa đối với những ngành cần bảo hộ. Tuy nhiên, quan điểm chính thức của hội đồng điều hành Kế hoạch 3 Năm là tuân thủ nguyên tắc của hệ thống thị trường tự do, thúc đẩy hoạt động của các công ty tư nhân, từ bỏ mọi sự kiểm soát kinh tế của chính phủ và khuyến khích hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư (Economic Planning Board [Ban Hoạch định Kinh tế (Hàn Quốc)] 1959; Park 2007). Tóm lại, các chính sách của những năm 1950 khác xa với các lập luận của List theo nghĩa là chính phủ Hàn Quốc không coi vai trò của chính phủ là trung tâm, cũng không nhằm chuyển đổi đất nước thành một xã hội công nghiệp hóa.
Chính sách kinh tế của Hàn Quốc bắt đầu thực sự phản ánh lý thuyết của List trong thời kỳ thứ hai, từ năm 1961 đến năm 1971. Trong thời kỳ này, các yếu tố của mô hình ERS đã được hình thành trong nền kinh tế Hàn Quốc. Khi Tổng thống Park Chung Hee nắm quyền lực thông qua một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1961, ông đã tìm cách hợp thức hóa sự cai trị của mình thông qua phát triển kinh tế (Kim 2013, Gerybadze 2016). Mặc dù vậy, phải mất 3 năm để cuối cùng chính quyền của Park cũng bắt đầu thực thi các chính sách của Friedrich List. Kế hoạch Phát triển 5 Năm đầu tiên (1962-1966) ban đầu duy trì mục tiêu tương tự như của chính phủ trước đó, tập trung vào phát triển khu vực nông nghiệp với chính sách thay thế nhập khẩu. Theo phiên bản đầu tiên của kế hoạch đầu tiên này, 75% nguồn vốn sẽ được tích lũy thông qua thị trường vốn nội địa, mặc dù không có nền tảng kinh tế cụ thể nào để có thể mở rộng nguồn vốn. Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng so với thái độ của chính phủ trước đây: đó là việc chính quyền Park nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong việc tiến hành kế hoạch (Park 2000).
Tuy nhiên, Phiên bản đầu tiên của Kế hoạch 5 Năm đầu tiên hóa ra lại là một thất bại. Lãi suất tăng - được ban hành để huy động vốn - đã gây ra lạm phát trong khi không tích lũy được tư bản. Nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán đã dẫn đến sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, cải cách tiền tệ đã gặp phải sự phản đối từ Hoa Kỳ và không thể thực hiện được. Vì thế, tốc độ tăng trưởng giảm từ 3,5% vào năm 1961 xuống còn 2,8% vào năm 1962 (Park 2000).
Walt W. Rostow (1916-2003)
Do nghi ngờ về hiệu quả của chiến lược tăng trưởng cân bằng mà Hàn Quốc theo đuổi từ những năm 1950, nên vào năm 1964, chính quyền Park đã chuyển mô hình kinh tế nền tảng sang chiến lược tăng trưởng không cân bằng, mà chính quyền Kennedy đã tán thành. Ý tưởng chủ yếu từ mô hình kinh tế của Hirshman và Rostow, khuyến nghị tăng trưởng không cân bằng, tận dụng tư bản từ nước ngoài và công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu với sự kết nối mạnh mẽ với thị trường nước ngoài (Oman và Wignaraja 1991). Mặc dù sự thật là ý tưởng bảo hộ của List đã được đưa vào chính sách kinh tế ngay cả trong những năm 1950, toàn bộ ý tưởng của List với quan điểm có hệ thống về chủ nghĩa bảo hộ vẫn chưa được áp dụng ở Hàn Quốc cho đến năm 1964, bởi vì bối cảnh của chủ nghĩa bảo hộ trước năm 1964 là để ổn định nền kinh tế nông nghiệp, không chuyển đổi xã hội sang nền kinh tế công nghiệp.
Sự áp dụng lý thuyết của List vào thực tế - áp dụng các yếu tố cơ bản của mô hình ERS vào trong nền kinh tế Hàn Quốc - cuối cùng đã diễn ra vào năm 1964 khi Kế hoạch Phát triển 5 Năm đầu tiên được sửa đổi. Kế hoạch sửa đổi - cuối cùng đã dẫn đến sự hình thành của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) - bao gồm những thay đổi như công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu, hình thành nguồn vốn sử dụng các khoản vay thay vì vốn nội bộ và thực thi chiến lược tăng trưởng không cân bằng. Do quy mô dân số của Hàn Quốc, mức thu nhập và quy mô của thị trường nội địa chưa đủ lớn, nên tại thời điểm đó chưa thể vận hành tốt hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS). Vì thế, chính phủ [Hàn Quốc] đã quyết định nhắm đến các khách hàng nước ngoài có thu nhập cao hơn và sức mua lớn hơn. Ngoài ra, do không có tư bản tích lũy làm chất xúc tác cho sự lưu thông của dòng [tư bản], chính quyền [Park] cho rằng vay nước ngoài là một giải pháp phù hợp để khởi động sự vận hành của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS).
Đúng là ở nước Anh, quốc gia đầu tiên đạt được Cách mạng Công nghiệp và sự hình thành của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS), cấu trúc của chủ nghĩa tư bản đã được thiết lập trước khi Cách mạng Công nghiệp xảy ra. Như Vries và van der Woude (1997) và Braudel (1982) đã chỉ ra, phần sản xuất đã được thêm vào hệ thống chủ nghĩa tư bản đã tồn tại trong Cách mạng Công nghiệp ở Anh. Tương tự, Kim và Heshmati (2013) cũng nhấn mạnh thực tế rằng công nghiệp hóa ở nước Anh đã là một sự chuyển đổi từ hệ thống tái đầu tư mở rộng sang hệ thống tái sản xuất mở rộng, xảy ra bằng cách thêm giai đoạn sản xuất tạo không gian cho đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Hàn Quốc, nền kinh tế phải nhảy vọt từ nền kinh tế nông nghiệp, có hệ thống tái sản xuất đơn giản, sang xã hội công nghiệp, phải có hệ thống tái sản xuất mở rộng, không có giai đoạn giữa của xã hội thương nghiệp, phát triển một hệ thống tái đầu tư mở rộng. Do Hàn Quốc phải vượt qua khoảng cách như vậy, nền kinh tế Hàn Quốc những năm 1960 cần một sự trợ giúp mạnh mẽ để thực hiện quá trình chuyển đổi. Đó là chính sách bắc cầu. Để thiết lập và khởi động sự vận hành của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS), chính phủ Hàn Quốc đã phải thực hiện một kế hoạch kinh tế có điều chỉnh. Lý thuyết về sự lạc hậu của Gerschenkron (1962) và ý tưởng của ông ấy về công cụ [chính sách] - trong trường hợp của nước Đức là sự thành lập ngân hàng đầu tư - cũng có liên quan trong trường hợp của Hàn Quốc. Một quốc gia lạc hậu cần phải có một công cụ [chính sách] để bắt kịp các quốc gia hàng đầu, bởi vì nhiều quốc gia theo sau đã bỏ qua nền kinh tế thương nghiệp trong mục tiêu đạt được công nghiệp hóa và tạo ra hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS).
Như đã đề cập trước đó, hướng của dòng tư bản là rất quan trọng trong khung phân tích của mô hình ERS và cả trong lý thuyết của List. Ở Hàn Quốc, vì chính sách xây dựng các yếu tố và thúc đẩy sự vận hành của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) đã được thực hiện trước khi lưu thông tư bản thực sự gắn chặt vào hệ thống kinh tế, chính phủ phải điều hành dòng tư bản tích lũy và/hay dòng tư bản của vốn vay. Để thúc đẩy xuất khẩu và tiến trình công nghiệp hóa, chính phủ đã chọn phương thức củ cà rốt và cây gậy, lần lượt đưa ra các ưu đãi và sự trừng phạt để đạt được các mục tiêu kinh tế. Để tối đa hóa hiệu quả của khoản vay và thiết lập hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS), nhà nước đã đưa ra nhiều ưu đãi khác nhau cho các nhà xuất khẩu và tạo ra một cấu trúc độc quyền để đạt được tính kinh tế theo quy mô. Chính sách này tạo ra lợi nhuận độc quyền cho các công ty, và khoản thặng dư này đã bị bắt buộc phải tái đầu tư và không để cho các cá nhân hưởng lợi từ chính sách làm tiêu hao (Yang 2012).
Trước tiên, hãy xem xét phương diện “củ cà rốt”, có nghĩa là chính sách thúc đẩy xuất khẩu, chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu chủ yếu bằng cách cung cấp tài chính công và giảm thuế sau khi sửa đổi kế hoạch vào năm 1964. Cách này có hiệu quả bởi vì Tổng thống Park đã quốc hữu hóa ngân hàng vào năm 1961, sử dụng cây gậy để kiểm soát dòng tư bản trong nước. Chính phủ đã tạo ra một cấu trúc sinh lời cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu các hàng hóa sản xuất chế tạo, bằng cách tài trợ cho xuất khẩu theo hướng cung cấp các khoản vay cho công ty xuất khẩu với lãi suất thấp hơn (…).
Chính sách về thuế quan cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng xuất khẩu. Chẳng hạn, chính phủ đã miễn các khoản thuế thu nhập, thuế môn bài, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành xuất khẩu; cung cấp các chương trình giảm thuế đặc biệt cho các ngành xuất khẩu; và đưa ra đặc quyền miễn thuế đối với nguyên liệu thô được xuất khẩu. Nhà nước cũng cung cấp nhiều đặc quyền khác nhau cho các công ty xuất khẩu, bao gồm hệ thống dự trữ xuất khẩu, quỹ dự phòng thâm hụt, dự trữ phát triển thị trường nước ngoài và lợi ích trong khấu hao để chấp nhận tỷ lệ khấu hao đặc biệt (Kim 2010). Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc đã khởi xướng nhóm đặc biệt có nhiệm vụ phải thúc đẩy xuất khẩu và các thành viên của nhóm này bao gồm tổng thống, các bộ trưởng và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Hơn nữa, chính phủ quy định cụ thể về vai trò của Bộ Thương mại và Công nghiệp (MCI) trong việc thúc đẩy xuất khẩu; mở cửa các thị trường nước ngoài trực tiếp bằng cách thành lập Cơ quan Thúc đẩy Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA); và lập ra Hội đồng Thúc đẩy Xuất khẩu Nhà nước (SEPB) vào năm 1965. Hội nghị Thúc đẩy Thương mại Mở rộng cũng được khởi xướng và tổ chức hơn 150 lần trong thời kỳ từ năm 1962 đến năm 1980, dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổng thống, xóa bỏ những trở ngại về kinh tế, hành chính và thể chế đã cản trở việc mở rộng xuất khẩu nhanh hơn (Choi 1992). Ngoài ra, nhà nước đã lên kế hoạch hàng năm để thực hiện mọi nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu (Yang 2012).
Một mặt là trong khi thúc đẩy xuất khẩu với các chính sách tích cực, nhưng mặt khác chính phủ cũng đã tìm cách sử dụng “cây gậy” của các chính sách để kiểm soát dòng tư bản. Amsden (1992) chỉ ra rằng một trong những đặc điểm quan sát được trong tiến trình công nghiệp hóa Hàn Quốc là cơ chế điều tiết về tư bản và lao động. Trong bối cảnh của sự điều tiết này, lợi nhuận vượt mức mà các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng bị xem như là một tài sản công, bắt buộc phải tái đầu tư. Chỉ những công ty thỏa mãn quy định này mới được chính phủ hỗ trợ. Một ví dụ là trường hợp của công ty Polyester Inc. Khi công ty đệ trình kế hoạch xây dựng nhà máy polyester tại Hàn Quốc mượn công nghệ từ tập đoàn Mitsui & Co. và Chemtex, Inc., Bộ Thương mại và Công nghiệp (MCI) đã chấp nhận khuyến nghị này, nhưng yêu cầu công ty phải điều chỉnh kế hoạch để có thể tăng quy mô kinh doanh nhằm cạnh tranh ở các thị trường nước ngoài. Bộ MCI cũng yêu cầu toàn bộ sản lượng phải được xuất khẩu (Lee 2002). Trường hợp của Samsung cũng như thế. Khi Samsung tìm cách gia nhập ngành công nghiệp điện tử và đề xuất xây dựng nhà máy với 15% sản phẩm sản xuất dành cho thị trường nội địa và 85% sản phẩm sản xuất dành cho thị trường nước ngoài, chính phủ đã cho phép công ty được xây dựng với điều kiện toàn bộ sản lượng của công ty phải được xuất khẩu. Bộ Thương mại và Công nghiệp (MCI) cũng yêu cầu các bằng sáng chế và công nghệ thuộc sở hữu của SANYO Electric Co. & Ltd. và Sumitomo Corp phải chuyển giao cho Samsung (Oh 1996; Yang 2012).
Chính phủ Hàn Quốc quy định chặt chẽ tài sản của mỗi cá nhân không được chạy khỏi đất nước. Đạo luật Kiểm soát Ngoại hối được ban hành vào năm 1961, cho phép tòa án kết án những người đã gửi hơn 100.000 đô la Mỹ ra nước ngoài tối thiểu là 10 năm tù và tối đa là mức án tử hình. Ngoài ra, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào có hành vi tháo vốn sẽ phải chịu lăng mạ từ công chúng (Yang 2012). Chính quyền Park Chung Hee cũng để mắt đến sự tiêu dùng phô trương của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi Park nhận được thông tin rằng một nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào đó đã xây một ngôi nhà sang trọng và vi phạm luật đất đai, ông sẽ gửi các nhân viên mật vụ đến khu đất đó để khám xét tại chỗ (Yang 2012; Kim 1990). Bởi vì chính phủ Hàn Quốc biết sự chỉ trích của dân chúng chống lại tư bản được tích lũy trong tiến trình công nghiệp hóa do nhà nước lãnh đạo, nên đưa ra diễn ngôn cho công chúng là tư bản được tích lũy dưới sự hỗ trợ của chính phủ thì phải được tái đầu tư cho tăng trưởng kinh tế quốc gia thay vì chi cho lợi ích cá nhân là chủ yếu nhằm làm giảm bớt sự chỉ trích [từ công chúng] (Sagong và cộng sự. 1981).
Bởi vì giai đoạn mở rộng nguồn cầu trong mô hình ERS của Hàn Quốc được đặt ở nước ngoài, nên việc tăng lương và các khoản thu nhập đi kèm của các hộ gia đình không phải là yếu tố cần thiết để duy trì việc vận hành tốt của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Nhận thức được thực tế này, chính phủ cố gắng giữ mức lương ở Hàn Quốc ở mức thấp. Năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp của Hàn Quốc chủ yếu đến từ chi phí lao động thấp trong ngành công nghiệp nhẹ của Hàn Quốc trong thập niên 1960 với thực tế là tỷ lệ chi phí lao động trong các ngành công nghiệp nhẹ, như quần áo, dệt may và giày dép lần lượt là 25%, 60% và 33% (Yang 2012). Chính sách lương thấp này đã kéo dài đến những năm 1970.
Bằng cách thực hiện công nghiệp hóa do nhà nước lãnh đạo, nền kinh tế Hàn Quốc đã xây dựng thành công cấu trúc của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) vào cuối những năm 1960 và đạt được sự phát triển kinh tế đáng kể. Trong Kế hoạch Phát triển 5 Năm lần thứ nhất (1962-1966), tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 8,5%, đi kèm với việc tăng tỷ lệ đầu tư từ 12,4% vào năm 1962 lên 18,2% vào năm 1966 và mở rộng lượng xuất khẩu từ 54,8 triệu lên 253,7 triệu đô la Mỹ. Khi Kế hoạch Phát triển 5 Năm lần thứ hai được thực hiện từ năm 1967 đến năm 1971, Hàn Quốc tự hào với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 9,7%, cùng với mức tăng tỷ lệ đầu tư là 28,1%. Đến năm 1971, nền kinh tế Hàn Quốc đã xuất khẩu được 1,1 tỷ đô la Mỹ [tính từ năm 1967 – ND]. Sau năm 1964, Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng trung bình 7% ổn định cho đến năm 1996 (Lee 2013).
Tuy nhiên, hệ thống được xây dựng vào những năm 1960 không hoàn hảo ở giai đoạn tích lũy tư bản trong mô hình ERS. Do nền kinh tế được chuyên môn hóa trong ngành công nghiệp nhẹ - sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp - nên tư liệu sản xuất có giá trị-gia tăng cao phải được nhập khẩu từ nước ngoài để xây dựng các nhà máy cần thiết cho ngành công nghiệp nhẹ và điều này đã gây ra tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai triền miên, cản trở sự tích lũy tư bản. Ngoài ra, một số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán xuất hiện vào cuối những năm 1960 sau cuộc suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù chính phủ đã thành lập văn phòng trực thuộc tổng thống để kiểm soát ngoại hối nhằm giải quyết những vấn đề này và thanh lý 26 doanh nghiệp làm ăn bết bát trong số 146 công ty bị phát hiện sử dụng các khoản vay nước ngoài, vấn đề trung tâm bắt nguồn từ cấu trúc ngành đã không được giải quyết (Lee 2013).
Cuối cùng, các ngành công nghiệp Hàn Quốc vì thế mà cần phải thay đổi cấu trúc nhằm giải quyết vấn đề. Tổng thống Park quyết định thực hiện kế hoạch sử dụng ngành công nghiệp nặng để thay thế cho tư liệu sản xuất được nhập khẩu. Kế hoạch Phát triển 5 Năm lần thứ hai (1967–1971) phản ánh nhu cầu phải thay đổi này, mục tiêu của nó là thiết lập một nền tảng công nghiệp nhằm phát triển công nghiệp độc lập. Theo mục tiêu này, chính phủ đã ban hành các đạo luật thúc đẩy khác nhau như Đạo luật Thúc đẩy Công nghiệp Cơ khí và Đóng tàu (1967), Đạo luật Thúc đẩy Công nghiệp Thép (1969), Đạo luật Thúc đẩy Công nghiệp Hóa dầu (1969) và Đạo luật Thúc đẩy Công nghiệp Điện tử (1969). Các đạo luật thúc đẩy này đặt nền tảng cho việc khai thác sâu hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) tại Hàn Quốc.
Sự thay đổi cấu trúc này vào cuối những năm 1960 và 1970 có thể được xem là thúc đẩy sự vận hành của hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) cùng với chính sách hạn chế tái đầu tư tư bản tích lũy. Theo Kim và Hong (1990), tuy nhiên, sự thay đổi chính sách này vào cuối những năm 1960 nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp nặng không làm ảnh hưởng đến mô thức phát triển và tăng trưởng - vốn được thúc đẩy bởi [chính sách] công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu - mà đúng hơn là nhằm chia sẻ phần đóng góp của từng ngành cho tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là khung phân tích của mô hình ERS được hình thành vào những năm 1960 và các chính sách tiếp theo [được hình thành] vào cuối những năm 1960 đã tạo đà cho việc lưu thông [tư bản] và mở rộng hệ thống.
Thật vậy, những chính sách này trong những năm 1970 đã khai thác sâu từng yếu tố của mô hình ERS cũng như thúc đẩy sự lưu thông [tư bản] của hệ thống, nâng cao trình độ phát triển. Về giai đoạn mở rộng nguồn cung, nhờ chính sách, các ngành công nghiệp Hàn Quốc đa dạng hóa trong nội bộ ngành và giữa các ngành. Ví dụ, 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu vào năm 1974 là quần áo, thiết bị điện, thép tấm, giày dép và vải sợi nhân tạo, trong khi đó vào năm 1962 là các mặt hàng gạo, cá, quặng kim loại màu, lụa và quặng kim loại, vốn là những mặt hàng phi công nghiệp. Vào năm 1982, 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu đã trở thành quần áo, tàu thuyền, thép tấm, giày dép và vải sợi nhân tạo, chủ yếu được sản xuất trong ngành công nghiệp nặng (Korea International Trade Association [Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc] 2015). Về việc mở rộng nguồn cầu này, các chính sách thúc đẩy được thực hiện trong những năm 1970 đã thỏa mãn nguồn cầu trong nước đối với tư liệu sản xuất và các sản phẩm công nghiệp tiên tiến. Kim và Hong (1990), bằng cách phân tích các bảng đầu vào - đầu ra, cho thấy rằng vào đầu những năm 1970, nguồn cầu đối với các hàng hóa trung gian đã được đáp ứng, trong khi đó đối với các thành phẩm trong ngành công nghiệp nặng đã được đáp ứng sau giữa những năm 1970. Họ nói thêm rằng thực tế này phản ánh sự thay thế nhập khẩu thành công của ngành cơ khí vào những năm 1970, đặc biệt là nửa sau những năm 1970, khi hàng hóa từ nhiều ngành công nghiệp cơ khí, bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô, đã được thay thế thành công cho các sản phẩm nhập khẩu. Hơn nữa, như chúng ta có thể thấy từ sự thay đổi trong danh sách 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, sự phát triển hướng vào những ngành công nghiệp phức tạp hơn cũng mở ra các thị trường nước ngoài mới.
Chính phủ cũng khuyến khích mở rộng xuất khẩu thông qua chính sách tỷ giá hối đoái. Do tỷ lệ lạm phát cao hơn so với Hoa Kỳ và Nhật Bản - các đối tác thương mại chính của Hàn Quốc, chính phủ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ nguyên tỷ giá hối đoái hiệu dụng ngay cả khi hệ thống ngoại hối có dao động đơn vị. Theo cách này, tỷ giá hối đoái hiệu dụng vẫn không đổi sau năm 1965 (Kim 1980).
Các chính sách cho giai đoạn tích lũy tư bản cũng như đảm bảo Dòng B trong Hình 1 cũng phụ thuộc vào sự phát triển của các ngành công nghiệp Hàn Quốc. Việc thiết lập ngành công nghiệp nặng đòi hỏi một lượng tư bản lớn. Chính phủ đã tìm kiếm nguồn vốn tài trợ thông qua việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao [với Nhật Bản] bất chấp sự phản đối của người dân. Chính phủ Nhật Bản đã trả hàng tỷ đô la Mỹ không cần hoàn lại và cung cấp khoản vay dài hạn 200 triệu đô la Mỹ cho Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã không ngần ngại tái đầu tư nguồn vốn này vào ngành công nghiệp mới. Một câu chuyện nổi tiếng là một phần rất lớn nguồn vốn thu được đã được sử dụng để thành lập tập đoàn POSCO bắt nguồn từ thỏa thuận “Giải quyết Vấn đề liên quan đến Tài sản, Khiếu nại và Hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc với Nhật Bản”. Tập đoàn POSCO đã tổ chức lễ khánh thành vào năm 1973 và 75% tổng số vốn xây dựng - 300 triệu đô la Mỹ - là từ chính phủ. Ngoài ra, chính phủ đã kiếm được nguồn vốn cho ngành công nghiệp mới bằng cách tham gia Chiến tranh Việt Nam. Hàn Quốc đã phái khoảng 320.000 binh sĩ đến Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1973. Nhờ đó, Hoa Kỳ đã đầu tư 2,3 tỷ đô la Mỹ để phát triển kinh tế Hàn Quốc.
Vì thế, chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng các chính sách thúc đẩy và áp đặt như vậy để thúc đẩy phát triển kinh tế. Thật vậy, việc này không chỉ bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ. Chính phủ đã nỗ lực không chỉ để xây dựng từng yếu tố của mô hình ERS mà còn khuyến khích dòng tư bản trôi chảy giữa các yếu tố và ngăn chặn dòng [tư bản] chảy ra khỏi hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS). Khi bước vào thập niên 1980, kết quả của các chính sách trong những năm 1960 và 1970 xuất hiện ngày càng rõ nét, như trong Hình 7. Kết quả khác biệt giữa nền kinh tế Hàn Quốc và những quốc gia khác đến từ sự khác biệt trong hệ thống. Nền kinh tế Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) vào những năm 1960 và đạt được động lực bằng cách tái đầu tư bền vững để thúc đẩy sức mạnh sản xuất và cuối cùng leo lên nấc thang phát triển.
6. Kết luận
List nhấn mạnh việc bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ. Tuy nhiên, tranh luận về chủ nghĩa bảo hộ là một phần của bức tranh rộng lớn hơn được mô tả trong cuốn Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia (1841) của ông. Trong cuốn sách này, ông đã giải thích tại sao phạm vi hệ thống là nền kinh tế quốc gia, chứ không phải là nền kinh tế cá nhân hay quốc tế. Sau đó, ông tuyên bố rằng sức mạnh sản xuất của một quốc gia còn quan trọng hơn chính của cải [của quốc gia đó], ngoài ra ông còn trình bày cách thức xây dựng sức mạnh sản xuất từ ​​quan đim h thng động. Tuy nhiên, công trình nghiên cu ca ông v lý thuyết phát trin kinh tế dường như đã b đánh giá thp bi vì nó tp trung vào hàm ý chính sách cho quc gia ca ông - nước Đức - và cung cp các ví d lch s t trường hợp của các quốc gia công nghiệp hóa sớm.
Nghiên cứu này nhìn lại lý thuyết của List về phát triển kinh tế và cố gắng tái tạo nó thông qua khung phân tích của mô hình ERS được đề xuất bởi công trình của Kim và Heshmati (2013) và bởi Jun và Kim (2015). Mô hình ERS tóm lược lý thuyết của List như sau: a. áp dụng khái niệm sức mạnh sản xuất, b. sử dụng phương pháp hệ thống động, c. nhấn mạnh tiến bộ công nghệ và giáo dục, d. giao thương với các thị trường, e. nhấn mạnh việc tái đầu tư của cải, và f. làm rõ vai trò cốt yếu của chính sách. Theo mô hình ERS, bởi vì có sự khác nhau về trình độ và bởi vì một nền kinh tế thiết lập được hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh, nên một quốc gia theo sau không thể bắt kịp các quốc gia dẫn đầu thông qua chính sách tương tự như chính sách của các quốc gia dẫn đầu. Hơn nữa, với việc xem dòng quan trọng nhất trong hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) là từ tư bản tích lũy đến tiến bộ công nghệ thông qua tái đầu tư tư bản, thì chính phủ nên ngăn chặn tư bản chảy ra khỏi hệ thống.
Nghiên cứu này cho rằng quá trình công nghiệp hóa Hàn Quốc đã đạt được thành công thông qua việc áp dụng lý thuyết của List vào thực tiễn. Nền kinh tế Hàn Quốc hình thành nên từng yếu tố của mô hình ERS vào năm 1964 với sự thay đổi của chính phủ hướng về tiến trình công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu, huy động tư bản từ nước ngoài cực lớn và điều tiết tư bản để tái đầu tư. Vào những năm 1970, hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) của nền kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhờ ngành công nghiệp nặng. Sau những năm 1980, kết quả của sự thiết lập hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) cũng như sự lưu thông [tư bản] của nó đã được hé lộ sau những năm 1980 so với sự trì trệ của các quốc gia kém phát triển khác.
Tài liệu tham khảo


Amsden, Alice H. (1992). Asia’s Next Giant: South Korea and Late Industrialization. Oxford University Press.
Braudel, Fernand. (1982). Civilization and Capitalism, 15th-18th Century: The Wheels of Commerce. University of California Press.
Choi, D. G. (1992). Government in the development era: the Role of Bureaucracy that Leads the Miracle of Han River, Seoul: The Korea Economic Daily.
Economic Planning Board. (1959). The minutes of the 25th meeting, The Ministry of Finance and Economy of Korea, December 24, 10 20 AM.
Evans, Peter B. (1995). Embedded Autonomy. Princeton, N.J: Princeton University Press.
Freeman, Christopher. (1987). Technology, Policy, and Economic Performance: Lessons from Japan. Pinter Publishers.
Galor, Oded. (2011). Unified Growth Theory. Princeton University Press.
Gerschenkron, Alexander. (1962). Economic Backwardness in Historical Perspective: A Book of Essays. Cambridge: Belknap Press of Harvard University Press.
Gerybadze, Alexander (2016) Industrial Development Strategies in Asia: The Influence of Friedrich List on Industrial Evolution in Japan, South Korea, and China, in: Hagemann, H., Seiter, S., Wendler, E., Through Wealth to Freedom, Routledge Studies in the History of Economic Thought, London, 2016.
Henderson, William. (1983). Friedrich List: Economist and Visionary 1789-1846. London, England; Totowa, N.J: Routledge.
Hirschman, Albert O. (1958). The Strategy of Economic Development. New Haven: Yale University Press.
Johnson, Chalmers A. (1982). MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy, 1925-1975. 1 edition. Stanford, Calif: Stanford University Press.
Jun, Bogang, and Tai-Yoo Kim. (2015). “A Neo-Schumpeterian Perspective on the Analytical Macroeconomic Framework: The Expanded Reproduction System.” In. UNU-MERIT, Maastricht University.
Jun, Bogang, and Joongho Lee. (2014). “The Tradeoff between Fertility and Education: Evidence from the Korean Development Path.” FZID Discussion Paper 92-2014.
University of Hohenheim, Center for Research on Innovation and Services (FZID).
Kim, J., (1990). The History of Korean Economic Policy for 30 years: memoir of Kim Jeong-ryum, Seoul: Joongang Ilbosa
Kim, J., (2013). The Rise of the Seonjinguk Discourse and the Formation of Developmental National Identity during the Park Chung-Hee Era: Analyzing Presidential Addresses and the Chosun Ilbo, Korean Journal of Sociology, Vol. 47, No. 1, pp. 71-316.
Kim, K.,S., and Hong, S.,D., (1990). The Analysis of Industrial Development and Structural change with long-term perspective: 1955-85, Korea Development Institute, Vol. 12, No. 1, pp. 3-29.
Kim, K., S., (1980). The Pattern of Industrialization in Korea and Its Cause, Korea Development Institute, No. 36.
Kim, Tai-yoo, and Almas Heshmati. (2013). Economic Growth: The New Perspectives for Theory and Policy. Berlin: Springer.
Kim, Y.,B. (2005). The Industrial Policy Processes of Korea in 1980s - the case of the Industry Development Law, Hankookjeongchiyeongu (The Studies on Korean Politics), Vol. 8, No. 1, pp. 241-259.
Korea International Trade Association (2015) statistics of trade, data is available at http://stat.kita.net.
Lee, D., (2013). The Rise of the Seonjinguk Discourse and the Formation of Developmental National Identity during the Park Chung-Hee Era: Analyzing Presidential Addresses and the Chosun Ilbo, Korean Journal of Sociology, Vol. 47, No. 1, pp. 71-106.
Lee, D., (2009). The economic policies in the era of Park Chung-Hee government: political economy of a double-edged sword, Yeoksa wa Hyunsil (History and reality), Vol. 74, pp. 79-112.
Lee, S., C., (2002). Formation of Industrial Policy in Korea-the Case of Steel Industry in the 1960s, Journal of Korean Economic Development, Vol. 10, Vol. 1, pp. 137-166.
Lee, S.,C.,(2002). The Development of Korean Industrial Policy in the 1960s and 1970s: Formation of Mechanism for Resource Allocation, Economy and Society, Vol. 57, pp. 110-137.
Leftwich, Adrian. 1995. “Bringing Politics Back in: Towards a Model of the Developmental State.” The Journal of Development Studies 31 (3): 400–427. doi:10.1080/00220389508422370.
Levi-faur, David. 1997. “Friedrich List and Political Economy of the Nation-State.” Review of International Political Economy, 154–78.
List, Friedrich. (1841) Trans. Sampson S. Lloyd (1885). The National System of Political Economy. London, Longmans, Green.
Lundvall, Bengt Åke. 2007. “Innovation Sytem Research: Where It Came from and Where It Might Go.” Globelics Working Paper, no. 2007-01.
Lundvall, Bengt-Åke, Björn Johnson, Esben Sloth Andersen, and Bent Dalum. 2002. “National Systems of Production, Innovation and Competence Building.” Research Policy 31 (2): 213–31. doi:10.1016/S0048-7333(01)00137-8.
Myrdal, Gunnar. 1968. Asian Drama: An Inquiry Into the Poverty of Nations-. First Print edition. Random House.
Niosi, Jorge, Paolo Saviotti, Bertrand Bellon, and Michael Crow. 1993. “National Systems of Innovation: In Search of a Workable Concept.” Technology in Society 15 (2): 207–27. doi:10.1016/0160-791X(93)90003-7.
Oh, W., C., (1996) Hankookhyung gyungje geonseol (The Korean way of Economic Development), KIA Economics Research Institute.
Oman, Charles P., and Ganeshan Wignaraja. 1991. Postwar Evolution of Development Thinking. New York: Palgrave Macmillan.
Park, B., Y, (2003) Neoliberal Globalization and the Changes of National Development Models, Korean Journal of Sociology, Vol.37, No.2, pp. 123-148.
Park, T., G., (2007) The Economic Development Plans of the Rhee Government after the Korean War, Journal of World Politics, Vol. 28, No. 2, pp. 203-242.
Park, T., G., (2004) Discourse on Economic Development in 1950s and Its Origin, Comparative Korean Studies, Vol. 12, No. 1, pp. 97-135.
Park, T., G., (2000) The Revision of Development Plan over 1961 to 1964, Sahoi wa yens (Society and History), Vol. 57, pp. 113-146.
Perez, Carlota. 2003. Technological Revolutions and Financial Capital: The Dynamics of Bubbles and Golden Ages. Cheltenham: Edward Elgar.
Porter, Michael E. 1998. Competitive Advantage of Nations. New York: Free Press.
SaKong, I., and Jones, L.,P., (1981). The Economic Development and the Role of Government and Entrepreneur, Seoul: Korea Development Institute.
Satterwhite, David H. 1994. “The Politics of Economic Development: Coup, State, and the Republic of Korea’s First Five-Year Economic Development Plan (19621966).”
Soete, L., B. Verspagen, and Bas ter Weel. 2010. “Systems of Innovation.” CPB Discussion Paper 138. CPB Netherlands Bureau for Economic Policy Analysis. http://ideas.repec.org/p/cpb/discus/138.html
Von Hippel, Eric. 1978. “A Customer-Active Paradigm for Industrial Product Idea Generation.” Research Policy 7 (3): 240–66. doi:10.1016/0048-7333(78)90019-7.
Vries, Jan de, and Ad van der Woude. 1997. The First Modern Economy: Success, Failure, and Perseverance of the Dutch Economy, 1500-1815. Cambridge: Cambridge University Press.
Wade, Robert. 2003. Governing the Market: Economic Theory and the Role of Government in East Asian Industrialization. With a New introduction by the author edition. Princeton, NJ: Princeton University Press.
Wendler, Eugen. 2014. Friedrich List. 2015 edition. Springer.
World Bank. 1993. The East Asian Miracle: Economic Growth and Public Policy. New York, N.Y: Oxford University Press.
Yang, J., (2012) Political Economy of Promotion and Discipline behind Successful.
Export-Oriented Industrialization in Korea, Journal of East and West Studies, Vol. 24, No. 3, pp. 5-28.
THÔNG TIN VỀ ĐƠN VỊ XUẤT BẢN
University of Hohenheim [Đại học Hohenheim (Đức)]
Dean’s Office of the Faculty of Business, Economics and Social Sciences [Văn phòng Trưởng khoa của Khoa Kinh doanh, Kinh tế và Khoa học Xã hội]
Palace Hohenheim 1 B [Tòa nhà Hohenheim 1 B]
70593 Stuttgart | Germany
Số điện thoại +49 (0)711 459 22488
Số fax       +49 (0)711 459 22785
Thư điện tử wiso@uni-hohenheim.de
Bogang Jun
Bogang Jun
Bogang là một Cộng tác viên nghiên cứu sau tiến sĩ trong Nhóm học tập tập thể tại MIT Media Lab, làm việc với Giáo sư Cesar Hidalgo. Nghiên cứu của cô tập trung vào tăng trưởng kinh tế và địa lý kinh tế với mối quan tâm là tại sao một số quốc gia/khu vực thì giàu có còn những quốc gia khác lại nghèo.
Trước khi gia nhập MIT, cô nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Hohenheim ở Đức [2014 – 2016] và là giảng viên của Đại học Quốc gia Seoul ở Hàn Quốc. Bogang nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế và Cử nhân Kỹ thuật Hóa học tại Đại học Quốc gia Seoul. Trước khi bắt đầu nghiên cứu tiến sĩ, cô làm việc tại công ty LG Chem với tư cách là một kỹ sư quy trình.
Alexander Gerybadze
Alexander Gerybadze
Tai-Yoo Kim
Giáo sư Alexander Gerybadze là thành viên của Ủy ban Chuyên gia về Nghiên cứu và Đổi mới do Chính phủ Liên bang Đức bổ nhiệm. Ông là Giáo sư về Quản trị Quốc tế tại Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Hohenheim ở Stuttgart. Ông là thành viên của ban điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới và Dịch vụ (FZID) và giám đốc Trung tâm Quản trị và Đổi mới Quốc tế.
Tai-Yoo Kim
Tai-Yoo Kim giảng dạy kinh tế học tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU). Người sáng lập Chương trình Chính sách, Kinh tế và Quản trị Công nghệ của SNU, Kim đã xuất bản rộng rãi về chính sách kinh tế và công nghệ năng lượng và từng là cố vấn chính sách và cố vấn cho cả các công ty lẫn chính phủ Hàn Quốc. Gần đây nhất, ông là cố vấn trưởng về thông tin, khoa học và công nghệ cho tổng thống Hàn Quốc.
Nguyễn Việt Anh Nguyễn Bích Ngọc dịch




Chú thích:

[*] Bẫy Malthusian: dân số tăng khiến các quốc gia thiếu nguồn cung thực phẩm và rơi vào tình trạng thu nhập thấp mãi mãi.

Print Friendly and PDF