Rosa Luxemburg (1871-1919) |
Rosa Luxemburg, nữ lý thuyết gia khắt khe và nhà cách mạng say mê
Là người phụ nữ có niềm tin và hành động, Rosa Luxemburg còn là một nữ lý thuyết gia lớn của kinh tế học chính trị. Tác phẩm của bà chủ yếu tập trung vào động thái của sự tích lũy tư bản.
Là người có đầu óc phóng khoáng và phê phán, bà đã dương đầu với các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa chính đương thời.
Rosa Luxemburg là người phụ nữ đầu tiên xây dựng một tác phẩm lý thuyết nổi bật về kinh tế học, vốn là một ngành học cho đến bấy giờ chỉ dành cho nam giới (và phần lớn vẫn còn như vậy cho đến bây giờ). Vào thế kỷ XIX, đã có Jane Marcet và Harriet Martineau, nhưng công trình của họ chỉ tập trung vào việc phổ biến những tư tưởng tự do. Là người xã hội chủ nghĩa triệt để, Rosa Luxemburg vừa là người phụ nữ của niềm tin vừa là người phụ nữ hành động: nhà lãnh đạo chính trị, nhà báo có nhiều bài viết, đồng thời là nữ lý thuyết gia hàng đầu. Là nhà luận chiến đáng gờm, bà dị ứng với chủ nghĩa giáo điều và không ngại đương đầu với các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa chính đương thời, đặc biệt là Bernstein, Kautsky, Lenine và Jaurès. Sự phê phán của bà đối với Marx, người mà bà vẫn viện dẫn, làm cho bà bị cô lập và bị khai trừ. Bị bỏ tù nhiều lần, bị ám sát năm 49 tuổi, bà trả giá cho sự dấn thân của bà bằng chính sinh mệnh mình.
Chống lại chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa Lêninit
Rosa Luxemburg bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, trong lòng Đảng giai cấp vô sản của nước Ba Lan thuộc Nga. Năm 1893, cùng với người bạn trai Leo Jogiches, bà thành lập Đảng dân chủ xã hội của vương quốc Ba Lan, trước khi trở thành đảng viên tích cực và có ảnh hưởng của Đảng dân chủ xã hội Đức và của tổ chức Quốc tế thứ hai. Năm 1898, bà trở nên nổi tiếng khi đối lập với Eduard Bernstein, lãnh đạo của dòng tư tưởng xét lại trong phong trào xã hội chủ nghĩa. Trước ý tưởng biến đổi chủ nghĩa tư bản từng bước một và một cách hòa bình, Rosa Luxemburg đối lập sự cần thiết của một sự đột phá cách mạng, con đường duy nhất tiến lên lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng không dẫn bà đến phái của Lenin và chủ nghĩa Bolshevik. Trong khi nhà lãnh đạo cách mạng Nga, trong tác phẩm Làm gì? (1902), trình bày lý thuyết về đảng tiên phong như là mũi xung kích của cuộc cách mạng vô sản, thì trong tác phẩm Đình công đại chúng, đảng và các công đoàn, Rosa Luxemburg ngược lại nhắm vào sáng kiến và sự tự phát cách mạng của giai cấp công nhân và bác bỏ ý tưởng về vai trò lãnh đạo của đảng.
Rosa Luxemburg tại một kỳ đại hội xã hội chủ nghĩa năm 1907. |
Là người phê phán chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt, bà phản đối mạnh mẽ việc bỏ phiếu cho các khoản tín dụng chiến tranh của Đảng dân chủ xã hội Đức vào ngày 04 tháng 8 năm 1914. Cùng với Karl Liebknecht, Franz Mehring và Clara Zetkin, bà thành lập hội Spartacus, sau này là Đảng cộng sản Đức năm 1918. Không vì thế mà bà ngưng phê phán các quan điểm của Lenin và các chính sách của đảng Bolshevik vừa lên cầm quyền ở Nga năm 1917, cảnh báo những khuynh hướng độc tài của họ và chống lại việc bãi bỏ nền dân chủ. Thừa nhận rằng hoàn cảnh buộc chính quyền Nga phải tỏ ra cứng rắn, bà sợ nhìn thấy những biện pháp khẩn cấp của chính quyền xô viết mới sẽ được pháp điển hóa và biến thành một hệ thống thường trực. Chuyên chính vô sản lúc đó có nguy cơ biến thành "chế độ độc tài của một số ít các chính trị gia" (Œuvres II, trang 85). Cảm nhận được sự trôi dạt theo hướng của Stalin, bà tiên đoán rằng tình trạng này sẽ đi kèm với sự khủng bố và "sự gia tăng bạo lực trong đời sống công cộng" (nt.).
Chính trong sự tàn bạo trên mà cuộc nổi dậy của phong trào Spartacus bị đàn áp ở Berlin bởi chính quyền dân chủ xã hội liên minh với các nhóm đặc nhiệm. Rosa Luxemburg phản đối cuộc nổi dậy, nhưng rồi cũng thuận theo ý kiến đa số trong hội Spartacus. Sau khi bà mất, Bertolt Brecht, lúc đó mới 21 tuổi, đã viết: "Rosa-la-Rouge cũng đã mất tích. Không ai biết được nơi an táng bà. Bà đã nói lên sự thật cho người nghèo. Và vì điều đó mà những người giàu đã ám sát thủ tiêu bà."
Sự tích lũy tư bản
Cũng giống như Karl Marx, Rosa Luxemburg tin rằng sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội sẽ là kết quả của sự phát triển những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Đó là lý do tại sao công việc nghiên cứu kinh tế học chính trị, mà bà đã dành phần lớn cuộc đời, đối với bà là điều cần thiết. Nhưng, khi nghiên cứu Marx, bà vấp phải một vấn đề lớn. Một mặt, Marx giải thích lý do tại sao chủ nghĩa tư bản phải tất yếu sụp đổ, tiếp sau những cuộc khủng hoảng ngày càng quan trọng. Mặt khác, trong quyển hai của bộ Capital (Tư bản), những sơ đồ của ông về tái sản xuất, mô tả các mối quan hệ giữa khu vực tư liệu sản xuất và khu vực hàng tiêu dùng, trái lại cho thấy là ta có thể hình dung những điều kiện cho một sự phát triển cân bằng của chủ nghĩa tư bản[1]. Đó cũng là cách diễn giải các sơ đồ tái sản xuất của các lý thuyết gia theo chủ nghĩa xét lại như Tugan-Baranovsky.
Sự tích lũy tư bản, tác phẩm lý thuyết chính của Rosa Luxemburg, cung cấp cùng lúc một lịch sử chi tiết các cuộc tranh luận về sự phát triển từ những năm đầu thế kỷ XIX, một trình bày có phê phán các luận thuyết của Marx và về những luận chiến mà các thuyết này đã dấy lên, và giải pháp độc đáo mà bà đưa ra để giải quyết những vấn đề trên. Sự tích lũy tư bản, hay sự tái sản xuất mở rộng, bắt nguồn từ việc chuyển đổi một phần giá trị thặng dư được người lao động tạo ra thành tư bản bổ sung, cho phép mở rộng sản xuất. Tuy nhiên có một lỗ hổng quan trọng trong lý luận của Marx. Ông không giải thích từ đâu mà có mức cầu đối với tư bản bổ sung ấy. Nói cách khác, ông không giải thích cho chúng ta động lực của sự tích lũy, khuyến khích đầu tư là gì. Ông ngầm giả định rằng tất cả các sản phẩm sản xuất được đều được bán hết mà không có vấn đề gì. Sau khi bác bỏ định luật của Say[2] trong quyển thứ nhất của bộ Capital (Tư bản), Marx dường như đồng ý với định luật đó trong quyển thứ hai.
Lấy lại ý tưởng của Malthus[3], được Keynes sau này sử dụng, Rosa Luxemburg chỉ ra sự cần thiết phải có một mức cầu hiệu quả để đảm bảo một tiêu trường cho hàng hoá khi sản xuất gia tăng. Mức cầu này không thể chỉ là khả năng chi tiêu của các nhà tư bản và của người lao động: một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa khép kín không thể phát triển. Một môi trường phi tư bản là điều thiết yếu cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đó có thể là một môi trường nội bộ trong nước, chẳng hạn như các khu vực nông dân và thợ thủ công chưa là nhà tư bản. Nhưng người ta cũng có thể tìm tiêu trường ở bên ngoài đất nước, ở các nước kém phát triển. Chính đây là gốc rễ của chủ nghĩa đế quốc, đặc trưng cho chủ nghĩa tư bản đương đại. Nó được biểu hiện bằng một cuộc đấu tranh ngày càng khốc liệt giữa các nước phát triển để kiểm soát các tiêu trường và thị trường thế giới, đi kèm với sự mở rộng của chủ nghĩa quân phiệt và sự gia tăng các cuộc chiến tranh. Sản xuất vũ khí tự bản thân nó cũng là một hình thức của tiêu trường.
Trong khi chủ nghĩa tư bản phát triển và mở rộng trên toàn thế giới, phá hủy tất cả các hình thái kinh tế khác, thì nó cũng đối mặt với một vấn đề của tiêu trường ngày càng quan trọng và không giải quyết được: "Khi bạo lực càng gia tăng mà tư bản dùng để phá hủy các tầng lớp phi tư bản chủ nghĩa ở bên trong và bên ngoài [...], thì lịch sử hàng ngày của sự tích lũy trên thế giới càng biến thành một loạt các thảm họa và biến động." (Œuvres IV, trang 129). Tuy nhiên, Rosa Luxemburg luôn tin rằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ bùng nổ trước sự biến động cuối cùng của hệ thống đó.
Phê phán và ca tụng
Những luận thuyết của Rosa Luxemburg đã bị các lý thuyết gia mác-xít chính đương thời, như Tugan-Baranovsky, Kautsky, Bukharin, Bernstein, Lenin hay Hilferding phê phán nặng nề. Bà đã đáp trả lại trong một cuốn sách được viết trong tù và được xuất bản sau khi bà mất vào năm 1921. Điều đó đã không làm chấm dứt cuộc luận chiến. Bị dòng kinh tế học chủ đạo phớt lờ, Rosa Luxemburg bị chủ nghĩa mác-xít chính thống coi là người sáng lập một tà thuyết nguy hiểm, thuyết Luxemburg, và dựa vào đó để truy tố và kết án các nhà hoạt động chính trị đối lập.
Chính ở biên giới của các học thuyết chính thống mà tác phẩm của bà đã được đánh giá đúng với giá trị của nó, ở ngoài vòng của mọi giáo điều. Michal Kalecki, người đồng hương của bà, lấy cảm hứng từ bà trong những công trình của mình khiến chúng báo trước những công trình của Keynes. Một quý bà khác của kinh tế học, bản thân là một môn đồ phê phán Keynes, và cũng là tác giả của một cuốn Tích lũy tư bản (1956), Joan Robinson, là người đã viết một trong những lời ca tụng tốt đẹp nhất, khi năm 1951 ký tên vào lời nói đầu cho bản dịch tiếng Anh cuốn sách của Rosa Luxemburg. Nhấn mạnh đến những điểm tương đồng giữa tác phẩm của nhà nữ cách mạng Ba Lan và tác phẩm của bậc thầy đại học Cambridge, bà kết luận bài viết của mình khi viết rằng, về những khó khăn của chủ nghĩa tư bản ở thế kỷ XX, "cuốn sách này minh chứng cho sự sáng suốt hơn bất kỳ nhà tư tưởng chính thống đương đại nào".
Rosa Luxemburg qua vài năm tháng
1870: sinh ngày 5 tháng 3 ở Zamosc, trong vùng nói tiếng Nga của một đất nước Ba Lan bị chia cắt, trong một gia đình Do Thái. Thời trẻ và niên thiếu ở Warsaw.
1889: đến Zurich, nơi bà học triết học, khoa học tự nhiên và kinh tế học chính trị.
1897: đổ bằng tiến sĩ kinh tế học chính trị của Đại học Zurich.
1898: sau khi kết hôn giả với Gustav Lübeck để có một hộ chiếu Đức, bà chuyển tới Berlin. Bà gia nhập Đảng dân chủ xã hội Đức. Bà xuất bản tác phẩm Le développement industriel de la Pologne (Sự phát triển công nghiệp của Ba Lan) và tác phẩm Réforme sociale ou révolution (Cải cách hay cách mạng)?
1904: làm biên tập tại Leipziger Volkszeitung.
1905: nhập cư bất hợp pháp ở Warsaw, tiếp sau cuộc nổi dậy cách mạng ở Nga.
1906: bị bắt vào tháng Ba, được thả vào tháng Sáu, bà đến Phần Lan, rồi quay trở lại Đức. Bà xuất bản tác phẩm Grève de masse, parti et syndicats (Bãi công đại chúng, đảng và các công đoàn).
1907: ở tù hai tháng về tội "kích động bạo lực".
1907-1914: giáo sư kinh tế học chính trị và lịch sử kinh tế tại Trường của Đảng dân chủ xã hội Đức. Soạn một bài viết về Introduction à l’economie politique, publiée en 1925 (Nhập môn kinh tế học chính trị), được công bố năm 1925.
1913: xuất bản tác phẩm chính của bà L’accumulation du capital (Sự tích lũy tư bản).
1915: bị bắt giam từ tháng 2 năm 1915 đến tháng 2 năm 1916 về tội "kích động bất tuân dân sự".
1916: thành lập hội Spartacus. Bị giam giữ hành chính không xét xử từ tháng 7 năm 1916 đến năm 1918. Bà xuất bản tác phẩm La crise de la social-démocratie (Cuộc khủng hoảng của nền dân chủ xã hội).
1918: bà lại tiếp tục hoạt động cách mạng, thành lập tờ báo Die rote Fahne và góp phần vào việc thành lập, vào tháng mười hai, Đảng Cộng sản Đức. Bà xuất bản một cuốn tiểu luận mang tính tiên tri về Cuộc cách mạng Nga.
1919: tháng Giêng, cuộc nổi dậy của phong trào Spartacus ở Berlin. Ngày 15, Luxemburg và Liebknecht bị bắt và bị ám sát. Ngày 31, người ta tìm thấy xác của Rosa Luxemburg dưới một con kênh.
1921: xuất bản sau khi tác giả mất cuốn sách được bà viết trong tù Critique des critiques ou ce que les épigones ont fait de la théorie marxiste (Phê phán những kẻ phê phán hay cái mà những kẻ kế thừa đã làm đối với lý thuyết mác-xít).
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Rosa Luxemburg
• Œuvres, François Maspero, 4 vol., 1969.
• Introduction à l’économie politique, Anthropos, 1970.
• Lettres à Sophie, Berg International, 2002.
• La révolution russe, Le Temps des cerises, 2000.
• Chúng ta cũng có thể tìm thấy hầu hết các tác phẩm của Rosa Luxemburg (đặc biệt tác phẩm L’accumulation du capital) trên trang web https://www.marxists.org/archive/luxemburg/index.htm.
Những tác phẩm viết về Rosa Luxemburg
• Rosa Luxemburg, journaliste, polémiste, révolutionnaire, par Gilbert Badia, Editions sociales, 1975.
• Rosa Luxemburg: une vie, par Elzbieta Ettinger, Pierre Belfond, 1990.
• Rosa Luxemburg: sa vie et son œuvre, par Paul Frölich, L’Harmattan, 1991.
• Une femme rebelle. Vie et mort de Rosa Luxemburg, par Max Gallo, Presses de la Renaissance, 1992.
• La vie et l’œuvre de Rosa Luxemburg, par Jean-Pierre Netti, François Maspero, 1972.
• Cuộc sống của bà cũng là chủ đề của một bộ phim của Margarethe von Trotta, Rosa Luxemburg, năm 1986.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Rosa Luxemburg, théoricienne exigeante et révolutionnaire passionnée” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
[1] Xem “Marx: admirateur et adversaire du capitalisme (Marx, người ngưỡng mộ và đối thủ của chủ nghĩa tư bản)”.↩
[2] Theo Say, “c’est la production qui ouvre des débouchés aux produits (sản xuất là người mở ra tiêu trường cho sản phẩm)” (Traité, trang 138). Xem ” Jean-Baptiste Say, pionner de l’économie de l’offre (Jean-Baptiste Say, người tiên phong của kinh tế học trọng cung )”.↩
[3] Xem “Malthus, un polémiste né Malthus, một nhà luận chiến bẩm sinh )”.↩