25.9.17

Richard Cantillon, nhà lý thuyết tiền tệ hàng đầu của thế kỷ XVII


RICHARD CANTILLON, NHÀ LÝ THUYẾT TIỀN TỆ HÀNG ĐẦU CỦA THẾ KỶ XVII
Gilles Dostaler

Là người theo chủ nghĩa thế giới, nhà ngân hàng và nhà đầu cơ, Richard Cantillon tự vấn về sự khác biệt giữa giá trị sản phẩm và giá cả của chúng. Phân tích tiền tệ của ông đã làm cho ông trở thành một nhà tư tưởng hàng đầu trong thời đại ông.
Minh họa về cuộc khủng hoảng tài chính năm 1720 tại Paris. Richard Cantillon đã tiên đoán sự sụp đổ của thị trường chứng khoán gây ra bởi John Law.
Kinh tế học cũng có những đứa con bị nguyền rủa. Rosa Luxemburg bị ám sát, Friedrich List thì tự tử. Ban đầu người ta tin rằng những ngọn nến còn cháy dỡ đã thiêu rụi căn nhà ở London của nhà tài chính giàu có người Pháp gốc Ireland Richard Cantillon, cho tới khi phát hiện cơ thể ông bị đâm. Các gia nhân bị nghi ngụy trang một vụ giết người dã man bằng một vụ hỏa hoạn, nhưng cuối cùng được tha bổng. Josef Denier, người đầu bếp của Cantillon suốt mười một năm nay, đã bị sa thải một tuần trước khi xảy ra vụ giết người. Ông thận trọng đi lưu vong ở Hà Lan. Người ta không biết chính xác tuổi của Cantillon vào thời điểm diễn ra các sự kiện đáng buồn nói trên. Tuổi của ông dao động từ 37 đến 54 tuổi.
Rosa Luxemburg (1871-1919)
Friedrich List (1789-1846)
Người ta cũng sẽ không bao giờ được biết những tác phẩm nào đã bị thiêu rụi cùng tác giả. May thay, một trong số những tác phẩm đó, một trong những kiệt tác của lịch sử kinh tế học chính trị, cuốn Essay de la nature du commerce en général (Tiểu luận về bản chất của thương mại nói chung), đã thoát khỏi ngọn lửa, có lẽ do đã được cất kỹ. Hầu tước de Mirabeau, cấp phó của François Quesnay, lãnh đạo của những người theo thuyết trọng nông, tuyên bố nắm giữ cuốn sách trên trong mười sáu năm. Rõ ràng là Mirabeau lấy phần lớn cảm hứng từ cuốn sách trên khi biên soạn cuốn L’ami des hommes (Người bạn của con người). Quesnay và chủ nghĩa trọng nông nợ Cantillon rất nhiều, mặc dù trong thực tế, về mặt chính trị, ông gần gũi với chủ nghĩa trọng thương nhiều hơn.
William S. Jevons (1835-1882)
François Quesnay (1694-1774)
Số phận tương lai của tác phẩm cũng lạ lùng như số phận của tác giả nó. Hai mươi năm sau một ấn bản được xuất bản sau khi tác giả qua đời, mà bản thân ấn bản cũng không phải không có điều bí ẩn (nhà xuất bản được đề cập trên trang bìa không tồn tại và cuốn sách dường như không được dịch từ tiếng Anh, như được ghi trong ấn bản này), cuốn Essay (Tiểu luận) của Cantillon hoàn toàn bị lãng quên trong hơn một thế kỷ, trước khi được William Stanley Jevons khai quật lên và phục hồi năm 1881. Jevons xem Cantillon như nhà kinh tế đầu tiên. Còn Joseph J. Spengler coi Cantillon như là người báo trước kinh tế học cổ điển cũng như kinh tế học tân cổ điển.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
David Ricardo (1772-1823)
Giống như cái chết của ông và số phận của tác phẩm ông, cuộc đời của Richard Cantillon, mặc dù ít được biết đến, rất là sóng gió. Là người theo chủ nghĩa thế giới, nếu không muốn nói là người vô tổ quốc, ông sở hữu nhà tại bảy địa điểm khác nhau. Ông là một người làm ra tiền, là một nhà ngân hàng và là một nhà đầu cơ khôn khéo, tại thị trường chứng khoán cũng như trên thị trường ngoại hối. Mặc dù không đồng tình với các ý tưởng của John Law, ông tham gia một thời vào các doanh nghiệp của Law, đặc biệt ở Louisiana. Rất nhanh, ông dự đoán một sự sụp đổ thảm khốc. Ông làm giàu thành công cùng với sự tăng trưởng cũng như sự sụp đổ của hệ thống của Law. Bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho sự phá sản trên và làm giàu bất chính, ông phải chịu đựng, cho đến cuối đời, nhiều vụ kiện tụng mà lúc nào ông cũng thắng. Giống như David Ricardo, Joseph SchumpeterJohn Maynard Keynes, ông chính là người coi trọng đồng tiền và suy nghĩ về tiền bạc.
Giá trị nội tại và giá cả thị trường
Trong khi các bài viết của các nhà trọng thương là những tác phẩm hợp tình huống, nhắm đến việc thuyết phục độc giả, thường là các nhà lãnh đạo chính trị, về tính chính đáng của các chính sách, thường mang tính bảo hộ, cuốn Essay (Tiểu luận) của Cantillon là một trong những chuyên luận đầu tiên về kinh tế học chính trị, nếu không muốn nói là chuyên luận đầu tiên, được xây dựng dưới hình thức một lập luận trừu tượng. Tác phẩm được chia thành ba phần: phần thứ nhất chủ yếu nói về sự giàu có, phần thứ hai về giá cả và tiền bạc, phần thứ ba về ngoại thương và tỷ giá hối đoái. Cuốn sách mở đầu bằng một câu nổi tiếng: "Trái đất là nguồn gốc hay là chất liệu để người ta khai thác của cải; lao động của con người là hình thức tạo ra của cải; và bản thân của cải không gì khác ngoài thực phẩm, các tiện nghi và thú vui của cuộc sống" (Essai - Tiểu luận, NXB Ined, trang 1).
William Petty (1623-1687)
Karl Marx (1818-1883)
Bước tiếp theo là tự hỏi điều gì xác định giá trị nội tại của những sự vật tạo nên chất liệu của của cải và được trao đổi. Có hai yếu tố được xem xét là: đất đai và lao động. "Giá cả, hay giá trị nội tại của một sự vật, là thước đo đất đai và lao động góp phần vào sản xuất" (trang 17). Giá trị nội tại phụ thuộc vào sản phẩm của đất đai và chất lượng lao động. Cantillon, người chưa được biết đến vào thời đó, viện dẫn ở đây đến các công trình của hiệp sĩ Petty. Để tự trang bị một thước đo duy nhất về giá trị, William Petty, được Karl Marx xem là cha đẻ của lý thuyết giá trị lao động, quy đất đai thành lao động. Ngược lại, Cantillon cho rằng cần quy lao động thành đất đai, xem lao động của người nông dân hoặc của người đi cày có giá trị gấp hai lần giá trị các sản phẩm của đất đai được sử dụng để duy trì người ấy.
Giá cả, hay giá trị nội tại, là một đại lượng không thay đổi được xác định bởi các điều kiện sản xuất. Còn với đại lượng này, Cantillon đối lập giá thị trường, "phụ thuộc vào tâm trạng và sự phóng túng của con người, và vào sức tiêu dùng của họ” (nt.). Các giá này được thiết lập bởi cái mà Cantillon gọi là "những vụ đụng chạm", có nghĩa là sự giao nhau giữa cung và cầu. Giá thị trường có thể cao hơn, bằng hoặc thấp hơn giá trị nội tại. Về lâu về dài, giá thị trường phải bằng giá trị nội tại, có nghĩa là, giá thị trường xoay quanh giá trị tự nhiên: "Không bao giờ có sự biến đổi trong giá trị nội tại của sự vật; nhưng sự bất khả trong việc giữ cân xứng giữa sản xuất hàng hóa và thực phẩm với sức tiêu dùng trong một nhà nước gây ra một sự biến đổi hàng ngày, và sự lên xuống bất tận của giá cả thị trường" (trang 18).
Cantillon cho rằng người ta có thể tìm thấy một tỉ lệ giữa giá trị lao động với tỉ lệ của các sản phẩm từ đất đai, trong khi vẫn cho rằng Thượng Đế không hề trao quyền sở hữu đất đai cho một người này hơn là cho một người khác: "Các danh hiệu lâu đời nhất đều dựa trên bạo lực và các cuộc chinh phục" (nt.). Ở đây người ta tưởng chừng đọc được thuyết của Marx. Mối quan hệ mà Cantillon đề cập là "lao động hàng ngày của kẻ nô lệ thấp hèn tương ứng với gấp đôi giá trị của sản phẩm từ đất đai giúp kẻ này sinh tồn" (trang 20).
Chu trình kinh tế, thị trường và tiền tệ
Richard Cantillon (1680-1734)
John M. Keynes (1883-1946)
Không tính hết được những đổi mới được giới thiệu trong cuốn sách nhỏ của Cantillon. Ngoài giá cả thị trường và cơ chế xoay quanh giá trị nội tại, Richard Cantillon còn là người đầu tiên đã dành một vai trò trung tâm cho nhân vật nhà doanh nghiệp trong sự vận hành của nền kinh tế được coi như là một chu trình, hai thế kỷ trước Schumpeter. Doanh nhân là một người mua các nhân tố của sản xuất và hàng hóa với một giá bấp bênh. Đối với Cantillon, kinh tế là một quá trình vòng tròn liên quan đến sự tương tác giữa thu nhập, chi tiêu và sản phẩm. Chi tiêu của một người hình thành nên thu nhập của người khác, theo một quy trình không khác lắm với quy trình mà Keynes đã đưa ra ánh sáng.
Lưu thông tiền tệ đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình trên, và được Cantillon dành một phần quan trọng trong cuốn tiểu luận của ông, ông chăm chút xem xét các mối liên kết giữa lĩnh vực tiền tệ và lĩnh vực thực của nền kinh tế. Ông giới thiệu rõ hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm ông về ý tưởng lưu thông tiền tệ và mô tả cơ chế của việc mở rộng tiền tệ. Ông cho rằng không có mối quan hệ tỉ lệ chặt chẽ giữa các biến đổi về cung tiền và các biến đổi về giá cả. Là người phê phán Law, vốn nhìn thấy trong tiền tệ nguyên nhân đầu tiên của sự giàu có, Cantillon rất hoài nghi về các khả năng quản lý kinh tế thông qua tín dụng và qua một Bộ đầy quyền lực quản lý thu nhập hoàn toàn. Tuy vậy, cả hai tác giả đều có thể được coi là những nhà lý thuyết tiền tệ lớn vào thời của họ.
Ngoài kinh tế học, Cantillon còn là người báo trước dân số học, và chính tại Viện Nghiên cứu dân số học người ta tái bản lại tác phẩm hiện đại đầu tiên của ông vào năm 1952. Viện dẫn Thomas R. Malthus, ông viết rằng con người sẽ nhân bội giống như những con chuột trong một trang trại nếu người ta cho chúng những phương tiện tồn tại không giới hạn.
Richard Cantillon qua vài năm tháng
1697: sinh ra tại Ballyheigue, thuộc vùng Kerry, Ireland, trong một gia đình Công giáo định cư từ thời Normand và trung thành với các đời Stuarts. Năm sinh này là không chắc chắn, một số người còn ghi lên đến năm 1680.
1706: gia đình ông, bị tước đoạt đất đai bởi các sắc lệnh tịch thu của Cromwell và Guillaume d’Orange, di cư sang Pháp, cũng như nhiều người khác ủng hộ Stuarts.
John Law (1671-1729)
1711-1712: trở thành người Pháp, ông làm việc cho James Brydges, tổng phụ trách việc phát lương cho các lực lượng vũ trang Anh ở hải ngoại, tại Barcelona. Brydges cho ông tiếp xúc với nhiều quan chức ngân hàng có ảnh hưởng lớn ở London và Amsterdam.
1714: ông nắm lại hoạt động ngân hàng của một người họ hàng ở Paris. Ông thành lập một ngân hàng quốc tế, lợi dụng được sự tăng vọt giá cả và cuộc khủng hoảng những năm 1719-1720. Ông hợp tác trong một thời gian ngắn với John Law.
1720: Law đe dọa phạt tù ông, ông rời Paris đi Amsterdam. Law tìm cách mời ông trở lại nước Pháp, nhưng Cantillon, đoán trước sự sụp đổ của hệ thống của Law, đã từ chối lời mời. Từ ngày đó, ông đi đây đi đó rất nhiều. Bị tố cáo chịu trách nhiệm về sự phá sản của Law, ông bị liên lụy đến nhiều vụ kiện tụng liên quan đến nguồn gốc tài sản của ông, những vụ kiện mà lúc nào ông cũng thắng.

1722: kết hôn với Mary Ann Mahony ở London.
1729-1732: sống ở Paris.
1730-1734: biên soạn Essay de la nature du commerce en général (Tiểu luận về bản chất của thương mại nói chung).
1734: trở lại London. Ngày 14 tháng 5, khi đang ở tột đỉnh của sự giàu có và thành công, ông bị cướp, bị ám sát và bỏ mặc trong hỏa hoạn tại căn nhà ông ở đường Albermarle. Các bản thảo của ông, trừ cuốn Essay (Tiểu luận), biến mất cùng với ông.
1755: xuất bản, trong những hoàn cảnh chưa bao giờ được làm rõ, Essay de la nature du commerce en général (Tiểu luận về bản chất của thương mại nói chung), được dịch từ tiếng Anh, ở London, ở nhà của Fletcher Gyles, Holborn.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Richard Cantillon
  • Essay de la nature du commerce en général, Institut national d’études démographiques, 1952, réimpression en 1997.
  • Essay de la nature du commerce en général, texte manuscrit de la Bibliothèque municipale de Rouen, avec le texte de l’édition originale de 1755 et une étude bibliographique par Takumi Tsuda, Kinokuniya Book-Store Co., 1979.

Những tác phẩm viết về Richard Cantillon
  • Richard Cantillon: Pionner of Economic Theory, par Anthony Brewer, Routledge, 1992.
  • Richard Cantillon (c. 1680-1734)”, par Friedrich A. Hayek (préface d’Abhandlung über de Natur des Handels im Allgemeinen, de R. Cantillon, éd. Gustav Fisher, 1931), dans The Collected Works of F.A. Hayek, vol. 3, Ubiversity of Chicago Press, 1991, pages 245-294.
  • Richard Cantillon and the Nationality of Political Economy”, par William Stanley Jevons, Contemporary Review, 1881.
  • Life and Work of Richard Cantillon”, par Henry Higgs, introduction à l’Essay de la nature du commerce en général, Mcmillan, 1931.
  • Richard Cantillon et le groupe de Vincent de Gournay”, par Antoin E. Murphy, dans Nouvelle histoire de la pensée économique. Vol. 1: Des scholastiques aux classiques, par Alain Béraud et Gilbert Faccaro (dir.), La Découverte, 2000.
  • Richard Cantillon: Entrepreneur and Economist, par Antoin E. Murphy, Clarendon Press, 1986 ; Richard Cantillon: le rival de Law, traduction par Hélène Seyrès, Hermann, 1997.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Richard Cantillon, théoricien monétaire majeur du XVIIe siècle” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
Print Friendly and PDF