2.1.16

William Petty, người báo trước kinh trắc học



William Petty (1623-1687)

William Petty, người báo trước kinh trắc học

Là thành viên tích cực của Hội Hoàng gia (Royal Society, tiền thân của Viện hàn lâm khoa học Anh - ND), William Petty ứng dụng phương pháp quan sát và thực nghiệm vào các hiện tượng xã hội. Cách tiếp cận này đã thống trị tư tưởng kinh tế từ hơn ba thế kỷ.
Đối với William Petty, trong chính trị và trong kinh tế, ta nên hành động giống như trong y học, không cản trở công trình của tự nhiên bằng những biện pháp can thiệp không đúng lúc.
Là một gương mặt điển hình của nước Anh vào thế kỷ XVII, William Petty là một trong những người đa tài mà người ta khó có thể hình dung sự hiện diện của một kiểu người như vậy trong thế giới đương đại, được đặc trưng bởi một trình độ chuyên môn hóa cực cao về khoa học và nghề nghiệp. Ông là thủy thủ, bác sĩ, nhà phẫu thuật, nhạc sĩ, doanh nhân, nghị sĩ, nhà đầu cơ, nhà quân sự, nhà toán học, nhà thơ, nhà họa đồ, và trong một số phát minh của ông có một chiếc tàu biển hai lớp và một phiên bản nguyên thủy của W. C.
Nhiều nghề như vậy nhưng không hề làm việc theo kiểu tài tử, ngược lại ông còn làm việc xuất sắc trong một số ngành nghề đó. Là một tác giả viết nhiều sách, ông không chỉ viết về kinh tế học, mà còn về một số chủ đề khác, như thống kê học, dân số học, địa lý, chiến lược quân sự, giao thông, ngành nhuộm, in ấn, giáo dục học, luật học, vật lý học và toán học. Hầu hết các tác phẩm của ông không nhằm mục đích xuất bản, mà là những sản phẩm nhằm gây ảnh hưởng đến những người có quyền ra quyết định và nhằm đảm bảo sự thăng tiến xã hội và chính trị của ông.
Oliver Cromwell (1599-1658)
Vì Petty là một người tham vọng, khao khát quyền lực và sự giàu có, nên cuộc sống của ông đầy sóng gió. Tự nguyện làm việc từ năm 13 tuổi trên một con tàu qua lại trên biển Manche, ông bị gãy chân và bị bỏ rơi trên bờ biển nước Pháp, để rồi phải tự xoay xở và được một trường trung học của những thầy tu dòng Tên nhận vào, do ông có hiểu biết về tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp. Ông lưu lạc suốt cuộc đời từ Hà Lan, đến Pháp, Anh và Ireland. Ông sống qua cuộc nội chiến Anh, mà ông là một trong những tác nhân chứng kiến sự lật đổ của vua Jacques II, và mất một năm trước cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688. Lòng trung thành của ông thay đổi theo hoàn cảnh và lợi ích. Ban đầu ông là người đi theo Oliver Cromwell, nhưng sau đó ông lại đầu quân cho Charles II. Karl Marx không ưa thích gì ông, chủ nghĩa cơ hội của ông, thái độ của ông đối với những vấn đề của Ireland, nhưng đồng thời lại xem ông là một nhà tư tưởng vĩ đại mà Marx gọi là "nhà sáng lập kinh tế học chính trị."

Số học chính trị

Francis Bacon (1561-1626)
Năm 1662, William Petty là một trong những người sáng lập, và sau đó là thành viên tích cực của Hội Hoàng gia London vì mục đích nâng cao kiến thức về tự nhiên. Những người sáng lập của Hội Hoàng gia chịu ảnh hưởng rất mạnh từ triết gia, khoa học gia và chính trị gia Francis Bacon (1561-1626). Bacon được coi là một trong những người tiên phong của phương pháp khoa học hiện đại, và đặc biệt hơn là của chủ nghĩa duy nghiệm. Tri thức khoa học, là kiến thức về các nguyên nhân, có được từ khả năng quan sát hiện thực, chứ không phải từ những tư biện trừu tượng và suy diễn từ những nguyên lý chung. Phương pháp thử nghiệm là một công cụ được ưu đãi lựa chọn. Một người gây ảnh hưởng quan trọng khác lên Hội Hoàng gia là Galilée, người cho rằng vũ trụ được Chúa trời viết nên bằng ngôn ngữ toán học. Nhiệm vụ của khoa học là khám phá các quy luật tự nhiên, và diễn đạt chúng theo cách định lượng được.
Mục tiêu của Hội Hoàng gia là ứng dụng các phương pháp quan sát và thử nghiệm trên không chỉ đối với các hiện tượng tự nhiên, mà còn đối với các hiện tượng xã hội. Đó là chương trình nghiên cứu của William Petty, và chủ yếu vì điều này, mà người ta có thể xem ông như là một người báo trước chính của cách tiếp cận thống trị tư tưởng kinh tế từ hơn ba thế kỷ. Trong lời giới thiệu cuốn The political Anatomy of Ireland (Giải phẩu học chính trị nước Ireland), Petty, vốn là một thầy thuốc và là người ngưỡng mộ Bacon, đã viết: "Trong cuốn Advancement of Learning (Sự tiến bộ của học thuật), Sir Francis Bacon đã thiết lập một quan hệ song hành đúng đắn giữa cơ thể tự nhiên và cơ thể chính trị, và giữa các nghệ thuật tương ứng mà mục đích là gìn giữ sức mạnh và sức khỏe cho bên này lẫn bên kia" (Œuvres économiques-Các tác phẩm kinh tế, vol. 1, trang 149). Trong tác phẩm kinh tế chủ yếu của ông, A Treatise of Taxes and Contribution (Chuyên luận về thuế khóa và sự đóng góp), ông viết rằng, giống như thầy thuốc không được cản trở tác phẩm của thiên nhiên bằng các biện pháp can thiệp không hợp thời, chúng ta cũng phải hành động như vậy trong chính trị và kinh tế.
Để chỉ ra một ngành khoa học mới mà ông tự cho mình là người sáng lập, Petty đã đặt ra những thuật ngữ "giải phẫu học chính trị" và "số học chính trị". Số học chính trị được coi là môn học tổ tiên của kinh trắc học, được thành lập vào những năm 1930. Chẳng hạn, Petty định nghĩa phương pháp của mình trong lời nói đầu của cuốn Political Arithmetic (Số học chính trị): "Phương pháp mà tôi sử dụng [...] chưa thông dụng lắm; bởi thay vì sử dụng những thuật ngữ mang tính so sánh và so sánh cực độ và những lập luận trí tuệ, tôi đã chọn cách diễn đạt theo số lượng, trọng lượng hoặc đo lường; chỉ sử dụng những lập luận của giác quan và chỉ xem xét những nguyên nhân có cơ sở có thể nhìn thấy được trong tự nhiên" (nt., trang 244).
Petty sử dụng phương pháp trên để nghiên cứu, trong số nhiều nghiên cứu khác, vấn đề dân số. Không có được những kỹ thuật thống kê sẽ được phát triển hai thế kỷ sau đó, ông tìm cách ước tính số lượng và đặc điểm dân số của nước Anh và nước Ireland, từ đó tự cho mình như là một trong những người phát minh ra nhân khẩu học. Cho rằng cần phải đo lường càng chính xác càng tốt những dữ liệu của một nền kinh tế, đặc biệt là mức độ của cải quốc gia và các dòng thu nhập, để có thể lựa chọn những chính sách kinh tế thích hợp nhất cho sự tăng trưởng, ông cũng là một trong những người báo trước hệ thống tài khoản quốc gia. Ông đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực thuế khóa, ưu tiên cho việc đánh thuế trên chi tiêu chứ không phải là đánh thuế trên thu nhập.
François Quesnay (1694-1774)
Trong khi ý tưởng của các định luật tự nhiên về kinh tế được Quesnay và những người kế thừa ông ta, dùng để biện minh cho chủ trương tự do thương mại và không can thiệp, thì Petty ngược lại dành một vị trí rất quan trọng cho vai trò của Nhà nước, cả trong lĩnh vực quốc tế, mà ông ủng hộ các biện pháp mang tính trọng thương, cũng như trong lĩnh vực quốc nội. Các khoản chi tiêu công không chỉ cần thiết để đảm bảo quốc phòng, luật pháp và trật tự, để chi cho bộ máy nhà nước, giáo dục và các tổ chức tôn giáo, mà còn để giúp những người thất nghiệp và người nghèo, đặc biệt thông qua các công trình xây dựng công cộng. Vì thế, ông không cho rằng hệ thống kinh tế có thể tự bản thân nó điều chỉnh để đạt được toàn dụng lao động. Người ta không ngạc nhiên khi sau Marx, John Maynard Keynes cũng coi trọng tác phẩm của ông.

Những nền tảng của lý thuyết kinh tế

John M. Keynes (1883-1946)
Dành cho chủ đề thuế khóa và được công bố năm ra đời của Hội Hoàng gia, bài viết kinh tế đầu tiên của William Petty cũng có những bước tiến bộ trong lĩnh vực lý thuyết kinh tế thuần túy, đặc biệt là lý thuyết giá trị. Ông phân tích một sự phân biệt mà sau này sẽ đóng vai trò chính trong tư tưởng kinh tế học cổ điển. Một mặt, hàng hóa được gán một giá bằng vàng và bạc. Mức thời giá này thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Sau này người ta nói rằng giá cả thị trường được xác định bởi cung và cầu. Nhưng thời giá này biến đổi xung quanh một trục. Đó là giá tự nhiên, mà theo Petty, giá trị được xác định bởi lao động và đất đai cần thiết cho việc sản xuất ra một hàng hóa: "Lao động là bố, và là nguyên lý tích cực của của cải, còn đất đai là mẹ" (nt., trang 68).
Như vậy Petty tìm cách thiết lập một mối quan hệ định lượng giữa hai nhân tố, theo cách quy nhân tố này về nhân tố kia. Sau khi thiết lập một sự tương đương giữa thu nhập của một mảnh đất với số lượng người mà mảnh đất ấy có thể nuôi sống trong một thời gian nhất định, ông kết luận rằng "giá tự nhiên đắt hay rẻ phụ thuộc ít nhiều vào số lượng những cánh tay cần thiết để sản xuất ra những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống" (ibid., trang 90). Vì vậy Marx cho rằng Petty là người đầu tiên đã xây dựng lý thuyết nối liền giá trị với lao động, và đó là lý do tại sao ông gắn cho ông ấy danh hiệu người sáng lập kinh tế học chính trị.
Petty là một trong những nhà kinh tế đầu tiên phát triển khái niệm thặng dư, như mối quan hệ giữa số lượng được sản xuất ra và số lượng các tư liệu sản xuất cần thiết, để giải thích sự tồn tại của địa tô. Người ta cũng tìm thấy trong tác phẩm của ông những suy tưởng về mối quan hệ giữa các hoạt động sản xuất và phi sản xuất. Hơn nữa ông còn quan tâm đến bản chất của tiền tệ, được thể hiện trong một trong những bài viết sau khi ông mất. Tiếp nối những nét tương đồng với các phân tích giải phẩu học y tế của mình, ông so sánh tiền tệ với chất béo, không nên quá nhiều mà cũng không nên quá ít. Ông phát triển khái niệm tốc độ lưu thông tiền tệ, mà sau này sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong tất cả các lý thuyết về tiền tệ, đặc biệt là lý thuyết định lượng, mà ông là một người báo trước.

William Petty qua vài năm tháng

1623: Sinh ngày 26 tháng 5, tại làng Romsey (Hampshire), Anh. Bố ông là một nhà buôn quần áo xoàng xĩnh.
1636: làm thủy thủ trẻ trên một con tàu buôn. Xuống tàu ở bờ biển Normandy, ông khởi nghiệp kinh doanh. Ông học ở trường của những thầy tu dòng Tên ở Caen, Pháp.
1640: Trở lại nước Anh, ông gia nhập lực lượng Hải quân Hoàng gia.
1643: ông đến Hà Lan, học ở Utrecht, Leiden và Amsterdam. Ở đó, ông đã gặp Descartes.
1645: khi đến Paris, ông học y học và giải phẫu học với Thomas Hobbes, một người đồng hương.
1646: trở lại Romsey để khởi động lại công việc kinh doanh của bố ông, người đã qua đời năm 1644 mà không để lại một di sản nào.
1649: lấy bằng Bác sĩ Y khoa của Đại học Oxford.
1650: giáo sư giải phẫu học ở Đại học Oxford.
1652: giáo sư âm nhạc ở trường Gresham College ở London. Được bổ nhiệm làm bác sĩ trưởng quân đội Anh của Cromwell ở Ireland.
1654-1658: phụ trách đo đc đa hình và vẽ bản đồ đất đai của Ireland dành cho binh lính Anh. Bản thân ông cũng sở hữu một miếng đất rất lớn.
1661: ông được vua Charles II phong tước, do được nhà vua tham khảo ý kiến mặc cho các mối quan hệ trong quá khứ của ông với Cromwell, một trong những người kí lệnh xử tử vua bố Charles I. 
1662: tác phẩm A Treatise of Taxes and Contributions (Chuyên luận về thuế khóa và sự đóng góp). Ông tham gia thành lập Hội Hoàng gia (Royal Society of London for the Improving of Natural Knowledge - Hội Hoàng gia London vì sự cải thiện kiến thức tự nhiên).
1665: Viết cuốn Verbum Sapienti, xuất bản năm 1690.

1666: kết hôn với Elizabeth Fenton, một nữ thừa kế giàu có, người đã sinh cho ông năm người con. Cho đến cuối đời, ông dành phần lớn thời gian ở Ireland, nơi mà ông tham gia vào vô số vụ kiện tụng liên quan đến tài sản đất đai của ông. Là đại biểu của Nghị viện nước Ireland, ông đấu tranh không thành cho sự cải cách thuế khóa. Ông ủng hộ sự di cư ồ ạt của người Công giáo Ireland ở nước Anh.
1671: Viết cuốn The Political Anatomie of Ireland (Giải phẩu học chính trị nước Ireland), xuất bản năm 1691.
1676: hoàn tất cuốn Political Arithmetic (Số học chính trị), xuất bản năm 1690.
1682: Viết cuốn Quantulumcunque Concerning Money (Quantulumcunque liên quan đến tiền tệ), xuất bản năm 1695.
1687: William Petty mất ngày 16 tháng 12 tại London, vì bị hoại tử gây ra từ bệnh gút.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Petty
   The Economic Writings of Sir William Petty, do Charles Henry Hull biên tập, 1899; do Augustus M. Kelley biên tập, 1963, 2 vol.; Les œuvres économiques de sir William Petty, V. Glard et E. Brière, 1905.
   The Petty Pages: some Unpublished Writings of Sir William Petty, do H. Lansdowne biên tập, Constable, 1927, 2 vol.
   The Collected Works of Sir William Petty, do Terence Hutchison biên tập, Rotledge, 1997, 8 vol.
Những tác phẩm viết về Petty
   Pre-Classical Economists. Charles Davenant (1656-1714) and William Petty (1623-1687), vol. 1, của Mark Blaug (chủ biên), Edward Elgar, 1991.
   A Bibliography of Sir William Petty, của Geoffrey Keynes, Clarendon Press, 1971.
   William Petty (1623-1687), Fondateur de l’économie politique, của François Régis Mahieu, Economica, 1997.
   Sir William Petty: ses idées économiques, của Maurice Pasquier, éd. Burt Franklin, 1971.
   William Petty, observateur des îles britanniques, của Sabine Reungoat, Institut national d’études démographiques, 2004.
   Petty: The Origins of Political Economy, của Alessandro Roncaglia, M. E. Sharpe, 1985 (1er éd. Italienne, 1977).
   Sir William Petty: Portrait of a Genius, của Eric Strauss, Free Press, 1954.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “William Petty, précurseur de l'économétrie” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.

Print Friendly and PDF