3.4.15

François Quesnay, nhà sáng lập thuyết trọng nông



François Quesnay, nhà sáng lập thuyết trọng nông

Vào cuối thế kỷ XVIII, François Quesnay phát triển mô hình kinh tế vĩ mô đầu tiên: "Biểu kinh tế". Những ý tưởng của ông đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử tư tưởng kinh tế và tác động đến nhiều tác giả, trong đó có Marx và Keynes.
François Quesnay qua cuốn "Biểu kinh tế" của ông cho thấy tiền bạc và hàng hóa phải lưu thông như thế nào để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Trong số những nhà kinh tế học vĩ đại trong quá khứ, François Quesnay (1694-1774) ít nổi tiếng hơn Adam Smith. Nhưng công trình của ông là một trong những công trình quan trọng nhất. Công trình đó đã tác động đến Smith và nhiều người kế thừa lừng lẫy nhất của ông ấy. Là người sáng lập trường phái kinh tế học đích thực đầu tiên, trường phái trọng nông, với "biểu kinh tế", Quesnay đã cho ra đời mô hình kinh tế học vĩ mô đầu tiên.
Giống như tất cả các nhà kinh tế học vĩ đại, nổi tiếng cho đến thế kỷ XX, Quesnay trước hết là một nhà tư tưởng xã hội. Ông có một tầm nhìn toàn diện về hoạt động của xã hội. Tầm nhìn này được dựa trên niềm tin triết học được rút ra từ việc đọc những triết gia Hy Lạp, Descartes, Malebranche và Shaftesbury, kết hợp thuyết chủ trí của Descartes với thuyết duy cảm của người Anh. Dành phần lớn sự nghiệp của mình trong ngành phẫu thuật và y học, ông đã viết nhiều cuốn sách trong các lĩnh vực này. Thích tranh luận, ông can thiệp vào cuộc tranh cãi lúc bấy giờ đối lập thầy thuốc với nhà phẫu thuật, các bác sĩ xem các nhà phẫu thuật là như những kỹ thuật viên giống như thợ cắt tóc.
Chính việc kết hợp những ảnh hưởng triết học mà ông đã trải nghiệm cộng với kinh nghiệm làm thầy thuốc đã dẫn Quesnay đến việc đặt ý tưởng trật tự tự nhiên ở trung tâm cái nhìn của ông, từ đó sinh ra ý tưởng về pháp quyền tự nhiên và luật tự nhiên. Thay vì là kết quả của một khế ước bất kì nào, xã hội vốn có trước cá nhân là một phản ứng lại đối với tự nhiên, giống như hệ mặt trời hoặc cơ thể con người. Hơn nữa, bản thân tự nhiên là kết quả của một hành động của Thượng đế. Con người tiếp cận với kiến thức thông qua niềm tin hoặc bằng chứng, được hướng dẫn bởi lý trí. Con người không sáng tạo quy luật, mà phát hiện ra chúng. Tuy nhiên, sự tự do cho phép con người vi phạm quy luật. Sự bất tuân đó gây nên bệnh tật, cho xã hội và cho cá nhân con người.

Nền kinh tế, cấu trúc cơ bản của xã hội

Quesnay và những người theo ông, lần đầu tiên, đưa ra ý tưởng về một khoa học mà đối tượng là nghiên cứu chính xác, nghiêm ngặt và theo toán học các quy luật tự nhiên của nền kinh tế. Ông cho rằng nền kinh tế là cấu trúc cơ bản của xã hội, báo trước Marx, người sẽ trình bày nó như là giải phẩu học của xã hội dân sự. Các hoạt động của kinh tế học được mô tả bởi "Biểu kinh tế" nổi tiếng, mà ông đã xây dựng phiên bản đầu tiên vào năm 1757, và sau đó sửa chữa và làm phong phú nó trong suốt mười năm sau. Qua một ví dụ bằng những con số giả định, "Biểu kinh tế" cho thấy cách thức tiền tệ và hàng hóa lưu thông giữa các giai cấp chính trong xã hội để đảm bảo sự tái sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế. Sự lưu thông đó cũng giống như sự lưu thông của máu trong cơ thể con người. Quesnay là một trong những người khởi xướng việc du nhập vào kinh tế học những khái niệm của các ngành khoa học tự nhiên, chẳng hạn như khái niệm khủng hoảng.
Đóng góp lớn vào lịch sử tư tưởng kinh tế học, "Biểu kinh tế" đã có một thế hệ tiếp sau dài và lừng lẫy: sơ đồ tái sản xuất của Marx, cân bằng chung của Walras, mô hình kinh tế vĩ mô của Keynes, bảng đầu vào-đầu ra của Leontief và hệ thống giá cả của Sraffa. Khi viết "Biểu kinh tế", Quesnay đã phát triển một số khái niệm cơ bản của phân tích kinh tế học hiện đại.
Mọi quá trình sản xuất, ông giải thích, đều được thực hiện bằng cách ứng trước tiền, tiền khởi thủy và tiền định kỳ hàng năm. Tổng tiền ứng trước và tiền lãi trên tổng tiền ứng trước khởi thủy hình thành nên tổng tiền lấy lại. Sự khác biệt giữa tái sản xuất hàng năm và khả năng lấy lại tạo nên sản phẩm ròng, thước đo quan trọng nhất trong kinh tế. Đối với Smith và những người kế nhiệm ông, tiền ứng trước trở thành tư bản cố định và tư bản lưu động, tái sản xuất thành sản xuất, sản phẩm ròng thành lợi nhuận, còn được gọi là thặng dư.

Chỉ có nông nghiệp mới tạo ra của cải 

Đối với Quesnay, chỉ có nông nghiệp mới tạo ra sản phẩm ròng. Giả định này dẫn đến việc phân chia xã hội thành ba giai cấp: giai cấp sản xuất, giai cấp địa chủ và giai cấp vô bổ. Giai cấp thứ nhất làm ruộng và trả tiền thuê đất cho giai cấp thứ hai, đối phần tiền tệ của sản phẩm ròng. Giai cấp thứ ba chỉ có việc chuyển hóa sản phẩm.
Trong khi bác bỏ ý tưởng về năng suất độc nhất của nông nghiệp, các nhà kinh tế học cổ điển và Marx lấy lại ý tưởng, được xây dựng lần đầu bởi Quesnay, về việc phân chia xã hội thành những giai cấp được xác định theo vị trí của họ trong quá trình sản xuất, ý tưởng đã được kinh tế học tân cổ điển hiện đại từ bỏ, đặt con người vào trung tâm của sự phân tích.
Từ mô hình trên mà phát sinh những khuyến nghị về chính sách kinh tế.
Sự phát triển của nông nghiệp phải là mục tiêu ưu tiên của cái mà Quesnay gọi là "Vương quốc nông nghiệp". Bị cản trở bởi vô số rào cản của trường phái trọng thương, thương mại ngũ cốc nhất thiết phải được tự do hóa.
Việc duy trì giá lúa mì cao là điều cần thiết để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Đối với một hệ thống thuế phức tạp và cồng kềnh, thì phải thay bằng một loại thuế duy nhất đánh trên sản phẩm ròng.
Các nhà trọng nông là những người ủng hộ chủ nghĩa tự do kinh tế triệt để. Họ là những người đầu tiên đã phổ biến rộng rãi thuật ngữ "tự do kinh doanh, tự do giao thương," Quesnay thích kể về việc hoàng tử trẻ Dauplin, người sau này là vua Louis XVI, đã hỏi ông ta nên làm gì để giúp nền kinh tế của vương quốc, và ông đã trả lời: "Không làm gì cả". Là người theo chủ nghĩa tự do, đối lập với chủ trương của Colbert, Quesnay đồng thời là người ủng hộ chế độ quân chủ, theo thần quyền và chế độ chuyên quyền của minh quân, ôn hòa qua giáo dục phổ thông. Mâu thuẫn này chỉ mang tính biểu kiến. Vào thời điểm của Quesnay và thậm chí trước đó, cũng như bây giờ, chủ nghĩa tự do kinh tế triệt để có thể rất dễ hòa giải với chế độ chuyên quyền về chính trị và bảo thủ về đạo đức.
Trên đây, đôi khi chúng tôi thay thế Quesnay bằng thuật ngữ các nhà trọng nông. Là nhà lý thuyết kinh tế sau khi là bác sĩ, Quesnay còn là một người tổ chức và một người quyền lực. Ông là người thiết kế duy nhất cho những luận điểm gắn với thuyết trọng nông, mà ông là người sáng lập và người lãnh đạo không thể tranh cãi. Các môn đồ so sánh ông với Khổng Tử hay Socrates và gọi ông là "Bác sĩ thần thánh." Chính cuộc gặp ở Versailles giữa Quesnay và Mirabeau năm 1757, đã phát động trường phái trọng nông.
Mirabeau trở thành cấp phó, môn đồ số hai, cũng giống như James Mill với Ricardo hay Engels với Marx. Giống như bất kỳ cấp phó tận tâm nào, Mirabeau gánh chịu những đòn đầu tiên khi xuất bản vào năm 1760 cuốn Lý thuyết về thuế, chủ trương một loại thuế duy nhất đánh trên địa tô. Bị bắt giam, ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của bà hầu tước de Pompadour, người bảo vệ những nhà trọng nông cũng như các nhà bách khoa, lúc bấy giờ cả hai nhóm rất thân thiết với nhau. Năm 1763 chứng kiến ​​s ra mt cun sách chuyên luận đầu tiên về thuyết trọng nông, Triết học nông thôn. Đây là sự khởi đầu của cao trào của trường phái, mà tượng trưng, về mặt chính trị, là việc thiết lập các chính sách tự do về thương mại ngũ cốc trong vương quốc Pháp. Ngày càng có nhiều sự tán thành: Dupont de Nemours, người sẽ trở thành người tuyên truyền chính của phong trào, d’Abeille, cha xứ Baudeau, Mercier de la Rivière, tác giả bản tuyên ngôn chính trị của thuyết trọng nông, Trật tự tự nhiên và then chốt của các xã hội chính trị (1767). Năm 1764, Quesnay tiếp một vị khách nổi tiếng người Anh, người sẽ vay mượn quan niệm của ông, mà không nói đến tên ông, về ứng tiền trước, tiền lấy lại, tái sản xuất và sản phẩm ròng.

Sự thăng hoa và suy tàn của trường phái trọng nông

Trong vài năm, các nhà trọng nông rất thời trang trong giới thượng lưu của Paris. Họ được gọi là các "nhà kinh tế học" - đây là lần đầu tiên thuật ngữ này xuất hiện - "nhà triết gia kinh tế học", "tiến sĩ của sản phẩm ròng." Thuật ngữ "người trọng nông" đã được Dupont de Nemours tạo ra năm 1767, từ tiếng Hy Lạp physis (thiên nhiên) và kratos (sức mạnh, quyền lực). Nó có thể được dịch là "chế độ cai trị của tự nhiên", gợi lên cùng lúc khái niệm trật tự tự nhiên và năng xuất độc nhất của nông nghiệp, hai ý tưởng cơ bản của thuyết trọng nông. Là tác giả của cuốn Nguồn gốc và sự tiến bộ của một khoa học mới (1768), Dupont de Nemours chỉ đạo một cách kiên quyết các cơ quan tuyên truyền của phong trào: Tạp chí Nông nghiệp, Thương nghiệp và Tài chínhEphélides du citoyen (Những vết chấm tàn nhan của công dân), trong đó công bố tất cả các bài viết của Quesnay. Ông sửa chữa không thương tiếc tất cả những gì xa rời tính chính thống của trường phái.
Sự suy tàn của trường phái cũng nhanh như sự thăng hoa của nó. Vào cuối năm 1760, những người theo thuyết trọng nông, bây giờ được gọi là "giáo phái", phải đối phó với nhiều sự chống đối, từ mọi phía, từ các nhà bách khoa cho đến các địa chủ, người thu thuế, người bán hàng, người sản xuất và người nông dân. Quesnay không quan tâm đến kinh tế nữa và xa lánh phong trào của ông để tham gia nghiên cứu toán học bí truyền. Nhưng cũng có một sự trỗi dậy trước khi kết thúc. Một thời gian ngắn sau cái chết của các Bác sĩ thần thánh, năm 1774, Turgot gần gũi với những người trọng nông trở thành tổng thanh tra tài chính của vua Louis XVI và áp dụng một chương trình chịu ảnh hưởng lớn của trường phái trọng nông. Sự thù địch gây ra bởi các chính sách này gây ra sự thất sủng của ông vào năm 1776. Là một phong trào chính trị, thuyết trọng nông tàn lụi không đến hai mươi năm sau khi ra đời. Nhưng trên bình diện tư tưởng thì không phải vậy.

François Quesnay qua vài năm tháng

1694: sinh ra ở Méré (Yvelines).
1711: học thủ công chạm khắc, y khoa và phẫu thuật ở Paris.
1718: lấy giấy chứng nhận nghề phẫu thuật.
1724: khởi đầu sự nghiệp ở Mantes.
1730: Observation sur les effets de la saignée (Quan sát về tác động của xuất huyết).
1736: Essai sur la pratique de l’économie animale (Luận bàn về thực hành nền kinh tế động vật).
1744: lấy bằng bác sĩ.
1749: làm bác sĩ cho bà hầu tước de Pompadour và, thỉnh thoảng cho vua Louis XV; Quesnay chuyển đến ở Versailles.
1752: được vua Louis XV phong tước.
1755: mua bất động sản ở Nivermais.
1756: bài viết "Evidence (Bằng chứng)" và "Fermiers (Nông dân)" đăng trong bộ tự điển Encyclopédie (Bách khoa toàn thư).
1757: bài viết "Grains (Ngũ cốc)" đăng trong bộ tự điển Encyclopédie (Bách khoa toàn thư). Lần đầu gặp Victor Riqueti, hầu tước de Mirabeau (1715-1789).
1758: phiên bản đầu tiên của tác phẩm “Tableau économique (Biểu kinh tế)".
1760: Maximes générales du gouvernement économique d’un royaume agricole (Châm ngôn về chế độ cai trị kinh tế của một vương quốc nông nghiệp).
1763: Philosophie rurale (Triết học nông thôn), cùng viết với Mirabeau.
1765: Le droit naturel (Trật tự tự nhiên).
1766: Du commerce (Bàn về thương nghiệp); Analyse de la formule arithmétique du Tableau économique (Phân tích công thức số học của Biểu kinh tế).
1767: Physiocratie (Thuyết trọng nông), Dupont de Nemours tập hợp và xuất bản các bài viết của Quesnay; Le despotisme de la Chine (chế độ chuyên chế của Trung Quốc); Analyse du gouvernement des Incas du Pérou (Phân tích chế độ cai trị của người Inca ở Peru).
1774: chết ngày 16 tháng 12, một vài tháng sau khi vua Louis XV băng hà.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của François Quesnay
Tableau économique des physiocrates, Calmann-Lévy, 1969.
Physiocratie, coll. GF, Flammarion, 1991.
Những tác phẩm viết về François Quesnay
François Quesnay (1694-1774), par Mark Blaug, Aldershot, Hants, Edward Elgar, 2 vol., 1990.
François Quesnay et la physiocratie, par l’institut national d’études démographiques, 2 vol., 1958 (le deuxième reproduit les principaux textes de Quesnay).
La “science nouvelle” de l’économie politique, par Philippe Steiner, PUF, 1998.
Le Mouvement physiocratique en France de 1756 à 1770, par Georges Weulersse, Félix Alcan, 2 vol., 1910 (réimpression, Mouton, 1968).
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch.
Nguồn: “François Quesnay, fondateur de la physiocratie” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche n057, tháng 10 năm 2012.

Print Friendly and PDF