21.8.15

Albert Hirschman, nhà tư tưởng không theo lề thói về chủ nghĩa tư bản

Albert Hirschman (1915-2012)

Albert Hirschman, nhà tư tưởng không theo lề thói về chủ nghĩa tư bản

Là người dấn thân, Albert Hirschman đã để lại dấu ấn của ông trên những lý thuyết về sự phát triển và trên những nghiên cứu về xã hội tư bản. Bác bỏ những diễn giải kinh tế từ một nguyên nhân độc nhất, ông tham khảo từ nhiều nguồn khoa học xã hội khác nhau để lý giải những thay đổi của thế giới.
Albert Hirschman khẳng định rằng kinh tế học và chính trị gắn kết chặt chẽ với nhau.
Từ thời rất trẻ, Albert Hirschman đã bắt đầu thấm nhuần nhiều nền văn hóa. Ông sớm tham gia vào hoạt động chính trị và đặc biệt, vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã, với tư cách là công dân quốc tế, phục vụ dưới lá cờ của nhiều quốc gia. Ở tuổi 16, ông gia nhập tổ chức Thanh niên xã hội chủ nghĩa của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Đức và đôi lần xô xát với các băng nhóm quốc xã Đức. Đứng vào hàng ngũ cánh tả của phong trào, thường xuyên đọc sách của Marx và của những người theo Marx, kết bạn với những người cộng sản, tuy nhiên cậu trẻ Hirschman quyết định không theo những nhà li khai triệt để của Đảng SPD mà năm 1931 sáng lập ra Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa. Sau này ông viết: "Đây là lần đầu tiên (...) mà tôi phải lựa chọn giữa việc rút lui hoặc thể hiện sự bất đồng chính kiến, sự phê phán từ bên trong đảng" (Đạo đức riêng tư của nhà kinh tế, Les Belles lettres, 1997, trang 20).
Năm 1933, sau khi Hitler lên nắm quyền và ngăn cấm các đảng phái chính trị, Albert Hirschman quyết định định cư tại Pháp. Năm 1936, ông đến Tây Ban Nha để tham gia vào cuộc chiến chống lại cuộc nổi dậy của Franco. Học tập ở Italia từ năm 1936 đến năm 1938, ông tham gia vào hoạt động kháng chiến bí mật chống lại chủ nghĩa phát xít của Mussolini. Ông bị buộc phải rời khỏi đất nước sau khi các luật phân biệt chủng tộc được thông qua, mà ông là đối tượng bị nhắm đến vì là người Do Thái.
Hannah Arendt (1906-1975)
Vào lúc bắt đầu Thế chiến II, người ta lại thấy ông trong hàng ngũ những người lính tình nguyện Đức và Italia trong quân đội Pháp. Sau hiệp định đình chiến và cam kết của chính phủ Vichy giao trả những công dân nước ngoài theo yêu cầu của Đức, ông tham gia vào việc thành lập và hoạt động của một nhóm tự cho mình sứ mệnh tổ chức những vụ di cư bất hợp pháp cho những cá nhân bị đe dọa. Trong số 2.000 người được bảo vệ khỏi sự trấn áp của chế độ quốc xã Đức, người ta có thể kể đến Hannah Arendt và chồng bà Heinrich Blücher, một người bạn của Hirschman. Bị nhà chức trách Pháp nghi ngờ, Hirschman phải sang Mỹ vào tháng 12 năm 1940. Ông trở lại Bắc Phi và Ý sau năm 1943, lần này với tư cách là chiến binh của quân đội Mỹ.

Phát triển và phụ thuộc

Người ta không ngạc nhiên khi Albert Hirschman cho rằng kinh tế học và chính trị gắn kết chặt chẽ với nhau và rằng, trong đời sống xã hội, những cuộc xung đột, tương quan lực lượng và các hiệu ứng của sự thống trị luôn đóng một vai trò quyết định. Cuốn sách đầu tiên của ông, được viết năm 1942, National Power and the Structure of Foreign Trade, xuất phát từ một suy tưởng về chế độ quốc xã Đức, là một nghiên cứu phân tích các khía cạnh chính trị của thương mại quốc tế và bàn luận việc sử dụng các mối quan hệ kinh tế quốc tế như là một công cụ của quyền lực. Từ công trình đầu tiên này và trong suốt sự nghiệp của mình, những nhận định về kinh tế học, chính trị học, xã hội học, sử học, triết học, tâm lý học và lịch sử các tư tưởng đã được tác giả, với một kiến thức uyên bác thật ấn tượng, vận dụng. Hirschman bác bỏ điều mà ông gọi là những diễn giải kinh tế các hiện tượng xã hội từ một nguyên nhân độc nhất, đặc biệt là trong vấn đề phát triển.
Với cuốn The Strategy of Economic Development - Chiến lược phát triển kinh tế (1958), được viết trong thời gian ở Colombia, và nhiều ấn phẩm khác tiếp theo, Hirschman tự khẳng định mình như là một trong những người đóng góp quan trọng vào các cuộc tranh luận về sự phát triển và phụ thuộc, mà ý tưởng đã được giới thiệu trong cuốn sách của ông năm 1945. Đối với những luận điểm của lý thuyết tân cổ điển dựa trên sự duy lý, sự tăng trưởng cân bằng và công nghiệp hóa hài hòa, ông đối lập sự phát triển không cân đối, cội nguồn của sự căng thẳng. Nhấn mạnh đến vai trò cộng dồn của việc học nghề, Albert Hirschman sáng tạo những khái niệm về liên kết thượng nguồn và hạ nguồn (liên kết ngược và xuôi) để mô tả tác động của những hiệu ứng dây chuyền của một ngành đối với một ngành khác cung cấp đầu vào cho mình hoặc đối với một ngành khác tạo ra đầu ra mà mình đã đóng góp. Trước những chính sách phát triển, Hirschman có một tầm nhìn thực tế mà ông gọi đó là theo phái "khả thi": "Tôi luôn có một sự ác cảm nhất định đối với các nguyên lý tổng quát và các giải pháp trừu tượng. Tôi tin rằng cần phải "chẩn đoán bệnh nhân" trước khi xác định bệnh lý của họ" (Đạo đức riêng tư của nhà kinh tế, trang 81).

Bản chất và sự đột biến của xã hội tư bản

Từ những năm 1970, những suy tưởng của Hirschman vượt ra ngoài lĩnh vực phát triển, lãnh vực mà ông vẫn tiếp tục đóng góp, và đạt một cường độ đáng kể khi đề cập đến nhiều lãnh vực khác trong sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản. Những phê phán của ông về những hạn chế của một nghiên cứu phân tích kinh tế hạn hẹp, đặt cơ sở trên tính duy lý của homo oeconomicus, ngày càng triệt để và sâu sắc.
Cuốn Exit, Voice and Loyalty, cùng với cuốn The Strategy of Economic Development, có lẽ là cuốn sách gây được ảnh hưởng nhiều nhất của ông. Trước những suy yếu của các tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ, các cá nhân có thể phản ứng lại bằng cách từ bỏ, ví dụ bằng cách ngừng mua một sản phẩm. Đó là thái độ duy nhất được lý thuyết kinh tế thừa nhận. Nhưng họ cũng có thể phản ứng lại bằng cách lên tiếng, phản bác từ bên trong, theo nhiều cách khác nhau, những thể chế nào làm họ thất vọng. Chúng ta cũng phải tính đến quyết định duy trì lòng trung thành bất chấp những điều thất vọng ấy. Albert Hirschman cho thấy có thể áp dụng mô hình này vào rất nhiều tình huống mà trong đó một cá nhân tự nguyện liên kết với một tập thể.
Hirschman dành rất nhiều bài viết nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản, phân tích những ý tưởng phát sinh cùng với quá trình này. Qua đó, từ thế kỷ XVII, ông cho thấy cách thức ý tưởng về lợi ích đã cho phép vượt qua sự phản đối truyền thống của các triết gia giữa lý trí và đam mê, và đã thiết lập tính chính đáng của một hệ thống xã hội dựa trên tình yêu tiền bạc và sự làm giàu cá nhân. Tuy nhiên, tính chính đáng này bắt đầu bị đặt thành vấn đề, vào thế kỷ XIX, bởi cả phong trào lãng mạn lẫn chủ nghĩa Mác, và sau này bởi chủ nghĩa Freud.
Sự phát triển của hệ thống ấy được đặc trưng, theo ý của Hirschman, bởi một sự xen kẽ các giai đoạn mà mối quan tâm về cấp độ cá thể lớn hơn mối quan tâm về cấp độ công cộng, và ngược lại. Ví dụ, tiếp theo đỉnh điểm của các phong trào xã hội năm 1968 ở phương Tây là một giai đoạn thu mình về chốn riêng tư. Hirschman thử giải thích những biến động mang tính chu kỳ đó qua việc sử dụng khái niệm thất vọng, sự thất vọng của người tiêu dùng, những ức chế sau khi tham gia vào đời sống công cộng.

Tu từ học của phản lực

Thomas H. Marshall (1893-1081)
Phê phán diễn ngôn kinh tế thống trị, Albert Hirschman tự định vị mình thuộc cánh tả trên vũ đài chính trị Mỹ, khi tự cho mình là người thuộc phái "tự do" (“liberal”). Tuy nhiên, ông không chấp nhận sự tuyệt thông và tìm cách duy trì đối thoại với phái chính thống. Ông cũng nỗ lực tìm hiểu sự tương tác, thông qua lịch sử, giữa sự tiến bộ và sự đối lập mà sự tiến bộ này đã dấy lên. Dựa trên những công trình của nhà xã hội học Thomas H. Marshall, ông phân biệt ba giai đoạn phát triển của tư cách công dân: giai đoạn dân sự ở thế kỷ XVIII, với tuyên ngôn các quyền của con người; giai đoạn chính trị ở thế kỷ XIX, với sự chinh phục của đầu phiếu phổ thông; giai đoạn xã hội ở thế kỷ XX, với sự xuất hiện của các quyền kinh tế và xã hội được nhà nước bảo đảm.
Những tiến bộ trên luôn dấy lên những sự phản đối và phản kháng. Tương tự với một định luật của Newton, người ta có thể gọi đó là một phản lực. Hirschman chỉ ra rằng những phản lực này được thể hiện bằng diễn ngôn kinh tế, từ thời kỳ này đến thời kỳ khác, đều có cùng một cấu trúc và đều dựa trên cùng một loại lập luận. Thể theo luận điểm về tác động ngược, người ta cho thấy các biện pháp mang tính tiến bộ đều có tác dụng ngược lại với điều mong muốn. Chẳng hạn, hành động giúp đỡ người nghèo sẽ làm tăng thêm đói nghèo, mức lương tối thiểu sẽ làm tăng thêm tình trạng thất nghiệp. Theo luận điểm về sự vô ích, thì về cơ bản người ta khó mà thay đổi một nguyên trạng đã ăn sâu vào bản chất không thay đổi của con người. Theo luận điểm về sự lâm nguy, thì mọi cải cách đều mang tính nguy hiểm, ngay cả khi chúng đáng được mong đợi, bởi vì chúng có nguy cơ thách thức những điều có được trước đây. Cho rằng những người ủng hộ sự tiến bộ cũng thường sử dụng những lập luận tương tự, Albert Hirschman kêu gọi "phải vượt lên trên những thái độ cực đoan, cố chấp, được cả bên này lẫn bên kia ưa thích, với hy vọng rằng các cuộc tranh luận công khai sẽ dần dần mang tính "dân chủ thân thiện" nhiều hơn [democracy friendly]" (The Rhetoric of Reaction: Perversity, Futility, Jeopardy, trang 266-267 của bản dịch tiếng Pháp). Gây được nhiều ảnh hưởng, nhưng tác phẩm của ông vẫn chưa bao giờ sản sinh được một trường phái tư tưởng, điều có lẽ sẽ làm cho ông, người phê phán mạnh mẽ tất cả các tư tưởng chính thống, ghê tởm.

Albert Hirschman qua vài năm tháng

1915: sinh ra ở Berlin ngày 07 Tháng Tư.
1923-1932: học tại trường phổ thông của Pháp tại Berlin.
1933-1935: học ở Paris, tại trường kinh doanh École des hautes études commerciales và Viện Thống kê của Sorbonne.
1935-1936: học tại trường London School of Economics.
1936-1939: nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Berkeley.
1941-1943: nghiên cứu tại Đại học Berkeley.
1943: được nhập tịch Mỹ.
1945: National Power and the Structure of Foreign Trade (Quyền lực quốc gia và cơ cấu ngoại thương).
1946-1952: làm việc tại Cục dự trữ liên bang ở Washington, tham gia vào kế hoạch Marshall.
1952-1956: sống ở Colombia, đầu tiên làm cố vấn cho Văn phòng kế hoạch hóa quốc gia của Colombia, và sau đó, từ năm 1954, làm chuyên gia tư vấn tư.
1956-1958: giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Yale.
1958: The Strategy of Economic Development (Chiến lược phát triển kinh tế).
1958-1964: giáo sư về quan hệ kinh tế quốc tế tại Đại học Columbia, New York.
1963: Journeys Toward Progress: Studies of Economic Policy-Making in Latin America (Hành trình tiến tới sự tiến bộ: Các nghiên cứu về hoạch định chính sách kinh tế ở các nước châu Mỹ Latin).
1964-1974: giáo sư về kinh tế chính trị tại Đại học Harvard.
1967: Development Projects Observed (Quan sát các dự án phát triển).
1970: Exit, Voice and Loyalty: Responses to Decline in Firms, Organizations and States (Từ bỏ, lên tiếng và trung thành: Lời đáp trả cho sự suy yếu của các doanh nghiệp, các tổ chức và các quốc gia).
1971: A Bias for Hope: Essays on Development and Latin America (Hướng về sự hy vọng: Các tiểu luận về sự phát triển và các nước châu Mỹ Latin).
1974-1985: giáo sư về khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton.
1977: The Passion and the Interests: Political Arguments for Capitalism before its Triumph (Đam mê và lợi ích: những lập luận chính trị về chủ nghĩa tư bản trước thời kỳ huy hoàng).
1981: Essays in Trespassing: Economics to Politics and Beyond (Các tiểu luận về sự xâm phạm: từ Kinh tế học đến chính trị học và xa hơn nữa).
1982: Shifting Involvements: Private Interest and Public Action (Sự chuyển hướng ý thức công dân: Lợi ích cá nhân và hành động công cộng).
1984: Getting Ahead Collectively: Grassroots Experiences in Latin America. (Tiến lên cùng tập thể: Những kinh nghiệm thực tế tại các nước châu Mỹ Latin). Bản dịch tiếng Pháp: L’économie comme science morale et politique (Kinh tế học như là một khoa học đạo đức và chính trị).
1985: về hưu và được phong là giáo sư danh dự.
1986: Rival Views of Market Society and Other Recent Essays (Những quan điểm đối nghịch về xã hội thị trường và Những tiểu luận khác gần đây). Bản dịch tiếng Pháp: Vers une économie politique élargie (Hướng tới một nền kinh tế chính trị rộng mở).
1991: The Rhetoric of Reaction: Perversity, Futility, Jeopardy (Tu từ học của phản lực: sự bất công, sự vô dụng, sự nguy hiểm).
1994: Passagi di frontiera: I luoghi i le idée di un percorso di vita.
1995: A Propensity to Self-Subversion (Một xu thế tự diễn biến).
1998: Crossing Boundaries: Selected Readings (Vượt qua ranh giới: những bài đọc chọn lọc).

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Hirschman
   Stratégie du développement économique, Editions ouvrières, 1964.
   Face au déclin des entreprises et des institutions, Editions ouvrières, 1972.
   Défection et prise de parole. Théorie et applications, Fayard, 1995.
   Les passions et les intérêts. Justifications politiques du capitalisme avant son apogée, PUF, 1980.
   Bonheur privé, action publique, Fayard, 1983.
   L’économie comme science morale et politique, Le Seuil, 1984.
   Vers une économie politique élargie, Les Editions de Minuit, 1986.
   Deux siècles de rhétorique réactionnaire, Fayard, 1991.
   La morale secrète de l’économiste, Les Belles Lettres, 1997.
   Un certain penchant à l’autosubversion, Fayard, 1995.
Những tác phẩm viết về Hirschman
   Development, Democracy and the Art of Trespassing: Essays in Honor of Albert O. Hirschman, Alejandro Foxley, Michael S. MacPherson et Guillermo O’Donnell (chủ biên), University of Notre Dame Press, 1986.
   L’enquête inachevée: introduction à l’économie politique d’Albert O. Hirschman, Ludovic Frobert et Cyrille Ferraton, PUF, 2003.
   Discovering the Possible: The Surprising World of Albert O. Hirschman, Luca Meldolesi, University of Notre Dame Press, 1995.
   Rethinking the Development Experience: Essays Provoked by the Work of Albert O. Hirschman, Lloyd Rodwin et Donald A. Schön (chủ biên), Brookings Institution, 1994.
   Towards a New Development Strategy for Latin America: Pathways from Hirschman’s Thought, Simon Teitel (chủ biên), Johns Hopkins University Press, 1992.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Albert Hirschman, penseur iconoclaste du capitalisme” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012
Print Friendly and PDF