SMITH, “BÀN TAY VÔ HÌNH” VÀ TỰ DO THƯƠNG MẠI
Trong tác phẩm Của cải của các dân tộc, thành ngữ “bàn tay vô hình” không biểu thị một cơ chế giá cả nhưng biểu thị những bản năng và khuynh hướng tự nhiên. Trong số này, điều được các nhà kinh tế đương đại gọi là “home bias” giải thích việc ưu đãi nền công nghiệp quốc gia. Một khuynh hướng được giả định là giảm thiểu những tác động của hệ thống tự do thương mại.
Ai cũng từng nghe nói đến “bàn tay vô hình”, ẩn dụ nổi tiếng được Adam Smith sử dụng trong tác phẩm Của cải của các dân tộc[1]. Mặc dù chỉ được dùng một lần duy nhất trong tác phẩm này nhưng nó đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận kéo dài từ hơn hai thế kỉ nay[2]. Có ít nhất hai cách hiểu khác nhau thành ngữ này – một cách hiểu rất tán đồng tự do thương mại và toàn cầu hoá, và một cách dè dặt hơn đối với hệ thống này.
Friedrich Hayek (1899-1992) |
Milton Friedman (1912-2006) |
Theo luận điểm phổ biến nhất, Smith hiểu “bàn tay vô hình” như là “giá cả thị trường”, các giá này hướng dẫn nhà đầu tư, gần như là “cầm tay chỉ việc” anh ta. Chính theo cách hiểu này mà Milton Friedman (1912-2006) kiến giải “bàn tay vô hình” trong tham luận tại hội thảo do Mont Pellerin Society tổ chức năm 1976 nhân kỉ niệm hai trăm năm xuất bản Của cải của các dân tộc. “Đối với chúng tôi, tầm quan trọng của Smith, kì tích của ông là – như Friedrich Hayek và nhiều tác giả khác đã nêu lên một cách thuyết phục – học thuyết “bàn tay vô hình”, tầm nhìn của ông về cách mà các hành động tự nguyện của hàng triệu người có thể được phối hợp nhờ một hệ thống giá cả phi tập trung [a price system without central direction][3] [Friedman, 1976, trang 11]. Giá cả của thị trường tự do có thể hướng dẫn hành động của con người tốt đến mức không cần đến (hoặc hiếm khi cần đến) sự can thiệp của Nhà nước. Như vậy “bàn tay vô hình” biện hộ cho sự “không can thiệp” và cho “tự do kinh doanh” (“laisez-faire”).
John M. Keynes (1883-1946) |
Mark Blaug (1927-2011) |
Ngược lại, một số tác giả khác nghĩ rằng Smith, bằng thành ngữ bàn tay vô hình, không nói đến cơ chế giá cả. Ví dụ, John Maynard Keynes (1883-1946), gợi ý là Smith – hoàn toàn không phủ nhận vai trò quan trọng của giá cả thị trường – hàm ý đến vài “bản năng” và “khuynh hướng tự nhiên” cắm sâu trong trái tim con người như tình yêu nông thôn hay mong muốn có sở hữu của bản thân “gần bên mình”, được ông nhìn nhận như những nguyên tắc tâm lí học tương tự như nguyên tắc của con người và của một số động vật bảo vệ con cái của mình. Có vẻ như đoán trước điều Milton Friedman sẽ nói năm mươi năm sau ông viết: “Ngay cả câu nổi tiếng của ông về “bàn tay vô hình” phản ảnh triết lí của ông mà tôi liên kết với Paley hơn là phản ảnh giáo điều tự do kinh doanh” [Keynes, 1927, p. 20]. Keynes quy chiếu về William Paley (1743-1805), một nhà tư tưởng ở Cambridge khẳng định rằng Chúa nhân từ đã cài đặt trong con người những bản năng và khuynh hướng tự nhiên được cố ý cân nhắc nhằm làm cho nhân loại hạnh phúc[4].
Gần đây hơn, trong mục “Invisible Hand” trong lần xuất bản thứ hai của The New Palgrave[5], Mark Blaug (1927-2011) cũng bác bỏ cách kiến giải của Friedman: “[Smith] chưa bao giờ mô tả cơ chế thị trường, hay thậm chí sự tự do cạnh tranh như một “bàn tay vô hình” [he never characterized the price system or even free competition as an “invisible hand”].” Nhưng, ngược lại với Keynes, Blaugh không mạo hiểm đề xuất một kiến giải.
Bản năng và các tình cảm “tự nhiên”
David Hume (1711-1776) |
Adam Smith nghĩ là con người – như tất cả các động vật cao cấp khác – được trang bị một tập những bản năng và khuynh hướng tự nhiên tác động đến những lựa chọn của mình. Nếu, nhìn chung, thiết bị tâm lí này giúp loài người sống sót, một số khuynh hướng được định hướng tốt hơn một số khác và, ngay cả với những khuynh hướng được định hướng tốt, chúng có thể là quá đáng hay không đủ. Chính vì thế giáo dục và những chế tài hình sự là cần thiết. Ngay cả những lựa chọn kinh tế cũng chịu ảnh hưởng của các bản năng và khuynh hướng của chúng ta. Ví dụ, David Hume (1711-1776) xem chúng là một trong những nguyên do chính khiến con người cố gắng dậy buổi sáng để đi làm: “Mỗi người đàn ông [...] đáp ứng các nhu cầu của con mình do được thúc đẩy bởi một bản năng tự nhiên mạnh mẽ [powerful instinct of nature] chứ không thể theo một tính toán lợi ích đáng khinh” [Hume, 1777, p. 388]. Trong tác phẩm Elements of Political Economy, James Mill (1773-1836) cho là những khuynh hướng loại này là lí do chính giải thích vì sao những người đã giàu có vẫn tiếp tục tích luỹ của cải: “Trong trường hợp này, chỉ có hai động cơ... mong muốn có ảnh hưởng đến những khác và quyết tâm đảm bảo tương lai của con cái” [Mill, 1821, pp. 53-54].
Alfred Marshall (1842-1924) |
William Paley (1743-1805) |
Cách nhìn này về hành vi của con người kinh tế là rất phổ biến trong kinh tế học chính trị cổ điển và những tác giả tân cổ điển xuất sắc nhất cũng không chối bỏ nó. Chẳng hạn Alfred Marshall (1842-1924) viết: “Lí thuyết kinh tế xem con người như nó vốn là trong đời sống hàng ngày: trong đời sống hàng ngày, người ta không tính toán, trước mỗi khi ra quyết định, những hậu quả mà quyết định sẽ tạo ra” [Marshall, 1920, livre I, ch. II, § 3]. “[Các nhà kinh tế] bao giờ cũng xem, một cách mặc nhiên, là những động cơ kinh tế bình thường gồm có ý thức gia đình... Và nếu như các động cơ trên bao gồm các tình cảm này thì tại sao chúng lại không có những khuynh hướng khác khi các khuynh hướng này tác động một cách thường xuyên [nt., “Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất”].
Các bản năng và khuynh hướng tự nhiên Friedich Hayek thường được giới thiệu – hơi quá vội vàng – như một môn đồ của Adam Smith và của David Hume. Quả thật là, như hai tác giả này. ông viện đến những bản năng và khuynh hướng tự nhiên trong hệ thống lí thuyết của ông. Nhưng ông xem các khuynh hướng này như những đặc điểm tâm lí di truyền cần loại bỏ, những bản năng nguyên thủy gây nhiễu cho sự hình thành tự do của giá cả và cản trở hoạt động đúng đắn của thị trường. Chẳng hạn, ông viết: “Các khuynh hướng bẩm sinh này được tích hợp trong cơ thể con người dọc suốt 50.000 thế hệ là thích hợp với cuộc sống hoàn toàn khác với cuộc sống mà con người đã tự xây dựng kể từ thời đó” [Hayek, 1979, trang 492]. Và ông viết tiếp: “Các bản năng bẩm sinh này, trong một thời gian dài bị chìm ngập, đã nổi lên trở lại. Yêu sách về một phân bổ công bằng – bằng cách sử dụng Nhà nước để phân bổ cho mỗi người những gì họ có quyền có được [what he deserves] là đặc điểm tâm lí di truyền đặt cơ sở trên những cảm xúc nguyên thuỷ”. Các bản năng này được dùng làm điểm tựa cho những dự án không tưởng của những ai được ông gọi là những “nhà kiến tạo duy lí”, thuật ngữ ông dùng để liệt kê những những nhà keynesian, những người xã hội chủ nghĩa, dân chủ thiên chúa giáo và cộng sản. Nhưng đối với ông, “ý niệm đặc điểm tâm lí di truyền của chúng tôi về công lí phân phối cản trở việc sử dụng có hiệu quả kiến thức cá nhân phân tán và có thể huỷ hoại điều chúng tôi gọi là một xã hội đa nguyên” [nt., trang 500]. Như vậy, những khuynh hướng như “công lí xã hội” của những nhà xã hội chủ nghĩa và “yêu thương người thân cận” của người Ki tô giáo phải nằm ngoài kinh tế học. |
Một ví dụ tốt là bản năng dục tính mà dưới tên gọi “nguyên lí dân số” thúc đẩy người lao động sinh quá nhiều con và có xu hướng làm hạ lương. Keynes cũng gán cho các bản năng kiểu này một vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, trong một trong những câu nổi tiếng nhất của tác phẩm Lí thuyết tổng quát, ông viết: “Hầu hết những quyết định hành động của chúng ta [...] chỉ có thể hiểu được như là kết quả của các bản năng động vật [animal spirits], của các ham muốn tự phát của chúng ta [...] chứ không phải là kết quả của một phép tính trung bình về những khoản lời gia quyền bởi những xác suất [Keynes, 1936, ch. 12, section VII, trang 161-162]. Ngay cả Friedrich Hayek cũng viện dẫn đến các bản năng trong lí thuyết của ông (xem khung trên).
“Khi ưu đãi cho nền công nghiệp quốc gia”
Do đó, vấn đề phải biết là trong Của cải của các dân tộc, thành ngữ “bàn tay vô hình” chỉ những bản năng và khuynh hướng tự nhiên (như Keynes gợi ý) hay cơ chế giá cả (quan điểm của Milton Friedman), hay một cách kiến giải khác nữa là sự pha trộn cả hai (như những gì xảy ra trong thế giới thực). Bởi thế, hãy xem xét Smith đã thật sự viết gì trong đoạn ngắn ông nêu thành ngữ bàn tay vô hình.
“Trong chừng mực mà mỗi người cố gắng cao nhất có thể để sử dụng tư bản của mình trong nền kinh tế quốc gia [domestic industry] và để hướng hoạt động sao cho sản phẩm của mình có nhiều giá trị nhất thì cá nhân đó tất yếu lao động sao cho thu nhập của đất nước mình là lớn nhất có thể. [...] Khi ưu đãi cho nền công nghiệp quốc gia hơn là cho công nghiệp nước ngoài, ý đồ duy nhất của anh ta là sự an toàn cho chính bản thân; và khi hướng hoạt động sao cho sản phẩm của mình có nhiều giá trị nhất, ý đồ duy nhất của anh ta là mưu cầu lợi nhuận. [Nhà tư bản], trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình thực hiện một mục đích hoàn toàn không nằm trong ý đồ của mình. Bằng cách theo đuổi lợi ích cá nhân, anh ta thường [frequently] ưu tiên cho lợi ích của xã hội một cách hiệu quả hơn là khi thực sự có ý đồ này. [...] Bình thường, anh ta không có ý đồ ưu tiên cho lợi ích xã hội[6].
Bernard Mandeville (1670-1733) |
Frédéric Bastiat (1801-1850) |
Đoạn trích dẫn trên có đến bốn mệnh đề. Nếu không phân biệt chúng, có nguy cơ nhầm lẫn tư tưởng thận trọng của Smith với những biếm hoạ được Bernard Mandeville (1670-1733) và sau này là Frédéric Bastiat (1801-1850) đại chúng hoá (một cách tài tình về mặt văn chương)[7].
- Thứ nhất, khi một nhà tư bản chọn đầu tư vào một ngành nhất định (thay vì một ngành khác), “ý đồ” của anh ta, theo bình thường, là (tìm kiếm – ND) sự an toàn và lợi nhuận. Nhưng “hành động” này không chỉ là kết quả duy nhất của “ý đồ” (mục đích anh ta theo đuổi) mà còn chịu tác động của những bản năng và khuynh hướng tự nhiên của anh ta. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì tất cả các hành động của chúng ta đều chịu tác động như vậy. Trong tiếng Anh cũng như trong tiếng Pháp “ý đồ” (“intention”) có một nghĩa vô cùng chính xác. Nó chỉ mục đích được theo đuổi một cách có ý thức. Các luật gia Pháp cũng phân biệt, trong hành động phạm tội, “ý đồ” (gây chết người) với “động cơ” (sự tức giận, ghen tuông hay trả thù)[8]. Đây chính là lí do khiến Smith sử dụng đến năm lần từ “ý đồ” trong đoạn trích dẫn trên. Germain Garnier, người dịch Của cải của các dân tộc (sang tiếng Pháp - ND) không dùng từ này khiến cho đoạn trên kém chính xác.
- Thứ hai, Smith cho chúng ta biết là các nhà đầu tư tạo ra những hệ quả “hoàn toàn không nằm trong ý đồ” của họ. Đây là trường hợp của mọi người: tại sao lại không như thế đối với nhà đầu tư? Đó là luận điểm được Kant gọi là “mẹo của lịch sử” và Hegel gọi là “mẹo của lí tính”.
- Thứ ba, Smith cũng nêu luận điểm không kém cũ xưa là những ai tuyên bố lao động vì lợi ích chung thường không tạo điều kiện cho lợi ích này một cách hiệu quả bằng người bán thịt hay bánh mì mà ý đồ là kiếm sống.
- Thứ tư, thành ngữ nổi tiếng không liên quan đến tất cả đầu tư của những nhà tư bản mà chỉ liên quan đến những ai có sở thích đối với nền công nghiệp quốc gia.
Ở nhiều nơi khác trong tác phẩm, Smith xem xét những trường hợp khi nhà đầu tư không có sở thích đối với nền công nghiệp quốc gia. Khi những nhà tư bản của một nước nghèo, như Thuỵ Điển hay Đan Mạch, thành lập một “East India Company” để hưởng lợi từ việc buôn bán béo bở gia vị và hương liệu[9] hay bỏ vốn vào những cuộc phiêu lưu khai thác mỏ quặng quốc tế[10]. Trong các trường hợp này cũng vậy, nhà tư bản hoàn thành những mục tiêu hoàn toàn không nằm trong ý đồ của mình nhưng các lựa chọn này ít ưu đãi quyền lợi quốc gia do không dành cho nông nghiệp và công nghiệp những nguồn tư bản vốn đã eo hẹp mà đất nước có được và làm chậm trễ bước tiến đến sự phồn vinh.
Nhiều sử gia tư tưởng kinh tế đã lưu ý điểm này. Chẳng hạn, giáo sư William Grampp, ở đại học Chicago, viết rằng Smith “không nói là tất cả các lựa chọn đều do lợi ích cá nhân của bàn tay vô hình hướng dẫn. Bàn tay vô hình hướng dẫn thương gia chỉ khi [only] các tình huống khiến họ duy trì tư bản ở lại trong đất nước [at home]” [Grampp, 2000, p. 447]. Nói cách khác, Smith không khẳng định là bao giờ đầu tư cũng hướng về một lối đi thuận lợi cho lợi ích chung; ông nói là điều này thường (frequently) hay xảy ra.
Trên điểm này cũng thế, nhiều nhà bình luận đã phạm sai lầm. Chẳng hạn, John Ramsay McCulloch (1789-1864), một trong những nhà kinh tế nổi tiếng trong thời đại ông, đã viết là “lợi ích của các cá nhân không bao giờ đối lập với lợi ích chung” [dẫn theo Ricardo, 1822, p. 194]. Đây là học thuyết mà sau này Frédéric Bastiat và nhiều tác giả khác sẽ gọi là “sự hài hoà tự nhiên các quyền lợi”. Thế mà chính Smith đã rõ ràng bác bỏ luận điểm từng là thời thượng trong thời buổi ông: “Quyền lợi của những ai hoạt động trong một ngành đặc biệt về thương mại hay công nghiệp bao giờ cũng khác trên vài mặt, và thậm chí đối lập, với quyền lợi của xã hội” [Smith, 1776, tome I, p. 267, § 10]. Cũng giống như David Ricardo (1772-1823), trong một bức thư gởi cho McCulloch, viết như sau: “Tôi không đồng ý với ông trên điểm này. Trong trường hợp các máy móc, quyền lợi của giới chủ và công nhân thường đối lập nhau. Lẽ nào quyền lợi của địa chủ và của công chúng cũng luôn luôn giống nhau sao?” [Ricardo, 1822, p. 194].
Jacob Viner (1892-1970) |
Những sử gia tư tưởng kinh tế nổi tiếng nhất thường lưu ý điểm này. Chẳng hạn, Jacob Viner (1892-1970), thuộc trường phái Chicago thứ nhất, viết là “trong Của cải của các dân tộc, tính hài hoà này không mở rộng ra cho tất cả các yếu tố của trật tự kinh tế, và nơi nào mà tính này thắng thế thì nó thường là cục bộ và không hoàn hảo” [Viner, 1928, p. 128]. Còn theo Lionel Robbins (1898-1984), thuộc London School of Economics, “nếu chúng ta xem xét kĩ mức độ hài hoà mà Smith gán cho hệ thống này, chúng ta nhận thấy thực ra là hệ thống rất giới hạn” [Robbins L., 1952, p. 25].
Nhưng cho dù ta có thừa nhận là hệ thống giá cả thu hút vốn về những ngành mà “thường” việc gia tăng sản xuất là có ích, Smith không cho rằng hệ thống này mời gọi các đầu tư về những vùng mà đất nước đòi hỏi là chúng nên về. Như vậy, ông rất quan ngại sự tập trung quá mức của công nghiệp chế tạo quanh các mỏ than, vì chi phí cao của vận chuyển đường bộ chất đốt này. Ông thấy đây là điều đủ đáng lo ngại để biện minh cho một “trợ cấp” nhằm thống nhất giá than trên toàn vương quốc: “Trên khắp nước Anh các nhà máy đều tập trung độc nhất [have confined themselves] vào những địa phương sản xuất than đá. [...] Nếu có trường hợp nào sẽ là hợp lí khi trao một khoảng thưởng [a bounty], có lẽ đó là trường hợp của việc vận chuyển than từ những nơi có than dồi dào về những nơi khan hiếm nguồn lực này” [Smith, 1776, tome II, p. 874, § 12].
Những nguyên nhân của sự ưa thích đối với nền công nghiệp quốc gia
Một điều rất được biết đến vào thời của Smith là các nhà tư bản có khuynh hướng đầu tư vào những ngành dường như cung cấp được tỉ suất lợi nhuận tốt nhất. Cũng như khuynh hướng né tránh rủi ro của họ. Đã có một thị trường chứng khoán ở London cho phép bảo hiểm và tái bảo hiểm rủi ro là Lloyds, được thành lập khoảng một trăm năm trước khi Của cải của các dân tộc được xuất bản. Sẽ là lạ lẫm, nhất là đối với một nhà kinh tế học, gọi các hiện tượng này là “bàn tay vô hình”. Do đó không phải là phi lí để nghĩ – cùng với Keynes – là Smith hàm ý trong câu nổi tiếng của ông những lực khó thấy hơn: đến những khuynh hướng tâm lí như “sở thích” nông nghiệp mà ông xem như một bản năng thu hút họ về nông thôn. Chẳng hạn ông từng viết “Cũng như định mệnh của con người lúc nguyên thuỷ, là trồng trọt đất đai, dường như con người, trong tất cả các giai đoạn của lịch sử nhân loại, vẫn giữ một thiên hướng về công việc nguyên thuỷ này” [ibid., tome I, p. 378, § 3].
Nơi khác trong tác phẩm của mình, ông nói đến một phản ứng “tự nhiên” khác tác động theo cùng chiều: nỗi “quan ngại” [uneasiness] mà một cá nhân cảm nhận khi không có tài sản mình sở hữu “trong tầm nhìn”, một nỗi lo lắng gợi nhớ sự bối rối của một người mẹ khi con mình ở ngoài tầm nhìn, ngay cả trong một sân chơi an toàn.
Theo ông, các khuynh hướng này giải thích hành vi của một thương gia thường trú ở Amsterdam mà nghề là vận chuyển hàng hoá giữa Bồ Đào Nha và Đông Phổ (giữa Lisbonne và Königsberg). Nếu thương gia này chỉ tính đến lợi nhuận và rủi ro (mà ông ta có thể lấy bảo hiểm) thì tài sản của ông vẫn gần như nằm ngoài tầm mắt: “Nỗi quan ngại [uneasiness] ông cảm nhận khi ở xa tài sản của mình đến thế thường khiến ông đưa một phần hàng hoá của mình về Amsterdam; và cho dù việc này tất yếu buộc ông phải hai lần đưa hàng lên và xuống tàu, cũng như gánh chịu thêm thuế quan, song ông sẵn sàng chấp nhận thêm chi phí nhằm có một phần tài sản của mình ngay trước mắt [under his own immediate view]” [ibid., tome I, pp. 454-455, § 6].
Những hình ảnh kiểu Newton
Để mô tả những lực thu hút hoặc gạt bỏ các tài sản (và giải thích những chuyển động của chúng), Smith sử dụng nhiều lần những hình ảnh và thành ngữ bắt nguồn từ lí thuyết của Newton. Như vậy, các tài sản bị hút theo hai chiều khác nhau, theo hướng có lợi cao nhất (bởi sự hấp dẫn của lợi nhuận và sức đẩy của rủi ro) nhưng cũng theo hướng về nơi ở của người sở hữu tư bản, theo cách giống như Mặt trăng bị Trái đất và cả Mặt trời (và các hành tinh khác) thu hút. Ví dụ, ông viết “mỗi người cố gắng sử dụng tài sản của mình gần nhất có thể bên bản thân [as near home as he can]. [...] Nơi họ ở là, nếu tôi có thể nói như vậy, trung tâm mà quanh đó tài sản của cư dân một đất nước lưu thông và đều luôn hướng về [Home is in this manner the center [...] towards which they are always tending]” [ibid., tome I, pp. 454-455, § 5-6].
Bốn mươi năm sau Của cải của các dân tộc, trong tác phẩm Principles của ông, David Ricardo cũng hoan nghênh các khuynh hướng “tự nhiên” này của nhà tư bản. Ông phân biệt rõ ràng rủi ro với sự dè dặt tự nhiên: “Kinh nghiệm cho thấy là rủi ro, có thực hay tưởng tượng, [...] cùng với [together with] sự dè dặt tự nhiên [natural disinclination] của mọi người trong việc rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn [...] kìm hãm việc xuất khẩu tài sản [checks the emigration of capital]. Những cảm xúc này, mà tôi sẽ lấy làm tiếc nếu chúng yếu đi, khiến cho hầu hết các ông chủ tự bằng lòng với một tỉ suất lợi nhuận thấp trong chính nước họ hơn là tìm nơi sử dụng có lợi hơn cho quỹ của họ trong các nước bên ngoài” [Ricardo, 1817, pp. 155-156].
Theo ông, những thiên hướng tự nhiên cùng loại cũng giải thích vì sao tư bản chấp nhận, trong nội bộ đất nước, những tỉ suất lợi nhuận thấp lâu dài trong một vài ngành hoạt động mang lại một uy tín xã hội lớn hay do các ngành này sạch sẽ hơn.
“Thiên lệch cận nhà” (“home bias”)
Khi giải thích việc chọn danh mục đầu tư, những nghiên cứu hiện đại nhận thấy, như Smith và Ricardo vào thời của họ, là không thể giải thích bằng những nhân tố quyết định thông thường những lựa chọn phần những khoản đầu tư có tính lân cận về mặt địa lí. Trường hợp này được gọi là “thiên lệch cận nhà” (“home bias”). Như được từ điển Business Dictionary (thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway, của Warren Buffett) giải thích “thiên lệch này tác động mạnh đến các quyết định đầu tư, ngay cả khi một sự đa dạng hoá lớn hơn ở bên ngoài thị trường trong nước có thể làm tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro [even when greater diversification outside of domestic markets might yield greater profits and lesser risk]”[11].
Noam Chomsky (1928-) |
Nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky cũng đã hiểu thành ngữ “bàn tay vô hình” theo cách trên, như trích dẫn sau từ một trong những buổi nói chuyện của ông: “Hiếm có ai đọc Adam Smith, [...] mọi người đều đã nghe nói đến “bàn tay vô hình” nhưng hầu như không ai biết ông dùng thành ngữ này theo nghĩa nào. [...] Smith, cũng như sau này Ricardo, lo ngại rằng nước Anh bị tác động tiêu cực của việc tự do di chuyển vốn [...] [Một trong những luận chứng của ông để xoa dịu nỗi lo này] là các nhà đầu tư Anh sẽ ưu tiên đầu tư vào nước Anh do điều đôi lúc được gọi là “home bias”. [...] Bàn tay vô hình là như thế đó [That’s the invisible hand]” [Chomsky, 2013].
Vai trò của bàn tay vô hình trên con đường dẫn đến thịnh vượng
Trong Của cải của các dân tộc, Smith nhiều lần lưu ý đến sai lầm một vài quốc gia phạm phải trong quá khứ khi không cưỡng lại sự cám dỗ dấn mình quá sớm hay quá đáng vào thương mại quốc tế. Sự hào nhoáng của những thành phố thương mại lớn nổi lên vào cuối thời Trung cổ làm choáng ngợp hầu hết những nhà lãnh đạo châu Âu khiến họ tin là đất nước họ có thể tiến nhanh hơn đến sự thịnh vượng bằng cách “khuyến khích đặc biệt” thương mại quốc tế, như các Nhà nước nhỏ trên đã từng làm. Những nhà tư vấn kinh tế cho họ, thường xuất thân từ tầng lớp thương gia, củng cố niềm tin của họ. Đó là lí thuyết và chính sách bị Smith phê phán khi gọi bằng “hệ thống con buôn”.
Smith cho rằng những khuyến khích đặc biệt này là có hại vì chúng làm chậm lại tăng trưởng của một nước nghèo và của cải được tạo ra theo kiểu này dễ bị tổn thương hơn. Một phần của châu Âu, vào cuối thời Trung cổ, đã rơi vào chiếc bẫy này. Điều này giải thích vì sao “không còn bất kì vết tích nào của những của cải mênh mông mà người ta nói là do hầu hết các thành phố của Liên minh Hanse sở hữu” [Smith, 1776, tome I, pp. 426-427, § 24]. Ngược lại, vùng Flandre đã phát triển các ngành khác nhau của nền kinh tế một cách cân bằng hơn: “Các cuộc nội chiến trong vùng Flandre và sự chiếm đóng của Tây Ban Nha sau đó đã đuổi thương mại lớn ra khỏi các thành phố Anvers, Gand và Bruges. Nhưng vùng Flandre vẫn tiếp tục là một trong những tỉnh của châu Âu giàu nhất, đông dân nhất và văn hoá nhất” [ibid.].
Quyển III của tác phẩm Của cải của các dân tộc, trong đó Smith so sánh các chính sách khác nhau do các dân tộc theo đuổi trong việc tìm đến sự thịnh vượng, kết thúc với bài học sau: “Những đảo lộn thông thường của chiến tranh và chính trị dễ dàng làm cạn kiệt những nguồn của cải đến độc nhất từ thương mại. Sự sung túc dựa trên những tiến bộ vững chắc hơn [như những tiến bộ] của nông nghiệp là lâu bền hơn” [ibid.]. Có lẽ trong những năm trước cuộc khủng hoảng 2008, hẳn là ông đã không khuyên Iceland chuyên về tài chính quốc tế.
Tiếc là, khi làm theo lời khuyên của giới thương gia, chính phủ Anh đã trao độc quyền buôn bán với các thuộc địa cho các tàu thuyền của vương quốc. Do các chính quyền châu Âu khác đáp trả bằng những biện pháp tương tự, các tàu thuyền và hàng hoá Anh bị đẩy ra khỏi các thị trường quen thuộc ở châu Âu và Địa trung hải và tập trung vào thương mại với các thuộc địa: “Các công xưởng của chúng ta nhắm vào xuất khẩu, thay vì thích nghi, như trước khi có luật về lưu thông hàng hải [Act of navigation năm 1651], với các thị trường gần của châu Âu và với các thị trường [...] của những nước nằm trên bờ Địa trung hải, nay hầu hết lại thích nghi với các thị trường thuộc địa ở xa hơn [ibid., tome II, pp. 596-597, § 22].
“Nền công nghiệp Anh [...] đã được cấu trúc lại nhằm phục vụ chủ yếu cho một thị trường lớn duy nhất. Thương mại Anh, thay vì lưu thông qua một số lớn những kênh nhỏ, đã có thói quen hoạt động chủ yếu thông qua một kênh lớn duy nhất. Như vậy toàn bộ hệ thống sản xuất và thương mại của Anh như thế trở thành dễ bị tổn thương hơn” [ibid., tome II, p. 604, § 43].
Smith lo ngại là lịch sử sẽ lặp lại và điều tương tự từng xảy ra với các thành phố của Liên minh Hanse lại xảy ra ở Anh. Ông đề xuất là thông qua đàm phán với các quốc gia khác, loại bỏ dần độc quyền thương mại thuộc địa và thiết lập điều ông gọi là sự “tự do tự nhiên” [ibid., tome II, p. 606, § 44]. Như vậy, ông khuyên người Mĩ, vừa mới tuyên bố độc lập (1776) đừng sớm phí phạm vốn eo hẹp của họ, trao thương mại quốc tế và công nghiệp cho Anh, và tiếp tục chuyên môn hoá vào nông nghiệp [ibid., tome I, p. 367, § 21].
Kết luận
Đề án của Smith đã không thuyết phục được những tác giả như Jacques Necker (1732-1804) ở Pháp và Alexander Hamilton (1757-1804) ở Hoa kì[12]. Ngay cả với một vai trò quan trọng của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và cơ sở hạ tầng, họ cũng không tin rằng “tự do tự nhiên” là đủ để cho Pháp và Hoa Kì theo kịp Vương quốc Anh. Họ sẽ chọn – như sau này Đức và Nhật và gần đây hơn là Hàn Quốc và Trung quốc – những chính sách kinh tế tích cực hơn.
Để tiết chế những hiệu ứng có hại có thể của “tự do tự nhiên” hay của việc mở cửa thương mại, Smith dựa vào những khuynh hướng như khuynh hướng bị nông thôn quyến rũ. Lịch sử cho thấy là các thiên hướng này ít mang tính tự nhiên và không mạnh như ông nghĩ. Ngày nay sự “thiên lệch cận nhà” vẫn tồn tại nhưng các lí thuyết hiện nay giải thích các thiên hướng này bằng một tập những nhân tố như uy tín xã hội và quyền lực chính trị mà việc đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng mang lại, dấu vết gắn với những thực tiễn như di dời sản xuất và thiên đường thuế, v.v..
Bàn tay vô hình, và hậu duệ của nó là home bias, chắc chắn hành động theo chiều hướng tốt, nhưng các lí thuyết gia nổi tiếng về thương mại quốc tế như Paul Samuelson nghĩ là còn phải làm nhiều hơn nữa để trung hoà những xu hướng độc hại như việc di dời sản xuất và sa mạc hoá một vài khu vực đi kèm giai đoạn mới nhất của toàn cầu hoá [Samuelson, 2004].
Thư mục
Chomsky N., 2013, “Adam Smith and the Invisible Hand”, The Chomsky Videos, 15 septembre.
Dellemotte J., 2009, “La main invisible d’Adam Smith”, L’Economie politique n° 44, 4e trimestre.
Friedman M., 1976, “Adam Smith’s Relevance for Today”, Challenge, mars-avril 1977.
Grampp W., 2000, “What Did Smith Mean by the Invisible Hand?”, Journal of Political Economy, vol. 108, n° 3.
Hayek F., 1979, Law, Legislation and Liberty, Routledge, 2013.
Hume D., 1777, Essays, Moral, Political and Literary, Liberty Classics, 1987.
Keynes J. M., 1936, The General Theory of Employment, Interest and Money, Macmillan.
Keynes J. M., 1927, The End of laissez-faire, Hogarth Press.
Marshall A., 1920, Principles of Economics, Macmillan, 8e édition.
Mill J., 1821, Elements of Political Economy, Henry G. Bohn, 1844.
Ricardo D., 1822, “Letter 497 to McCulloch”, Works, vol. 9, 1952.
Ricardo D., 1817, Des principes de l’économie politique et de l’impôt, Flammarion, 1992.
Robbins L., 1952, The Theory of Economic Policy in English Classical Political Economy, Macmillan.
Samuelson P., 2004, “Rethinking Free Trade”, www.economiepolitique.net, 27 septembre.
Smith A., 1776, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, Glasgow Edition, 1976.
Vergara F., 2001, “Les erreurs et confusions de Louis Dumont”, L’Economie politique n° 11, 3e trimestre.
Viner J., 1928, “Adam Smith and Laissez-Faire”, in Clark J. M., Adam Smith, 1776-1926, Chicago University Press.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Smith, la “main invisible” et le libre-échange, Alternatives Economiques, 01.01.2018.
----
Bài có liên quan:
Chú
thích: [1] Tôi cảm ơn những gợi ý
và phê bình của Sandra Moatti, Stéphanie Laguerodie và Bernard Guerrien. [2] Trong
các trước tác được biết đến, Smith còn sử dụng thành ngữ này hai lần nữa. Xem
Dellemotte [2009]. [3] Chúng tôi
nhấn mạnh, trừ trường hợp nói khác. [4] Đôi
lúc học thuyết của Paley được gọi là “chủ nghĩa công lợi thần học” vì nó khẳng
định rằng ý chí của Chúa (từ đó sinh ra nghĩa vụ của con người) là tạo ra “hạnh
phúc lớn nhất cho số đông người nhất”. [5] The New Palgrave,
2008, Macmillan, lần xuất bản thứ hai. [6] Có
thể tham khảo, với một cỗ máy tìm kiếm tốt, ấn bản nổi tiếng của Canan tại địa
chỉ www.econlib.org/library/Smith/smWN.html.
Trong ấn bản của Canan (xem thư mục), thành ngữ này nằm ở quyển 1, trang 456, §
9. [7] Xem
Vergara [2001]. [8] Louis
Josserand, 1928, Les mobiles dans les actes juridiques du
droit privé, Dalloz, 2006, p. 10. [9] Smith, 1776, Glasgow Edition, tome
II, p. 633, § 97. [10] Ibid.,
tome II, p. 562, § 18. [11] Định
nghĩa có sẵn trên trang www.businessdictionary.com/definition/home-bias.html [12] Xem, về tác
giả đầu, Eloge de Jean-Baptiste Colbert
(1773) và, tác giả sau, Report on
Manufactures (1791).