1.10.23

Công trình của Adam Smith có thể giúp giải quyết khoảng cách kỹ năng của Vương quốc Anh ra sao

CÔNG TRÌNH CỦA ADAM SMITH CÓ THỂ GIÚP GIẢI QUYẾT KHOẢNG CÁCH KỸ NĂNG CỦA VƯƠNG QUỐC ANH RA SAO

Một bức tượng của Adam Smith tại Đại học Glasgow. Đại học Glasgow, ảnh Tác giả cung cấp

Việc giải quyết vấn đề năng suất của Vương quốc Anh sẽ đòi hỏi đầu tư công dài hạn vào giáo dục chất lượng nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng và thúc đẩy bình đẳng – một kế hoạch mà nhà kinh tế học thế kỷ 18 Adam Smith chắc chắn sẽ đồng ý.

Smith – người mà chúng ta làm kỷ niệm 300 năm trong năm nay – là người tiên phong về kinh tế học. Ông là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất mà thế giới từng chứng kiến và là cựu sinh viên của Đại học Glasgow. Adam Smith đã gắn liền với giáo dục trong suốt cuộc đời của mình; đầu tiên, với tư cách là một học sinh tại Glasgow ở tuổi 14, và sau đó là một giảng viên, giáo sư, Praeses (phó hiệu trưởng không chính thức) và hiệu trưởng của trường đại học.

Tác phẩm vĩ đại đầu tiên của Smith, Lý thuyết về những tình cảm đạo đức (1759), đặt nền tảng triết học cho kiệt tác của ông, cuốn sách Của cải của các dân tộc (1776). Mặc dù đôi khi cuốn sách này được mô tả một cách sai trái như thể nó lập luận rằng thị trường nên hoạt động theo lối không bị kiểm soát, nhưng đây là một đóng góp tinh tế hơn nhiều cho tư duy kinh tế.

Tác phẩm nhấn mạnh cách chuyên môn hóa lao động – tức là khi một công nhân tập trung vào việc phát triển một kỹ năng cốt lõi – là chìa khóa để thúc đẩy cái mà ngày nay chúng ta hiểu là “năng suất” và sự thịnh vượng công nghiệp. Nó giải thích làm thế nào hành vi tư lợi có thể dẫn đến hoạt động hiệu quả của thị trường từ quan điểm của xã hội. Nó cũng thảo luận về những ràng buộc đối với thương mại tự do, chẳng hạn như thuế quan và các rào cản thương mại khác, mang lại lợi ích cho người bán chứ không phải cho người tiêu dùng.

Bất chấp những thực tế rất khác của giáo dục hồi thế kỷ 18 (so với hiện nay), Smith có lẽ sẽ có nhiều nhận xét về hệ thống giáo dục ngày nay và làm thế nào các trường đại học có thể giải quyết các vấn đề từ khả năng tiếp cận, việc cung cấp dịch vụ công, khoảng cách kỹ năng, cho đến thách thức kinh tế rộng lớn hơn là năng suất kém.

Phổ cập giáo dục

Hãy xem xét về khả năng tiếp cận giáo dục. Người cố vấn của Smith, Francis Hutcheson, đã vận động để các lớp học tại Đại học Glasgow được dạy bằng tiếng Anh thay vì tiếng La-tinh. Và sự đồng thuận chung giữa các học giả nghiên cứu về Smith là Smith ủng hộ đóng góp của khu vực công cho giáo dục, mặc dù vào thế kỷ 18, điều này liên quan đến việc cung cấp giáo dục tiểu học.

Smith cũng biện hộ cho giáo dục phổ cập. Ông tin rằng, để bù đắp những tác động có hại của sự tha hóa do phân công lao động gây ra, giáo dục phải mở ra cho tất cả người lao động.

Trong suốt cuộc đời mình, Smith đã chứng kiến những cải cách đối với giáo dục đại học ở Glasgow: bổ nhiệm các giáo sư luật mới, các trường y mới và mở rộng sang các môn học mới như hóa học và thực vật học. Điều này đã kích hoạt thời kỳ Khai sáng Scotland, đặt nền móng cho một số phát minh vĩ đại nhất mà loài người chưa từng thấy trước đó.

Smith hiểu tầm quan trọng của đổi mới công nghệ trong việc thúc đẩy cải tiến kinh tế này. Ông ấy là người cùng thời với James Watt, một nhà sản xuất nhạc cụ tại Đại học Glasgow, người đã cải tiến động cơ hơi nước, nhân tố chính thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp.

Joseph Black, sau này là giáo sư y khoa ở Glasgow, là một người cùng thời khác và là bạn của Smith và Watt. Ông đã phát triển khái niệm về nhiệt ẩn [latent heat]. Đây là chìa khóa để hiểu được nhiệt động lực học, và ông cũng nâng cao hiểu biết của chúng ta về tính chất của các chất khí trong hóa học.

Ngày nay, phần lớn kiến thức vẫn đang được chuyển giao từ trường đại học sang ngành công nghiệp thông qua sinh viên mới tốt nghiệp. Mặc dù khó đo lường nhưng đây là yếu tố then chốt để hỗ trợ các hoạt động đổi mới của doanh nghiệp.

Ấn bản đầu tiên của Của cải của các dân tộc, kiệt tác của Smith. Kjell Leknes / Shutterstock

Vấn đề năng suất

Sự chậm chạp trong tăng trưởng năng suất gần đây ở Anh và một số nền kinh tế tiên tiến khác đến từ nhiều nguyên nhân phức tạp. Nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng phát triển vốn con người là một phần của giải pháp.

Theo Báo cáo chính sách tiền tệ tháng 8 năm 2022 của Ngân hàng Trung ương Anh, nhu cầu lao động cao hơn mức trước đại dịch, nhưng nguồn cung lại thấp hơn mức trước đại dịch. Các chính phủ đều nhận thức rõ về khoảng cách kỹ năng này, nhưng việc thu hẹp khoảng cách này sẽ đòi hỏi tư duy dài hạn và đầu tư công bền vững vào giáo dục. Thành công sẽ không chỉ phụ thuộc vào số lượng nguồn cung giáo dục mà còn cả chất lượng.

Điều này được nhấn mạnh trong các nghiên cứu gần đây hơn về tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, nhà kinh tế Robert Barro của Harvard đã công bố một nghiên cứu vào năm 2013 sử dụng dữ liệu về điểm kiểm tra của sinh viên từ các nước OECD “giàu” và “nghèo” để đánh giá mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và giáo dục. Ông nhận thấy điểm kiểm tra môn khoa học có tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, để tăng trưởng kinh tế bền vững thì chất lượng giáo dục quan trọng hơn nhiều so với số lượng giáo dục.

Trong bối cảnh này, việc chuẩn bị lực lượng lao động cho các công nghệ mới có ý nghĩa quan trọng. Người lao động cần được cung cấp thông tin và trang bị tất cả các kỹ năng cần thiết, cũng như cơ hội để trau dồi những kỹ năng này xuyên suốt thời gian làm việc. Smith đã nhận ra tầm quan trọng của điều này như một động lực thúc đẩy sự đoàn kết và gắn kết xã hội trong Thời kỳ Khai sáng của Scotland. Trong thế kỷ 21, các công nghệ mới tiếp tục xuất hiện với tiềm năng biến đổi thế giới việc làm: từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ y tế và điện toán lượng tử.

Làm việc với công nghệ

Làm thế nào những công nghệ này kết hợp với đầu vào lao động cũng quan trọng đối với năng suất và bình đẳng. Các nhà kinh tế của MIT Daron Acemoğlu và Simon Johnson thảo luận về điều này trong cuốn sách mới của họ Power & Progress: The Thousand-Year Struggle Over Technology and Prosperity (tạm dịch: Quyền lực và Tiến bộ: Cuộc đấu tranh hàng nghìn năm vì công nghệ và sự thịnh vượng). Trong khi Smith tin rằng đầu tư vốn (các máy móc tốt hơn) sẽ tự động dẫn đến tiền lương thực tế cao hơn thông qua năng suất, thì Acemoğlu và Johnson cho rằng trong kỷ nguyên tiến bộ công nghệ hiện nay có thể không có mối tương quan tốt lành như vậy. Họ cho rằng cần có các thể chế mạnh mẽ để đảm bảo phân phối của cải một cách công bằng.

Một bức tượng của Adam Smith
ở Đại học Glasgow,
nơi ông vừa học vừa giảng dạy.
Chris Allan/Shutterstock

Các trường đại học cũng có thể đóng vai trò là các tổ chức then chốt. Họ có thể giúp thúc đẩy sự phát triển công nghệ theo hướng mà Acemoğlu và Johnson gọi là “tính hữu ích của máy móc” [machine usefulness]. Về bản chất, điều này có nghĩa là đảm bảo rằng các công nghệ mới như AI không thay thế con người mà sẽ bổ sung cho lao động để tăng năng suất.

Và khi những công nghệ này thúc đẩy sự thay đổi công nghệ thiên về kỹ năng, thay vì dựa vào các đóng góp riêng lẻ, thì đầu tư công vào giáo dục và kỹ năng là cần thiết. Nếu không, bất kỳ sự tăng trưởng nào cũng sẽ gây ra bất bình đẳng thu nhập lớn hơn.

Smith cũng là một triết gia đã phát triển lý luận đạo đức cho giáo dục phổ cập và giáo dục công. Đối với Smith, ủng hộ giáo dục và học tập suốt đời sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển xã hội. Là một học giả, một công dân và một nhà giáo dục, quan điểm của Smith vang vọng qua nhiều thế kỷ. Niềm tin cơ bản của ông về giá trị của giáo dục đối với xã hội sẽ tiếp tục đứng vững trước thử thách của thời gian.

Tác giả

Anton Muscatelli

Anton Muscatelli

Hiệu trưởng và Phó Viện trưởng, Đại học Glasgow

Tuyên bố công khai

Anton Muscatelli trước đây đã nhận được tài trợ nghiên cứu từ UKRI và Ủy ban châu Âu.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: How the work of Adam Smith could help solve the UK skills gap, The Conversation, Aug 8, 2023.

---

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF