3.8.15

Maurice H. Dobb, một người marxist được giới học thuật đánh giá cao



Maurice Dobb (1900-1976)

Maurice H. Dobb, một người marxist được giới học thuật đánh giá cao

Là sử gia về tư tưởng kinh tế, đảng viên Đảng Cộng sản Anh từ năm 1922 cho đến khi qua đời, Maurice Dobb là nhà kinh tế marxist duy nhất được chấp nhận và kính trọng trong giới học thuật Anh.
Maurice Dobb là "một trong những nhà kinh tế chính trị lỗi lạc nhất của thế kỷ", theo Amartya Sen.
Maurice Dobb, vào thế kỷ XX, có một vị trí đặc biệt trong giới kinh tế học ở Anh. Là người marxist, đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1922 cho đến khi qua đời, ông chắc chắn là nhà kinh tế marxist duy nhất được chấp nhận và kính trọng trong giới học thuật Anh, cho dù vua George V bày tỏ sự quan ngại về sự hiện diện của một người Bolshevik tại một trường đại học có khả năng đón nhận các thành viên của hoàng gia. Việc tích cực tham gia hoạt động cách mạng khiến ông bị một số người nghi ngờ là làm công tác tuyển dụng cho các cơ quan mật vụ Xô viết, ông duy trì các mối quan hệ thân mật nhất với những đồng nghiệp thuộc mọi xu hướng, có thể là những người theo phái tự do vô điều kiện, phái Keynes hoặc đảng viên đảng lao động. Keynes, trong số những nhà kinh tế khác, quý mến ông và thậm chí thỉnh thoảng bảo vệ ông.
Eric Hobsbawm (1917-2012)
Eric Hobsbawm kể lại, trong một cuốn sách tỏ lòng kính trọng Dobb vào lúc ông nghỉ hưu, làm thế nào mà một phong cách bảo thủ Anh, một trang phục thanh lịch và kiểu cách, một tính cách niềm nở và một phép lịch sự hơi lỗi thời như vậy của ông lại phù hợp với hình ảnh truyền thống của một người cộng sản chính thống. Tất cả những điều này chắc chắn đã đóng một vai trò tích cực trong việc ông được kính trọng, ngay cả khi người ta bác bỏ các ý tưởng chính trị và lý thuyết của ông. Vả lại, danh sách các nhà kinh tế đã đóng góp cho cuốn sách trên là bằng chứng về thanh thế đó. Người ta có thể kể trong số những nhà kinh tế khác, những bài của Robert Solow, Jan Tinbergen, Amartya Sen, Michal Kalecki, Oskar Lange, Joan Robinson, và dĩ nhiên, Paul Sweezy. Paul Sweezy, người cũng tự nhận là theo chủ nghĩa marxist, có một vị trí trên vũ đài tư tưởng kinh tế ở Hoa Kỳ tương tự như Dobb ở Anh, nhưng trong trường hợp của ông, thì sự nghiệp học thuật ở đại học bị gián đoạn bởi chủ nghĩa McCarthy (phong trào chống cộng thanh lọc giới trí thức ở Hoa Kì thời chiến tranh lạnh – ND).
Amartya Sen (1933-)
Amartya Sen, tác giả của một bài viết về Dobb trong từ điển Palgrave, cho rằng Dobb là "một trong những nhà kinh tế chính trị lỗi lạc của thế kỷ. Đó là một nhà marxist và là một trong những người đã có những đóng góp sáng tạo nhất cho kinh tế học marxist." Là người phi chính thống được dung thứ và thậm chí đôi lần được phái chính thống đánh giá cao, Dobb, trong nhiều trường hợp, bị phái chính thống marxist phê phán, kể cả trong hàng ngũ đảng của ông.

Marx và lịch sử tư tưởng kinh tế

Dobb học lịch sử trước khi đến với kinh tế học và, với tư cách là nhà kinh tế, ông nổi tiếng như là nhà sử học về tư tưởng kinh tế. Năm 1937 và vào lúc cuối sự nghiệp của ông, năm 1973, ông đã ký tên hai tác phẩm quan trọng trong lĩnh vực này. Tác phẩm đầu tiên, Political Economy and Capitalism (Kinh tế học chính trị và chủ nghĩa tư bản), có nội dung là một trong những sách đầu tiên giới thiệu tư tưởng kinh tế của Marx, tránh xa các sách giáo khoa chính thống của Liên Xô khi đặt trả lại tư tưởng này trong dòng tiến hóa của các tư tưởng kinh tế. Do đó Marx được giới thiệu như là một người kế thừa Quesnay và kinh tế học cổ điển, đặc biệt là học thuyết của Ricardo, đường phân chia chính trong kinh tế học đối lập truyền thống cổ điển marxist với trào lưu cận biên và tân cổ điển. Dobb cũng làm sáng tỏ một số điểm tương đồng giữa phương pháp tiếp cận marxist và phương pháp tiếp cận Áo về lý thuyết tư bản.
Vào thời điểm xuất hiện cuốn sách này, Piero Sraffa, học giả Italia thuộc đại học Cambridge, gần với Đảng cộng sản Italia và là bạn của Keynes và Dobb, tham gia biên tập các tác phẩm và thư từ của Ricardo. Là người cầu toàn, ông chuyên tâm vào công việc này và tác phẩm đầu tiên trong số mười một tập của kiệt tác này được xuất bản vào năm 1951 (The Works and Correspondence of David Ricardo - Những tác phẩm và thư từ của David Ricardo, Cambridge University Press, 1951-1973); cuốn sách bắt đầu bằng một lời mở đầu đặc biệt xuất sắc làm sáng tỏ thêm lý thuyết về lợi nhuận của Ricardo. Năm 1960, Sraffa phát triển ý tưởng, trong cuốn Sản xuất hàng hóa bằng hàng hoá, để cho ra đời một dòng tư tưởng tân Ricardo. Ngày nay chúng ta biết rằng, nếu không có Dobb, thì lời nói đầu đó có lẽ sẽ không bao giờ được ra đời, và có lẽ toàn bộ ấn phẩm này cũng vậy. Dobb bắt đầu hợp tác với Sraffa năm 1948 để chuẩn bị cho việc xuất bản tác phẩm này. Hai người thảo luận với nhau về những ý tưởng của lời giới thiệu và Dobb sau đó là người chấp bút viết ra trên giấy, trước khi trình cho Sraffa và thảo luận thêm nữa.
Trong cuốn sách cuối cùng của ông, Dobb xem lại sự tiến hóa của các tư tưởng kinh tế kể từ Adam Smith đến "cuộc chiến giữa hai trường Cambridge" trong những năm 1960, dưới ánh sáng của cách diễn giải mới về Ricardo do Sraffa đề xuất. Ông nhấn mạnh đến mối quan hệ sâu sắc giữa những phân tích về giá trị và lợi nhuận từ Ricardo và Marx, khiến ông bị những người marxist chính thống hơn phê phán, các nhà phê phán này nhấn mạnh đến sự đoạn tuyệt giữa hai nhà tư tưởng trên.

Lịch sử của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội

Là sử gia tư tưởng kinh tế, Dobb cũng là một sử gia các sự kiện. Ông cho rằng sự tiến hóa của các ý tưởng kinh tế gắn chặt với sự tiến hóa của những biến đổi lịch sử. Cuốn sách được ông xuất bản năm 1946, cuốn sách được biết đến nhiều và có lẽ cũng gây được ảnh hưởng lớn nhất, là cuốn Studies in the Development of Capitalism (Nghiên cứu về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản). Đây là một trong những nghiên cứu rất chi tiết đầu tiên về quá trình chuyển tiếp từ chế độ phong kiến ​​sang chủ nghĩa tư bản, được ông phân tích diễn tiến và những biến đổi cho đến Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông khơi mào cuộc tranh luận về sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản, một tranh luận mà có lẽ còn lâu mới chấm dứt[*]. Ví dụ, luận điểm của ông, theo đó chủ nghĩa tư bản chỉ bắt đầu xuất hiện khi chế độ phong kiến ​​đã đạt đến giai đoạn tan rã, cũng như dựa trên các nhân tố gây ra sự tan rã đó, đã không nhận được nhất trí.
Paul Sweezy (1910-2004)
Năm 1925, Sweezy sang và làm việc ở Moscow. Năm 1928, ông xuất bản một nghiên cứu về sự phát triển kinh tế của Nga kể từ cuộc cách mạng. Keynes, người cũng đang ở Nga vào thời điểm đó, đã viết cho ông ấy rằng cuốn sách của ông "viết về những gì thực sự xảy ra tại Nga, một hình ảnh mà cho tới giờ không đến được với đọc giả Anh." Dobb sửa lại nghiên cứu này bằng cách mở rộng nghiên cứu vào năm 1948, và sau đó vào năm 1966. Ông cung cấp cho đọc giả phương Tây, như Keynes đã từng nói, một khối lượng thông tin khổng lồ chưa được biết về sự tiến hóa của quốc gia mà Dobb thêm một lần nữa đã lưu lại năm 1929 và 1930. Tuy nhiên, đây cũng đồng thời là một sự bênh vực đôi khi khó hiểu về những lựa chọn đã được thực hiện trong thời kỳ của Stalin, với những phương pháp tàn bạo được vận dụng và những hậu quả đôi khi mang tính thảm họa nay đã được làm sáng tỏ: sự kế hoạch hóa tập trung cao độ, sự ưu tiên tuyệt đối cho sản xuất công nghiệp nặng và trên hết, một sự tập thể hóa nông nghiệp đã phải trả giá rất đắt tính bằng mạng sống con người. Có một vài lời giải thích bóng gió mơ hồ được đưa ra đối với những cuộc đấu tranh giành quyền lực ở thượng tầng nhà nước và các cuộc thanh trừng năm 1938.
Oskar Lange (1904-1965)
Cuộc đình công Poznam, ở Ba Lan, vào tháng 6 năm 1956, tiếp theo là cuộc nổi dậy của người Hungary và cuộc đàn áp năm 1956, cũng như việc tiết lộ các tội ác của Stalin tại Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô cùng năm đó, làm cho Dobb, cũng như nhiều người marxist phương Tây khác, xem lại quan điểm của mình. Ông thuộc phe thiểu số trong đảng, cho đến khi đảng lên án sự can thiệp của Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1968. Những sự kiện đó cũng làm cho ông phải điều chỉnh quan điểm về kế hoạch hóa và thừa nhận vai trò của giá cả, sự phân cấp quản lý và các biện pháp khuyến khích, trong khi ông từng phê phán chủ nghĩa xã hội thị trường, được đề cao ví dụ bởi Oskar Lange, trong những năm 1930. Từ nay, Dobb thuộc phái những nhà cải cách như Ota Sik nhà kinh tế người Czech hay Wlodzimiers Brus nhà kinh tế người Ba Lan. Ông cho rằng chủ nghĩa bảo thủ của chính quyền ở các nước trong khối xô viết có khả năng gây ra sự sụp đổ của các chế độ đó. Ông không có cơ hội để nhìn thấy tương lai chứng minh những gì ông nói là đúng.
Ota Sik (1919-2004)
Thời gian lưu lại tại Ấn Độ năm 1951 làm cho Dobb ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề về phát triển và những lý thuyết về tăng trưởng, những câu hỏi mà ông đề cập trong nhiều tác phẩm trong những năm 1950 và 1960. Ông đặc biệt quan tâm đến những lựa chọn kỹ thuật và đặt câu hỏi về sự kết hợp lý tưởng giữa kế hoạch hóa và thị trường để đảm bảo thoát khỏi sự kém phát triển. Ông đã dành hẳn một cuốn sách viết về kinh tế học phúc lợi. Bên cạnh sự nghiệp học thuật, Dobb đã viết nhiều bài phổ biến khoa học trong khuôn khổ các hoạt động cách mạng của ông. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và được sử dụng rộng rãi nhất, cuốn On Marxism Today (Luận bàn về chủ nghĩa Mác ngày nay), đã được xuất bản lần đầu năm 1932, bởi nhà xuất bản Hogarth Press, do Leonard và Virginia Woolf chủ biên, đó cũng là nơi mà Keynes đã xuất bản nhiều tác phẩm mang tính đại chúng của ông.

Maurice H. Dobb qua vài năm tháng

1900: sinh ngày 24 tháng 7 tại London.
1919-1922: học về ngành lịch sử và kinh tế tại Đại học Cambridge, nơi ông nhận bằng đại học đầu tiên; tham gia Câu lạc bộ kinh tế chính trị của Keynes.
1922-1924: nghiên cứu tại trường London School of Economics, nơi ông nhận bằng tiến sĩ với một luận án về lịch sử và lý thuyết của doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa.
1924-1967: dạy học tại Đại học Cambridge.
1925: Capitalist Enterprise and Social Progress (Doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa và tiến bộ xã hội).
1928: Russian Economic Development since the Revolution; Wages (Sự phát triển kinh tế của Nga kể từ cuộc Cách mạng; Tiền công).
1937: Political Economy and Capitalism: some Essays in Economic Tradition (Kinh tế học chính trị và chủ nghĩa tư bản: một số tiểu luận về truyền thống kinh tế).
1946: Studies in the Development of Capitalism (Các nghiên cứu về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản).
1948: thành viên nghiên cứu (fellow) của trường Trinity College. Soviet Economic Development since 1917 (Sự phát triển kinh tế của Liên Xô từ năm 1917).
1951: Some Economic Development: Three Lectures (Một số phát triển kinh tế: Ba giáo trình).
1955: On Economic Theory and Socialism: Collected Papers (Luận bàn về lý thuyết kinh tế và chủ nghĩa xã hội: các tuyển tập).
1959: được phong là phó giáo sư (reader) về kinh tế tại Đại học Cambridge, nấc thang cuối trước chức danh giáo sư, cùng lúc với Joan Robinson và Nicholas Kaldor.
1960: An Essay on Economic Growth and Planning (Một tiểu luận về tăng trưởng kinh tế và kế hoạch hóa).
1963: Economic Growth and Underdeveloped Countries (Tăng trưởng kinh tế và các nước kém phát triển).
1967: Papers on Capitalism, Development and Planning (Các bài viết về chủ nghĩa tư bản, phát triển và kế hoạch hóa).
1969: Welfare Economics and the Economics of Socialism: Towards a Commonsense Critique (Kinh tế học phúc lợi và kinh tế học của chủ nghĩa xã hội: hướng tới một phê phán thường tình).
1970: Socialist Planning: some Problems (Kế Hoạch hóa xã hội chủ nghĩa: một số vấn đề).
1973: Theories of Value and Distribution since Adam Smith: Ideology and Economic Theory (Các lý thuyết về giá trị và phân phối kể từ Adam Smith: hệ tư tưởng và lý thuyết kinh tế).
1976: mất ngày 17 tháng 8 ở London.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm Dobb
   Capitalist Enterprise and Social Progress, Routledge & Kegan Paul, 1925.
   Russian Economic Development since the Revolution, Routledge & Kegan Paul, 1928.
   Wages, Cambridge University Press, 1928.
   Political Economy and Capitalism: some Essays in Economic Tradition, Routledge & Kegan Paul, 1937.
   Soviet Economic Development since 1917, Routledge & Kegan Paul, 1948.
   Some Economic Development: Three Lectures, Ranjit Publishers, 1951.
   On Economic Theory and Socialism: Collected Papers, Routledge & Kegan Paul, 1955.
   An Essay on Economic Growth and Planning, Routledge & Kegan Paul, 1960.
   Croissance économique et sous-développement, François Maspero, 1965.
   Etudes sur le développement du capitalisme, François Maspero, 1969.
   Papers on Capitalism, Development and Planning, Routledge & Kegan Paul, 1967.
   Economie du bien-être và économie socialiste, Calmann Lévy, 1971.
   Socialist Planning: some Problems, Lawrence & Wishart, 1970.
   Theories of Value and Distribution since Adam Smith: Ideology and Economic Theory, Cambridge University Press, 1973.
Những tác phẩm viết về Dobb
   Maurice Dobb Memorial issue”, Cambridge Journal of Economics, vol. 2, no 2, 1978.
   Socialism, Capitalism and Eco­nomic Growth: Essays Presented to Maurice Dobb, C.H. Freinstein (chủ biên), Cambridge University Press, 1967.
   Maurice Herbert Dobb (1900-1976)”, Bruce J. MacFarlane và Brian H. Pollit, trong A Biographical­­ Dictionary of Disenting Economists, Philip Arestis và Malcolm Sawyer (chủ biên), Edward Elgar, 1992.
   Obtituary of Maurice Herbert Dobb”, Ronald Meek, Proceedings of the British Academy 1977, vol. 53, pp. 333-344.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch.
Nguồn: “Maurice H. Dobb, un marxiste apprécié de l'establishment” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012





[*] Xem các bài tuyển chọn trong Du féodalisme au capitalisme: problèmes de la transition (Từ chủ nghĩa phong kiến đến chủ nghĩa tư bản: những vấn đề của thời kỳ quá độ), Maurice Dobb và Paul Sweezy chủ biên, 2 vol., François Maspero, 1977.

Print Friendly and PDF