7.7.23

Kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Adam Smith

KỶ NIỆM 300 NĂM NGÀY SINH CỦA ADAM SMITH

DIANE COYLE

Kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Adam Smith là một cơ hội để xem xét những thấu hiểu của ông về động thái tăng trưởng kinh tế tiếp tục định hình sự hiểu biết của chúng ta về thế giới ngày nay như thế nào. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự phân công lao động làm nền tảng cho lý thuyết tăng trưởng của Smith đã đạt đến giới hạn của nó?

CAMBRIDGE – Năm nay đánh dấu kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học hiện đại. Sự kiện này đến đúng vào lúc mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức đáng ngại. Tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ cuối những năm 1970. Năng suất trên khắp phương Tây vẵn tăng chậm hoặc trì trệ. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang mấp mé bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nợ. Căng thẳng thương mại đang gia tăng. Và sự tập trung thị trường đã tăng lên giữa các nước thuộc tổ chức OECD [Organization for Economic Cooperation and Development – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế].

Trong bối cảnh đó, kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Smith là một cơ hội để phản chiếu những thấu hiểu vô giá của ông về động năng tăng trưởng kinh tế và xem xét liệu những thấu hiểu đó có thể giúp chúng ta hiểu được thời điểm hiện tại hay không.

Trọng tâm của lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Smith, được phác thảo trong chương đầu của tác phẩm có ảnh hưởng sâu xa của ông The Wealth of Nations [Của cải của các Dân tộc], là sự chuyên môn hóa được hỗ trợ bởi sự phân công lao động. Bằng cách chia nhỏ quá trình sản xuất thành nhiều công đoạn nhỏ hơn – một quy trình được Smith minh họa bằng ví dụ nổi tiếng về nhà máy sản xuất đinh ghim – công nghiệp hóa giúp làm tăng năng suất rất lớn.

Nhưng quá trình này không chỉ giới hạn ở các công ty riêng lẻ. Theo Smith, vì sự phân công lao động bị “giới hạn bởi quy mô của thị trường”, nên thị trường trong tổng thể buộc phải mở rộng thông qua trao đổi. Xét cho cùng, việc tăng sản lượng hàng ngày từ 100 lên 10.000 phụ kiện là vô nghĩa nếu không ai muốn mua phụ kiện đó. Vì vậy, sự phân công lao động là một quá trình tập thể liên quan đến một quá trình thay đổi liên tục cấu trúc kinh tế. Khi có một nguồn cung phụ kiện lớn hơn với giá cả phải chăng, thì các lĩnh vực sử dụng phụ kiện của nền kinh tế có thể mở rộng sản xuất và giảm giá. Trong khi đó, quy mô thị trường tăng lên sẽ cho phép các nhà cung ứng nguyên vật liệu cần thiết để sản xuất phụ kiện, ở thượng nguồn, tái tổ chức lại hoạt động sản xuất thành nhiều công đoạn chuyên môn hóa cao hơn.

Allyn Young (1876-1929)

Như nhà kinh tế học người Mỹ Allyn Young đã lưu ý vào năm 1928, đây là một câu chuyện năng động về hiệu suất tăng dần theo quy mô. Quá trình tăng trưởng là một vòng tròn hiệu quả về thay đổi cấu trúc, nó bắt đầu một cách từ từ và sau đó tăng tốc, giống như một trận tuyết lở. Cuộc Cách mạng Công nghiệp và sự tăng trưởng nhanh của các “con hổ” kinh tế Đông Á trong những năm 1980 và 1990 là những ví dụ hoàn hảo về quá trình mà Smith đã xác định. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trì trệ, vốn đã gây khó cho các nền kinh tế phát triển trong thập kỷ qua, đặt ra câu hỏi về việc liệu tiến trình toàn cầu hướng tới điều mà ông mô tả là “sự thịnh vượng phổ quát” có bị dừng lại hay không.

Mặc dù việc phân công lao động thành nhiều công đoạn chuyên môn hóa thường nâng cao tay nghề và chuyên môn của người lao động, nhưng điều này có thể không phải lúc nào cũng đúng. Sự xuất hiện các mô hình trí tuệ nhân tạo tạo sinh đã làm dấy lên mối lo ngại, người sử dụng lao động sẽ sử dụng các công nghệ này để loại bỏ người lao động có tay nghề và cắt giảm chi phí, thúc đẩy kêu gọi sự can thiệp của các cơ quan điều tiết để đảm bảo AI sẽ tăng cường, thay vì thay thế, khả năng của con người.

Hơn nữa, trong khi sự tăng trưởng kinh tế, kể từ khi bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp, đã dẫn đến những tiến bộ đáng kinh ngạc về chăm sóc y tế và phúc lợi, thì điều quan trọng là phải thừa nhận rằng các khuôn khổ về định chế và các lựa chọn chính trị, vốn tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiến bộ này, là kết quả của các cuộc đấu tranh xã hội gay gắt.

Một mối quan tâm khác thường bị bỏ qua bắt nguồn từ quy mô thị trường. Smith có nhiều khả năng đã bị sốc bởi mức độ chuyên môn hóa trong nền kinh tế thế kỷ 21 (và có lẽ cũng hài lòng với tầm nhìn xa của mình). Ngày nay, ngành chế tạo sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới sản xuất phức tạp toàn cầu. Các thành phẩm như ô tô và điện thoại thông minh bao gồm hàng nghìn linh kiện được chế tạo ở nhiều quốc gia. Và rất nhiều liên kết trung gian trong các chuỗi cung ứng đó được chuyên môn hóa một cách phi thường. Ví dụ, công ty ASML của Hà Lan là nhà sản xuất duy nhất máy in thạch bản cực tím cần thiết để sản xuất chip tiên tiến, mà hầu hết các chip đó đều được Công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company của Đài Loan chế tạo.

Nhưng bản chất phổ biến của hiện tượng này gợi ý rằng thị trường toàn cầu cho nhiều sản phẩm chỉ có thể giúp duy trì hoạt động của một số ít công ty có khả năng đạt được hiệu quả kinh tế nhờ quy mô. Từ lâu, đây là trường hợp của các nhà chế tạo sản xuất lớn trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, nhưng nó ngày càng được áp dụng cho các thị trường nhỏ hơn với nhiều linh kiện trung gian.

Do đó, một điều kiện khác của Smith về tăng trưởng kinh tế — sự hiện diện của cạnh tranh — không được đáp ứng. Cạnh tranh giúp đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế có lợi về mặt xã hội, bởi vì nó ngăn cản các chủ sở hữu công ty độc quyền hưởng lợi từ chuyên môn hóa và tăng cường trao đổi. Như Smith đã viết trong cuốn “Của cải của các Dân tộc”, “Nói chung, nếu có bất kỳ ngành thương mại nào, hoặc bất kỳ sự phân công lao động nào, mang lại lợi ích cho công chúng, thì sự cạnh tranh sẽ càng tự do hơn và phổ biến hơn, và sẽ luôn luôn là như vậy.”

Mặc dù sự suy giảm cạnh tranh là mối lo ngại ngày càng tăng ở các nền kinh tế phương Tây trong vài năm qua, nhưng cuộc tranh luận đã tập trung, trên phạm vi rộng, vào các lĩnh vực nổi bật bên trong các thị trường nội địa, chẳng hạn như Big Tech. Các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã đáp lại sự tập trung vào ngành công nghệ bằng các luật mới, chẳng hạn như Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu, và sự thực thi chặt chẽ hơn các luật chống độc quyền hiện hành, chẳng hạn như quyết định gần đây của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ về việc ngăn chặn thương vụ Microsoft mua lại Activision.

Diane Coyle (1961-)

Tuy nhiên, câu hỏi chính sách sâu sắc hơn là liệu mức độ chuyên môn hóa ở một số thị trường đã đạt đến điểm tới hạn chưa khi có sự đánh đổi giữa hai điều kiện tiên quyết của Smith đối với sự tăng trưởng. Liệu sự phân công lao động đã đạt đến giới hạn của nó chưa — và do đó, liệu nhu cầu tăng cường cạnh tranh có phải là một lý do khác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phát triển các nguồn cung ứng sản xuất mới hay không?

Tác giả

Diane Coyle, giáo sư chính sách công tại Đại học Cambridge, là tác giả cuốn sách mới đây nhất “Cogs and Monsters: What Economics Is, and What It Should Be [Bánh răng và Quái vật: Kinh tế học là gì và nên là gì]” (Nhà xuất bản Đại học Princeton, 2021). © Dự án Syndicate, 2023

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Adam Smith at 300, Project Syndicate, ngày 23/06/2023.

----

Bài có liên quan

Print Friendly and PDF