10.6.23

Adam Smith như thể bạn chưa bao giờ đọc ông

ADAM SMITH NHƯ THỂ BẠN CHƯA BAO GIỜ ĐỌC ÔNG

Nhân kỉ niệm ba trăm năm ngày sinh của triết gia và kinh tế gia xứ Scotland, xin được quay lại nhanh chóng với tư tưởng của ông, một tư tưởng xa lạ với việc tụng ca thị trường dù điều đó thường được gán cho ông.

Christian Chavagneux

Một hôm Adam Smith (1723-1790) có viết là ông đã sống một cuộc đời “cực kì đơn điệu”. Thật vậy, phần lớn cuộc đời của người độc thân thâm căn cố đế này trong nỗi ám ảnh bị bệnh đã trải qua bên mẹ mình thoạt nhìn không có gì hấp dẫn. Dù sao ta có thể kể việc ông bị những kẻ du cư bắt lúc ba tuổi như một cuộc phiêu lưu khó tin. May cho ông, họ đã chọn bỏ rơi ông lại hơn là phải đối mặt với với đông đảo người rượt đuổi đằng sau[1].

Sau khi theo học tại đại học Glasgow, ông tiếp tục ở đại học nổi tiếng Oxford. Không rõ ông có giữ kí ức không tốt ở đây không? Thế nào đi nữa thì ông cũng viết trong Của cải của các dân tộc (Quyển V, chương 1) là các đại học có ngân sách dồi dào có xu hướng trở thành “những thành trì mà các hệ thống bị phê phán và những thành kiến lỗi thời còn tìm được nơi trú ẩn và sự bảo vệ sau khi đã bị đuổi ra khỏi bất kì ngõ ngách nào trên thế giới”...

Ông chuộng các đại học ít nổi tiếng hơn, như đại học Glasgow, nơi ông sẽ giảng dạy triết học đạo đức trong mười ba năm. Trái với các cây đa cây đề trong kinh tế học ngày nay, ông sẽ tham gia nhiều vào việc quản lí đại học, không chỉ giới hạn công việc của ông vào lĩnh vực thuần tuý hàn lâm.

Mối quan tâm đầu tiên của ông là thiên văn học và những lí thuyết khác nhau của khoa học này. không phải vì thích để đầu óc trên trời hay vì bị khoa học hút hồn. Thật ra ông tìm cách nắm bắt cảm xúc của con người khi phải đối mặt với nhiều quan niệm khác nhau về thế giới. Ông bị quyến rũ bởi tình yêu tự phát và ý chí của chúng ta muốn tìm hiểu bằng mọi giá những gì bao quanh mình khiến chúng ta chấp nhận mọi hình thức giải thích, miễn là các hình thức này đề xuất “một cuộc trình diễn chặt chẽ cho sự tưởng tượng”. Ta bắt đầu hiểu rõ hơn vì sao các nhà kinh tế đã chọn ông làm người sáng lập bộ môn của họ!

Ở cội nguồn của bàn tay vô hình

Vả lại, chính trong một tác phẩm thiên văn học, được xuất bản sau khi ông chết nhưng chắc chắn là được viết trước năm 1758, ông lần đầu tiên sử dụng cụm từ “bàn tay vô hình”. Lúc bấy giờ ông hiểu cụm từ này như một vị thần cứu tinh được những kẻ “man di” vận dụng để gán một ý nghĩa cho các biến cố của thế giới mà họ không hiểu (xem chi tiết trong bài viết của Jean Delmotte năm 2009).

Cụm từ này xuất hiện lần thứ hai trong tác phẩm Lí thuyết các cảm xúc đạo đức xuất bản năm 1759. Được tái bản sáu lần khi ông còn sống, và được dịch sang nhiều ngôn ngữ, đây là tác phẩm làm ông nổi danh. Cuốn Của cải của các dân tộc, xuất bản năm 1776 là lần xuất hiện thứ ba và cuối cùng của “bàn tay vô hình”, sẽ không thành công bằng. Quả thật là, trong cả hai tác phẩm trên, triết gia người Scotland này còn lâu mới vận dụng cụm từ này để giải thích sự vận hành của nền kinh tế thị trường.

Trong trường hợp đầu, ông dùng cụm từ để giải thích rằng người nghèo hưởng lợi từ những chi tiêu xa hoa của người giàu và do đó khẳng định rằng những bất bình đẳng về tài sản là chính đáng về mặt đạo đức vì “một bàn tay vô hình dường như buộc họ góp phần vào cùng một phân phối những vật cần thiết cho cuộc sống nếu đất đai được chia đều cho mỗi cư dân trên trái đất”. Ta không biết vì sao bàn tay vô hình này lại phân phối thu nhập một cách bình đẳng[2] nhưng, dù gì đi nữa, ta vẫn còn ở quá xa một giải thích về sự vận hành của một nền kinh tế thị trường!

Một nhà tự do nhưng không giáo điều về vấn đề thị trường

Tương tự như vậy, có việc cầu viện đến bàn tay vô hình trong cuốn Của cải của các dân tộc (Quyển IV, chương 2) khi Smith tự hỏi sự phân bổ tối ưu tư bản giữa các khu vực sản xuất phải như thế nào và nên chăng sản xuất ở trong nước mình hay ở nước ngoài. Khi người nắm giữ tư bản đầu tư trong nước anh ta:

Bằng cách ưu tiên cho sự thành công của nền công nghiệp quốc gia hơn là cho sự thành công của công nghiệp nước ngoài, anh ta chỉ nghĩ đến việc tạo cho bản thân một sự an toàn lớn hơn và cho sản phẩm của mình một giá trị cao nhất thì anh ta chỉ nghĩ đến phần lợi cho mình; ở đây, cũng như trong nhiều trường hợp khác, anh ta được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để thực hiện một mục đích hoàn toàn không có trong ý đồ của mình”.

Một lần nữa, khó đọc được trong những dòng trên những luận chứng tiên phong của một phân tích về sự tổ chức tối ưu của thị trường!

Nếu Adam Smith là một nhà tự do, ông hoàn toàn không giáo điều về vấn đề thị trường. Đối với ông, kinh tế được lồng ghép trong các tương quan lực lượng chính trị: giới chủ tập hợp nhau chống người làm công, thông đồng với nhau để tăng giá cả gây bất lợi cho khách hàng, cố gắng để thông qua những luật nhân danh lợi ích chung nhằm phục vụ lợi ích tư nhân của mình, v.v.. Nhà nước có vai trò trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh nhưng cũng còn có vai trò nhà đầu tư công, giáo dục, thuế khoá, v.v..

“Lợi nhuận cao có xu hướng, hơn hẳn tiền lương cao rất nhiều, làm tăng giá cả của công trình” – Adam Smith

Hơn nữa, thuế phải là thuế luỹ tiến; và ông tin chắc cuộc chạy đua tìm mức lợi nhuận cao gây thiệt hại cho sự cạnh tranh của các doanh nghiệp hơn là sự gia tăng của chi phí lao động! Vả lại câu ông viết vào năm 1776 trên chủ đề này vang vọng đặc biệt ngày hôm nay: “trong thực tế, lợi nhuận cao có xu hướng, hơn hẳn tiền lương cao rất nhiều, làm tăng giá cả của công trình”. Tóm lại vòng lặp lợi nhuận-giá cả giải thích lạm phát tốt hơn vòng lặp giá cả-tiền lương! Adam Smith còn sẵn sàng chấp nhận những rào cản thương mại quốc tế nếu chúng được dùng như vũ khí chống lại những nước có thể khống chế đất nước ông. Và ông đã thực hiện những gì ông suy nghĩ. Người ta ít biết là năm 1777, ông là một trong những thành viên của Uỷ ban cố vấn hải quan của Edimbourg phụ trách việc thu thuế nhập khẩu và đấu tranh chống hàng giả.

Adam Smith làm công tác hải quan? Điều này cuối cùng không thể không đặt lại hình ảnh mà các nhà kinh tế mong muốn chúng ta giữ lại về ông!

Bài viết này là một phiên bản có thay đổi chút ít của lời giới thiệu cuốn sách Vive l’Etat!, Adam Smith, NXB Les petits matins, 2012.

Christian Chavagneux

Để tìm hiểu thêm:

Christian Chavagneux

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Adam Smith comme vous ne l’avez jamais lu, Alternatives Economiques, 5.6.2023




Chú thích:

[1] Các chi tiết về tiểu sử trong bài này được dẫn từ cuốn sách ngắn và lí thú The authentic Adam Smith. His life and ideas, Atlas Book et W.W. Norton, 2006 của James Buchan.

[2] Về Smith và các bất bình đẳng, xem « Les économistes et les pauvres: de Smith à Walras », Jérôme Lallement, L’Economie politique, n°55, juillet 2012.

Print Friendly and PDF