KINH TẾ HỌC VÀ BẢN NĂNG KỂ CHUYỆN CỦA CON NGƯỜI
Ảnh: Guy Shield
Robert Shiller
Cách đây 25 năm, Dick Thaler từ trường Kinh doanh Chicago Booth và tôi đã thành lập một loạt các hội thảo tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ về lĩnh vực mà chúng ta gọi là “kinh tế học hành vi” (behavioral economics). Kinh tế học hành vi là kinh tế học có sử dụng chất liệu của khoa tâm lý học. Mỗi khoa đều có bộ công cụ tiếp cận nghiên cứu riêng; chúng tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tâm lý học. Có thể có một chút xã hội học, một chút nhân học, tuy nhiên có thể là tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội.
Tôi mở đầu bằng công trình nghiên cứu gần đây của tôi để chỉ ra rằng chúng ta phải xem xét cả các ngành nhân văn nữa. Có vài khó khăn để mô hình hóa về con người, nhưng có vài thứ dù sao chúng ta cũng phải hiểu, và tôi nghĩ cách để làm điều này là sử dụng cách tiếp cận mà tôi gọi là “kinh tế học tự sự” (narrative economics): lấy kinh tế học làm gốc và bổ sung vào đó nghiên cứu về những câu chuyện kể mà mọi người truyền tải.
|
Stephen Jay Gould (1941-2002) |
Loài người, ở mọi nơi bạn đi đến, đều trò chuyện với nhau. Chúng ta đã gắn kết với nhau để trò chuyện: bộ não của con người phát triển xoay quanh các câu chuyện kể. Chúng ta tự gọi mình là Homo sapiens [con người tinh khôn], nhưng đó có thể là một sự nhầm lẫn về tên gọi — sapiens có nghĩa là khôn ngoan. Nhà sinh vật học tiến hóa Stephen Jay Gould nói rằng chúng ta nên được gọi là Homo narrator [con người kể chuyện]. Tâm trí của bạn thực sự được xây dựng cho các câu chuyện kể, và đặc biệt là các câu chuyện kể về những người khác. Đó là lý do tại sao những người làm quảng cáo có xu hướng không tập trung vào chính sản phẩm, thay vào đó họ sẽ tập trung vào người nào đó thực hiện một số hành động của con người liên quan đến sản phẩm.
Các câu chuyện kể dễ lây lan: chúng lan truyền từ người này sang người khác. Một số câu chuyện nhanh chóng biến mất; một số khác có thể tồn tại trong một thời gian dài. Tôi nghĩ một câu chuyện kể giống như một viên ngọc quý vậy, thỉnh thoảng bạn nghe được ở đâu đó, thỉnh thoảng bạn nghĩ về nó. Tôi sẽ nhớ rằng lần tới khi tôi trò chuyện với ai đó, tôi sẽ sử dụng nó, tôi sẽ nói về nó. Tôi sẽ cố gắng trình bày nó chính xác bởi vì tôi muốn nó có ảnh hưởng với người khác như là với chính tôi. Đó là một câu chuyện kể. Câu chuyện theo cách nói của internet, có thể lan truyền nhanh chóng.
Khả năng hiểu những câu chuyện kể là không đồng nhất giữa người này với người khác, và các nhà kinh tế là nằm trong số ít người hiểu rõ giá trị của chúng nhất.
Thị trường chứng khoán mang lại cho chúng ta cơ hội để xây dựng nên những câu chuyện kể. Ví dụ, vào đầu năm nay [năm 2017] đã có những câu chuyện xung quanh Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow-Jones[1] vượt qua ngưỡng 20.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Trong thực tế, điều đó hoàn toàn vô nghĩa: chỉ số Dow bắt đầu ở mức 40 điểm vào năm 1896, nhưng nó có thể đã bắt đầu ở mức 50, hay ở một mức khác. Tuy nhiên, chúng ta đã xây dựng những câu chuyện kể vào thời điểm này: nếu hôm sau đọc báo, bạn có thể đã thấy một câu chuyện kể về ông Tổng thống Donald J. Trump mới nhậm chức và sự ảnh hưởng của ông trên thị trường, hay một câu chuyện về sự chiến thắng của những con bò đực trước những con gấu[2]. Bạn có thể đã đọc về câu chuyện của những tiếng hò reo trên Sàn giao dịch chứng khoán New York khi thị trường đóng cửa. Bây giờ, những người trên Sàn giao dịch chứng khoán New York — những người mà bản thân họ là một phần của một câu chuyện khác, với sự ưu việt của giao dịch điện tử — không hề ngu ngốc. Họ biết rằng đó chỉ là một con số được dựng nên, rằng chỉ số Dow chạm mức 20.000 điểm không phải là kết quả của một vài cấp độ mới về sự lành mạnh của thị trường cơ bản. Nhưng câu chuyện không bảo rằng thị trường về cơ bản là lành mạnh; mà đó là một câu chuyện về một con số và về những người xung quanh con số đó.
Đó chính là kinh tế học tự sự.
|
Ramsay MacMullen (1928-) |
Khả năng hiểu những câu chuyện kể là không đồng nhất giữa người này với người khác, và các nhà kinh tế là nằm trong số ít người hiểu rõ giá trị của chúng nhất. Nhưng điều mà thậm chí rất nhiều sử gia không đánh giá cao là bạn không thể hiểu được lịch sử trừ khi bạn hiểu những câu chuyện về những người đã trải qua các sự kiện lịch sử. Trên thực tế, Ramsay MacMullen, thành viên của khoa lịch sử của trường Đại học Yale, đã viết một cuốn sách có tên Feelings in History [Các cảm xúc trong Lịch sử], trong đó ông cho rằng các sử gia có thể chú ý hơn đến những gì con người thực sự nghĩ trong thời kỳ nghiên cứu. Hãy lấy ví dụ về cuộc Nội chiến Hoa Kỳ [1861 – 1865]. Đây là một cuộc chiến tranh đẫm máu — với hơn 620.000 người Mỹ đã thiệt mạng. Bạn có thể đọc về những yếu tố chính trị và kinh tế đã dẫn đến cuộc chiến này, nhưng để thực sự hiểu nó — tức để hiểu tại sao, ví dụ, phe miền Bắc sẵn sàng để mất hàng trăm ngàn người để chống lại chế độ nô lệ — thì bạn cần phải hiểu cảm xúc của họ, nguồn sức mạnh của cảm xúc ấy. Một số câu chuyện mà họ kể lúc đó, về việc lạm dụng nô lệ và những thứ tương tự như thế, không thể không làm bạn xúc động. Đó là cách những câu chuyện kể được đan xen với lịch sử.
Tại sao những câu chuyện kể tác động đến kinh tế học? Bởi vì chẳng hạn như khi muốn hiểu về tình trạng khủng hoảng hay suy thoái kinh tế, chúng ta phải hiểu tại sao một số người ngừng chi tiêu. Sự suy thoái xảy ra khi mọi người ngừng mua sắm: họ không mua xe mới; không mua nhà mới. Vậy tại sao họ lại không mua? Họ có thể nói rằng họ đã ngừng chi tiêu vì cuộc suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhưng điều đó không cho tôi biết tại sao cuộc suy thoái đó lại bắt đầu. Tôi cho rằng những chất xúc tác cho các sự kiện như thế này có liên quan đến các những câu chuyện kể.
Một trong những câu chuyện kể quan trọng nhất trong văn hóa Mỹ là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1929. Mọi người đều biết câu chuyện đó — nó vẫn còn tác động cho đến giờ. Trong một cuộc khảo sát các nhà đầu tư cá nhân, tôi đã yêu cầu mọi người dự đoán khả năng xảy ra biến cố thị trường chứng khoán như những gì chúng ta thấy vào năm 1929 hay năm 1987, hai vụ sụp đổ chứng khoán lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Tôi đã thu thập những dữ liệu này trong gần 30 năm và mặc dù chúng ta chỉ có hai trong số những vụ sụp đổ như thế này trong hơn một thế kỷ [XX], cả các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức đều thổi phồng chắc nịch về xác suất xảy ra biến cố thị trường chứng khoán trong sáu tháng tới thông qua câu trả lời của họ trong cuộc khảo sát. Họ cho tôi biết xác suất là 15–20%. Thật kỳ lạ, các ước lượng của các nhà đầu tư là thấp, ít nhất là so với thời điểm ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Câu chuyện thị trường chứng khoán ở Phố Wall sụp đổ năm 1929 là một câu chuyện khủng khiếp, nhưng nó lại đáng nhớ. Nó được coi là sự đánh dấu khởi đầu của cuộc Đại Khủng hoảng[3]. Vào năm 1933, 23% dân số thất nghiệp. Có rất nhiều người xếp hàng đợi nhận bánh mì. Sau đó, Thế chiến II bùng nổ. Quá bi thảm, và chúng ta đã luôn lo lắng về việc nó sẽ xảy ra một lần nữa, bởi vì câu chuyện ấy không dễ bị lãng quên. Có rất nhiều tình tiết khác — những thành công lớn và những thất bại ít đau đớn của thị trường — mà chúng ta có thể nói đến, nhưng rõ ràng những câu chuyện đó không được lan truyền nhanh chóng và chúng hầu như không được chú ý. Hãy cùng nhìn vào một cuộc khủng hoảng khác, một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1920–21. Về mặt kỹ thuật, nó không phải là cái mà chúng ta gọi là cuộc khủng hoảng nữa, mà là một sự sụt giảm lớn về kinh tế: Chỉ số giá tiêu dùng giảm 16% trong một năm, từ tháng 6/1920 đến tháng 6/1921. Chỉ số giá bán buôn[4], giảm 45% trong một năm. Phần lớn các nhà kinh tế rất ít khi giải thích về sự kiện này. Vì vậy, tôi quyết định đọc lại các tờ báo của Hoa Kỳ từ năm 1920, chỉ để cố gắng đắm mình vào những gì đang diễn ra lúc đấy và những gì được viết về nó. Tôi đã hy vọng rằng mình sẽ có được cảm giác khi sống ở Mỹ vào năm 1920. Tôi đã tìm ra một số điểm đáng chú ý. Một trong số đó là người Mỹ đã thực sự thất vọng về những kẻ đầu cơ trục lợi. Từ Profiteer [kẻ đầu cơ trục lợi] xuất phát từ chữ privateer [kẻ cướp biển], đây là từ nguyên có từ hàng trăm năm trước và có nghĩa là “pirate” [tên cướp biển]. Vào đầu thế kỷ 20, nghĩa của từ profiteer được dùng để chỉ những người kiếm tiền từ Thế chiến I — tức cho rằng họ rất xấu xa giống như những tên cướp biển. Hai năm sau Thế chiến I, tức năm 1920, từ này được sử dụng rất phổ biến.
Người ta ngày càng lo lắng về việc trục lợi đã xảy ra vì lý do mà một số nhà khoa học hành vi gọi là “affect heuristic” [lối tắt nhận thức dựa trên tình cảm][5]. Mọi người sẽ thất vọng vì những điều nào đó sẽ xảy ra xung quanh họ. Có một đại dịch cúm toàn cầu vào những năm 1918–19, đã giết chết nhiều người hơn so với Thế chiến I, theo một số bản báo cáo. Phần vì đại dịch đã tấn công rất nhiều người trẻ, phần vì vi rút lây lan nhanh chóng: nạn nhân bị nhiễm nó, và vài ngày sau thì họ chết. Một sự đảo lộn khác là cuộc Cách mạng vô sản Nga năm 1917. Cuộc cách mạng có nhiều câu chuyện kể mạnh mẽ liên quan đến nó, nhưng câu chuyện mà bạn có thể nghe thấy nhiều nhất là về Sa hoàng Czar Nicholas II và gia đình ông. Những người Cộng sản đã xếp gia đình ông thành hàng, huy động một đội quân xử bắn và hành hình tất cả cùng nhau. Họ là những người mà bạn sẽ biết nếu bạn sống ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó vì họ nổi tiếng, trang nghiêm, và là một gia đình tuyệt vời. Hình ảnh của họ xuất hiện thường xuyên trên tờ báo mà bạn đọc. Và rất có thể nó đã thực sự thu hút sự chú ý của bạn, bởi vì những người Cộng sản chỉ mới vừa bắn tất cả họ.
Tất cả những sự kiện này đã tạo nên những giây phút đầy tâm trạng trong công chúng. Nếu bạn là một người trưởng thành ở Mỹ vào thời điểm đó, có lẽ bạn sẽ cảm thấy khó chịu. Hay tức giận. Có thể gia đình bạn cũng đã mất một thành viên trong cuộc chiến. Bạn nếm mùi lạm phát, và bạn chứng kiến những công ty kiếm được rất nhiều tiền. Điều này có ý nghĩa rằng những câu chuyện kể về những kẻ trục lợi ấy có tác động cộng hưởng đối với những độc giả báo chí. Vì vậy, mọi người đã bắt đầu tẩy chay, đặc biệt là tất cả các công ty mà họ nghĩ là kiếm được lợi nhuận bẩn thỉu. Thế là bắt đầu một cuộc suy thoái. Giá cả bắt đầu giảm. Sau đó mọi người đều bắt đầu lo lắng về việc giá cả giảm, vì vậy họ lại càng không mua sắm nữa. Tôi nghĩ rằng đó có thể là một lời giải thích cho những gì đã dẫn tới cuộc khủng hoảng những năm 1920–21.
Các mục sư đã phản ứng mạnh mẽ trong những bài thuyết giáo của họ vào ngày Chủ nhật sau vụ sụp đổ. Nói một cách đơn giản: họ thích thú với sự sụp đổ này.
Sự kiện đó có nhiều ảnh hưởng sau đó. Bởi vì khi cuộc Đại Khủng hoảng bắt đầu, câu chuyện kể là gì? Những gì xảy ra vào những năm 1920–21 sẽ xuất hiện lại một lần nữa thôi. Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1920–21 đã kết thúc nhanh chóng và nhiều người nghĩ rằng sau năm 1929 cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra tương tự. Đó là lý do tại sao Tổng thống Hoover nói rằng nó sẽ kết thúc sớm thôi.
Sự kiện to lớn đã xảy ra ngay trước cuộc Đại Khủng hoảng, tất nhiên, là vụ sụp đổ vào năm 1929. Vì vậy, một lần nữa, tôi đã lật lại các tờ báo thời đó để cố gắng tìm hiểu. Điều đầu tiên gây ấn tượng với tôi là báo chí lúc đó đã lần đầu tiên nói về một vụ sụp đổ thị trường chứng khoán vào năm 1926. Tại sao lại như thế?
|
Frederick Lewis Allen (1890-1954) |
Khi tôi còn là sinh viên tại Đại học Michigan, tôi được Frederick Lewis Allen giao cho một cuốn sách, xuất bản năm 1931, có tên là Only Yesterday [Chỉ ngày hôm qua]. Đó là một cuốn sách lịch sử không chính thức của những năm 1920 được viết ngay sau khi thập kỷ kết thúc. Theo Allen, những năm 1920 là thời kỳ thịnh vượng nhưng cũng thay đổi nhiều giá trị và chuẩn mực về giới: phụ nữ mặc váy ngắn, đi ra phố mà không có bất cứ người bạn đồng hành nam, uống rượu tại quán bar — những xu hướng đã khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Cũng có rất nhiều vụ gian lận tài chính. Điều này có nghĩa rằng đã có cái gì đó trái luân lý vào những năm 1920.Các mục sư đã phản ứng mạnh mẽ trong bài thuyết giáo của họ vào ngày Chủ nhật sau vụ sụp đổ. Nói một cách đơn giản: họ thích thú với sự sụp đổ này. Đó là cái ngày phán xét cuối cùng đang đến. Allen, trong cuốn sách của ông, đã mô tả một sự thay đổi về tinh thần và tâm lý trong cuộc Đại Khủng hoảng. Phụ nữ ở những năm 1930 cảm thấy khó chịu vì [kiểu phụ nữ của] những năm 1920. Họ không muốn trở thành một phần của nó nữa. Những cái váy dài hơn. Mọi người bắt đầu đi nhà thờ thường xuyên hơn. Họ không muốn tiêu tiền vì việc khoe của vào những năm 1930 đã trở nên lỗi thời. Vì vậy, cầu đã giảm xuống. Một lần nữa, nó có thể là một câu chuyện kể — rằng những tội lỗi của những năm 1920 đã dẫn đến thảm họa tài chính — đã góp phần gây ra một sự kiện kinh tế đầy kịch tính.
Tại sao các nhà kinh tế bỏ lỡ những câu chuyện đằng sau nhiều biến động kinh tế của chúng ta? Một lý do là các câu chuyển kể chưa từng là một trong số các công cụ của các nhà kinh tế. Chúng ta xem câu chuyện kể như là lãnh địa của ai đó. Chúng ta giải những phương trình đồng thời. Chúng ta dạy lý thuyết cân bằng tổng thể. Điều đó rất tốt, nhưng đến khi dạy xong, chúng ta cảm thấy mệt mỏi.
Nhưng vẫn có đất dụng võ cho các nhà kinh tế thực hiện nghiên cứu về kinh tế học tự sự. Chúng ta có cơ sở dữ liệu. Chúng ta có thể làm phân tích định lượng. Tuy việc nghiên cứu các hiện tượng rất nhân văn của các câu chuyện kể không hề dễ dàng, nhưng chúng ta có thể hợp tác với những người trong các ngành nhân văn — như những nhà lý luận văn học, họ là những người nghiên cứu tại sao một số cấu trúc câu chuyện có tác động còn số khác lại không. Nếu chúng ta thực hiện việc này, và nếu chúng ta bổ sung những câu chuyển kể vào bộ công cụ của mình, tôi lạc quan tin rằng trong 10 hay 20 năm tới, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về những biến động kinh tế.
|
Robert Shiller (1946-) |
Robert Shiller là Giáo sư Kinh Tế Học đạt danh hiệu Sterling của Đại học Yale và là khôi nguyên của giải thưởng để Tưởng nhớ Nobel về khoa học kinh tế năm 2013. Bài tiểu luận này mở rộng một số chủ đề ông đề cập trong bài Diễn văn của mình trước Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ vào tháng 1/2017 với tư cách là Chủ Tịch Hiệp Hội, phỏng theo bài diễn thuyết của Chủ nhiệm Khoa Neubauer Collegium [Đại học Chicago], trình bày vào ngày 26 tháng 1 [năm 2017].CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TRÍCH DẪN
• Robert J. Shiller, “Narrative Economics,” American Economic Review, April 2017.
Phạm Thu Ngân và Nguyễn Việt Anh dịch
Chú thích của người dịch:
[1] Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones (DJIA) là một trong vài chỉ số thị trường chứng khoán được tạo ra bởi Charles Dow - chủ báo The Wall Street Journal và đồng sáng lập viên của công ty Dow Jones & Company vào thế kỷ 19. Nó tính giá trị của 30 công ty cổ phần lớn nhất và có nhiều cổ đông nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. DJIA được xem như một thước đo cho toàn bộ thị trường Mỹ, bao gồm các ngành công nghiệp khác nhau như tài chính, công nghệ, giải trí, bán lẻ và tiêu dùng. Chính vì vậy, nó là chỉ số giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán phố Wall và là chỉ số chứng khoán được mọi người theo dõi nhiều nhất trên thế giới.
Đọc thêm:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%89_s%E1%BB%91_trung_b%C3%ACnh_c%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_Dow_Jones↩
[2] Hai hình tượng “bò” và “gấu” đại diện cho hai xu hướng của thị trường chứng khoán. Theo đó, một thị trường “bò” có ý nghĩa đại diện cho một thị trường đang tăng điểm, được thể hiện bởi sự gia tăng liên tục trong giá của các cổ phiếu và các nhà đầu tư tin rằng xu hướng tăng sẽ được tiếp tục một thời gian dài. Trong thị trường “bò đực”, nền kinh tế của đất nước đang khá mạnh và tỉ lệ người có việc làm cao. Ngược lại, thị trường “gấu” là một thị trường giảm điểm, giá cổ phiếu liên tục giảm và các nhà đầu tư tin rằng nó sẽ kéo dài chu kỳ giảm. Trong một thị trường “gấu”, nền kinh tế sẽ phát triển chậm lại và tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên khi các công ty bắt đầu sa thải công nhân.
Đọc thêm: https://www.investopedia.com/insights/digging-deeper-bull-and-bear-markets/.↩
[3] Đây là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940, bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào 29 tháng 10 năm 1929. Đọc thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Great_Depression↩
[4] Đây là một chỉ số giá cả của các hàng hóa bán buôn để tính lạm phát.
Đọc thêm: https://www.investopedia.com/terms/w/wpi.asp↩
[5] Affect heuristic [Lối tắt nhận thức dựa trên tình cảm] là một heuristic, một lối tắt tâm lý cho phép mọi người ra quyết định và giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả, trong đó cảm xúc hiện tại là sợ hãi, khoái cảm, ngạc nhiên, v.v. ảnh hưởng đến các quyết định. Nói cách khác, đó là một kiểu heuristic trong đó phản ứng cảm xúc, hay “affect” (tình cảm) theo nghĩa tâm lý học, đóng vai trò chính. Đó là một quá trình tiềm thức rút ngắn quá trình ra quyết định và cho phép con người hoạt động mà không cần phải tìm kiếm mở rộng thêm thông tin. Thời gian hoạt động của nó ngắn hơn một tâm trạng, nó diễn ra nhanh chóng và không tự nguyện nhằm phản ứng trước một kích thích. Đọc từ “lung cancer” (ung thư phổi) thường tạo ra một cảm giác kinh sợ, trong khi đọc từ “mother's love” (tình yêu thương của mẹ) thường tạo ra cảm giác âu yếm và thoải mái. Lối tắt nhận thức dựa trên tình cảm thường được sử dụng trong khi đánh giá rủi ro và lợi ích của một cái gì đó, tùy thuộc vào cảm giác tích cực hay tiêu cực mà mọi người gắn kết nó với một kích thích. Điều này tương đương với “tin vào cảm giác của mình”. Nếu cảm giác của họ đối với một hoạt động là tích cực, thì con người thường đánh giá rủi ro là thấp và lợi ích là cao. Mặt khác, nếu cảm giác của họ đối với một hoạt động là tiêu cực, thì con người thường nhận thấy rủi ro là cao và lợi ích là thấp. Đọc thêm: http://www.behavioraleconomics.com/BEGuide2018.pdf (tr. 107, 122).
Trích Finucane, M.L.; Alhakami, A.; Slovic, P.; Johnson, S.M. (January 2000). “The Affect Heuristic in Judgment of Risks and Benefits”. Journal of Behavioral Decision Making. 13 (1): 1–17. CiteSeerX https://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/summary?doi=10.1.1.390.6802↩