AN SINH GIA ĐÌNH TẠI NÔNG THÔN NAM BỘ HIỆN NAY Vũ Thị Thu Thanh[*]
An sinh gia đình là một khái niệm dùng để chỉ sự đảm bảo của gia đình cho từng thành viên, nhất là trong những phân đoạn có khả năng dễ tổn thương như sinh, lão, bệnh, tử và trạng huống khác như tai nạn, thất nghiệp, khuyết tật, mất tài sản… về những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nhà ở, quần áo, giáo dục, tài chính và những sự hỗ trợ tinh thần để giúp các thành viên phát triển và hội nhập xã hội. Sự đáp ứng các nhu cầu cơ bản và lợi ích của các thành viên dựa trên sự phân chia về vai trò và trách nhiệm được thực hiện một cách tuần tự giữa các thế hệ trong gia đình. Nhiều biến động xã hội đã xảy ra ở nông thôn Nam Bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa như áp lực dân số, cạn kiệt quỹ đất nông nghiệp, bất bình đẳng trong phân phối ruộng đất, gia tăng ứng dụng các loại máy móc nông nghiệp tiết kiệm lao động, biến động giá cả nông sản và xuất cư. Bài viết này phân tích một số xu hướng xã hội đã và đang xảy ra làm suy giảm an sinh gia đình, đó là: sự biến động về sở hữu ruộng đất, về cơ hội nông nghiệp, cơ hội sinh kế có được từ mạng lưới trao đổi kinh tế nông thôn, và xu hướng xuất cư; đồng thời cho thấy một bối cảnh sản xuất nông nghiệp rộng hơn đang chi phối nền kinh tế nông nghiệp hiện nay.
Có thể nói, gia đình là nơi đáp ứng những nhu cầu cơ bản và lợi ích cho các thành viên. Trong gia đình luôn có “những cánh tay làm việc lẫn những miệng ăn phải nuôi; trẻ em và người già là những miệng ăn, những đôi tay của họ thì không có ích lợi gì bao nhiêu cho lao động, ngược lại, thanh niên và người lớn sản xuất nhiều hơn cái mà họ ăn, và diễn ra một sự tái phân phối giữa người này và người kia, mỗi người đều biết rằng trong suốt cuộc đời, mình sẽ trải qua tất cả các tình cảnh” (Henri Mendras. 1995:39-49, dẫn lại theo Trần Hữu Quang, 2011:5). Trong xã hội nông nghiệp, gia đình là hình thức phổ biến và là một đơn vị sản xuất mà phương tiện để đảm bảo sự sinh tồn của nó là đất đai. Trong gia đình, con cái là nguồn đảm bảo kinh tế và là nơi nương tựa của bố mẹ khi họ già yếu. Những người già, sau một quá trình dài lao động, được tôn kính và được chăm sóc cho tới chết; trẻ em được nuôi nấng và được xã hội hóa phần lớn trong gia đình; thanh niên và người lớn là nguồn lao động chính để cung cấp các nguồn lực cho các thành viên còn lại. Các biến cố xảy ra trong gia đình đều được các thành viên chia sẻ, chăm sóc và giúp đỡ. Sự phân chia các trách nhiệm được thực hiện giữa các thế hệ theo tuần hoàn chứ không phải theo tuyến tính. Có thể nói gia đình là nơi mà các thành viên, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, đều có thể dựa vào đó để tìm kiếm sự nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển và chia sẻ tình cảm. Chính trên cơ sở đó mà gia đình được xem như một bộ phận của hệ thống bảo hiểm (Bùi Quang Dũng. 2007:129-130).