SỰ LƯU
HÀNH QUỐC TẾ CỦA TRI THỨC TRONG KHOA HỌC XÃ HỘI
Các yếu
tố thích đáng để chấp nhận và từ chối các văn bản lưu hành
Wiebke
Keim[*]
Tóm Tắt
Bài viết
đề xuất cái khung để nghiên cứu các khía cạnh lý thuyết và khoa học luận của sự
lưu hành quốc tế của tri thức khoa học xã hội dưới dạng đặc thù các văn bản
khoa học xã hội. Nó xây dựng cách đặt vấn đề về một loạt các thông số nội tại ảnh
hưởng đến việc chấp nhận hoặc từ chối một văn bản được lưu hành ở bên ngoài bối
cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế và văn hóa của quá trình sản xuất văn bản. Tất
nhiên, các cấu hình địa chính trị, kinh
tế và hệ tư tưởng, các cấu trúc thể chế, các hệ thống giáo dục, các thị trường
sách, các công chúng khác biệt và được phân tầng, các cơ hội và mạng lưới tài
trợ, vốn là lĩnh vực cổ điển của sử học và xã hội học về khoa
học và của Nghiên Cứu về Khoa Học và Công Nghệ (Science and
Technology Studies STS), tác động đến sự sản xuất và lưu hành tri thức. Tuy
nhiên, những phân tích này gợi ý rằng các quan điểm được đề xuất được chấp nhận
hoặc bị từ chối không phải vì nội dung của chúng mà vì chúng bị công cụ hóa về
mặt chính trị hoặc vì các phương tiện hỗ trợ vật chất tạo điều kiện thuận lợi cho
việc áp đặt hoặc thống trị của chúng. Ngược lại, mục đích của bài viết này là đề
xuất các nét chính của một chương trình sẽ xem xét nghiêm túc các thông số nội
tại của văn bản, tức là bản thân tri thức và
hiệu quả của nó cũng như các cách thức đặc thù mà việc lưu hành các văn bản trong
các khoa học xã hội bị tác động.
Dẫn nhập
Các nội dung
Đối tượng và tham chiếu thực nghiệm
Các khái niệm
Các phép ẩn dụ
Các nhân vật khái niệm
Lý thuyết
Các đặc tính
Tính chuyển ngữ được
Tính tương ước
Tính khoa học
Các giá trị
Sự tương hợp
Phong cách
Tính phức tạp
Tính toàn bộ
Sự trừu tượng hóa
Dẫn nhập
Tuy nhiên, ý tưởng về một điểm xuất
phát, về một “tập hợp các hoàn cảnh ban đầu” mà Said đã nêu lên có tầm quan trọng
rất lớn đối với bất kỳ dự án lý thuyết nào, bao gồm cả dự án nữ quyền. Nói cách
khác, ở đâu và làm thế nào để phát hiện ra những lập luận cho phép phổ biến một
cách gần như chui những ý tưởng mang một hộ chiếu “xấu”? Chúng ta có nên kêu gọi
tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong một hệ thống giáo dục trong đó tỷ lệ học
sinh nữ và nam đã là 50/50 ở tất cả các cấp học và là nơi có sự “nữ tính hóa
quá mức” trong các trường học, trong vai trò giáo viên và học sinh, thường được
cho là phải chịu trách nhiệm về sự sụt giảm trình độ học vấn không? Chúng ta có
nên vận động để phụ nữ tiếp cận việc làm ở một quốc gia mà gần 90% phụ nữ trong
độ tuổi lao động đã có việc làm toàn thời gian? Chúng ta có nên yêu cầu kiểm
duyệt sự khiêu dâm ở một quốc gia mà lịch sử gần đây chủ yếu dựa trên cuộc chiến
ám ảnh cho quyền tự do ngôn luận? Sau khi lướt qua, dù chỉ một lần thôi, một tạp
chí thời trang xuất bản ở Praha vào những năm 1970, đầy rẫy những hình dáng vô
tính khoác trên mình những tấm vải không màu, liệu chúng ta có thể vận động
nghiêm túc chống lại việc lạm dụng cơ thể phụ nữ trong lĩnh vực thời trang và
quảng cáo? Chúng ta có nên yêu
cầu áp dụng triệt để bình đẳng giới (hoặc các bình đẳng khác) trong một xã hội bị
kiệt quệ bởi những làn sóng thử nghiệm được chỉ đạo một cách tập trung, vốn tìm
kiếm sự không phân biệt xã hội mạnh hơn không? Những ai trong chúng ta, vào cuối
những năm 1980, đã bắt đầu đề cập đến các vấn đề giới ở các nước được gọi là “ở
Trung Âu” nhưng lại bị gạt ra ngoài lề về
mặt chính trị và lý thuyết, sẵn sàng chấp nhận rủi ro du nhập chúng một cách chui.
Chúng ta đã sẵn sàng đối mặt với những cáo buộc của các trí thức đồng đẳng của
chúng ta về việc “phá hủy đoàn kết giới” trong thời điểm lịch sử này khi dự án “quan
trọng” hơn nhằm tiêu diệt chủ nghĩa toàn trị phải được thực hiện. Đồng thời, ý
định của chúng ta không phải là củng cố các kênh, vốn đã rất mạnh, chống đối và
ghê sợ, trong cộng đồng “hậu cách mạng”. Chúng ta cũng không muốn kích động hoặc
làm tổn thương “cấu trúc của tình cảm”, để sử dụng thuật ngữ của Raymond
Williams, vốn quá nhạy cảm ở đất nước này. Tìm kiếm điểm khởi đầu cho dự án
này, mà chúng tôi còn do dự gọi là nữ quyền, tỏ ra đặc biệt khó khăn. Vì tất cả
những lời cáo buộc và những sự thù địch được đề cập ở trên tạo ra một bức bình
phong đã che đậy bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm tiết lộ sự phức tạp của những
sự sỉ nhục gắn với giới tính trong bối cảnh các thể nghiệm xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta sợ rằng cái bình phong này sẽ ngăn chúng ta đặt câu hỏi về “các chế độ
cũ” vượt lên trên các câu hỏi duy nhất liên quan đến nền kinh tế kế hoạch hóa
và tư cách thành viên của Đảng Cộng sản. (Smejkalova, 1995)