Giới thiệu: Không có một thời đại nào trong lịch sử tư tưởng loài người cho đến hôm nay lại mang tính thời sự, đồng thời gây ra nhiều giải thích khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau như thời đại khai sáng. Nhưng dù với xu hướng nào, cũng không ai nghi ngờ rằng, thế giới hiện đại như chúng ta thấy hôm nay được bắt đầu bằng những thành quả của thời đại khai sáng. Đối với người Việt Nam, trong bối cảnh văn hóa và tư tưởng còn thuộc độc quyền nhà nước và nguồn tin tức về lịch sử văn minh phương Tây còn hạn chế, việc tìm hiểu thời đại khai sáng lại càng thú vị hơn. Cho đến cuối năm 2019, chúng tôi sẽ phổ biến chừng 10 bài về đề tài này. Xin giới thiệu với độc giả bài thứ tư và mong được đón nhận nhiều góp ý, phê bình của độc giả.
THỜI ĐẠI KHAI SÁNG Ở CHÂU ÂU (4):
Tác giả: Tôn Thất Thông
Trong bài trước, chúng ta đã kết luận rằng, trào lưu khai sáng thăng hoa trong thế kỷ 18. Nhưng nói cho cùng, các thành quả của thế kỷ 18 cũng chỉ là bước tiến tất yếu của quá trình vận động khai sáng bắt đầu từ thế kỷ 17, được xem là gốc rễ, và cũng là xung lực cho những thành tựu về sau. Nhưng điều gì đã làm cho thế kỷ 17 quan trọng đến thế? Câu trả lời thật rõ ràng: Là con người! Là tư duy tự do và ý chí hành động của tầng lớp trí thức mới. Vậy yếu tố nào đã làm cho những con người trước đây chỉ biết thuần phục giáo điều ý thức hệ và quyền lực, bỗng trở nên những con người tự chủ đặc biệt của thế kỷ 17, có năng lực làm chuyện lấp biển vá trời, đưa cả lục địa thoát khỏi tình trạng lạc hậu trung cổ?
Để truy tìm nguyên do, chúng ta cần trở lại lịch sử 200 năm trước đó để khảo sát tình hình các hoạt động văn hóa và tư tưởng, sự thay đổi cấu trúc kinh tế và hoạt động thương mại, sự đảo lộn căn cơ về cấu trúc xã hội, sự thành hình tầng lớp trung lưu trí thức mới, các hoạt động nghiên cứu khoa học tự nhiên v.v.. Trong khuôn khổ một vài bài biên khảo ngắn, chúng ta chỉ có thể bàn luận những nét chính yếu được trình bày sau đây rất tóm tắt, cố gắng nêu lên những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lên con người của thời đại đó, chứ không đi vào chi tiết các sự kiện lịch sử. Phần biên khảo này được chia làm ba đoạn. Sau đây là đoạn thứ nhất, khảo sát ba biến cố lịch sử đặc biệt: Đợt “di tản văn hóa”, việc phát minh kỹ thuật in ấn và cuộc cách mạng tôn giáo.