NHỮNG PHỨC TẠP TRONG CÕI TRUNG MÔ
Hàn Thủy
Giữa đất trời còn chứa nhiều những thứ[1] Không có trong giấc mộng triết gia
Shakespeare, Hamlet, Hồi I, cảnh V
Cõi trung mô là cái chi mô? xin tạm dùng chữ trung mô (mésoscopique) để chỉ cái phạm vi ở giữa cõi vi mô (microscopique), vô cùng nhỏ, và cõi vĩ mô (macroscopique), vô cùng lớn; tóm lại có thể gọi là cái cõi đời thường, trong đó đầy rẫy những vấn đề. Khoa học ngày nay vẫn tiếp tục đi sâu vào vi mô và vĩ mô để tìm đến tận cùng những quy luật cơ bản của thế giới tự nhiên. Nhưng một hy vọng nảy ra từ thời cổ điển, cho rằng khi đã hiểu được những gì sâu kín và cao xa nhất thì có thể từ đó lý giải mọi vấn đề trong đời thường, đến ngày nay hình như bế tắc. Người ta thấy rằng việc khảo sát những hiện tượng trong cõi trung mô cần đến những phương pháp đặc thù, tuy rằng những quy luật của tự nhiên, dù ở phạm vi nào đi nữa, cũng không thể mâu thuẫn với nhau.
Bài này tiếp tục những lần trước, giới thiệu một giấc mộng mới của khoa học: nghiên cứu về sự phức tạp. Như thế cũng đủ ngông cuồng, vì làm sao nói một cách đơn giản về sự phức tạp? vì vậy trước tiên cần phá giải cái nghịch lý này: nếu có thể giải thích một cách đơn giản về một vấn đề cụ thể được coi là phức tạp thì nó đã... hết phức tạp! Nhưng tham vọng của những nghiên cứu về sự phức tạp không phải để giải quyết mọi khó khăn phức tạp cụ thể, mà nhằm bàn về sự phức tạp nói chung, với hy vọng sẽ có ích trên từng vấn đề cụ thể. Bàn một cách khoa học có nghĩa là giới hạn rõ phạm vi nghiên cứu, phân loại theo định tính (qualitative), rồi tiến tới định lượng (quantitative). Đây là một cách tiếp cận đã trở nên cần thiết trước những thách đố quá lớn lao của thời đại: bảo vệ môi sinh, giải quyết nạn nhân mãn, khủng hoảng kinh tế tiếp tục trong một thế giới phát triển không đồng đều..., năng lượng, tiền tệ, giáo dục, thể chế chính trị, v.v.. Mọi thứ đều liên kết chằng chịt với nhau, nghiên cứu những quan hệ đã trở nên quan trọng hơn đi sâu vào từng phạm vi, cái năng động và không ổn định đã trở nên quan trọng hơn sự thăng bằng khô cứng và ảo tưởng. Chưa nói đến những câu hỏi nghìn đời của tôn giáo và triết học: từ đâu nảy sinh sự sống, từ đâu nảy sinh bản năng, ý thức trí tuệ? mà hiện nay một số nhà khoa học tấp tểnh muốn trả lời – ở mức độ giả thuyết –. Những vấn đề này xin hẹn dịp khác sẽ đề cập.