ROBERT BOYER
LÍ THUYẾT ĐIỀU TIẾT: MỘT PHÂN TÍCH PHÊ PHÁN
(Paris, NXB La Découverte, 1986)
Robert Boyer (1943-) |
Vào giữa những năm 1980, khi công bố La théorie de la régulation: une analyse critique, Robert Boyer ngay tức thì nêu một nhận xét kép: trong thập niên vừa qua, kinh tế và chính trị đã thay đổi một cách sâu sắc. Kể từ cú sốc đầu tiên, lạm phát đã nhường bước cho thất nghiệp và nguy cơ giảm phát càng trở nên có thể. Đồng thời, tín điều “tất cả chúng ta đều là những nhà keynesian” bị mạnh tay chôn vùi nhường chỗ cho “thị trường vạn tuế, đả đảo Nhà nước, hoan hô tính linh hoạt của lao động”. Chủ nghĩa tự do đã thay đổi cương vị: từ một diễn ngôn trừu tượng về những phẩm hạnh của các nền kinh tế thị trường, nó đã trở thành mũi nhọn của một chương trình cải cách rộng lớn. Các lí thuyết kinh tế đột ngột bị động trước những thay đổi này: không có bất kì cách đặt vấn đề nào cung cấp được một tầm nhìn đơn giản và nhất quán cho những đảo lộn sâu sắc xảy ra từ năm 1973 đến năm 1985. Cuộc khủng hoảng, theo gợi ý của tác giả, hiện ra như một khoảng cách biệt giữa lí thuyết chuẩn và thực tế của những nền kinh tế được nghiên cứu (Boyer, 1986, trang 8). Tuy nhiên, trong thập niên này, nhiều nghiên cứu phi chính thống đã tập trung vào khoảng cách biệt này. Trong số đó, các cách tiếp cận bằng khái niệm điều tiết đặt tăng trưởng và các cuộc khủng hoảng, sự biến đổi trong không gian và thời gian của hai chủ đề này thành vấn đề trung tâm của phân tích kinh tế, và nối kết những hiện tượng này với các thể chế xã hội hiện hành.
Thật vậy, những phân tích đầu tiên bằng khái niệm điều tiết xuất hiện vào giữa những năm 1970. Robert Boyer, ngày nay là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia của Pháp (CNRS) và Trường cao học các khoa học xã hội (EHESS) bắt đầu sự nghiệp kinh tế của mình tại Trung tâm nghiên cứu tương lai học của kinh tế toán ứng dụng vào kế hoạch hoá (CEPREMAP) bằng việc phối hợp một công trình rộng lớn về sự diễn tiến trong dài hạn của chủ nghĩa tư bản Pháp. Lúc ban đầu phân tích xem kinh tế là trọng tâm có cảm hứng marxist: rời xa phương pháp luận cá thể, các quan hệ xã hội được đặt như là phạm trù cơ bản cho việc hiểu biết diễn tiến của các xã hội. Nhưng ngay từ lúc khởi thuỷ, phân tích mở rộng trường và các phương pháp của nó, nghiên cứu nhiều những bộ môn khác – sử học, xã hội học, luật học, triết học – và những hệ ý khác – đặc biệt là kinh tế học vĩ mô keynesian và kaleckian. Kết quả là sự sáng tạo về mặt khái niệm và phương pháp luận hội tụ với sự sáng tạo của Michel Aglietta (1976) trong việc phân tích chủ nghĩa tư bản Mĩ. Một khái niệm nổi lên và được lan truyền qua nhiều thế hệ học giả: khái niệm điều tiết. Từ đó nhiều công trình phong phú nắm lấy khái niệm này, khai phá cách tiếp cận mới này, một cách tiếp cận xô đẩy các cách tiếp cận truyền thống vào chính ngay lúc cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài cũng lật đổ những quy luật xã hội-kinh tế trước đây.
Michel Aglietta (1938-) |
Cách tiếp cận điều tiết hay lí thuyết điều tiết? Câu hỏi vẫn còn để mở. Theo Michel Aglietta (1967, 1977) thì “phải nói đến “cách tiếp cận” hơn là “lí thuyết”. Thật vậy điều đã thành trường phái không phải là một tập đã hình thành những khái niệm mà là một sự nghiên cứu”. Robert Boyer thừa nhận là “theo nghĩa chặt chẽ, đây là một cách đặt vấn đề tổng quát hơn là một lí thuyết đã hoàn tất, lại càng không phải là một mô hình trực tiếp đối chiếu được với hiện thực thực nghiệm” (1986, trang 73). Tuy nhiên khi công bố La théorie de la régulation, Robert Boyer (1986) cung cấp một lời giải thích cho tới lúc bấy giờ vẫn còn thiếu: mục đích của tác phẩm là định vị phương pháp tiến hành mới này trong bối cảnh những sự kiện và tư tưởng, siết chặt các khái niệm, làm rõ các phương pháp để tiến lên trong nỗ lực lí thuyết hoá, phát hiện những mắt xích còn thiếu và vạch ra một chương trình nghiên cứu. Do đó đây là một tác phẩm tạo lập, vừa là một cuốn sách tham chiếu cơ bản cho ai muốn khám phá cách tiếp cận điều tiết, vừa là một bước quan trọng trong việc xây dựng một đối chọn cho lí thuyết kinh tế thống trị. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một bước, trên cơ sở đó vô số công trình đã được khai triển từ đó đến nay. Do đó ngày nay cũng cần tham chiếu những hiệu chỉnh, tổng hợp, phát triển, đặc biệt do Boyer và Saillard (1995, 2001) và ấn phẩm định kì L’Année de la régulation, gạch nối của một cộng đồng khoa học, tất nhiên là bên lề, nhưng chắc chắn là đang lớn mạnh.
Các khái niệm tạo lập của lí thuyết điều tiết
G. Canguilhem (1904-1995) |
Mọi nỗ lực lí thuyết hoá phụ thuộc vào vấn đề mà nhà kinh tế muốn cung cấp một câu trả lời. Xuất phát từ việc phân tích chủ nghĩa tư bản trong dài hạn và sự xuất hiện của một cuộc khủng hoảng quan trọng, có một vấn đề trung tâm nổi lên: vấn đề tính biến đổi trong thời gian và không gian của những động thái kinh tế và xã hội. Nhận định này dẫn đến một sự phê phán nghiêm khắc và triệt để chương trình tân cổ điển, một chương trình đặt thành tiên đề tính tự điều tiết của các nền kinh tế thị trường và cung cấp một cách nhìn sai lầm về các mất cân bằng và mâu thuẫn đánh dấu sự kết thúc của ba mươi năm vinh quang. Trước những vấn đề mà một cách tiếp cận kiểu lịch sử đặt ra cho nhà kinh tế thì khái niệm điều tiết lúc đầu do nhà triết học G. Canguilhem (1972, trang 1 và 1996 trang 711) đề xuất có vẻ là phong phú hơn: “Điều tiết là sự điều chỉnh, phù hợp với vài quy tắc và chuẩn mực, nhiều chuyển động và hành động và các hiệu ứng hay sản phẩm của những chuyển động và hành động này mà sự đa dạng và nối tiếp nhau của chúng khiến lúc đầu chúng xa lạ với nhau”. Áp dụng vào trường kinh tế và xã hội, định nghĩa này được làm rõ như sau: “Nói đến việc điều tiết một phương thức sản xuất là tìm cách thể hiện cách mà cấu trúc quyết định của xã hội tự tái tạo những quy luật tổng quát của nó [...] Một lí thuyết về sự điều tiết xã hội là một đối chọn tổng quát cho lí thuyết cân bằng chung [...] Nghiên cứu sự điều tiết của chủ nghĩa tư bản không thể là việc nghiên cứu những quy luật kinh tế trừu tượng. Đó là nghiên cứu sự biến đổi những quan hệ xã hội tạo ra những hình thái kinh tế và phi kinh tế mới, các hình thái này được tổ chức thành cấu trúc và tái tạo một cấu trúc có tính quyết định là phương thức sản xuất (Aglietta, 1976, trang 10, 11 và 14; được Boyer, 1986, trang 130 và Boyer và Saillard, 1995, trang 548-549 trích dẫn).
Các “nhà điều tiết” cho rằng sự biến đổi ít ra cũng quan trọng bằng sự bất biến và cả hai phải được nghiên cứu đồng thời. Chính vì chúng có những hình thái mới nên các quan hệ tư bản chủ nghĩa mới biểu lộ tính thường trực và sự lan toả của chúng sang những không gian mới (Boyer và Saillard, trang 60). Còn phải làm rõ thế nào là những quy tắc và chuẩn mực, hình thái và cấu trúc... Cách tiếp cận điều tiết đã dần dần hun đúc một tập những công cụ khái niệm mà tác phẩm La théorie de la régulation trình bày kiến trúc chung. Ba cấp độ phân tích được phân biệt theo thứ tự trừu tượng giảm dần.
Ở cấp độ trừu tượng đầu tiên, mang dấu ấn của nguồn gốc marxist, lí thuyết điều tiết phân tích các phương thức sản xuất và sự nối khớp giữa chúng với nhau. Được gọi là phương thức sản xuất “mọi hình thái đặc biệt của những quan hệ sản xuất và trao đổi, nghĩa là những quan hệ xã hội chi phối sự sản xuất và tái sản xuất những điều kiện vật chất cần thiết cho đời sống của con người trong xã hội” (Boyer, 1986, trang 43). Tích luỹ được công nhận như một xu hướng cố hữu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng còn phải phân tích những hình thái cụ thể mà phương thức này có thể khoác vào với những mất cân bằng và mâu thuẫn mà chúng là kết quả của các hình thái này.
Michal Kalecki (1899-1970) |
Vì thế, ở cấp độ trừu tượng thứ hai, lí thuyết điều tiết đặc trưng những quy luật xã hội và kinh tế cho phép sự tích luỹ phát triển trong dài hạn mặc dù có, hay thông qua, các cuộc khủng hoảng. Lí thuyết xác lập khái niệm chế độ tích luỹ (hay chế độ tăng trưởng) được định nghĩa như “toàn bộ những quy luật bảo đảm một sự tiến triển chung và tương đối nhất quán của tích lũy tư bản, nghĩa là cho phép loại bỏ hay trải dài trong thời gian những méo mó và mất cân bằng luôn phát sinh từ ngay chính bản thân quá trình tiến hoá” (Boyer, 1986, trang 46). Các quy luật được giải thích, trong một địa bàn và không gian nhất định, bởi cấu hình những thể chế chi phối sự cạnh tranh, tiền tệ, chế độ làm thuê, sự hoà nhập vào các quan hệ quốc tế. Có thể và sẽ là có ích khi hình thức hoá các quy luật này bằng một mô hình kinh tế vĩ mô phỏng theo Kalecki. Khi các nhà tân cổ điển và hậu keynesian nghiên cứu một mô hình tổng quát và bất biến thì các “nhà điều tiết” tìm thấy những chế độ tích luỹ đa dạng vì các hình thái thể chế làm chỗ dựa cho các chế độ này trải qua những thay đổi.
Do đó ta hiểu được tầm quan trọng của cấp độ phân tích thứ ba, cấp độ này tập trung vào cấu hình đặc thù của những quan hệ xã hội trên một địa bàn và một giai đoạn lịch sử nhất định. Khái niệm cần thiết ở đây là khái niệm hình thái thể chế (hay cấu trúc), nghĩa là “mọi sự điển chế hoá một hay nhiều quan hệ xã hội cơ bản” (Boyer, 1986, trang 48). Lí thuyết điều tiết phân biệt năm hình thái thể chế cơ bản:
- những hình thái của ràng buộc tiền tệ;
- những cấu hình của quan hệ làm thuê;
- những hình thái của sự cạnh tranh;
- những cách thức gia nhập vào chế độ quốc tế;
- những hình thái của Nhà nước.
Tuỳ theo các địa bàn và giai đoạn lịch sử, những cấu hình đặc biệt của các hình thái thể chế trên, bao giờ cũng chịu sự biến đổi, có thể tạo ra một sự cố kết chặt chẽ sinh ra những quy luật, những thời kì tăng trưởng tương đối đồng nhất hay, ngược lại, mâu thuẫn nhau, và những cuộc khủng hoảng. Như vậy được gọi bằng chế độ điều tiết mọi tập hợp những quy trình và hành vi, cá thể và tập thể có ba đặc tính sau:
- tái sản xuất những quan hệ xã hội cơ bản thông qua việc kết hợp những hình thái thể chế được xác định trong lịch sử;
- nâng đỡ và “lèo lái” chế độ tích lũy hiện hành;
- bảo đảm sự tương thích động của một tập những quyết định phi tập trung, mà các tác nhân kinh tế không cần phải nội hiện hoá những nguyên lí điều chỉnh của toàn bộ hệ thống (Boyer, 1986, trang 54-55).
Rõ ràng là khái niệm này nhằm cung cấp một đối chọn cho lí thuyết những lựa chọn cá thể là lí thuyết cân bằng chung như là những điểm xuất phát của việc nghiên cứu những hiện tượng kinh tế vĩ mô. Cân bằng tĩnh được thay thế bằng việc phân tích động sự loại trừ các mất cân bằng liên tục sinh ra từ sự tích luỹ; các thị trường được đặt trong một tập những hình thái thể chế, các hình thái này xã hội hoá thông tin và các hành vi; tính duy lí của các tác nhân bị giới hạn bởi những thông tin và năng lực nhận thức mà họ thật sự có được: đó là một tính duy lí được định vị (trong không gian và thời gian – ND), được một mạng dày đặc những thể chế soi sáng (Boyer và Saillard, 1995, trang 63-64). Trong cách nhìn này, các tác nhân kinh tế tương tác với nhau từ một loạt những thể chế, luật chơi và quy ước có thời gian lịch sử và bám chặt vào một địa bàn. Tách xa sự đối lập giữa kinh tế học thuần tuý và cái xã hội, thoát khỏi một tiên đề hoá kinh tế cắt đứt với trường của những khoa học xã hội khác, kinh tế được lồng kết trong những quan hệ xã hội, chính trị, luật pháp, trong những hệ thống giá trị.
Được trang bị bằng những khái niệm cơ bản trên, lí thuyết điều tiết tự lên một chương trình phân tích những phương thức phát triển, nghĩa là bằng cách nào trong dài hạn một chế độ tích luỹ và một kiểu điều tiết tự ổn định và bằng cách nào chúng bước vào khủng hoảng và tự đổi mới (Boyer và Saillard, 1995, trang 64). Do lí thuyết là không hoàn toàn hoàn chỉnh, và không thể nào hoàn chỉnh, nên vấn đề là vận dụng các khái niệm này trong một nghiên cứu lịch sử, so sánh hay ngay cả hướng đến tương lai. Tác phẩm năm 1986 đề xuất một phương pháp làm việc gồm bốn bước. Trước hết là phân kì các (năm) hình thái thể chế, nghĩa là tìm những thời điểm then chốt đánh dấu những thay đổi có ý nghĩa cho sự tổ chức của các hình thái này. Phân tích đồng thời có tính định tính và định lượng này cho phép đặc trưng những logic tương phản nhau. Như vậy ta có thể nhận diện, ví dụ, ba kiểu cấu hình khác nhau và nối tiếp nhau của quan hệ làm công ăn lương mà kết hợp với các cấu hình của những hình thái thể chế khác, đã sinh ra những quy luật chi phối trong những khoảng thời gian nhất định. Thứ ba trên cơ sở này, một sự mô hình hoá kinh tế vĩ mô các điều tiết khác nhau kiểm tra tính nhất quán của việc xây dựng logic, làm tinh tế hơn các giả thiết và khái niệm. Cuối cùng phân tích này phải dẫn đến việc nhận diện những xu hướng vốn có của mỗi một chế độ tích luỹ, để hiểu được sự phát triển lẫn sự khủng hoảng của mỗi chế độ này.
Ta không ngạc nhiên khi lí thuyết điều tiết đặc biệt chú ý đến việc nghiên cứu các cuộc khủng hoảng, mà chúng là một thành tố cấu thành quá trình tích luỹ, và động thái của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Dựa trên những nghiên cứu lịch sử của mình và tiếp tục nỗ lực khái niệm hoá, lí thuyết điều tiết đề xuất một phân loại các cuộc khủng hoảng, theo thứ tự nghiêm trọng lớn dần, từ sự nhiễu loạn đơn giản bên ngoài đến cuộc khủng hoảng của phương thức sản xuất thống trị. Ở cấp độ nghiêm trọng thứ ba và thứ tư, các cuộc khủng hoảng cấu trúc tác động đến chế độ điều tiết hay chế độ tích luỹ khiến cho sự tương thích giữa các hình thái thể chế và cơ năng kinh tế không còn được bảo đảm. “Không còn bất kì tính tự động nào chi phối bước chuyển từ suy thoái sang tăng trưởng và thường là mở ra thời kì tìm kiếm dò dẫm chiến lược thoát ra khỏi khủng hoảng, nhằm cải tổ một phần hay toàn bộ các hình thái thể chế trước đây” (Boyer và Saillard, 1995, trang 65). Trong số những công lao của các “nhà điều tiết”, phải công nhận chẩn đoán rất sớm của họ – ngay từ giữa những năm 1970 – về tính chất cấu trúc của cuộc khủng hoảng nổ ra lúc bấy giờ mà sự kết thúc ngày nay vẫn không hiển nhiên, sự đam mê của họ để tìm hiểu bản chất và những thách thức của cuộc khủng hoảng này, sự nỗ lực của họ để soi sáng những điều kiện xã hội và chính trị nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng.
Một đối chọn cho hệ ý tân cổ điển: một kinh tế học chính trị
Sau khi trình bày những cội nguồn của cách tiếp cận điều tiết, đề xuất một tổng hợp thống nhất những khái niệm và phương pháp của nó và tiến hành bàn luận có phê phán phổ những công trình của nó, La théorie de la régulation (1986), trong phần thứ tư và cuối cùng, gợi ý một chương trình nghiên cứu cho “thế hệ thứ hai các công trình”: nghiên cứu tình huống, mô hình hoá điều tiết, suy tưởng về sự hình thành các cuộc khủng hoảng cấu trúc, về logic của các thể chế, về quá trình thoát khỏi khủng hoảng. Một thập niên sau, (Boyer và Saillard, 1995) nhập kho thu hoạch dồi dào của thế hệ thứ hai này. Vừa xác nhận ích lợi của những khái niệm được xây dựng trước đây, họ đồng thời ghi nhận tính đa dạng của những cách đặt vấn đề và phương pháp đi cùng với những biến đổi của sự điều tiết kinh tế vĩ mô và tiến hoá của những lí thuyết kinh tế. Xuất phát từ những công trình của một nhóm nhỏ các nhà kinh tế Pháp, từ nay lí thuyết điều tiết được lồng trong một mạng lưới hàn lâm quốc tế. Nó đã có quan hệ với một cộng đồng gồm cả trăm nhà nghiên cứu thuộc hai mươi quốc gia. Được xây dựng trên năng lực sáng tạo, lí thuyết chấp nhận những thách thức mà những biến đổi của hệ thống kinh tế thế giới đặt ra cho phân tích kinh tế, muốn tiếp tục đối thoại với các khoa học xã hội khác và góp phần xây dựng một đối chọn khác cho lí thuyết kinh tế thống trị. Trong số các công trường được lí thuyết điều tiết khai phá, cần nhấn mạnh đến ba đột phá bổ sung cho nhau.
Đóng góp đầu tiên, cõ lẽ là đóng góp được biết đến nhất, là một kiến giải độc đáo về những biến đổi kinh tế và xã hội diễn ra kể từ năm 1973 và việc làm rõ tính không thể đảo ngược và những được mất của các biến đổi này. Thế hệ đầu những công trình bằng khái niệm điều tiết cung cấp một cách hiểu đặc biệt về sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên trong ba mươi năm vinh quang, một sự tăng trưởng ổn định sinh ra từ một cấu hình đặc thù của những hình thái thể chế. Cơ giới hoá quá trình sản xuất, mở rộng chế độ làm công ăn lương và phân chia thành quả của việc cải tiến năng suất, chế độ tiền tệ đặt nền tảng trên tín dụng, cạnh tranh độc quyền nhiều người, tích luỹ trong nội bộ nền kinh tế với cường độ cao và do tiêu dùng nội địa dẫn dắt là những hình thái thể chế cấu thành chế độ tích luỹ fordist, một chế độ có ngày tháng ra đời và tàn lụi. Sự tăng trưởng chậm lại quan sát được kể từ cú sốc dầu hoả đầu tiên không hẳn là do sự tiếp nối nhau của những cú sốc bất lợi mà nhiều hơn là do sự xói mòn của những hình thái thể chế fordist, bị chính ngay sự thành công của chúng làm mất ổn định trong dài hạn, theo một quá trình chủ yếu có tính nội sinh. Trong suốt diễn tiến của cuộc khủng hoảng, sự nối khớp của các hình thái thể chế thay đổi và những thứ bậc hoá mới xuất hiện đến độ làm biến chất thoả hiệp tư bản-lao động của thời hậu chiến. Chẳng hạn, những hình thái của cạnh tranh và của chế độ quốc tế từ nay dường như có một vai trò quyết định trong diễn tiến của quan hệ làm công ăn lương, quan hệ này chịu những áp lực có nguồn gốc từ sự biến đổi của những hình thái thể chế khác. Kể từ giữa những năm 1980, tư bản tài chính điều khiển việc triển khai tư bản sản xuất. Các phương thức điều tiết ngày càng chịu sự chi phối của sự biến đổi của nền kinh tế quốc tế mà chính phủ các quốc gia ít có ảnh hưởng đến (Boyer, 1999, trang 33). Các biến đổi triệt để này, một cách logic, được kết hợp với sự biến đổi của những quan niệm về chính sách kinh tế.
Phân tích sự mất ổn định nội sinh của một chế độ tăng trưởng đưa đến một đóng góp lớn thứ hai khi lí thuyết điều tiết đặt vấn đề một cách có hệ thống về những ứng viên có thể của chế độ tích luỹ fordist. Nghiên cứu những phương thức điều tiết có thể nổi lên trong tương lai là thiết yếu cho việc đánh giá tính thích đáng của các chính sách kinh tế. Liệu có thể cho rằng một chế độ tích luỹ do thể chế tài chính chi phối từ nay đã được xác lập ở Hoa Kì? (Boyer, 2000). Nghiên cứu trước những nhân tố có thể làm mất ổn định mầm mống của một chế độ mới của tăng trưởng là quan trọng. Lí thuyết điều tiết cung cấp một lời giải đáp cho các câu hỏi sau (Boyer, 1999): liệu sự gia tăng của những bất bình đẳng về thu nhập có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trong dài hạn đã được chứng thực? Có chắc là các chế độ tích luỹ do thể chế tài chính điều khiển sẽ cho được một tăng trưởng đều đặn? Có đúng thật là việc tự do hoá hoàn toàn nền tài chính sẽ đảm bảo cân bằng thế giới? Những công trình gần đây khai phá các vấn đề này làm nổi bật sự vắng mặt của tính cố kết giữa các cơ năng của tăng trưởng vốn vượt ra ngoài không gian kiểm soát của các thực thể chính trị, và sự khó khăn để xác định những nguyên tắc mới cho những sự can thiệp tập thể ở cấp độ xác đáng, dù cho đó là cấp độ quốc gia, vùng hay thế giới. Các nghiên cứu này nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau của chính trị và kinh tế, điều mà lí thuyết kinh tế thống trị có xu hướng che giấu.
Đóng góp chủ yếu thứ ba của lí thuyết điều tiết chính là đã góp phần xây dựng một đối chọn cho hệ ý tân cổ điển vốn sản sinh ra sự tách biệt biểu kiến giữa chính trị và kinh tế. Nếu những tiến bộ về mặt lí thuyết của kinh tế học thống trị trong hai thập niên qua là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong việc nó thừa nhận vai trò của các thể chế, thì các bước tiến này đã không thu hẹp khoảng cách giữa biểu trưng lí thuyết mà chúng cung cấp với diễn tiến gần đây của các hiện tượng kinh tế, do đã không từ bỏ tiên đề về tính duy lí tối ưu hoá (Boyer, 2001). Bằng việc phủ nhận tiên đề này và trong sự phê phán triệt để kinh tế học thống trị, lí thuyết điều tiết đã gặp lại những trào lưu phi chính thống khác như kinh tế học quy ước và kinh tế học thể chế mới, vốn được xây dựng với một nỗ lực liên ngành kết hợp các nhà chính trị học, xã hội học, sử học và kinh tế học (Théret, 2000). Điểm chung của các lí thuyết này là cho rằng ngôn ngữ của tính duy lí là quá nghèo nàn và quá quy giản để tính đến cách mà con người kiến giải hành động và những tương tác của họ với nhau (Favereau, 2000). Các trào lưu này chia sẻ một triết học chung mà ta có thể gọi là “học thuyết thể chế”. “Vào thời kì mà các nhà kinh tế khám phá sự đa dạng và tầm quan trọng của các thể chế thì các nhà điều tiết, vốn từ lâu đã chọn quan niệm này và có vài kết quả, đã tập trung nỗ lực vào các nhân tố giải thích sự biến đổi của các thể chế [...] Một công trường lớn được mở ra: xác định những cơ sở xã hội vĩ mô và thể chế của một kinh tế học vi mô nắm bắt thực tại của những hành vi đang vận động trong thế giới đương đại, hoàn toàn đối lập với phân tích có vẻ thực chứng, nhưng thật ra là chuẩn tắc, từng trong một thời gian dài là sức mạnh của lí thuyết tân cổ điển nhưng sẽ đến lúc có thể dẫn đến việc đặt lại vấn đề triệt để các giả thiết, khái niệm và phương pháp của lí thuyết này” (Boyer, “Vers une théorie originale des institutions économiques?” [Hướng đến một lí thuyết độc đáo về các thể chế kinh tế?], trong Boyer và Saillard, 2001).
Isabelle Casiers
Đại học Công giáo Louvain
Thư mục
Aglietta M. (1976), Régulations et crises du capitalisme, Paris, Odile Jacob (3è édition, 1997).
Association Recherche et Régulation, L’Année de la régulation, (hằng năm kể từ 1997, Paris, La Découverte, https://journals.openedition.org/regulation/1661)
Boyer R. (1999), “Le politique à l’ère de la mondialisation et de la finance: le point sur quelques recherches régulationistes”, L’Année de la régulation, 1999, 3, p. 13-75.
Boyer R. (2000), “Is a Finance-led Growth a Viable Alternative for Fordism? A Preliminary Analysis”, Economy and Society, 29(1), p. 111-145.
Boyer R. (2001), “L’économiste face aux innovations qui font époque: les relations entre histoire et théorie”, Revue économique, 52(5), p. 1065-1115.
Boyer R. và Saillard Y. (1995). Théorie de la régulation. L’état des savoirs, Paris, La Découverte; phiên bản tiếng Anh có chỉnh sửa: Regulation Theory: The State of Art, London, Routledge, 2001.
Canguilhem G. (1972), “Régulation”, Encyclopedia Universalis, vol. 14 (ấn bản 1996, vol.19).
Favereau O. (2000), “La science économique entre deux siècles. Une révolution scientifique peut en cacher une autre”, La Recherche, décembre, p. 62-67.
Théret B. (2000), “Nouvelle économie institutionnelle, économie des conventions et théorie de la régulation: vers une synthèse institutionnaliste?”, La lettre de la régulation, décembre, n035.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Xavier Greffe, Jérome Lallement, Michel de Vroey, Dictionnaire des grandes oeuvres économiques, Dalloz, Paris, 2002, trang 65-73.
----
Bài có liên quan trên PTKT: