29.9.23

Chủ nghĩa tư bản kìm nén điều gì?

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN KÌM NÉN ĐIỀU GÌ? MỘT QUAN ĐIỂM CỦA PHÁI JUNG

Lynn Parramore

Ngày 17 THÁNG SÁU 2022

HÀNH VI CON NGƯỜI

Carl Jung (1875-1961)

Việc hàng tỷ người sống trong nỗi bất an và bất công [khiến cho chủ nghĩa tư bản] hầu như không phải là một hệ thống duy lý.

Kinh tế học thể hiện bản thân nó như là một ngành khoa học duy lý liên quan đến các thước đo khách quan và những cách tiếp cận định lượng, song các nhà quan sát sắc sảo từ lâu đã nhận ra rằng nó tràn ngập các yếu tố ma mị, kỳ ảo, phi duy lý và vô thức. Điều đó khiến nó trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người nghiên cứu về tâm lý con người.

Các cuộc thảo luận đương thời về kinh tế học và tâm lý học chủ yếu tập trung vào kinh tế học hành vi, trong khi tâm phân học, nhánh vốn có vẻ như được dành riêng cho việc nâng cao khả năng nhận thức về vô thức, lại ít xuất hiện hơn trong các cuộc trò chuyện. Hơn nửa thế kỷ trước, các nhà tư tưởng như Norman O. Brown và Herbert Marcuse đã thu hút được sự chú ý rộng rãi khi đi sâu vào các ngóc ngách ẩn giấu và những động cơ vô thức của kinh tế học, nhưng từ những năm 1960, khi Sigmund Freud không còn được giới học thuật ưa chuộng nữa, thì các cách tiếp cận tâm phân đã bị gạt sang một bên hoặc bị đổi tên – mặc dù trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu khoa học gần đây ủng hộ khái niệm vô thức của Freud.

Ngày nay, khi vật lộn với các hệ thống kinh tế dường như ngày càng hủy hoại sự yên vui (wellbeing) của con người, có lẽ đã tới lúc chúng ta cần xem xét lại liệu tâm phân học có điều gì hữu ích để nói về khoa học buồn thảm hay không?

Print Friendly and PDF

28.9.23

Làm thế nào để đối phó với các tạp chí khoa học săn mồi?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI CÁC TẠP CHÍ KHOA HỌC SĂN MỒI?

Tác giả: François Massol

Giám đốc nghiên cứu sinh thái học, Đại học Lille

Hệ thống công bố khoa học đang bị áp lực: truy cập các công bố phải là tự do và miễn phí, nhưng công bố lại có một chi phí. Về mặt lịch sử, các độc giả chịu chi phí này. Từ nay về sau, chi phí thường do tác giả chịu, tạo điều kiện cho độc giả được truy cập miễn phí, ví dụ năm 2019, tất cả mọi người đều được đọc miễn phí 31% trong tổng số các bài báo khoa học được công bố. Chi phí, thường được thanh toán với công quỹ, có thể lên đến trên 10.000 euro cho mỗi bài báo. Thị trường béo bở này,với tỷ suất lợi nhuận có thể lên đến 40%, đã khiến một số nhà khoa học không còn chấp nhận cho các nhà xuất bản lợi dụng một công việc trí tuệ mà họ không tài trợ và không trả thù lao.

Đồng thời, hệ thống đánh giá theo quy ước của các nhà khoa học, chủ yếu được xây dựng dựa trên các công bố nói chung và trên các tạp chí có chỉ số trích dẫn cao nói riêng, (IF - impact factor -, tương ứng với số trung bình mỗi năm các trích dẫn các bài báo của một tạp chí được công bố hai năm trước đó), bị đặt lại vấn đề từ khi có Tuyên bố đánh giá nghiên cứu San Francisco (DORA - The Declaration on Research Assessment -). DORA là một tuyên bố tập thể quốc tế, khởi thủy được xây dựng trong một buổi họp thường niên của Hội sinh học tế bào Mỹ (The American Society for Cell Biology) năm 2012, và dần dần được phê duyệt bởi các đại học và cơ quan nghiên cứu, ví dụ như CNRS (Centre national de la recherche scientifique - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp -) và CEA (Commissariat à l’énergie atomique et aux énergies alternatives - Ủy ban Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế Pháp -) ở Pháp.

Xung đột của hai sự thay đổi này dẫn đến những câu hỏi mới

·         Những biến đổi này có tác động gì đối với chất lượng của khoa học?

·         Ta có thể thuyết phục việc dùng công quỹ cho các công bố học thuật không?

Print Friendly and PDF

27.9.23

Các nhà khoa học cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ thực thi các SDG

CÁC NHÀ KHOA HỌC CẦN LÀM GÌ ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC THI CÁC SDG

Shirin MalekpourCameron AllenAmbuj SagarImme ScholzÅsa PerssonJ. Jaime MirandaTherese BennichOpha Pauline DubeNorichika KanieNyovani MadiseNancy ShackellJaime C. MontoyaJiahua PanIbrahima HathieSergey N. BobylevJohn Agard & Kaltham Al-Ghanim

Việc đào sâu vào lý do tại sao các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG) lại khó đạt được, và chỉ ra cho các nhà hoạch định chính sách những lộ trình để theo đuổi, sẽ giúp ích cho hành tinh và cứu sống nhiều sinh mạng.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm mục đích chấm dứt nghèo đói, cải thiện sức khỏe và giáo dục, đồng thời đảm bảo phương thức sống bền vững. Nguồn: Jose Luis Gonzalez/Reuters

Năm nay (2023) đánh dấu nửa chặng đường của các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (United Nations Sustainable Development Goals – SDG), đã được thống nhất vào năm 2015, sẽ đạt được vào năm 2030. Là một nhóm các nhà khoa học độc lập được Liên Hợp Quốc chỉ định để đánh giá tiến độ và đề xuất cách tiến tới, chúng tôi có một thông điệp mạnh mẽ: thế giới đang đi chệch hướng để đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số 17 SDG và không thể trông đợi vào thay đổi tự phát.

Với tốc độ tiến triển hiện tại, thế giới sẽ không xóa được đói nghèo, chấm dứt nạn đói hoặc cung cấp nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người vào năm 2030 – chỉ mới là một số khát vọng trung tâm của SDG. Thay vào đó, vào cuối thập kỷ này, thế giới của chúng ta sẽ có 575 triệu người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ, 600 triệu người phải đối mặt với nạn đói và 84 triệu trẻ em và thanh niên không được đến trường[1]. Nhân loại sẽ vượt qua mốc 'an toàn' 1,5 °C theo thỏa thuận khí hậu Paris về mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Và với tốc độ hiện tại, sẽ phải mất 300 năm mới đạt được bình đẳng giới[2].

Print Friendly and PDF

25.9.23

Trật tự mới của BRICS

TRẬT TỰ MỚI CỦA BRICS

Quan điểm về thời sự. Thế giới

Tim Sahay*, Kate Mackenzie**

Làm thế nào để áp đặt một trật tự thế giới công bằng hơn? Đối với Tim Sahay và Kate Mackenzie, BRICS không tìm cách làm chệch hướng các cấu trúc cai quản toàn cầu hiện có mà chỉ muốn gây ảnh hưởng để tái cân bằng chúng. Tác động của BRICS sẽ không đến từ sự bành trướng hay quyền lực của chúng mà bằng một cú sốc nhằm khích động sự hợp tác của các nước giàu nhất.

---

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vắc xin 2020-2021(1) đã dọn đường cho cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022(2). Những sự thiếu hụt này không phải là kết quả của ngẫu nhiên mà là sự phản ánh của hệ thống phân cấp tài chính và địa chính trị: những người giàu nhất và quyền lực nhất quyết định giá cả, đẩy các nước đang phát triển ra ngoài lề. Trong cuộc chạy đua về vắc xin, hàng triệu sinh mạng đã bị hy sinh(3). Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng là vấn đề sống còn. Việc tài trợ cho những chiếc máy điều hòa không khí ngốn khí ở châu Âu(4) với hàng tỷ euro đã có hậu quả đẩy hàng triệu người Pakistan và Bangladesh vào đêm tối(5).

Đứng trước những thách thức này, các nước đang phát triển phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của một trật tự thế giới bị chệch hướng đối với họ. Khoảng cách bất bình đẳng toàn cầu đã mở rộng(6). Với nguồn vốn không đủ và khả năng vay vốn hạn chế, họ bị đẩy xuống phía sau(7). Và, trên hết, thay vì cung cấp cho các quốc gia này công nghệ sản xuất vắc xin theo công nghệ mRNA để các nước này sản xuất vắc xin của riêng họ vào thời điểm nguy kịch, Phương Tây lại ưu tiên dự trữ vắc xin hết hạn, để lộ một hệ thống đã kiệt sức(8). Ajay Banga, chủ tịch mới của Ngân hàng Thế giới, đã nói về sự nghi ngờ ngày càng tăng đang khiến Phương Bắc xa cách Phương Nam, khi mà lẽ ra, hơn bao giờ hết, chúng ta phải xích lại gần nhau hơn.

Print Friendly and PDF

24.9.23

Smith, “bàn tay vô hình” và tự do thương mại

SMITH, “BÀN TAY VÔ HÌNH” VÀ TỰ DO THƯƠNG MẠI

Trong tác phẩm Của cải của các dân tộc, thành ngữ “bàn tay vô hình” không biểu thị một cơ chế giá cả nhưng biểu thị những bản năng và khuynh hướng tự nhiên. Trong số này, điều được các nhà kinh tế đương đại gọi là “home bias” giải thích việc ưu đãi nền công nghiệp quốc gia. Một khuynh hướng được giả định là giảm thiểu những tác động của hệ thống tự do thương mại.

Francisco VERGARA

Ai cũng từng nghe nói đến “bàn tay vô hình”, ẩn dụ nổi tiếng được Adam Smith sử dụng trong tác phẩm Của cải của các dân tộc[1]. Mặc dù chỉ được dùng một lần duy nhất trong tác phẩm này nhưng nó đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận kéo dài từ hơn hai thế kỉ nay[2]. Có ít nhất hai cách hiểu khác nhau thành ngữ này – một cách hiểu rất tán đồng tự do thương mại và toàn cầu hoá, và một cách dè dặt hơn đối với hệ thống này.

Friedrich Hayek (1899-1992)
Milton Friedman (1912-2006)

Theo luận điểm phổ biến nhất, Smith hiểu “bàn tay vô hình” như là “giá cả thị trường”, các giá này hướng dẫn nhà đầu tư, gần như là “cầm tay chỉ việc” anh ta. Chính theo cách hiểu này mà Milton Friedman (1912-2006) kiến giải “bàn tay vô hình” trong tham luận tại hội thảo do Mont Pellerin Society tổ chức năm 1976 nhân kỉ niệm hai trăm năm xuất bản Của cải của các dân tộc. “Đối với chúng tôi, tầm quan trọng của Smith, kì tích của ông là – như Friedrich Hayek và nhiều tác giả khác đã nêu lên một cách thuyết phục – học thuyết “bàn tay vô hình”, tầm nhìn của ông về cách mà các hành động tự nguyện của hàng triệu người có thể được phối hợp nhờ một hệ thống giá cả phi tập trung [a price system without central direction][3] [Friedman, 1976, trang 11]. Giá cả của thị trường tự do có thể hướng dẫn hành động của con người tốt đến mức không cần đến (hoặc hiếm khi cần đến) sự can thiệp của Nhà nước. Như vậy “bàn tay vô hình” biện hộ cho sự “không can thiệp” và cho “tự do kinh doanh” (“laisez-faire”).

Print Friendly and PDF

23.9.23

Tổng kết dự án Nanocovax

TỔNG KẾT DỰ ÁN NGHIÊN CỨU – PHÁT TRIỂN THUỐC CHỦNG NGỪA COVID "MADE IN VN"

ĐẶNG Đình Cung
Kỹ sư tư vấn

Trong suốt hai năm 2021 và 2022 báo trong nước đã đăng nhiều bài về diễn biến của dự án R&D (Research and Development, Nghiên cứu – Phát triển) thuốc chủng Nanocovax rút cục đã thất bại. Đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin cho phép báo chí đăng nhiều tin tức như thế về một thất bại. Chúng tôi nắm cơ hội viết thành một nghiên cứu tình huống (case study) trình bày diễn biến của một dự án tiêu biểu của rất nhiều dự án trong nước đã thất bại mà chúng tôi được biết đến.

Chúng tôi viết về quản lý của một dự án R&D chứ không viết về những vấn đề hàn lâm của một ngành khoa học – kỹ thuật nào mà chúng tôi không biết y tờ gì cả.

Phần I – Bước tiến tới thất bại

Năm 2020, dịch Covid lan tràn trên toàn cầu theo bốn đợt tính từ Tết 2020, đạt đỉnh cao vào tháng hai 2022 và có thể coi là đã chấm dứt cuối hè đầu thu 20221.

Chúng ta đã dễ dàng đẩy lùi được hai đợt dịch Covid, phần vì trong thân thể người Việt hình như có chất gì kháng vi-rút mà các nhà khoa học chưa lý giải được, phần vì Chính phủ đã đóng cửa biên giới ngay ngày hôm sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, World Health Organization) tuyên bố có đại dịch và đã làm theo đúng khuyến nghị dãn cách xã hội của tổ chức này2: Trong ba đợt đầu, Chính phủ đã có một chính sách thân thiện (convivial). Nhưng trong đợt bốn thì không hiểu sao Chính phủ lại áp dụng một chính sách hành hạ dân một cách vô ích chép theo chính sách hà khắc của Trung Quốc.

Về tiêm chủng thì chúng ta đã chủ quan chờ để dùng một thuốc chủng "Made in VN", mà lãnh đạo cũng như nhân dân đặt nhiều mong đợi. Hỡi ôi, dự án này đã thất bại. Do đó mà chúng ta đã phải cấp tốc đặt mua thuốc ngoại. Nhưng các nước giàu đã vơ vét tất cả các liều thuốc chủng trên thị trường và chúng ta đã phải khởi động chiến dịch “ngoại giao vắc-xin”, nghĩa là đi xin, vay và mua lại những liều thuốc vẫn còn hạn dùng mà các nước khác còn thừa sau khi đã tiêm chủng toàn dân họ3.

Print Friendly and PDF

21.9.23

Liệu Trung Quốc có thể trở thành nước dẫn đầu công nghệ thế giới?

LIỆU TRUNG QUỐC CÓ THỂ TRỞ THÀNH NƯỚC DẪN ĐẦU CÔNG NGHỆ THẾ GIỚI?

Hubert Testard[*]

(Nguồn: Engadget)

Từ hai năm nay, Hoa Kỳ đã tăng cường hạn chế xuất khẩu và đầu tư vào Trung Quốc. Với tham vọng được nêu lên rõ ràng là duy trì lợi thế lớn nhất có thể trong các công nghệ chủ yếu – đặc biệt là chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Cú sốc đối với ngành công nghiệp Trung Quốc rất dữ dội, thể hiện qua sự suy sụp lợi nhuận của Huawei, với mức giảm lũy kế là 84% từ năm 2020 đến năm 2022. Tuy nhiên, nhiều báo cáo mang tính báo động khác nhau về chiều rộng của sự bắt kịp công nghệ của Trung Quốc đã được công bố trên các tạp chí Anglo-Saxon, nhấn mạnh đển sự trỗi dậy của sự lãnh đạo công nghệ (của Trung Quốc) trong nhiều lĩnh vực. Cuộc chiến bán dẫn sẽ trì hoãn việc bắt kịp này và vị thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này dường như được đảm bảo đến năm 2030. Đối với chân trời năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sự không chắc chắn còn lớn hơn nhiều và cuộc đánh cuộc có thể bắt đầu.

Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, không giấu giếm ý định của chính quyền Mỹ: “Hoa Kỳ phải duy trì lợi thế trên diện rộng nhất có thể trước Trung Quốc về một số công nghệ chủ yếu, đặc biệt là chất bán dẫn.” Tham vọng này ngầm báo hiệu mối lo ngại thực sự về mức độ bắt kịp mà Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện.

CỔ XE LĂN CỦA SỰ BẮT KỊP CỦA TRUNG QUỐC

Nỗi ám ảnh về việc bắt kịp công nghệ trên thực tế là lĩnh vực duy nhất mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình qua Đặng Tiểu Bình. Sự phát triển của nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R/D) phản ánh tính liên tục trong chính sách của Trung Quốc và sự giật mình của Mỹ kể từ năm 2017, với khoảng cách vẫn còn đáng kể giữa hai nước.

Print Friendly and PDF

19.9.23

Thế kỷ cực đoan

THẾ KỶ CỰC ĐOAN

Diễn giả: Eric John Hobsbawm
Ghi chép tóm tắt: Tôn Thất Thông

DĐKP giới thiệuEric Hobsbawm là một trong những nhà sử học tiếng tăm nhất nước Anh, có lẽ cả châu Âu, nếu không nói là cả thế giới. Mặc dù bài diễn văn này đã được trình bày cách đây 25 năm ở đại học Konstanz, nhưng nội dung vẫn mang tính thời sự cho những ai muốn phân tích vài khía cạnh trong lịch sử thế kỷ 20. Eric Hobsbawm là tác giả bộ lịch sử gần 1.800 trang nói về 200 năm thời kỳ cận đại châu Âu, gồm bốn tập. Tập sau cùng có tựa đề là The Age of Extremes. The short twentieth century 1914–1991 mà một phần của nó là chủ đề bài diễn văn này.

***

Người điều phối TV: Hôm nay, quý vị đang nghe một bài diễn văn từ năm 1998, được ghi lại tại Đại học Konstanz. Nhà sử học GS.TS. Eric John Hobsbawm đã giảng dạy tại Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts MIT, Đại học Cornell, Đại học London, College de France và New School for Social Research ở New York. Ông qua đời năm 2012 ở tuổi 95. Trong diễn từ này, GS TS Eric John Hobsbawm phát biểu về chủ đề thế kỷ cực đoan.

Eric John Hobsbawm (1917-2012)

Điều gọi là thế kỷ ngắn ngủi bắt đầu từ năm 1914 với sự sụp đổ của thế giới tự do tư sản trong thế kỷ 19, tức là với thời đại thảm khốc khoảng 30 đến 40 năm vào cuối thế kỷ đó. Trong thế kỷ ngắn ngủi của chúng ta, mọi thứ đều tồi tệ đối với thế giới cũ. Các cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc khủng hoảng toàn cầu, các cuộc cách mạng xã hội mà trước hết là cách mạng Nga, sau đó được mở rộng thành một mô hình thế giới, rồi sự sụp đổ của nhà nước pháp quyền tư sản dân chủ gần đây, vốn xét cho cùng hầu như chưa thực sự tồn tại trong thế kỷ này, nhưng người ta vẫn tiếp tục xây dựng nó. Và trên hết, thế giới của thế kỷ chúng ta đang bị hủy hoại, không chỉ về mặt chính trị và kinh tế, mà còn về mặt xã hội. Tất cả giống một điều gì đó hoàn toàn mới lạ và bất ngờ.

Print Friendly and PDF

17.9.23

Uông Huy (Wang Hui) và cánh tả mới

UÔNG HUY (WANG HUI) VÀ CÁNH TẢ MỚI

Những học thuyết ở Trung Quốc thời Tập Cận Bình/Hồi 17

Lãnh đạo Cánh Tả Mới của Trung Quốc và của tạp chí học thuật có ảnh hưởng nhất của đất nước, Wang Hui/Uông Huy là một tiếng nói nổi bật trong các diễn ngôn học thuật, văn hóa và chính trị ở Trung Quốc. Từng là một phái tư tưởng thể hiện sự chỉ trích đối với các cải cách kinh tế của Đảng, Cánh Tả Mới đã phần lớn từ bỏ quan điểm phê phán đối với Nhà nước để trở thành một ống loa khuếch đại cho tư tưởng của chế độ hiện tại. Để phản ánh sự thay đổi mô hình này, trong văn bản dưới đây Uông đề xuất một cách viết lại sự trỗi dậy của Trung Quốc - gần với đường lối của Đảng hơn nhiều.

DAVID OWNBY[*]

IMAGE © ZHANG KECHUN, “THE YELLOW RIVER”

David Ownby: Ngay cả khi ông từ chối danh hiệu này, Wang Hui/Uông Huy (, sinh năm 1959) vẫn được coi là nhà lãnh đạo Cánh Tả Mới của Trung Quốc. Là giáo sư ngôn ngữ và văn học Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, ông đã nghiên cứu về Lỗ Tấn 鲁迅 (1881-1936), nhà văn hiện đại nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Nhưng Uông cũng đã xuất bản về nhiều chủ đề, bao gồm lịch sử, triết học, địa chính trị và kinh tế, cũng như văn học, giống như các học giả hậu hiện đại dấn thân ở phương Tây. Lĩnh vực của ông, theo nghĩa rộng nhất, là “diễn ngôn”. Đã có bản dịch tiếng Anh một số tác phẩm chính của ông[1], nhưng vẫn còn nhiều tác phẩm cần được dịch, trong đó đặc biệt có tác phẩm bốn tập có ảnh hưởng nhiều của ông: Sự trỗi dậy của tư tưởng Trung Quốc hiện đại/The Rise of Modern Chinese Thought[2] (现代中国思想的兴起).

Uông Huy (1959-)

Cánh Tả Mới ra đời vào những năm 1990 như một hình thức chống lại chủ nghĩa tân tự do. Phần lớn sự phản kháng này hoàn toàn mang tính chất trí tuệ, được thúc đẩy bởi sự kiêu ngạo được nhận thức trong các tác phẩm như Sự kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng/The End of History and the Last Man của Francis Fukuyama, vốn cho rằng “chiến thắng” của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh có nghĩa là chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do đã chiến thắng, rằng không còn có lựa chọn nào khác cho nhân loại. Sự sỉ nhục càng trở nên thực tế hơn bởi các cuộc cải cách thị trường đang diễn ra của Trung Quốc trong những năm 1990, những cuộc cải cách đe dọa gạt bỏ di sản xã hội chủ nghĩa của đất nước để theo đuổi sự phát triển điên cuồng bằng mọi giá. Đối với nhiều người, “chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc” trông giống chủ nghĩa tư bản một cách kỳ lạ, vốn dường như gây nguy hiểm cho cả đảng, bị tha hóa bởi những cơ hội mới để kiếm tiền nhanh chóng, lẫn cho người dân, những người thường bị bỏ rơi bên lề đường.

Cánh Tả Mới là “mới” ở chỗ nó khác với “cánh tả” cũ hơn, bảo thủ hơn, chưa bao giờ thực sự tán thành chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình hay sự mở cửa ra phương Tây. Cánh Tả Mới - một biệt danh do các đối thủ theo chủ nghĩa tự do của họ chọn nhằm cố gắng làm mất uy tín của họ - ngược lại là hiện đại, thậm chí là hậu hiện đại và được quốc tế hóa. Hầu như tất cả các thành viên nổi bật của nhóm đã lợi dụng sự dấn thân của Trung Quốc vào thế giới để sang nghiên cứu ở phương Tây - thường là ở Hoa Kỳ - và họ đã bị thu hút bởi nhiều trào lưu lý thuyết phê bình phổ biến trong giới học thuật cánh tả của thời kỳ ấy: chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu thực dân, chủ nghĩa hậu cấu trúc — thường được rút gọn thành “chủ nghĩa hậu” ở Trung Quốc. Họ đã nhanh chóng chiếm lấy từ vựng này và áp dụng nó vào tình hình của Trung Quốc.

Antonio Gramsci (1891-1937)
James Meade (1907-1995)

Ba đặc điểm cơ bản đã xác định Cánh Tả Mới của Trung Quốc trong những năm 1990 và hầu hết những năm 2000. Trước hết, các đại diện của nó chống lại chủ nghĩa tân tự do, cả trong diễn ngôn bá quyền về “sự kết thúc của lịch sử” và trong thách thức mà nó tiêu biểu đối với di sản của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc ở cấp cơ sở. Thứ hai, các nhà tư tưởng Cánh Tả Mới đã rất sáng tạo trong việc tìm kiếm những khả năng mới trong các chuẩn mực xã hội chủ nghĩa, ở Trung Quốc và những nơi khác. Tất nhiên, nếu họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, thì họ cũng đã đọc lại Marx, Proudhon, John Stuart Mill, James Meade, Antonio Gramsci, Roberto Unger… và Mao Trạch Đông, trong nỗ lực gợi ý rằng các thế giới quan khác với chủ nghĩa tân tự do không chỉ đáng mong muốn mà còn có thể có. Các thử nghiệm quy mô lớn được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Bạc Hy Lai (薄熙来, b.1949) ở Trùng Khánh, vốn tuyên bố kết hợp sự phát triển nhanh chóng với việc phục vụ “người dân” - tức là những người kém may mắn hơn - vừa truyền cảm hứng cho vừa được truyền cảm hứng từ Cánh Tả Mới. Thôi Chi Nguyên (崔之元, sinh năm 1963), một thành viên nổi bật khác của Cánh Tả Mới, đã nghỉ việc với tư cách là nhà khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa để làm việc trong chính quyền Trùng Khánh. Cuối cùng, Cánh Tả Mới trong thời kỳ này thường thực sự chỉ trích kết quả của chính sách cải cách và mở cửa, tố cáo sự tham nhũng của cái mà họ coi là chủ nghĩa tư bản thân hữu và nhấn mạnh đến sự xói mòn không ngừng của các biện pháp bảo vệ người nghèo.

Chính vào thời điểm này, từ một giáo sư, Uông Huy đã nổi tiếng trở thành một trí thức của công chúng. Từ năm 1996 đến năm 2007, ông là biên tập viên của tạp chí văn học quan trọng nhất của Trung Quốc, Độc Thư (读书). Ông đã xuất bản về nhiều chủ đề đáng kinh ngạc, bao gồm cả văn học - với các bài báo về Lỗ Tấn[3] và Mao Thuẫn[4] - lịch sử - với các bài viết về Lương Khải Siêu[5] và Phong Trào 4-Tháng 5[6] - bản chất của Tính hiện đại của Trung Quốc - và tính hiện đại nói chung[7] - và bản sắc của châu Á[8], cũng như các vấn đề liên quan đến chương trình cải cách của Trung Quốc đương đại[9].

Tuy nhiên, danh tiếng của Uông không được nhất trí thừa nhận. Tất nhiên ông đã gây thù chuộc oán, và giọng điệu chỉ trích của ông trở nên sắc bén hơn sau những cuộc tranh luận gay gắt với những người theo chủ nghĩa tự do trong những năm 1990 và 2000. Ông bị buộc tội tự trao giải thưởng Độc Thư Trường Giang về Văn học năm 2000, vì ông là tổng biên tập của tạp chí đã trao giải[10]. Ông bị buộc tội đạo văn và kém uyên bác.

Văn bản được dịch ở đây[11] báo hiệu một bước tiến quan trọng trong tư tưởng của Uông Huy và của Cánh Tả Mới nói chung: trong thập kỷ qua, Cánh Tả Mới phần lớn đã từ bỏ phần lớn quan điểm phê phán của mình đối với kinh tế chính trị và đối với Nhà nước Trung Quốc và đã trở thành một loại cơ chế tiếp sức đơn giản cho chế độ hiện tại và các chính sách của nó. Quá trình này đã không diễn ra suôn sẻ. Như đã đề cập ở trên, Cánh Tả Mới đã bảo vệ mạnh mẽ mô hình Trùng Khánh, và khi Bạc Hy Lai mất quyền lực vào năm 2012, Uông Huy đã xuất bản một bài báo phê bình vạch trần các âm mưu của phe tân tự do đằng sau các sự kiện[12]. Văn bản dưới đây được xuất bản vào năm 2010, cho thấy rằng Uông đã giảng hòa với chế độ. Hai sự kiện khiến Uông thay đổi ý kiến là việc Trung Quốc vươn lên vị thế cường quốc - và sự suy giảm có thể nhận thấy của phương Tây - và việc Tập Cận Bình lên nắm quyền chủ tịch nước.

Sự vươn lên vị thế cường quốc của Trung Quốc đã mang lại một nội dung vững chắc cho khái niệm vốn một thời bị coi là kỳ quặc về “mô hình Trung Quốc”. Nếu mô hình Trung Quốc là hiện thực, thì quyền bá chủ của chủ nghĩa tân tự do, cũng như sự Đồng thuận Washington và trường phái Chicago về kinh tế thị trường không còn là những mô hình phổ quát nữa. Đối với Uông, đây là một sự thay đổi triệt để, một sự thay đổi hệ chuẩn, một thời khắc lịch sử. Hơn nữa, Tập Cận Bình dường như quyết tâm rằng chủ nghĩa xã hội sẽ vẫn là một yếu tố mấu chốt của giấc mơ Trung Quốc trong tương lai, ngay cả khi ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội của ông không được rõ ràng. Với những thay đổi này, việc bảo vệ Trung Quốc khỏi chủ nghĩa tân tự do không còn là mục tiêu chính của Uông, và văn bản của ông nên được đọc như là một nỗ lực để trình bày một cách hiểu mới về quá khứ, hiện tại và tương lai của Trung Quốc dưới ánh sáng của sự suy tàn của hiểm họa tân tự do.

Theo tôi, điều này giải thích giọng nghiêm trang kỳ lạ của văn bản của Uông, của những khoảng lặng và những chỗ ngắt của nó. Uông chân thành cố gắng tìm ra một cách nhìn mới về thế giới sau cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tân tự do. Tất nhiên, phần lớn nội dung của văn bản vẫn là sự tố cáo chủ nghĩa tân tự do, nhưng đó là bởi vì nó phải trình bày một câu chuyện mới về sự thành công của Trung Quốc trong bối cảnh của hệ chuẩn cũ.

Cường Thế Công (1967-)

Uông khẳng định, thành công của Trung Quốc phụ thuộc trên hết vào việc Trung Quốc đã giành được chủ quyền, điều đã cho phép Trung Quốc đi theo con đường riêng của mình, bất chấp áp lực từ các thế lực bá quyền cánh tả và cánh hữu. Jiang Shigong (Cường Thế Công) đưa ra lập luận tương tự trong cuốn sách Triết học và Lịch sử/Philosophie et histoire của mình. Thứ hai, tầm quan trọng của lý thuyết và thực tiễn. Ở đây, Uông khẳng định nguồn gốc Mác-xít và Maoít của mình, đồng thời nhấn mạnh rằng lịch sử chính trị của phong trào cộng sản ở Trung Quốc không thể được đọc như một lịch sử của một cuộc đấu tranh bè phái, mà là một loạt các cuộc tranh luận lý thuyết được giải quyết bằng “thực tiễn – một uyển ngữ để nói về Bước Đại nhảy vọt… Thứ ba, ở một cấp độ diễn ngôn khác, Uông nhắc lại Vương Thiếu Quang khi trích dẫn bằng chứng rằng giới lãnh đạo thời hậu Mao, sau khi tán tỉnh chủ nghĩa tân tự do, đã quay trở lại với nhân dân. Cụ thể, điều này đề cập đến một số cải cách thường gắn liền với thời Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo (2002-2013): ba vấn đề nông thôn, cải cách chăm sóc sức khỏe, cải cách hệ thống doanh nghiệp Nhà nước. Những biện pháp này cho thấy một cam kết xã hội chủ nghĩa đổi mới, và khi được kết hợp với kỹ năng mà chế độ đã chứng tỏ trong sự quản lý cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – cộng thêm vào trận động đất ở Mân Xuyên và các cuộc bạo động ở Tây Tạng — theo Uông, chúng mang lại hy vọng lớn về tương lai.

Uông duy trì tinh thần phê phán và từ chối công bố một hệ chuẩn mới táo bạo. Tuy đúng, những phê phán của ông đều quen thuộc. Trung Quốc cần rời xa nền kinh tế định hướng xuất khẩu và tạo ra một thị trường nội địa. Trung Quốc nên đặc biệt chú ý đến các vấn đề môi trường của mình, đây cũng là những vấn đề toàn cầu. Khi Uông hỏi “Trung Quốc nên có loại hình dân chủ nào?” giọng điệu của ông rất nghiêm túc. Từ lâu, ông đã cảnh báo rằng nền dân chủ tân tự do không dân chủ chút nào, nhưng tố cáo đối thủ là một chuyện, còn quảng bá mô hình của chính bạn lại là một chuyện khác. Khi hình dung lại quá khứ, hiện tại và tương lai của Trung Quốc dưới ánh sáng của sự thất bại của chủ nghĩa tân tự do, ông vẫn chưa biết sự cam kết của Cánh Tả Mới đối với nền dân chủ nên có hình thức cụ thể nào. Nhưng rõ ràng ông đã quyết định rằng ông sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trong các cơ quan của Đảng — bằng cách trở thành một thành viên trong đội ngũ của Tập Cận Bình — và thực hiện giấc mơ Trung Hoa từ bên trong.

Print Friendly and PDF