29.6.23

Làm thế nào để sử dụng Google cho việc dự báo hoạt động kinh tế của các nước?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỬ DỤNG GOOGLE CHO VIỆC DỰ BÁO HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CỦA CÁC NƯỚC?

Anna Simoni, giám đốc nghiên cứu tại CNRS và là giáo sư Kinh trắc học và Thống kê tại ENSAE (IP Paris)

Tóm tắt

     Trong nhiều năm qua, những dữ liệu Google từ các công cụ tìm kiếm trên trang mạng Google đã được sử dụng để giám sát hoặc dự báo hoạt động kinh tế của các quốc gia.

     Các dữ liệu này, luôn có sẵn để sử dụng hàng tuần, đáp ứng nhu cầu về tốc độ thông tin, do các chỉ báo truyền thống, chẳng hạn như GDP, mất nhiều thời gian hơn để biết được thông tin.

     Các công cụ tìm kiếm Google là một chỉ báo thú vị về sức khỏe kinh tế, do chúng cho thấy khả năng, giống như ý muốn, tiêu dùng của người dùng Google.

·         Các chỉ báo từ Google tỏ ra đặc biệt thích đáng trong thời kỳ khủng hoảng, do chúng phản ứng nhanh với những thay đổi của nền kinh tế.

Vì sao các nhà nghiên cứu và các định chế, chẳng hạn như tổ chức OECD, lại sử dụng các dữ liệu Google để dự báo hoạt động kinh tế của các quốc gia? Nó đáp ứng nhu cầu gì?

Thông thường, để đưa ra một dự báo kinh tế vĩ mô, chúng ta sử dụng những dữ liệu có nguồn gốc, ví dụ, từ các ngân hàng trung ương hoặc các viện nghiên cứu thống kê như INSEE. Các dữ liệu này cung cấp rất nhiều thông tin, nhưng chúng không có sẵn để sử dụng ngay lập tức. Đó là lý do vì sao chúng ta quan tâm đến các nguồn dữ liệu khác, có thể cung cấp thông tin theo thời gian thực.

Ví dụ, nếu một nhà hoạch định chính sách kinh tế cần ra quyết định phục hồi nền kinh tế, thì ông ta phải biết tình trạng nền kinh tế hiện tại của đất nước. Với các dữ liệu chính thức có được, thì công việc trên là điều bất khả. GDP là một chuỗi dữ liệu được đo lường theo quý, được công bố, trung bình, một tháng rưỡi sau khi kết thúc quý có liên quan. Vì thế, việc điều chỉnh các chính sách kinh tế ngay lập tức là điều bất khả. Việc sử dụng các nguồn lựa chọn thay thế, trong đó có Google, thực sự là một ý tưởng tốt để giải quyết vấn đề chậm trễ khi sử dụng các dữ liệu chính thức.

Print Friendly and PDF

27.6.23

Diễn văn truyền cảm hứng của CEO NVIDIA Jensen Huang

DIỄN VĂN TRUYỀN CẢM HỨNG CỦA CEO NVIDIA JENSEN HUANG 

TẠI LỄ MÃN KHÓA CỦA ĐẠI HỌC QUỐC GIA ĐÀI LOAN

Ngày 27/5/2023

Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ

Lời nói đầuĐây là bài diễn văn truyền cảm hứng và đánh thức, kêu gọi, với các minh triết tích lũy từ hoạt động của chính mình của CEO NVIDIA Jensen Huang, Hoàng Nhân Huân, tại lễ mãn khóa của Đại học Quốc gia Đài Loan. Ông là người Mỹ gốc Đài Loan, một trong những sáng lập viên Cty NVIDIA, được thành lập năm 1993, đến nay tròn 30 năm, nhưng trong thời gian ngắn này có vốn hóa lên đến nghìn tỷ đô la Mỹ (Apple: 2,76 nghìn tỷ), một sự tăng trưởng kinh ngạc. Ông Jensen Huang từng có nhiều bài nói chuyện trước sinh viên như thế ở Mỹ rất đáng nghe. Có thể nói, ông là một trí thức công chúng. Nhưng bài nói chuyện này khái quát những cột mốc quan trọng trong hành trình của ông dẫn từ thất bại đến thành công, có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, và truyền đạt nhiều bài học quý báu của bản thân đáng tham khảo cho các thế hệ sau.

Triết lý của ông trước thất bại: khiêm tốn thừa nhận, kêu cầu sự giúp đỡ, và đứng dậy, can đảm làm lại cái mới, tiếp tục đổi mới sáng tạo. Đó cũng chính là triết lý nền tảng của Thung lũng Silicon. Và cần tỉnh táo trong thành công cám dỗ, để thực hiện đúng tầm nhìn của mình.

Bài diễn văn này kết thúc bằng lời kêu gọi Hãy chạy. Đừng đi. Hãy nhớ rằng, hoặc bạn đang chạy để kiếm thức ăn, hoặc bạn đang chạy trốn khỏi cái trở thành thức ăn. Hết sức thôi thúc trong thời giông bão. Điều đó làm tôi nhớ lại khẩu hiệu kết luận của Steve Jobs trong diễn văn tốt nghiệp tại Đại học Stanford của ông gần hai mươi năm trước: Stay hungry. Stay foolish. Hãy sống khao khát. Hãy sống điên rồ. Điên rồ với những đam mê của mình. Đó là thời big bang của lịch sử công nghệ cao mà con người không bao giờ có đủ thời gian cho đam mê, cho khám phá. Khao khát tiếp tục khao khát. Điên rồ tiếp tục điên rồ. Một tiên đề của khám phá và thành công là đam mê, và sống hết mình cho nó.

Thật có nhiều điều đáng để suy ngẫm, từ sinh viên cho đến những nhà lập chính sách phát triển. Chúng ta quả đang sống trong thời Sturm und Drang. Mọi thứ đều phát triển như bay. Nhưng đó là zeitgeist. Chén cơm phải được giành lấy từ mồ hôi công nghệ.

Print Friendly and PDF

25.6.23

Nghiên cứu về 2.400 ngôn ngữ cho thấy gần một nửa sự đa dạng ngôn ngữ của thế giới đang bị đe dọa

NGHIÊN CỨU VỀ 2.400 NGÔN NGỮ CHO THẤY GẦN MỘT NỬA SỰ ĐA DẠNG NGÔN NGỮ CỦA THẾ GIỚI ĐANG BỊ ĐE DỌA

Nguồn: Shutterstock

Có hơn 7.000 ngôn ngữ trên thế giới và ngữ pháp của chúng có thể khác nhau rất nhiều. Những khác biệt này là điều mà các nhà ngôn ngữ học quan tâm vì chúng cho ta biết về lịch sử, khả năng nhận thức của chúng ta và ý nghĩa của việc làm người.

Nhưng sự đa dạng tuyệt vời này đang bị đe dọa khi ngày càng có nhiều ngôn ngữ không được dạy cho trẻ em và dần chìm vào giấc ngủ nghìn thu.

Trong bài báo mới đăng trên tạp chí Science Advances, chúng tôi đã ra mắt một cơ sở dữ liệu phong phú về ngữ pháp ngôn ngữ tên là Grambank. Với tài nguyên này, chúng ta có thể trả lời nhiều câu hỏi nghiên cứu về ngôn ngữ và xem liệu ta còn mất thêm bao nhiêu sự đa dạng về ngữ pháp nếu cuộc khủng hoảng không dừng lại.

Những phát hiện của chúng tôi thật đáng báo động: ta đang đánh mất nhiều ngôn ngữ, ta đang đánh mất sự đa dạng ngôn ngữ, và trừ phi chúng ta làm gì đó, nếu không những cửa sổ nhìn vào lịch sử tập thể sẽ đóng lại.

Print Friendly and PDF

24.6.23

Vì sao các ý tưởng về “giới hạn hành tinh” phải ủng hộ công lý môi trường

VÌ SAO CÁC Ý TƯỞNG VỀ “GIỚI HẠN HÀNH TINH” PHẢI ỦNG HỘ CÔNG LÝ MÔI TRƯỜNG

Bài xã luận trên tạp chí Nature

Ranh giới về hệ thống trái đất xác định một không gian hoạt động an toàn cho nhân loại. Việc tính đến những người dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh đưa ra một cảnh báo ảm đạm về những việc còn phải làm.

Thời tiết khắc nghiệt, như đã xảy ra ở Bangladesh, đang có tác động không cân xứng lên các cộng đồng dễ bị tổn thương. Bản quyền ảnh: Tanbir Miraj/AFP/Getty

Hành tinh chúng ta có bao nhiêu ranh giới sinh vật lý? Đâu là giới hạn, ví dụ của lượng khí thải carbon dioxide, axit hóa đại dương, hóa chất và ô nhiễm không khí, mà khi vượt quá giới hạn đó thì sẽ trở nên không an toàn cho Trái đất và cư dân?

Trở lại năm 2009, một nhóm các nhà nghiên cứu do nhà khoa học môi trường Johan Rockström dẫn đầu đã phải vật lộn với những câu hỏi nói trên trong một bài báo được đăng trên tạp chí Nature (J. Rockström et alNature 461, 472–475; 2009). Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, những hoạt động làm thay đổi hành tinh con người có thể được tập hợp thành 9 nhóm. Họ đã tính đến những ngưỡng giới hạn đối với hầu hết các vấn đề nói trên, mà khi vượt qua các ngưỡng giới hạn đó, thì có thể gây nguy hiểm cho hành tinh và con người. Các nhà khoa học đã kết luận rằng nhân loại đã vượt qua ba trong số chín “giới hạn hành tinh” này, và sẽ vượt qua sáu giới hạn còn lại trừ khi có hành động khắc phục hậu quả.

Print Friendly and PDF

23.6.23

Những ồn ào của các chuyên gia truyền thông đã gây nhiều tai hại

NHỮNG ỒN ÀO CỦA CÁC CHUYÊN GIA TRUYỀN THÔNG ĐÃ GÂY NHIỀU TAI HẠI

Tác giả: Clément Boulle

Giám đốc điều hành của Polytechnique Insights

Mathias Girel

Triết gia, giảng sư tại ENS-PSL kiêm giám đốc Centre d’archives en philosophie, histoire et édition des sciences (CAPHES) - Trung tâm lưu trữ về triết học, sử học và xuất bản khoa học

Tóm tắt

·         Sự nghi ngại hiện nay đối với khoa học có thể được khơi dậy bởi những biểu hiện khác nhau làm ta lo lắng.

·         Do đó, vai trò của các khuyến nghị khoa học trong việc thiết lập những biện pháp chống lại coronavirus làm gay gắt thêm những phê phán cáo buộc tính chính trị của khoa học.

·         Mặt khác, ta nhận thấy có một sự lẫn lộn trong truyền thông, theo đó các chuyên gia “trong khoa học” nêu ra ý kiến của họ về những vấn đề không nhất thiết thuôc về lĩnh vực chuyên môn của họ. Đối với Mathias Girel (ENS-PSL), điều đó làm mất uy tín của cộng đồng khoa học và làm suy giảm hình ảnh của nó.

Ta không còn đếm được nữa số lượng các chương trình phát thanh/truyền hình, các hội thảo hay bài báo nói về một sự gia tăng giả định của sự nghi ngại đối với khoa học. Việc này gợi cho ông điều gì?

Đây đúng là một chủ đề thường gặp. Các cuộc điều tra dư luận lại làm xuất hiện một thực tế tương phản hơn: khi câu hỏi mang tính chung chung (“Bạn có tin cậy các nhà nghiên cứu của các tổ chức công cộng để nói lên sự thật về các chủ đề nghiên cứu của họ?”), hai phần ba những người được thăm dò đã khẳng định là có; viễn cảnh có thể là u tối hơn nhiu, đặc biệt là đối với những chủ đề về y tế[*]. Dù sao, một cách chung, sự nghi ngại đối với khoa học là thấp hơn sự nghi ngại đối với các nhân vật chính trị. Thế nhưng tôi không nghĩ rằng có một sự nghi ngại đối với khoa học “nói chung”, và nên xem xét lỹ lưỡng từng hồ sơ.

Xin ông giải thích cho chúng tôi điều ấy!

Print Friendly and PDF

21.6.23

Bước rẽ hướng: Đảng Cộng sản Trung Quốc và Thung lũng Silicon đang hoạt động cho một tương lai hậu nhân loại

TIỂU LUẬN VỀ CÁC HỌC THUYẾT. SỨC MẠNH CỦA AI
BƯỚC RẼ HƯỚNG: ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC VÀ THUNG LŨNG SILICON ĐANG HOẠT ĐỘNG CHO MỘT TƯƠNG LAI HẬU NHÂN LOẠI

Ở đâu đó trong sự thống trị vô hình của các dữ liệu, các nhà khoa học máy tính tại MIT đang hiện thực hóa giấc mơ của các pháp gia Trung Quốc. Vẫn có thể thoát khỏi sự kìm kẹp của gọng kìm này: chúng ta phải nghĩ đến một nghệ thuật sống trực tuyến của châu Âu.

Một tiểu luận về học thuyết của Giuliano da Empoli.

Giuliano da Empoli[*]

***

Sau mười điểm giới thiệu của Victor Storchan, tiểu luận về học thuyết này của Giuliano da Empoli là tập đầu tiên của loạt bài "Sức mạnh của AI" của chúng tôi, các tập sau sẽ được xuất bản vào mỗi thứ Sáu hàng tuần trên Le Grand Continent.

Với đèn giao thông thông minh, thiết bị phát hiện ô nhiễm được điều chỉnh tốt, chiều kích vị lai thú vị của nó, thành phố thông minh (smart city) chỉ để lộ bộ mặt thật của nó khá muộn.

Vào một ngày tháng 8 năm 2019, người Hồng Kông đã phát hiện ra mục đích thực sự của các camera chụp ảnh nhiệt, các thiết bị rà soát Bluetooth, các cảm biến đỗ xe và các điểm truy cập Wi-Fi. Sau đó, họ bắt đầu bọc thẻ ID của mình trong giấy nhôm, tháo pin khỏi điện thoại và đánh lừa sự cảnh giác của các máy ảnh bằng cách bắn tia laser vào chúng.

Cuộc vận động của Hồng Kông chống lại việc ĐCSTQ dần dần nắm quyền ở thuộc địa cũ của Anh đã tạo ra một số hình ảnh mang tính biểu tượng. Một bức ảnh cho thấy một người biểu tình tấn công một trong những "cây đèn đường thông minh" mới do chính quyền thành phố lắp đặt bằng cưa cột điện. Đầu tiên, chúng ta thấy một đám tia lửa, sau đó những người biểu tình khác luồn một nút thắt quanh cột đèn để cuối cùng hạ nó xuống, giữa tiếng hò reo chiến thắng của đám đông. Số phận đáng buồn cho một vật thể nhân tạo được cho là sẽ làm cho công dân "hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, thông minh hơn và thịnh vượng hơn" như đã nêu trong "Kế hoạch về thành phố thông minh" ("Smart City Blueprint") do chính quyền Hồng Kông công bố vào năm 2017[1]. Tuy nhiên, sự thay đổi của Hồng Kông có thể có một điều gì đó thiết yếu để cho chúng ta biết về bản chất thực sự của thời đại mà chúng ta đang sống.

Print Friendly and PDF

19.6.23

Có phải 1% người mắc COVID-19 tử vong nghĩa là có 1% khả năng bạn sẽ chết nếu mắc bệnh?

CÓ PHẢI 1% NGƯỜI MẮC COVID-19 TỬ VONG NGHĨA LÀ CÓ 1% KHẢ NĂNG BẠN SẼ CHẾT NẾU MẮC BỆNH?

LỜI GIẢI THÍCH TỪ MỘT NHÀ TOÁN HỌC VỀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THỐNG KÊ TRÊN MỘT TỔNG THỂ VÀ RỦI RO CÁ NHÂN CỦA BẠN

Nguy cơ tử vong do COVID-19 khác nhau ở mỗi người. Jasmin Merdan/Getty Images

Tính đến tháng 4 năm 2023, khoảng 1% số người nhiễm COVID-19 đã tử vong. Có phải điều đó nghĩa là bạn có 1% nguy cơ chết vì COVID-19?

Con số 1% là cái mà các nhà dịch tễ học gọi là tỷ lệ chết bệnh (case fatality rate - CFR), tính bằng cách chia số ca tử vong được xác nhận do COVID-19 cho tổng số ca mắc bệnh đã được xác nhận. Tỷ lệ chết bệnh là một thống kê hoặc điều gì đó được tính toán từ một tập dữ liệu. Cụ thể, loại thống kê này được gọi là tỷ lệ mẫu, đo lường tỷ lệ dữ liệu đáp ứng một số tiêu chí – trong trường hợp này là phần ca bệnh COVID-19 kết thúc bằng cái chết.

Mục tiêu của việc tính toán một thống kê như tỷ lệ chết bệnh thường là để ước tính một phần chưa biết. Trong trường hợp này là, nếu tất cả mọi người trên thế giới đều bị nhiễm COVID-19 thì phần người chết sẽ là bao nhiêu? Tuy nhiên, một số người cũng sử dụng thống kê này như một hướng dẫn để ước tính rủi ro cá nhân.

Người ta dễ nghĩ về thống kê như một kiểu xác suất. Ví dụ: những tuyên bố thường thấy như bạn dễ bị sét đánh hơn là chết trong một cuộc tấn công khủng bố, hoặc chết khi lái xe đi làm dễ hơn là gặp tai nạn máy bay, đều dựa trên số liệu thống kê. Nhưng hiểu những tuyên bố này theo nghĩa đen có chính xác không?

Print Friendly and PDF

18.6.23

Biến đổi xã hội, trọng tâm trong sự nghiệp của Alain Touraine

BIẾN ĐỔI XÃ HỘI, TRỌNG TÂM TRONG SỰ NGHIỆP CỦA ALAIN TOURAINE

Geoffrey Pleyers[*]

Alain Touraine (1925-2023)

Nhà xã hội học Alain Touraine qua đời vào ngày 9 tháng 6. Sinh năm 1925, ông lấy bằng thạc sĩ sử học (agrégé) tại Trường Sư Phạm Cao Cấp/École Normale Supérieure năm 1950. Kể từ năm 1947 và trong hai thập kỷ, ông đã cống hiến những nghiên cứu của mình cho xã hội công nghiệp và phong trào lao động.

Khi đó, lao động là trung tâm của đời sống xã hội và Touraine đặc biệt đánh giá cao điều đó. Tuy nhiên, ông cũng là một trong những người đầu tiên nắm bắt được sự thay đổi sâu sắc mà sự ra đời của xã hội hậu công nghiệp sẽ mang lại từ cuối những năm 1960.

Quá trình chuyển đổi dần sang một xã hội “hậu công nghiệp” không có nghĩa là những xung đột về sự phân phối của cải đã biến mất, cũng như lao động ở nhà máy cho hàng triệu công nhân đã biến mất, mà trong cái xã hội mới nổi, giáo dục, thách thức văn hóa, thông tin và truyền thông đã dần thay thế sản xuất của cải vật chất trong sự định hướng của xã hội và của các xung đột xã hội.

Sự thống trị không chỉ được thực hiện ở nơi làm việc mà còn ở các lĩnh vực khác như giáo dục trong trường học, tiêu dùng đại chúng và thông tin. Sự phản kháng và biến đổi của xã hội do đó cũng diễn ra trong các lĩnh vực này.

Với việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục đại học và tiêu thụ của cải vật chất và văn hóa, người dân Đông Âu, sinh viên người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ và sinh viên ở Mexico đã vận động cho dân chủ, dân quyền và công lý.

Khác xa với mô hình phản kháng/chống đối xã hội công nghiệp, các sinh viên năm 1968 đã công bố một cuộc cách mạng sáng tạo và văn hóa chống lại mô hình xã hội, văn hóa và chính trị vẫn chiếm ưu thế.

Print Friendly and PDF

17.6.23

Trung Quốc: Đàn áp, nổi dậy và chuỗi cung ứng

TRUNG QUỐC: ĐÀN ÁP, NỔI DẬY VÀ CHUỖI CUNG ỨNG

Một phong trào chưa từng có đang lan rộng ở Trung Quốc. Dân chúng nổi lên chống lại chính sách không có Covid. Đằng sau những cuộc nổi dậy này, có lẽ một sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra. Dù sao đi nữa, chúng cũng đã bộc lộ một nỗi lo âu về cuộc sống: tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng – công cụ chính của quyền lực Trung Quốc.

Ảnh của phong trào đêm 27.11.2022 Thượng Hải (qua Twitter)

Qin Shuo/Tần Sóc (1968-) là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và là một nhà bình luận khá nổi tiếng ở Trung Quốc. Năm 2000, sau khi được đào tạo trong ngành báo chí, Shuo theo học tại Đại học bang California, nơi ông lấy bằng thạc sĩ hành chính công. Từ năm 2001, ông hoàn thành bằng tiến sĩ tại Đại học Tôn Trung Sơn, tập trung vào tiếp thị và hành vi người tiêu dùng ở Trung Quốc. Vào tháng 6 năm 2015, Qin Shuo từ chức chức tổng biên tập của China Business News/Tài Kinh (Caijing 财经), tờ báo mà ông có tham vọng biến thành tờ Tạp chí Wall Street Journal của Trung Quốc. Vào ngày 16 tháng 10 cùng năm, ông thành lập phương tiện truyền thông của riêng mình mang tên Câu Lạc Bộ những người bạn của Qin Shuo/Tần Sóc bằng hữu quyển (秦朔朋友圈), liên quan đến bản tin tức thời sự mà tất cả người dùng WeChat có và tập hợp xung quanh các ý tưởng của Qin Shuo với 278.000 người đăng ký.

Gần đây, dịch bùng phát trở lại ở nhiều nơi, và sự kiện ở Trịnh Châu - nhà máy Apple lớn nhất Trung Quốc, nơi công nhân nổi dậy chống lại các biện pháp đàn áp của chính sách không có Covid - đã gây chấn động dư luận Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một số trí thức, nỗi lo lắng không chỉ là phòng chống và kiểm soát dịch, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, khôi phục sản xuất, mà còn là sự an toàn của ngành công nghiệp chế tạo và chuỗi cung ứng.

Bài viết này được xuất bản vào ngày 16 tháng 5 năm 2022 và được Tạp chí Văn hóa Bắc Kinh/Beijing Cultural Review đăng lại vào ngày 3 tháng 11 khi các công nhân tại nhà sản xuất Foxconn cố gắng thoát khỏi các biện pháp y tế nghiêm ngặt có khả năng phong tỏa nhà máy và khu vực xung quanh. Bài này khẳng định rằng, trong khuôn khổ của tiến trình bình thường hóa công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, của sự phát triển kinh tế xã hội, người Trung Quốc cần hiểu sâu hơn về chuỗi cung ứng. Tần Sóc đưa ra năm điểm đi theo hướng này.

Đầu tiên, chuỗi cung ứng của Trung Quốc phải được bảo vệ về mặt chính trị và chiến lược. Các chuỗi cung ứng là một trong những nền tảng xây dựng xã hội và phép màu kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ qua chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống chuỗi cung ứng mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả của Trung Quốc.

Thứ hai, tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng phải được hiểu đầy đủ từ quan điểm của các mối liên kết phổ quát. Ở một số nơi, các nguyên liệu thô, các nhà sản xuất, các hàng hóa, các xe tải và những người lái xe trong chuỗi cung ứng cảm thấy ít liên quan và không được yêu thương bởi chuỗi cung ứng, điều này có hậu quả là làm cho các mối liên kết bị hạn chế hoặc thậm chí bị rối loạn.

Thứ ba, điều quan trọng là dự đoán khủng hoảng và tạo ra một chuỗi cung ứng mang tính hòa nhập. Từ góc độ của chính phủ, cần phải đảm bảo tính lưu chuyển tối thiểu của chuỗi cung ứng cần thiết. Từ góc độ các công ty, chúng ta cần chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng xảy ra trong thời gian bình thường và phản ứng một cách quyết đoán khi chúng phát sinh.

Thứ tư, Trung Quốc phải khôn ngoan trong trường hợp khẩn cấp và tạo ra chuỗi cung ứng cứu trợ với nhiều điểm triển khai linh hoạt. Trước đây, trọng tâm của chuỗi cung ứng là sự quản lý tinh gọn, nhưng ngày nay chúng ta cần xem xét quản lý chuỗi cung ứng phi tập trung trên nhiều địa điểm, không chỉ ở các thành phố khác nhau, mà còn ở các tỉnh khác nhau.

Thứ năm, Trung Quốc cần tăng cường “tính tổ chức và sức mạnh tâm lý của mình” để xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững. Để đối phó với các khó khăn, trước hết phải có một khả năng ra quyết định linh hoạt và nhanh chóng, nền văn hóa tổ chức và sự quan tâm của nhân viên là cần thiết để tạo nền tảng nội tại cho việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi/đề kháng.

Thứ sáu, Trung Quốc phải tận dụng công nghệ để tạo ra một chuỗi cung ứng kỹ thuật số và thông minh. Số hóa, trí tuệ nhân tạo cũng như các công nghệ và công cụ không tiếp xúc khác có thể là một sự đóng góp rất quan trọng để “bảo vệ” chúng ta chống lại thời gian ngừng hoạt động của chuỗi cung ứng.

Print Friendly and PDF

15.6.23

Trong mớ bòng bong toàn cầu hóa

TRONG MỚ BÒNG BONG TOÀN CẦU HÓA

Tác giả: Jens Glüsing, Laura Höflinger, Heiner Hoffmann, Ralf Neukirch, Michael Sauga, Bernhard Zand (Tuần báo Spiegel số 21/2023)

Người dịch: Nguyễn Phú Lộc

G7, câu lạc bộ của những nước không-còn-quan-trọng-lắm: Với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, trật tự thế giới trước đó đã kết thúc. Các quốc gia như Ấn Độ và Brazil đang thể hiện một phong cách tự tin mới. Sự trỗi dậy của các nước trước đây còn nghèo, cuộc đấu tranh với Trung Quốc, sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới – trật tự thế giới của thế kỷ 20 đã kết thúc bằng cuộc chiến của Nga. Các nước G7 đang mất dần ảnh hưởng, đặc biệt là châu Âu đang bị đẩy sang bên lề.

***

Vài năm trước, kiến trúc sư Nhật Bản Hajime Narukawa đã nhận được một trong những giải thưởng thiết kế uy tín nhất của đất nước mình. Ông đã thành công trong việc tạo ra một bản đồ chính xác về thế giới – ít nhất là chính xác hơn so với cách quy chiếu thông thường cố gắng mô tả tỷ lệ của quả đất theo hai chiều.

Như trên hầu hết các bản đồ thế giới ở châu Á, Narukawa không đặt Đại Tây Dương vào trung tâm mà là Thái Bình Dương. Bắc bán cầu nhỏ hơn và Nam bán cầu lớn hơn đáng kể so với bản đồ truyền thống. Các quốc gia Bắc Mỹ, Bắc Á và Châu Âu dường như bị nén lại một cách kỳ lạ, trong lúc Châu Phi, Đông Nam Á và Nam Mỹ như được kéo rộng ra – nhưng đó là tỷ lệ thực sự. Greenland gần như biến mất ở rìa trên cùng của hình ảnh, làm cho Nam Cực hiển hiện rõ ràng hơn.

Hajime Narukawa (1971-)

Tuần này, các nhà lãnh đạo của các nước G7 gặp nhau tại Nhật Bản trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 49, và giống như bản đồ của Narukawa, họ cũng phải đối mặt với một thế giới xem ra khác hẳn so với những gì họ còn nhớ trước đây.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã thay đổi quy mô xa hơn so với dự đoán tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của bảy quốc gia công nghiệp lớn của phương Tây. Vào tháng 6 năm 2022, “thời khắc Kiev” vẫn còn kéo dài, sự thống nhất được tái lập của phương Tây toàn cầu, đằng sau đó thế giới dường như đang tập hợp lại: Sau cuộc xâm lược của Putin, 141 quốc gia bỏ phiếu thuận nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, được đưa vào nghị sự bởi Ukraine, G7 và các quốc gia khác. Chỉ có bốn quốc gia bỏ phiếu cho Nga. Một sự khẳng định rõ ràng, thậm chí áp đảo, trên cơ sở trật tự thế giới tự do dựa trên quy tắc?

Print Friendly and PDF

13.6.23

Khoa học bị thiệt hại vì thiếu tính tái lập các kết quả nghiên cứu

KHOA HỌC BỊ THIỆT HẠI VÌ THIẾU TÍNH TÁI LẬP CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tác giả: Valentin Weber

Nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học nhận thức tại ENS-PSL

(Ecole Normale supérieure - Université Paris Sciences et Lettres)

Tóm tắt

  • Hiện nay, các khoa học xã hội, nhưng ngay cả nghiên cứu y sinh và các bộ môn khoa học khác đều đang trải qua “một cuộc khủng hoảng về tái lập các kết quả”.
  • 1/3 các kết quả nghiên cứu trong khoa học xã hội là không thể tái lập – và thế là có sai lạc tiềm tàng, vì tính tái lập là một yếu tố quyết định chính yếu của tính khoa học của các công trình.
  • Đáng chú ý là khủng hoảng này là do nhu cầu cung cấp những kết quả sáng tạo đổi mới và có ý nghĩa để được công bố trên những tạp chí khoa học có uy tín.
  • Như vậy, giải pháp có thể được thể hiện bởi các “báo cáo đã đăng ký quy ước nghiên cứu”, chúng bảo đảm rằng việc công bố nghiên cứu dựa trên nền tảng duy nhất của các giả thuyết ban đầu, ngay trước khi được biết các kết quả cuối cùng.

Tính tái lập hay khả năng tái lập – có nghĩa là những nhà khoa học khác có thể đạt được những kết quả tương tự như kết quả của một thí nghiệm gốc nếu họ thực hiện thí nghiệm trong những điều kiện giống nhau – là một điều bắt buộc của phương pháp khoa học. Tóm lại, nó có nghĩa là các kết quả của một thí nghiệm phải giống nhau, bất kể tác giả là ai. Và thường thường đó là trường hợp xảy ra. Tuy nhiên, trong nhiều bộ môn khác nhau của các khoa học xã hội, và ngay cả trong nghiên cứu y sinh, một số kết quả nghiên cứu khoa học đã không thể được tái lập sau đó bởi các nhà khoa học khác, điều này đã đặt lại vấn đề các nghiên cứu gốc[1],[2],[3].

Được biết đến với tên gọi “cuộc khủng hoảng của khả năng tái lập”, vấn đề không chỉ liên quan đến một vài nghiên cứu được công bố trên những tạp chí trình độ thấp. Thực ra, nó liên quan đến một phần ba các nghiên cứu trong các khoa học xã hội, kể cả những nghiên cứu được công bố trên những tạp chí có uy tín tương đương với Science hay Nature.[4] Các nghiên cứu được đề cập đến bao gồm nhiều hiện tượng khác nhau đã được biết rất rõ, nhiều hiện tượng đã tìm được chỗ đứng trong đại bộ phận công chúng. Trong số này, có những khái niệm đã lan truyền rộng rãi chẳng hạn như mối đe dọa của sự rập khuôn[5], những thiên kiến ngầm[6] hay hiệu ứng mồi xã hội[7]. Đó chỉ là ba kết luận nổi tiếng nhất, chúng đã là đối tượng của những phê phán nghiêm túc, đến mức chúng có thể không còn tồn tại sau một sự khảo sát về phương pháp luận kỹ lưỡng hơn. Nhưng chúng ta đã đi đến cuộc khủng hoảng này như thế nào, và chúng ta có thể làm gì để cứu chữa tình trạng này?

Print Friendly and PDF

11.6.23

Triển vọng và hiểm họa của AI tạo sinh

TRIỂN VỌNG VÀ HIỂM HỌA CỦA AI TẠO SINH


Mặc dù các công cụ như ChatGPT có thể thay thế hàng triệu người lao động, nhưng chúng cũng có thể đem lại mức tăng năng suất cần thiết để nâng cao thu nhập và mức sống. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng công nghệ mạnh mẽ này mang lại những lợi ích được san sẻ rộng rãi, chúng ta phải lưu ý đến các bài học từ làn sóng đổi mới kỹ thuật số vừa qua.

CAMBRIDGE – Kể từ khi OpenAI phát hành chatbot ChatGPT vào năm ngoái, ngày càng có nhiều nhà phân tích dự đoán rằng trí tuệ nhân tạo tạo sinh sẽ thay thế hàng triệu người lao động và gây ra biến động kinh tế trên diện rộng. Nhưng chính xác AI sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như thế nào?

Print Friendly and PDF

10.6.23

Adam Smith như thể bạn chưa bao giờ đọc ông

ADAM SMITH NHƯ THỂ BẠN CHƯA BAO GIỜ ĐỌC ÔNG

Nhân kỉ niệm ba trăm năm ngày sinh của triết gia và kinh tế gia xứ Scotland, xin được quay lại nhanh chóng với tư tưởng của ông, một tư tưởng xa lạ với việc tụng ca thị trường dù điều đó thường được gán cho ông.

Christian Chavagneux

Một hôm Adam Smith (1723-1790) có viết là ông đã sống một cuộc đời “cực kì đơn điệu”. Thật vậy, phần lớn cuộc đời của người độc thân thâm căn cố đế này trong nỗi ám ảnh bị bệnh đã trải qua bên mẹ mình thoạt nhìn không có gì hấp dẫn. Dù sao ta có thể kể việc ông bị những kẻ du cư bắt lúc ba tuổi như một cuộc phiêu lưu khó tin. May cho ông, họ đã chọn bỏ rơi ông lại hơn là phải đối mặt với với đông đảo người rượt đuổi đằng sau[1].

Sau khi theo học tại đại học Glasgow, ông tiếp tục ở đại học nổi tiếng Oxford. Không rõ ông có giữ kí ức không tốt ở đây không? Thế nào đi nữa thì ông cũng viết trong Của cải của các dân tộc (Quyển V, chương 1) là các đại học có ngân sách dồi dào có xu hướng trở thành “những thành trì mà các hệ thống bị phê phán và những thành kiến lỗi thời còn tìm được nơi trú ẩn và sự bảo vệ sau khi đã bị đuổi ra khỏi bất kì ngõ ngách nào trên thế giới”...

Ông chuộng các đại học ít nổi tiếng hơn, như đại học Glasgow, nơi ông sẽ giảng dạy triết học đạo đức trong mười ba năm. Trái với các cây đa cây đề trong kinh tế học ngày nay, ông sẽ tham gia nhiều vào việc quản lí đại học, không chỉ giới hạn công việc của ông vào lĩnh vực thuần tuý hàn lâm.

Mối quan tâm đầu tiên của ông là thiên văn học và những lí thuyết khác nhau của khoa học này. không phải vì thích để đầu óc trên trời hay vì bị khoa học hút hồn. Thật ra ông tìm cách nắm bắt cảm xúc của con người khi phải đối mặt với nhiều quan niệm khác nhau về thế giới. Ông bị quyến rũ bởi tình yêu tự phát và ý chí của chúng ta muốn tìm hiểu bằng mọi giá những gì bao quanh mình khiến chúng ta chấp nhận mọi hình thức giải thích, miễn là các hình thức này đề xuất “một cuộc trình diễn chặt chẽ cho sự tưởng tượng”. Ta bắt đầu hiểu rõ hơn vì sao các nhà kinh tế đã chọn ông làm người sáng lập bộ môn của họ!

Print Friendly and PDF