TẠI SAO BẤT BÌNH ĐẲNG CỰC ĐOAN GÂY RA SỰ SỤP ĐỔ VỀ KINH TẾ
Blogger khách mời tuần này là Tiến sĩ Sally Goerner, cố vấn khoa học của Học viện Tư bản (Capital Institute).
Sách trắng của John Fullerton, Chủ nghĩa tư bản Tái tạo, liệt kê 8 nguyên tắc có tính quyết định đối với sức khoẻ hệ thống kinh tế. Nhóm nghiên cứu, RARE[1], của Học viện Tư bản, sử dụng các tiến bộ khoa học gần đây - cụ thể là vật lý của dòng chảy[2] - để tạo ra một giải thích hợp lý và có thể đo lường được về cách những quy tắc này hoạt động để tạo nên hoặc phá vỡ sức sống trong những mạng lưới con người (human networks) nơi mà các nền kinh tế được xây dựng. Ở đây chúng tôi giải thích tại sao sự bất bình đẳng quá nhiều không chỉ là một vấn đề đạo đức. Trên thực tế, nó điều khiển các hệ thống kinh tế hướng về sự sụp đổ bằng cách hút sinh lực ra khỏi các nền kinh tế thực trên toàn thế giới.
Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Quốc tế Oxfam, trong năm 2010, 388 người giàu nhất đã sở hữu của cải nhiều bằng của cải của một nửa dân số nghèo nhất của thế giới, lên tới 3,6 tỷ người. Đến năm 2014, con số này đã giảm xuống còn 85 người. Oxfam tuyên bố rằng, nếu xu hướng này tiếp diễn, vào cuối năm 2016, 1% số người giàu nhất thế giới sẽ sở hữu nhiều của cải hơn tất cả mọi người còn lại trên thế giới gộp lại. Đồng thời, theo Oxfam, những người cực kỳ giàu có thì cũng cực kỳ hiệu quả trong việc tránh thuế, hiện họ đang che giấu ước tính khoảng 7,6 nghìn tỷ đô la ở các thiên đường thuế hải ngoại (offshore tax-havens)[3].
Tại sao chúng ta nên quan tâm đến bất bình đẳng kinh tế gộp như vậy?[4] Rốt cuộc, điều này không tự nhiên sao? Khoa học của dòng chảy nói: Vâng, một mức độ bất bình đẳng nào đó là tự nhiên, nhưng bất bình đẳng cực đoan lại vi phạm hai quy tắc cốt lõi của sức khoẻ hệ thống: sự lưu thông và cân bằng.