NHỮNG
THỦ PHẠM PHÁ HOẠI HÀNH TINH
PHẦN 1: THAN ĐÁ, DẦU LỬA VÀ HÓA CHẤT
Tác giả: Tôn Thất Thông
(Phỏng theo phóng sự truyền hình Die Erdzerstörer của
đài Pháp-Đức ARTE.TV)
Sự sụp đổ của dịch vụ đường sắt đô thị ở Mỹ, vốn dĩ là phương tiện giao
thông công cộng rất thân
thiện với môi trường, không phải là sự tiến hóa tự nhiên của thị trường, mà là
kết quả của một âm mưu thâm độc của giới công nghiệp liên quan đến dầu lửa.
Trong lúc loài người hít thở ngày càng nhiều khí thải CO₂, thì giới vận động
hành lang tuyên truyền rằng, đó là tiến bộ, là hiện đại, là xu hướng tất yếu để
phát triển phồn vinh.
***
Từ không trung nhìn xuống, chúng ta thấy quả đất với hai màu sắc tinh khiết:
trắng và xanh. Đó là màu của mây, của các lục địa và đại dương mênh mông. Ở bên
dưới tầng mây có vẻ như một thiên đường với không khí tỏa hương thơm ngát, thêm
mùi muối biển đậm đà và những khối nước trong xanh.
Nhưng trong khoảng không gian từ 0 đến 15 km trên mặt nước biển, ở mọi nơi
trên quả đất, đó là một kho bãi khổng lồ chứa 1.400 tỉ tấn khí thải CO₂, thứ
khí độc mà loài người, hay nói đúng hơn, những nước công nghiệp sớm phát triển
đã thải ra kể từ lúc cuộc cách mạng công nghiệp được bắt đầu cách đây hơn 200
năm. Hàng vạn tấn khí CO₂ thải ra không ngừng, năm này qua năm khác, cô đọng lại
và tích tụ ở vùng thấp của tầng khí quyển mà chúng ta phải hít thở hằng ngày.
Đó là sản phẩm phụ của công cuộc xây dựng thành quả tiến bộ mà loài người đạt
được từ 200 năm nay. Những tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã cải thiện đáng kể chất
lượng sống của chúng ta, đồng thời chúng cũng sản sinh ra Napalm, thuốc trừ
sâu, chất độc hóa học, rác thải hạt nhân và những thứ khác vốn dĩ đã nâng cao
nhiệt độ khí hậu. Chúng ta đã tạo ra tiến bộ, đồng thời cũng mang tai họa cho
hành tinh này, mà các thế hệ về sau sẽ phải hứng chịu. Điều đó chúng ta có thể
thấy rõ ở không khí, ở các lớp cặn, trên đất liền, ở hiệu ứng nhà kính khắp
nơi.
***
Các nhà khoa học đã không ngừng lên tiếng báo động. Tác động của con người
lên thiên nhiên đã đạt đến mức độ cao để chúng ta có thể kết luận rằng, hiện
nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mới của lịch sử loài người, một kỷ
nguyên mới về địa chất. Trong thực tế, kỷ nguyên địa chất thay đổi không nhiều.
Cho đến nay chúng ta vẫn sống trong kỷ nguyên địa chất Holocene vốn đã bắt đầu
từ lúc chấm dứt kỷ nguyên băng hà cách đây 12 thiên niên kỷ. Và bây giờ mới đến
kỷ nguyên địa chất tiếp theo. Những gì loài người chưa đạt được trong 11.700
năm đã qua, thì con người cận và hiện đại đã đạt đến đích chỉ trong vòng 200
năm, tạo nên bước ngoặt để loài người chứng kiến một kỷ nguyên địa chất mới. Kỷ
nguyên mới này đã được hàng ngàn báo cáo khoa học vừa làm nhân chứng vừa thúc đẩy
sự biến hóa, kỷ nguyên mà Hiệp hội Quốc tế về Khoa học Địa chất (International
Union of Geological Sciences) đặt tên là kỷ nguyên của loài người (Anthropocene),
kỷ nguyên của những tội đồ phá hoại hành tinh.
Nói rõ là, không phải chúng ta đang sống trong một một cuộc khủng hoảng môi
trường, mà chúng ta sắp hoàn tất cuộc cách mạng địa chất do chính con người tạo
ra, cuộc cách mạng đã mang lại một số điều tốt đẹp, đi kèm với nhiều điều phiền
toái làm con người khó sống hơn trong tương lai. Biến cố lịch sử nào, thành quả
khoa học kỹ thuật nào, quyết định chính trị và công nghiệp nào đã dẫn chúng ta
đến bước ngoặt này? Tiến bộ nào trong lịch sử đã mang chúng ta đi xa như thế?