THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 –
1991 (7)
THE AGE OF EXTREMES
Nguyễn Ngọc Giao dịch
PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương
còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung
giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của
hai thế kỷ.
MỤC LỤC
|
Eric J. Hobsbawm (1917-2012) |
Lời tựa và Cảm tạ
Lời tựa bản tiếng
Pháp
Hình ảnh minh họa
Chú thích các hình
ảnh
Thế kỉ nhìn từ
đường chim bay
phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA
chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện
chương 2 Cách mạng thế giới
chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế
chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal
chương 5 Chống kẻ thù chung
chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945
chương 7 Sự cáo chung của các Đế
chế
phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM
chương 8 Chiến tranh Lạnh
chương 9 Thời đại Hoàng kim
chương 10 Cách mạng xã hội,
1945-1990
chương 11 Cách mạng văn hóa
chương 12 Thế giới thứ Ba
chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện
tồn”
Phần thứ ba: SỤP ĐỔ
chương 14 Những thập niên Khủng
hoảng
chương 15 Thế giới thứ Ba và cách
mạng
chương 16 Sự cáo chung của chủ
nghĩa xã hội
chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ
thuật sau 1950
chương
18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành
khoa học tự nhiên
chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ
mới
* * *
Phần thứ nhất
THỜI ĐẠI TAI HỌA
Chương 7
SỰ CÁO CHUNG CỦA CÁC ĐẾ CHẾ
“Năm 1918 anh ta trở thành người khủng bố
cách mạng. “Sư phụ” của anh có mặt trong buổi
lễ cưới, và trong 10 năm trời, cho đến khi vợ chết vào năm 1928, anh ta không
hề sống chung với vợ. Đối với người
cách mạng, đó là một thứ kỉ luật sắt: tránh xa đàn bà [...]. Anh ta thường kể lể với tôi Ấn Độ sẽ tự giải phóng như kiểu Ireland. Chính trong thời gian quen anh ta mà tôi đọc cuốn My
Fight for Irish Freedom (Đấu tranh cho Tự do
của Ireland) của Dan Breen. Dan
Breen là người mẫu lý tưởng của Masterda. Anh đặt tên cho tổ chức của mình là “chi đội Chittagong” của “Quân đội
Cộng hòa Ấn Độ”, giống như “Quân đội
Cộng hòa Ireland””.
Kalpana DUTT, (1945,
tr. 16-17)
“Các nhà cai trị thuộc địa hợp thành một
chủng loại người trời riêng biệt, họ chấp nhận, thậm chí khuyến khích hệ thống hối lộ và tham nhũng, vì đó là
phương tiện ít tốn kém để kiểm soát
đám dân chúng nghịch ngạo và thường muốn li khai. Trên thực tế, điều ấy có nghĩa là mỗi người có thể đạt được cái gì
mình muốn (thắng kiện, giành được một hợp đồng
với chính quyền, được vinh danh nhân dịp sinh nhật, hay được bổ nhiệm vào một chức tước) bằng cách quà cáp cho người nào
có quyền ban phát hay từ chối điều anh ta mong muốn. “Quà cáp” không nhất thiết là một món tiền (như thế thì thô lỗ quá, và ở Ấn Độ, hiếm
có người châu Âu nào chịu giơ tay làm như vậy). Quà có thể là sự biểu thị lòng tôn kính, thân thiện, có thể là tiếp đón
đãi đằng hậu hĩ, hay là đóng góp vào một “việc
nghĩa”, và, trên hết cả, sự quy phục chính quyền thuộc địa”.
M. CARRITT (1985,
tr. 63-64)
I
Trong thế kỉ XIX,
một nhúm quốc gia – chủ yếu là những nước ở ven bờ bắc Đại Tây Dương – đã chinh
phục toàn bộ thế giới ngoài châu Âu một cách dễ dàng đến mức nực cười. Không cần
chiếm đóng hoặc cai trị, các nước phương Tây thiết lập sự ưu việt không thể cưỡng
lại thông qua hệ thống kinh tế xã hội cũng như tổ chức và công nghệ của họ. Chủ
nghĩa tư bản và xã hội tư sản làm thay đổi thế giới, chế ngự thế giới và cung
cấp mô hình – cho đến năm 1917, đó là mô hình duy nhất – cho những ai không
muốn bị cỗ xe của Lịch sử đè bẹp hay xua đuổi. Sau năm 1917, chủ nghĩa cộng sản
Soviet đề xướng một mô hình thay thế, nhưng về cơ bản, mô hình này cũng cùng
một loại, chỉ khác là không có doanh nghiệp tư nhân và không có các định chế
liberal. Lịch sử thế kỉ XX của thế giới phi – Tây phương, hay chính xác hơn,
của thế giới ngoài phía bắc của phương Tây, vì vậy chủ yếu bị quy định bởi mối quan
hệ của nó đối với những nước, trong thế kỉ XIX, đã tự xưng là chúa tể của loài người.
|
Edward P. Thompson (1924-1993) |
Trong ý nghĩa ấy,
lịch sử Thế kỉ XX Ngắn là một thứ lịch sử thiên vị về địa lí, và chỉ có thể như
vậy khi sử gia muốn tập trung vào động lực của những biến đổi có tính toàn cầu.
Điều đó không có nghĩa là chúng tôi chia sẻ quan điểm trịch thượng, rất ư “dĩ
Âu vi trung”, thậm chí kỳ thị chủng tộc, hay thái độ tự mãn phi lý khá phổ biến
ở các nước giàu có. Sự thật là người viết cực lực phản đối cái mà E. P.
Thompson gọi là “sự trịch thượng ghê gớm” đối với các nước nghèo khó và lạc
hậu. Song quả thật là động lực bộ phận lớn nhất của thế giới trong Thế kỉ XX là
động lực phái sinh chứ không phải là động lực nguyên khởi. Đó chủ yếu là những
nỗ lực của các thành phần tinh hoa trong các xã hội phi – tư sản tìm cách noi
theo mô hình do phương Tây đề xuất: một mô hình được nhìn nhận như là mô hình
của những xã hội sản sinh ra tiến bộ, phồn vinh, phú cường và văn minh, thông qua
“phát triển” kinh tế và khoa học – kĩ thuật, dưới dạng tư bản chủ nghĩa hay XHCN.
Không có con đường nào khác hơn là “Tây phương hóa” hay “hiện đại hóa”, muốn gọi
nó thế nào cũng được. Ngược lại, chỉ vì sự tế nhị ngoại giao mới buộc người ta
phải tạo ra những tên gọi khác nhau cho sự “lạc hậu” (Lenin không ngần ngại
dùng từ “lạc hậu” để nói về nước Nga của mình và “các nước thuộc địa lạc hậu”) khi
đề cập tới các nước vừa thoát khỏi chế độ thực dân (“chậm phát triển”, “đang phát
triển”…).
Mô hình “phát triển”
này có thể kết hợp với những tín ngưỡng và hệ tư tưởng khác miễn là những thứ
này không can thiệp vào sự phát triển, nói ví dụ: miễn là nước “đang phát
triển” này không chống lại việc xây cất sân bay chỉ vì kinh Islam hay kinh
Thánh cấm đoán, hay vì việc này đi ngược lại truyền thống hiệp sĩ Trung cổ, hay
mâu thuẫn với “tâm hồn slav”. Mặt khác, khi những tín ngưỡng ấy chống lại quá
trình “phát triển” trong thực tiễn chứ không phải đơn thuần về mặt lí
luận, thì chắc chắn sẽ thất bại và phá sản. Tuy nhiên, tin rằng ma thuật bùa
chú có thể gạt được đạn súng máy sang một bên, dù niềm tin ấy thành khẩn và
mạnh mẽ tới đâu chăng nữa, cũng khó thành công. Điện thoại hay điện tín rốt cuộc
là những phương tiện truyền thông hiệu quả hơn là sự thần giao cách cảm của các
bậc tu hành thánh thiện.