8.5.19

Tưởng niệm làm cho sử học bị đóng băng và loại bỏ sứ mệnh quấy rầy của nó


TƯỞNG NIỆM LÀM CHO SỬ HỌC BỊ ĐÓNG BĂNG VÀ LOẠI BỎ SỨ MỆNH QUẤY RẦY CỦA NÓ
Nico Wouters
Vĩnh biệt lễ tưởng niệm 100 năm cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918 và sắp tới là lễ tưởng niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sử học là nạn nhân của các cuộc kỉ niệm này. Đó là lời cảnh báo của Nico Wouters, giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu và tư liệu về chiến tranh và xã hội hiện đại (Cegesoma).
  Cuộc phỏng vấn dưới đây do nhà báo Pierre Haveaux thực hiện.
Pierre Haveaux (PH): Phải chăng Bỉ làm hơi quá nhiều trong lãnh vực tưởng niệm?
Nico Wouters (N.W): Vấn đề ở đây không phải là số lượng các lễ tưởng niệm mà là việc không còn đủ nghiên cứu sử học. Tưởng niệm là một hành động hoàn toàn chính đáng và cần thiết, ta không thể nào không tưởng nhớ. Nhưng tưởng niệm không phải là sử học. Tuy nhiên, sự mất cân đối giữa hai yếu tố này đã trở thành quá lớn. Từ nay, lễ tưởng niệm tồn tại tự nó, đến nỗi gây cảm tưởng là nó không còn cần đến sử học nữa. Việc mối liên hệ bị cắt đứt là nguy hiểm vì sử học có sứ mệnh là hiểu được quá khứ và tránh việc công cụ hóa quá khứ trong hiện tại.
PH: Vậy thì sự chuyển biến đặt ra nhiều câu hỏi này đã có từ bao giờ?
Pierre Havaux
Nico Wouters
NW: Theo tôi thì nó đã bắt đầu từ lễ kỷ niệm 50 năm ngày chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai năm 1995. Đã có một sự đứt đoạn. Chính quyền và bộ máy hành chánh, ở vùng Flandre cũng như ở vùng nói tiếng Pháp, đã bắt đầu sử dụng một cách mạnh bạo hơn một chính sách dựa trên ký sự với những mục tiêu hướng tới việc tưởng niệm và giáo dục. Vì chính quyền, xuất thân từ một nước Bỉ đã trở thành một quốc gia liên bang, buộc phải xây dựng cho chính mình một tính chính đáng mới. Và vì sự trỗi dậy của phe cực hữu ở vùng Flandre, với đảng Vlaams Blok, đã buộc sử học phải gánh vác trách nhiệm một cách tích cực hơn để biện bạch cho chế độ dân chủ. Và cũng đúng vào thời điểm đó mà vị thế của nhà sử học – chuyên gia có thẩm quyền bị lu mờ dần và cũng đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ mà các công trình sử học là những quy chiếu, kể cả trong công chúng với sự thành công thật sự về mặt xuất bản.
PH: Với những hậu quả nào?
NW: Với hậu quả là đã làm xuất hiện một thứ trách nhiệm để xây dựng ký ức mà ta có thể coi như là một sự tái chính trị hóa sử học. Trong khi các nhà sử học chuyên về Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai đã đấu tranh thành công để phá vỡ những huyền thoại chính trị lớn về sự cộng tác (với kẻ chiếm đóng) và sự đàn áp, về cuộc kháng chiến, về Vấn Đề của Nhà Vua, v.v. thì sử học đã sáp nhập tính “phải đạo chính trị”. Và với sự xuất hiện của khái niệm Shoah (sự diệt chủng của dân tộc Do Thái) như là hệ chuẩn cho sự diễn giải về cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, thì một quan điểm đạo đức về lịch sử đã được áp đặt cùng với trách nhiệm tưởng niệm. Quá khứ có những vùng màu xám nhưng nay thì mọi việc đều được nhận thức như là trắng hay đen, và ý thức về những sắc thái đang phải chịu nhiều áp lực và dần dần bị đánh mất. Ngày hôm nay, vấn đề về những lời xin lỗi của Công Ty Đường Sắt về việc đã từng tham gia vào việc đày những người Do Thái lại nổi lên: có tội hay vô tội? Mà hồ sơ này lại dẫn đến một vấn đề phức tạp hơn nhiều về thái độ chung của chính quyền Bỉ dưới thời bị Đức chiếm đóng. Như vậy sử học đã được thay thế bởi một sự nhất trí về ký ức, được đơn giản hóa, với một bên là những người tốt và bên kia là những người xấu. Chúng ta đang đi thụt lùi.
PH: Như vậy rốt cuộc, lễ tưởng niệm lại có hại đối với sử học?
NW: Lễ tưởng niệm làm cho sử học bị đóng băng. Lễ tưởng niệm là một tiến trình xúc cảm, một thời điểm để hòa nhập với quá khứ, điều mà tôi hoàn toàn không chối cãi. Nhưng, từ chính cái định nghĩa đó, nó mang tính chính trị. Chẳng hạn ta hay nói một cách hóm hỉnh rằng “nó cho ta biết rất ít về quá khứ, mà về hiện tai và tương lai”. Nó đưa ra một thông điệp mang tính thỏa thuận mà sử học được yêu cầu không làm rối loạn. Người ta chờ đợi sử học xác nhận những gì đã được biết rồi. Nhà sử học vẫn có thể quấy rầy, nhưng với điều kiện là bị giam hãm trong giới hàn lâm, giữa những bạn đồng nghiệp tranh luận giữa họ với nhau. Vai trò phê phán của ông vẫn được chấp nhận nếu ông không quấy rầy trách nhiệm xây dựng ký ức và đứng ở bên ngoài các cuộc tranh luận về xã hội. Tóm lại các nhà sử học bị đày đi, họ được tập trung trong một thứ “khu vực dành cho người Da đỏ” trong đó họ có thể sử dụng quyền tự do hàn lâm của họ mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Nhưng một lễ tưởng niệm vẫn có thể tiếp tục tiến triển dưới sự tác động của những kiến thức mà nghiên cứu sử học mang lại.
PH: Như vậy, lễ tưởng niệm cũng chỉ là một cái thùng kêu to những quan điểm lịch sử đã được xác định môt cách vững chắc?
NW: Đúng là gần như vậy. Ta nghĩ rằng ta biết hết mọi chuyện về Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai trong khi vẫn còn có những mảng to lớn vẫn chưa được biết đến vì chỉ được nghiên cứu một cách không đầy đủ. Nhưng tôi vẫn không thấy bất cứ dự án nghiên cứu lịch sử to lớn nào được dự kiến để tưởng niệm lần thứ 75 ngày chấm dứt cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. Thời cơ để dành được những tài trợ công phụ thuộc vào sự lựa chọn những chủ đề đã được biết đến nhiều vốn cũng chỉ xác nhận những ý tưởng để tưởng niệm. Đó là cách tiếp cận an toàn. Một khi mà cái khung đã được xác định, nó phải rõ ràng đối với mọi người. Cần phải tạo điều kiện cho một công trình nghiên cứu lịch sử độc lập chớ không phải khuyến khích một lễ tưởng niệm đã được xác định.
PH: Cuộc đấu tranh để tái lập sự cân bằng có vẻ như là không cân sức?
NW: Một lễ tưởng niệm là một bộ máy khổng lồ chuyển động, được kích động bởi các tác nhân thuộc giới chính trị, bảo tàng, truyền thông, thương mại vốn sẽ tạo nên một sự huy động văn hóa khổng lồ và sự tự chính đáng hóa mình khi khẳng định rằng mình đang làm nghiên cứu sử. Tôi hoàn toàn không biện hộ cho việc trở lại sự độc quyền của các nhà sử học, nhưng tôi muốn cảnh báo về sự lẫn lộn giữa những vai trò đã được tạo ra một cách có ý thức và xảo trá. Các nhà sử học phải từ chối bỏ cuộc, phải chiếm lại những lĩnh vực đã bị đánh mất, phải bảo vệ thẩm quyền giám định và sứ mệnh của mình vốn là đặt lại vấn đề về quá khứ dưới ánh sáng của những cách nhìn mới. Họ hiện diện để hoạt động như một la bàn giúp đỡ ta định hướng một cách đúng đắn giữa những sự kiện lịch sử nhằm tránh những hiểm nguy của việc công cụ hóa những sự kiện này.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: LE VIF EXPRESS, số 3532, 14-20 tháng 3 năm 2019
Print Friendly and PDF